Tuesday, June 30, 2009

ĐỌC SÁCH "CUNG VUA PHỦ CHÚA Ở HÀ NỘI" của BÙI TÍN

Điểm sách: Cung vua phủ Chúa… của Bùi Tín
Nguyễn Hữu Tấn Đức

Đăng ngày 29/06/2009 lúc 14:04:15 EDT
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=3900
Nghe như tác giả Bùi Tín kể chuyện ma…
Chẳng lẽ cựu phó tổng biên tập báo Quân Đội Nhân Dân, nhà báo phản kháng Bùi Tín, tác giả những Hoa Xuyên Tuyết, Mặt Thật, Mây Mù Thế Kỷ… và hàng trăm bài báo vạch trần những tệ đoan của chế độ độc tài, đăng đây đó gần hai chục năm qua làm chính quyền Việt Nam phải nhức đầu, giờ này quay ra viết mấy chuyện ma giật gân để kích tính hiếu kỳ của độc giả?
Đúng thế, ông kể ‘chuyện ma’, nhưng cả chuyện lẫn ma đều thật. Không phải loại chuyện ma xó, ma rừng, ma-cà-rồng cà-bông, ma xoã tóc trên lũy tre đầu làng… mà ngày xưa người lớn kể cho trẻ con trước khi đi ngủ làm chúng nghe chưa hết chuyện đã rút chân lên giường… ‘Chuyện ma’ ngày nay của ông Bùi Tín ly kỳ hơn, rùng rợn hơn: loại ma mà ông điểm mặt, mổ xẻ, mang bộ mặt con người bằng xương bằng thịt như anh như chị như tôi mà tinh xảo, ma quái, kinh khủng hơn loài ma huyền thoại bội phần (ôi, còn đâu những ‘con ma’… thân thương của tuổi thơ!).

Chuyện ‘ma Hà Nội’ của tác giả Bùi Tín làm người lớn thời nay, kể cả những người hiểu biết, thức thời, vốn không một xu yếu bóng vía, không những ‘rút chân lên giường’ mà còn phải quàng chân lên cổ mà chạy nếu muốn yên thân!

MA gì mà ghê gớm vậy? Mời nghe tác giả giải thích với ‘cái hóm hỉnh của người dân Việt Nam’:
«Đó là (cách) viết tắt tên của hai nhân vật tuy đã về hưu nhưng vẫn còn quyền uy lớn đối với chế độ hiện hành. M là chỉ ông Mười, Đỗ Mười; A là chỉ ông Anh, Lê Đức Anh. MA tức M+A, một cặp nhân vật gắn bó với nhau, Mười + Anh.
MA còn có nghĩa là ma quỷ, là có những mưu đồ thâm hiểm xảo quyệt, có hại cho dân cho nước. MA còn có thêm nghĩa nữa là không có thật, nhưng do lòng tin mù quáng của một số người đời mà thành ra có uy quyền, gây nể sợ cho xã hội. Như con ma ở gốc cây đa, không có thật, nhưng do mê tín của người yếu bóng vía nên được kính sợ, được cúng bái, dâng lễ, cầu xin sự che chở và ban ơn, ban bổng lộc, hạnh phúc.» (tr. 13)

Thế cái cốt của tựa quyển sách ‘Cung Vua và Phủ Chúa’ là cái gì ?

«Ý (người dân) nói Cung đình Hà Nội có thể ví như một triều đình phong kiến, Tổng bí thư có uy quyền tối cao, như một Hoàng đế, là kẻ có quyền quyết định tối cao và cuối cùng. Song cũng như thời xưa, nếu có Vua tốt, tài giỏi, đức độ thì cũng có Vua xấu, dốt, ăn chơi trác táng.
Quanh Vua là Tứ trụ triều đình, gồm có Ủy viên thường trực Bộ Chính trị, Chủ tịch Nước, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội.

Còn Phủ Chúa là ai ? Là cái thế lực không có tên gọi, danh xưng chính thức, không có trụ sở chính thức, không có bộ máy chính thức, chỉ có M+A, hai nhân vật đã nghỉ hưu, nhưng vẫn có thế lực và quyền uy, có công cụ không thể coi thường. Xưa kia, có những thời kỳ có hai quyền lực song song tồn tại, phối hợp lại cạnh tranh với nhau, vua Lê - chúa Trịnh trong thế kỷ 16-18.
Tình trạng Cung Vua và Phủ Chúa trong chế độ độc đảng ở Việt Nam có thật. Không những thế, nó là chìa khoá để có thể hiểu rõ được mọi diễn biến chính của thời cuộc Việt Nam, của diễn biến thời sự ở Việt Nam, những thành đạt và nhất là những trở ngại, mâu thuẫn và nghịch lý ở Việt Nam trên con đường ’Đổi mới’ và ‘Hoà nhập’, từ khoảng năm 1991 đến nay, nghĩa là từ đại hội VII Đảng CSVN đến nay.
Nó xứng đáng được đặt thành một chủ đề để khảo cứu một cách nghiêm chỉnh và khoa học, nhất là đối với các nhà hoạt động chính trị, những tổ chức và cá nhân dân chủ đối lập với chính quyền độc đảng toàn trị, những trí thức yêu nước, nhà văn hoá hoạt động văn học nghệ thuật chuộng tự do sáng tạo, các bạn trẻ khao khát cống hiến cho tổ quốc.» (tr. 13-14)

Tác giả phân tích hoàn cảnh dẫn đến tình trạng ‘cung Vua và phủ Chúa’, từ sự sụp đổ của phe xã hội chủ nghĩa và khủng hoảng chế độ chính trị ở Việt Nam. Sự kiện tường Berlin sụp đổ tháng 11.1989, và tiếp theo đó, tháng 8.1991, đảng CS Liên Xô bị giải thể, Liên bang Xô Viết cáo chung, phong trào cộng sản quốc tế tan vỡ, chiến tranh lạnh giữa hai phe chấm dứt… là «một cơn động đất chính trị kinh hoàng đối với nhóm lãnh đạo cộng sản cầm quyền ở Hà nội». Trước «một sự lựa chọn có ý nghĩa quyết định», «lẽ ra đảng CSVN phải thực hiện một cuộc tự phê bình chân thực đầy trách nhiệm trước dân tộc và nhân dân…, nhưng họ đã không làm như thế. Và một cơ hội lịch sử đã bị bỏ qua, do bản chất tự mãn, cao ngạo của nhóm lãnh đạo cộng sản, luôn bị mình mê hoặc mình (…) vì những cơn say chiến thắng với căn bệnh kiêu ngạo chủ quan…» (tr. 15-17).

May thay, «hồi 1988 có xuất hiện một Trần Xuân Bách trong bộ Chính trị, rồi đến 1995 một trung tướng Trần Độ, phó chủ tịch Quốc hội, rồi một Phan Đình Diệu tiến sĩ toán học… lên tiếng đòi chấm dứt nền chuyên chính một đảng, chuyển sang nền chính trị đa nguyên, tiến theo những giá trị dân chủ của thời đại. Những nhân vật này, tuy thất bại tạm thời, đã vớt vát danh dự của cả lớp trí thức còn mê muội và mê ngủ, chuốc lấy sự trừng phạt, trả thù và vu cáo của nhóm lãnh đạo, nhưng đã nêu gương sáng quý hiếm về trí tuệ và tâm huyết cho thế hệ tiếp theo.» (tr; 17)…


Tác giả kể ra những mưu đồ chiến lược của Phủ Chúa:

1. Kềm giữ Việt Nam trong vòng tay của Trung Quốc. Mục tiêu chính trị hàng đầu của Bắc Kinh là làm sao Việt Nam luôn và mãi mãi là ‘bạn tốt’, nghĩa là ‘chư hầu’, ‘phiên thuộc’, một vệ tinh, một thuộc địa kiểu mới của Bắc Kinh… Và chính họ đã dùng Phủ Chúa ở Hà nội để thực hiện sự kìm hãm ích kỷ này.
2. Kềm giữ Việt Nam luôn theo gót Trung Quốc, đặc biệt trong quan hệ với các nước phương Tây và Hoa Kỳ. Trung Quốc vào OMC/WTO từ tháng 12.2001, trước Việt Nam đến 6 năm. Bắc Kinh vào Liên Hiệp Quốc thay Đài loan từ năm 1971, Việt Nam vào lâu sau đó, tháng 9.1977.
3. Kềm giữ Việt Nam trong chế độ XHCN mác-xít mao-ít, với đặc điểm là theo học thuyết đấu tranh giai cấp và thiết lập nền chuyên chính của một đảng duy nhất – đảng cộng sản.
4. Thực hiện đàn áp thẳng tay, tức thời mọi biểu hiện chống đối độc quyền đảng trị, đòi tự do dân chủ. Vì chính quyền độc đảng hiểu rằng nếu nó nhượng bộ lẽ phải và chân lý, lùi một bước thì sẽ phải lùi thêm một bước, rồi một bước nữa, để rồi không tránh khỏi bị ngã ngựa, xuống đài và lăn kềnh. Vì thế ở trong nước nó vẫn hành động ngang ngược theo bản chất hung hãn chà đạp nhân phẩm và nhân quyền cố hữu… Bắc Kinh kiểm soát chặt chẽ internet, cấm báo chí tư nhân, lập tường lửa chặn các mạng internet đòi dân chủ, phá sóng đài Á châu Tự do RFA…, Việt Nam cũng răm rắp làm theo.
5. Làm tay trong để thỏa mãn tham vọng bành trướng xuống phương Nam của Trung Quốc, như việc đàm phán và ký kết hai Hiệp ước Việt-Trung về phân định biên giới trên bộ và trên biển trong Vịnh Bắc bộ, và việc ký Nghị định thư về đánh cá chung ký cùng ngày với Hiệp ước trên cũng gây thiệt hại vô hạn vì Trung Quốc có đội đánh cá vùng biển phía Nam mạnh gấp 20 lần của Việt Nam trong Vịnh Bắc bộ. Giống như việc chia chiếc bánh ‘bình đẳng’ giữa một lực sĩ tham ăn với một chú bé lên 10 ốm yếu vậy. Bao nhiêu tài nguyên hải sản trong Vịnh Bắc bộ đã và còn bị ông bạn khổng lồ phía Bắc vơ vét hết… (tr. 49-52)

Tạm ngừng trích thêm ở đây. Chỉ cần biết là trong một tác phẩm gồm 300 trang mà phần chính của tác giả chỉ chiếm không đầy một phần tư (70 tr), tác giả đã vẽ lên một bức tranh linh hoạt về những thăng trầm của đất nước (thăng chẳng được bao lâu mà trầm thì liên tục) trong hai thập niên qua, với hàng chục nhân vật được mô tả một cách sinh động và những đoạn phân tích sâu sắc. Phần còn lại (230 tr) dành cho các Phụ lục trong đó nổi bật tập
Hồi ức và Suy nghĩ (130 tr) của cựu thứ trưởng Ngoại giao Trần Quang Cơ viết xong từ năm 2003, mãi gần đây mới được ‘chui’ ra ngoài. Phải nói đây là một tư liệu quý giá cho tác giả Bùi Tín, bổ sung cho kinh nghiệm riêng của một nhà báo thiện nghệ từ chiến trường và những thông tin đầu tay mà ông lấy tận nguồn qua bạn bè của ông từ Hà Nội.

Tóm lại, muốn hiểu phần nào tình hình Việt Nam hiện tại với những điểm nóng gần đây, rất nên đọc hết 70 trang của Bùi Tín, thấu triệt những dấu mốc thời gian và những khúc ngoặt có tính chiến lược xảy ra từ 30 năm nay:

- 1979: chiến tranh biên giới Trung-Việt, hậu quả của việc VN xâm chiếm Cao miên (thật ra cuộc chiến tranh VN-Khmer Đỏ từ 1977 đến 1988 cũng chỉ là một ‘pha’ của sự đối đầu giữa VN và TQ từ ngày miền Bắc chiếm miền Nam và thống nhất đất nước)
- 1979-91: 12 năm xung khắc giữa hai anh em xã hội chủ nghĩa
- 1988: TQ xâm chiếm Trường Sa (sau khi chiếm Hoàng Sa của VNCH từ 1974)
- tháng 9.1990: cuộc Họp Việt-Trung cấp cao tại Thành Đô, Tứ Xuyên, trong đó phía VN “bị mắc bãy, mắc lỡm, bị đánh lừa và chơi xấu” bởi Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân và Lý Bằng
- tháng 6.1991: Đại hội VII Đảng CSVN thay đổi chiến lược đối với TQ
- tháng 11.1991: ‘bình thường hoá’ liên hệ Việt-Trung, TQ tung ra câu thần chú ‘giải pháp đỏ’ được VN hồ hởi đón nhận
- tháng 3.1994: Hoa Kỳ bãi bỏ cấm vận VN
- giữa năm 1995: tái lập bang giao Mỹ-Việt
- cuối năm 1999: hiệp ước biên giới Trung-Việt trên đất liền
- cuối năm 2000: hiệp ước phân định lãnh hải trong Vịnh Bắc bộ
- tháng 7.2000: hiệp ước thương mại Mỹ-Việt
- 2001: VN bị liệt vào danh sách những quốc gia đáng quan tâm đặc biệt (CPC) vì tôn giáo
- cuối năm 2006: VN được rút ra khỏi danh sách CPC
- đầu năm 2007: VN được kết nạp vào Tổ chức thương mại quốc tế (OMC/WTO)
- cuối năm 2008: hoàn tất việc cắm mốc trên biên giới Việt-Trung

Bên cạnh những sự kiện ngoại giao cần đánh giá thận trọng như vài biểu hiện thân thiện với Hoa Kỳ, trong mọi biến cố nêu trên, lúc nào cũng thấy cái bóng áp đảo nặng nề của láng giềng phương Bắc. Cái ‘chìa khoá’ tác giả đưa ra để giải thích hiện tượng xuống dốc và lệ thuộc ngày càng sâu vào Trung Quốc là tác động qua lại và kết hợp giữa của ‘cung Vua’ và ‘phủ Chúa’. Trong các bài báo trước đây, ông từng than phiền là sự xâm nhập của Trung Quốc đã vào quá sâu trong nội bộ Việt Nam và làm lũng đoạn, thậm chí ‘hà hiếp’ thô bạo hàng lãnh đạo. Ông Hà Sĩ Phu cũng từng xác định là sự xâm nhập này là một cách thực hiện chiến lược xâm lăng…

Điều mỉa mai, khiến người đọc phải cười ra nước mắt nếu không phải là chuyện danh dự dân tộc và vận mệnh quốc gia, là những mưu đồ thâm độc kia luôn được bao bọc dưới những mỹ từ nặc mùi ‘văn hoá tàu’… Nào là ‘16 chữ vàng’: “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” ! Rồi ‘4 cái tốt’: “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”. Toàn những khấu hiệu thần chú như giọng hát quyến rũ của loài ngư nữ làm mê hoặc, thôi miên giới phủ Chúa Việt Nam. Trong khi đó «đảng CS Trung Quốc có cách nhìn tỉnh táo hơn, thực tế hơn. Sau khi bình thường hoá với Việt Nam, hệ thống báo cáo viên của họ toả đi khắp nước và giải thích qua báo, phát thanh địa phương rằng Việt Nam vẫn không đáng tin, vẫn ôm mộng bá chủ Đông Dương, cho nên mối quan hệ Việt-Trung phải theo nội dung: “thân mà không gần, nhạt mà không xa, chống mà không đánh nhau” (thân nhi bất cận, sơ nhi bất viễn, tranh nhi bất đấu)» !
Mật ngọt chết ruồi là vậy!

Qua tác phẩm này, với một chủ đề quá ư là nhạy cảm, tác giả Bùi Tín đã làm công việc của một nhà báo truy tầm (‘journaliste d’investigation’) và dù là một chiến sĩ độc lập, đấu tranh bằng ngòi bút, ông không hề có thái độ nguyền rủa hay chửi bới. Một công trình dài hơi, dựa trên phương pháp thu tin nghiêm chỉnh và đi sâu vào vấn đề. Người ta nghĩ đến hai nhà báo Carl Bernstein và Bob Woodward của Washington Post trong vụ xì căng đan Watergate hồi thập niên 1970 hay mấy nữ ký giả trẻ hiện nay của Le Monde, hoặc gần đây, một Roberto Saviano, tác giả của ‘Gomorra’ – một công trình nghiên cứu ly kỳ về xã hội đen Camorra của vùng Napoli bên Ý.

Trước hiện tình đất nước, giữa thời điểm sóng dậy ở Biển Đông, biên giới lãnh thổ lãnh hải bị xâm chiếm, tài nguyên và môi trường bị đe doạ,thảm hoạ Bôxít ngay nhãn tiền, lãnh đạo bị mua bán, xỏ mũi…, tác phẩm M+Afia Đỏ hay Cung Vua Phủ Chúa ở Hà Nội [*] của nhà báo Bùi Tín quả là đến đúng lúc. Đúng lúc, vì lúc này vấn đề Bôxít Tây Nguyên đang trở thành thời sự nóng bỏng, cuốn sách này chính là sự lý giải sâu sắc cho vấn đề ấy, liên quan đến vận nước, phát triển bền vững và cuộc sống an lành của người dân. Ước gì nó giúp những người trách nhiệm vận mệnh quốc gia, cũng như công dân trong và ngoài nước, sớm thức tỉnh để hợp lực quét sạch cho quê hương này không còn là ‘mảnh đất vắng người nhiều ma’ nữa, mà ngược lại!

Nguyễn Hữu Tấn Đức

Paris 21.05.2009
© Thông Luận 2009



[*] Tìm mua sách ở đâu?
Bùi Tín
M+Afia Đỏ
hay

Cung Vua Phủ Chúa ở Hà Nội
Tủ sách Thời sự VN và Thế giới
(306 trang – 15 US$ + cước phí)
(có thêm 10 phụ lục quý hiếm)
Cành Nam Publishers
2607 Military Rd, Arlington, VA 22207 USA
Tel. Fax: (703) 525-4538
Email:
canhnam@dc.ne
(sách có bán ở Cali, hiệu sách Tự lực và Tú Quỳnh)
(ở Châu Âu, có thể đặt mua qua email cho tác giả: lienbat@aol.com,
kèm địa chỉ bưu điện người mua, ngân phiếu 20 Euro ghi tên tác giả
- Theo yêu cầu, sẽ có chữ ký lưu niệm)

No comments: