Ông Cù Huy Hà Vũ kiện có đúng không?
Phạm Quang Tuấn
27/06/2009 5:00 sáng
http://www.talawas.org/?p=6696
I. QUY HOẠCH VÀ DỰ ÁN, EIA VÀ SEA
Trước khi phân tích đơn kiện của ông Cù Huy Hà Vũ, chúng ta cần hiểu rõ vài điểm chính yếu trong Luật Môi trường, mà ông Vũ dựa vào để kiện. Quan trọng nhất, phải phân biệt “quy hoạch” và “dự án”, “báo cáo đánh giá tác động môi trường chiến lược” và “báo cáo đánh giá tác động môi trường”.
Một dự án (project) là một dự định thi hành một công trình cụ thể rõ ràng, chẳng hạn khai thác một cái mỏ, xây một nhà máy, xây một hải cảng, v.v. Chẳng hạn, ở thời điểm này tại Tây Nguyên đang khởi sự hai dự án bauxite khác nhau trong năm 2009: dự án Tân Rai và dự án Nhân Cơ. Chủ của hai dự án này là công ty Than Khoáng Sản Việt Nam (TKV). Theo Luật Môi trường 2005 của VN (Chương 3, Mục 2, Điều 18), những dự án lớn như vậy phải lập “báo cáo đánh giá tác động môi trường” (Environmental impact assessment, EIA). Trong tương lai có thể sẽ còn nhiều dự án nữa.
Những dự án bauxite này không biệt lập, mà nằm chung trong một quy hoạch (plan, programme). Quy hoạch này soạn ra trước khi có các dự án, như một người mẹ đẻ ra nhiều đứa con. Tác giả của quy hoạch này là chính phủ, cụ thể là qua Quyết định số 167/2007/QĐ – TTg ngày 01/11/2007 của Thủ tướng. Theo Luật Môi trường 2005 (Chương 3, Mục 1, Điều 14), một quy hoạch có tầm cỡ quốc gia như vậy thì phải có “báo cáo đánh giá môi trường chiến lược” (Strategic environmental assessment, SEA) trước khi phê duyệt.
Vì quy hoạch có trước dự án, nên SEA (của quy hoạch) thường cũng có trước EIA (của dự án). Khi làm EIA cho mỗi dự án, có thể dùng những dữ kiện trong SEA làm khởi điểm.
Nói tóm lại: Quy hoạch phải có SEA, dự án phải có EIA. Quy hoạch đẻ ra dự án, SEA dẫn tới EIA, cũng như mẹ đẻ ra con. Có thể xem thêm tài liệu UNEP hay Wikipedia về chuyện này.
II. ĐƠN KIỆN CỦA ÔNG CÙ HUY HÀ VŨ
Ông Cù Huy Hà Vũ không kiện các Dự án Tân Rai, Nhân Cơ, mà kiện tận gốc rễ là cái Quy hoạch “Khai thác Bauxite” của Chính phủ vì nó chưa có SEA. Điều thiếu sót này chính Chính phủ cũng đã công nhận (Báo cáo số 91/BC-CP của Chính phủ gửi Quốc hội), và có nói đến trong đơn kiện của ông Vũ. Xem kỹ đơn kiện, sẽ thấy ngay ông toàn dùng chữ “Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược” (SEA) chứ không hề nhắc tới “Báo cáo đánh giá tác động môi trường” (EIA) lần nào cả.
Đơn kiện này hoàn toàn hợp lý, vì nếu ngay Chính phủ mà còn không theo luật thì còn kiện ai được nữa? Ông Nguyễn Mai Sơn bảo rằng nên khởi kiện TKV chứ việc gì phải kiện một Quyết định mà vấn đề đã trở nên quá rộng, liên quan đến cả Nhà nước, Bộ Chính trị, Quốc hội, an ninh quốc phòng, kinh tế, văn hóa… Tuy nhiên, TKV và hai dự án Tân Rai, Nhân Cơ chỉ là cái ngọn mà Quy hoạch Bauxite của Nhà nước mới là gốc rễ. Ông Vũ đã chọn đúng đối tượng.
III. QUY PHẠM PHÁP LUẬT HAY ÁP DỤNG PHÁP LUẬT
Anh Lê Minh Phiếu cho rằng đơn kiện của ông Vũ không vững vì (1) lựa chọn không đúng đối tượng cần khởi kiện và (2) tư cách khởi kiện của Cù Huy Hà Vũ là chưa chắc chắn. Ở đây tôi chỉ nói về điểm (1).
Anh Phiếu viết rằng Quyết định 167/2007/QĐ-TTg ngày 1/11/2007 phê duyệt Quy hoạch Bauxite là một văn bản “quy phạm pháp luật”, nó không phải là một “quyết định hành chính”, do đó không thể kiện nó. Tôi cho rằng lập luận này không đứng vững. Văn bản quy phạm pháp luật, như anh Phiếu đã giải thích, là những văn bản minh định các quy tắc luật lệ chung cho mọi trường hợp. Nhưng phê duyệt một quy hoạch như Quy hoạch Bauxite thì đâu còn là một quy tắc chung nữa, mà là một áp dụng RIÊNG, cụ thể rồi.
Quyết định đó nói về các dự án đào bauxite và sản xuất alumin và nhôm. Nó không áp dụng cho Quy hoạch Khai thác Dầu mỏ, cho Quy Hoạch Đô thị Hà Nội, v.v. mà chỉ áp dụng cho Quy hoạch Bauxite thôi. Vậy căn cứ theo nội dung thì nó chính là một quyết định hành chính, và do đó có thể kiện được, như anh Phiếu đã công nhận. Và, vì Chính phủ (cụ thể là Thủ tướng) là người ký tên phê duyệt cái quy hoạch bất hợp pháp đó (vì không có SEA), nên kiện Thủ tướng là đúng.
Trong bài phản hồi bài của Đức Hiếu, anh Phiếu viết rằng Từ điển Luật học không phải là cơ sở pháp lý có thể được dẫn ra trong các lập luận pháp lý. Vậy thì luật Việt Nam định nghĩa “Quy phạm pháp luật” và “Quyết định hành chính” ra sao? Pháp lệnh “Thủ tục Giải quyết các Vụ án Hành chính” mà anh Phiếu nói tới định nghĩa rằng “Quyết định hành chính [...] là quyết định bằng văn bản [...] được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể về một vấn đề cụ thể“.
Trong khi đó, Luật “Ban hành Văn bản Quy phạm Pháp luật” quy định những Văn bản Quy phạm Pháp luật mà Thủ tướng có thể đưa ra (Điều 57):
1- Quyết định của Thủ tướng Chính phủ được ban hành để quyết định các chủ trương, biện pháp lãnh đạo, điều hành hoạt động của Chính phủ và hệ thống hành chính nhà nước từ trung ương đến cơ sở; quy định chế độ làm việc với các thành viên Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các vấn đề khác thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.
2- Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ quy định các biện pháp chỉ đạo, phối hợp hoạt động của các thành viên Chính phủ; đôn đốc và kiểm tra hoạt động của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân các cấp trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quyết định của Chính phủ.
Xét theo hai đạo luật trên, không thể gọi Quyết định phê duyệt Quy hoạch Bauxite là một văn bản quy phạm pháp luật được, mà phải là một quyết định hành chính.
Mặt khác, anh Lê Minh Phiếu có lý khi chỉ ra đoạn III trong đơn kiện của ông Vũ, ở đó ông nói rằng Quyết định của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vi phạm Luật Ban hành Văn bản Quy phạm Pháp luật. Điều này làm cho đơn của ông Vũ yếu đi.
Anh Phiếu viết: “Về kỹ thuật một chút, thì hiện nay, những văn bản quy phạm pháp luật có ký hiệu kiểu như 17/2008/QH12 hay 167/2007/QĐ-TTg (số văn bản/năm/cơ quan ban hành). Các văn bản áp dụng pháp luật thường không có ký hiệu này.” Nếu dựa theo lối đánh ký hiệu của chính phủ (thay vì dựa vào nội dung), thì thôi, đành chịu thua. Như vậy, nếu chẳng hạn chính quyền tịch thu đại một khu nhà dân nào đó rồi đánh cho quyết định đó một ký hiệu theo kiểu “kỹ thuật” như trên, để biến nó thành “quy phạm pháp luật”, thì nạn nhân không có quyền kiện nữa sao?
Tuy nhiên, ta cũng đã nhiều lần thấy các quan chức Viêt Nam dùng ngôn ngữ và ký hiệu kiểu “kỹ thuật” đó nên có lẽ cũng không nên ngạc nhiên về chuyện này. Chẳng hạn, khi gọi các dự án bauxite là “chủ trương” của Đảng và Chính phủ thì chắc họ ngầm muốn dân phải hiểu rằng đã là “chủ trương” thì không ai được cãi nữa!
TÀI LIỆU LIÊN QUAN :
LÊ MINH PHIẾU TRẢ LỜI ĐỨC HIẾU về VỤ KIỆN THỦ TƯỚNG
LỖ HỔNG PHÁP LÝ TRONG LẬP LUẬN của LÊ MINH PHIẾU
No comments:
Post a Comment