Sunday, May 17, 2009

VÌ SAO CHÚNG TA "BẬN TÂM" ?

VÌ SAO CHÚNG TA "BẬN TÂM" ?
Sơn Tùng
5/17/2009 3:19:52 PM
http://www.take2tango.com/?display=6999
“Đôi khi tôi tự hỏi: ‘Lee, vì sao mi cứ bận tâm? Chủ nghĩa cộng sản đã chết và và bị đào thải rồi. Đây là lúc để đi tới.’”
Trên đây là câu mở đầu bức thư dài 5 trang đề ngày 27.4.2009 của Tiến sĩ Lee Edwards, Chủ tịch tổ chức The Victims of Communism Memorial Foundation (VOCMF), gửi cho những người đã đóng góp tiền bạc và công sức để hoàn thành Đài Tưởng Niệm Nạn Nhân Cộng Sản được khánh thành tại Thủ đô Washington vào tháng sáu 2007. Ông Edwards nê u ra nhiều lý do để ông tiếp tục “bận tâm”.

Đứng đầu của những lý do ấy là chủ nghĩa cộng sản chưa chết. Nó còn sống tại Trung Hoa, Việt Nam, Cuba, Bắc Hàn và tiếp tục gây tội ác.
Tại Nga, tuy chế độ cộng sản không còn, nhân dân nước ấy vẫn chưa gột bỏ được hậu quả ghê gớm sau 74 năm dưới ách thống trị của cộng sản.

Hơn một trăm triệu người đã chết vì chủ nghĩa cộng sản, nhưng cuốn từ điển Webster (Webster’s Collegiate Dictionary) – cuốn từ điển được dùng tại các trường đại học – định nghĩa chủ nghĩa cộng sản như sau: “một hệ thống xã hội được ghi dấu bởi sự làm chủ tập thể các phươn g tiện sản xuất và sự chia sẻ tập thể sức lao động và các kế hoạch” (a social system marked by the common ownership of the means of production and common sharing of labor and projects).
Đúng ra từ điển của Webster nên định nghĩa: “Chủ nghĩa cộng sản là một hệ thống độc tài toàn trị trong đó một chính đảng duy nhất kiểm soát tất cả mọi mặt sinh hoạt của kinh tế, xã hội, chính trị, và diệt trừ bất cứ kẻ nào chống lại chính quyền trung ương” (Communism is a totalitarian system in which a single political party controls all aspects of economic, social, and political life and eliminates anyone who opposes its central authority).
Các nhà trường tại Mỹ và Âu Châu diễn tả chủ nghĩa cộng sản như là một hệ thống có tính cách “xã hội”, gọi Stalin, Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh, Fidel Castro... là “những nhà lãnh đạo cộng sản”, thay vì là những tên độc tài tàn bạo, thủ phạm của hàng chục triệu cái chết oan khiên.

Đây là những lý do đã khiến VOCMF, một tổ chức tư gồm nhiều nhân vật quốc tế đặt trụ sở tại Washington, DC, vận động hơn mười năm để xây dựng một Đài Tưởng Niệm Nạn Nhân Cộng Sản và thực hiện một viện bảo tàng để lưu trữ bằng cớ về tội ác của cộng sản trên toàn thế giới.
Dự án của VOCMF lúc đầu khá lớn, ngoài một đài tưởng niệm còn dự trù xây dựng một viện bảo tàng với kinh phí khoảng 100 triệu Mỹ kim, đã được cả hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ tại Quốc Hội Hoa Kỳ ra quyết nghị ủng hộ và được Tổng thống Bill Clinton tán thành. Về sau, Tổng thống George W. Bush tiếp tục hậu thuẫn dư án của VOCMF, nhưng vì gặp nhiều khó khăn trong việc gây quỹ cũng như không tìm ra
đất trống tại thủ đô Washington để xây viện bảo tàng, dự án được rút xuống còn một tượng đài và một viện bảo tàng “online” (on-line Global Museum on Communism). Rồi ngay dự án xây dựng tượng đài cũng gặp khó khăn về tài chánh và địa điểm xây dựng.

Một nhóm nhỏ trong cộng đồng người Việt tại Vùng Hoa Thịnh Đốn đã biết tới dự án của VOCMF vào cuối năm 2002, và đã thành lập một Ủy Ban Yểm Trợ (UBYT) để vận động gây quỹ cho dự án đầy ý nghĩa này.
Tối 26.12.2003, UBYT đã tổ chức thành công một bữa cơm gây quỹ tại Falls Church, Virginia, đóng góp cho VOCMF hơn 30,000.00 Mỹ kim. Số tiền này rất đáng kể với VOCMF vì đã được nhân lên gấp đôi do sự hứa tặng của một nhà hảo tâm, và tạo tiếng vang trong cộng đồng người Việt về dự án xây dựng đài Tưởng Niệm Nạn Nhân Cộng Sản mà trước đó không mấy ai biết tới.
Từ đó, mỗi năm VOCMF đều mời UBYT tham dự các buổi lễ trao Giải Thưởng Truman-Reagan cho các chiến sĩ tự do được tổ chức hàng năm tại một tòa đại sứ của các nước Đông Âu ở Washington, đồng thời gây quỹ xây dựng tượng đài.

Việc xây dựng tượng đài bị trì chậm vì thiếu tiền và khó khăn trong thủ tục xin đất. Cho mãi đến cuối năm 2005, TS. Lee Edwards mới loan báo địa điểm xây dựng tượng đài đã được chính quyền chấp thuận và lễ khởi công xây dựng sẽ được tổ chức vào ngày 27.9.2006.
Trong buổi lễ vỡ đất này, đại diện của UBYT đã được mời cùng các quan khách cầm xẻng xúc đất tượng trưng, và sau đó lên tiếng phát biểu trong cuộc tiếp tân tại Điện Capitol cách đó không xa.
Nhưng VOCMF vẫn chưa gây quỹ đủ tiền để xây dựng tượng đài - một phần vì không được chính quyền tài trợ, phần khác vì tâm lý quần chúng Mỹ “cộng sản chết rồi, bận tâm làm chi”.

Sau khi thảo luận với TS. Lee Edwards về một kế hoạch gây quỹ lớn, UBYT đã họp bàn để tổ chức một Đại Nhạc Hội ngoài trời tại Orange County, Nam California, mà sau này được đặt tên là “Ngày Công Lý” cho nạn nhân cộng sản.
Vì năm thành viên UBYT (Bùi Dương Liêm, Nguyễn Thị Bé Bảy, Đinh Hùng Cường, Đoàn Hữu Định, và người viết bài này) đều cư ngụ tại Virginia, ông Đoàn Hữu Định đã đứng ra đặc trách tìm nhân sự tại chỗ để tổ chức Ngày Công Lý được ấn định là 15.4.2007 tại sân vận động Bolsa Grande Stadium ở Westminster, Nam California, qua sự giúp đỡ của GS Nguyễn Lâm Kim Oanh. Hai người cư ngụ tại Orange County đã được mời hợp tác để trực tiếp thực hiện buổi Đại Nhạc Hội là ông Nguyễn Phương Hùng, trách nhiệm tổ chức tổng quát, và Nhạc sĩ Nam Lộc, phụ trách chương trình ca nhạc với sự cộng tác của hệ thống truyền hình SBTN qua sự sắp xếp của nhạc sĩ Trúc Hồ.
Việc tổ chức đã không tránh được một số khuyết điểm do khó khăn trong sự điều hợp nhân sự bên ngoài UBYT. Tuy nhiên, “Ngày Công Lý” là một thành công, về tài chánh cũng như thông tin. Số người tham dự tại chỗ không đông như dự tính nhưng do chương trình ca nhạc được đài SBTN trực tiếp truyền hình liên tục trong 8 giờ, tin tức về việc xây dựng Đài Tưởng Niệm Nạn Nhân Cộng Sản đã được phổ biến tới khắp các cộng đồng người Việt ở hải ngoại và khán giả đã nhiệt tình ủng hộ, gọi điện thoại tới đài để đóng góp được hơn 100,000.00 Mỹ kim.

Lễ khánh thành Đài Tưởng Niệm Nạn Nhân Cộng Sản đã được tổ chức long trọng tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn ngày 12.6.2007 với sự chủ tọa của Tổng thống George W. Bush. Người Việt Nam đã chiếm gần phân nửa trong số khoảng 500 người tham dự. UBYT được dành cho ba chỗ trong hàng ghế danh dự. Sau lễ khánh thành, Tổng thống Bush đã tới ân cần bắt tay một số người Việt, trong đó có ông Lý Văn Phước, Chủ tịch Cộng Đồng VN Vùng Hoa Thịnh Đốn.
Trong buổi tiếp tân sau đó, TS. Lee Edwards đã xác nhận “không có sự đóng góp rộng rãi của cộng đồng người Mỹ gốc Việt thì không xây dựng được tượng đài” sau khi gặp khó khăn tài chánh vì sự rút lui của vài nhóm yểm trợ vào giờ chót. Hai người Việt là Nhà thơ Nguyễn Chí Thiện và ông Trần Tử Thanh đã được mời tham dự cuộc thảo luận bàn tròn vào buổi chiều cùng với nhiều nhân vật quốc tế để tố cáo tội ác của cộng sản đối với nhân loại. Trong dạ tiệc long trọng tại Khách sạn J.W. Marriott, UBYT được mời một bàn danh dự mà VOCMF đã cho đặt trên bàn tấm bảng nhỏ “Republic of Vietnam”. Cũng buổi tối hôm đó, UBYT đã tổ chức một buổi Lễ Cầu Nguyện tại tượng đài để truy điệu hơn một trăm triệu người vô tội đã chết vì chủ nghĩa cộng sản.

Ngày 12.6.2007 có thể coi là một ngày lịch sử đáng ghi nhớ đối với người Việt tị nạn ở hải ngoại mà mãn nguyện nhất hẳn là năm thành viên UBYT vì đã hoàn tất một sứ mạng. Năm năm trước, họ đã nhận thức cần phải tiếp tay vào dự án xây dựng tượng đài này với một ý nguyện: “Công lý cho những người đã chết oan khiên vì chủ nghĩa cộng sản và cho những người đang sống khổ đau dưới chế độ cộng sản, trong đó có hơn 80 triệu đồng bào Việt Nam”.
Các thành viên UBYT đều là những người khiêm tốn, không muốn nói tới những đóng góp nhỏ bé của mình mà họ coi chỉ là một nghĩa vụ với hàng triệu nạn nhân của cộng sản. Họ cũng không cần được vinh danh. Nhưng tôi nghĩ khác. Việc làm của họ đáng được nói tới để minh chứng rằng một nhóm ít người đầy thiện chí, không đảng phái, không nhân danh, ngồi lại với nhau có thể hoàn thành một sB mạng cao đẹp với tinh thần hăng say làm việc, dốc lòng tận tâm phục vụ cho một mục tiêu bất vụ lợi.

Ông Đinh Hùng Cường, một người hoạt động cộng đồng đầy khả năng và nhiệt huyết, dù chỉ tham gia UBYT với tư cách cá nhân, nhưng khi cần đã huy động cả gia đình vào việc công ích. Bữa cơm gây quỹ tối 26.12.2003 đã thành công tốt đẹp một phần lớn là do sự góp sức của cả gia đình ông Đinh Hùng Cường, và ông cũng đã tích cực phụ giúp ông Đoàn Hữu Định trong việc thi hành kế hoạch của UBYT để tổ chức
Ngày Công Lý cho nạn nhân cộng sản 15.4.2007 tại Nam California. Ông Đinh Hùng Cường cũng là người trực tiếp đứng ra tổ chức, phối hợp với VOCMF để đưa đón khoảng hai trăm người Việt tới tham dự Lễ Khánh Thành Đài Tưởng Niệm Nạn Nhân Cộng Sản ngày 12.6.2007 tại Hoa Thịnh Đốn.

Ông Đoàn Hữu Định, một người lính không còn súng nhưng lúc nào cũng tham gia vào công việc đấu tranh với tinh thần một chiến sĩ. Suốt mấy tháng trời lo tổ chức Ngày Công Lý ở miền Tây nước Mỹ, ông Định đã dốc tất cả tâm trí, thì giờ để đưa kế hoạch của UBYT vào thực tế, giải quyết hết khó khăn này đến trở ngại khác gây ra bởi sự phức tạp trong việc điều hợp nhân sự. Không chỉ góp sức và thì giờ, ông Định còn ứng tiền nhà để trả trước các chi phí cho việc tổ chức lên đến hàng chục ngàn Mỹ kim mà chưa biết kết quả sẽ ra sao.

Ông Bùi Dương Liêm, một cựu quân nhân QLVNCH ngành Chiến Tranh Chính Trị, một kiến trúc sư đa tài kiêm giám đốc chương trình Phỏng Vấn và Tìm Hiểu – Vietnamese Talk Show - một chương trình truyền hình tại vùng Hoa Thịnh Đốn trong 18 năm qua, là người đã sáng tạo và trang trí khán đài các buổi gây quỹ cũng như Đêm Nguyện Cầu tạo ấn tượng rất mạnh cho những người tham dự. Ông Liêm cũng đã giúp quảng bá tin tức và thực hiện nhiều cuộc phỏng vấn về dự án xây dựng Đài Tưởng Niệm Nạn nhân Cộng sản trên chương trình Vietnamese Talk Show, đặc biệt là đã thực hiện một phim tài liệu dài khoảng 30 phút về dự án của VOCMF để chiếu trên hệ thống truyền hình SBTN và phổ biến trên mạng lưới điện tử toàn cầu, yểm trợ tích cực cho việc tổ ch=E 1c Đại Nhạc Hội Ngày Công Lý.

Bà Nguyễn Thị Bé Bảy, cựu nữ quân nhân QLVNCH, nội tướng của KTS Bùi Dương Liêm, cũng là một chuyên viên kỹ thuật của chương trình Vietnamese Talk Show, đã cùng với chồng tạo thành một “tổ” truyền thông và trang trí của UBYT. Chính bà và cô Mina Nguyễn, một thành viên khác của Vietnamese Talk Show, đã làm việc chạy theo kim đồng hồ để cùng ông Bùi Dương Liêm hoàn tất đoạn phim tài liệu về Đài Tưởng Niệm kịp giờ đem đi California giao cho SBTN phổ biến.

Riêng tôi cũng cảm thấy lương tâm thanh thản sau khi cùng UBYT hoàn thành sứ mạng, dù có vất vả và gặp những khó khăn nhưng đều đã vượt qua nhờ tinh thần đồng đội của một “nhóm ước mơ” (dream team). Mỗi người một “nghề riêng”, đã tổng hợp lại để tạo thành một bộ máy vận hành rất tốt, trong đó nhiệm vụ của tôi là “thoa dầu mỡ” cho bộ máy và viết những bài để cổ vũ cho dự án làm tượng đài – một công việc tương đối nhẹ nhàng hơn bốn người khác.

Các thành viên UBYT đã gắn bó với nhau cho đến khi đạt mục tiêu đã đề ra, không bị rã đám, vì không tụ họp nhau vì danh, vì lợi.
Phần thưởng duy nhất cho những nỗ lực của các thành viên UBYT trong suốt 5 năm là thấy đông đảo đồng hương nồng nhiệt tham dự Lễ Khánh Thành Đài Tưởng Niệm Nạn nhân Cộng sản với cờ vàng xuất hiện khắp nơi và được nghe những phản ứng từ “phía bên kia”.

Chỉ hai tuần sau, khi Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch nước CSVN, đến Hoa Thịnh Đốn, ông Bùi Tín đã viết rằng đáng lẽ y phải tới nghiêng mình tạ tội trước Đài Tưởng Niệm Nạn Nhân Cộng Sản. Cộng sản Trung Hoa đã lên tiếng phản đối tượng đài. Gennady Zyuganov, Chủ tịch đảng Cộng sản tàn dư ở Nga, cũng đã gay gắt đả kích tượng đài này.
Nhưng Đài Tưởng Niệm Nạn Nhân Cộng Sản đã hiện hữu tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn như lời phát biểu của Tổng thống Bush trong lễ khánh thành: “Tại nơi thiêng liêng này, những nạn nhân vô danh của cộng sản sẽ được ghi khắc trong lịch sử và sẽ được tưởng nhớ mãi mãi.” Tượng đài ấy cũng là biểu tượng cho chính nghĩa của cuộc chiến đấu còn tiếp tục để loại trừ những chế độ cộng sản cổ quái còn lại trên mặt đất.

TS. Lee Edwards gọi tượng đài này là “biểu tượng của hy vọng và là một nơi để tưởng nhớ”. VOCMF cũng đang nỗ lực hoàn tất viện bảo tàng online về tội ác của cộng sản vào ngày 16.6 sắp tới nhân dịp kỷ niệm 2 năm ngày khánh thành Đài Tưởng Niệm. Trong ngày này sẽ có lễ đặt vòng hoa tại Tượng đài, sẽ có ăn trưa tại Điện Capitol để trao Giải thưởng cho các chiến sĩ tự do tiêu biểu, và một cuộc tiếp tân vào buổi tối tại tư gia ông Đại sứ Romania, Adrian Cosmin Vierta, ở Hoa Thinh Đốn.

Tuy UBYT đã chấm dứt hoạt động sau khi hoàn tất tượng đài nhưng vẫn chưa hết “bận tâm”, và VOCMF vẫn có thể sử dụng tên và địa chỉ những người đã đóng góp tiền qua UBYT trước đây để tiếp tục gây quỹ cho “on-line Global Museum on Communism” mà TS. Lee Edwards cho biết trong ba năm đầu, chi phí để duy trì khoảng 500.000.00 Mỹ kim mỗi năm.

Người Việt ở khắp nơi có thể tìm hiểu về hoạt động của VOCMF, vai trò của UBYT, cũng như đóng góp tài liệu và tiền bạc qua web site:
www.victimsofcommunism.org

Sơn Tùng (Tháng 5. 2009)

No comments: