Wednesday, May 27, 2009

CỘNG SẢN VIỆT NAM và TRUNG QUỐC LO SỢ DIỄN BIẾN HOÀ BÌNH

Nỗi Lo Diễn Biến Hoà Bình
Peaceful Evolution Angst
Roger Cohen bình luận
The New York Times, May 25, 2009
http://www.nytimes.com/2009/05/25/opinion/25iht-edcohen.html

Trà Mi lược dịch

27-05-2009
http://www.dcvonline.net/php/modules.php?name=News&file=article&sid=6342

Tp. HỒ CHÍ MINH, Việt Nam – Đảng Cộng Sản Việt Nam, như Đảng Cộng sản anh em Trung Quốc, đã xác định mối đe dọa số một phải đối đầu. Họ gọi mối nguy hiểm trước mắt là “diễn biến hòa bình.”

Mới nghe tưởng như là lời cảnh báo của đài khí tượng về bầu trời trong sáng đang de doạ. Tuy nhiên, các kiến trúc sư của nền kinh tế thị trường-định hướng xã hội chủ nghĩa, những người đã phát triển kinh tế tư bản tại quốc gia Á châu độc đảng này, đang thực sự không đùa. Những cơn ác mộng của họ (Đảng CSVN – TM) không phải là những khủng hoảng từ các cuộc cách mạng mà chính là từng giọt, từng giọt dân chủ tự do đang rơi trên miền đất khô nứt vì chế độ độc tài từ nhiều năm qua.

Hai mươi năm sau Thiên An Môn, mọi cuộc nổi dậy vẫn đang ngủ yên và sinh viên từ Bắc Kinh đến Hà Nội đều ngoan và dễ bảo. Họ đang chạy theo phát triển, tạm gác lại yêu cầu dân chủ, ít nhất là trong trong tương lai gần. Có thể họ muốn có quyền tự do ngôn luận hơn, nhưng không muốn đến mực phải thách đố với hệ thống quyền lực như thế hệ Thiên An Môn đã làm.

“Công tác chính của Trung Quốc hiện nay là Phát triển,” một sinh viên khoa sinh thái ở trường Đại học Beijing, Song Chao nói với Sharon LaFraniere, đồng nghiệp của tôi, như thế. Đó cũng là tâm trạng tại Việt Nam hôm nay; Ở đây thế hệ sắp đến muốn đổi từ xe đạp sang xe ôtô trước khi đòi và thúc đẩy để có chế độ dân chủ đa đảng.

(Theo một bài
nhận định, trên DCVOnline.net (14/05/2009), về buổi nói chuyện của sinh viên Việt Nam với một người đã một thời vận động dân chủ trong nước, mới đây ở UC Berkeley, có người – Việt kiều California – cũng phát biểu tương tự, “Việt Nam không cần dân chủ”. Điểm khác biệt giữa Việt kiều đó và đại đa số người Việt trong nước cũng là cái ôtô – Bentley Continental, Mercedes hay Lexus lại là chuyện khác. – TM)

Cũng như tại Trung Quốc, tâm trạng và ứng xử thực dụng là hệ quả trực tiếp của những chấn thương xã hội. Cả hai, Trung Quốc và Việt Nam, đã trải qua chiến tranh ở ½ sau của thế kỷ 20 với những tổn thất làm người còn sống hoảng sợ. Vì thế người ta coi trọng sự ổn định, nhất là khi sự ổn định xã hội đã nâng cấp nhanh đời sống vật chất hàng ngày.

Nền công nghệ và kỹ thuật cao đã xoá chữ “toàn” (total) trong thuật ngữ “toàn trị” (totalitarian).

Tuy nhiên, ở đó cũng có những chỉ dấu nghiêng cán cân về phía “diễn biến hòa bình” khiến những nhà độc tài ở chính trị bộ phải trằn trọc canh thâu. Những người stalinist hay Maoist đã được xếp vào một góc của lịch sử trong xã hội kiên kết ngày nay. Cả hai, Trung Quốc và Việt Nam, đều không tự do. Đồng thời cả hai cũng không “không-tự do” đến độ công dân phải đứng lên đòi tự do.

(Hẳn nhiên, đây chỉ là nhận định chung cho số đông quần chúng ở hai nước cộng sản, độc đảng ở Á châu này. Tại Việt Nam và Trung Quốc vẫn có rất nhiều tiếng nói của những người không cùng chính kiến với hai nhà nước độc tài đó. Một số không nhỏ đang bị giam tù. Tại Việt Nam, bằng blog, một số lớn hơn vẫn bày tỏ quan điểm riêng, không theo lề bên phải. TM)

Cũng thế, tại Trung Quốc, Shi Guolong, một người nghiên cứu về cảm quan xã hội của giới sinh viên khoa Khoa học Chính trị tại Đại học Thanh niên ở Bắc Kinh, nói, “Sinh viên bây giờ không biểu tình nữa, họ viết blog và dùng twitter.”

Tất nhiên, chính quyền Trung Quốc chặn một số trang web họ coi là thù nghịch. Tự do Internet bị hạn chế. Ở đây, tại Việt Nam - không căng hơn chính quyền phía bắc, quyền tự do ngôn luận trên internet tương đối khá hơn ở Trung Quốc. Tranh chấp Việt-Trung là một hằng số trong phương trình nổi phô trương tình hữu-nghị-đồng-chí.

(Và tất nhiên, nhà nước Việt Nam cũng ngăn chận không cho công dân trong nước truy cập những trang web “phản động”, thường đặt ở hải ngoại. TM)

Trung Quốc và Việt Nam đều dùng internet là van an toàn để bảo vệ chế độ độc đảng độc tài mà chủ nghĩa Cộng sản chỉ còn là cái vỏ ngoài để nắm giữ quyền lực.

Nói chung, thời đại của cách mạng đã chấm dứt. Google đã nuốt trửng những cảm xúc muốn nổi dậy. Đó chính là khác biệt giữa hai thế hệ Thiên An Môn và xu hướng “Thế hệ toàn cầu” đang lên của châu Á. Nhiệt độ chỉ tăng trong một không gian gò bó, bít bùng. Khi tường xốp, có lỗ thoát, nhiệt sẽ tiêu tán.

Vậy thì những người học trò của Mao và Hồ sợ gì nếu không phải là “diễn biến hoà bình”?

Sự sụp đổ hầu như không một tiếng động của hệ thống cộng sản Liên Xô cũng như cuộc cách mạng nhung ở Đông Âu, đã để lại một ấn tượng hằn sâu trong tâm khảm của tập đoàn lãnh đạo những chế độ độc tài, và đàn áp tinh vi ngày nay. Họ cảnh giác; họ không gây ồn ào; làm gì họ cũng chỉ giữ ở mức độ rỉ tai

Hệ thống quyền lực này rất âm thầm. Họ không dùng đến khủng bố và nhà lao, nhưng họ kẻ những vạch đỏ, lằn ranh đàn áp quyền tự do, khi tự do bắt đầu có nghĩa là quyền tổ chức và quyền chống lại chế độ.
Vì vậy, những người đang bảo vệ chế độ Cộng sản với độ đàn-áp-nhẹ sau cái vỏ tư bản phải đối đầu với mối lo sợ không phải là những tổ cách mạng vũ trang với AK-47s (hay súng máy XM8 – TM) nhưng lại là các tổ chức phi chính phủ (nongovernmental organization, NGO). Chế độ đang theo dõi sát những người phương Tây lý tưởng (không thực dụng như quần chúng TQ và VN – TM) với khuôn mặt búng ra sữa, có trình độ giáo dục cao; Những người phương Tây này nói chuyện về các quyền con người và một xã hội pháp trị. Họ, quyền lực đang khoác áo cộng sản, lo sợ những lời thật của nhóm người mặt búng ra sữa có thể làm lu mờ cái vạch đỏ phân ranh giữa tự do xin-cho và tự do thực sự; và nguy hơn nữa, những lời thật đó có thể hốt được hồn của những cán bộ cộng sản.

“Anh có thể đăng ký một công ty ở đây trong một ngày, nhưng muốn đăng ký một tổ chức phi chính phủ hoặc các tổ chức từ thiện thì quên đi,” Jonathan Pincus, người điều hành một chi nhánh của trường Kennedy của Đại học Harvard tại Tp. Hồ Chí Minh, đã nói với tôi như thế. Một đoàn cố vấn Nga mới đến Việt Nam trong thời gian gần đây dậy cho Hà Nội cách làm thế nào để chống lại những “đe doạ” của các tổ chức phi chính phủ.

Thật đáng tiếc nhưng đó không phải là điều bất hạnh. Cái tốt nhất không nhất thiết phải là kẻ thù của điều lành. Sự phát triển nhanh chóng của Trung Quốc và Việt Nam, với dân số gần 20% của nhân loại, đã đưa hàng trăm triệu người ra khỏi đói nghèo từ khi chế độ cộng sản sụp đổ. Các quốc gia phương Tây không thể nói mình giỏi hơn được.

Có điều gì không phải về một chủ thuyết đã đi ngược lại với xu thế nhân loại. Trong một khoảng thời gian ngắn, sau khi tường Berlin sụp đổ, thị trường tự do, hệ thống đa đảng tự do dường như đã sẵn sàng quét bay tất cả những thứ khác trên con đường chiến thắng của mình. Nhưng, Moscow, Beijing, Hà Nội đã đồng loạt phản ứng. Thị trường tự do và chủ nghĩa dân tộc (nationalism) đã đè bẹp tự do và lá phiếu; Giá trị cao quý của Thiên An Môn, của bức tường Bá Linh, theo thời gian mờ dần.

Hoa Kỳ sinh ra từ một lý tưởng tự do, hiển nhiên phải sống với và cổ suý lý tưởng đó. Nhưng đang khánh kiệt, tỉnh táo, họ phải kiên nhẫn. Khi tầng lớp trung lưu mới tại Việt Nam và Trung Quốc trở thành những người tiêu thụ đòi hỏi khắt khe hơn, họ cũng sẽ có những đòi hỏi nhiều hơn với chính phủ.

Họ, người dân, sẽ muốn có thêm tính minh bạch (trong guồng máy nhà nước), có luật lệ phân minh hơn, được chăm sóc sức khỏe tốt hơn, quan chức ít tham nhũng hơn, giáo dục rộng hơn, tự do ngôn luận hơn và bớt đi những vạch đỏ giới hạn quyền con người.

Chế độ độc đảng khó có thể đáp ứng được những yêu cầu đó. Nhưng không còn nghi ngờ gì nữa, bằng những diễn biến hoà bình đang xảy ra (dù bị cản trở không ít, bằng toa thuốc Trung Quốc hay công thức của Nga. TM), hai mươi lăm năm sau, tại Bắc Kinh và Hà Nội sẽ có tự do hơn, sẽ dân chủ hơn. (Tiếng thời thượng ở diễn đàn này gọi đó là “dân chủ tiệm tiến” – TM)

© DCVOnline

-----------------------------------------

Nguồn:
Peaceful Evolution Angst , by Roger Cohen, The New York Times, May 25, 2009.
Xem thêm:
Dân chơi xe hơi - Ôtô Việt Nam, Autoblog

Về tác giả: Là phóng viên nước ngoài của The New York Times từ 1990, Roger Cohen trở thành Biên tập viên Hải ngoại từ 11/09/2001, đến 2009 là Columnist của NYT. Cohen là tác giả của “Hearts Grown Brutal: Sagas of Sarajevo” (Random House, 1998), “Soldiers and Slaves: American POWs Trapped by the Nazis' Final Gamble” (Alfred A. Knopf, 2005). Tác giả còn là viết chung tiểu sử của Tướng Schwarzkopf “In the Eye of the Storm,” (Farrar Straus & Giroux, 1991).

No comments: