Thursday, May 28, 2009

CÔNG AN CSVN LĂNG XÊ HỒI KÝ CỦA NHẠC SĨ TÔ HẢI

(Xung quanh việc xuất bản "Hồi ký của một thằng hèn" của nhạc sĩ Tô Hải)
Làm sao “nói thay” cho mọi người?
Trần Thiên Lương
10:15, 26/05/2009
http://vnca.cand.com.vn/vi-VN/doisongvanhoa/2009/5/53835.cand
Ai đó đã nhận xét đúng: Nhà văn chưa hẳn là người chỉ ra chân lý, nhưng là người biết hướng con người đi đến gần chân lý. Lịch sử văn học mấy mươi thế kỷ đã cho thấy: Các nhà văn nhiều khi phạm phải không ít những sai lầm, trong đó có thể có những sai phạm mà họ phải trả giá bằng cả cuộc đời.
Trước đây, tôi từng được nghe anh em làng văn nghệ kể lại câu chuyện khá đặc biệt giữa một nhà văn lão thành và hai nhà văn trẻ. "Xung đột" xảy ra trong một cuộc tao ngộ có đủ rượu bia và thức nhắm. Dường như khi hơi men đã bốc (và chẳng còn gì để "nhắm" nữa), một trong hai nhà văn trẻ quay ra thóa mạ tất cả nền văn học của dân tộc kể từ sau Cách mạng Tháng Tám.
Chỉ vào nhà văn lão thành - mà họ xem là một trong những đại diện cho văn học thời kỳ ấy, cả trên cương vị lãnh đạo lẫn thành tựu sáng tác - hai nhà văn trẻ thét lên: "Tất cả các anh đều là bồi bút, là những kẻ cơ hội".
Bằng vào sự lịch lãm vốn có của mình, nhà văn đàn anh đã ngăn sự quá khích ấy lại bằng một giọng ôn tồn: "Không biết các anh quan niệm như thế nào, chứ theo tôi nghĩ: trừ phi người ta đặt bút viết những gì mà mình không tin; còn một khi người ta viết bằng tất cả niềm tin chất chứa trong tâm hồn mình, sao lại có thể gọi là bồi bút, là cơ hội?". Nghe đâu sau câu nói ấy, cả hai nhà văn trẻ nọ đều...im bặt.
Từ câu chuyện trên, chúng ta có thể rút ra một bài học bổ ích: Nhà văn chỉ được quyền viết những gì mà lương tâm mình cho phép. Viết - với một niềm tin.
Ai đó đã nhận xét đúng: Nhà văn chưa hẳn là người chỉ ra chân lý, nhưng là người biết hướng con người đi đến gần chân lý. Lịch sử văn học mấy mươi thế kỷ đã cho thấy: Các nhà văn nhiều khi phạm phải không ít những sai lầm, trong đó có thể có những sai phạm mà họ phải trả giá bằng cả cuộc đời.
Nhưng thực tế, bằng trái tim biết hướng tới nhân quần, biết đồng cảm sẻ chia, biết hướng tới- chân- thiện- mỹ, họ đã được hậu thế "giải án" và các tác phẩm ưu tú của họ vẫn luôn ngời chói, được độc giả yêu mến, trân trọng. Có thể nói, đó là sản phẩm của sự tâm huyết, của lòng nhiệt thành, của một niềm tin... dù niềm tin ấy không phải không có khi sai lạc. Điều này, trông vào hầu hết các tác phẩm cổ điển còn tồn tại cũng như qua một số tác phẩm nảy sinh trong hai cuộc kháng chiến đến nay vẫn còn dư sức sống, ta có thể nhận thấy rất rõ.
Tuy nhiên, điều tưởng chừng hiển nhiên ấy, tiếc thay, hiện đã bị một số người - trong đó có cả những văn nghệ sĩ tên tuổi - nhìn nhận một cách lệch lạc. Gần đây nhất là việc nhạc sĩ Tô Hải, người từng được trao giải thưởng Nhà nước về VHNT, đã cho xuất bản ở hải ngoại tập hồi ký "Tôi là một thằng hèn", và mạnh miệng trả lời báo giới, cũng như trực tiếp cho phát tán những bài viết với lời lẽ đầy hằn học, thóa mạ quá khứ, thóa mạ chế độ cùng những nhân vật mãi mãi là niềm tự hào và yêu kính của dân tộc ta.
Vì khuôn khổ trang báo có hạn, ở đây, tôi chỉ xin đề cập tới một số vấn đề mà ông Tô Hải đặt ra trong bài viết "Vì sao tôi viết hồi ký" mà tác giả cho tải trên một số trang web. Chỉ riêng bài viết với dung lượng khoảng 4.000 chữ này đã có nhiều điều không thể chấp nhận được.
Theo như ông Tô Hải cho biết, thì nhà thơ Đoàn Phú Tứ từng dinh tê về thành thời kháng chiến chống Pháp là "ông cậu" của ông. Còn bố ông thì từng bị chửi rủa là đồ "phản động", mẹ bị quy là "Việt gian", họ hàng là "tay sai đế quốc".
Không rõ ông nói vậy, thực hư thế nào. Chứ nếu đúng là thành phần gia đình ông gồm toàn những người không mấy "thân thiện" với Cách mạng như vậy, mà rồi - cũng theo Tô Hải cho biết - ông vẫn được Nhà nước CHXHCN Việt Nam trao Huân chương Lao động Hạng Nhất, được Giải thưởng Nhà nước, thì lấy cơ sở nào để mà phát biểu rằng, rồi đây, qua cuốn hồi ký của ông "lịch sử sẽ có thêm được một số chi tiết trong "tội ác diệt văn hóa" của nhà cầm quyền Việt Nam trong một thời gian dài trên nửa thế kỷ...".
Cuốn hồi ký, theo Tô Hải cho biết, được ông viết xong từ năm 2000. Ông tiết lộ: "Ở cái tuổi ngoài 70, chẳng còn gì để mất, lại được sự cổ vũ của số lớn bạn bè, tôi cứ "nổ" khi có điều kiện".
Tô Hải cũng cho biết, năm 2003, khi lấy bản thảo ra đọc lại, ông thấy "ngòi bút của mình vẫn rụt rè, vẫn lấp lửng mới biết mình vẫn chưa hết sợ sức mạnh của nền "chuyên chính vô sản" mà mình từng nếm trải".
Và thế là, ông thấy "cần phải sửa lại cuốn sách". Trong đó có một chương ông đặt tên "Tôi đã hết hèn". Thời gian này, ông cho biết ông có may mắn được làm quen với Internet và những cái tên như Bùi Tín, Vũ Thư Hiên...đã trở thành một động lực cổ vũ, đã "mở mắt cho bao người còn đang sống hèn như tôi".
Vì công việc, người viết bài này đã được tiếp xúc với một số tài liệu, bản thảo có nội dung chống đối, xuyên tạc chế độ, trong đó có cái được chấp bút bởi những người thuộc thành phần văn nghệ sĩ. Nhưng thú thật, trong số này, hiếm thấy người nào lại có lối nói trùm lấp, bất chấp sự thật, với một giọng điệu hằn học như ông Tô Hải. Những điều ông nói, thiết nghĩ, những người nước ngoài chỉ cần có một chút kiến thức về lịch sử, ắt sẽ không "nhằn" nổi.
Như khi ông viết, đọc hồi ký của các nhà chính trị như Nixon, ông "càng thấy cái cao thượng của họ", trong khi thực tế, ở ngay nước Mỹ, Nixon từng nửa đường đứt gánh (mất chức tổng thống) vì vụ cài đặt thiết bị nghe lén đối thủ phục vụ cho cuộc tranh cử tổng thống năm 1972. Với người dân Việt Nam, Nixon là một tội đồ với những kế hoạch đánh phá tàn bạo làm nhiều thường dân thiệt mạng, buộc nhiều học giả, chính khách trên thế giới phải lên án.
Nhìn "ngoài" thì thế, nhìn vào trong nước, ông Tô Hải quả là đã ngoa ngôn khi cho rằng, những người lãnh đạo đất nước "trình độ học thức ở mức "đánh vần được chữ quốc ngữ". Trong khi ai cũng biết, nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng còn là những nhà văn hóa, từng được các văn nghệ sĩ kính trọng cả về tri thức và bản lĩnh.
Trong một bài phỏng vấn nhạc sĩ Tô Hải, thấy tác giả ghi ông là "nhà văn". Là một người cũng ít nhiều sáng tác văn chương, thú thực, đến nay tôi chưa từng biết đến tài năng của ông Tô Hải ở lĩnh vực này. Song có một điều chắc chắn là, những nhận xét của ông Tô Hải về một số tác giả văn học chứng tỏ vốn hiểu biết của ông ở khía cạnh này khá là mỏng mảnh. Chưa kể, những đánh giá, nhận xét của ông mang nặng màu sắc chính trị hơn là khách quan nhìn nhận trên cơ sở học thuật.
Thực sự là phải hàm hồ đến mức nào người ta mới có thể buông ra lời "phán": "Hãy nhìn lại lịch sử văn học nghệ thuật ở miền Bắc Việt Nam mà xem. Một lỗ hổng lớn. Đúng vậy! Hậu thế sẽ thắc mắc: làm sao mà từ năm 1945 đến đầu thế kỷ 21, nhân tài đất Việt ở miền Bắc Việt Nam - một thứ Đàng Ngoài của lịch sử lặp lại - ít ỏi đến thế? Tác phẩm của họ đâu rồi, ngoài lèo tèo mấy bài thơ của Hữu Loan, Trần Dần, Phùng Quán... và chẳng có một tiểu thuyết, một đoạn văn nào đáng được trích giảng trong các trường từ tiểu, trung đến đại học?".
Sẽ là thiếu tế nhị nếu tôi đặt vấn đề cân đo, so sánh sức nặng tác phẩm của một số nhà văn, nhà thơ lớn với những tác giả mà ông Tô Hải nhắc tên ở đây, song tôi chắc chắn là, điều ông Tô Hải khẳng định, nếu các nhà thơ Trần Dần, Phùng Quán có sống lại, họ cũng không dám nhận. Chí ít thì tôi cũng từng đọc được những dòng hết sức khiêm cung của nhà văn Phùng Quán khi ông gặp lại nhà thơ Tố Hữu (lúc này Tố Hữu đã rời bỏ mọi chức vụ về lại với đời thường).
Đọc bài viết "Vì sao tôi viết hồi ký" của nhạc sĩ Tô Hải (cả bài ông trả lời phỏng vấn phóng viên BBC), điều bạn đọc có thể nhận thấy rất rõ, là ông rất quyết liệt trong việc phủ nhận quá khứ, phủ nhận chế độ. Ông từng lấy làm tiếc là "cái nghề của bọn tôi không thể viết âm nhạc chửi bới, không viết kiểu ông Tú Mỡ được". Có lẽ vì thế mà ông chọn thể tài hồi ký? Và ông hy vọng sau khi xuất bản cuốn hồi ký, "chúng tôi sẽ được nhắc tới, như những chứng nhân lịch sử".
Thú thật, đọc những lời phát biểu nói trên của ông Tô Hải, tôi không khỏi băn khoăn tự hỏi: Không biết vì lẽ gì, một người mà trông vào, ai cũng thấy là thành đạt, là được chế độ ưu ái, trân trọng như Tô Hải, lại có nhiều "chất chứa tâm sự", nhiều "oán hận" đến vậy.
Vẫn biết, khó có một chế độ nào, một chính sách nào có thể làm vừa lòng tất cả mọi người. Lại cũng biết, con người ta, không phải ai cũng có thể tránh được cách nhìn xuất phát từ yếu tố cá nhân, song thiết nghĩ, cần phải dẫn ra ở đây ý tưởng trong một bài thơ của Raxun Gamdatốp (nhà thơ người dân tộc Đaghextan). Tác giả đã hài hước vẽ lên sự khác biệt của hai nhà văn: Một người khi qua đời đã thốt lên lời than phiền: "Đời là xấu, đáng căm thù", trong khi một người lúc giã từ thế giới lại cảm thán thốt lên: "Ôi đời thật đẹp". Kết bài, tác giả gửi gắm thông điệp: Nên có cách nhìn trung thực, khách quan về cuộc sống. Nghĩa là, nó có thế nào, hãy nói như thế.
Nhưng thế nào là khách quan? "Ai ai cũng có hai con mắt/ Xanh bạc dầu chưng mặt chúng ngươi" - Nguyễn Trãi chẳng đã nói như vậy? Tôi nghĩ, phải là những con người có lý tưởng cao đẹp, "mình vì mọi người" thì tầm nhìn mới thoát ra ngoài những thành kiến hẹp hòi để đánh giá đúng những chân giá trị mà xã hội đem lại…
Bunhin, nhà văn Nga đầu tiên đoạt giải Nôben đã viết một câu nổi tiếng: "Dẫu có buồn trong thế giới này khó hiểu, thế giới này vẫn đẹp". Lòng tin vào cuộc đời, vào con người, dù ở tình thế nào cũng chính là động lực để các văn nghệ sĩ tạo dựng nên những tác phẩm thấm nhuần tinh thần nhân ái, cao cả, những trang văn như ngọn lửa sưởi ấm lòng người, lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác...
Việc ông Tô Hải nói, ông muốn lên tiếng thay cho mọi người vì lẽ này lẽ khác đã “hèn”, “không dám nói” chỉ là sự ngộ nhận. Bởi thực tế, số người nghĩ như ông, có thái độ như ông chỉ là hãn hữu mà thôi

No comments: