Tuesday, May 26, 2009

HÀNH TRÌNH TÌM LẠI MẸ RUỘT CỦA MỘT CON NUÔI MỸ-VIỆT

Trista Goldberg và hành trình tìm lại người Mẹ ruột Việt Nam
Phương Anh, phóng viên RFA
2009-05-26
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/TristaGoldberg-and-the-operation-reunite-organization-PAnh-05262009162118.html
Vào thời điểm trước 30/4/1975, lúc bấy giờ ở Việt Nam, tổ chức Holt International chuyên lo cho trẻ em mồ côi đã có công đưa khỏang 3,000 em ra khỏi Việt Nam bằng chương trình Operation Babylift.

Trang web của Tổ chức Operation Reunite. Photo: RFA
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/TristaGoldberg-and-the-operation-reunite-organization-PAnh-05262009162118.html/operation-reunite-305.jpg

Phần lớn, các em được các gia đình người Mỹ nhận làm con nuôi, phần còn lại các gia đình ở Canada, Châu Âu hay Australia nhận nuôi dưỡng.
Hơn 30 năm đã trôi qua, các em đều đã trưởng thành. Trong số họ, không ít có những em muốn tìm về cội nguồn, tìm lại người mẹ ruột của mình năm xưa.
Một trong những người đó là chị Trista Goldberg, tên Việt Nam là Nguyễn Thị Thu, người sáng lập tổ chức thiện nguyện mang tên Operation Reunite. Trang Phụ Nữ kỳ này xin được mời quí vị nghe câu chuyện của chị Nguyễn Thị Thu.

Hành trình tìm Mẹ
Theo lời của chị Thu kể lại, sau khi chị cùng người em trai được chương trình Operation Babylift đưa đến Mỹ, thì được một gia đình người Mỹ nhận làm con nuôi. Lúc bấy giờ, chị khoảng 4 tuổi. Ngày tháng dần trôi, chị cũng chẳng hề thắc mắc về thân phận của mình…
Cho đến một ngày, khi chị sắp sửa lập gia đình, bỗng dưng, chị muốn tìm hiểu về nguồn gốc, lai lịch của mình.
Chị kể lại:
“Lúc đó, tôi chuẩn bị cho đám cưới của tôi, tôi nghĩ đến cảnh gia đình xum họp, rồi tôi sẽ có gia đình riêng của tôi… và tôi nghĩ đến mẹ ruột của tôi. Và tôi cũng có một đứa em trai kế, cũng được nhận làm con nuôi như tôi, chính nó đã khuyến khích tôi và rồi cứ thúc giục tôi đi tìm mẹ ruột của chúng tôi.
Nó cứ bảo là hãy cố gắng làm việc này cho nó. Nói chung, có nhiều sự thúc đẩy lắm, và cuối cùng, tôi nghĩ là đã đến lúc tôi phải đi tìm mẹ ruột của chúng tôi.”


Được biết, khỏang năm 2001, thì chị bắt đầu cuộc tìm kiếm. Với một số giấy tờ năm xưa, chị nhờ đến các tổ chức, hội đoàn có liên hệ với Việt Nam trước đây. Từ khái niệm rất mơ hồ về hai chữ “Việt Nam” đó, chị tìm đủ mọi cách và phương tiện để kiếm thông tin về người mẹ ruột của mình.
Thật may mắn, chỉ sau hơn 3 tháng, chị nhận được tin khá chính xác về mẹ của mình, đã định cư cùng với 3 người con khác ở Hoa Kỳ theo chương trình Con Lai từ năm 1990, chị kể lại:
“Lúc đầu, tôi tìm kiếm ở trên Internet, dĩ nhiên là tôi cũng có một số giấy tờ mà mẹ nuôi tôi còn giữ khi làm thủ tục nhận chúng tôi. Tôi cũng nhờ đến tổ chức Vietnamese Adoptee Network, rồi cả tổ chức Holt International là tổ chức năm xưa đã đưa tôi đến Mỹ theo chương trình Operation Babylift.
Qua những tổ chức này, tôi đã có đôi chút khái niệm về Việt Nam và hiểu được phần nào các chi tiết trong các giấy tờ của tôi ngày xưa. Tôi đã biết được tên của mẹ ruột tôi, tên của người anh lớn tôi. Tôi bắt đầu tìm kiếm ở khắp nơi.
Tôi cứ nghĩ là mẹ ruột tôi còn ở Việt Nam. Tôi nhờ một dịch vụ ở Việt Nam tìm, nhưng sau đó, với những thông tin sau này thì tôi biết rằng mẹ tôi đã ở Hoa Kỳ.”

Sau khi tìm được số điện thọai của người anh lớn hiện định cư ở Kansat, lòng đầy hồi hộp, chị lập tức liên lạc ngay, chị kể tiếp:
“Sau khi tôi có được số phone của người anh lớn nhất của tôi ở bên Kansat, tôi gọi cho anh ấy ngay và hỏi lại một số điều để cho chắc chắn vì tôi sợ tìm lầm. Chỉ một phút sau, anh tôi đã ngắt lời tôi và nói. “ Cô đúng là em Thu rồi!” Thu là tên tiếng Việt của tôi, và nói tôi phải gọi cho mẹ tôi ngay rồi cho tôi số điện thọai của mẹ tôi, bà định cư ở Hawaii.
Tôi gọi cho mẹ tôi, người chị kế của tôi bắt điện thoại, tôi nói rằng: “Tôi là Thu”. Chị tôi nói với mẹ tôi. Vừa nghe như thế thì bà đã xỉu ngay lập tức (cười)…”

Cuộc đoàn tụ cảm động
Thế là một cuộc đòan tụ vô cùng cảm động diễn ra ở Los Angles, vì bà Nguyễn Thị Thanh, mẹ của chị Thu định cư tại bang Hawaii. Hơn nữa, gia đình còn bán tín bán nghi… Mặc dù ngôn ngữ bất đồng và phải nhờ đến thông dịch, nhưng cả hai cùng hiểu nhau hơn bao giờ hết qua những dòng lệ tuôn chảy không ngừng.
Giờ đây, khi nhắc lại chuyện cũ năm xưa bà cho hay rằng trước khi tái giá với một sĩ quan người Mỹ, bà đã có hai con riêng, sau khi sinh được 4 người con, tưởng rằng khi anh mãn hạn tại Việt Nam, bà và các con sẽ theo về Mỹ. Không may, anh bị tử trận. Một mình nuôi 6 con thơ, hai đứa nhỏ nhất lại bịnh họan, bà quyết định đến nhờ hội Holt International đem đi chữa bịnh dùm, ai dè… bà nói:
“Ổng chết rồi thì thằng Bích với con Thu tui cho đi là vì nó có cái “rún”, cần chữa bệnh… Hồi chộn rộn, tôi cho Hội để qua Washington chữa bệnh. Nguyễn thị Thu là con gái tôi, tôi đặt tên Nguyễn Hồng Sơn, Nguyễn Hồng Cúc, Nguyễn Hồng Bích, chỉ có con Thu là không có “Hồng” thôi!”

Từ Hawaai, người chị ruột tên Nguyễn Hồng Cúc thuật lại:
“Hồi đó bà già con đông quá… lúc đó em cũng được 7 tuổi rồi. Em nhìn được là vì trong người của nó có cái “rún lồi”, rồi em đưa hình Thu còn nhỏ ra, em hỏi nó phải trong người nó có cái rún lồi không? Nó nói phải, em vạch ra em coi, thì qua Mỹ nó cắt bỏ.
Em rất là mừng, lúc đó bà già em khóc rất là nhiều. Em và mẹ em không bao giờ nghĩ là tìm lại được, vì chỉ có mấy tấm hình làm sao kiếm lại được. Em không thể tưởng tượng được là gặp lại đâu, giống như trong chuyện phim vậy…”

Tổ chức Operation Reunite
Sau khi tìm lại đưọc mẹ và các anh chị của mình., chị Thu nảy ra ý định thành lập tổ chức Operation Reunite, chị nói:
“Operation Reunite là một tổ chức bất vụ lợi với mục đích là hỗ trợ cho những con nuôi người Việt của các gia đình người Mỹ, tìm lại mẹ ruột và gia đình của mình mà vì hòan cảnh, trong thời gian chiến tranh Việt Nam đã bị chia cách.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng muốn giúp nâng cao sự nhận thức về văn hóa, ngôn ngữ và truyền thống gia đình, như một di sản để lại cho những người con nuôi người Việt này. Trong thời gian tôi tìm kiếm gia đình của tôi, tôi chỉ mong sao có thêm chút thông tin, chút kiến thức để bổ sung vào cuộc kiếm tìm…
Chính vì thế, ngay sau khi tôi đã tìm được mẹ tôi và anh chị em của mình, với những kinh nghiệm, những cảm xúc mà tôi đã trải qua, tôi đã nảy ra ý định thành lập tổ chức này để mong sao có thể giúp cho những người con nuôi Việt Nam khác, giống như tôi, muốn tìm kiếm mẹ ruột của mình thì sẽ dễ dàng hơn. Hoặc, có thể họ muốn biết thêm về vài nét văn hóa của một đất nước mà mình đã sinh ra nơi đó.”

Chị Nguyễn Hồng Cúc cũng tiếp tay với cô em của mình, chị kể:
“Thu đưa cho em một số tài liệu như là I.D, khai sinh của người cho đứa bé.., thì em lục ra. Kỳ đó, em đi qua Đà Nẵng, cái cô đó cho đứa con gái, em cũng tìm ra được. Em vô tới cái xóm đó tìm ra được, người mẹ còn ở Việt Nam…. mà em không bao giờ lấy đồng bạc nào đâu! Thu đưa hồ sơ cho em thì em kiếm dùm thôi.
Nói chung, hồi em ở Việt Nam em rành đường sá lắm, Thu thì đâu có biết… Em giúp cho mẹ con người ta đoàn tụ thôi.. em cũng được như vậy thì muốn giúp dùm, thất lạc bao nhiêu năm, bây giờ mừng mà cảm động mà lâm ly bi đát lắm, khóc hù hụ… em không dám nhìn luôn.”

Hiện nay, ngòai giờ dậy tại một cơ sở vật lý trị liệu ở bang New Jersey, chị Thu dành hết thời gian còn lại để lo cho tổ chức Operation Reunite. Mỗi khi nghĩ lại bản thân mình, chị luôn cảm thấy vui sướng vì:
“Tôi rất tự hào có được cái di sản truyền thống văn hóa của Việt Nam. Tôi cố gắng truyền lại di sản ấy cho các con của tôi càng nhiều càng tốt.
Tôi lớn lên và được giáo dục ở Hoa Kỳ, và phải thật lâu lắm, mãi về sau này tôi mới cảm nhận được tôi có mẹ ruột là người Việt Nam và 27 năm sau thì tôi mới đoàn tụ cùng mẹ và anh chị của tôi.
Bên cạnh đó, tôi rất vui vì còn có được cả đại gia đình, họ hàng, cậu dì, các cháu còn ở bên Việt Nam. Nhưng khổ nỗi tôi lại không biết tiếng Việt, nên tôi không biết diễn tả thế nào cho họ hiểu cảm xúc của tôi mỗi khi có dịp gặp họ.”


Với kinh nghiệm khi làm việc và cơ hội tiếp xúc với những người con nuôi Việt Nam, chị nhận xét rằng:
“Tôi nhìn thấy những người con nuôi Việt Nam cho dù đã có gia đình, con cái đi chăng nữa thì đều có khuynh hướng tìm về cội nguồn, muốn tìm lại lai lịch của mình, như tìm lại di sản của chính mình.
Tôi rất mừng về điều này và tôi cho đó là phần thưởng cho tôi. Tôi cảm thấy rất tự hào vì đã đóng góp vào việc giúp cho những người con nuôi, giống như tôi, tìm lại mẹ ruột và gia đình của họ.”


Quí vị và các bạn vừa nghe câu chuyện của chị Trista Goldberg, hay nói đúng ra là Nguyễn Thị Thu, và một vài nét về hội Operation Reunite do chị thành lập. Trang Phụ Nữ xin ngừng nơi đây. Hẹn gặp qúi vị vào kỳ sau.

Copyright © 1998-2009 Radio Free Asia. All rights reserved.

No comments: