Lá sớ Nguyễn Thị Huệ
Trần Vũ
27/05/2009 10:57 chiều
http://www.talawas.org/?p=5038
1800 chữ ký trong Danh sách Kiến nghị quá ít so với dân số gần 90 mươi triệu người của đất nước?
Nếu khó xác định thế nào là trí thức, Danh sách kiến nghị ít nhất quy tụ rất nhiều đại khoa bảng trong và ngoài nước. Dân Việt mang truyền thống trọng khoa bảng, cảm thấy vinh dự cho giai cấp này, lần đầu tiên từ sau Cách mạng tháng Tám kiến nghị như vậy. Đông đúc tiến sĩ, cử nhân, thạc sĩ, giáo sư, kỹ sư đủ các lĩnh vực, dâng sớ, tuy không xin chém đầu 7 nịnh thần như Chu Văn An, đã yêu cầu Chính phủ của dân và vì dân hãy xem lại quyết định khai thác quặng mỏ nhiều nguy hại cho quốc gia.
Cách trả lời Lá sớ Nguyễn Thị Huệ của Ủy ban Pháp luật Quốc hội, là cách trả lời của triều Trần Dụ Tông ngày xưa, khiến Chu Văn An tức uất phải cáo quan về quy ẩn. Tuy sinh quán huyện Thanh Đàm, làng Thanh Trì, tức phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội bây giờ, nhưng Chu Văn An tức uất đến mức bỏ ra khỏi ngoại thành, về núi Chí Linh dạy học sống đời đạm bạc cho đến chết.
Chu Văn An là một giáo sư, giữ chức Tư nghiệp Quốc Tử Giám, tức ở vị trí của rất nhiều giáo sư ký kiến nghị Bô-xít. Nếu lấy Chu Văn An chia cho nhiều triệu dân Việt dưới triều Trần Dụ Tông, chỉ số sẽ rất thấp, gần như epsilon ε, đơn vị gần zéro trong toán học. Nhưng Chu Văn An đi vào sử sách ở cương vị của một tiếng nói chính trực, của một lương tâm không chấp nhận triều chính vô đạo. Ở vị trí này, Chu Văn An không còn là epsilon ε mà đã tiến đến cực đại, vì là một giá trị tuyệt đối. Những ai vận dụng phép tính giản lược của thống kê, cần tìm hiểu phép tính xác suất của Chu Văn An.
Làm một đại quan triều Trần, được phong tước Văn Trinh Công, Chu Văn An đã hành xử đúng với lương tâm mình, đúng với trách nhiệm của quan triều vì dân, vì nước và chấp nhận chết trong quên lãng, bần hàn. Chính vì vậy ông để lại cho hậu thế tấm gương sáng ngời và cũng vì hành động dâng sớ của ông, dân Việt tin trong quá khứ xa xưa, trên mảnh đất của cha ông, đã thực sự hiện diện một ngòi bút Tả Thanh thiên viết lên trời xanh của giai cấp nho sĩ. Sau tao loạn, ngòi bút này biến mất, có thể bị trưng thu, hay đã bị đánh cắp bán cho Đài Loan sưu tập cổ vật.
Lá sớ Nguyễn Thị Huệ hãy còn cách rất xa Thất trảm sớ của Văn Trinh Công, có thể vì không tìm ra bút Tả Thanh thiên để viết. Nhưng đã là một khởi đầu cho tiền lệ dâng sớ trên đất nước lắm anh hùng khổ đau này. Chưa thể biết Lá sớ Nguyễn Thị Huệ đi về đâu, nhưng truyền thống xưa đang dần lập lại, dù kết cuộc vẫn là bất lực. Sau hai thập niên Chợ Đồng Xuân định hướng Hán-Nôm, Hán ở mặt tư tưởng và Nôm ở con người lao động, dân Việt hiểu ra chính Thất trảm sớ và ngòi bút Tả Thanh thiên mới thực sự là di sản của dân tộc này, chứ không phải 16 chữ vàng.
Hồ Cẩm Đào có khắc 160 chữ vàng lên cột đồng thì dân tộc này vẫn xóa đi.
Để khắc, Hồ Cẩm Đào có Tôn Tử. Để xóa, dân Việt có Chu Văn An. Ông là một danh thần, nho sĩ đầu tiên được thờ ở Văn Miếu. Thờ tiền nhân làm gì khi không kính trọng tiền nhân? Thờ thầy làm gì khi môn sinh không vâng lời thầy? Cột đồng đã cắm ở Biển Đông. Dân Việt đã bị cấm lưới cá, tức cấm sinh nhai. Không dâng sớ thì còn đợi đến khi nào? Không phải vấn đề môi trường. Môi trường chỉ là vấn đề phụ. Vấn đế chính là an ninh quốc gia, là lãnh thổ quốc gia. Không giữ được không gian sinh tồn thì môi trường vô nghĩa. Viết môi trường là vì không thể viết thẳng: Biển đã mất, đất không biết giữ, quan triều làm gì?
Chỉ có hai chọn lựa: Khắc tên mình lên cột đồng để cùng vinh hiển với giặc hoặc quỳ tạ tội với Chu Văn An.
Dân đã chọn. Còn lại quan triều.
27 tháng 5-2009
© 2009 Trần Vũ
© 2009 talawas blog
No comments:
Post a Comment