Thursday, May 28, 2009

TƯƠNG LAI CỦA TỰ DO (Phần I)

TƯƠNG LAI CỦA TỰ DO
Fareed Zakaria
Bums, X-cafe chuyển ngữ
http://www.x-cafevn.org/node/1664



Dân chủ có luôn là một điều tốt? tác giả Fareed Zakaria đã thách thức người đọc khi phân tích những giá trị của dân chủ, từ khi nó chỉ là một dạng thức cầm quyền cho đến khi nó trở thành một lẽ sống của xã hội. Qua cuốn sách "Tương Lai Của Tự Do: Dân Chủ Giới Hạn Ở Trong Và Ngoài Nước", Fareed Zakaria đã đặt ra nhiều câu hỏi hóc búa: mặt xấu của dân chủ là gì? có nên có quá nhiều tự do? đâu là cán cân giữa tự do cấp tiến và dân chủ? Tác giả cũng đã giới thiệu về lịch sử của quá trình dân chủ trên thế giới cũng như những biến thái của dân chủ khi được áp dụng trong các vùng địa lý và văn hoá khác nhau.

X-cafe xin trân trọng giới thiệu và đăng tải bản tiếng Việt của cuốn sách này do thành viên Bums chuyển ngữ. Chắc chắn bản dịch sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về khái niệm dân chủ cũng như các góc nhìn về nó.

Thành viên Bums đã bỏ nhiều công sức và thời gian để dịch cuốn sách sang tiếng Việt với một văn phong trong sáng, dễ hiểu và khách quan. Xin thay mặt toàn thể diễn đàn cám ơn bạn về dự án này.


Nhận xét của một số độc giả về nội dung cuốn sách:



"…một trong những phân tích có ý nghĩa nhất về chính trị thế giới của thập kỷ vừa qua."
Samuel Huntington

"kích thích cho đến tận trang cuối cùng. Một phân tích có giá trị lớn."
Business Week

"Một sự thú vị giành cho độc giả, Một tác phẩm cực độc đáo và sắc bén."
Washington Post

"…một tác phẩm lý thú, để lại nhiều suy nghĩ về những tác động của các nguyên lý hiến pháp phương Tây."
Hennry Kissinger

"Là một người hiểu biết mọi ngóc ngách của hành tinh này ông ta đã bàn luận về vấn đề cấp bách nhưng không mấy ai để ý đến của một nền dân chủ "không tự do", phân tích "trường hợp đặc biệt Hồi giáo" và đã chỉ cho độc giả cách quan sát những điều được cho là đương nhiên từ một góc nhìn khác."
Richard Holbrooke

"Có những quyển sách chỉ đơn giản là hơi bị ngắn."
National Review

"Với cuốn sách táo bạo và nhiều tham vọng của mình, Zakaria đã viết tiếp tác phẩm của Tocqueville, […] Mong cho ông ta có được một lượng độc giả đông đảo."
New York Times

"Trong công trình phân tích sắc bén của mình, Zakaria đã đưa ra những câu hỏi khó và đã chuẩn bị sẵn những câu trả lời có tính chất khiêu khích."
Arthur Schlessinger Junior

Tiểu sử tóm tắt của Fareed Zakaria:
Fareed Zakaria là tổng biên tập của Newsweek International và là bình luận viên chính trị của đài ABC News. Ông ta hiện sống tại New York.
Zakaria, sinh năm 1964 tại Bombay, bảo vệ luận án tiến sĩ ngành Khoa học chính trị tại trường đại học Harvard-University, là giảng viên ngành Quan hệ quốc tế và Triết học chính trị tại đây cho đến khi ông nắm vị trí lãnh đạo trong ban biên tập tạp chí chuyên ngành có uy tín Foreign Affairs. Từ năm 2000 ông ta lãnh trách nhiệm là tổng biên tập của Newsweek International, tạp chí có lượng ấn bản phát hành rộng khắp toàn thế giới với tổng số độc giả vào khoảng 3,5 triệu người. Zakaria thường xuyên viết cho Newsweek, New York Times, Wall Street Journal và New Yorker.
Những công trình về báo chí và văn học của Zakaria đã nhiều lần chiếm được giải thưởng. “The Future of Freedom“ là cuốn sách thứ 3 của ông, hiện nay cuốn này đã được dịch ra 17 thứ tiếng. Lần xuất bản thứ nhất tại Hoa kỳ đầu năm 2003, chỉ một thời gian ngắn nó đã có mặt trong danh mục Bestseller của New York Times.
------------------------------------


TƯƠNG LAI CỦA TỰ DO

Fareed Zakaria

Thời đại dân chủ

Chúng ta đang sống trong thời đại dân chủ. Không có một trào lưu nào trong những thế kỷ qua đã để lại dấu ấn sâu đậm trên thế giới như những nước đi thắng lợi của nguyên tắc đa số. Vào những năm 1900 vẫn còn chưa hề có một nước nào trưng ra được đặc tính cơ bản theo đó ngày nay ta có thể khẳng định được đấy là một nền dân chủ: bổ nhiệm các cơ quan chính trị qua các cuộc bầu cử, trong đó tất cả mọi công dân đến tuổi trưởng thành đều được phép đi bầu. Đến nay đã có 119 nước trên thế giới, tương đương với 62% dân số toàn cầu, thỏa mãn được tiêu chuẩn này. Những gì được gọi là thực tiễn chính trị bắt đầu ở một vài nước ít ỏi tại Bắc Mỹ giờ đây đã trở thành chuẩn mực điều hành nhà nước khắp mọi nơi trên thế giới. Nền quân chủ đã lỗi thời, chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa cộng sản đã bị mất tín nhiệm vĩnh viễn, nhà nước thần quyền hồi giáo trong bất cứ trường hợp nào cũng không mấy được ưa chuộng do bởi một nhóm thiểu số quá khích. Đối với tuyệt đại đa số nhân loại, chỉ có duy nhất dân chủ là cội nguồn của tính chính đáng chính trị. Ngay đến cả những kẻ độc tài như Hosni Mubarak ở Ai cập hoặc Robert Mugabe ở Simbabwe cũng đã phải chịu tốn kém để tổ chức những cuộc bầu cử hoành tráng-có thể ngay từ đầu đã biết ai là người thắng cử. Việc ngay cả những kể chống đối dân chủ cũng phải bắt chước những ngôn ngữ và nghi lễ của một nền dân chủ đủ chứng tỏ: Cuộc chiến đã thắng lợi từ lâu.
Tuy nhiên thời đại dân chủ còn làm nên sự chú ý ở những mặt khác nữa. Từ nguồn gốc văn tự Hy lạp cổ dân chủ có nghĩa tựa như là sự cai trị của nhân dân. Và một sự phân bố lại quyền lưc từ trên xuống dưới quả nhiên có thể quan sát thấy ở khắp mọi nơi. Vì thế ở đây tôi sử dụng khái niệm "Dân chủ hóa“, mặc dù sự việc xảy ra hoàn toàn không giới hạn trong lĩnh vực chính trị. Tuy vậy những hiện tượng đi kèm xảy ra ở khắp nơi cũng chỉ là một: Các cơ cấu thứ bậc bị tan vỡ, những hệ thống kép kín đã mở ra, sức ép của quần chúng trở thành động lực thay đổi xã hội. Từ một hình thức nhà nước, nền dân chủ đã phát triển thành một lối sống (way of life).
Thí dụ như trong kinh tế: tính đặc trưng và mới của chủ nghĩa tư bản hiện đại không phải là toàn cầu hóa, cũng không phải là vai trò áp đảo của thông tin và kỹ thuật; cả hai đều đã có từ lâu. Cái mới chính là chất lượng dân chủ của nó. Tăng trưởng kinh tế trong vòng 50 năm qua đã đem lại sự giàu có cho hàng triệu con người ở các nước công nghiệp phát triển. Tiêu xài ở mức cao, có tiền gửi tiết kiệm và có vốn đầu tư ngày nay đã thuộc vào tài sản của đông đảo quần chúng, những cái đó bắt buộc các kết cấu xã hội phải thích nghi. Quyền lực kinh tế, hàng thế kỷ nay tập trung trong nhóm các thương gia đáng kính trọng, các chủ nhà băng và tầng lớp quan chức, giờ đây đã dịch chuyển về phía tầng lớp cơ bản bên dưới. Đa số các cơ sở kinh doanh, vâng, đa số các quốc gia không còn lôi kéo mời chào số chục ngàn thuộc tầng lớp trên nữa, mà nhằm vào tầng lớp trung lưu đông đảo. Cũng đúng thôi-vì tài sản cố định của một vài hiệp hội đầu tư danh tiếng nếu đem so sánh với tiềm lực tài chính của một qũy hưu trí có khác nào tiền tiêu vặt.
Văn hóa cũng đã trở nên dân chủ hơn. Nền văn hóa thượng lưu cổ điển tuyệt nhiên không phải đã chết hẳn, nhưng nó cũng chỉ tồn tại một cách lay lắt như thể là một mặt hàng tiêu dùng dành cho các thế hệ già. Trung tâm của đời sống văn hóa ngày nay đã bị nhạc pop, sự cuốn hút của phim ảnh thương mại và những chương trình vô tuyến chủ yếu chiếm lĩnh. Bộ ba này tạo nên tiêu chuẩn nghệ thuật của thời đại chúng ta, là hệ tọa độ văn hóa mà chúng ta chuyển động trong đó. Hơn nữa: cuộc cách mạng dân chủ đã làm thay đổi các khái niệm văn hóa của chúng ta. Nếu xưa kia danh tiếng của một nữ ca sĩ chẳng hạn có lẽ chủ yếu phụ thuộc vào điều ai là người yêu thích chị ta, thì ngày nay danh tiếng của chị ta sẽ phụ thuộc vào số lượng những người hâm mộ. Đánh giá theo kiểu như vậy thì Jessey Norman sẽ không bao giờ sánh kịp với Madona. Số lượng đã vượt lên trở thành biểu tượng của chất lượng.
Cái gì đã làm nên sự dịch chuyển dữ dội ấy? Giống như tất cả các trào lưu lớn trong xã hội làn sóng dân chủ bắt nguồn từ rất nhiều yếu tố: sự tiến bộ của kỹ thuật, sự giàu có ngày càng tăng của tầng lớp trung lưu, sự thất bại của các hệ tư tưởng và các hệ thống khác đã một thời giữ cho xã hội có được trật tự của nó. Đóng góp thêm vào những tác động mang tính cấu trúc này đó là nước Mỹ, một lực lượng mang tính lịch sử. Do vị thế áp đảo của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ với một nền chính trị và văn hóa có mức độ dân chủ rất sâu rộng có vẻ như quá trình dân chủ hóa toàn thế giới là điều không thể nào tránh khỏi. Cho dù các nguyên nhân có thể là thế nào đi nữa: Việc dự đoán các hậu quả của quá trình dân chủ hóa ngày càng tăng cũng không lấy gì làm khó khăn. Với việc cải tạo môi trường chính trị, quá trình dân chủ hóa vẫn còn lâu mới đến đích của mình, bởi vì còn nhiều cái khác nữa tham gia làm nên cuộc sống hiện đại của chúng ta, chúng, suy cho cùng cũng xuất phát từ các ý tưởng dân chủ.
Chẳng hạn người ta nói rằng trong giai đoạn tăng trưởng cao của những năm chín mươi, việc tiếp cận các nguồn thông tin đã được dân chủ hóa. Trước đó sự gia tăng của chúng chỉ nhằm phục vụ cho chế độ tập quyền trung ương và cho cơ cấu thứ bậc. Những nước đi thắng lợi của Radio, TiVi, điện ảnh và Megafon chứa đựng một hiệu ứng tập trung hóa. Ai nắm trong tay kỹ thuật này có nghĩa là nắm được toàn bộ xã hội. Chính vì thế mà những kẻ làm đảo chính, những nhà cách mạng ở thế kỷ hai mươi đầu tiên bao giờ cũng tiến hành chiếm giữ các đài truyền thanh. Trong xã hội tin học ngày nay ngược lại có đến hàng ngàn kênh tinh tức khác nhau-điều này làm cho việc kiểm soát tập trung trở nên không thể thực hiện được và giúp cho việc thể hiện các ý kiến khác biệt trở nên dễ dàng hơn. Mạng internet đã đẩy quá trình này lên tới đỉnh điểm. Ở đó theo như Thomas Friedman, nhà bình luận của tờ New York Times: "Tất cả đều kết nối mạng, không một ai có chức năng kiểm soát.“
Dân chủ hóa thông tin và kỹ thuật có nghĩa là trên thực tế mỗi một người gần như đều có thể có tất cả mọi thứ trong tay. Kể cả vũ khí giết người hàng loạt. Osama Bin Laden trong những năm chín mươi cũng đã từng mày mò chế tạo vũ khí sinh học. Điều đáng ngạc nhiên nhất ở đây là: Các số liệu khoa học và các tài liệu hướng dẫn tìm được trong nhà của các phần tử Al Kaida ở Kabul cho thấy chúng không phải là những thứ đánh cắp từ các tài liệu mật của các phòng thí nghiệm quốc gia, mà là từ những tập tin tải xuống từ internet. Ai muốn biết một cái gì đó, chẳng hạn làm thế nào để nuôi cấy vi trùng gây bênh than, làm thế nào để pha chế độc dược hoặc làm thế nào để tiến hành chiến tranh hóa học, họ chỉ cần có trong tay một phương tiện tìm kiến tốt trên internet. Các chất phụ gia giờ đây dễ kiếm hơn lúc nào hết; cái quan trọng nhất là hiểu biết về chuyên môn, chính điều này trong các thập kỷ qua cũng đã lan tỏa một cách hết sức rộng khắp. Ngay cả kỹ thuật nguyên tử về nguyên tắc ai cũng có thể nắm bắt. Tuy nhiên đó là những kiến thức có khoảng năm mươi năm tuổi, đã từng được áp dụng vào các radio sóng trung và trong tivi đen trắng. Tóm lại những thứ như vậy người ta có thể nói đó là sự dân chủ hóa của bạo lực.
Ở đây không chỉ bàn về một từ ngữ thường dùng. Dân chủ hóa bạo lực là một nét đặc trưng cơ bản của hiện tại. Hàng bao thế kỷ nay sự độc quyền bạo lực thuộc về nhà nước đã được thừa nhận; khoảng cách quyền lực này giữa công dân và chính quyền đã đem lại trật tự và làm nên một phần của chất kết dính giữ cho nền văn minh hiện đại gắn bó lại với nhau. Trong các thập kỷ vừa qua tuy nhiên ưu thế của các cơ quan nhà nước đã bị thu nhỏ lại một cách đáng kể; ngày nay các nhóm xã hội phân tán có thể gây nên những hậu quả khôn lường.
Đòn nặng nề nhất giáng trả lại uy quyền của nhà nước không còn nghi ngờ gì nữa đó chính là chủ nghĩa khủng bố, không chỉ có vậy từ phía khác uy quyền này cũng phải chịu một sức ép ngày càng gia tăng. Thị trường vốn, hệ thống kinh doanh cá thể, các đơn vị hành chính cấp địa phương, các tổ chức xã hội dân sự- tất cả những thứ đó ngày càng đè nặng lên trên nhà nước. Sự suy yếu của nó bộc lộ ở vấn đề nhập cư lậu lan tràn khắp thế giới, ở những dòng lưu chuyển tài chính mờ ám, ở các vụ buôn người, buôn ma túy và vũ khí. Được các biến chuyển hiện diện khắp mọi nơi về kỹ thuật, xã hội và kinh tế tạo điều kiện thuận lợi, quá trình phân tán quyền lực sẽ tiếp tục tiếp diễn. Mặt khác nhà nước từ sau sự kiện 11.09.2001 đã có thêm sức mạnh và tính chính đáng mới. Như vậy đăc trưng cho thời đại khủng bố là mối quan hệ căng thẳng giữa một bên là quá trình dân chủ hóa quyền lực công và một bên là sự hồi sinh của một nhà nước mạnh.
Bàn luận về những vấn đề như vậy dĩ nhiên cần phải giữ sao cho dân chủ không trở nên bị nghi ngờ, thiếu tin tưởng. Những tác động của chúng chủ yếu là tích cực và cực kỳ tích cực. Liệu có ai người muốn quay trở lại cái thời mà các cá nhân có rất ít cơ hội để phát triển, có rất ít ảnh hưởng và quyền tự chủ? Thế nhưng, giống như tất cả các cuộc biến đổi lớn, dân chủ cũng có những mặt trái của nó-mặc dù hầu như chẳng mấy người nói đến. Ai bạo gan làm điều này, người đó nhất thiết phải bỏ ngoài tai lời chê trách là kẻ lạc hậu, là con người của ngày hôm qua. Chính vì thế mà chúng ta chưa bao giờ dừng lại để suy ngẫm về thời đại của mình. Do sợ bị chụp mũ là kẻ thù của dân chủ chúng ta đã không dám phân tích xem vấn đề nào sẽ nảy sinh cùng với sự lan rộng của dân chủ ngày càng mạnh mẽ ở khắp mọi nơi trên thế giới. Mặc nhiên chúng ta đã ngầm coi nguyên tắc đa số hoàn toàn chỉ có thể có tác động tốt. Nếu một khi chúng ta phải đối mặt với những tình trạng khiếm khuyết của xã hội, của chính trị hoặc kinh tế, chúng ta sẽ, lúc thì cho rằng đó là do nguyên nhân này lúc lại cho rằng đó là do nguyên nhân khác, chúng ta không nhìn thấy những mối liên quan, và không muốn bị ép phải tìm ra những câu trả lời bắt buộc. Do vậy những tranh luận từ lâu đã trở nên cần thiết về sự biến động đầy ấn tượng xẩy ra trong trung tâm đời sống chính trị, kinh tế và xã hội của chúng ta, đã bị bỏ qua một cách hoàn toàn.

Dân chủ và Tự do

"Giả thiết rằng, sẽ có một cuộc bầu cử tự do và bình đẳng được tiến hành“, nhà ngoại giao Mỹ Richard Holbrooke nói về Nam tư trong những năm 1990, "và người chiến thắng là những kẻ phân biệt chủng tộc, những tên phát xít và những kẻ ly khai. Đó mới thực là điều khó xử.“ Vượt ra ngoài bối cảnh lịch sử của nó nhận định này cũng đúng với tình hình chính trị thế giới hiện hành. Ví dụ các nước theo đạo Hồi: Trong những xã hội thường thiếu tự do này theo quan niệm của chúng ta chúng đang có đòi hỏi cấp thiết về dân chủ hóa. Thế nhưng, sẽ là cái gì nếu như nguyên lý đa số ở đó lại đưa thẳng đến một nhà nước thần quyền? Những nỗi lo như thế hoàn toàn chính đáng. Khắp mọi nơi trên thế giới đều có những chính phủ vốn được hình thành lên qua bầu cử, qua tái bầu cử hoặc qua trưng cầu dân ý một cách dân chủ nhưng đã thường xuyên vượt ra ngoài những giới hạn quyền lực của họ được hiến pháp quy định cũng như thường xuyên vi phạm những quyền cơ bản của công dân. Thực tế đáng báo động này, quan sát thấy ở Peru cho tới Palestine, từ Gahna cho tới Venezuela, có thể diễn đạt tóm gọn bằng khái niệm "Dân chủ không có tự do“.
Nếu là ở phương Tây, mỗi khi nói về Dân chủ, chúng ta bao giờ cũng liên tưởng đến thuộc tính "tự do“. Qua đó chúng ta quan niệm rằng một hệ thống chính trị, không chỉ nổi bật ở chỗ có bầu cử tự do và bình đẳng, mà còn phải ở chỗ có một nhà nước pháp quyền, có sự phân chia quyền lực cũng như có các quyền cơ bản, là những quyền bên cạnh việc bảo vệ tài sản, ngoài ra còn phải bảo vệ tự do ngôn luận, tự do hội họp và tự do tín ngưỡng. Những quyền hiến định thành văn như thế tuy nhiên tự nó chẳng hề có liên quan chút nào đến dân chủ. Đến ngay cả ở phương Tây hai nguyên tắc này không phải lúc nào cũng đồng hành với nhau. Việc Hitler trở thành thủ tướng, xét cho cùng đó cũng là kết quả của bầu cử tự do. Chỉ cho đến nửa đầu thế kỷ trước, ít nhất là ở phương Tây, tự do và dân chủ mới hòa nhập vào nhau thành Dân chủ tự do. Trong thời gian gần đây nhất hai nhánh chính này trong cấu trúc chính trị của chúng ta lại có xu hướng tách rời khỏi nhau ở nhiều nơi trên thế giới. Nền dân chủ nở rộ, nhưng tự do thì không.
Ví dụ tại Trung Á, các cuộc bầu cử ở một số nơi đã mở đường cho độc tài lên nắm chính quyền, và ở những vùng khác chúng đã làm căng thẳng thêm các mâu thuẫn chủng tộc và sự kình địch. Trong khi đó tại các nước đã trở thành dân chủ như Nam tư hay Indonesia về cơ bản bầu không khí giờ đây đã dung hòa hơn, cởi mở hơn là khi chúng còn được điều hành bởi những "người đàn ông mạnh mẽ“ (Tito, Suharto). Kết quả cũng sẽ không đạt được bao nhiêu nếu như tại những nước hoàn toàn không có dân chủ bầu cử tự do được tiến hành. Giả như sáng ngày mai người ta kêu gọi người dân các nước vùng Ả rập đi bầu cử, rất có thể những nhóm thắng cử sẽ là những nhóm ít khoan dung hơn, phản động hơn, chống phương Tây, bài Do thái mạnh hơn nhiều so với chế độ độc tài hiện hành.
Trong một thế giới ngày càng dân chủ hơn những chính phủ cố tình đi ngược lại trào lưu đang rắc cát vào trục chuyển động của xã hội-chẳng hạn như khu vực Ả rập: Dân chúng ở đó cảm nhận ra, người ta đã che giấu họ những gì, bởi CNN, BBC, Al Dschara đã chỉ cho họ thấy những lựa chọn khác. Tuy nhiên cũng không hiếm những nền dân chủ trẻ đã biến thành những nền dân chủ giả hiệu, từ đó dẫn đến thất vọng, trật tự đảo lộn, bạo lực và những dạng chuyên chế mới. Ở đây người ta nghĩ đến Iran hoặc Venezuela. Dĩ nhiên không vì thế mà chúng ta muốn từ bỏ bầu cử. Thế nhưng chắc chắn chúng ta phải tìm hiểu xem nguyên nhân của sự phát triển này nằm ở đâu. Tại sao các nước đang phát triển lại quá khó nhọc với việc tạo nên một nền dân chủ ổn định xứng đáng với tên gọi của nó? Nếu chúng ta muốn đảm nhận công việc nặng nhọc của lực sĩ Hercules để tạo dựng một nền dân chủ ở Irak, làm thế nào để có thể chắc chắn rằng chúng ta cũng sẽ thành công?
Trước tiên có lẽ phải nêu rõ chúng ta hiểu như thế nào về dân chủ. Từ thời Herodot dân chủ trước hết được định nghĩa đó là sự thống trị của nhân dân; sự định nghĩa khái niệm này như là một phương pháp thành lập chính phủ đã được thừa nhận ở hầu khắp mọi nơi trong nghiên cứu và trong giảng giạy. Tại sao lại như vậy, nhà chính trị học người Mỹ Samuel Huntington đã giải thích trong sách "The Third Wave“ như sau:
"Phổ thông đầu phiếu tự do và bình đẳng là hạt nhân, là điều kiện tiên quyết của dân chủ. Hoạt động lãnh đạo của các nhà nước được hình thành qua bầu cử thường không hiệu quả, tham nhũng, thiển cận, vô trách nhiệm, chạy theo quyền lợi địa phương-không có khẳ năng làm nên những chính sách phù hợp với sự đòi hỏi của lợi ích xã hội. Một chính phủ thể hiện những tính cách như vậy, có thể không được mong muốn; nhưng hoàn toàn không phải là không dân chủ. Dân chủ là một đạo đức nhà nước trong nhiều đạo đức khác. Mối quan hệ của nó đối với các ưu điểm cũng như các khuyết điểm khác của cộng đồng chỉ có thể nắm bắt được, nếu như người ta vạch ra được ranh giới rõ ràng giữa nó và cộng đồng.“
Định nghĩa của Huntington trùng hợp với hiểu biết thông thường của chúng ta. Một đất nước được coi là dân chủ, chừng nào ở đó có nhiều đảng phái chính trị cạnh tranh một cách tự do với nhau để giành sự tín nhiệm của cử tri. Nếu sự tham gia của công chúng vào đời sống chính trị tăng lên, ví dụ do các công dân phụ nữ cũng nhận được quyền tham gia bầu cử, điều này như vậy sẽ được đánh giá là đã đẩy mạnh dân chủ. Việc các cuộc bầu cử phải thỏa mãn yêu cầu phổ thông và bình đẳng, cũng có nghĩa là trước hết dĩ nhiên phải có một chuẩn mực tối thiểu về tự do ngôn luận và tự do hội họp. Nhưng nếu người ta đi xa hơn những đòi hỏi cơ bản này, bằng cách gắn danh hiệu "dân chủ“ với việc đảm bảo một danh mục các quyền cơ bản về xã hội, chính trị, kinh tế và tôn giáo (thêm vào đó, với mỗi một người quan sát lại có một thước đo khác nhau), như thế sẽ làm cho khái niệm "dân chủ“ cuối cùng trở thành trống rỗng không có nội dung. Thụy điển tự cho phép mình có một hệ thống kinh tế, theo như đánh giá của các chuyên gia, nó đã hạn chế quyền tư hữu. Pháp cho đến mới đây vẫn còn níu giữ độc quyền sở hữu của nhà nước đối với truyền hình. Anh thừa nhận có một quốc giáo. Mặc dù vậy các nước này rõ ràng đều là những nước dân chủ. Mở rộng khái niệm dân chủ tới một quan niệm chủ quan về việc điều hành quốc gia một cách hợp lý có nghĩa là đã làm mất đi giá trị của nó đối với mục đích nghiên cứu.
Chủ nghĩa phóng khoáng hợp hiến (constitutional liberalism), ngược lại ít quan tâm đến việc một chính phủ được hình thành lên như thế nào, hơn là quan tâm đến những mục tiêu khác. Chủ nghĩa này được xây dựng trên những cố gắng có nguồn gốc trong lịch sử của phương Tây, nhằm bảo vệ tính độc lập tự chủ và nhân phẩm của con người trước những chèn ép về chính trị, xã hội, tôn giáo và những cái khác. Khái niệm này gắn hai ý tưởng có liên hệ gần gũi lại với nhau: chủ nghĩa phóng khoáng (liberalism) là một trường phái triết học được thành lập vào thế kỷ 19, bảo vệ không gian tự do của cá nhân; và chủ nghĩa hợp hiến (constitutionalism), coi nhà nước pháp quyền là trung tâm của chính trị. Chủ nghĩa phóng khoáng hợp hiến hình thành ở Tây Âu và ở USA nhằm mục đích bảo vệ quyền bất khả xâm phạm, quyền tư hữu cũng như tự do tín ngưỡng và tự do ngôn luận. Thêm vào đó nó đòi hỏi phải có sự kiểm soát quyền lực công, phải có sự bình đẳng trước pháp luật, sự độc lập của tòa án và phải tách tôn giáo ra khỏi nhà nước. Trong gần như tất cả các dạng khác nhau của nó nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa phóng khoáng hợp hiến về bản chất là những quyền tự nhiên, không thể san nhượng, để duy trì được điều này nhà nước phải tuân thủ luật pháp, là cái giới hạn quyền lực của nó. Theo nghĩa như vậy ngay từ năm 1215 giới quý tộc Anh đã ép buộc nhà vua chấp nhận một sự giới hạn quyền lực. Ở các thuộc địa thuộc châu Mỹ, nguyên tắc này cũng được áp dụng. Tại đấy, ở thành phố Hartford vào năm 1638 đã công bố văn bản hiến pháp đầu tiên của thời hiện đại. Hiến pháp năm 1789 của Mỹ sau đó đã tạo ra khung luật pháp cho dân tộc trẻ tuổi này. Và năm 1975 các nước phương Tây qua việc xây dựng nên một nguyên tắc ứng xử đã tạo ra một bước đột phá, nguyên tắc này cũng đã buộc ngay cả các chính phủ không dân chủ cũng phải có trách nhiệm. Bản hiến chương tự do (Magna Charta Libertatum), trật tự nền tảng (fundamental orders) của các bang ở Mỹ, hiến pháp của hợp chủng quốc Hoa Kỳ, cam kết Hensinki: tất cả những cái đó là văn bản của chủ nghĩa phóng khoáng hợp hiến (hay tự do hiến định-ND).
Do bởi các nước phương Tây từ 1945 đa số trong họ vừa đứng về phía dân chủ và vừa đứng về phía chủ nghĩa phóng khoáng nên chúng ta hầu như không thể hình dung được các nguyên tắc này một cách tách rời nhau-theo kiểu như là nền dân chủ không tự do hoặc nền độc tài mang tính tự do. Cả hai thứ này đã và hiện vẫn tồn tại. Mãi sâu trong thế kỷ 20 phần lớn các quốc gia Tây âu vẫn còn là những nước chuyên chế phóng khoáng hoặc tốt lắm là nửa dân chủ. Quyền hạn của quốc hội và quyền bầu cử bị giới hạn nặng nề. Ở Anh, một nước tiên phong trong vấn đề dân chủ ở Châu Âu, năm 1830 chỉ có gần 2% dân chúng được phép tham gia bầu cử; và chỉ được phép bầu các nghị viên vào một viện. Chỉ đến gần 120 năm sau, ở hầu hết các nước phương Tây, tất cả các công dân trưởng thành mới có thể được thực hiện quyền bầu cử ứng cử. Không phụ thuộc vào điều này, ngay từ giữa thế kỷ 19 hầu như khắp mọi nơi những khía cạnh quan trọng nhất của chủ nghĩa phóng khoáng hợp hiến đã hình thành: nhà nước pháp quyền, chế độ tự hữu, ngoài ra sự phân tán quyền lực, tự do ngôn luận, tự do hội họp cũng ngày càng gia tăng. Không phải dân chủ là điều nổi bật trong phần lớn lịch sử của các quốc gia trẻ châu Âu và Bắc Mỹ khi so sánh với phần còn lại trên thế giới, mà chính là chủ nghĩa phóng khoáng hợp hiến. Chính xác hơn so với cuộc bỏ phiếu toàn dân, vị quan tòa độc lập mới là tượng trưng cho hệ thống chính trị phương Tây.
Trong một không gian hạn hẹp nhất, Hồng Kông qua hàng thập niên dài là một minh chứng rõ ràng cho việc tự do không phụ thuộc vào dân chủ. Đảo quốc này là một ví dụ tiêu biểu cho chủ nghĩa phóng khoáng hợp hiến, nhưng hoàn toàn không dân chủ. Trong những năm 90 khi ngày chuẩn bị sát nhập vào Trung hoa lục địa đang tiến đến gần, giới báo chí phương Tây đã tích cực nêu lên những mối hiểm nguy có ý nghĩa đối với nền dân chủ ở Hồng Kông. Tuy nhiên chế độ bảo hộ Anh đã không thể trưng ra được một thành tựu dân chủ nào gọi là có ý nghĩa. Cái bị đe dọa, nói đúng hơn, đó là truyền thống tự do và truyền thống luật pháp của nó. Chúng ta vẫn luôn làm lẫn lộn những khái niệm này vào với nhau. Các chính khách Mỹ và Israel thường xuyên chê trách chính quyền tự trị thuộc vùng Palestina là thiếu dân chủ. Nhưng chắc chắn Jassir Arafat là lãnh tụ quần chúng duy nhất của toàn bộ dân chúng khối Ả rập, mà người ta có thể coi như đã được lựa chọn một cách tự do. Nhà cầm quyền ít có vấn đề với dân chủ-bởi mặc cho tất cả những thiếu sót nền dân chủ đó vẫn cứ hoạt động được ở chừng mực nào đó-hơn là có vấn đề với những ý tưởng tự do.
Trước hết là người Mỹ, họ cảm thấy rất khó khăn trong việc nhận ra mối quan hệ căng thẳng giữa dân chủ và tự do, bởi trong lịch sử của họ nó hiếm khi gây nên sự chú ý. Với một trường hợp ngoại lệ quan trọng: Chế độ nô lệ và sự phân biệt chủng tộc ở các bang miền Nam đã náu mình vào con đường dân chủ. Do đa số công dân có quyền bầu cử ở các bang miền Nam đã đứng ra phản kháng một cách kịch liệt đòi giữ nguyên nền kinh tế nô lệ, cho nên vấn đề này cuối cùng thay vì phải qua con đường nghị viện để giải quyết thì lại được xóa bỏ bởi thắng lợi quân sự của miền Bắc. Cả với cái gọi là bộ luật Jim-Crow, là bộ luật sau khi chế độ nộ lệ bị xóa bỏa đã liên tục bổ xung phần phân biệt chủng ở miền Nam, người ta cũng đã vô hiệu hóa nó trong những năm 50, 60 không phải nhờ vào sự trợ giúp của hệ thống dân chủ mà là qua mặt hệ thống này. Vả lại luật công dân Mỹ, cam kết cuối cùng về quyền bình đẳng được quốc hội thông qua vào năm 1964. Tuy nhiên cho đến lúc đó mỗi một tiến bộ đều được sắp đặt từ bên trên, có thể là do bên hành pháp (như việc loại bỏ chế độ phân biệt chủng tộc trong quân đội), cũng có thể là do phán quyết của ngành tư pháp ở cấp độ cao nhất (ví dụ như trường hợp loại bỏ việc chia trường học theo màu da).

Mô hình Mỹ

Một nhà khoa học trong những năm 90 đã đến Kazakhstan theo ủy quyền của chính phủ Mỹ để cố vấn cho nghị viện nơi này trong việc xây dựng luật bầu cử. Ông ta phác thảo nhiều phương án khác nhau, đối tác của ông ta, một nghị viên có nhiều công trạng của quốc hội Kazakhstan, đã vứt bỏ tất cả với lời lẽ như sau: “chúng tôi muốn quốc hội của chúng tôi cũng hoạt động giống hệt như quốc hội của các ông.” Phát hoảng, sau này ông ta kể lại, ông ta đã phải vật lộn để tìm ra những từ khác với ba từ chợt loé lên trong đầu: “Trời đất ơi!" Thái độ chỉ trích này rất phổ biến tại Mỹ. Nhiều chính khách hiểu hệ thống nghị viện của nước họ là một bộ máy quá nặng nề, là cái mà các nước khác không nên trông đợi. Mặc dù vậy ý tưởng cơ bản của hiến pháp Mỹ-tránh một sự tập trung quyền lực quá đáng-từ năm 1789 hoàn toàn không hề mất đi tính thời sự của nó.Chính ngay ở Kazakhstan một quốc hội lẽ ra có thể mạnh được như quốc hội Mỹ, có đủ khả năng để khống chế sự tham quyền không biết chán của tổng thống.


Người ta tự hỏi tại sao Mỹ đặc biệt ở nước ngoài lại ủng hộ một nền dân chủ không giới hạn. Đặc trưng đối với hệ thống Mỹ là ít giống dân chủ hơn là giống không dân chủ do hậu quả của hàng loạt các hạn chế đối với nguyên tắc đa số trong nó gây nên. Tuyên bố về các quyền cơ bản ở Mỹ (bill of rights) vì vậy không có gì khác hơn là một danh mục những gì chính trị không được phép làm-bất chấp những nguyện vọng của số đông. Đứng đầu của tòa án tối cao (toà hiến pháp), quyền lực cao nhất trong ba quyền lực nhà nước, gồm 9 ông bà không phải qua bầu cử mà là được bổ nhiệm suốt đời. Thượng viện Mỹ là thượng viện mang ít tính chất đại diện nhất trên thế giới, nếu như bỏ qua không tính đến “House of Lord", một cơ quan thực tế chẳng có quyền hành gì, hơn nữa nó đang đứng trước vấn đề cải tổ. Không phụ thuộc vào số dân, mỗi một bang trong nước Mỹ được phép cử hai thượng nghị sĩ đến Washington. Theo đó ba mươi triệu dân California cũng có cùng môt số phiếu đại diện giống như gần bốn triệu dân Arizona. Người ta hầu như không thể nói rằng đó là một sự đại diện hợp lý. Điều nổi bật của phía lập pháp Hoa Kỳ, cho dù ở cấp độ liên bang hay ở cấp độ địa phương không phải là quyền lực mạnh mẽ của một đảng đa số nào đó mà là sự bảo vệ, và thành phần được sự bảo vệ này che chở chính là phe thiểu số và thường ra còn có cả những nghị viên độc lập nữa.
Các cơ sở kinh doanh và các nhóm quyền lợi tư này khác tạo nên một tầng lớp quan trọng nữa của xã hội, đó là một cấu trúc phức tạp, thuộc vào những đặc tính cơ bản của nền dân chủ Hoa Kỳ. Song sư tan vỡ của nó đã bắt đầu từ lâu và đã tạo điều kiện cho một dạng dân chủ thiếu tự do kiểu Mỹ xuất đầu lộ diện. Dĩ nhiên vấn đề này của nước Mỹ nằm ở vị thế khác so với của các nước thứ ba, nó ít độc hại hơn. Nhưng hoàn toàn có sự trùng hợp. Mặc dù quyền và luật pháp ở Mỹ rất bền vững; tuy vậy những sợi dây kết nối it ỏi, mang tính hình thức, giữ cho xã hội gần lại với nhau bắt đầu lỏng dần ra. Nhiều tổ chức chính trị và xã hội (các đảng phái, các hội nghề nghiệp, các đoàn thể và liên đoàn) đã được thiết lập một cách thiếu dân chủ và do đó bị một giáo điều dân chủ đe dọa, đó việc luôn phán xét tất cả các ý tưởng, tất cả các thiết chế chỉ bằng một thước đo đơn giản: Liệu quyền lực đã được phân tán hết mức chưa? Hay nói cách khác: Nó đã đạt đến mức độ dân chủ cao nhất chưa? Quốc hội Mỹ chẳng hạn, trước đây nó là một hội đồng có phân cấp và khép kín, giữ được khoảng cách khá xa đối với sức ép của dư luận quần chúng. Ngay nay minh bạch và cởi mở đối với nguyện vọng của cử tri là điều được mong đợi, và do vậy quốc hội cũng đã phải tuân theo điều này. Vì thế nó đã trở nên dễ gần hơn, dân chủ hơn-và hiệu quả công việc cũng tồi hơn.
Kiểu dân chủ quá mức như vậy cũng thể hiện trong hoạt động của các đảng phái; bị biến dạng thành các sân khấu chính trị nghèo nàn, đảng phái không còn nhận biết vai trò lịch sử của mình là kẻ lựa chọn và là trọng tài trong việc tạo nên nguyện vọng của xã hội. Do bị ảnh hưởng mạnh từ các thăm dò dư luận và từ những lựa chọn trước mang tính nội bộ các đảng phái giờ đây chỉ còn là phương tiện của thị hiếu thời đại-bất kể đến từ hướng nào, tân phóng khoáng, bảo thủ hay là một cái gì đó. Vai trò của các tầng lớp nghề nghiệp ưu tú cũng đã biến đối, đầu tiên phải kể đến là vai trò của giới luật sư, những người một thời đại diện cho tầng lớp công chức tiêu biểu nhất có tinh thần trách nhiệm, hết lòng vì thành phố và địa phương của mình. Là nô lệ cho tính cách nhà nghề lấy cái tôi làm trọng tâm giờ đây họ đã tự xóa bỏ cái uy tín đó, đã đánh mất tính năng nổ trong các công việc xã hội. Các bác sĩ, các kiểm toán nhà nước, các chủ nhà băng cũng đang đi trên một con đường tưong tự. Những hình tượng tiên phong một thời của nền dân chủ đã không còn nữa.
Thăm dò dư luận đã thay cho vị trí của họ. Các nhà sử học tương lai sẽ phân tích sự đuổi bắt tinh thần thời đại không mệt mỏi của chúng ta với một nỗi ngạc nhiên không thể nào tin được. Không ai có thể biết, với bao nhiêu tiền của, thời gian và sức lực chính trị, kinh doanh và truyền thông đã phải tiêu tốn để tạo nên dư luận công chúng trong tất cả mọi vấn để mà người ta có thể nghĩ ra được, từ bảo hiểm xã hội, qua cuộc sống sau khi chết, cho đến các loại nước uống giải khát. Nếu bắt phải quỳ gối trước thị hiếu đám đông thì ai cũng đều muốn mình là người đầu tiên. Là tiên tri của thời hậu hiện đại, các nhà thăm dò dư luận diễn giải các kết quả thăm dò với cùng một vẻ nghiêm trang, giống như các bậc tiền bối của họ khi phán đoán tương lại qua bộ đồ lòng của các con vật tế thần. Y như các tiên đoán có được khi nhìn vào bộ đồ lòng, đáng tiếc là kết quả thăm dò lắm lúc cũng rất mập mờ; Dân chúng trong mọi trường hợp cũng đã từng nổi tiếng với tính khí thất thường của họ. Một khi gió trở chiều, lập tức tất cả đổ xô chạy theo trào lưu mới chẳng khác gì một bầy cừu. Những doanh nhân được tung hô là kỳ tài vào năm 2000 chỉ 24 tháng sau chính họ lại bị chụp cho cái mũ tội phạm. Newt Gingrich, người đem lại thắng lợi vang dội cho đảng cộng hòa trong kỳ bầu cử vào hạ viện năm1994 chỉ một năm sau đã bị coi là một kẻ cực đoan ngây thơ. Trong thời gian đương nhiệm ở nhà trắng Bill Clinton gần như với chu kỳ tuần một, khi thì bị khinh bỉ là kẻ lừa đảo lúc lại được ngợi ca như một người anh hùng. Một điều không hề thay đổi trong cái bể tắm nóng lạnh của dư luận đó là sự tôn vinh mang tính lễ nghi đối với đám đông. “Nhân dân Mỹ không hề ngu ngốc“, câu nói này được các chính trị gia của chúng ta lặp đi lặp lại không biết mệt-ngay cả khi họ đứng trước sự đòi hỏi không thể nào đáp ứng nổi của các cử tri đòi nhà nước phải chi ra nhiều hơn nữa trong tình cảnh tiền thuế thu vào bị ít đi. “Người Mỹ muốn biết", một số nghị viên mào đầu một đề nghị, mà ngoài ông ta ra có lẽ chẳng có lấy một ai quan tâm. “Nhân dân đã trao trọng trách gánh vác cho chúng tôi", có thể môt nghị viên khác nhấn mạnh như vậy, làm như thể ông ta đang tuyên cáo một cảm nhận linh thiêng". Mỗi một kiểu quả quyết cho dù nhảm nhí đến đâu cũng đều được nâng lên ngang tầm với những khải huyền trong kinh thánh, mỗi một khi người ta muốn kêu gọi nhân dân Mỹ.

Tự do và những rào cản của nó


Song cũng từ góc nhìn của dân chúng có vẻ có cái gì đó không được đúng lắm. Người dân Mỹ chưa lúc nào thấy thiếu tin tưởng vào hệ thống chính trị của họ như hiện nay-và không phải chỉ riêng có mình họ. Ở tất cả các nước phương Tây mức độ thất vọng đối với chính trị đã đạt đến tầm cao lịch sử. Việc sự bất an này đã nảy nở khắp mọi nơi như thế nào đã được thể hiện trong làn sóng than phiền mới đây nhất của đám đông dân chúng đối với các nhóm trung gian có ảnh hưởng tới kinh tế, xã hội, chính trị tại tất cả các quốc gia châu Âu. Sự không hài lòng đối với hệ thống xảy ra đúng vào lúc có nhiều chuyện rắc rối. Những triệu chứng khủng hoảng nguy cấp như chủ nghĩ khủng bố, những thay đổi về nhân khẩu học, tình trạng nhập cư và mâu thuẫn giữa các nền văn minh đã gây áp lực đối với nền dân chủ phưong Tây. Các nhà chính trị phải bảo vệ công dân của mình trước các mối hiểm nguy mới, phải cải tổ lại nhà nước phúc lợi và giảm bớt khó khăn trong vấn đề di cư nhưng không được phép để cho chiến tranh giữa các nền văn hóa xảy ra. Đây thực sự là một vấn đề hết sức khó khăn. Thế nhưng ngay chính lúc này hệ thống chính trị lại tỏ ra có những hiện tượng mệt mỏi ở khắp mọi nơi. Những cuộc tranh cử triền miên và những cuộc tranh giành niềm tin của đám đông, những vụ tai tiếng trong quyên góp, chính sách phục vụ cho các nhóm thân hữu và hiện tượng Loby đã làm cho cho người ta mất đi niềm tin vào chính trị mà nổi bật là ở Mỹ, tất cả những cái đó đã phải trả giá bằng số lượng người tham gia bầu cử ít đi một cách đáng sợ. Mặc dù vậy thế giới trước sau như một vẫn hướng theo mô hình dân chủ phương Tây. Liệu có phải điều này cũng giống như một ngôi sao đã chết trong thiên hà xa thẳm nhưng người ta vẫn còn nhìn thấy nó tỏa sáng khi mà thực ra lửa bên trong nó đã tắt ngấm từ lâu?
Nhiều người tin vào điều ngược lại và cho rằng, quá trình dân chủ hóa không có gì ngăn cản nổi trên tất cả mọi mặt của xã hội là điều tuyệt đối tích cực. Sự sụp đổ của cơ cấu cũ, sự mở cửa của các hệ thống, việc gắn tất cả mọi người vào trách nhiệm sẽ làm cho tự do và hạnh phúc của mỗi một con người ngày càng nhiều thêm. Cuối những năm chín mươi, lúc mọi người đang còn tự cao tự đại, hãng tư vấn Accenture trong một chiến dịch quảng cáo đã rao bán cho sự nhìn xa trông rộng có phân tích của mình; một trong những quảng cáo đã nhái lại một thông báo báo chí với hàng tít: “Internet sẽ mang dân chủ tới Trung Quốc.” Mặc dù sự hồ hởi của kỷ nguyên Dotcom giờ đây không còn nữa, những người hâm mộ kỹ thuật vẫn còn luôn tin chắc rằng cái mạng của tất cả các mạng này một ngày nào đó sẽ tặng cho người dân Trung Quốc món quà dân chủ và sẽ làm cho tất cả chúng ta thành chủ nhà băng, nhà báo và cả nghị viên trong lĩnh vực của mình nữa. Trưng cầu dân ý được coi là mốt mới nhất trong chuyện dân chủ hóa. California đang dẫn đầu về chuyện này; các bang khác cũng đang gia nhập trào lưu. Ai muốn là người chống lại những đòi hỏi phải có nhiều dân chủ hơn cơ chứ?
Thế nhưng là gì, nếu như tự do khộng chỉ duy nhất sinh ra từ hỗn độn, mà cũng rất có thể tương tự như thế từ một trật tự tối thiểu; không phải từ một nền dân chủ thô thiển, không có chọn lọc mà từ một nền dân chủ có điều tiết và mang tính đại diện? Sẽ là gì, nếu chúng ta, giống như ở hầu khắp mọi lĩnh vực trong cuộc sống, ở đây cũng cần có sự hướng dẫn và giới hạn? Và cuối cùng sẽ là gì, nếu tự do của chúng ta chỉ được đảm bảo ở nơi mà các giới hạn này đặc biệt bền vững? Ý nghĩ gợi mở này dẫu sao cũng tạo nên nền tảng cho một nền dân chủ hiện đại và tự do mà từ lâu kết quả của nó là một hình thức nhà nước hỗn hợp theo nghĩa của Aristoteles tại phương Tây. Cũng có một chính phủ được bầu lên như vậy, nhưng lại có thêm một hiến pháp và các bộ luật, một tòa án độc lập, các đảng phái chính trị, nhà thờ, doanh nghiệp, các hội đoàn tư nhân và các nghiệp đoàn.Bởi vì quyền tối thượng xuất phát từ nhân dân, cho nên nguyên tắc đa số là một thành phần cơ bản của hệ thống, tuy nhiên về tổng thế nó được kiến tạo rất phức tạp và hoàn toàn không thể dự kiến có các cuộc bầu bán trong tất cả các nhánh của nó. Chức năng của các cơ quan không dân chủ kiểu như thế nằm chính ở chỗ, kìm giữ sự phấn khích của số đông, giáo dục cá nhân con người, định hướng nền dân chủ và qua đó bảo vệ nền tự do. Khi người ta trao bằng cho các luật sư mới vừa tốt nghiệp tại đại học Harward, người ta cũng đã nhắc lại cho họ thấy ý nghĩa của luật pháp là “rào cản thông minh, làm cho chúng ta trở nên những con người tự do.” Bài hát ngợi ca “Nước Mỹ tươi đẹp" (America the Beautiful) có những câu: “America, America / Chúa sẽ chữa lành các lỗi lầm của bạn/ cho tâm hồn bạn sự chừng mực / bảo vệ tự do của bạn qua luật pháp.”
Cuốn sách này bản thân nó tự hiểu là một lời kêu gọi hãy chừng mực, hãy lấy lại cân bằng giữa dân chủ và tự do. Nó không cổ vũ chống lại nguyên tắc đa số, nhưng mạnh dạn đưa ra luận điểm, rằng người ta, cũng giống như với tất cả những điều tốt đẹp, đều có thể quá cường điệu nó. Ý nghĩa và mục đích của mỗi một nền chính trị tự do-dân chủ là việc xậy dựng một trật tự xã hội nhiều tầng lớp, nhiều khác biệt không bị lấn át bởi một ý tưởng chủ đạo nào. Ngay từ thời những bậc tiền bối của nước Mỹ vấn đề đối với họ là phải tạo nên một xã hội đa nguyên, và điều này đã xảy ra vào cái thời, khi mà vẫn còn rất nhiều người quan niệm rằng nhà nước cần phải đứng ra tuyên bố thừa nhận một tôn giáo thống nhất. Nền dân chủ cũng vậy, nó là một hệ tư tưởng thống nhất. Giống như tất cả các khuôn mẫu không phải lúc nào nó cũng thích hợp. Những gì có ích đối với lập pháp cũng chưa chắc là cái một doanh nghiệp cần cho mình.
Lấy lại cân bằng có nghĩa là hoàn toàn không phải quay trở lại với trật tự cũ. Chúng ta đánh giá cao sự thay đối mang tính dân chủ ở thời đại chúng ta và vui mừng trước những thành tựu đạt được. Đích đến là một nền dân chủ tự do-không phải theo kiểu của thế kỷ 19, mà phải đúng như là nó cần phải được thực hiện trong thiên niên kỷ mới. Xã hội dân chủ cần những bộ giảm xóc và những biển chỉ đường hợp thời được thiết lập cho những vấn đề của hiện tại. Xuất phát điểm của sự tìm kiếm điều đó chính là lịch sử, mà cụ thể là lịch sử đấu tranh cho tự do và dân chủ, khởi nguồn từ phương Tây và đang lan rộng ra toàn thế giới. Nếu chúng ta muốn đem lại một xung lực mới cho sự khát vọng muôn đời về bảo tồn cuộc sống bản thân, về tự do và hạnh phúc, chúng ta phải suy ngẫm lại về cội nguồn của những giá trị đó. Chỉ người nào hiểu quá khứ của tự do mới có thể kiến tạo được tương lai của nó.

Sơ lược lịch sử của tự do


Tất cả bắt đầu với những kế hoạch dời đô của Constantinus. Vào năm 324, ông ta, vị chúa tể quyền lực nhất của thời đại, đã quyết định dời đô từ Roma đến thành phố thuộc địa Byzanz nằm trong đất Hy Lạp thuộc vùng biển Đen, để tự vinh danh mình ông ta đã đổi tên thành phố này thành Constantinople. Tại sao lại có sự dời đô khỏi nơi được tương truyền là trung tâm điều hành của đế chế? Bản thân hoàng đế cho biết đó là ý nguyện của đức chúa trời (tuy nhiên cũng khó lập luận phản bác), cho dù sự kiêu ngạo và tham vọng cũng rất có thể đã đóng một vai trò nào đó. Về mặt chính trị việc dời đô này cho thấy đó là một nước cờ thông minh: Konstantinopel nằm gần các trung tâm văn hóa và kinh tế thời bấy giờ như Athen, Thessaloniki và Antinochia. Roma khi này bị coi là tỉnh lẻ, hơn nữa đế chế, lấy Konstantinopel làm trung tâm điểm hướng ra các phía cho thấy nó thuận tiện đối với việc phòng ngự chống lại sự tấn công từ bên ngoài nhất là chống lại các bộ lạc German và các đạo quân vùng Vịnh. Nền chính trị toàn cầu có tầm cỡ ở thế kỷ thứ tư rõ ràng đã diễn ra ở phương Đông.
Các ông hoàng di chuyển với rất nhiều hành lý nặng nề, và Constantinus trong chuyện này cũng không phải là trường hợp ngoại lệ. Có hàng chục ngàn người đã phải di cư cùng hoàng đế, để nuôi đám thần dân này ông ta đã phải trưng thu không biết bao nhiêu mà kể lương thực và rượu vang từ Ai cập, Tiểu Á và Syria. Mật vụ của ông ta lùng sục toàn bộ đế chế để thu thập của cải châu báu cho “Thành Roma mới“. Quy mô của cuộc cướp bóc có hệ thống này đươc nhà sử học người Thụy Sĩ Jacob Burckhardt đánh giá là “một vụ trấn lột các tác phẩm nghệ thuật nhục nhã nhất và rộng khắp nhất trong toàn bộ lịch sử.” Tất cả các nghị sĩ, những người thuộc tầng lớp cao đã làm tất cả để sao cho cuộc dời đô được cảm thấy thoải mái trên tất cả mọi phương diện. Ngay cả nhà cửa của những người này cũng được hoàng đế cho xây lại theo nguyên mẫu. Song trong khi tất cả các triều thần theo hoàng đế di cư thì có một người ở lại: đó là tổng giám mục thành Roma.
Sư phân chia lịch sử này giữa nhà nước và nhà thờ có lẽ đã đem lại cho nhân loại những hậu quả vừa nặng nề lại vừa thuận lợi. Mặc dù tổng giám mục Roma trong thứ bậc của nhà thờ được xếp vào hàng cao nhất, nhưng suy cho cùng thì thiên chúa giáo tồn tại qua được những năm đầu thành lập là nhờ vào có sự phân quyền, đó là những cộng đồng tự quản có liên kết lỏng lẻo. Roma giờ đây nằm quá xa thủ đô mới của đế chế. Trong khi những bậc chăn dân đáng kính khác chẳng hạn như các tổng giám mục vùng Byzantium, Antiochia, Jerusalem và Alexandria trở nên gần với hoàng đế hơn, nơi mà họ bị biến dạng thành những kẻ phụ thuộc vào quyền lực nhà nước, thì giờ đây nhà thờ La Mã đã hưng thịnh một cách thực sự. Tránh xa trò chơi quyền lực và các kiểu âm mưu ở triều đình nhà thờ đã có được sư tự chủ và từ đó nó có thể tạo nên sự xác nhận quyền lãnh đạo của mình về mặt tinh thần trong nội bộ thiên chúa giáo về sau này. Bởi có sự phân ly này, theo như triết gia cổ đại người Anh ông Ernest Barker, từ đó miền Đông (Byzanz) nằm dưới quyền cai quản của nhà nước và miền Tây (Roma) dưới quyền của nhà thờ. Chính xác hơn, nó đã dẫn đến những cuộc tranh giành quyền lực triền miên ở xứ sở mặt trời lặn; sau sự dời đô của Constantinus cuộc xung đột giữa nhà thờ và nhà nước kéo dài gần 1500 năm đã quyết định lịch sử châu Âu. Từ tia lửa nhỏ của sự đối đầu này đã bùng lên thành ngọn lửa của tự do.

Tự do theo cách hiểu của chúng ta

Người nào chốt chặt những khởi đầu của một tiến triển lịch sử phức tạp vào một sự kiện riêng lẻ, người đó có nguy cơ sẽ vượt ra ngoài các giới hạn của sự đơn giản hóa có thể chấp nhận được. Tuy nhiên người ta cũng phải chọn một điểm xuất phát nào đó và theo tôi quá trình phát triển của tự do bắt đầu với việc trỗi dậy của nhà thờ La Mã phương Tây. Dựa trên sự kiện đó ta sẽ xây dựng luận điểm trọng tâm của chương này, đó là tự do ở các nước phía mặt trời lặn vốn đã có từ lâu trước cả khi dân chủ xuất hiện hàng trăm năm. Dân chủ sinh ra từ tự do chứ không phải ngược lại. Ngay tại đây cũng đã thể hiện điều nghịch lý xuyết suốt các mạch suy nghĩ của tôi: bất chấp tất cả những nguyên nhân sâu xa mang tính cấu trúc thì tự do ở phương Tây vẫn là kết quả của hàng loạt cuộc tranh giành quyền lực. Những cuộc tranh chấp giữa nhà nước và nhà thờ, giữa giới quý tộc và nhà vua, giữa Công giáo và Tin lành, giữa kinh tế và chính trị đã định hình nên xã hội phương Tây và đã làm cho sự đòi hỏi phải có tự do cá nhân ngày càng trở nên lớn tiếng, nổi bật nhất là ở nước Anh, sau đó từ đây cũng đã lan dần sang Mỹ.
Một số người sẽ phản đối việc nhấn mạnh vai trò của nhà thờ và cho rằng cái nôi của tự do thực ra nằm ở tại nước Hy Lạp cổ đại. Để chứng minh cho điều đó họ có thể, ví dụ như sẽ viện dẫn lời điếu của Perikles vào năm 431 trước công nguyên, trong đó đã gợi nhớ về một hình ảnh cảm động của thành Athen cổ xưa và ca ngợi sự tự do, dân chủ, bình đẳng của công dân thành phố này. Gần như suốt toàn bộ thế kỷ 19 trong tầng lớp khoa bảng Anh và Đức đều tán thành một điều, rằng những thành tựu vĩ đại nhất của loài người được sinh ra từ các quốc gia thành phố ở Hy Lạp hồi thế kỷ thứ năm trước công nguyên. Cho đến tận ngày nay những môn học xung quanh các vấn đề thuộc về cổ đại Hy-La tại Oxford và Cambridge đều được gọi một cách hồn nhiên là những điều vĩ đại. Sự khâm phục thời Vicktoria đối với Hy Lạp cổ đại dĩ nhiên có phần nào đó dựa trên những suy nghĩ hoang tưởng. Hellas ngày đó chắc chắn là một nền văn hóa cao với những sản phẩm mang tính triết học, khoa học và văn học phi thường, nó là nơi đã sản sinh ra nguyên tắc đa số và các ý tưởng chính trị khác. Tuy nhiên ý tưởng tiền dân chủ này cũng chỉ tồn tại nhiều nhất là một thế kỷ và cũng chỉ ở trong một nhúm nhỏ các thành phố đếm được trên đầu ngón tay. Cùng với sự xâm chiếm Athen bởi người Macedonia năm 338 trước công nguyên nền dân chủ này đã đi vào dĩ vãng. Mãi gần một ngàn năm sau đó những người tiên phong của dân chủ mới lại để cho những ý tưởng thời cổ đại truyền cảm hứng cho mình.
Điều đặc biệt của khái niệm tự do hiện đại là nguồn gốc của nó hoàn toàn không có chút liên quan nào tới Hy Lạp cổ đại. Về tự do, ngày nay chúng ta hiểu trước hết đó là sự giải phóng khỏi sự giám hộ một cách tùy tiện-điều này trong quá khứ hầu như luôn dẫn đến kết quả là việc bảo vệ cá nhân trước bạo lực của nhà nước. Từ đó sinh ra những định đề hiện đại của các quyền cơ bản như tự do tư tưởng, tự do lập hội, tự do tín ngưỡng, cũng như quyền được hưởng một thủ tục tố tụng nghiêm chỉnh. Ngược lại ở thời thượng cổ khái niệm tự do, theo như nhà triết học của thời đại khai sáng Benjamin Constant, chỉ là quyền của công dân nam tính được tham gia vào công việc điều hành cộng đồng. Nếu vì một điều kiện cụ thể nào đó, dẫn đến không thể để cho tất cả mọi người đều được trực tiếp tham gia vào việc lập pháp, khi ấy người ta sẽ quyết định chọn ra những người đại diện cho mình bằng phương pháp bốc thăm. Quyền lực của quốc hội Hy Lạp không hề có giới hạn. Quyền bất khả xâm phạm của con người về mặt lý thuyết cũng như trên thực tế đều không hề được biết đến. Dân chủ ở Hy Lạp cổ đại, theo như Constant, có nghĩa là sự phục tùng của cá nhân trước cộng đồng. Chúng ta còn nhớ: Chính ngay tại Athen, nơi được coi là thành trì của dân chủ, dân chúng tại đây hồi thế kỷ thứ tư truớc công nguyên đã biểu quyết tử hình triết gia vĩ đại nhất của họ, chỉ bởi vì họ không thích học thuyết của ông ta. Việc tử hình Socrates cho dù có thể là dân chủ nhưng nhất định không phải là tự do.
Gốc rễ Hy Lạp của ý tưởng tự do phương Tây nói chung đã bị quá đề cao, trong khi cái di sản La Mã cổ của nó đối với điều này lại bị bỏ qua. Khi Herodot miêu tả người dân Hellas là một dân tộc tự do, ông ta đã nghĩ, rằng họ không phải sống dưới ách thống trị của quân xâm lược hoặc của kẻ ngoại bang-một trạng thái mà ngày nay chúng ta thiên về hướng xếp vào khái niệm độc lập dân tộc hoặc là quyền tự quyết. Theo nghĩa này Bắc Triều Tiên cũng sẽ là một đất nước tự do. Trong khi đó đối với người dân thành Roma có một khía cạnh tự do khác còn quan trọng hơn: đó là sự bình đẳng trước pháp luật. Ý tưởng này đã gần gũi với ý tưởng của thời hiện đại nhiều hơn, giống như chữ liberal (tự do, phóng khoáng-ND) của chúng ta có nguồn gốc Latinh từ chữ liberalis. Trong khi người Hy Lạp tặng cho thế giới triết học, văn học, thơ ca và nghệ thuật tạo hình, thì người La Mã đã để lại cho chúng ta những phôi thai của chủ nghĩa hợp hiến và nhà nước pháp quyền. Với việc phân chia quyền lưc của nhà nước thành ba nhánh, việc bầu cử vào các chức vị chính quyền theo nhiệm kỳ và sự bình đẳng về mặt luật pháp, cộng hòa Roma chắc chắn là mô hình nhà nước mà đặc biệt là những người sáng lập nên nước Mỹ đã noi theo. Cho đến tận ngày nay các thiết chế chính trị và những thuật ngữ của người dân thành Roma vẫn tiếp tục tồn tại: Nghị viện, Cộng hòa, Hiến pháp, Quận. Ngành lập pháp của phương Tây mang đậm dấu ấn của hệ thống La Mã, ví dụ như luật sư, đến sâu tận trong thế kỷ 20 họ vẫn cần phải có kiến thức vững vàng về tiếng La tinh. Hầu như khắp mọi nơi trên thế giới trong luật hợp đồng, luật sở hữu, luật trách nhiệm pháp lý, luật thừa kế, luật đất đai, trong việc bảo vệ về mặt tư pháp chống vu khống xuyên tạc, trong trình tự xét xử, trong thu thập bằng chứng đều là những biến tướng của hình mẫu La Mã. Theo ý kiến của nhà nghiên cứu văn học cổ đại và sau này là thủ tướng Anh Herbert Asquith, di sản quý giá nhất của Roma là ở chỗ "đã thành lập nên khoa luật học, làm cho nó phát triển và hệ thống hóa nó.”
Dĩ nhiên hệ thống luật La Mã cũng để mở một lỗ hổng đáng kể: trên thực tế nó không có giá trị đối với tầng lớp trên-ít nhất là trong thế kỷ thứ nhất sau công nguyên, khi mà nền cộng hòa biến dạng thành nền quân chủ. Thường xuyên những bậc quân vương như Nero, Vitellius, hoặc Galba đã xử tội chết những người đương thời mà họ không ưa không cần qua tòa án, họ đã trấn lột tư thất và chùa chiền, hãm hiếp và giết chóc. Caligula bị kể lại, rằng ông ta đã phong con ngựa của mình là thượng nghị sĩ (và như vậy, nếu không phải là những đạo luật, thì ít nhất cũng là những quy tắc không thành văn của quốc hội La Mã đã bị chà đạp). Những tập tục luật pháp được xây dựng một cách thận trọng trong thời đại cộng hòa đã bị thoái hóa cùng với đế chế. Sự suy tàn của Roma đã cho thấy: Nếu nhà nước pháp quyền muốn bền vững, nó cần phải có nhiều hơn là những ý định tốt ở phía kẻ cầm quyền, bởi những điều này bản thân nó đều có thể thay đổi (kẻ cầm quyền cũng như các ý định). Xã hội cần phải có những thiết chế, chúng biết cách tự khẳng định bên cạnh nhà nước. Một đối lực như vậy đã nảy sinh chống lại phương Tây dưới hình thức nhà thờ công giáo.

Những nghịch lý của nhà thờ Công giáo

Di sản có thể nhận biết rõ ràng nhất của Roma đó là nhà thờ thiên chúa giáo La Mã. Nhà triết học người Anh Thomas Hobbes gọi nó là “bóng ma của đế chế La Mã đã chết, là vương miện ngự trên mộ đế chế”. Trong đạo công giáo nền văn hóa Roma tiếp tục tồn tại và phát triển. Qua nhà thờ vô số những ý tưởng và sản phẩm văn hóa được chuyển giao, trong đó có tiếng La tinh, cái đã cho phép tầng lớp có học ưu tú của châu Âu có được sự hiểu biết lẫn nhau vượt ra ngoài biên giới địa lý và vì vậy đã làm mạnh mẽ thêm ý thức về vị thế của mình. Tham vọng và cơ cấu của nhà thờ thiên chúa giáo, thuyết phổ độ, hệ thống thứ bậc, các quy tắc và các luật lệ của nó ngày nay vẫn còn rất giống những gì của thời đế chế La Mã.
Để cho lịch sử của tự do bắt đầu với nhà thờ thiên chúa giáo, thoạt đầu có vẻ dường như vô lý-bởi xét cho cùng thì cơ quan này vốn nổi tiếng chưa bao giờ là nơi trú ngụ của suy nghĩ tự do hoặc của chủ nghĩa đa nguyên. Ở thời trung cổ nó ngày càng có uy quyền lớn, nhưng đồng thời cũng càng không khoan dung hơn,giáo điều và không có tự do. Dân chúng đã thần phục một cách mù quáng, những kẻ dị giáo trong trường hợp cần thiết sẽ bị áp dụng những biện pháp tàn bạo (ví dụ như đưa ra tòa dị giáo chẳng hạn). Cho đến nay đặc trưng của nhà thờ là cơ cấu thứ bậc chặt chẽ và tính độc đoán của nó; chưa bao giờ nó có ý định khuyến khích tự do. Mặc dù vậy bằng sự chống chọi ngoan cường của mình nó đã thành công trong việc chế ngự một quyền lực tầm cỡ thế giới. Qua hôn nhân, qua nghĩ lễ khi sinh và khi chết nhà thờ đã kiểm soát những khía cạnh quan trọng của đời sống xã hội. Tài sản của nhà thờ và của giới tu sĩ được phép miễn thuế-đây là một đặc lợi cực kỳ lớn, nến như ta nghĩ đến lúc cực thịnh của quyền lực nhà thờ một phần ba số đất đai ruộng vườn tại châu Âu là tài sản của giới tăng lữ. Là tổ chức quần chúng đầu tiên trong lích sử, nhà thờ thiên chúa giáo đối với những quyền lực thế tục không chỉ là một thế lực độc lập mà còn sẵn sàng thách thức lại chúng. Như vậy trong ngôi nhà quốc gia đã có những vết rạn nứt từ đó tự do cá nhân có thể đâm chồi.
Mối bất hòa giữa nhà thờ và nhà nước phát sinh sau khi Constantinus dời đô khoảng được nửa thế kỷ. Theodosius, người kế nghiệp Hoàng đế, đã mời những người Thessalonich đến gặp mặt tại trường đua ngựa của thành phố. Giữa ông ta và những người này vốn đã có mâu thuẫn.Tại đấy ông ta đã hạ thủ toàn bộ gia tộc-đàn ông, đàn bà, con trẻ-một cách tàn ác. Quá kinh hoàng tổng giám mục vùng Mailand, một chăn chiên ngoan đạo có tên là Ambrosius đã từ chối không làm lễ ban phước cho Hoàng đế. Để bảo bào chữa Hoàng đế đã viện dẫn đến kinh thánh: nó đã thừa nhận việc giết người là tội lỗi. Thế nhưng cũng trong kinh thánh chẳng phải vua David không chỉ đã giết người mà lại còn bỏ vợ nữa hay sao? Tổng giám mục không hề lay chuyển, như nhà sử học người Anh đã viết trong bài tường thuật nổi tiếng của ông ta, và đã hét vào mặt Hoàng đế: “ông đã phạm tội ác như vua David, giờ đây cũng phải đền tội vì điều đó giống như ông ấy vậy!” Có điều đáng ngạc nhiên đối với tất cả mọi người là sau đó, con người quyền lực nhất của thế giới thời bấy giờ, suốt tám tháng liền, giống như những tấm gương sáng của ông ta trong kinh thánh, lúc nào cũng xuất hiện trước nhà thờ lớn Mailand hệt như một kẻ van xin, để lạy lục các vị chúa tể nhà thờ tha lỗi.
Cùng với sự tan vỡ dần dần từng bước của đế chế Byzantine nhà thờ phương Tây vì vậy cũng đã giành được ảnh hưởng và sự độc lập. Việc xâm phạm vào công việc nội bộ từ các Giáo đoàn cao cấp ở Constantinopel không còn được chấp nhận. Tổng giám mục Roma giờ đây tự cho phép mình được gọi là “Cha cao quý” (Il papa). Sau khi chia tay với Byzantium (tên cũ của Istanbul), đất nước của Giáo hoàng bản thân nó vốn không có quân đội nên giờ đây rất cần phải có một thế lực bảo vệ mới; người ta tìm thấy cái thế lực đó ở Carlo Đại đế ( Charles the Great), một con người đã từng chứng tỏ được tài năng của mình. Theo truyền thuyết, giáo hoàng Leo III đã đội vương miện cho kẻ thống trị vùng Franconia và bất ngờ tôn ông ta lên làm vua La Mã vào đêm lễ thiên chúa giáng sinh của năm 800. Leo đã khéo léo tạo nên một tiền lệ: chỉ Giáo hoàng mới có quyền tôn ai đó lên làm Hoàng đế-và như vậy có nghĩa là có quyền trong sự lựa chọn và triệt phế người nắm giữ ngôi vị này.
Muộn nhất là từ thế kỷ thứ 12 trở đi Giáo hoàng đã thuộc vào một trong những quân cờ quan trọng nhất trên bàn cờ chính trị châu Âu. Ông ta có quyền lực, có sự chính danh, có tiền của và giờ đây lại có cả quân đội riêng. Một trong những thắng lợi có ý nghĩa tượng trưng nhất của chế độ giáo hoàng chống lại các vua chúa thế tục là sự thất bại của vua vùng Phổ-La Mã Henry IV khi chống lại quyền phong tước của Giáo hoàng Gregor VII. Do thất bại này nên Henry đã phải làm một chuyến hành hương huyền thoại tới vùng Canossa; chân đất, ông ta đứng đợi trước cổng thành trong mưa tuyết để chờ cha thiêng liêng tha tội. Sự việc có quả thật đã xảy ra như vậy hay không, có lẽ cũng chẳng cần tìm hiểu cụ thể làm gì. Dù thế nào đi nữa chắc chắn rằng: từ cuối thế kỷ thứ 11 giáo hội đã có thể sánh vai với tất cả các vương triều châu Âu về mặt quyền lực và giàu sang, thành Vatican không kém gì một cung điện lộng lẫy nhất của lục địa.

Địa lý của tự do

Nhà thờ thiên chúa giáo có được sự gia tăng quyền lực là nhờ vào hiện trạng, sau khi đế chế La Mã sụp đổ nó chưa bao giờ cần thiết phải chống lại một chính quyền nào ở khắp mọi nơi tại châu Âu. Hơn nữa nó còn có được khả năng xúi dục các vua chúa chống lại nhau và còn được thừa nhận là cái kim chỉ trên bàn cân giữa các cuộc tranh giành quyền lực chính trị. Nếu giả như có một vương quyền nổi lên thống trị toàn bộ châu Âu, và có thể cướp đi sự độc lập của nhà thờ, có thể giáng cấp nó xuống thành người trợ giúp hoàn tất bạo lực nhà nước-đó sẽ là một số phận, như đã từng xảy ra với nhà thờ cơ đốc Hy Lạp, sau này cũng với nhà thờ cơ đốc Nga và cũng như với các tôn giáo khác nữa. Tuy nhiên không có một vua chúa thế tục nào có khả năng chiếm giữ được toàn bộ châu Âu hoặc ít nhất là một nửa lớn của châu lục này làm của riêng. Một số ít đã bạo gan thử làm chuyện đó (Carlo đại đế, Carlo V, Napoleon, Vua Wilhem, Hitler) nhưng tất cả họ đều thất bại, và phần lớn thất bại rất nhanh.
Nguyên nhân tại đâu? Một trong nhiều nguyên nhân đó là sông ngòi và núi non. Châu Âu bị ngăn cách bởi rất nhiều hàng rào địa lý. Cao nguyên châu Âu bị phân chia thành những vùng có sông chảy qua được núi non bao bọc; nhiều con sông đã đổ ra biển dọc theo vùng duyên hải Địa Trung Hải, nơi địa thế lồi ra hõm lại ăn sâu vào đất liền tạo nên những vịnh tàu bè có thể đi lại được trong đó và có tác dụng che chắn. Tất cả những cái này là điều kiện cho các vùng lãnh thổ nhỏ bé, phát triển phồn thịnh từ bản thân sức lực của mình. Cũng chính vì vậy mà châu Âu từ lâu đã bao gồm rất nhiều nước độc lập, tự cung tự cấp: rất khó xâm chiếm, nhưng lại rất dễ dàng cho việc cấy cày trồng trọt; hơn nữa những dòng sông và vùng nước ven biển chính là các tuyến đường buôn bán tự nhiên của các nước này. Ngược lại, ở châu Á, nơi có những đồng bằng trải dài vô tận ví dụ như vùng thảo nguyên Nga hoặc vùng bình nguyên Trung quốc, người ta có thể chuyển quân mà không hề gặp một trở ngại nào. Chẳng có gì để ngạc nhiên, khi những vùng như vậy đã phải chịu sự cai trị của các nhà nước trung ương hàng chục thế kỷ. Địa hình châu Âu thuận lợi cho việc hình thành cộng đồng với đủ các tầm cỡ, nào là quốc gia thành phố, nào là lãnh địa, nào là cộng hoà, nào là quốc gia hoặc đế chế. Vào 1500 tổng cộng toàn bộ châu Âu có chừng 500 thực thể chính trị, trong số đó có nhiều cái không lớn hơn một thành phố là bao nhiêu. Sự hỗn tạp này dẫn đến hai hậu quả: thứ nhất nó tạo nên sự phong phú, bởi những con người, những ý tưởng, nghệ thuật, và những phát minh, nếu ở một vùng nhất định không được ưa thích hoặc không được chú ý đến thì thường ở một nơi khác nào đó lại được trân trọng đón chào. Thứ hai sự phong phú này duy trì sự cạnh tranh giữa các nước với nhau và qua đó dẫn đến những cải tiến và nâng cao hiệu quả trong quản lý hành chính, trong nghề thủ công phục vụ chiến tranh và trong kinh tế. Các phương pháp có ứng dụng tốt sẽ được bắt chước, các phương pháp không hiệu quả sẽ bị loại bỏ. Rất có khả năng, sự trỗi dậy đến chóng mặt của các nước châu Âu trên các mặt kinh tế và chính trị-được nhà lịch sử kinh tế học Eric Jones gọi là “sự thần kỳ châu Âu”-chủ yếu là do tính chất đặc biệt về địa lý của châu lục này.

Vua chúa và quý tộc

Bên cạnh địa lý dĩ nhiên lịch sử cũng đã tham gia đóng góp vào việc hình thành nên cơ cấu chính trị châu Âu. Sự tan rã của đế chế La mã và sự lạc hậu của các dân tộc bị nó đánh bại, đã tạo nên sự phân tán quyền lực trên toàn bộ châu lục. Không có một lãnh chúa châu Âu nào có được một bộ máy hành chính đủ khả năng để có thể điều hành cả một vùng lãnh thổ rộng lớn gồm cư dân thuộc vào nhiều bộ tộc độc lập khác nhau. Triều đại nhà Minh và Mãn Châu ở Trung quốc, Moguln ở Ấn độ, đế chế Osman trong thời kỳ hoàng kim nhất của mình đã thống trị một vùng lãnh thổ cực kỳ rộng lớn với những nhóm dân khác nhau mà người ta có thể mường tượng được. Ở châu Âu ngược lại các lãnh chúa và các tộc trưởng chỉ kiểm soát những vùng đất nhỏ hơn, và họ chú trọng đến các mối quan hệ gần gũi với những tá điền của mình. Sự tự cấp tự túc của những quý tộc nông thôn bướng bỉnh này là đặc tính cơ bản của chủ nghĩa phong kiến châu Âu. Từ thời trung cổ cho đến tận trong thế kỷ 17 vua ở châu Âu vẫn còn là một nhân vật xa xôi; về cơ bản ông ta quản lý lãnh thổ của mình chỉ trên danh nghĩa. Trong thực tế tất cả các sự vụ kể từ việc chinh chiến, cho đến xây dựng thành quách nhà vua đều phải dựa vào tiền bạc và quân lính của các ông chủ phong kiến địa phương, và đám này cũng nhờ vậy mà trở thành bá tước, tử tước và công tước.
Cứ như vậy các địa chủ lớn dần chuyển biến thành các những quý tộc đầy quyền lực, giàu có và chính danh., họ không có chút gì giống vói những quần thần quy phục và phụ thuộc vào kẻ thống trị ở các vùng khác của trái đất. Việc tầng lớp quý phái ở châu Âu gần như ngang hàng với vua, đã đánh dấu sự tiến triển của tự do. Trong cuốn lịch sử của chủ nghĩa tự do phóng khoáng Guido de Ruggiero đã viết: “Có lẽ chế độ quân chủ nếu không có sự phản kháng dữ dội của các tầng lớp đặc quyền đặc lợi chỉ có thể đạt đến việc tạo nên một dân tộc từ những người nô lệ.” Chính điều này đã xảy ra ở hầu như khắp mọi nơi trên thế giới; tại châu Âu, ngược lại, trong suốt thời trung cổ giới quý tộc đã bướng bỉnh đòi nhà vua phải từ bỏ mọi đặc quyền, những cái ngay bản thân vương triều cũng phải tôn trọng. Thông qua các đại diện mới được tạo ra, qua nghị viện, hàng ngũ tướng lĩnh, chính phủ, quốc hôị, họ đã thường xuyên tạo được sự chú ý đối với các đòi hỏi của mình và với điều này đã mở đường cho nhà nước pháp quyền hiện đại. Tiếp nối các truyền thống La Mã cổ đại, các thành quả này của thời trung cổ đã được củng cố ngày càng vững chắc qua quyền lực của tầng lớp quý tộc. Bên cạnh sự kình địch giữa nhà thờ và nhà nước, mâu thuẫn giữa giới quý tộc và chế độ quân chủ là cuộc tranh giành quyền lực lớn thứ hai trong lịch sử châu Âu, nó góp phần kiến tạo nên nền tảng của tự do mà những người đóng vai chính của nó chưa bao giờ nghĩ đến điều đó.
Giới quý tộc Anh là giới giữ được sự độc lập lớn nhất. Họ sống trong các thái ấp riêng, họ cai quản những nông nô của mình và gia ơn bảo vệ những nông nô này. Để đổi lại họ đòi người nông nô phải giao nộp cho họ một phần sản phẩm của mình, và điều này đã đảm bảo cho họ quyền lực và sự giàu có. Ở mức độ như vậy, khi họ khẳng định được đia vị xã hội của mình không qua những lễ nghi triều đình phiền toái, mà qua sự hiện diện trong chính trị và điều hành, họ đã tạo nên một “giới quý tộc lao động”. Các vua chúa ở Anh, những người ổn định được quyền lực của mình sớm hơn phần đông các nhân vật cầm quyền khác ở châu lục, đã nhận ra, rằng họ chỉ có thể giữ vững được sự thống trị của mình qua việc hợp tác với ít nhất là một phần của giới quý tộc. Ngược lại, nếu nhà vua cố tình muốn thách thức giới quý tộc, có nghĩa là ông ta phải sẵn sàng đón nhận một sự chống đối kịch liệt: để đạt được đòi hỏi chủ quyền của mình, vua Henry II, lên ngôi vào năm 1154, đã cử các quan tòa đi đến tận khắp các hang cùng ngõ hẻm của nước Anh để lo sao cho chiếu chỉ của ông ta được tuân theo. Tham vọng của Henry là thống nhất đất nước và ban hành một hệ thống luật pháp thống nhất; để đạt đựợc điều đó ông ta phải tiến hành xóa bỏ quyền lực của giới quý tộc và tước đoạt các đặc ân của tầng lớp này. Chẳng bao lâu sau những thắng lợi ban đầu ý đồ này đã chạm tới giới hạn của nó, bởi các ông chủ phong kiến đã sử dụng đến vũ khí. Sau 40 năm chiến tranh loạn lạc con của Henry là John, đồng thời cũng là người kế vị, vào tháng 6 năm 1215 đã bắt buộc phải ký kết ngừng chiến tại lâu đài Windsor. Văn kiện được ký kết cho mục đích này, có tên là Magna Charta Libertatum (Đại Hiến chuơng Anh quốc), được hiểu là một bản liệt kê các đặc ân giành cho giới quý tộc, và là danh sách các quyền của họ. Ngoài ra văn kiện còn ban bố quyền tự chủ của nhà thờ cũng như quyền tự quản của các thành phố và phản đối một cách mập mờ sự áp bức đối với thần dân. Mãi đến các thế hệ quan tòa về sau này họ mới diễn đạt Hiến chương một cách hào phóng hơn, điều này đã không chính thức nâng Hiến chương lên ngang tầm của một Hiến pháp với sự bảo vệ về mặt luật pháp cho từng cá nhân. Mặc dù vậy văn kiện này ngay từ thời điểm ra đời đã được coi là sự giới hạn thành văn đầu tiên đối với quyền lực của nhà vua ở châu Âu. Hoàn toàn xứng đáng, theo như nhà sử học Paul Johnson, chính vì thế nên nó được đánh giá là bộ luật Anh quốc đầu tiên (Statutes of the Realm), đó là một tập hợp các văn bản luật, diễn tả hiến pháp không thành văn của nước Anh cũng như diễn tả “cội nguồn của quyền tự do Anh và do đó cũng là cội nguồn của quyền tự do Hoa Kỳ.”

Roma và sự cải cách

Tiếp theo sau sự nổi dậy của nhà thờ chống lại nhà nước cũng như sự nổi dậy của giới quý tộc chống lại vương quyền là sự tranh giành quyền lực giữa Công giáo và Tin lành, một cuộc tranh giành kéo dài nhất và cũng lấy đi nhiều mạng sống nhất. Và bản thân nó cũng vậy, cũng có những tác động không hoạch định trước giống như những tác động mang tính cách mạng vào lịch sử của tự do. Kẻ châm ngòi không mong đợi là một thầy tu ở vùng Wittenberg. Người ta đã viết về thế kỷ 16: khắp mọi nơi ở châu Âu đầy rẫy sự bất bình đối với Chế độ Giáo hoàng, khi mà quyền lực và sự tham nhũng của nó đã đạt tới mức độ khủng khiếp. Thủ đoạn tai tiếng nhất của Roma đó là việc buôn bán tràn lan phép xá tội, các chứng chỉ của giáo hoàng xác nhận người mua đã được xóa sạch mọi tội lỗi-chiểu theo nguyện vọng còn được nhận trước khi phạm tội. Với số tiền thu được giới tăng lữ dùng đề thỏa mãn lòng ham muốn phô trương không biết chán vượt ra ngoài mọi khuôn khổ ngay cả đối những trường hợp lố lăng. Công trình kiêu hãnh của các vương ông của nhà thờ đó là La mã hoàng cung mang tên thánh Peter, đây là nhà thờ lớn nhất, lộng lẫy nhất mà con người cho đến lúc bấy giờ được biết đến. Đến tận ngày nay, ai ở Vatican dạo bước trên con đường dài hàng cây số được lát đá hoa cương và ngạc nhiên ngắm nhìn những phù điêu bằng vàng và đá quý, những bức thảm treo tường, những bức tranh tường trải dài từ bức tường nọ sang bức tường kia, từ sát sàn nhà cho đến tận trên trần, người đó có thể sẽ rất thông cảm với sự nổi giận thánh thiện của Martin Luther.
Augustinus không phải là người đầu tiên thúc ép phải có sự cải cách. Ví dụ như Erasmus of Rotterdam đã từng đòi phải có hình thức đơn giản hơn trong việc tổ chức lễ cầu nguyện. Dĩ nhiên cho tới lúc bấy giờ chưa có ai dám đứng ra thách thức nhà thờ một cách táo bạo như Luther với 95 luận đề, theo như truyền thuyết, đã được ông ta viết lên giấy và đóng đinh treo trên cửa nhà thờ thuộc lâu đài Wittenberg vào sáng ngày 31.10.1517. Có thể là Luther đã có lý, nhưng cũng phải nói là ông ta đã gặp may, tiến bộ kỹ thuật đã nhanh chóng kịp thời trợ giúp cho hành động dị giáo của ông. Cho đến khi giới chức trách bề trên của nhà thờ phản ứng bằng cách cấm không được lưu hành các ý tưởng của ông, thì các phương tiện in ấn báo chí mới ra đời đã truyền tay luận đề của ông đi khắp mọi ngả châu Âu từ lâu rồi. Cuộc cải cách không có cách nào có thể ngăn cản được nữa. Một trăm năm mươi năm đầy chết chóc sau đó, một nửa châu Âu đã tuyên bố theo đạo Tin lành.
Giả như Augustinus tìm hiểu về đạo tin lành hiện đại và về giáo lý lỏng lẻo của nó, trong đó chấp nhận nhiều thứ và đòi hỏi không nhiều, thì có lẽ ông ta sẽ rất lấy làm kinh ngạc. Luther không phải là con người theo chủ nghĩa tự do phóng khoáng, ông ta, trên thực tế, chỉ trích Vatican đã sao nhãng trong vấn đề đức tin và nhắc nhở phải giảng giải đúng nguyên văn của kinh thánh. Ở nhiều mặt ông ta đã tỏ ra phù hợp với hình ảnh của chúng ta về một người theo chủ nghĩa căn nguyên (fundamentalism); sự phê phán chế độ giáo hoàng của ông ta thể hiện rõ ràng một sự tượng tự về mặt ngôn từ tựa như của những người theo đạo Hồi ngày nay khi trách mắng giới cầm quyền tham nhũng, xa hoa ở vùng Trung đông đã xa rời con đường ngoan đạo. Người đàn ông vùng Wittenberg đó đã tấn công tầng lớp lãnh đạo nhà thờ từ bên phía vùng ngoại vi bảo thủ của phổ thần học. Và vì thế một vài nhà quan sát đã đánh giá mâu thuẫn đẫm máu giữa Tin lành và Công giáo là bằng chứng cho việc tự do tín ngưỡng là kết quả của sự tiêu diệt lẫn nhau giữa hai trào lưu quá khích ở mức độ như nhau.
Ấy vậy mà có những nhóm tín ngưỡng khác sinh ra từ phong trào cải cách còn vượt trội hơn hẳn chủ nghĩa thanh giáo (puritanismus) của những người theo trường phái Luther. Nhóm theo chủ nghĩa Kalvin không khoái lạc là nhóm có nhiều ảnh hưởng nhất trong số đó, nhóm này quan niệm chỉ có một số ít người ngay khi còn sống được Chúa tuyển chọn là có hy vọng được cứu rỗi khỏi kiếp làm người khốn khổ, tai ương. Tuy nhiên những người ly khai ngoan đạo vẫn thống nhất với nhau ở điểm, họ không chấp nhận quyền lực tối thượng của Giáo hoàng, cũng có nghĩa là không chấp nhận bản thân cơ cấu phân cấp của nhà thờ. Là một bộ phận của phong trào quần chúng chống lại giới cầm quyền, không hề chủ định họ đã góp phần vào một chương của lịch sử lâu dài hình thành nên tự do.
Bất chấp tất cả mọi bất đồng ý kiến, các nhóm tôn giáo Tin lành đã vạch ra cho những con người ở miền bắc châu Âu một con đường riêng phù hợp với cá nhân, không do tầng lớp tăng lữ quy định để đến với sự thật. Chừng nào cơ cấu của họ thấy nhất thiết cần phải có một nhóm tăng lữ chuyên lo việc hành đạo khi ấy những người này sẽ được các cộng đồng độc lập tiến hành bầu chọn. Do vì rất nhiều cộng đồng tín ngưỡng được tách ra từ cộng đồng lớn hơn, cho nên họ đã đấu tranh để bảo vệ quyền của các thiểu số, quyền được tự do lựa chọn hình thức và nội dung cho tính chất tôn giáo của họ. Chung một tay, các nhóm tín ngưỡng này ở phương Tây đã vun xới nên mảnh đất giành cho tự do tín ngưỡng. Ngoài ra, họ không chỉ cùng góp phần tạo nên sự hiểu biết hiện đại về tự do tín ngưỡng, tự do ngôn luận, mà cũng còn tạo nên các khái niệm khoa học của chúng ta- trước hết là qua những giải thích có phê phán các văn bản tôn giáo, sau đó tiếp tục qua việc kiểm chứng các niềm tin cổ hủ khác nữa; phương pháp khoa học thể hiện chính xác ở chỗ, các điều tưởng chừng chắc chắn và các căn cứ xác tín luôn được đem ra xem xét lại. Nhìn như vậy sẽ thấy, khoa học hiện đại ngập sâu trong tội lỗi của những kẻ tôn giáo cuồng tín hồi thế kỷ 16.
Ngoài những cái đó, đạo Tin lành còn có một tác động chính trị trực tiếp: nó cung cấp cho các vị vua và các vị lãnh chúa một cái cớ để tranh giành quyền lực với Vatican đang ngày càng ngạo mạn. Tuy nhiên rất đáng nghi là họ vốn cũng đã có ý định như vậy- song cuộc xung đột dữ dội đầu tiên đã xảy ra ít theo hướng bảo vệ những ý tưởng cải cách mà từ một lý do không lấy gì làm cao thượng cho lắm, đó là việc một ông vua sốt ruột mong muốn nhất thiết phải có một cậu con trai thừa tự. Henry VIII của nước Anh cầu xin Giáo hoàng Klemens VII cho phép ly dị vợ là Katherna von Aragon, bởi vì hoàng hậu không sinh được con trai cho ông ta. Không phải vì bà ta đã không cố gắng; trong vòng tám năm bà ta cho ra đời một người con gái khỏe mạnh và năm người con khác nữa nhưng cả năm đã sớm qua đời khi đang còn nhỏ, ngoài ra bà còn bị sảy thai tới hai lần. Sau khi Klemens từ chối không cho phép li hôn, nhà vua liền tuyên bố cắt đứt quan hệ với Roma và tự phong mình thành người đứng đầu giáo dân thiên chúa ở Anh. Tuy thế vua vẫn hoàn toàn tán đồng các giáo lý công giáo, hơn nữa lại còn lên tiếng bảo vệ giáo hoàng chống lại Luther và nhờ đó đã được Vatican phong cho danh hiệu cao quý Fidei Defensor (Người bảo vệ đức tin), lạ một điều là các thế hệ về sau của ông ta cho đến nay vẫn tiếp tục mang cái danh hiệu này. Từ đấy trở đi nhà thờ mới ở Anh, về giáo lý tất cả đều theo công giáo ngoại trừ thái độ của họ đối với chế độ Giáo hoàng.
Sự thù địch giữa London và Roma là khởi đầu của hàng loạt các cuộc khởi nghĩa, các cuộc chiến tranh tôn giáo diễn ra một cách khốc liệt kéo dài 150 năm kể từ sau sự nổi loạn của Luther và trên thực tế chúng đã lan rộng ra khắp các quốc gia châu Âu. Cảnh giết chóc do cải cách châm ngòi mãi đến năm 1648 mới qua đi, khi hiệp ước hòa bình Westfalt được ký kết, chấm dứt cuộc chiến tranh 30 năm và trả lại cho nhà vua cái gì vốn dĩ của nhà vua-cộng thêm vào đó là những phần béo bở trước kia thuộc về Đức Chúa trời, chính xác hơn là thuộc về Giáo hoàng. Như vậy hiệp ước đã thiết lập lại điều cơ bản cuius regio, eius religio có từ năm 1555 trong đó trao cho các lãnh chúa quyền được lựa chọn quốc giáo; để đền bù lại là dự định sẽ có sự khoan dung đối với các tín đồ theo các tôn giáo khác và có kế hoạch tiếp nhận những người nhập cư vì lý do tín ngưỡng. Mặc dù năm 1648 chưa đưa đến sự phân tách một cách rõ ràng giữa nhà nước và nhà thờ, nhưng nó cũng đã đánh dấu một bước ngoặt trong lịch sử phương Tây: Hiệp ước hòa bình Westfalt đã xóa đi cái quan niệm, châu Âu là một cộng đồng theo đạo thiên chúa toàn tòng, một khối thống nhất của những người theo đạo thiên chúa dưới sự lãnh đạo về mặt tinh thần của nhà thờ công giáo và dưới sự cai trị mang tính thế tục của đế chế La mã thần thánh. Tương lai thuộc về nhà nước.

Nhà nước khai sáng

Trong thế kỷ 18 chế độ quân chủ nhận thấy đòi hỏi quyền lực của nó không còn bị tôn giáo đe dọa, mà một lần nữa lại bị đe dọa bởi các bậc mũ cao áo dài nơi trần tục-Lãnh chúa, Công tước, Nam tước, Bá tước. Lần này nhà vua sẽ chiến thắng tất cả các đối thủ địa phương và khu vực. Ông ta đã mở rộng ảnh hưởng của triều đình và qua đó đã tạo nên được một quyền lực nhà nước tập trung, mà các trưởng lão địa phương chẳng có gì để chống đối lại nó. Những thành tựu kỹ thuật mới, việc chạy đua vũ trang toàn diện, sự xuất hiện mầm mống của chủ nghĩa dân tộc và quy việc đánh thuế vào một mối đã tạo điều kiện cho nước đi thắng lợi của nhà nước. Trái lại quá trình phát triển này đã làm nguy hại đến tự do. Chế độ quân chủ mạnh lên đã nhanh chóng giải tán phần lớn đại diện của các tầng lớp nghề nghiệp, các hội đồng lập pháp và hội đồng quốc gia, là những tổ chức được định hình vững chắc từ thời trung cổ. Hệ thống nhiều tầng lớp của đặc quyền đặc lợi giành cho giới quý tộc, của các truyền thống địa phương và của các quyền giành cho các phường hội bị xóa bỏ và được thay thế bởi một trật tự luật pháp thống nhất do nhà vua đảm bảo. Trường hợp ngoại lệ lớn của trào lưu này một lần nữa lại là nước Anh, quốc hội của nó sau "cuộc cách mạng huy hoàng" (Glorious Revolution) năm 1688 đã chiếm được thế thượng phong đối với triều đình.
Nhìn thoáng qua có thể sự suy yếu của giới quý tộc theo nghĩa bình đẳng về luật pháp có vẻ như là biểu hiện của một sự tiến bộ. Chẳng hạn những triết gia của thời đại khai sáng như Voltair và Diderot đã trầm trồ về việc "hợp lý hóa" và hiện đại hóa" trong công việc điều hành nhà nước. Trêb thực tế dĩ nhiên những biện pháp như vậy chỉ dẫn đến kết quả là tập trung hóa quyền lực vào tay bộ máy trung ương cũng như xói mòn tính độc lập tự chủ của vùng miền. Cho dù cái về sau này được gọi là "chủ nghĩa chuyên chế anh minh" cũng thể hiện tiến bộ trong một vài lĩnh vực. Các nhân vật cầm quyền như Friedrich II của Phổ, Katharina đại đế hay Joseph II của Áo đã dung thứ các ý kiến bất đồng trong vấn đề tôn giáo, chủ trương các cải cách luật pháp, coi trọng và nâng đỡ nghệ thuật, âm nhạc, văn học (điều này cũng lý giải cho nền báo chí tốt của họ). Sự xê dịch quyền lực tuy nhiên gây khó khăn cho các tầng lớp xã hội nào có khả năng ngăn chặn sự độc đoán và suy đồi của triều đình. Vì lẽ đó, giờ đây nền tự do liệu có đứng vững được hay sẽ bị sụp đổ, điều này hoàn toàn phụ thuộc vào sự hào phóng của chế độ quân chủ; chậm nhất là khi dưới áp lực của tình hình chính trị trong và ngoài nước ngay cả giới cầm quyền ôn hòa nhất cũng sẽ ngả theo xu hướng quay lưng lại với nền tự do phóng khoáng và bóp nghẹt tất cả mọi sự đối lập. Vào khoảng cuối thế kỷ 18 khi chiến tranh, cách mạng và nổi dậy một lần nữa cướp đi của châu Âu sự bình yên, thì chủ nghĩa chuyên chế anh minh đã thể hiện nhiều nét chuyên chế hơn là anh minh.
Chế độ quân chủ đạt đến đỉnh cao của nó ở Pháp dưới thời Luise XIV. Chế độ phong kiến Pháp luôn khác biệt với chế độ phong kiến Anh. Việc Paris luôn bị bao vây bởi các lực lượng thù địch, luôn phải ở trong tình trạng động viên, đã làm cho quyền lực trung ương trở nên mạnh mẽ; chẳng gì thì nước Pháp trong suốt 54 năm thống trị của Luis XIV cũng đã có tới 30 năm liên tục ở trong tình trạng chiến tranh. Quả thực những tình thế ép buộc về mặt ngoại giao đã cho phép nền quân chủ cách ly giới quý tộc ra khỏi nền tảng quyền lực của họ-đó là các thái ấp. Dựa vào những biện pháp xưa kia của tổng giám mục lỗi lạc Richelieu, Luise đã đẩy giới quý tộc ra khỏi bộ máy cái trị ở địa phương, và chuyển chức trách của họ cho các quan chức thuộc triều đình; ngay cả các hội đồng địa phương lẫn hội đồng lập pháp đều bị ông ta tước bỏ quyền lực. Phong cách cai trị ta đã đem lại cho ông ta danh hiệu "Vua mặt trời". Danh hiệu này, không phải như nhiều lần được phỏng đoán là tượng trưng cho gia tài óng ánh, mà là cho địa vị quyền lực ngời chói trên tất cả của ông ta. Giới quý tộc bị ông ta nhử đến kinh đô lộng lẫy nhất châu Âu-đó là Paris. Ông ta muốn giữ họ ở đấy càng lâu càng tốt, nhằm tiếp tục làm cho họ suy yếu về mặt chính trị. Những cuộc trác táng nổi tiếng của triều đình Pháp, những cuộc chơi bất tận, những dạ hội, những cuộc đi săn, những lễ nghi và cung điện Versaille có một không hai là tất cả những sách lược khôn ngoan để giam giữ giới quý tộc trong trong lồng son. Trong những trang phục lụa là đắt tiền, dưới những bộ tóc giả được đánh phấn, giới quý tộc Pháp đã trở nên những vai phụ của quyền lực.
Cuộc cách mạng năm 1789 đã làm thay đổi nhiều thứ, nhưng chỉ không làm thay đổi zu hướng tập trung hóa quyền lực mà thậm chí còn tăng cường. Không giống như cuộc cách mạng vẻ vang của Anh (grorius revolution), trong đó giới địa chủ được hưởng lợi, cuộc lật đổ ở Pháp đồng nghĩa với sự kết liễu tầng lớp này. Nhà thờ bị tịch thu tài sản, chính quyền địa phương và ngân hàng bị mất đi ảnh hưởng. Như Lord Acton, nhà bác học và chính trị gia của thế kỷ 19 đã xác định, đối với những nhà cách mạng họ ít quan tâm đến việc giới hạn quyền lực nhà nước hơn là việc loại bỏ tất cả các thế lực chống đối lại họ. Người Pháp, theo nhận xét của ông ta, đã học được lý thuyết về cách mạng từ nước Mỹ, nhưng lại bỏ qua không học về học thuyết về nhà nước. Nhân dân đã hấp thụ toàn bộ sự hào nhoáng và sự hoàn thiện về quyền lực của đấng quân vương sang trọng một thời. Nhân danh bình đẳng, tự do, và bác ái họ đã tự phong cho mình cấp bậc cao nhất. Tự do giờ đây không còn phụ thuộc vào lòng nhân từ của nhà vua, mà phụ thuộc vào những ngẫu hứng của toàn thể công dân-những sự ngẫu hứng, tự kể rằng chúng đã quá quen các nhà cách mạng.
Tuy nhiên còn có một mô hình tự do khác để lựa chọn, và kỳ lạ thay nó lại đòi hỏi chính một người Pháp phải nhận ra nó. Như nhiều người theo chủ nghĩa phóng khoáng khai sáng Charles-Louis de Secondat, nam tước vùng La Brede và Montesquieu, đã tỏ lòng ngưỡng mộ hệ thống chính trị của người Anh, mà hạt nhân của nó được ông ta, là người đầu tiên đã tìm ra: tự do không phải là điều đầu môi chót lưỡi; hệ thống của người Anh đã đảm bảo điều đó một cách thực sự! Bởi nhà vua, giới quý tộc (thượng viện) và giới trung lưu (hạ viện) chia nhau quyền lực nhà nước, không phái nào có quyền lực áp đảo; điều này bảo vệ quyền của các thần dân và tạo nên sự khoan dung đối với các vấn đề tôn giáo. Qua nhiều thế hệ, người Anh đã cắt xén quyền lực của tầng lớp cai trị nhiều đến mức, đất nước của họ vào cuối thế kỷ 18 mặc dù trên danh nghĩa vẫn là một nhà nước quân chủ, nhưng trên thực tế đã trở thành một nước cộng hòa quý tộc do các địa chủ lớn điều hành. Sự miêu tả mang tính ca ngợi của Montéquie đã tác động ngược trở lại nước Anh. Chẳng hạn như William Blacktstone, người có lẽ là luật sư thời đó, đã tiếp nhận cảm hứng của Montesquieu trong việc diễn giải luật pháp của mình. "Montesquieu đúng là một nhà tiên tri", triết gia môn triết học nhà nước Judit Shklar đã tin như vậy khi liên tưởng tới việc thành lập nhà nước Mỹ. Những người cha của hiến pháp Mỹ ví dụ như James Madison, Thomas Jefferson và John Adam đã thử vận dụng một cách có ý thức những tư tưởng của Montesquieu vào hệ thống chính trị của nước cộng hòa mới, và đã trích dẫn ông ta nhiều hơn bất kỳ một tác giả đương thời nào. Uy tín của ông ta lớn đến nỗi, Shklar viết, "cả những người ủng hộ lẫn những người chống đối hiến pháp mới đều sử dụng những luận điểm của Montesquieu".

Chủ nghĩa tư bản và những hậu quả

Ở thế kỷ 18 văn hóa ngoại lệ trong chính trị đã thu nạp thêm cho nước Anh tư bản chủ nghĩa một nguồn lực quan trọng nữa. Nếu những cuộc tranh giành quyền lực giữa nhà thờ và nhà nước, giữa giới quý tộc và triều đình, giữa Công giáo và Tin lành đã chọc thủng bức tường ngăn chắn tạo nên cửa mở cho tự do cá nhân, thì mô hình kinh tế mới đã giật sập toàn bộ những bức tường này. Không có gì đem lại cho hiện tại một dấu ấn sâu đậm như thị trường tự do. Trật tự kinh tế, chính trị và xã hội với hàng ngàn năm tuổi đã bị nó kết liễu; hệ thống phong kiến và nền quân chủ cùng với tất cả mọi sự quy tụ vào dòng dõi và đặc quyền giai cấp đã bị nó gạt bỏ. Nó tạo nên một tầng lớp những thương gia độc lập, không một chút hàm ơn đối với nhà nước và ngày nay là kẻ quyết định chủ yếu đến sự tiến bộ của xã hội ở khắp mọi nơi. Là nhũng giá trị dẫn đường của thời hiện đại nó đưa biến đổi và vận động vào vị trí của truyền thống. Chủ nghĩa tư bản đã tạo nên một thế giới mới, có rất ít điểm chung với các kỷ nguyên trước đây.
Cho dù kinh tế thị trường bén rễ mạnh mẽ nhất ở Anh thế nhưng những cội nguồn của nó lại nằm đâu đó ở một nơi nào khác. Ở thế kỷ 14 việc giao thương buôn bán vốn bị đình trệ tại nhiều khu vực của châu Âu nay đã khởi sắc trở lại. Các phương pháp canh tác mới đã tạo nên nhiều của cải dư thừa và do đó chúng có thể được đem bán hoặc trao đổi. Những thành phố buôn bán và hải cảng như Antwerpen, Brüssel, Venedig hoặc Genua đã phát triển thành những trung tâm kinh tế lớn. Với việc vận dụng phương pháp kế toàn kép, việc tiếp nhận hệ thống chữ số Ả rập và sự chớm nở của hệ thống ngân hàng đã làm cho việc kiếm tiền, từ một môn thể thao nghiệp dư trở nên một bộ môn chuyên nghiệp nhà nghề. Chẳng bao lâu sự phát triển của thương nghiệp hóa đã lan tỏa dần từ các thành phố cảng vào sâu trong nội địa-điển hình là ở Hà lan, sau đó cả ở Anh, nơi mà nó bắt đầu từ nông nghiệp, qua thủ công nghiệp và công nghiệp rồi lan đến các ngành dịch vụ, cuối cùng là tất cả các nghành kinh tế. Tại sao chủ nghĩa tư bản đầu tiên lại bành trướng ngay tại chốn này, đó vẫn là điều còn đang tranh cãi. Tuy nhiên các sử gia hầu như đều thống nhất với nhau, rằng sự bảo vệ về mặt nhà nước đối với quyền tư hữu cho thấy đó là một yếu tố quan trọng. Liệu kinh tế thị trường có chiếm được vai trò chủ đạo hay không, theo như các tác giả chuyên ngành có uy tín Douglass North và Robert Thoma, trước hết phụ thuộc vào phạm vi của các quyền tư hữu được đảm bảo. Ngay từ thế kỷ 15 một bác học về luật của Tây ban nha đã đưa ra một nguyên lý cơ bản: "Nhà vua có toàn quyền trong việc điều hành nhà nước, nhưng không có toàn quyền trong việc làm chủ các của cải tài sản". Trong suốt thế kỷ 16 ở khắp nơi tại châu Âu dần dần hình thành nên một sự đồng thuận, đó là, quyền tối cao thuộc về các lãnh chúa và các công chức của họ, mặt khác tài sản và của cải thì thuộc về gia đình. Thế nhưng chỉ có ở nước Anh người ta mới đi xa hơn đến mức treo cổ một đấng quân vương, vua Charles I, vì tội ra chính sách thuế má một cách tùy tiện.
Việc triệt để bảo vệ tài sản cá nhân đã làm thay đổi toàn bộ xã hội. Đã đến lúc sự đan kết phức tạp của những tập tục và đặc quyền phong kiến, những thứ đã ngăn cản việc sử dụng một cách hiệu quả đất đai và ruộng đồng, giờ đây có thể bị xé nát. Trong việc này các địa chủ lớn ở Anh đã đảm nhận vai trò tiên phong. Qua việc rào lại đất đai (enclosure) bất chấp tất cả, họ đã hợp thức hóa quyền của họ trên các đồng cỏ, đất công của thái ấp. Người ta đã thúc ép những người nông dân sống nhờ những mảnh đất đó phải chuyên môn hóa và hợp lý hóa công việc. Đồng cỏ từ đây phục vụ cho việc sản xuất len với sản lượng cao nhất. Qua việc thích nghi với chủ nghĩa tư bản này tầng lớp quý tộc nông thôn Anh đã củng cố quyền lực của mình, mặt khác họ cũng đã góp phần vào việc hiện đại hóa xã hội. Ngược lại với cái đó giới quý tộc Pháp đã tỏ ra nổi bật bởi sự vắng mặt của mình. Họ hầu như chẳng hề có một động thái nào, để làm tăng năng suất sản lượng nông nghiệp của mình-điều này cũng không hề làm cho họ ngần ngại trong việc tiếp tục tăng đậm lãi suất cho thuê đất. Giống như hầu hết giới quyền quý ở châu Âu lục địa, người Pháp coi khinh việc làm công ăn lương.
Bên cạnh giới kinh doanh quý tộc, chủ nghĩa tư bản Anh đã để hình thành nên một tầng lớp xã hội mới có ảnh hưởng lớn, sự giàu có của họ không phải nhờ vào việc trợ cấp đất của triều đình mà dựa vào năng lực làm ăn của bản thân. Những người nông dân tự do này (yeomen) phần lớn là những quý tộc hạng thấp hoặc là những chủ nông tháo vát làm ăn. Thuộc vào "nhóm các nhà tư bản đầy tham vọng và năng nổ" họ là những người tiên phong của tầng lớp tư bản, của một đẳng cấp cần mẫn, giàu sáng kiến trong những người có quyền sở hữu, mà Karl Marx đã nhận diện là những chủ nhân của tư liệu sản xuất và do đó cũng là những người giao việc; đồng thời ông ta cũng nhận ra họ chính là đội quân tiên phong của sự nghiệp tự do hóa về chính trị. Do bởi tầng lớp này thu được nhiều lợi lộc nhất từ chủ nghĩa tư bản và nhà nước pháp quyền, từ thị trường tự do, từ các hoạt động kinh doanh và từ khái niệm năng xuất cho nên họ đã chủ trương tiến hành các cuộc cải cách một cách thận trọng nhằm đẩy mạnh sự phát triển của các xu hướng này. Trong một nghiên cứu so sánh mang tính kinh điển về quá trình chuyển đổi của các nền dân chủ và các nền độc tài được chọn ra từ khắp các nơi trên thế giới của mình, nhà xã hội học thuộc Harward, Barrington Moore, bởi vậy đã rút ra một tóm tắt khá cô đọng: "Không có giai cấp tư sản không có dân chủ".
Sự phát triển của giới kinh doanh trở thành động lực của tiến bộ xã hội đã cách mạng hóa cách thức lãnh đạo nhà nước. Hạ viện Anh, nơi ngay từ thế kỷ 17 đã cắt bớt một cách đáng kể quyền lực của nhà vua và là cơ quan có tiếng nói quyết định trong chính trị, ở đó giờ đây xuất hiện đông đảo những thành viên là những lái buôn, thương gia giàu có mới trỗi dậy. Những người mang các chức danh quý tộc ở Anh thực ra từ xưa đến nay vẫn chỉ là một nhóm thiểu số nhỏ nhoi; một con số ít hơn 200 cho đến cuối thế kỷ 18. Ngược lại với điều đó là con số ngày càng nhiều lên của quý tộc lớp dưới, đây là tầng lớp có tên gọi là Gentry, họ mặc dù phần nhiều có quan hệ với tầng lớp quý tộc bậc cao và thường hay nẵm giữ những chức vụ công quyền ở các địa phương, tuy nhiên ảnh hưởng và uy tín của họ chủ yếu lại bắt nguồn từ thành quả có được trong hoạt động kinh doanh, hoạt động nghề nghiệp hoặc trong nghề nông. Nhiều người tham gia tích cực vào đời sống cộng đồng và qua việc giữ được một khoảng cách lành mạnh đối với trật tự cũ họ ủng hộ nhiệt tình việc tự do thương mại, việc giảm sự can thiệp vào thị trường, ủng hộ các quyền cơ bản và tự do tín ngưỡng.
Tầng lớp Gentry đã sản sinh ra ba thủ tướng nổi tiếng nhất của nước Anh trong thế kỷ 19, đó là: Robert Peel, William Gladstone, Benjamin Disraeli. Các phần tử tinh hoa mới đẵ bắt chước các tập tục của giới quý tộc, họ sống trong các lâu đài, mặc áo đuôi tôm, tổ chức các buổi đi săn tập thể-tuy nhiên không bị sa vào sự cứng nhắc như các tấm gương của họ. Các Gentleman được tất cả mọi giới kính trọng và chẳng bao lâu đã vượt qua tầng lớp quý tộc để trở thành hình tượng mẫu mực cho mọi người noi theo. Là một hình mẫu lý tưởng được nâng lên gần như huyền thoại, ở thế kỷ 18 họ biểu tượng cho niềm hy vọng của tất cả các tầng lớp xã hội. Đáp lại lời thỉnh cầu của một nữ y tá mong muốn cho con mình được phong thành Gentelman, vua Jakob I đã có lời như sau: "Chắc chắn ta có thể làm cho anh ta trở thành một quý tộc, nhưng không bao giờ thành được một Gentleman!" Về trào lưu các quý tộc nước Anh đua nhau trở thành Gentleman, một du khách người Pháp đã chế nhạo như sau: "Ở London các quý ông ăn mặc như những thằng đầy tớ và các bà công tước thì bắt chước các cô hầu phòng. Ngày nay Gentleman người Anh chỉ còn tồn tại dưới dạng các biểu tượng quảng cáo và là nhóm mục tiêu hư cấu của một phong cách trang phục được tiếp thị rộng khắp trên thế giới, mà đối với nó cái tên Ralph Lauren đã trở nên đồng nghĩa (Lauren, nói thêm một chút, là một người Mỹ). Sự đóng góp khi xưa của của nó, là cha đỡ đầu trong cuộc khai sinh nền tự do, tuy nhiên không phải vì chuyện này mà trở nên bị lu mờ.

Nước Mỹ thuộc Anh (Angloamerika)

Mặc dù chủ nghĩa tư bản, sự giới hạn quyền lực nhà nước, quyền tư hữu và chủ nghĩa hợp hiến trong suốt thế kỷ 18 đã lan rộng khắp mọi nơi tại châu Âu, nước Anh vẫn giữ được vị trí đặc biệt của nó. Nước này trở nên giàu có hơn, sáng tạo hơn, tự do hơn và ổn định hơn những nước khác tại châu lục. Ruggiero đã viết về vấn đề này như sau: "Sự tự do các nhân, đặc biệt là sự bảp vệ đối với cá nhân và tải sản, tất cả đã trở nên vững chắc. Nền hành chính quản trị đã được phân quyền và mang tính tự trị. Tòa án hoàn toàn độc lập với chính quyền trung ương. Các đặc quyền của triều đình đã bị giới hạn còn lại rất ít. […] Liệu phía lục địa có thể trưng ra được một cái gì giống như thế?" Những người đương thời cũng đi đến một kết luận tương tự; người thì tán dương hiến pháp và tính dân tộc của người Anh, kẻ thì khen ngợi nền kinh tế của đất nước này. "Thương nghiệp", Voltair viết, "cái đã làm cho công dân của nước Anh trở nên giàu có, đã góp phần đem lại cho họ tự do, và sự tự do này về phần nó lại làm cho thương nghiệp ngày càng phát triển." Và tu sĩ người Pháp Gabriel-Francois Coyer đã ghi nhận, chính phủ Anh ít quan tâm đến những thú ăn chơi đồi trụy của giới quý tộc mà chú ý nhiều hơn đến "tầng lớp trung lưu thực thà, cái phần quý báu của dân tộc." Từ thị trường mở đi đến giàu có tầng lớp trung lưu người Anh đã thúc đẩy mạnh mẽ quá trình tự do hóa rộng khắp và qua đó khởi động một dòng xoáy đi lên của tự do.
Có một sự tương đồng lớn giữa nước Anh với thuộc địa của nó ở châu Mỹ. Các có quan hành chính do những người đến thuộc địa lập nghiệp xây dựng nên đều theo khuôn mẫu có từ thời đại Tudor. Khởi đầu cuộc nổi dậy của những người định cự nơi đất mới chống lại vua Georg III vào năm 1776 là sự đòi hỏi phải trả lại quyền của họ là công dân của vương quốc Anh. Theo quan điểm của họ nhà vua chuyên chế đã xâm phạm sự tự do đã đươc thừa nhận của họ và điều đó đã bắt buộc họ phải từ bỏ nhà vua. Về nguyên tắc điều này chính là sự lặp lại cuộc cách mạng Glorious Revolution; thời đó quốc hội Anh cũng đã phản kháng chống lại kẻ thống trị chuyên quyền dám tự ý nâng thuế không có sự chấp thuận của quốc hội. Năm 1688 cũng như năm 1776 cả hai lần tầng lớp ưu tú mới, tiến bộ có đầu óc kinh doanh đều đã giành được thắng lợi. Về bên phía thất bại cả hai lần ngoài nhà vua ra là những người Torie trung thành với triều đình.
Nếu nước Anh biểu hiện như là một ngoại lệ, thì nước Mỹ là một trạng thái còn đặc biệt hơn của nó-đó chính là "nước Anh không có chế độ phong kiến". Mặc dù ở Tân thế giới cũng có những đại địa chủ giàu có. Song khác với các thành viên của thượng viện Anh họ chẳng có các chức danh quý tộc cũng như không hề được hưởng bất cứ một đặc quyền đặc lợi giai cấp nào hoặc có một ảnh hưởng chính trị tương đương. Nước Mỹ thế kỷ 18, theo như nhà sử học Richard Hofstadter, người ta phải hình dung rằng nó là sự kỳ lạ của "thế giới trung lưu". Trong kinh tế và xã hội rất có thể sẽ nhận ra các yếu tố quý phái trưởng giả, nhưng chúng chưa hề bao giờ trở nên những yếu tố chủ đạo; đặc biệt ở nước miền Bắc vào cuối thế kỷ 18 chúng đã bắt đầu trở nên mờ nhạt. Về vấn đề này nhà nghiên cứu lịch sử Gordon Wood có viết: "Vào những năm 80 của thế kỷ 18 bước chuyển đổi từ một xã hội tiền hiện đại thành một xã hội hiện đại đã được hoàn tất, trong đó các quyền lợi kinh doanh và thị hiếu của đám đông dân chúng chiếm ưu thế." Theo Wood cuộc cách mạng Mỹ đã châm ngòi cho "sự bùng nổ tinh thần kinh doanh" và đã làm nới rộng thêm khoảng cách giữa thế giới cũ và thế giới mới. Nước Mỹ đã trở thành tư bản-và nó tự hào về điều này. Alexis de Tocqueville, năm 1831 chẳng bao lâu sau khi đến Mỹ đã ghi chép trong nhật ký của mình, dường như xã hội Mỹ đã hoàn toàn chuyển lên thành tầng lớp trung lưu.
Con đường nước Mỹ đi đến tự do và dân chủ quả là đặc biệt. Những tồn đọng của chế độ phong kiến đã cản trở hầu hết các nước trong việc khởi hành đến bến bờ chính trị mới. Hơn nữa do bởi người Mỹ không phải đèo bòng bên mình cái di sản vua chúa, quý tộc có hàng ngàn năm tuổi cho nên họ không cần thiết phải có một chính quyền trung ương đầy quyền lực cũng như không cần phải có một cuộc đảo lộn xã hội bằng bạo lực để xóa bỏ trật tự cũ. Ở châu Âu những người theo chủ nghĩa tự do phóng khoáng đã nếm trải bạo lực của nhà nước, một mặt đó là mối đe dọa mặt khác lại là đối tượng thèm muốn; người ta muốn giới hạn quyền lực nhà nước, nhưng cũng lại tìm cách sử dụng nó để tiến hành việc hiện đại hóa xã hội. "Người Mỹ", theo Torqueville, "như vậy đã ở vào địa vị thuận lợi, khi họ đạt đến trạng thái dân chủ mà không cần phải trả cái giá cho một cuộc cách mạng. […] Họ không cần phải trở nên bình đẳng, bởi vì ngay từ khi sinh ra họ đã bình đẳng rồi."
Vào đầu thế kỷ ở Anh cũng như ở phần lớn nước Mỹ việc bình đẳng trước pháp luật và tự do cá nhân đã được đảm bảo. Nhưng cả hai chưa thể gọi là dân chủ. Trước khi có cải cách bầu cử năm 1832 nước Anh mới chỉ có 1,8% số người trưởng thành có quyền bầu cử. Luật cải cách đã nâng con số này lên 2,7%. Vào năm 1867 con số người Anh có quyền bầu cử tăng lên 6,4%, mãi cho đến năm 1884 cũng mới chỉ đạt được 12,1%. Chỉ đến năm 1930 với việc ban bố quyền bầu cử cho nữ giới nước Anh mới được coi là đã thỏa mãn tiêu chuẩn cơ bản của một nền dân chủ theo như cách nhìn hiện nay: quyền phổ thông đầu phiếu cho tất cả mọi công dân đến tuổi bầu cử. Mặc dù vậy nước Anh vẫn được coi là đất nước mẫu mực của chủ nghĩa tự do hợp hiến (Constitutional Liberalism), là nhà nước pháp quyền và là nơi dìn giữ tự do. Nước Mỹ dân chủ hơn một chút, cho dù chưa đạt đến mức độ như thông thường vẫn nhận xét. Hàng chục năm ròng người ta chỉ có kêu gọi những địa chủ da trắng tham gia bầu cử. Đến tận năm 1824, gần 50 năm sau khi giành được độc lập, vẫn còn có tới 95% người trưởng thành không đựợc phép tham gia bầu cử tổng thống. Mãi đến khi do có tác động của cái gọi là "cuộc cách mạng Jacksonian" xóa bỏ ràng buộc quyền bầu cử vào tài sản ở hầu khắp mọi nơi, con số cử tri mới tăng vọt lên. Trong đêm trước của cuộc chiến tranh li khai, ít nhất tất cả những người đàn ông da trắng cũng đã có quyền bầu cử. Năm 1870 trên lý thuyết những người da đen cũng đã được công nhận có quyền bầu cử, thế nhưng người ta đã tiếp tục cản trở họ thực hiện quyền này ở miền Nam thêm suốt một thế kỷ nữa. Phụ nữ Mỹ được phép tham gia bầu cử từ năm 1920. Bỏ qua những khiếm khuyết về dân chủ này người ta đã phải ghen tỵ với nước Mỹ trong suốt cả thế kỷ 19 về hệ thống chính trị và trật tự luật pháp của họ. Với thời gian chủ nghĩa tự do hợp hiến đã đưa đến dân chủ và dân chủ, ngược lại, lại mở rộng thêm giới hạn của tự do.
Châu Âu lục địa đã chọn một con đường về cơ bản là quanh co hơn để đi đến trật tự dân chủ khai phóng. Những gì ở Anh và ở Mỹ được thực thi một cách êm thắm và hòa bình thì ở thế giới cũ được diễn ra trong những đợt công phá thường là tàn bạo (sẽ nói kỹ hơn trong chương tới đây). Mặc dù vậy cho đến cuối những năm 40 của thế kỷ 20 nhiều nước châu Âu đã cũng đã đạt đến trạng thái dân chủ. Từ năm 1989 cũng đã có thêm các nước mới bổ xung vào, quá trình ổn định của chúng đã tiến triển nhanh chóng. Sự phát triển này có nguyên nhân ở trong một đặc tính đặc trưng cho tất cả các nước phương Tây cho dù những nước này rất khác biệt nhau về mặt lịch sử: đó là một truyền thống hiến pháp phát triển, tự do. Nước Anh là một hình mẫu lý tưởng đặc biệt thích hợp để làm minh chứng; tuy nhiên ngay cả một chính phủ lạc hậu nhất ở châu Âu của thế kỷ 18 cũng xứng đáng được trao tặng danh hiệu tự do (liberal) khi so sánh với những thể chế chuyên chế bạo ngược tại châu Ấ và châu Phi. Người châu Âu và người Mỹ có những quyền được phân định rõ ràng và có những cơ hội tác động mà những thần dân của các vua chúa không phải ở phương Tây không bao giờ dám mơ ước tới. Vua chúa ở châu Âu bị trói buộc bởi tục lệ và luật pháp. Một xã hội dân sự bao gồm những tư thương, nhà thờ, các trường đại học, phường hội sẽ trở nên hưng thịnh mà không bị nhà nước quấy nhiễu về các khoản phí phải trả. Tài sản tư nhân được bảo vệ, kinh tế phát triển. Và cho dù các quyền cá nhân trên lý thuyết được diễn tả tốt đẹp hơn là trong thực tế và bị chế độ quân chủ chuyên quyền luôn tìm mọi cách phớt lờ thì phương Tây vẫn cứ là thiên đường của tự do khi so sánh với phần còn lại của thế giới.

Văn hóa là định mệnh?

Đọc một cách lướt qua có thể bài tóm lược về lịch sử này sẽ gây nên nỗi thất vọng, tuy vây nó cũng khêu gợi một điều, rằng các nước có tham vọng tự do dân chủ sẽ có được thuận lợi nhất, nếu như họ có thể dịch chuyển lãnh thổ quốc gia của mình đến phương Tây. Sự gần gụi về mặt địa lý với các nước phương Tây, cho dù chỉ ở vùng ngoại vi xa cách đi nữa, chắc chắn là có lợi thế. Trong số những nước chư hầu và các nước vệ tinh của Liên bang Xô viết cũ, cho đến nay những nước tự do nhất và dân chủ nhất trong số họ, chính là những nước trước đây đã có chút ít kinh nghiệm với "các nước phía mặt trời lặn"-đứng hàng đầu là những nước thuộc lãnh thổ đế chế Đức-Áo-Hung (habsburg) khi xưa. Cũng cùng một đường đường biên, trước đây vào năm 1500 tại đó nhà thờ phương Tây đã chia tay với người anh em của mình là nhà thờ phương Đông, giờ đây nó là đường ngăn cách giữa những chế độ tự do phồn thịnh với những chế độ thất vọng mất tự do. Balan, Hungary và Tiệp khắc, nguồn gốc xuất thân từ châu Âu của chúng chưa bao giờ bị nghi ngờ, là những nước đã tiến hành dân chủ hóa mạnh mẽ nhất; các nước vùng Baltic theo sát ngay sau. Ngay cả những nước nằm về phía tây đường biên giới tưởng tượng ngăn cách Đông Tây như Slowien và Kroatie quá trình chuyển đổi cũng rất trơn tru, trong khi đó các nước như Serbia và Albania cũng như các nước nằm bên Đông đường biên này đều rất khó nhọc trong quá trình chuyển đổi.
Như vậy có lẽ văn hóa là định mệnh? Từ Max Weber cho đến Samuel Huntington, rất nhiều học giả đã đại diện cho cái luận điểm có vẻ như đã quá rõ ràng này, và mới đây nó lại trở nên trung tâm điểm luận bàn của thời cuộc. Từ các cố vấn kinh doanh cho đến các chiến lược gia quân sự đều lôi văn hóa ra như là một công thức tiện lợi để lý giải các tình huống cực kỳ phức tạp. Hoàn cảnh nào đã đưa đến sự kiện bùng phát về kinh tế của người Mỹ trong suốt 20 năm vừa qua? Đúng rồi: đó chính là văn hóa kinh doanh có một không hai của họ. Cái gì đã làm cho nước Nga mãi không thể thích hợp được với chủ nghĩa tư bản? Đoán nhé: đó là do văn hóa phong kiến thù nghịch với thị trường của nó. Tại sao châu Phi lại ngập chìm trong nghèo đói? Tại sao lại có nhiều kẻ khủng bố là người sinh ra ở vùng các nước Arập? Tất cả đều là vấn đề văn hóa.
Song không hoàn toàn đơn giản như vậy. Cuối cùng chẳng gì thì văn hóa Mỹ cũng đã làm phiền chúng ta bằng suy thoái và khủng hoảng kinh tế thế giới đấy thôi. Sự phát triển của văn hóa phong kiến cũ xưa đã làm cho Nhật bản và Đức trở nên những nền kinh tế đáng ngưỡng mộ thứ hai và thứ ba thế giới như thế nào, cho thấy cả hai đều đã tiêu hóa tốt chủ nghĩa tư bản. Nếu cũng chính nhà nước đó ngày nay hoàn thành tốt được những nhiệm vụ mà chỉ trước đây một vài thập kỷ nó vẫn luôn gặp phải thất bại (hoặc ngược lại), như vậy sẽ phải xuất hiện mối nghi ngờ, chắc phải còn có một cái gì đó nhiều hơn là nguyên nhân sâu xa có tính văn hóa tương đối bền vững.
Li Kwan Ju, trưởng lão lỗi lạc của Singapore, đã nói với tôi, ảnh hưởng của văn hóa người ta có thể đánh giá một cách tốt nhất qua việc so sánh năng suất lao động của một người Sambia với một người Đức trong một môi trường làm việc bất kỳ. Khi đó người ta sẽ nhanh chóng vấp phải những tính cách văn hóa riêng biệt và trên cơ sở của những tính cách này có thể giải thích được những kết quả làm việc khác nhau. Phát ngôn kiểu này người ta cũng thường thấy ở ngay cả các nhà khoa học; chẳng hạn nhà nghiên cứu về xu hướng Joel Kotkin ở California đã mô tả trong cuốn sách "Các phả hệ của quyền lực" của mình: một tính cách Do thái, Ấn độ, hay tốt hơn nữa là tính cách Trung quốc chính là phương sách hiệu nghiệm đưa tới thắng lợi trong kinh tế.
Đối với quan sát của Li và của Kotkin, rằng có những nhóm văn hóa nhất đinh thể hiện vượt trội hơn lên ở những vùng khác nhau, chắc chắn rằng không có gì để phê phán; là một người Mỹ có nguồn gốc Ấn độ tôi nhận thấy các biến thể khác nhau này của lý thuyết văn hóa thậm chí đặc biệt hấp dẫn. Tuy nhiên nếu chìa khóa của thành công về mặt vật chất nằm ở chỗ, chỉ vì người ta là một người Ấn độ, thì ta giải thích sao đây về năng lực kinh tế còi cọc của Ấn độ trong suốt bốn thập kỷ đầu tiên sau năm 1947, là năm nước này giành được độc lập, cũng như thể hàng trăm năm trước đó? Thời trai trẻ của tôi ở Bombay tôi nhận thấy đồng bào tôi cũng không lấy gì làm đặc biệt tháo vát trong kinh doanh. Tuy nhiên tôi vẫn rất nhớ những gì mà nghị viên kiệt xuất Pilu Modi trong một buổi chất vấn tại quốc hội đã hỏi India Gandhi: liệu bà thủ tướng có thể cho biết; tại sao người Ấn độ dưới sự lãnh đạo của tất cả các chính phủ trên thế giới đều thành đạt về mặt kinh tế nhiều hơn là dưới sự lãnh đạo của chính phủ của bà?
Những câu hỏi tương tự như vậy cũng được đặt ra khi nhìn về Trung quốc, nơi mà nền kinh tế trước đây ba chục năm cũng thế, nó chỉ sống như là một cái bóng lay lắt. Nếu hoàn toàn chỉ là việc tạo nên một đội ngũ người Trung quốc, thì đế chế trung tâm của vũ trụ này với một tỷ con người có thể nói là bất khả chiến bại. Người Do Thái cũng vậy họ đã tạo dựng cho mình môt cuộc sống sung túc ở khắp mọi nơi trên thế giới. Thế nhưng ở ngay tại Israel, nơi duy nhất có người Do Thái chiếm đa số thì mới cách đây thôi vẫn tồn tại một sự hỗn loạn về kinh tế. Đặc biệt là, cả ba nước nhắc đến ở trên trong những năm 80 đều đã có một bước nhảy vọt thấy rõ-điều đó dĩ nhiên hầu như không phải nằm ở chỗ họ đã chuyển hướng về mặt văn hóa, mà phần nhiều là do họ đã chuyển hướng đi về mặt chính trị cũng như tiến hành tự do hóa thị trường. Nếu hiện nay Trung quốc phát triển nhanh hơn Ấn độ, điều ấy chẳng hề có nghĩa rằng đạo Khổng có ưu thế mạnh hơn đạo Hindu, mà phần nhiều chỉ là do kết quả của việc cải cách kinh tế rộng khắp hơn mà thôi.
Việc Li Kwan Ju lập luận một cách rõ ràng như vậy với văn hóa xét ra cũng đáng ngạc nhiên ở chỗ, Singapur về văn hóa không nổi trội gì hơn nước láng giềng Malaysia. Cho dù quốc gia thành phố Singapor có nhiều ảnh hưởng của tính Trung quốc hơn của tính cách Malaysia thì cả hai cũng vẫn còn có rất nhiều cái chung. Dĩ nhiên Singapur phấn khởi hơn vì đã có một chính phủ trước hết có trình độ cao trong vấn đề chính trị kinh tế hơn là chính phủ của người láng giềng-một chi tiết có lý để chứng minh sự thành công của đất nước nhỏ bé này hơn là tất cả những yếu tố đặc biệt về văn hóa trong thực tiễn cũng như đã được viện dẫn ra. Nói môt cách khác, Singapur có được sự phồn vinh không nhờ vào đạo Khổng, mà là nhờ vào Li Kwan Ju. Nhận định này không có nghĩa là muốn làm giảm đi ý nghĩa của Văn hóa. Ngược lại: Văn hóa là sự tích lũy kinh nghiệm tập thể của một dân tộc, thâm nhập vào các thiết chế của nó, thể hiện các quan điểm và ước vọng của nó. Tuy nhiên văn hóa cũng chịu sự biến đổi. Chẳng hạn văn hóa Đức trong những năm giữa 1939 và 1959 đã có những đổi thay căn bản. Những nhà nước ở châu Âu, một thời là cái nôi của chủ nghĩa dân tộc cực đoan, đã hoàn toàn thoát khỏi trạng thái đó, chúng cũng đã thể hiện thậm chí ở mức độ rất khó hiểu đối với người ngoài trong việc việc sẵn sàng chuyển nhượng quyền lực của mình cho một ủy ban siêu dân tộc. Hoa Kỳ một thời với chủ nghĩa biệt lập đã có lúc không muốn có cả một quân đội chính quy, giờ đây đã là một quyền lực bá chủ với mạng lưới căn cứ quân sự rộng khắp trên thế giới. Trung quốc từ một nước nông nghiệp lạc hậu đã thay lông đổi cánh thànhmột quốc gia thương mại khôn ngoan. Các cuộc khủng hoảng kinh tế, các cuộc chiến tranh, những chính khách có khả năng-tất cả những yếu tố này đều có thể làm cho văn hóa chuyển hướng sang một quỹ đạo mới.
Từ sự nghèo nàn gần như tuyệt vọng của Đông Á các nhà xã hội học, ví dụ như Max Weber, trước đây 100 năm đã kết luận, một nền văn hóa đậm màu sắc Khổng giáo đã làm thui chột những tính cách cần thiết của con người trong chủ nghĩa tư bản. Khoảng trước đây 10 năm khi thị trường châu Á phát triển nhảy vọt, các lý thuyết gia đã nhanh chóng đảo ngược nhận định này; giờ đây có nghĩa là, triết lý đạo đức của Khổng giáo đã nhấn mạnh đích thị những tính cách đặc trưng rất cần thiết đối với một nền kinh tế năng động. Mới đây nhất chiếc bánh xe lại đảo chiều lần nữa; giờ đây các "giá trị châu Á" từng được ca ngợi liên tục bỗng nhiên được coi là mảnh đất nuôi dưỡng tốt nhất giành cho các loại tư bản thân hữu. Weber chứng minh sự thành công về vật chất của các dân tộc bắc Âu có nguồn gốc từ luân lý Tin lành và tiên đoán sự yếu kém vĩnh cửu đối với miền Nam theo công giáo. Nhưng trái lại,thực tế là, ví dụ như Ý và Pháp từ 50 năm nay luôn đạt được mức phát triển cao hơn những thành trì phát triển của đạo Tin lành. Đây đó người ta có thể dẫn ra những ví dụ về những người dân phương Nam lười biếng luôn chỉ thích dồn đẩy công việc đáng lý phải làm hôm nay vào ngày hôm sau để có thể cố lý giải cho kết quả hoạt động tồi tệ của một đất nước. Thế nhưng người ta phải đánh giá thế nào về trường hợp Chile? Nước cộng hòa vùng Anden này về mặt phát triển kính tế hoàn toàn có thể sánh vai với các nước Rồng, Hổ. Sự phồn thịnh của họ có được từ những đặc tính khác, không kém phần ấn tượng của những nền văn hóa La mã: Tình cảm gia đình, Tôn giáo, và tính quả quyết.
Sự thực là, thành công hay thất bại của một dân tộc tại thời điểm quan sát không thể là cơ sở để khái quát hóa. Khi nhìn trở lại, ta thấy những thành tựu xã hội to lớn thường là kết quả của một logic tất yếu. Chúng ta tập trung chú ý vào các thành tựu và tìm kiém các bí mật của nó trong mỗi một nền văn hóa. Thế nhưng văn hóa lại có nhiều tầng nhiều lớp; bất kể điều gì người ta mong muốn tìm ra trong nó, sẽ được tìm thấy. Ai đoán rằng chăm chỉ và tiết kiệm nằm trong tính cách Á đông, sẽ thấy được điều để khẳng định. Cũng sẽ lại tìm ra được cái để chứng minh là đúng, khi ai đó cho rằng, người châu Á có tập quán tuân thủ một cách mù quáng và có thói gia đình trị, kéo họ hàng vào làm cùng cơ quan, bao che dung túng cho người nhà tại nơi làm việc. Nếu chỉ cần quan sát đủ kỹ, người ta sẽ phát hiện ra tất cả những nét như vậy có trong tất cả các nền văn hóa.
Văn hóa là một yếu tố tác động bậc nhất. Nó có thể là sự cổ vũ khuyến khích hoặc là một vật chướng ngại, nó có thể kìm hãm hoặc chắp cánh cho sự thay đổi. Nó có thể kết dính thành những thiết chế và tập tục, ngăn cản mọi sự tiến bộ. Có thật rằng văn hóa Ấn độ đã kìm hãm sự phát triển, điều này vẫn chưa kết luận được một cách dứt khoát; nhưng chắc chắn rằng nó đã đúng với bộ máy quan liêu ở Ấn độ. Con bài chủ của phưong Tây là những thiết chế và những tập quán trưởng thành cùng lịch sử, đó là những cái tuy không được cấy vào gen di truyền của các dân tộc của nó, nhưng không phải vì thế mà các xã hội khác có thế dễ dàng bắt chước một cách nguyên xi không cần có thêm một điều kiện nào khác. Tuy nhiên điều này cũng có thể làm được.

Mô hình châu Á

Trong số rất nhiều nước không thuộc phương Tây ba mươi năm vừa qua đã tiến hành việc chuyển đổi thành thể chế dân chủ tự do thì những nước đạt được tiến bộ nhiều nhất là những nước học theo hình mẫu châu Âu, nghĩa là họ nhập khẩu chủ nghĩa tư bản và nhà nước pháp quyền vào trước nguyên tắc đa số. Ví dụ như Nam Hàn, Đài loan, Thailand và Malaysia đều chịu sự thống trị kéo dài hàng chục năm của các ủy ban quân quản hoặc của một đảng duy nhất. Dần dần họ tự do hóa từng bước nền kinh tế, cải cách hệ thống luật pháp, đảm bảo tự do tôn giáo và tự do đi lại. Mãi đến khi quá trình dai dẳng này kết thúc bầu cử tự do mới được tiến hành. Không hề có trong ý định khi tiến hành, phía chính phủ vô tình đã giải quyết hai vấn đề chính mà cha đẻ của hiến pháp Mỹ James Madison trong loạt bài viết "Người chủ trương thành lập liên bang (the federalist)" đã đặt ra cho mỗi một chính quyền: Trước hết nhà nước phải thiết lập được sự điều khiển đối với các công dân của mình, sau đó là đối với chính bản thân mình. Trật tự là điều kiện của tự do. Tất cả những thứ khác-một sự lãnh đạo chính danh, giàu có về vật chất, một nền dân chủ tự do-đều dựa trên hai trụ cột này. Nghe có vẻ đơn giản, nhưng lại không phải thế.
Vào những năm năm mươi và sáu mươi trong nội bộ trí thức phương Tây với nhau một thái độ được coi là tốt đó là sự bỉ báng các chính quyền đông Á là phản động và thay vào đó là sự ca ngợi những nhân vật dân túy ở châu Phi, ở Ả rập mỗi khi những nhân vật này tiến hành các kỳ bầu cử, đứng ra kêu gọi nhân dân-như đã từng xảy ra ở Ghana, Tasania, Kenia. Thế nhưng trong khi ngay chính những nước này phần đông bị sa vào thể chế độc tài thì các nước viễn đông lại đi trên con đường ngược lại. Thật là chớ trêu, chính những thể chế độc tài quân phiệt kéo dài nhiều năm như Chi lê, Nam Hàn, Đài loan ngày nay lại thuộc vào những nền dân chủ vững chắc nhất ở Nam Mỹ và châu Á, đây có lẽ là điều để các nhà phê bình khi xưa nên suy nghĩ lại. Giống như ở Tây Âu, ở đây từ các nền độc tài được tự do hóa đã dần dần nảy sinh ra những hệ thống dân chủ vững chắc. Trong hầu hết mọi trường hợp chế độ độc tài tiến hành mở của thị trường của họ chỉ một cách chậm chạp, từng bước nhỏ. Song điều này tuy vậy cũng đã tác động ngược lại vào những kẻ cầm quyền và làm cho bản thân họ trở nên tự do phóng khoáng hơn, như chuyên gia về châu Á Minxin Pei đã xác nhận:
Đặc trưng cho sự phát triển ở Đông Á từ thế chiến thứ hai là một sự thiết chế hóa quyền lực từng bước một. […] Đối tượng của quá trình này là việc thiết lập lần lượt những thiết chế chính trị hiện đại có khả năng hạ lệnh chặn đứng quyền lực nhà nước trên bình diện chính thức cũng như không chính thức-chẳng hạn dưới hình thức của các đảng phái quần chúng,của một bộ máy hành chính,của những danh sách bầu cử nửa công khai và của một hệ thống tư pháp ngày càng hoạt động một cách độc lập. Rốt cuộc có được hai kết quả tích cực:nhiều ổn định hơn cũng như tài sản tư nhân được bảo vệ tốt hơn do giới cầm quyền không ngừng tuân thủ các lực lương thị trường và các chuần mực chính trị tiến bộ.
Hiện nay tham nhũng, kinh tế thân hữu và bầu cử gian lận ở châu Á vẫn còn đang xảy ra hàng ngày. Dĩ nhiên ở phương Tây trước đây 50 năm cũng chẳng khác gì nhiều. Bầu cử chính trị được tiến hành ở Đài loan không xảy ra một cách mẫu mực, nhưng chắc chắn rằng nó tự do hơn và chơi đẹp (fair) hơn là những cuộc bầu cử ở các bang miền Nam nước Mỹ vào những năm 50 hoặc ở Chicago vào những năm 60. Nếu như ở Nam Hàn các tập đoàn vẫn còn có ảnh hưởng một cách kỳ lạ đến chính trị, thì chính điều này cũng đã từng xảy ra với những tấm gương của họ ở phương Tây cách đây 100 năm đúng như vậy. Các công ty đường sắt, các nhà sản xuất thép, các xưởng đóng tàu và chủ tài phiệt lớn còn cao hơn nhiều bậc trong trò chơi quyền lực so với các đại tư bản châu Á hiện thời. Chính họ là những người đã quyết định hướng đi trong thời vàng son của nước Mỹ cuối thế kỷ 19. Hoặc có ai đó còn nhớ đến tên các chính trị gia của thời đại John Pierpont Morgans, Edward Henry Harrimans và John Davison Rockerfeller? Người ta không được phép đặt những tiêu chuẩn để đánh giá nền các dân chủ non trẻ mà ngay cả đối với nhiều quốc gia Âu Mỹ trước đây 30 năm bản thân họ cũng không thể nào đạt đến. Viễn Đông ngày nay tự cho thấy đó là một sự pha trộn của chủ nghĩa tự do phóng khoáng, của tập đoàn thống trị, của Dân chủ, Tư bản và Tham nhũng-hoàn toàn giống như ở các nước mặt trời lặn vào thời kỳ 1900. Cho dù vậy các nước Đông Á phần lớn trong họ đều tự do hơn, dân chủ hơn là một lô các nước không thuộc phương Tây còn lại.
Năm 1983 nhà chính trị học Myron Weiner đã chỉ ra mỗi quan hệ đáng ngặc nhiên giữa truyền thống hiến pháp và hiện tại tự do-dân chủ. Weiner đã khám phá ra, rằng trong tất cả các nước thứ ba đã tiến hành phi thực dân hóa từ sau thế chiến thứ 2 với dân số ít nhất là một triệu người (và trong hầu như tất cả các nước thuộc địa cũ nhỏ hơn khác nữa), đồng thời liên tục phát triển hướng đến dân chủ đều là những lãnh thổ thuộc Anh trước đây.*) Sự thống trị của người Anh tuy rằng không trực tiếp trao tặng cho họ dân chủ (xét cho cùng thì chủ nghĩa thực dân bản thân nó đã không dân chủ rồi), nhưng tuy thế nó cũng tạo nên những tiền tố của một chủ nghĩa tự do hợp hiến và chủ nghĩa tư bản. Cho dù hiện nay các nước khác trong thế giới thứ ba cũng thừa nhận chế độ nghị viện, thì phát biểu của Weiner về cốt lõi vẫn còn có giá trị. Dĩ nhiên đây không phải là nói tốt cho chủ nghĩa thực dân. Lớn lên ở một nước thuộc địa trước đây, qua nhìn nhận của chính bản thân, tôi đã biết đến các món thế chấp Anh quốc cũng như chủ nghĩa kỳ thị được thiết chế hóa và sự lạm quyền. Tuy vậy cũng không thể không thừa nhận rằng, di sản tư bản chủ nghĩa và luật pháp của đế chế Anh để lại đã làm cho những thế lực của nền dân chủ tự do mạnh mẽ thêm, nếu không phải tất cả thì ít ra cũng trong rất nhiều thuộc địa trước đây của nó. Nước Pháp ngược lại tuy có cho phép một số nước thuộc địa của mình ở Bắc Phi có được quyền bầu cử, nhưng nhìn chung đối với các nước thuộc vùng viễn dương của nó nó ít tiến hành những gì để khuyến khích chủ nghĩa hợp hiến và kinh tế thị trường. Chính vì vậy cũng không lấy gì làm ngạc nhiên, khi sự dân chủ hóa quá sớm ở tất cả các trường hợp này đều kết thúc bằng một thể chế độc tài tàn bạo.
Mô hình phương Tây, như chúng ta đã thấy, có thể tạo nên bên ngoài địa hạt văn hóa của nó những nền dân chủ tự do. Thời điểm và trình tự của quá trình dân chủ hóa ở đây đóng một vai trò quyết định. Ta thấy phần lớn các quốc gia thế giới thứ ba, những nước trong giai đoạn bất ổn định về chính trị và vật chất ngay sau khi giành độc lập đã tuyên bố thành lập chính thể cộng hòa, chỉ trong vòng một thập kỷ đã biến đổi thành chính thể độc tài. Giovani Sartori, nhà khoa học chính trị tại đại học Columbia-University nhận định, con đường phát triển từ chủ nghĩa tự do hợp hiến thành dân chủ là không thể đảo ngược. Nhưng ngay cả chính những nước châu Âu khi đi chệch mô hình Anh Mỹ (trước hết là chủ nghĩa tư bản, sau đó là dân chủ) trong quá trình xây dựng trật tự xã hội dân chủ tự do đều ít thành công hơn. Khó khăn của việc dân chủ hóa quá sớm một lần nữa dẫn chúng ta quay lại với châu Âu lục địa-trở lại với thời kỳ đầu của thế kỷ 20.

----------------------------
*Ở tại những thuộc địa xấm chiếm được về sau này và chỉ sau ít thập niên đã bị bỏ rơi (Châu Phi, Cận đông) người Anh đã không còn cọi trọng đến việc xây dựng các thiết chế và nhà nước pháp quyền. Tồi tệ hơn nữa, qua việc xác đinh biên giới một cách tùy tiện họ đã đem lại cho những người được bảo hộ hàng loạt những vấn đề sắc tộc và tôn giáo trầm trọng trên con đường đi đến độc lập. Ít nhất là tại tiểu lục địa Ấn độ, vùng Caribic cũng như tại các vùng dân di cư Canada, Úc và Newseeland mối quan hệ nhân quả giữa chế độ cai trị Anh quốc và nền dân chủ dù cách gì cũng không thể phản bác được.


(XEM TIẾP PHẦN II)

No comments: