Friday, May 29, 2009

CHUYỆN KỂ MIỀN NAM SAU 30-4-1975 (3)

Hồi Ức: Chuyện kể … Miền Nam sau 30.4.1975 (3)

21.10.2007 Đề mục: Tác Giả

Mai Tiến Tiệm.

http://mangykien.net/blog/?p=2912

Những chặng đường thương khó

Chuyển vào Khám Chí Hòa.-

Sau gần ba tháng bị giam tại khu nhà trong khuôn viên Rạp Ðại Lợi, tôi cùng 25 người khác bất thần được gọi tên bảo sắp xếp đồ đạc, được dẫn xuống sân sắp hàng đôi quay mặt về hướng có chiếc xe bịt bùng đậu sẵn đã mở cửa hậu. Cạnh đó, lăng xăng một vài tên đeo súng mặc sắc phục vàng Công An, vài tên mang sắc phục bộ đội. Hai người mang sắc phục Công An lẻng xẻng còng số 8 cầm tay, từ từ tiến lại khóa tay từng hai người bọn chúng tôi vào một cặp rồi lùa chúng tôi lên xe. Lần này tôi chưa được nếm mùi khóa tay bằng còng số 8, không biết có phải vì thiếu còng hay không hay vì lý do nào không rõ .

Cánh cổng sắt chậm chạp được mở ra . Xe bịt bùng cũng từ từ lăn bánh. Chúng tôi ghé mắt nhìn qua khe hở thấy xe quay hướng ra phía Lăng Cha Cả , quẹo trái …

Không khí oi ả của một buổi ban trưa mùa hè ngột ngạt càng làm tăng thêm nỗi xao xuyến hồi hộp về tương lai vô định của những con người đang bị Công An võ trang im lặng đem đi .

Qua khe hở tấm vải bạt bên hông xe, tôi chỉ nhìn thấy thấp thoáng bóng chân người và xe cộ qua lại loang loáng dưới ánh nắng vàng . Xe lại quẹo trái một lúc khá lâu rồi lại quẹo phải… giảm dần dần tốc độ… Cuối cùng ngưng lại. Tiếng kẹt chậm chạp mở cánh cổng ..- Xe rồ máy tiến từ từ…rồi ngưng hẳn. Nghe có tiếng người nói lao xao. Một tên Công An võ trang mở của bửng sau xe, nói cụt ngủn :

- Xuống ! Sắp hàng hai ! Chờ !

Chúng tôi lần lượt chuyển túi đồ đạc cá nhân rồi xuống xe sắp hàng hai ngồi chờ. Ngửa mặt nhìn lên thấy mình đang ở trong khuôn viên khám Chí Hòa ! Lúc ấy cánh cổng sắt khổng lồ cũng vội vàng khép kín tạo thành một không gian riêng biệt huyền bí u tịch khác hẳn với thế giới bên ngoài, mà mới ít phút trước đây tôi hãy còn những giây phút lưu luyến và hy vọng.

Nhìn về phía trước mặt, một căn phòng có ve như phòng “tiếp khách”, bóng dáng đôi ba người mặc sắc phục vàng Công An (CA) đang ngồi trao đổi gì đó bên cạnh chiếc bàn . Chúng tôi được cho biết sẽ lần lượt tiến vào nơi đó để kiểm tra đồ đạc . Một tên CA đến lần lượt mở khóa còng số 8 cho mọi người. Một vài anh bạn tù giơ cổ tay ửng đỏ xuýt xoa . Tôi cũng đến lượt mang túi đồ đạc vào . Tại đây cạnh chiếc bàn có đặt sẵn một cái “cần xé” lớn, trong đó thấy có vô số những vật dụng bị tịch thu của những người bạn tù vừa vào trước tôi vứt lộn xộn vào đó. Nào là đồng hồ đeo tay đủ loại, muỗng nhôm, giấy bút, sách vở, thuốc hút, thuốc trị bệnh , diêm quẹt, quẹt lửa, dao con , đồ cạo mặt v.v…Tôi cũng không tránh khỏi luật lệ đó. Sau khi bị kiểm tra và tịch thu đồ đạc, tôi chỉ được mang theo quần áo, giầy dép , khăn mặt, kem răng, xà bông. Tiền bạc tôi cũng phải để lại nhưng tôi không tiếc bằng mấy thứ thuốc trị bệnh của tôi và cuốn vở tập, xấp giấy viết thư, phong bì, bút bi cũng như thuốc hút đã bị buộc bỏ lại trong cần xé! Tôi thầm nghĩ tới viễn ảnh đau buồn sẽ còn tiếp tục không được liên lạc với gia đình , dù chỉ bằng cách viết thư thăm hỏi cũng không được nữa!

Sau khi bị kiểm tra và tịch thu đồ đạc xong , chúng tôi mỗi người được phát một cái chiếu nhỏ bằng nylon , một cái bát để đựng cơm bằng plastic, và một cái thìa cũng bằng plastic, rồi xếp hàng hai đi theo tên CA cai ngục . Tên này dẫn chúng tôi qua dẫy hành lang thẳng tắp , đến một khúc quẹo ngăn cách bằng cửa song sắt lớn như cổ tay đóng chặt. Tên cai tù đứng lại lọc cọc mở khóa rồi đẩy cánh cửa sắt nặng nề mở ra rít lên tiếng kẹt ghê rợn. Một cảm gíac hãi hùng của chốn lao tù bắt đầu chiếm ngự trong lòng tôi. Bất giác tôi có cảm tưởng mình như con thú bị nhốt trong chuồng của thảo cầm viên mà người ta có thể để sống hoặc kết liễu cuộc đời bất cứ lúc nào ! Qua cửa song sắt thứ nhất, bước lên nhiều bậc cầu thang theo vòng trôn ốc, tới một cữa song sắt thứ hai cũng giống hệt hình thù cửa thứ nhất, đi thêm ít bước nữa tới tầng cữa song sắt thứ ba. Cũng lại tái diễn cảnh lọc cọc mở cữa phát ra những âm thanh chát chúa ghê rợn làm nhức óc đinh tai! Qua cửa này bước lên thềm hành lang lầu 1. Ðó là khu AB xà lim biệt giam nhốt chúng tôi, có một dẫy phòng kế tiếp nhau nối dài qua một hành lang hẹp dẫn tới khu nhà trống có vòi nước để làm vệ sinh , rửa ráy mỗi ngày. Ðưa mắt nhìn chung quanh, tôi hình dung ra được cách cấu trúc qủy quái của Khám Chí Hòa, mà theo truyền thuyết thì người Nhật đã vẽ kiểu khám đường này từ hồi Quân Nhật chiếm đóng Ðông Dương nhưng chưa kịp xây thì Nhật phải đầu hàng Ðồng Minh, đến sau này Pháp xây theo bản vẽ đó. Ðây là một khu kiến trúc phức tạp , hoàn toàn đúc bằng Béton theo hình đa giác, có nhiều tầng. Khi vào tới bên trong thì những bức tường mà người đứng bên ngoài vẫn thường nhìn thấy trở thành bức tường hậu của mỗi phòng! Còn cửa vào các phòng quay ra hành lang phía bên trong ! Ở trung tâm điểm của khu nhà đa giác là nơi dành cho các cai tù. Ðứng ở hành lang chỉ thấy gió thoảng qua và có ánh sáng tự nhiên nhìn rõ sự vật nhưng không nhìn thấy nền trời. Lẽ dĩ nhiên cũng không hề thấy bóng chim bay ! không hề thấy bóng ngọn cây ngọn cỏ ! Chỉ trông thấy một mầu vàng khè của những kiến trúc béton.

Tôi bị nhốt chung với hai anh nữa trong một phòng cỡ 2,50m x 3,50m, có cầu tiêu trong phòng là một cái hố thông trực tiếp xuống dưới, nắp đậy là một mảnh gỗ bọc bao tải cũ kỹ . Mỗi khi phải mở nắp đậy cầu tiêu để xử dụng là một phen cả phòng phải nín thở do mùi xú uế lưu cữu lâu ngày xông lên ! Tường phiá sau ( tức là bức tường mà người đứng ở ngoài nhìn thấy) được hình thành bằng những tảng béton dẹp đúc ghép quay mặt và xen kẽ nhau có kẽ hở để gío lùa vào nhưng không nhìn thấy sự vật gì bên ngoài. Chính giữa trần nhà treo một bóng điện lờ mờ suốt ngày đêm không đủ rọi sáng những bức tường béton quét toàn mầu vàng đậm. Cả phòng chỉ có một lỗ trống bé tẹo gần sát trần nhà có chấn song sắt lớn để có ánh sánh lọt vào một cách yếu ớt. Phiá trên cánh cữa phòng ngang tầm mắt, có một lỗ nhỏ che kín bằng miếng gỗ mỏng làm cửa xê dịch để cai tù có thể bất ưng đến mở ra dòm ngó kiểm soát bên trong bất cứ lúc nào.

Mỗi ngày xà lim chúng tôi được cai tù đến mở cửa ba lần : một lần buổi sáng trong 5 phút để ra khu vòi nước làm vệ sinh cá nhân , đồng thời mang “xô” ra lấy nước về dự trữ để xử dụng trong ngày, và hai lần mở cửa để lấy cơm . Dù nhanh nhẹn đến mấy chúng tôi cũng chỉ đủ thì giờ xách xô nước về được một lần . Vì thế chúng tôi phải thỏa thuận với nhau về quy tắc xử dụng nước. Sau mỗi bữa ăn, mỗi người chỉ được xử dụng một ca nước để đánh răng súc miệng, hoặc vò khăn mặt lau tay. Mỗi khi đi đại tiểu tiện chỉ được xối một ca nước xuống chung quanh miệng hố xí rồi đậy nắp lại. Việc “tắm” rửa phải hạn chế đến mức tối thiểu, mỗi ngày chỉ có một người được “tắm” với mức 3 ca nước. Cho nên phải nghĩ ra cách tiết kiệm nước bằng cách dè sẻn không để phí phạm. Một ca nước đầu tiên phải rưới rất chậm từng ít một từ trên đỉnh đầu sao cho những giọt nước từ từ chảy xuống khắp mặt, lưng, bụng , tay chân… đồng thời lấy khăn hứng lấy những giọt nước đang chảy xoa vào người cho ướt đều. Chờ một lát thấy sức nóng trở lại trong người mới tiếp tục xử dụng tới ca nuớc thứ hai, cũng phải thận trọng xối từ từ nhất là nếu có xoa xà bông. Ðây là ca nước « tấn công« hiệu qủa nhất, vì thế phải rưới không để phí một giọt nào. Phải rưới từng ít một lên đầu để nước chảy đều đặn chậm chậm sao cho giây phút mát rượi thần tiên ấy được kéo dài càng lâu càng tốt. Rồi tới ca nước thứ ba cũng là ca chót, phải cố duy trì thế nào để cho sự mát mẻ thoải mái được lâu hơn!

Những ai đã bị vào khám Chí Hòa đều nghe kể chuyện về “con ma vú dài”, nhưng tôi chỉ nghe cho qua, chẳng để ý tới. Tôi chỉ bị ám ảnh hàng ngày bởi không khí tử thần hằng diễn ra những cảnh tượng mà đời thường tôi chưa từng gặp phải. Ðã vậy, người tù còn nơm nớp run sợ hồi hộp mỗi khi đêm khuya nghe tiếng lục cục lẻng xẻng mở khóa cửa sắt vang lên từ tầng dưới, tiếp theo có tiếng kẹt rít nặng nề ghê rợn khi mở cửa sắt gần kề, rồi có tiếng chân người tới gần ! Chỉ khi nào nghe ngóng thấy tiếng chân người im lặng đi qua khỏi thì mới hoàn hồn , an tâm nằm ngủ. Vì có những người bạn tù đã cho biết việc gọi đi hỏi cung tra tấn thường xảy ra trong đêm khuya, thậm chí khi cần thủ tiêu ai cũng chỉ thường được thực hiện trong những giờ giấc đó để tránh con mắt dòm ngó của nhiều người.

Từ hôm chúng tôi bị đưa vào đây, chẳng mấy hôm tôi được an hưởng giấc ngủ ngon. Ðêm khuya thường giật mình bởi những tiếng lanh lảnh vang lên từ một khu nào đó vọng lại:
- Báo cáo cán bộ, khu X có người bệnh nặng !

Tiếng kêu cứu vẫn tiếp tục vang lên trong đêm khuya, trước còn dõng dạc, sau rời rạc rồi yếu dần … đánh động tâm thức người tù, trong khi nơi khác lại dồn dập vang lên :
- Báo cáo cán bộ, khu Y có người chết !

Những tiếng kêu cứu tuyệt vọng như thế là tình trạng thường xảy ra mỗi đêm, làm tăng thêm bầu khí ảm đạm thê lương ghê rợn của thần chết thường trực đe dọa.

Một hôm, sau dịp Tết Trung Thu 1975, gió chuyển mùa mưa bão vù vù thổi qua kẽ hở bức tường phía sau, bệnh suyễn tôi bỗng tái phát. Lồng ngực căng lên, thở phì phò hổn hển…làm hai bạn tù tôi tỉnh dậy. Một anh trẻ nhanh nhảu đứng lên chạy đến ghé mồm vào lỗ hở kêu lớn:
- Báo cáo cán bộ, khu AB có người phát bệnh suyễn nặng !
- Báo cáo cán bộ……………………………………………

Anh gào lớn liên tiếp nhiều lần làm vang động cả một tầng lầu . Kêu mãi mỏi mồm cũng chẳng có ai đến , mặc dù phòng ở của bọn cai tù đối diện với phòng chúng tôi qua cái hành lang hẹp ,chỉ cách phòng chúng tôi khoảng mươi mét.

Chờ mãi vẫn không thấy ai đến, anh bạn tù kia sốt ruột, ngồi chồm dậy,tung chăn đứng lên chạy lại thay thế anh bạn trẻ, gào thét hết ga :
- Báo cáo cán bộ, khu AB có người nghẹt thở !
- Báo cáo cán bộ, khu AB có người sắp chết !

Anh lập đi lập lại nhiều lần vang dội cả khu vực xà lim và từng lầu, vẫn không có cán bộ cai tù nào đến! Tôi thầm nghĩ: Có lẽ người ta không cần để ý tới sinh mạng của ai cả !

Thấy tôi vẫn còn bị ngột ngạt khó thở, cả hai anh bạn tù thương tình xúm lại vuốt ngực cho tôi và vực đỡ tôi ngồi dậy, ôm tôi xích vào trong ngồi dựa lưng vào tường cho đỡ mệt. Tôi ngồi ở tư thế này một lúc lâu thì cơn suyễn dịu dần. , ngủ thiếp đi.

Ðến gần sáng, chợt nghe tiếng mở cửa sắt ở phiá cầu thang, rồi có tiếng dép lẹp xẹp đi tới gần cửa phòng . Có tiếng động ở lỗ cửa . Tôi nhìn lên thấy bóng cai tù ghé mắt vào kiểm soát bên trong như thường lệ. Lợi dụng cơ hội may mắn đó tôi đề nghị anh bạn trẻ báo cáo xin thuốc hạ cơn suyễn cho tôi , vì tôi còn đang mệt.

- Báo cáo cán bộ, anh này (chỉ vào tôi) bị lên cơn suyễn, xin cho thuốc chữa trị.
- Sáng mai xin khai bệnh! Cai tù nói cụt ngủn câu ấy rồi bình thản khép kín lỗ cửa bỏ đi.

Từ đó tới sáng tôi thao thức không sao ngủ được, phần vì còn mệt và còn khó thở, phần vì tủi hận do cung cách cư xử tồi tệ đơn bạc của cai tù. Tôi bỗng tưởng nhớ tới gia đình , thuơng cảm vợ con tôi không rõ giờ đây có biết tôi bị giam ở đây không ? Tôi bị đưa vào đây đã cả tháng rồi không được liên lạc với thế giới bên ngoài. Thì giờ sao nó đi chậm chạp thế? Mong mãi vẫn chưa sáng. Tôi lại nhắm mắt cố tìm giấc ngủ chờ sáng.

Phiá bên kia hành lang dọc theo dẫy xà lim chúng tôi là bức tường ngăn cách khu vực trung tâm hình đa giác. Nơi đó dành riêng cho những cai tù. , cứ mỗi đêm chúng tôi thường nghe tiếng ê a đọc tiểu thuyết “nghìn lẻ một đêm” và những tiếng nói qua lại của đám cai tù. Họ ở ngay gần chúng tôi , thế mà khi chúng tôi lâm nguy kêu cứu họ vẫn làm thinh ! Ôi tình người ở cái xã hội gọi là “cách mạng” nó đơn bạc như thế sao ?

Sau khi được mở cửa buổi sáng để chúng tôi ra khu vòi nuớc làm vệ sinh cá nhân , tôi xin cai tù cho đi khám bệnh vì đêm qua tôi bị suyễn tái phát.

Khoảng 8 giờ sáng, cai tù trở lại, mở cửa gọi tên tôi và dẫn tôi đến “trạm xá” chờ khám bệnh. Tôi ngồi chờ. Ðến lượt , tên cai ngục ra hiệu cho tôi vào trong để đưọc Y sĩ khám bệnh. Ðó là một phụ nữ đứng tuổi, da ngăm ngăm đen, sơ mi màu cháo lòng, mặc váy màu nâu sậm đen, đang ngồi xổm trên ghế, không thấy đeo ống nghe để chẩn bệnh như tôi thường thấy nơi các y bác sĩ ngoài đờì . Nhìn tôi, vị nữ y sĩ lên tiếng ra vẻ trịnh trọng:

- Sao ? Anh bệnh gì ?
- Thưa y sĩ, hồi đêm tôi bị suyễn tái phát. Tôi trả lời.
- Anh có thuốc ký gửi không? Y sĩ hỏi.
- Hôm tôi bị đưa vào đây, tất cả thuốc trị bệnh của tôi đều bị giữ lại cả. Xin cho tôi nhận lại thuốc trị suyễn của tôi đã bị tịch thu. Tôi nói.
- Thuốc của anh tên hiệu gì ? Y sĩ hỏi.
- Tôi có hai thứ để trị suyễn. Một là thứ ống thuốc xịt có chất corticoide và thuốc viên thuộc loại Théophylline.

Người y sĩ cúi xuống vừa lẩm bẩm « cóocticôít » « Têôphilin » vừa lục lọi trong cái túi xách đang để trên bàn., rồi cầm một hộp thuốc giơ lên hỏi tôi :
- Có phải thứ này không ?
- Ống thuốc xịt đựng trong bao giấy, sản xuất ở Mỹ. Tôi trả lời.

Y sĩ lại giơ lên hộp thuốc kế tiếp và hỏi :
- Thứ này hả ?
- Cũng không phải. Tôi trả lời.
- Vậy anh lại coi xem thứ nào của anh. Người y sĩ giơ tay vời tôi lại gần.

Tôi đến lục lọi những bao lọ thuốc đựng hổ lốn trong túi đựng đang để trên bàn, tìm thấy hai thứ thuốc trị suyễn của tôi, đưa cho người y sĩ :
- Hai thứ này là của tôi. Tôi nói.
- Vậy anh cầm lấy mang về phòng mà dùng. Y sĩ trả lời.

Thế là từ hôm ấy tôi đã có thuốc trị suyễn, không phải kêu cứu mỗi khi bệnh suyễn tái phát. Trong xà lim chúng tôi có ba người thì cả ba đều nghiện thuốc lá. Nhưng riêng tôi vì mang chứng bệnh suyễn nên phải kiêng cữ. Chỉ hút rất ít cầm chừng. Nhưng hai anh bạn kia thì khác. Hai anh không phải kiêng cữ gì cả, muốn hút bao nhiêu cũng được. Phiền một nỗi là tất cả thuốc lá, thuốc rê, giấy cuộn thuốc , diêm quẹt đều bị tịch thu hết hôm vào đây. Mỗi lần thấy hai anh hít-hà xít-xa lộ vẻ thèm khói thuốc khi ngửi thấy mùi thuốc hút của CA phảng phất trong không khí, tôi rất mủi lòng thương hại. Bỗng một dịp may mang lại . Sáng hôm ấy cai tù đến chọn hai anh đi làm lao động . Hai anh mừng qúa , mặt tươi như rói hớn hở theo cai tù đi với hy vọng có dịp để gặp người thân! Khi hết lao đông trở về tôi thấy hai anh vui vẻ khác thường. Hỏi ra thì được biết hai anh chỉ đi khiêng đồ đạc trong khuôn viên trại, không đuợc bước chân ra khỏi cổng nhưng may mắn đã lượm được lưng túi mẩu thuốc lá do CA vứt bừa bãi ở lối đi. Hai anh chia cho tôi một mớ. Thế là chúng tôi hì hục gỡ các mẩu thuốc ra gom lại và lấy giấy báo cũ còn sót trong bọc gói đồ, dùng làm giấy cuộn thuốc hút. Nhưng niềm vui chưa trọn vì chưa có lửa để mồi điếu thuốc. Anh bạn tù gìa nhiều kinh nghiệm bèn đi tìm gỡ lấy những sợi bao bố ở cái chiếu rách , bện vào như sợi lòi tói nhỏ, chờ khi cai tù mở cữa cho ra lấy cơm trưa thì xin lữa hút thuốc rồi châm vào sợi bao bố ấy cho ngún lửa để dành mồi điếu thuốc cho những lần kế tiếp. Bữa cơm trưa hôm đó, hai anh lại còn được bồi dưỡng thêm phần ăn bằng một miếng cơm cháy đen vì đã đi làm lao động. Tôi cũng được hai anh bẻ bớt cho một miếng nhỏ để cùng chung vui ! Chao ôi! Sao miếng cơm cháy đen hôm ấy nó ngon làm sao! Khi tôi ở nhà thì miếng cơm cháy đen đó có bao giờ ăn, thế mà miếng cơm cháy đen của nhà tù cách mạng sao nó ngon thế hả ? Ăn cơm xong chúng tôi lại còn được phì phò khói thuốc do công lao hai anh bạn tù mới đi nhặt mẩu thuốc về chế biến ! Hạnh phúc qúa! Sung sướng qúa cho bữa cơm trưa hôm ấy !

Thông thường ở đây mỗi bữa ăn chúng tôi được phát một số lượng cơm khoảng một chén lùm lùm, một vài con cá mắm nhỏ nát vụn còn lại bằng chừng bốn phân chiều dài , nhưng ít có ai dám ăn hết vì nó mặn chát như chưa từng thấy! Ðặc biệt bữa nào cũng có một bát canh “Ðại Dương”. Tên văn vẻ lạ tai của loại canh này do anh bạn tù tôi thuật lại và giải nghĩa rằng vì nước canh lờ lờ như nước biển và luôn luôn có vài cọng rau muống nổi lềnh bềnh , đôi khi cọng muống còn bám rễ tua tủa!

Một buổi sáng kia, tôi và một anh bạn tù cùng phòng được gọi tên và rồi đuợc dẫn xuống tầng trệt, bước ra sân. Tại đây chúng tôi ngơ ngác nhìn trời nhìn đất thỏai mái khác hẳn không khí trong xà lim tối tăm tù túng, nhưng nhìn chung quanh cũng chỉ thấy những bức tường cao bao bọc, có những hàng giây điện giăng bên trên hiện rõ lên nền trời xanh nhạt lởn vởn vài đám mây lơ lửng bay về phương trời vô định.

Bất giác có tiếng động nhẹ chen lẫn tiếng người nói lao xao, tôi ngoảnh mặt lại thấy một anh phó nhòm đang hì hục sắp đặt máy chụp hình. Một tên CA cầm trên tay tấm biển số ra hiệu cho tôi ngồi xuống chiếc ghế đẩu trước ống kính máy chụp và gắn tấm bảng số ấy trước ngực tôi. Anh phó chụp ngắm nghiá mấy phút rồi lên giọng:

- Ngồi yên! Chú ý !

Trong phút chốc, ánh sáng lóe lên từ máy chụp. Thế là xong công việc .
Ðến lượt những anh tù khác cũng được lần lượt đeo bảng số và ngồi vào ghế chụp hình như tôi.
Sau đó chúng tôi lại theo cai tù trở về xà lim. Chờ cho cai tù đóng cửa và đi khỏi, chúng tôi lầm rầm bàn tán, người nói thế nọ kẻ nói thế kia.

- Như thế này là chúng mình bị tù hẳn rồi ! Anh H nói
- Học tập cải tạo sao lại phải đeo số ? Một anh khác thắc mắc .
- Phải đeo số là tù rồi chứ gì nữa ! Anh H khẳng định.

Tôi nói chen vào :
- Tù hay cải tạo cũng phải có án Tòa chứ ! Mình đã có ai ra Tòa đâu ?
- Ừ nhỉ …, một anh khác có vể như tán đồng.
! ! ! !

Hôm sau , tôi và anh H lại nghe gọi tên ra đi theo tên cai tù tới một phòng trống, tại đó đã ngồi sẵn hai tên CA Chấp Pháp với những dụng cụ và những xấp hồ sơ để trên bàn . Chúng lăn tay lần lượt hai người chúng tôi rồi bảo cai tù dẫn chúng tôi về phòng lúc ấy hai bàn tay chúng tôi còn dính đen sì mực in mà mấy ngày sau tôi mới chùi rửa đi hết. Trong khi đó CA Chấp Pháp tiếp tục lăn tay cho những tù nhân khác đang sắp hàng chờ đợi.

Không khí ảm đạm ghê rợn của khu xà lim khám Chí hòa như kéo dài thời gian triền miên chậm chạp từ đêm này qua ngày khác. Tôi luôn ước mong thì giờ chóng qua để sớm thoát khỏi chốn địa ngục này. Càng mong thì càng cảm thấy ngày dài hơn. Ðến lúc này tôi mới cảm thấy ý nghĩa câu nói của tiền nhân:”nhất nhật tại tù , thiên thu tại ngoại”!

Rồi việc phải đến cũng đến. Trong một buổi tối, thông thường vào giờ này chúng tôi vẫn nghe tiếng ê a đọc chuyện “nghìn lẻ một đêm” vọng ra từ phòng cai tù, nhưng hôm nay lại nghe loáng thoáng những lời bàn bạc trao đổi giữa bọn cai tù về việc di chuyển tù nhân. Dù không nghe được đầy đủ và rõ ràng nhưng phối hợp với việc mới chụp hình lăn tay kết thúc hồ sơ, tôi tin chắc việc di chuyển tù nhân sắp sửa xảy tới. Chúng tôi bảo nhau âm thầm chuẩn bị đồ đạc để tránh khỏi vội vàng bất ngờ. Quả nhiên chỉ vài ngày sau cai tù đến bảo anh H và tôi thu xếp đồ đạc . Rồi một CA Chấp pháp đến lên mặt ba hoa chích chòe : ”Ðảng sẽ cho các anh đến một nơi khác có điều kiện để cải tạo tốt hơn”. Cùng thời gian đó , những tiếng lào xào lao xao cũng ồn lên ở mấy khu lân cận . Riêng phòng xà lim chúng tôi chỉ có anh H và tôi sắp xếp đồ đạc chuẩn bị di chuyển. Còn một anh bạn tù trẻ ở lại, tôi thầm nghĩ chưa biết tới ngày nào anh mới được ra, vì anh can tội “đập xé hình ông Hồ”theo như anh kể cho chúng tôi nghe. Tôi chợt ái ngại cho anh. Không biết rồi đây anh có được về sống an bình ở nhà với vợ con hay không ?

Chuyển đến Trung Tâm cải huấn Thủ Ðức.-

Chúng tôi vác túi đồ đạc theo cai ngục xuống cầu thang vòng vèo qua mấy tầng cửa song sắt khổng lồ, qua dẫy hành lang ra sân gần cổng vào, đứng sắp hàng kế tiếp sau những bạn tù khác đă đứng đấy từ bao giờ. Lảng vảng quanh đó mấy CA Chấp Pháp mặc sắc phục. Rồi họ tới , gọi tên điểm danh từng người tù. Gọi đến tên ai, tức thì một CA khác tiến lại khóa tay vào còng số 8 xích tay hai người vào chung một cặp rồi đẩy lên xe bít bùng đang đậu sẵn nối dài gần đó. Mối ưu tư hiện rõ lên nét mặt mọi người. Không ai biết mình sẽ bị chở đi đâu. Dù vậy, bọn tù chúng tôi cũng cảm thấy nhẹ nhõm vì sắp được thoát khỏi chốn địa ngục hắc ám này.

Ðoàn xe từ từ lăn bánh. Chí Hòa ơi, vĩnh biệt mi ! Tôi thầm nghĩ: từ nay tôi sẽ chẳng phải nghe những tiếng kêu gào thảm thiết vang lên trong đêm khuya từ khu này đến khu khác vọng lại. Hết phải nơm nớp rùng mình kinh hãi mỗi khi nghe tiếng kẹt mở cửa sắt rít kêu vang động chen lẫn tiếng lẻng xẻng chùm chìa khóa của cai tù mỗi lúc một gần ! Hết bị không khí tử thần ám ảnh hàng đêm . Từ nay huyền thoại về con ma vú dài cũng sẽ mờ dần trong tâm trí tôi.

Trong xe có tiếng ai đó xì xào bâng quơ :
- Ðến đâu rồi?
- Ðang trên đưòng Lê văn Duyệt.

Rồi những thông tin kiểu đó vẫn liên tiếp phát ra. Tôi lắng tai theo dõi.
- Quẹo về Phan thanh Giản.
- Qua cầu Phan thanh Giản…
- Qua Ngã tư Hàng Xanh…
- Qua cầu Sàigòn…
- Ngang làng Ðại Học Thủ Ðức…
- Ngã Tư Thủ Ðức…quẹo trái…

Xe từ từ giảm tốc độ…rồi ngưng lại. Có tiếng ai trao đổi rì rào. Tiếng mở cổng kẽo kẹt chậm chạp . Lại nghe tiếng xe di chuyển từ từ… rồi ngừng lại. Nghe tiếng thắng tay…

Cửa bửng phía sau xe đuợc mở toang. Một tiếng gióng lên cụt ngủn :
- Xuống !

Chúng tôi lần lượt từng cặp xuống xe đứng sắp hàng đợi. CA đến mở còng số 8 , điểm danh từng người rồi cùng với cai tù dẫn chúng tôi theo lối đi hẹp sát bức tường đến một ngôi nhà hai tầng cũ kỹ lợp tôn gần tiếp giáp với phiá sau cùng thửa đất ngăn cách bởi bức tường xây bao quanh có rào kẽm gai phía trên . Căn nhà này không có dáng dấp gì là một công ốc của nhà nước , càng không phải là hình thù một trại giam. Có lẽ nó là một ngôi nhà của tư nhân bị tịch thu sau ngày 30.4 chăng ? Ngôi nhà này được gọi là khu C thuộc Trung tâm cải huấn Thủ Ðức nằm sát bức tường rào của khu A và B mà người ta có thể nhìn thấy nhũng mái nhà ngói đỏ xậm nhô lên khỏi tường rào kẽm gai chằng chịt.

Tôi thuộc nhóm người được phân chia lên ở tầng nhà trên. Chúng tôi vác đồ đạc bước theo cầu thang lộ thiên để vào nhà qua một cưả duy nhất khoảng 0,80m chiều rộng mà cai tù đã mở sẵn từ hồi nào. Vì là nhà lợp tôn , tường xây gạch thường , nên từ trưa tới chiều là nóng như thiêu. Nhà trống rỗng không có bất cứ một vật dụng gì, chỉ có duy nhất một vòi nước gắn vào cạnh tuờng chỗ sàn bả xi măng khoảng 1,50m x 2,00m làm chỗ tiêu nước thải. Ở chỗ góc tường có một phòng nhỏ không còn cánh cửa có dấu vết nơi gắn bàn cầu tiêu. Ðứng trong nhà ngước nhìn lên qua hàng song sắt phía trên áp mái nhà thấy lác đác bóng ngọn cây cau xanh rờn chen lẫn những cành lá xoài xum xuê của vườn ai im lìm bên cạnh. Tôi liên tưởng tới những cây xoài cát ở nhà tôi rủ bóng trên mái nhà thân thương của gia đình tôi ở Vũng Tàu mà vợ con tôi không biết giờ đây đang làm gì để sống trong chế độ mới ! Nào có ai trong gia đình tôi biết được tôi đã bị di chuyển đi giam nơi nọ nơi kia? Gia đình tôi chỉ được biết tôi bị chuyển từ Trụ sở Trinh Sát đường Bùi thị Xuân sang giam tại khuôn viên Rạp Hát Ðại Lợi , chứ đâu có biết tôi đã bị chuyển vào Khám Chí Hòa, rồi nay lại bị chuyển về đây ! Ðến nay đã gần nửa năm rồi tôi chưa được liên lạc với gia đình . Tôi đau nhói trong lòng vì niềm thương cảm trào dâng.

Sau khi dặn dò anh trưởng buồng sắp xếp chỗ ở cho chúng tôi, tên cai tù với vể mặt đằng đằng sát khí, lên giọng xỉ vả dằn mặt muôn thuở :

“Các anh quen sống bơ sữa của Mỹ-Thiệu tạo ra bằng xương máu của nhân dân. Nay Mỹ đã cút, Ngụy đã nhào, các anh như cá nằm trên thớt, ngọ ngoạy là chặt liền! Cách mạng đã khoan hồng cho các anh, cho các anh về đây để các anh có điều kiện cải tạo tốt mà về với gia đình. Vậy các anh phải tuyệt đối tuân theo kỷ luật và nội quy của Trại”.

Nói xong hắn vênh váo ra đi. Tên cai tù này nói tiếng lơ lớ tọ tẹ miền xứ Quảng , hơi lùn, hai mắt trắng dã lộ rõ trên mầu da nâu xám của khuôn mặt lưỡi cày, môi thâm xì . Ðúng là dáng điệu của kẻ tiểu nhân hung ác. Tôi tự nhủ thầm phải đặc biệt thận trọng với tên cai tù ác ôn này.

Tôi được xếp chỗ nằm gần mấy anh em gốc gác lính cũ. Ðó là các anh H Quân cảnh, anh D Truyền tin, anh B Không quân. Cả ba anh đều còn trẻ hơn tôi khoảng vài chục tuổi. Chúng tôi tỏ tình thận thiện mau chóng và các anh cũng tỏ vẻ nể nang qúy mến tôi. Tuy vậy tôi vẫn không dám thổ lộ tâm tình . Có lẽ tuổi đời đã dạy cho tôi phải luôn đề cao cảnh giác vì bất cứ ai cũng có thể trở thành chỉ điểm cho Công An của chế độ này.

Mỗi buổi sáng sau khi cai tù mở khóa buồng giam, các tù nhân khu C chúng tôi khoảng 120 người ùa ra sân đi dạo quanh quẩn tới chân tường ngăn cách, qua lại ngửa mặt thở hít không khí trong lành buổi sáng, tôi tưởng tượng như một bầy gà trong chuồng lúc nhúc chen nhau . Tuy tầm nhìn bị giới hạn bởi những bức tường trưóc mặt nhưng được nhìn thấy bóng dáng những ngọn cây xanh vươn lên in rõ lên nền trời trong vắt lác đác vài làn mây trắng dật dờ trôi bay. Mấy con chim sẻ ríu rít trên đầu hồi nhà , bay nhảy sang những cành cây bên vườn gần đó…đánh động lòng tôi mơ tưởng tới quyền sống tự do phóng khoáng của muôn loài mà Tạo hóa đã dành cho từ muôn thuở. Ước gì tôi được tự do di chuyển như đám mây vô tri kia, được tự do vui đùa bay nhảy như đàm chim sẻ này !

Một lần kia, trong lúc chúng tôi đang thủng thỉnh từng bước qua lại quanh quẩn trong sân như những buổi sáng thường nhật, anh M một sĩ quan Không quân, ngực phanh trần để lộ một giây đeo tượng Thánh giá trước ngực, đang chạy chậm chậm như kiểu việt dã lượn vòng quanh cây trứng cá ở mé sân. Bất chợt xuất hiện một tên cai tù. Hắn trừng mắt nhìn anh M và lớn tiếng sừng sộ:

- Anh kia! Ai cho anh tuyên truyền Tôn Giáo ở đây ?
Mọi người ngơ ngác ngạc nhiên. Cai tù trợn mắt chỉ tay vào anh M và ra lệnh:
- Anh này đứng lại. Tháo bỏ giây đeo ở cổ ra đưa đây!
Anh M xanh mặt riu ríu làm theo lệnh cai tù.
- Ðeo cái này là tuyên truyền Tôn Giáo nghe không! Cấm tiệt từ nay nếu còn tái phạm sẽ bị kỷ luật !

Sau khi tịch thu giây tượng Thánh giá của anh M, cai tù ra vẻ tự đắc vênh mặt ra đi .

Chứng kiến hành động thô bạo này, mọi người càng thấy rõ chủ trương chính sách tiêu diệt Tôn giáo của Cộng sản. Ngoài miệng thì thơn thớt nói Tự do Tôn Giáo nhưng thưc tế thì khác hẳn.

Một buổi sáng kia mong mãi cũng không thấy cai tù đến mở cửa như thông lệ, mọi người đang ngong ngóng mong chờ , bất chợt xuất hiện hai tên CA cầm những xấp giấy mẫu in và mấy bó bút bi đến mở cửa bước vào. Một tên lớn tiếng ra lệnh cho chúng tôi ai ở chỗ nào về ngồi chỗ ấy, rồi phát cho chúng tôi mỗi người một tờ giấy in mẫu khai ly lịch, đồng thời giải thích phải ghi đầy đủ chi tiết các tiết mục không được bỏ sót mục nào, đặc biệt phải ghi tuyệt đối trung thực và đầy đủ mọi hoạt động của từng người trong từng giai đoạn: Trước 1945, từ 1945 đến 1954, từ 1954 đến 30.4.75 và cho tới ngày bị bắt. CA nhắc đi nhắc lại những lời xí gạt quen thuộc:

Ðảng có ý để cho các anh tự khai báo xem các anh có thành thật hay không, chứ các anh đã làm gì Ðảng đã biết cả ! Có khai báo thành thật mới chứng tỏ cải tạo tiến bộ. Có cải tạo tốt mới được Ðảng khoan hồng cho sớm trở về với gia đình! Anh nào khai còn thiếu giấy có thể xin thêm.

Ðây mới chỉ là lần thứ hai bắt khai lý lịch. Sẽ còn rất nhiều lần nữa phải khai lý lịch trong thời gian tù cải tạo . So với lần trước thì lần này phải khai nhiều chi tiết hơn, kỹ lưỡng hơn, tỷ mỷ hơn và thêm mục tự kiểm thảo tư tưởng đối với “tội ác Mỹ-Ngụy” !

Khi CA đi rồi, ai nấy đều đăm chiêu đọc kỹ từng chữ của từng đề mục trong bản phải khai. Có những tiếng vọng lên đâu đó:

- Anh em ơi! phải nhớ kỹ những năm tháng, việc làm, tên họ, địa điểm… đã khai lần trước phải phù hợp với những lần khai sau này đấy ! Nếu không ăn khớp là mệt lắm đấy nhé! Phải cố học nằm lòng những chi tiết ấy đấy nhé!

- Tại sao vậy? có tiếng hỏi.

- Vì nếu có điểm nào khai không phù hợp với lần trước thì người ta sẽ nghi ngờ là mình đã khai man, là giấu tội…! Sẽ bị truy bức, bị tra tấn về những lời khai không ăn khớp nhau chứ còn gì nữa!

Mọi người im lặng cặm cụi viết lời khai. Khi nhà bếp khiêng cơm trưa lên vẫn còn nhiều anh vùi đầu cặm cụi viết, mặc dần bản khai lần này chỉ có hai tờ đôi 4 trang A4.

Ðến khoảng 2 giờ trưa, CA đến thu lại những tờ khai , đồng thời thông báo:”Mỗi nguời sẽ được biên thư hỏi thăm gia đình, và những anh nào giữ kỷ luật tốt sẽ được gặp mặt người thân và nhận qùa trong dịp thăm nuôi . Thư viết không được nói “linh tinh” và bì thư phải để ngỏ không được dán kín . Thư nào viết nói “linh tinh” sẽ không được chuyển đi và người nào viết thư ấy sẽ bị kỷ luật.”

Ðược lời như cởi tấm lòng. Bị bắt giam đã hơn nửa năm nay chưa được liên lạc với gia đình , không nhận được tiếp tế , ăn uống thiếu thốn .., nay sắp được gặp mặt người thân, lại còn được nhận qùa tiếp tế nữa thì ai mà không mừng! Chẳng khác nào sự vui mừng trong trường hợp bị kẻ cướp lấy hết của cải rồi trả lại cho mình chút ít của đã bị cướp ấy.

Sắp đến Tết Nguyên Ðán rồi! Cai tù bảo Trưởng Buồng lập danh sách những người muốn mua nhu yếu phẩm để Trại mua cho. Số tiền mua hết bao nhiêu sẽ trừ vào tiền còn ký gửi . Nói là nhu yếu phẩm có nghĩa là chỉ được mua những thứ thật cần dùng như: bàn chải răng, kem răng, thuốc lào, thuốc lá, bánh, kẹo, chao, đường thẻ…

Khi duợc nhận nhu yếu phẩm đã mua về, những anh xếp hàng đến trước cầm lấy gói đường thẻ đã vội vàng lấy cục đường nhai lấy nhai để trước mặt mọi người một cách rất ngon lành cho bõ sự thèm thuồng sau nhiều tháng thiếu thốn trong tù. Các anh còn lấy những cục đường thẻ qúy hóa mới mua chuyền tay tặng cho bạn bè “ thưởng thức” tại chỗ!

Thế là ngay từ buổi chiều hôm ấy trong nhà giam khu C chúng tôi đó đây nhộn nhịp tụm năm tụm ba xúm nhau ngồi hút thuốc nhai kẹo! Rải rác đã có tiếng lọc xọc hút thuốc lào của ai đó ở phía cuối phòng , lần đầu tiên phả ra những cụm khói lan tỏa trong không khí phòng giam . Ðó đây ồn ào góp chuyện râm ran như tại một cuộc vui họp bạn hồi nào!

Một anh bạn cạnh tôi góp ý : Bọn mình phải tiêu thụ sớm cái hũ chao và kem răng để có vật liệu chế tạo điếu hút thuốc lào chứ ? Tôi hơi ngạc nhiên về câu nói ấy :

- Chế tạo bằng cách nào? Lấy gì mà làm ? Tôi hỏi.
- Ở đầu buồng phía kia có anh đã chế tạo cái điếu để hút thuốc lào tuyệt lắm. Anh bạn ngẩng đầu ngước mặt ra hiệu .
- Họ làm như thế nào? Tôi hỏi.

Anh bạn cầm cái hũ chao mới mua đem để trước mặt rồi diễn tả cho tôi như một thày giáo:

- Họ lấy cái vỏ hũ đựng chao có nắp bằng plastic như cái hũ này, khoét ở giữa nắp một lỗ vừa lọt cái cổ “ tube” kem đánh răng. Lấy vỏ “tube” kem đánh răng cắt bỏ đi phần dưới, lấy một đoạn ống tre nhỏ (dài khoảng ¾ chiều cao hũ chao) lắp sao cho khít vào cổ “tube” kem đánh răng, gắn ngược phần này vào nắp hũ chao sẽ tạo ra chỗ chứa một bi thuốc. Sau đó lấy một khúc ống nylon nhỏ (dài chừng 30cm) để làm xe điếu bằng cách khoét một lỗ nhỏ về bên nắp hũ chao sao cho cắm vừa khít ống nylon. Chú ý: Trước khi xử dụng phải lấy chất dẻo gắn kín những phần tiếp giáp với lỗ khoét ở nắp hũ chao và rót nước lã vào khoảng 1/3 vỏ hũ chao. Thế là ta có cái điếu để hút thuốc lào !

Nghe anh bạn giảng giải xong, chúng tôi ngây người ra thán phục tài sáng chế thần sầu này!

Ðến tuần sau, nhóm chúng tôi và nhiều anh khác cũng sản xuất được điếu hút thuốc như anh bạn đã mô tả. Nhờ vậy mỗi buổi sáng sớm thức dậy và sau các bữa ăn chúng tôi được thưởng thức khói thuốc phả phê , không phải đi nhặt những mẩu thuốc lá người ta vứt ở hành lang để gỡ ra làm thuốc rê như hồi ở khám Chí Hòa ! Rồi chúng tôi được các tay nghiện thuốc lào giới thiệu loại thuốc ngon nhất mà họ thường ca tụng. Ðó là “Thuốc lào Cái Sắn”. Nhiều người đua nhau dặn người nhà tìm mua cho được loại thuốc ấy. Cho nên không ít những người hút thuốc “tập sự” như tôi đã say ngả nghiêng hoa mắt đổ đùng khốn khổ không ít vì thứ thuốc lào này ! Ðến nỗi về sau tôi không dám hút nó nữa!

Về thuốc hút thì phả phê, nhưng tập luyện cho cái bao tử quen với cái đói mới là khó! Từ ngày bị bắt tới nay đã 6, 7 tháng, người tù chúng tôi chưa bao giờ được có phần ăn sáng. Mỗi ngày chỉ được phát cơm ăn hai lần : Bữa trưa và bữa chiều. Mỗi bữa đuợc lùm lùm một chén cơm nấu bằng thứ gạo mốc hôi rình. Có lẽ đây là thứ gạo dự trữ trong kho lâu ngày bảo quản kém cho nên mới mất phẩm chất như thế ? Cũng với một bát canh “Ðại dương“ và vài con cá mắm nát bét mặn quăn lưỡi như ở khám Chí Hòa. Hôm nào sang lắm thì có canh nấu với bí đỏ pha khoai mì với phất phơ mấy hạt đậu. Có một thời kỳ chúng tôi được ăn bột mì luộc thay cơm. Nhà bếp hồi ấy có lẽ chưa biết cách làm bánh mì. Những bao bột mì viện trợ in chữ “Argentina” không biết ở đâu mang tới. Người ta lấy bột mì nhào với nước rồi nắm thành từng những miếng tròn dẹp như tấm bánh dầy rồi luộc cho các tù nhân ăn thay cơm. Mỗi bữa phát cho mỗi người 2 miếng to bằng lòng bàn tay. Có lần tôi được phát miếng bột mì luộc chưa chín hẳn, nhai còn bở bột nhưng bụng đói vẫn phải nuốt ! Bột mì luộc ăn với canh “Ðại Dương”, một loại thực đơn mới được phát minh tại nước Việt Nam Xã Hội Chủ Nghĩa, có lẽ trên thế gian này không đâu có ! Khoảng một tháng sau chúng tôi không còn phải ăn bột mì luộc nữa, mà được ăn bánh mì thay cơm. Nhà bếp đã học được cách làm bánh mì ! Hoan hô ! Mỗi bữa ăn được phát một ổ bánh mì dài khoảng 20cm . Ðúng ra với số lượng bánh này mà ăn với những món ăn nấu với thịt cá rau rợ đàng hoàng thì cũng đủ. Nhưng bọn tù chúng tôi chỉ ăn bánh mì húp với canh “Ðại Dương” và vài con cá mắm nát bét thì nuốt hết vào chỉ một lúc là bụng đã đói meo! Dù vậy đây cũng vẫn là thời gian huy hoàng nhất! Vài tháng sau hết bột mì, gạo chưa có. Chúng tôi được ăn bo bo thay cơm gạo. Ðây là một loại ngũ cốc nghe nói được Ấn Ðộ viện trợ, cần phải được chế biến thì bao tử con người mới tiêu hóa được. Nhưng người ta để nguyên xi nấu lên cho tù ăn . Cái ưu điểm của ăn bo bo nấu là no bụng, nhưng sau khi nuốt vào bao tử rồi còn nguyên hột , không tiêu hóa được. Cho nên hôm sau đi đại tiện ra hãy còn nguyên hột bo bo. Lẽ dĩ nhiên cũng không có tý chất bổ nào nuôi cơ thể ! Hết thời gian ăn bo bo lại đến thời kỳ ăn khoai lang luộc thay cơm! Mỗi bữa được phát hai ba củ khoai lang luộc với canh Ðại Dương muôn thuở và vài con cá mắm mặn nát bét. Thời kỳ ăn khoai lang luộc thay cơm là lúc cảm thấy chóng đói bụng hơn cả.

Dù chỉ được phát thực phẩm cho hai bữa ăn TRƯA / CHIỀU một cách thiếu thốn, mà buổi sáng không có gì điểm tâm , nên hằng ngày chúng tôi phải nhịn ăn trong 18 tiếng đồng hồ ( từ bữa chiều ngày hôm trước đến bữa trưa ngày hôm sau) khiến bụng đói cồn cào mà không tìm ra bất cứ thực phẩm nào để nhét vào bao tử . Chúng tôi buộc lòng phải tìm cách để dành thực phẩm cho bữa điểm tâm. Chúng tôi tự ý chia thực phẩm mỗi bữa ra làm ba phần. Bữa trưa ngày đầu tiên gắng chịu ăn ít ,chỉ ăn 2/3 số thực phẩm được cấp phát, dù đói mấy cũng ráng chịu. Còn lại 1/3 thực phẩm dành ra được để cho bữa chiều . Ðến bữa chiều, chúng tôi cũng chỉ ăn 2/3 thực phẩm được phân phát. Ðể dành 1/3 . Như vậy trong ngày đầu tiên chúng tôi đã dành ra đươc hai lần mỗi lần 1/3 = 2/3 số lượng lương thực một bữa. Ðến trưa ngày hôm sau chúng tôi cũng để dành ra 1/3 như ngày hôm trước. Thế là chỉ trong hai ngày chúng tôi đã để dành ra được đủ số thực phẩm của một bữa ăn mà trại thường phân phát cho. Số thực phẩm dành ra này chúng tôi ăn vào bữa điểm tâm sáng. Từ đó chúng tôi không phải ăn nhịn bớt mà vẫn có bữa điểm tâm.

Về đây chúng tôi được phát mỗi tháng một chén chè khoai mì nấu với đường cát trắng Cuba ! Ðây là món qúy hiếm, chúng tôi phải tự dè sẻn, mỗi lần chỉ húp một vài muỗng để kéo dài sự sung sướng đó sang ngày kế tiếp !

Thấm thoát đã gần một năm kể từ ngày bị bắt, lần đầu tiên chúng tôi được nhận đồ tiếp tế và gặp mặt gia đình đến thăm trong khoảng 30 phút trước mặt Công An . Gặp nhau mừng mừng tủi tủi xúc động không thể nào tả xiết. Sau đó khoảng ba tháng lại được gặp mặt gia đình và nhận đồ tiếp tế lần nữa. Ðến lần thứ ba thì gia đình tôi mang quà tiếp tế đến thì không được gặp mặt , vì trước đó vài ngày tôi và một số khoảng trên hai chục bạn tù ở khu C đã bị đem sang nhốt riêng ở “cát sô” để chờ ngày đem ra Bắc. Thực ra chúng tôi chỉ phỏng đoán như thế, chứ không bao giờ người ta thông báo trưóc cho chúng tôi. Trong anh em bạn tù nhiều người xầm xì lời đồn đại này sau khi bỗng dưng bị gọi riêng ra bảo chuẩn bị đồ đạc, rồi CA lầm lỳ dẫn sang nhốt vào nhà vòm quái gở này ! Trước đó ít ngày đã nghe nói có đợt tù bị đem ra Bắc. Mới đây lại bắt ra xếp hàng chích ngừa . Nay bỗng nhiên bị nhốt riêng ra không cho gặp thân nhân. Tổng hợp những sự kiện liên tục xảy ra, chúng tôi ai cũng tin chắc sẽ sắp phải di chuyển, nhưng chưa biết chắc là sẽ đi đâu . Tôi thầm nghĩ đã đến nước này thì lo cũng chẳng được. Chỉ nghĩ mà thương hại cho gia đình ngày mai ngày mốt là ngày được thăm nuôi theo quy định, vợ con tôi sẽ hăm hở lặn lội đến chờ chực rồi bị lạnh lùng từ chối, tiu nghỉu trở về mà chẳng biết thân nhân mình sẽ bị đem đi đâu !

Ðến hai ngày sau, đa số chúng tôi chỉ nhận được một vài thứ qùa gọn nhẹ của gia đình gửi vào, còn những thứ khác đều đã bị loại bỏ hết !

Cát-sô này tọa lạc tại phía bên kia bức tường ngăn, thuộc khối AB, mới đuợc đúc toàn bằng xi măng cốt sắt kể cả các bức vách và mái uốn cong không có nóc. Chỉ có một cửa ra vào duy nhất luôn đóng kín ở một đầu phía tiếp giáp với lối vào bên ngoài. Phía trên cao có một ít lỗ trống có song sắt để cho không khí thoát ra. Chiều ngang khoảng 4-5m đủ cho hai hàng người nằm kê đầu sát tường, chân duỗi thẳng còn cách nhau khoảng 50cm làm lối đi lại ở giữa. Chiều dài khoảng 20m mà phía trong cùng là nơi gắn hai vòi nước với hai hồ nhỏ chứa nước, bên cạnh là sàn tiêu nước với hai cầu tiêu.

Những ngày nắng, từ khoảng 9, 10 giờ trở đi là bắt đầu nóng . Rồi sức nóng mỗi lúc càng gia tăng đến nỗi những khoanh bánh mì cắt ra phơi trên tờ báo khô dòn, cắn ăn nghe kêu rau ráu như đã nướng trong lò vậy ! Ai nấy mồ hôi chảy ra nhễ nhãi liên tục. Nhìn cảnh một bầy thằng người mình trần trùng trục nhầy nhụa mồ hôi óng ánh, lổn ngổn nằm ngồi la liệt trên sàn xi măng như những con heo trần trụi trong lò quay, tôi có cảm giác như một lò nướng người !!

Ai bền bĩ chịu đựng với cái nóng kinh khủng này cũng chỉ được khoảng từ 30 phút tới một giờ rồi cũng phải đến xếp hàng nối tiếp nhau trước vòi nước. Xối nước, Tắm ! Tắm ! Cả ngày cho tới thâu đêm lúc nào cũng có người xối nước ào ào !

Khen thay đầu óc siêu việt của ai đó nghĩ ra cách “nướng người” tuyệt vời này ! Nướng người nhưng người không chết ngay !

T T. Kỳ Duyên
MAI TIẾN TI

No comments: