Thursday, May 28, 2009

TƯƠNG LAI CỦA TỰ DO (Phần III)

TƯƠNG LAI CỦA TỰ DO
Fareed Zakaria
Bums, X-cafe chuyển ngữ
http://www.x-cafevn.org/node/1664


Chương III: DÂN CHỦ KHÔNG CÓ TỰ DO

Không có một bức tranh nào minh họa sự kết thúc của Chủ nghĩa cộng sản Xô Viết tốt hơn là bức hình Boris Jelzin đứng trên chiếc xe tăng. Mạc Tư Khoa, 19.08.1991: Một nhóm ly khai của bộ chính trị đã ra lệnh thiết quân luật toàn quốc; một ủy ban tình trang khẩn cấp tự phong đã tiến hành giam lỏng tại gia tổng bí thư đảng cộng sản Liên Xô Michail Gorachow, đưa quân vào chiếm đóng thành phố và tuyên bố hủy bỏ các cải cách do Gorbachow khởi xướng. Chỉ một chút nữa là việc khôi phục chế độ độc tài thành công-nếu không có Jelzin người được đa số bầu làm tổng thống nước Cộng hòa Nga cách đấy không lâu đã đứng ra lên án hành động đảo chính, và kêu gọi sự kháng cự của nhân dân, kêu gọi quân đảo chính không tuân lệnh chỉ huy. Với lòng dũng cảm cũng như sự nhạy cảm về kịch tính ông ta đã tiến về phía những người lính đang bao vây tòa nhà quốc hội (còn gọi là Nhà Trắng ở Moscova) được bao bọc bởi đá hoa cương trắng, trèo lên một chiếc xe tăng, bắt tay thân mật những người lính trên xe đang trong tâm trạng bối rối và ứng biến một cuộc họp báo không chuẩn bị trước.
Phần còn lại là lịch sử. Song trong giờ phút vĩ đại của nền dân chủ Nga này đồng thời một tấn bị kịch lớn nhất của nó cũng đã được tuyên cáo. Trên chiếc chiến xa vị tổng thống đã thực hiện điều mà sau này trở thành thương hiệu cho tám năm cầm quyền của mình: ông ta đã ban hành những sắc lệnh tự mình đơn phương quyết định. Không ai phủ nhận việc Jelzin hồi tháng 8 1991 đã bảo vệ trật dân chủ mỏng manh chống lại những người cộng sản phản bội; điều này cũng đúng với năm 1993, khi ông ta giải tán quốc hội và đưa ra hiến pháp mới. Song sự lãnh đạo bằng các sắc lệnh đã trở thành thói quen. Khi đối diện với các khó khăn, Jelzin đã không hề huy động những người trung thành với mình chẳng hạn, mà cũng chẳng đưa ra các giải pháp chính trị. Ông ta tuyệt đối từ chối mọi thỏa hiệp. Thay vì như thế ông ta lại sử dụng quyền lực và uy tín của mình để lách qua mọi tiến trình dân chủ nghị viện và ban hành hết sắc lệnh này đến sắc lệnh khác-ngay cả đối với những trường hợp không hoàn toàn kín kẽ về mặt luật pháp.
Khi công chúng nổi loạn, ông ta liền thẳng tay bãi bỏ bộ máy hành chính địa phương ở hình thức của nó lúc bấy giờ. Thống đốc bang nào phản đối ông ta sa thải tức thì. Khi tòa hiến pháp Nga quyết định dỡ bỏ các quyền hạn đặc biệt giành cho Tổng thống, ông ta đã phớt lờ phán quyết đó và cắt các khoản trợ cấp của viên chánh án, làm cho ông này cuối cùng không chịu nổi phải xin từ nhiệm. Ngoài cơ quan của mình ra Jelzin hầu như ít quan tâm đến các cơ quan khác của nước Nga. Ông ta tranh thủ mọi cơ hội để làm suy yếu cơ quan lập pháp và tư pháp. Chiến dịch Chechnya tàn bạo được ông ta ngấm ngầm bày đặt trong khi không hề tôn trọng tất cả mọi thảo luận thông thường, các biện pháp kiểm soát và hòa giải. Và trong những tuần làm việc cuối cùng ông ta đã thu xếp một sự chuyển giao quyền lực mà như nhà sử học Richard Pipes, một người vốn rất hâm mộ Jelzin, đã gọi đó là một cuộc đảo chính. Sáu tháng trước khi có bầu cử tổng thống, Jelzin rút lui vào hậu trường, đưa thủ tướng Putin lên làm người đại diện. Như vậy cuộc bầu cử chỉ làm mỗi việc công nhận một sự đã rồi do Jelzin sắp đặt. Từ vị trí có ưu thế của một người đương nhiệm, Putin, trong không khí hào hùng của một thủ lĩnh quốc gia, người lãnh đạo thắng lợi cuộc chiến tranh ông ta đã đứng ra tranh cử với một nhúm chiến binh trung kiên không màu sắc của các đảng phái. Chẳng có gì để bàn cãi khi phần thắng thuộc về ông ta.
Tính khí thất thường, già nua, hết sinh lực và căn bệnh nghiện rượu đã làm cho hình ảnh Jelzin trong giai đoạn cuối của cuộc đời hoạt động chỉ còn là một hóa thạch sống đối với trong nước cũng như ngoài nước. Cho nên đúng ra Jenzin chỉ là một hình mẫu đầu tiên của một chủng loại các nhà chính trị mới, sinh sôi nảy nở nhanh chóng: hình mẫu của những kẻ chuyên quyền mang tính mị dân. Từ khi Chủ nghĩa cộng sản phá sản giống như ở nước Nga nhiều nơi cũng đã tiến hành bầu cử tự do, trong khi phong thái cai trị vẫn giữ nguyên tính cách đàn áp; hiện tượng này tôi gọi là một nền dân chủ không có tự do.

Sự phục hưng chế độ Nga hoàng

Nga và Trung quốc là hai quốc gia quan trọng nhất nằm ngoài hệ thống dân chủ-tự do. Công cuộc tìm kiếm một hệ thống kinh tế và xã hội thích hợp của họ mang tầm cỡ toàn cầu. Nếu như cả hai quốc gia đều trở nên dân chủ tự do theo khuôn mẫu phương Tây, lúc đó tất cả các siêu cường sẽ có một trật tự nhà nước pháp quyền, bền vững được sinh ra từ nhân dân. Điều này có lẽ chưa hẳn là sự đảm bảo cho một nền hòa bình vĩnh cửu và cũng chưa phải là sự kết thúc của tất cả những kình địch giữa các dân tộc, nhưng chắc chắn chúng ta sẽ có được một thế giới khác thân thiện hơn. Hiện nay cả hai người khổng lồ này dĩ nhiên vẫn đang còn tiến bước trên một con đường khác. Trung Quốc đã cho phép tiến hành cải tổ kinh tế và kém nhiệt tình hơn đối chút trong cải cách luật pháp và hành chính, còn đối với việc áp dụng dân chủ thì ngược lại hầu như chưa làm được gì.
Khác với Trung Quốc nước Nga đầu tiên đã tập trung vào việc cải tổ chính trị. Ngay từ thời Gorbachow đã có nhiều Glasnost (minh bạch về chính trị) hơn là Prestroika (cải cách kinh tế). Không bao lâu sau khi Chủ nghĩa Cộng sản từ ngôi các cuộc bầu cử tự do và bình đẳng đã được tiến hành, bởi người ta hy vọng điều này sẽ kéo theo những quan hệ dân chủ giống như ở phương Tây. Cũng để bắt chước chủ nghĩa tư bản phương Tây, trước hết nước Nga vào đầu những năm chín mươi đã khởi công việc hiện đại hóa nền kinh tế, tuy nhiên điều này hầu như đã thất bại hoàn toàn. Đơn giản hóa cho dễ hiểu ta có thế nói, Bắc Kinh cải tổ kinh tế trước chính trị, trong khi đó Moscou đi theo con đường ngược lại.
Ngày nay Liên bang Nga tự do hơn Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa. Nhân quyền và tự do báo chí được đảm bảo ở mức độ cao hơn; thị trường ít nhất trên lý thuyết cả về mặt cạnh tranh lẫn đầu tư nước ngoài đều cởi mở hơn. Ngược lại Trung Quốc vẫn còn là một xã hội khép kín dưới sự giám sát của Cộng sản, cho dù cũng đã theo đuổi nhiều chương trình cải cách về kinh tế và luật pháp khác nhau. Con đường nào đi tới dân chủ tự do cho thấy là hài hòa hơn cả? Nếu như tăng trưởng kinh tế và một tầng lớp trung lưu rộng khắp là chìa khóa để dẫn đến ổn định chính trị, thì Trung Quốc đang đi đúng hướng, bởi vì nền kinh tế của nó trong một phần tư thế kỷ vừa qua đã tăng trưởng nhanh chóng. Nếu xu thế này cứ tiếp tục và kết thúc ở nhà nước pháp quyền, lối sống tư bản và cuối cùng là tự do hóa chính trị (điều hoàn toàn chưa thể coi là đã được ước định trước), thì lúc đó có thể nói rằng nước Cộng hòa Nhân Dân đã hoàn tất một con đường sự nghiệp đẹp như tranh.
Nước Nga ngược lại từ năm 1991 đã phải chịu đựng sự suy giảm tổng thu nhập quốc dân lên tới 40%, mãi đến tận những năm gần đây nó mới bắt đầu hồi phục-và ngay cả điều này chủ yếu cũng chỉ nhờ vào việc giá dầu tăng cao. Nếu như bản thân Liên Bang Nga cứ tiếp tục thực hiện như hiện nay (ngay ở đây ván bài cũng vẫn chưa ngã ngũ) và tạo nên một nền chuyên chế có bầu cử, trong đó ngày càng nhiều quyền được đảm bảo trên giấy tờ, nhưng lại không được tôn trọng trong thực tế, và tham nhũng được tôn cao thành cách thức hành xử trong chính trị và kinh tế, thì nó sẽ mãi mãi vẫn ở lại trong trạng thái không tự do. Sau đó nó sẽ thoái hóa thành một biến dạng của các chính thể Nam Mỹ trong những năm sáu mươi và bảy mươi: mang tính tư bản chủ nghĩa và được lãnh đạo bởi một liên minh bất khả xâm phạm của các nhóm đặc quyền đặc lợi. Ở châu Mỹ Latinh giới đại địa chủ liên minh với giới quân sự, ở Nga tầng lớp thống trị mới liên kết với tầng lớp ưu tú cộng sản cũ. Ngoại trừ ba nước vùng Baltic các bè đảng quyền lực kiểu như vậy rõ ràng đã tạo được hang ổ ở nhiều vùng thuộc Liên Bang Xô Viết trước đây, ở Trung Á, ở Bạch Nga, ở Ukraina.
Sự phát triển của nước Nga đi ngược lại cả hai nguyên tắc trọng tâm cơ bản được khai triển từ bước trưởng thành lịch sử của nền dân chủ-thứ nhất:khuyến khích tăng trưởng kinh tế có tổ chức; thứ hai: tạo nên các thiết chế chính trị có khả năng hành động. Moscou đã thất bại trong cả hai việc này. Không phải đói nghèo đã cản trở người Nga, mà chính là sự giàu có của họ. Ngay từ thời Xô Viết người ta đã dạy cho học sinh, rằng chúng đang sống trong một đất nước giàu có nhất thế giới. Hơi lạ là lần này hệ thống tuyên truyền đã tiệm cận gần đến được sự thật. Nếu đánh giá mức độ phồn vinh của đất nước theo tài nguyên của nó, nước Nga với trữ lượng dầu mỏ, khí đốt, đá quý và khoáng sản vô cùng lớn sẽ chiếm vị trí đầu bảng xếp hạng. Các nguồn tài nguyên thiên nhiên đã kéo dài thời điểm sụp đổ của hệ thống Xô Viết ít nhất là một thế hệ và đã làm nên sự thất bại của công cuộc xây dựng một nhà nước có khả năng hoạt động.
Trong thế giới mơ ước của Chủ nghĩa Cộng sản Xô Viết bộ tài chính không cần phải tiến hành thu thuế, bởi thực ra toàn bộ nền kinh tế quốc dân là của nó. Chỉ tiếc, rằng muộn nhất là vào những năm 70 phần lớn các xí nghiệp của nó đã hết tuổi phục vụ. Thay vì tạo ra giá trị gia tăng, chúng lại làm giảm giá trị của các nguyên vật liệu được chế biến. Nhà nước Xô viết chi tiêu hầu như chủ yếu dựa vào việc bóc lột tài nguyên khoáng sản của mình. Khác hẳn với chế độ độc tài ở Nam Hàn và Đài Loan nó khước từ việc khơi động tăng trưởng bằng các chương trình khuyến khích kinh tế hoặc ít nhất cũng bằng các khung luật pháp ổn định. Các chính phủ giàu có với tính hợp pháp đáng nghi ngờ thường mua sự quý mến của các quần thần bằng những khoản chu cấp về mặt vật chất (ví dụ như Arập Saudi). Nhà nước Xô Viết ngược lại, họ sử dụng khủng bố. Moscow không muốn tiêu phí tiền bạc, vật chất cho người dân, những thứ vốn dĩ được để dành cho các mục đích cao hơn-chẳng hạn như để duy trì một bộ máy quân sự khổng lồ, hoặc để viện trợ cho các nước chư hầu thuộc thế giới thứ ba. Sự sụp đổ của Chủ nghĩa cộng sản thừa kế lại cho Gorbachow một nhà nước, đủ mạnh để khủng bố công dân của mình, nhưng lại quá yếu để có thể phục hồi nền kinh tế.
Jelzin tiếp tục làm trầm trọng hóa các vấn đề chính trị của nước Nga. Những người ủng hộ ông ta đã lý giải cho những hành động chuyên quyền của ông ta bằng một lý do phù hợp, ông ta đã buộc phải tiêu diệt những kẻ phản động nguy hiểm. Song điều trông đợi ở một nhà cải cách là ông ta sau những hành động thanh trừng càng quyết liệt thì lại phải để cho công cuộc xây dựng càng có ý nghĩa hơn tiếp nối. Việc Jawaharlal Nehru trong cuộc kháng chiến chống lại thực dân Anh đã phải ngồi tù 13 năm, không hề ngăn cản ông ta sau đó, khi đã trở thành thủ tướng của nước Ấn độ tự do, bỏ ra càng nhiều thời gian hơn nữa cho việc bảo tồn những thành quả của người Anh. Nelson Mandela chấp thuận một cuộc kháng chiến bằng bạo lực và cực đoan chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc. Mặc dù vậy ngay sau khi nhậm chức ông ta đã mời những người Nam Phi da trắng tham gia vào công cuộc xây dựng một xã hội mới đa sắc tộc.
Khác với Nehru và Mandela Jenzin không mấy quan tâm đến việc xây dựng những thiết chế chính trị, ngược lại trên thực tế ông ta còn làm suy yếu tất cả những cơ quan nhà nước nào cạnh tranh với cơ quan tổng thống, bất kể đấy là cơ quan lập pháp, tòa án hay là các thống đốc bang được nhân dân bầu lên. Hiến pháp của ông ta năm 1993 đã tước quyền của quốc hội, xích chặt cơ quan tư pháp và giải thoát người đứng đầu quốc gia khỏi mọi sự kiểm soát. Cũng đáng tiếc là Jelzin đã không thành lập đảng, mặc dầu đối với ông ta nó quá dễ để tập hợp vào đó các lực lượng tiến bộ ở Nga. Hơn tất cả mọi thứ khác điều này có thể củng cố và làm phát triển nền dân chủ Nga. Song đáng tiếc rằng ông ta đã bỏ lỡ cơ hội. Nó có thể có vẻ như là chuyện không quan trọng, nhưng sự thực không phải như vậy, nếu như người ta nhận thức rõ, rằng trong một xã hội hiện đại các đảng phái là những diễn đàn ở đó con người phát biểu, điều chỉnh và giới thiệu những quan niệm của họ về đạo đức và chính trị. “Không có nước Mỹ mà không có dân chủ, không có dân chủ mà không có chính trị, không có chính trị mà không có các đảng phái"-công thức này của nhà sử học Clinton Rossiter có thể vận dụng được cho toàn thế giới. Không có các đảng phái, chính trị lúc đó chỉ còn là trò chơi của những kẻ độc chiến, của những băng đảng, của những con người quyền lực. Chính điều này là trường hợp của nước Nga ngày nay.
Putin đã hoàn hảo hóa di sản của Jelzin. Chẳng phải là các cuộc cải cách, mà là địa vị “siêu tổng thống“ của ông ta. Lập tức ngay từ năm nhậm chức đầu tiên ông ta đã xốc lại bộ máy nhà nước Nga. Mục tiêu ưu tiên của ông là các thống đốc của 89 chủ thể thuộc liên bang (các đoàn thể địa phương), ông ta đã đặt 7 đại diện toàn quyền của mình trước mũi các vị này và truất bỏ ghế của họ trong hội đồng liên bang, tổ chức đại diện của các nước thành viên thuộc Nga. Kể từ đó chỉ còn có các quan chức do Kremlin sắp đặt ngồi họp với nhau. Ngoài ra Putin còn giữ riêng cho mình quyền được hạ bệ những người cầm đầu các tỉnh nào bị nghi ngờ vi phạm luật pháp. Hạ viện, còn gọi là Duma, bị ông ta thuyết phục phải cắt giảm phần tiền thuế chuyển giao cho các tỉnh. Những nạn nhân tiếp theo của chính sách đối đầu của phủ tổng thống là giới truyền thông cũng như các loại đầu sỏ chính trị khét tiếng ở Nga, những đối tượng này đều bị ông ta đe dọa khám xét và bắt giữ. Chiến thuật đe dọa đã phát huy tác dụng. Cả sự tự do báo chí trên thực tế cũng đã bị xóa bỏ: Vào tháng tư 2000 một tập đoàn thân hữu với điện Kremlin đã mua đứt kênh truyền hình cuối cùng phát trên toàn lãnh thổ có nội dung phê phán chính phủ (NTW) và sau đó sa thải những người của ban lãnh đạo. Các biên tập viên, nhân chuyện chuyển giao cơ quan đã xin thôi việc và tìm đến một kênh truyền hình khác của Wladimir Gusinski, người sáng lập ra đài NTW, họ đã phải nhận thấy, người giao việc mới của họ nhanh chóng bị siết chặt trong gọng kìm của cơ quan tài chính Nga như thế nào. Các cơ quan in ấn trên danh nghĩa là độc lập thì giờ đây nổi bật với những nhân vật trung thành với đường lối.
Bằng chính sách bàn tay cứng rắn Putin chỉ thỏa mãn đựợc mỗi nguyện vọng của các cử tri. Theo kết quả thăm dò của viện thăm dò FOM thuộc Moscou năm 2000 có 57% người Nga ủng hộ sự kiểm duyệt. Cũng được dân chúng ủng hộ ở mức tương tự là những loạt đạn của Putin nã vào tầng lớp đầu sỏ chính trị, những kẻ thông thường đã có được sự gia tăng tài sản bằng những cách thức mờ ám và với những biện pháp đáng ngờ. Nhiều thống đốc trở thành những kẻ cầm đầu địa ở địa phương với máu tham nhũng đã ngấm đến tận xương tủy. Nhưng: Nếu ông chủ của điện Kremlin suỵt công an theo dõi tất cả những doanh nhân, những nhà chính trị không chịu phục tùng, không sớm thì muộn ông ta sẽ khoét rỗng nhà nước pháp quyền. Ở Moscou một vua công nghiệp tương đối nhỏ và trong sạch đã tiết lộ với tôi: “Trong chúng tôi chẳng ai có bộ cánh sạch sẽ cả. Không một ai ở Nga làm ăn mà lại không vi phạm luật pháp. Điều này Putin cũng biết. Nếu ông ta khẳng định, sẽ chăm lo giữ vững trật tự và luật pháp, thì đó chỉ là chuyện tầm phào. Ông ta chỉ sử dụng những cái đó cho các mục đích chính trị của mình." Song những ai vận dụng một cách chọn lọc luật pháp để làm vũ khí, kẻ đó đã vi phạm nguyên tắc cơ bản của bình đẳng luật pháp.
Nghiêm trọng hơn nữa là những hậu quả lâu dài của sự tàn bạo của tổng thống. Chủ nghĩa đa nguyên nảy sinh từ sự tranh đua của các lực lượng xã hội. Wladimir Ryschkow, một trong số rất ít những người theo Chủ nghĩa Tự do trong quốc hội, đã chỉ vào quá khứ của châu Âu: “Các Bá tước và các Nam tước, những người bực tức chống lại triều đình, chắc chắn họ chẳng phải là những chàng trai ngoan hiền. Nhưng họ đã khống chế được nền quân chủ. Nếu Putin chiến thắng, khi đó ở nước Nga chẳng còn có kẻ nào dám đương đầu chống lại điện Kremlin. Lại một lần nữa chúng ta phải trông chờ vào lòng tốt của Nga hoàng của chúng ta." Putin là một Sa hoàng tốt; ông ta mong muốn có một đế chế hiện đại. Theo quan điểm của ông ta, nước Nga cần phải có trước hết là trật tự và một nhà nước mạnh để tự do hóa nền kinh tế của mình. Có lẽ tự bản thân ông ta cho rằng, đến một ngày nào đó Liên bang sẽ đủ độ chín cho một nền dân chủ. Nếu ông ta khéo léo sắp đặt, có thể Putin sẽ đóng góp cho sự chuyển đổi đất nước của mình thành một nhà nước công nghiệp vững bền, ở đó những sự tự do đi cùng với cái tên này ít nhất cũng có phần nào trở thành hiện thực.
Điều này dĩ nhiên không nhất thiết cho rằng con đường Nga là tốt, nghĩa là một con đường tạo điều kiện nổi lên cho một kẻ chấp chính đàn áp đối lập, giám hộ hệ thống truyền thông, cấm đoán các đảng phái, để tiếp đó hiện đại hóa nền kinh tế qua những mệnh lệnh độc đoán và cuối cùng trong một tương lai xa sẽ cho phép dân chủ hóa. Theo logic này có lẽ nền dân chủ không tự do cho đến nay ít nhất cũng chưa gây tác hại gì, bởi nó ngẫu nhiên đã làm nảy sinh ra một kẻ chuyên quyền có hiểu biết, trong tương lai có thể mở cánh cửa đi đến tự do cho đất nước của mình. Như thế người ta dĩ nhiên sẽ không cho đó là nền dân chủ mà là một nền chuyên chế phóng khoáng-tuy nhiên lúc nào cũng tồn tại nguy cơ, bản thân Putin hoặc những người kế nhiệm ông ta té ra lại là một Sa Hoàng độc ác, lợi dụng quyền lực tuyệt đối của mình cho những mục đích không mấy cao thượng. Và điều này có lẽ cũng không phải là điều mới lạ.

Những sự lầm đường


Sự phát triển của nước Nga có những tương đồng của nó. Ở châu Phi, châu Á và châu Mỹ Latinh trong hai thập kỷ cuối đây có một số thể chế độc tài, ngược với những nhà nước phương Tây và Viễn đông chúng không thể chắt lọc được gì từ một truyền thống tự do hiến định hoặc tư bản chủ nghĩa và đã tiến hành dân chủ hóa một cách hình thức- với những kết quả thảm hại. Theo một nghiên cứu của giáo sư thuộc Stanford, Larry Diamond, từ năm 1993, là thời gian khi đó mọi nước ở Tây bán cầu đều có bầu cử ngoại trừ Cuba, đã có đến mười trong số hai mươi hai nước lớn thuộc châu Mỹ Latinh thường xuyên vi phạm quyền con người, điều này không phù hợp với các điều kiện dân chủ bền vững“. Ngoài trường hợp ngoại lệ đáng chú ý là Brasil ra tình hình từ đó đến nay hầu như chỉ có trầm trọng hơn.
Điều này cũng đúng cho Venezuela và tổng thống của nó, ông Hugo Chavez. Khi còn là một đại tá do tham gia vào cuộc đảo chính hụt năm 1992 ông ta đã bị sa thải ra khỏi quân đội và bị giam giữ hai năm liền, năm 1998 sau một cuộc tranh cử quyết liệt đầy tính chất mỵ dân ông ta đã giành được chức vụ tổng thống với 56% số phiếu bầu. Qua trưng cầu dân ý ông ta được ủy quyền soạn thảo một hiến pháp mới, truất quyền của hành pháp và tư pháp, mọi quyền lực nhà nước được chuyển giao cho một “quốc hội được hiến pháp xác nhận“; 92% cử tri đã bỏ phiếu cho biện pháp này. Ba tháng sau đó đảng của Chavez lại chiếm được 92% số ghế trong quốc hội. Dự thảo hiến pháp cho phép kéo dài nhiệm kỳ của tổng thống thêm một năm, tạo điều kiện cho ông ta tái trúng cử, bãi bỏ một trong hai viện dân cử, hạn chế quyền giám sát dân sự đối với lực lượng vũ trang, trao cho chính phủ nhiều quyền tác động vào nền kinh tế và cho phép ban lãnh đạo mới được sa thải các chánh án. “Chúng ta đang tiến thẳng tới tai họa“, ông Jorge Olavarria, nghị sĩ lâu lâu năm và đồng minh trước đây của Chavez đã cảnh báo. “Hiến pháp này đã đầy lùi chúng ta trở lại hàng trăm năm và làm cho giới quân sự trở nên cánh tay mang vũ khí của một phong trào chính trị.“ Tháng 12 năm 1999 hiến pháp sửa đổi đã được thông qua với 71% số phiếu thuận. Mặc dù Chavez không giữ được lời hứa đưa kinh tế đi lên mạnh mẽ, nhưng chưa bao giờ thành phần ủng hộ ông ta giảm xuống dưới 65%.
Đầu năm 2002 có vẻ như gió bắt đầu đổi chiều: Sự bất mãn rộng khắp do suy thoái kinh tế và do phong thái lãnh đạo thô bạo của người cầm đầu nhà nước đã bùng phát thành phong trào quần chúng biểu tình chống đối. Những người cầm đầu quân đội và kinh tế đã tiến hành đảo chính và bắt giữ Chavez vào tháng 4 năm 2002. Hai ngày sau ông ta được thả tự do trở lại, và trong vòng một tuần kẻ quyến rũ tài ba, được tính chất hoàn toàn không dân chủ của cuộc đảo chính làm gia tăng thêm sự ủng hộ, giờ đây đã lại ngồi chắc trên yên.
Venezuela sở hữu một thứ, cái mà đối với một nền dân chủ hoàn toàn khác với sự thuận lợi: đó chính là sự giàu có về tài nguyên thiên nhiên, trong đấy phải kể đến trữ lượng dầu mỏ vào loại nhiều nhất nằm ngoài vùng Trung cận đông. Hậu quả của điều này là quản lý tồi trong kinh tế, tham nhũng cũng như một sự xuống cấp của các thể chế xã hội. Bốn trong năm người dân Venezuela sống dưới mức nghèo khó-và điều này xảy ra trong một đất nước, ở đó trước đây hai mươi năm có mức sống thuộc vào hàng sung túc nhất châu Mỹ Latinh. Về nguyên tắc đất nước vùng Carribean này đã chín muồi cho một cuộc cách mạng. Thay vì như vậy thì nó lại nhận được một Caudillo (lãnh tụ) mới, một quan chức dân cử, kẻ tự nhận mình là người đứng ra bảo vệ đất nước chống lại phần còn lại của thế giới (ám chỉ nước Mỹ). Chính vì vậy ông ta trở nên rất thân thiết với Fidel Castro, Saddam Hussein, và ngay cả với nhân vật kỳ quái Muamar Gaddafi. Tệ hơn nữa: Chavez cổ vũ cho một niềm tin đã bám rễ sâu ở châu Mỹ Latinh, rằng những thay đổi có tính xây dựng ít trông chờ vào một xã hội đa nguyên, trong đó các đảng phái và các nhóm quyền lợi tranh đấu gian nan để đi đến thống nhất các cải cách từng bước một, hơn là trông vào một vị cứu tinh mới mẻ, người sắp xếp lại đất nước và khuyến cáo một thời đại vàng son bắt đầu. Ý tưởng này trong những năm vừa qua đã lan rộng khắp vùng Anden. Nếu như tình trạng kinh tế trì trệ của châu Mỹ Latinh tiếp tục không có gì thay đổi, có thể ý tưởng này rồi đây sẽ tiếp tục lan rộng ra toàn bộ châu lục.
Châu Phi trong những thập niên vừa qua là một sự thất vọng trên mọi phương diện. Việc diễn ra bầu cử đa đảng ở 42 trong số 48 nhà nước da den ở Phi châu từ năm 1990 đến giờ, đã làm trỗi lên niềm hy vọng, rằng thời đại của các nhà độc quyền tham lam và của sự đút lót tràn lan đã đến hồi kết. Tờ New York Times thậm chí còn cho là làn sóng bầu cử này ở trong một nhịp thở với sự chuyển mình của Đông Âu thời hậu cộng sản. Song đó quả là một sự so sánh khập khiễng: Mặc dù việc dân chủ hóa trong nhiều mặt đã đóng góp vào việc mở cửa về chính trị cũng như giải phóng người dân châu Phi; song cùng với điều đó sự mất ổn định cũng đến theo làm cho gia tăng tham nhũng và vô chính phủ ở hàng loạt các quốc gia. Chuyên gia về Châu Phi, ông Michael Chege vì vậy đã rút ra kết luận, ở châu lục Đen người ta “đã quá chú tâm vào hệ thống đa đảng" và vì vậy đã bỏ qua “những quy tắc cơ bản của Chủ nghĩa Tự do hợp hiến". Bởi phần lớn châu Phi từ ngày đó trở đi không có tiến triển về kinh tế lẫn nhà nước pháp quyền, cho nên ở đấy cũng khó mà tìm ra được những quy tắc như vậy. Chắc chắn chẳng phải ngẫu nhiên, rằng ở hai nước, tại đó sự tự do hóa có tiến bộ vượt xa nhất lại là những nước có thu nhập bình quân đầu người nằm trên giải nguy hiểm 3000USD-6000USD: Nam Phi đạt được 8500USD, Botawana 6600USD (cả hai trị số đều tăng mạnh do tài nguyên thiên nhiên). Những điều này dĩ nhiên không có nghĩa là dưới thời của những kẻ thống trị trộm cướp khi xưa mọi việc đều tốt hơn; ngược lại phải thấy rõ, rằng trước mỗi một công cuộc dân chủ hóa kế tiếp phần châu lục Đen cần thiết phải có một nền chính trị có trình độ. Khi quan sát học trò gương mẫu như Mosambik, đất nước sau sáu năm nội chiến đã trở thành một nền kinh tế thị trường dân chủ và có khả năng hoạt động, người ta không được phép quên rằng đằng sau cái đó thường ẩn chứa một sự trợ giúp tích cực từ nước ngoài và từ phía Liên hiệp quốc. Việc trợ giúp đó chắc chắn không phải giành cho tất cả mọi nước châu Phi.
Ở vùng trung Á, ví dụ như Kirghizia ngay cả những cuộc bầu cử đôi chút tự do cũng đã thường sản sinh ra những cơ quan hành pháp siêu mạnh-gây khó khăn cho lập pháp, tư pháp, quyền công dân và các tổ chức kinh doanh. Ở một số nước hầu như không có cả bầu cử; những kẻ chuyên chế mị dân nắm quyền quyết định. Chẳng hạn tổng thống Aserbeidschan Geidar Alijew trước đây là lãnh đạo KGB và là ủy viên bộ chính trị đảng Cộng sản Liên bang Xô viết. Người tiền nhiệm của ông ta đã bị chính ông ta đảo chính lật đổ năm 1993. Mặc dù vậy những người thông thạo tình hình đều cho rằng, nếu ngay bây giờ có bầu cử nghiêm chỉnh Alijew vẫn cứ trúng cử như thường. Thế nhưng ngay cả nếu như người anh hùng dân tộc trở thành người lãnh đạo dân tộc, cũng không có nghĩa là một thời đại vinh quang sẽ tự động mở ra: Georgia cho đến cuối năm 2003 đất nước này nằm dưới quyền lãnh đạo của Eduard Schwardnadse nổi tiếng, người đã từng làm bộ trưởng ngoại giao thời Gorbatschow và có công đóng góp quan trọng vào việc chấm dứt cuộc chiến tranh lạnh. Chính ngay cả ông ta cũng đã sửa sang lại kết quả bầu cử (hình như không từ một lý do thúc bách nào) và không có khả năng ngăn chặn nạn tham nhũng cũng như bảo vệ các quyền của công dân của mình.
Phổ của nền dân chủ không tự do trải rộng từ những tội lỗi nhỏ (Argentina) đến xâm phạm nặng nề (Ukraina, Venezuela) và thậm chí gần như độc tài (Kaschstan). Mặc dù bầu cử ở những nước này hiếm khi có được sự nghiêm chỉnh như ở các nước phương Tây, tuy vậy nó vẫn có thể được coi là phương tiện tham gia quyết định cũng như là thước đo mức độ ủng hộ của người dân đối với các ứng cử viên. Sự pha trộn có vẻ như nghịch lý từ dân chủ và giám hộ biến thiên tùy theo nước, nhưng có thể tìm thấy được ở khắp mọi nơi. Như thu lượm có được từ tổng kết duy nhất thường xuyên về sự phát triển dân chủ và luật pháp hợp hiến của từng quốc gia, cho thấy sự xuất hiện của hiện tượng dân chủ không tự do trong những thập kỷ gần đây ngày càng nhiều lên. Nếu như trong số những quốc gia vào năm 1990 phấn đấu tiến theo con đường dân chủ chỉ có 22% được tính vào thuộc dạng này, thì đến năm 1992 thành phần này đã tăng lên đến 35% và đến năm 1997 đã là 50%. Cho dù đồ thị này từ bấy đến nay đã có chiều hướng đi xuống thì vẫn cứ còn khoảng một nửa số nền dân chủ non trẻ là không tự do.
Có một số người cho đó là giai đoạn giữa, một tiến trình chạy rà mà các xã hội dân chủ trong những năm tháng non trẻ của mình đều phải trải qua một lần. Theo quan điểm của Economist Chủ nghĩa Tự do hợp hiến trưởng thành “trước hết từ nền dân chủ“. Một luận điểm thường thấy. Nhưng liệu có đúng vậy không? Các cuộc bầu cử ở Trung Á và ở châu Phi có tạo nên được không gian tự do chính trị? Hay là nó chỉ được dùng như một chiếc là nho để khéo che đậy cho những kẻ chuyên quyền và những kẻ mị dân? Bởi vì ở nhiều nước quá trình chuyển đổi vẫn đang tiếp tục tiếp diễn, cho nên một kết luận cuối cùng có lẽ còn quá sớm. Tuy nhiên những tín hiệu báo trước cho thấy tình hình là xấu: Nhiều nền dân chủ không tự do, trong số đó gần như toàn bộ nằm ở vùng Trung Á, đã nhanh chóng biến dạng thành chế độ độc tài. Bầu cử cần phải được tiến hành chỉ để hợp thức hóa việc tiếm quyền trước đó. Ở châu Phi ngược lại quá trình dân chủ hóa một cách vội vã thường đưa đến kết quả uy quyền của nhà nước trung ương bị coi thường, kích động xu hướng ly khai và các mâu thuẫn sắc tộc. Một số nơi, ví dụ như Venezuela và Peru, các cấu trúc cơ bản của một nền dân chủ đã trụ vững được, thế nhưng nó vẫn bị các thực tiễn thiếu tự do lẫn át. Và cuối cùng có những kịch bản như ở Kroatia và Slovakia, tại đó quả thật các nền dân chủ không tự do đã chuyển động theo hướng chủ nghĩa hợp hiến và hiện đại; trong các trường hợp này các yếu tố dân chủ thể hiện là những chất xúc tác cho cải cách, bởi vì nó đã làm nên một điều đi trước tất cả các dạng nhà nước khác: nó đã tống cổ những kẻ ăn bám ra khỏi cửa và tạo điều kiện cho một sự chuyển giao quyền lực ôn hòa. Mặc khác ở Kroatia cũng như ở Slovakia mức thu nhập bình quân đầu người với 6698USD và 9624USD cũng đã thuộc vào loại cao. Ở những nước nghèo hơn ngoài châu Âu có vẻ như bước chuyển đổi từ một nền dân chủ thiếu tự do sang một nền dân chủ tự do tuy thế vẫn chưa có thể diễn ra.
Ví dụ trường hợp Pakistan: Tháng mười năm 1999 tổng tư lệnh quân đội, tướng Perves Muscharraf đã đột nhiên tiến hành cuộc đảo chính lật đổ thủ tướng dân cử Nawas Scharif-thế nhưng cuộc đảo chính như thế (cuộc thứ tư trong cũng chừng ấy thập kỷ) lại gây ra ít xôn xao hơn là âm hưởng của nó trong dân chúng. Người dân Pakistan chẳng hề nhỏ một giọt nước mắt tiếc thương sự ra đi của một nền dân chủ giả hiệu đã từng ngự trị đất nước họ mười một năm, mười một năm ròng cầm quyền Schrif và người tiền nhiệm của ông ta, bà Benasir Bhutto đã vơ vét làm giàu, đưa bạn bè thân quen vào các chức vụ tòa án, sa thải các tỉnh trưởng, cho phép những kẻ hồi giáo cực đoan ban hành những luật phạt hà khắc và đục khoét ngân sách quốc gia. Năm 1998 một tờ báo lớn ở Pakistan đã cô đọng tình hình đất nước trong một tiêu đề “Dân chủ phát xít: Tiếm quyền, bóp nghẹt đối lập!“. Phương Tây, mà chủ yếu là báo chí Mỹ nhìn vấn đề đương nhiên là khác; họ đồng thanh lên án cuộc đảo chính. Trong cuộc chạy đua bầu cử tổng thống vào năm 2000 khi đề cập đến sự kiện đó, Georg Bush, Bush con, mặc dù không thể nhớ nổi tên vị sếp mới của đất nước đó, nhưng vẫn thể hiện niềm tin rằng, ông ấy sẽ “ổn định tình hình khu vực“-vì vậy mà tờ Washington Post lập tức sau đó đã lăng mạ ông ta là kẻ dị giáo.
Hai năm sau và được ủng hộ bởi sự đột biến sau ngày 11.09, Muscharraf đã tiến hành triệt để những cải cách hành chính, xã hội, giáo dục và kinh tế đến nỗi bản thân những người ủng hộ ông ta cũng không ngờ nổi. Ông ta hầu như không hề nhận được một sự yểm trợ nào từ phía những đại diện dân cử; mặc dù vậy nếu ông ta giành được thắng lợi, thì cũng chỉ bởi ông ta không vì tính toán trong chiến lược tranh cử mà phải để ý đến quyền lợi của các đại địa chủ, của những kẻ hồi giáo cực đoan quân phiệt và của các thủ lĩnh bộ tộc. Ngay cả khi nếu như đối với một nhà độc tài không có gì đảm bảo rằng ông ta về lâu dài phải có nghĩa vụ đối với cộng đồng, thì người ta cũng phải công nhận Muschrraf ở chỗ, chưa có một chính trị gia dân cử nào của Pakistan đã hành động một cách táo bạo, kiên quyết và hiệu quả như ông ta. Chắc chắn gần đây vị tướng đã tỏ ra nhiều chuyên quyền và ít phóng khoáng hơn như cái vẻ bên ngoài ban đầu. Song bất chấp tất cả những sự phản kháng của các cánh phong kiến, tôn giáo ông ta vẫn tiếp tục kiên trì con đường hiện đại hóa và phi tôn giáo hóa. Việc cải tổ lại đất nước Pakistan về kinh tế và chính trị là một chủ trương hầu như vô vọng. Nếu thành công thì điều này cũng giống như trường hợp của Liên bang Nga, nó không bắt nguồn từ lịch sử trước đấy của đất nước là nền dân chủ (không tự do), mà là từ sự tác động của một kẻ chuyên quyền phóng khoáng.

Những cạm bẫy của dân chủ

Những sự dè dặt của chúng tôi đối với những kẻ chuyên quyền được bầu lên ở Nga, Trung Á, và Châu Mỹ Latinh ngày nay có lẽ đã được những người theo Chủ nghĩa Tự do ở thế kỷ 19 như John Stuard Mill biết đến. Trong phần dẫn nhập cuốn kinh điển của mình “Luận về Tự do" ông ta có nhắc đến suy nghĩ nảy sinh trong quá trình dân chủ hóa, rằng người ta trước đó “đã tự nhấn mạnh quá nhiều về tầm quan trọng của việc giới hạn quyền lực. Điều này […] là một phương pháp phòng ngừa chống lại những kẻ cầm quyền mà quyền lợi của họ thường xuyên đi ngược với quyền lợi của nhân dân.“ Ở đâu nhân dân và kẻ cầm quyền đồng tình với nhau thì biện pháp này trở nên thừa, bởi vì: “như vậy dân chúng không cần phải được bảo vệ khi chống lại nguyện vọng của chính họ.“ Có vẻ như để khẳng định lý lẽ này tổng thống nước Cộng hòa Bạch Nga, người thắng cử với đa số tuyệt đối năm 1994, đã trả lời cho câu hỏi về vấn đề giới hạn quyền lực của ông ta như sau: “Hoàn toàn không có chuyện là độc tài. Tôi đến từ trong dân chúng, và tôi sẽ đại diện cho họ.“
Điểm mà ở đấy Chủ nghĩa Tự do hợp hiến cọ sát với nền dân chủ đó là phạm vi quyền lực của bạo lực nhà nước: Chủ nghĩa hợp hiến tìm cách để kiểm soát quyền lực; Dân chủ ngược lại, tìm cách tập trung hóa và sử dụng quyền lưc. Bởi vậy đối với nhiều nhà theo Chủ nghĩa Tự do ở thế kỷ 18 và 19 điều nhắc tới liền trên đây chính là mối hiểm nguy đối với sự tự do. Sự đòi hỏi quyền lực tuyệt đối của các chính quyền dân cử khiến cho chúng có khuynh hướng tập trung hóa quyền lực công-nếu cần thiết, có thể sự dụng những biện pháp vi hiến, và thường đem lại những hậu quả đáng thất vọng. Kết quả cuối cùng là một chế độ chuyên chế bạo ngược được hợp thức hóa một cách dân chủ.
Trong những thập kỷ gần đây các chính phủ dân cử nhân danh nhân dân với một sự hợp thức đẹp đẽ nhất đã cắt xén ảnh hưởng và quyền của các phần tử khác trong xã hội, bất kể về chiều ngang (qua việc làm suy yếu các tổ chức cạnh tranh đối với quyền lực nhà nước) hoặc về chiều dọc (qua việc làm hư hỏng các cơ quan công quyền địa phương và vùng lãnh thổ, các tổ chức kinh doanh và các thành phần hoạt động độc lập này khác cũng như báo chí). Những cái tên như Putin, Lukaschenko và Chavez đã được thốt ra. Song ngay cả bản thân tổng thống Argentina trước đây, một người thực sự có tâm huyết trong vấn đề cải cách, trong thời gian tám năm cầm quyền cũng đã ban hành tới 300 sắc lệnh, nhiều gấp ba lần số sắc lệnh của tất cả những người đồng nhiệm trước đó cộng lại, tính từ năm 1853. Askar Akajew, người được bầu vào chức danh tổng thống Kırgızstan với 60% số phiếu, năm 1996 đã có được một cách dễ dàng như trở bàn tay việc gia tăng quyền hạn của mình qua trưng cầu dân ý; ông ta giờ đây có quyền bổ nhiệm tất cả các bộ trưởng trừ thủ tướng, tuy nhiên chức vụ này cũng lại do ông ta đề đạt. Nếu người do ông ta đề cử ba lần không được quốc hội thông qua ông ta được phép giải tán quốc hội.
Sự chiếm đoạt theo chiều dọc không thu hút sự chú ý nhiều như theo chiều ngang, nhưng lại xẩy ra rộng khắp hơn. Trong vòng ba thập kỷ vừa qua các chính phủ trung ương Ấn độ và Pakistan đã liên tục viện mọi cớ để giải tán các quốc hội tiểu bang và đặt các bang đó trực tiếp dưới quyền quản lý của mình. Đỡ bi đát hơn một chút, song cũng kiểu cách như vậy: Chính phủ dân cử của các nước cộng hòa vùng Trung Phi đã xóa bỏ quyền tự quyết truyền thống của các trường đại học, để sát nhập chúng vào bộ máy nhà nước trung ương. Sự hăm dọa có hệ thống thường thấy của cơ quan an ninh đối với báo chí ở các nước từ Peru qua Ukraina cho đến Phillipine đã cướp đi của xã hội một cơ quan kiểm soát quan trọng; ở châu Mỹ Latinh thậm chí những nhà dân chủ cấp tiến có tiếng ví dụ như Alejandro Toledo người Peru cũng đã từng nhiều lần lợi dụng quyền lực tổng thống của mình để bịt miệng các đối thủ chính trị.
Sự cưỡng đoạt quyền tự chủ đặc biệt trầm trọng ở các nước châu Mỹ Latinh và các nước sinh ra từ Liên bang Xô viết, có lẽ bởi vì ở cả hai khu vực đều do các chế độ tổng thống cai trị. Những người giữ vai trò chủ đạo của nó có xu hướng tự coi mình là những chiếc loa của nhân dân, khi mà họ chỉ được bầu lên bởi một đa số tương đối. Do bởi các tổng thống không tuyển mộ các bộ trưởng từ những người đứng đầu đảng phái, mà từ nhóm những người thân cận nhất với mình, cho nên không hề có lý do để kiểm soát lẫn nhau giữa những thành viên chính phủ thuộc chế độ tổng thống. Nếu chính sách của ông ta một khi có va chạm với các quan điểm của bên lập pháp hoặc bên tư pháp, thì người đứng đầu nhà nước dễ bị mắc vào tình trạng bỏ qua việc thương lượng tốn nhiều thời gian và bỏ qua những cố gắng nhằm tạo nên mối liên minh, để hướng một cách trực tiếp tới người dân. Về ưu điểm cũng như nhược điểm của chế độ tổng thống so với chế độ có một chính phủ mang trách nhiệm trước quốc hội, các học giả vẫn chưa đi tới nhất trí; Các xung lực cưỡng đoạt chắc chắn có thể nổi lên trong cả hai trường hợp-hơn nữa, nếu như thiếu các đối cực như một cơ quan lập pháp có ý thức tự giác, một tòa án độc lập, các đảng phái chính trị, các cơ quan hành chính địa phương cũng như các trường đại học và giới truyền thông tự do. Nhiều nước châu Mỹ Latinh kết hợp chế độ tổng thống với bầu cử theo tỷ lệ (proportional representation), như vậy có nghĩa là hệ thống đa đảng với thủ lĩnh quốc gia mị dân. Một cơ cấu rất bấp bênh.
Những kẻ cưỡng đoạt tuyệt nhiên không bảo đảm cho sự ổn định và năng lực chính trị. Một chính phủ mạnh và một chính phủ tốt là hai vấn đề, chúng có thể triệt thoái lẫn nhau. Châu Phi bệnh hoạn bởi chính sự tham lam quyền lực cũng như do sự yếu kém của chính phủ. Những nước ví dụ như Mỹ ngược lại có một nhà nước mạnh, hiệu quả, mặc dù chính quyền trung ương không được phép làm tất cả. Bởi vì họ quẳng cả hai khái niệm vào một nồi, cho nên nhiều lý thuyết gia và chính trị gia phương Tây đã ủng hộ quá trình xây dựng một nhà nước trung ương mạnh mẽ ở thế giới thứ ba-đặc biệt khi những người cầm quyền của những nước đó đã lập luận cho sự đói quyền lực của mình là bởi có sự đòi hỏi phải loại bỏ cơ cấu phong kiến, chống lại nền kinh tế thân hữu, xóa bỏ các đặc quyền đặc lợi và chỉnh đốn lại rối loạn xã hội. Cho dù các lập luận này không phải là không có cơ sở, nhưng những người bảo vệ nó đã nhầm lẫn giữa một nhà nước chính đáng với một nhà nước có quyền lực tuyệt đối. Với một chính sách liên minh thích hợp các chính phủ bị ràng buộc vào tính hợp hiến hoàn toàn có khả năng đem lại trật tự và nếu cần thiết có thể ra tay một cách cứng rắn. Chỉ có điều tất cả sẽ lâu hơn một chút. Ngoài ra dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy một chính phủ được thừa nhận đó là việc chấp hành nghĩa vụ đóng thuế, bởi vì suy cho cùng bộ tài chính phải lệ thuộc vào các công dân đóng thuế một cách tự nguyện. Không có một nhà nước nào có đủ người để làm việc đôn đốc thuế, để có thể thu hết số thuế còn tồn nợ của các hãng cũng như các gia đình. Việc thất thu thuế một cách phi lý ở các nước thứ ba đã thể hiện rõ một điều về tính chính đáng của nhà nước và các chính sách của nó trong con mắt người dân ở đấy như thế nào.
Ở đây một lần nữa ví dụ về nước Nga đã cho thấy nó quả đáng để học hỏi. Từ khi liên bang Xô Viết sụp đổ các nhà hàn lâm và các nhà báo nước ngoài đã than phiền về sự yếu kém của bộ máy nhà nước Nga, cái được dẫn ra chủ yếu là vấn đề thiếu năng lực trong việc thu thuế-một tiêu chuẩn đánh giá không lấy gì làm rõ ràng, nếu người ta biết rằng đây là lần đầu tiên một nhiệm vụ như vậy được đặt ra trong thời đại hậu cộng sản. Nhà nước Nga vào năm 1991 về cơ bản vẫn còn đủ sức lực, tuy nhiên nó phải chống chọi lại tham nhũng và sự mất đi phần lớn tính chính đáng. Được Putin ổn định và cải tổ thu hẹp lại, ngày nay nhà nước liên bang xét về mặt thuế thu được cho thấy không kém gì các nước châu Âu láng giềng. Thế nhưng những mối lo ngại vốn có trước đây của các nhà lý thuyết lại tác động vào chỗ khác: Các chính trị gia phương Tây đã phản ứng một cách quá thông cảm đối với sự chuyên quyền và đối với số lượng sắc lệnh quá nhiều của Boris Jelzin. Người ta đã tin vào sự khẳng định của ông ta, quyền lực trung ương bị tổn thương nay cần phải được làm cho mạnh trở lại.
Putin đã kết thúc cuộc tranh cãi có tính hàn lâm này bằng phương tiện chính trị. Chỉ trong vòng ít tháng sau khi cầm quyền ông ta đã tạo được sự chấp nhận yêu sách quyền lực của Kremlin đối với các cơ quan nhà nước khác, và chứng minh, rằng thể chế Xô Viết cũ vẫn còn hoạt động tốt. Ở đâu qua con đường cơ chế không đạt đến mục đích, ông ta tiến hành việc “thuyết phục“. Các vị dân biểu và các quan tòa, những người đi chệch đường lối của Kremlin, có cơ phải chịu cảnh hy sinh trợ cấp và quyền lợi ưu đãi (Quốc hội Nga chẳng có quyền quyết định về thu nhập của bản thân mình lẫn về các khoản chi phí nội bộ khác). Điều này cũng giải thích sự đồng ý không phải lúc nào cũng thấy của Hội đồng Liên bang đối với việc thu nhỏ chính mình và với việc bị tước đoạt một phần quyền lực. Dự thu về thuế của năm 2000 đã được bộ tài chính đôn đốc thu gom đến đồng xu cuối cùng. Như đã thấy, không phải bộ tài chính Nga là con bệnh mà chính là Jelzin. Với người đàn ông mới ở vị trí cầm đầu, cứng rắn, cương quyết nhà nước đã khỏe mạnh trở lại-điều này không có nghĩa nó đã được cho là hoàn toàn tích cực không có hạn chế: Việc trở lại của quyền lực trung ương trên thực tế là sự điều chỉnh đáng phải làm từ lâu nhằm đạt đến sự siêu quyền lực của nhà nước Xô Viết.
Lịch sử đã dạy, việc tập trung hóa không có kiểm soát và nền dân chủ tự do rất khó hòa hợp với nhau. Sự gia tăng quyền tham gia vào các quyết định chính trị được đặt ra hồi thế kỷ 19 sở dĩ được các nước như Anh hoặc Thụy Điển hấp thụ tốt, là vì ở đó các hội nghị dân biểu, các hội đồng địa phương, hội đồng khu vực đựợc thành lập thừ thời trung cổ vẫn còn nguyên vẹn. Một tình cảnh rõ ràng khó khăn hơn đối với tự do và dân chủ ngược lại đã xảy ra ở Pháp, Phổ và các nước khác, ở đó chế độ quân chủ đã đạt được sự tập trung quyền lực theo chiều dọc lẫn chiều ngang (không phải ngẫu nhiên mà ở vùng trung tâm Tây Ban Nha những người Katalan, vốn có truyền thống bảo vệ sự tự chủ của mình một cách kiên cường qua nhiều thế hệ, đã trở thành đội tiên phong của Chủ nghĩa Tự do). Nước Mỹ cũng đã chịu đựng được tốt hơn trong việc nhạnh chóng mở rộng quyền bầu cử, do bởi từ lâu đã có bộ khung chính yếu gồm các thiết chế liên bang, địa phương và tư nhân. Nhà sử học Arthur Schlessinger đưa ra tư liệu vào năm 1922, giống như năm mươi năm đầu từ ngày lập quốc hầu như tất cả các bang cũng nhưng vô số những nhà vận động hành lang và các nhóm chính trị đơn lẻ đều chăm chú vào việc ngăn cản chính quyền trung ương. Ấn độ cũng vậy, là một nền dân chủ tự do ít nhất cũng ở trong các khuynh hướng, ở thời kỳ mới đây không phải nó tồn tại được không do, mà chính là do có sự độc lập của các vùng miền với ngôn ngữ, văn hóa, và hoàn cảnh muôn màu muôn vẻ. Sự tản quyền đã và sẽ vẫn là một trong các phương tiện tin cậy nhất để kiểm soát quyền lực nhà nước.

Sự chuyên chế của đa số

Bên cạnh những kẻ chuyên quyền được dân cử thì bản thân người dân cũng có lỗi đối với việc lợi dụng quyền lực của những kẻ đó. Ngay từ lâu cha đẻ của hiến pháp Mỹ, ông James Madison trong loạt bài viết “Những người chủ trương chế độ liên bang" đã chỉ ra những mối nguy hiểm đe dọa hệ thống dân chủ từ phía đa số, và Tocqueville cũng đã cảnh báo: “Quyền lực không giới hạn của đa số nằm trong bản chất của nền dân chủ." Ở phương Tây nhờ có luật bảo vệ cá nhân và bảo vệ thiểu số được suy nghĩ một cách thấu đáo cho nên vấn đề này đã lắng xuống. Tại nhiều nước phát triển hiện nay cùng với trào lưu dân chủ hóa thành phần đa số ở những nước đó phần thì im lặng, phần thì lớn tiếng tìm cách xóa bỏ sự phân quyền, chà đạp quyền con người cũng như vứt bỏ những nguyên tắc cơ bản đã có từ lâu về sự khoan dung và quyền bình đẳng.
Nhân đây tôi cũng trình bày một số quan sát có được từ quê hương trước đây của tôi. Việc Ấn Độ mặc dầu nghèo đói cùng cực vẫn phấn khởi về một nền dân chủ liên tục hoạt động từ năm 1947 đến nay đã làm cho nó trở thành một điều cấm kỵ trong tranh luận về hình thức nhà nước này. Ai thử tìm bằng chứng để chứng minh việc dân chủ hóa thành công không nhất thiết đòi hỏi phải có một nền kinh tế phồn vinh có thể viện dẫn Ấn Độ-ngoài ra không hề có một ví dụ nào khác nữa. Sự khen ngợi dĩ nhiên cũng có lý của nó: Ấn Độ tương đối tự do, có khi lại còn quá phóng khoáng đằng khác. Song đằng sau mặt tiền dân chủ cũng đã xảy ra những điều không yên tâm. Trong những thập kỷ sau này Ấn Độ ngày càng xa dần hình ảnh lý tưởng trong lòng những người ngưỡng mộ nó. Không phải rằng tự thân nền dân chủ bị suy thoái; ở những điểm trọng yếu Ấn Độ còn dân chủ hơn nữa là khác. Nhưng nó cũng đã ít dung hòa hơn, ít cởi mở với thế giới hơn, ít trung thành với luật pháp hơn, và ít tự do phóng khoáng hơn trước đây. Và cả hai xu hướng này-dân chủ hóa và thu hẹp tự do-đều phụ thuộc lẫn nhau.
Hệ thống nghị viện Ấn Độ được nước Anh và đảng Quốc Đại(India National Congress, INC) lập nên. Các thiết chế trong đó như tư pháp, lập pháp, quản trị dân sự và một nền báo chí (về mặt lý thuyết) tự do chủ yếu đều được người Anh taọ ra và nắm quyền lãnh đạo. Trong đó người bản xứ Ấn Độ rất tiếc không được diễm phúc tham gia vào các vị trí chủ chốt. Cùng với việc giải thực dân hóa cấu trúc nền tảng này vào năm 1947 đã được chuyển giao cho nhân dân, dưới sự chấp bút của đảng Quốc Đại họ đã xây dựng trên cơ sở đó một nhà nước dân chủ của chính mình. Mặc dù INC là lực lượng chủ đạo trong cuộc chiến đấu chống lại chính quyền thực dân, tuy nhiên từ quan điểm giải phóng dân tộc cho đến công việc trong các ủy ban của của nó đều được xây dựng theo hình mẫu của Anh. Tòa án Ấn Độ hoạt động dựa theo thủ tục tố tụng, luật pháp và án lệ của người Anh. Nghị viện liên bang ở New-Delhi noi theo các nghi thức và tập quán của điện Westminster cho đến ngay cả việc chất vấn hàng tuần đối với người đứng đầu chính phủ. Không có gia sản thừa kế này từ người Anh và của đảng Quốc Đại có lẽ khó có thể tưởng tuợng nền dân chủ Ấn Độ sẽ có được hình thức như ngày hôm nay.
Jawharlal Nehru, thủ tướng đầu tiên của nền cộng hòa, tự cọi mình là “vị toàn quyền cuối cùng của Anh quốc ở Ấn Độ" Là con của một luật gia thân với nước Anh và đã được Anh hóa, ông ta được một gia sư giảng dạy về lịch sử và văn học nước Anh. Ông ta đã được hưởng sự giáo dục và dạy dỗ của một Gentlemans chân chính, được học tại trường nội trú tư có danh tiếng tại khu Harrow thuộc thành London, là sinh viên tại Cambridge, lại còn học thêm nghề luật sư ở London. Ngay cả sau khi tuyên bố trở lại với Chủ nghĩa dân tộc Ấn Độ thế giới quan của Nehru vẫn là thế giới quan của tầng lớp trí thức cánh tả người Anh ở thập niên 40.
Ấn Độ trong thời đại Nehru (1947-1964) cho phép đánh giá một cách chính xác nhất đó là hệ thống dân chủ độc đảng. Việc bầu cử được tiến hành một cách tự do và bình đẳng, song do là người có công giải phóng đất nước và là lực lượng chính trị duy nhất với số người ủng hộ rộng khắp mọi nơi cho nên đảng Quốc Đại đã ở thế áp đảo trên tất cả mọi phương diện. Việc chiếm 2/3 số đại biểu trong nghị viện liên bang và nghị viện địa phương không phải là điều hiếm thấy. Những lợi thế chính thức hoặc không chính thức có được từ đó trên thực tế đã cho thấy không thể tạo nên một lựa chọn khác với đảng INC. Như vậy cũng tương tự trường hợp đảng Dân chủ ở miền Nam nước Mỹ, đảng INC kiểm soát toàn bộ các giai đoạn hình thành nguyện vọng chính trị. Trong thể chế nghị viện Ấn Độ có một đảng phái bình đẳng hơn những đảng phái còn lại, tuy nhiên nó vẫn luôn theo Chủ nghĩa Tự do và cam kết thúc đẩy việc thực thi hiến pháp một cách nghiêm chỉnh. Nehru tôn trọng các truyền thống dân chủ tự do với một sự tuân thủ cao nhất, ông đặc biệt có ý thức đối với sứ mệnh xã hội của lập pháp và của báo chí. Ông ta chú trọng đến sự độc lập của tư pháp-cho dù vì vậy mà ông ta đã phải chịu chấp nhận một vài thất bại về chính trị trước tòa án. Sự tách biệt giữa tôn giáo và nhà nước cũng như sự khoan dung về mặt tôn giáo đối với ông ta là những điều không thể vi phạm. Mặc dù có uy quyền rất lớn trong dân chúng ông ta vẫn chấp nhận những ý kiến khác biệt, và ngay cả trong đảng cũng như trong chính phủ ông thường hay lui lại phía sau nhường quyền điều khiển cho người đại diện của mình.
Trong thời thơ ấu của tôi, vào cuối những năm sáu mươi, đầu những năm bảy mươi người ta vẫn còn cảm nhận thấy cái di sản được để lại này, nhưng nó cũng đã bắt đầu phai nhạt. Đảng Quốc Đại đã biến chất từ một phong trào cơ sở sống động thành một vương triều thấp hèn, được ấn định bởi Indira Gandhi và với nhiệm vụ hàng đầu là thờ phụng bà chúa của mình. Đức bà Gandhi thực thi một nền chính trị mị dân, hiếm khi phù hợp với hiến pháp, thường mang tính cách áp đặt, như quốc hữu hóa nhà băng, xóa bỏ đặc quyền của tầng lớp quý tộc. Tuy nhiên hầu như không xâm phạm đến tính độc lập của tư pháp, sự tự do báo chí và sự khoan dung về mặt tôn giáo. Với thời gian niềm tin của đảng Quốc Đại đối với những thiết chế và các giá trị này dĩ nhiên đã trở nên sút giảm, cũng giống như vị trí của nó là một cơ quan cai trị đất nước đang sa vào tình trạng bị lung lay. Những kẻ thách thức mới đã bước ra vũ đài, đầu tiên là Đảng Nhân dân Ấn Độ thuộc các phần tử theo đạo Hindu cực đoan (Bharatiya Janata Party BJP), là một trong vô số những hội đoàn trẻ, nhiều tham vọng, có mặt ở khắp các vùng miền, trong các tôn giáo và đẳng cấp khác nhau. Xu hướng này làm cho hệ thống chính trị có thêm một lượng cử tri xuất thân từ tầng lớp nghèo khó ở những vùng sâu vùng xa và thuộc đẳng cấp xã hội thấp; nếu tỷ lệ người tham gia bầu cử vào những năm năm mươi vào khoảng 45%, thì gần đây tỷ lệ này đã tăng cao lên trên 60%. Nhà chính trị học người Ấn Độ Yogendra Yadav nhận thấy trong đây đang có “một sự chuyển biến thầm lặng, nhưng cơ bản“, nó mở ra con đường đi vào chính trị cho số đông thuộc tầng lớp trước đây bị ngăn cản. Song các đảng phái mới nảy sinh đã làm cho Ấn Độ không chỉ dân chủ hơn mà còn kém tự do hơn.
Với lời tuyên chiến đối chống chủ nghĩa phi tôn giáo của Nehru, với Chủ nghĩa dân tộc-Hindu có võ trang cũng như với những kích động chống Hồi giáo và chống Thiên chúa giáo đảng Nhân dân Ấn Độ đã tiến hành các hoạt động tuyên truyền chính trị. Họ tổ chức một cuộc vận động trên toàn quốc nhằm giật đổ một nhà thờ Hồi giáo nằm ở thành phố Ayodhya thuộc miền Bắc Ấn Độ, nơi được cho là quê hương sản sinh ra thánh Ram của đạo Hindu. Việc Ram chỉ tồn tại trong huyền thoại, việc nhắc nhở đạo Hindu về hòa bình và khoan dung, việc Ấn Độ đã từng để lại sau mình những đổ vỡ khủng khiếp do những hành động bạo lực có nguồn gốc tôn giáo (nhân sự kiện ở Ayodhya đột nhiên lại bùng phát trở lại)-tất cả những cái này đối với BJP không là điều đáng quan tâm. Miễn sao những sự lăng mạ đầy thủ hận của họ giúp cho họ níu giữ được số cử tri truyền thống của mình. Mãi gần đây khi tiến hành thành lập chính phủ liên hợp, lúc đó Đảng Nhân dân mới bắt buộc phải hạ bớt giọng điệu chống lại Hồi giáo, Thiên chúa giáo và các thành viên của các đẳng cấp thấp hơn để giữ cho đảng khỏi bị chỉ trích. Mặc dù vậy họ vẫn tiếp tục theo đuổi dự án Hindu hóa Ấn Độ của mình; bên cạnh việc xét lại sử sách với mục đích hạ thấp hoặc xóa bỏ hoàn toàn vai trò của Hồi giáo và của các thành phần thiểu số khác, chương trình này còn bao gồm cả việc xây dựng bộ môn chiêm tinh học trong trường đại học và sử dụng một cách phô diễn các biểu tượng của đạo Hindu nơi công cộng. Mỗi khi bị dồn vào thế bí về mặt chính trị đảng BJP lại quay ra sử dụng biện pháp kích động về tôn giáo. Chẳng hạn năm 2002 cũng ở tại bang Gudscharat: Trong một hành động tàn ác có một không hai, chính phủ của đảng BJP đã cho phép, vâng đã ủng hộ cuộc thảm sát hàng ngàn đàn ông, đàn bà và trẻ em Hồi giáo vô tội cũng như đã cưỡng bức hàng chục ngàn người khác phải rời bỏ làng mạc và thành phố của họ. Đây là cuộc tàn sát nhóm người thiểu số đầu tiên trong lịch sử Ấn Độ đựợc chính quyền chính thức khuyến khích. Và tất cả cho thấy, nó đã được những thân hữu theo đạo Hindu của đảng Nhân dân Ấn Độ vỗ tay đón nhận. Với ý định kiếm lợi từ những cuộc nổi loạn, tại Gudscharat chủ tịch đảng BJP còn lên cả kế hoạch sau đó ít tháng sẽ cho phép tiến hành bầu cử; may mắn thay ủy ban bầu cử trung lập đã cho rằng việc bầu cử trong tình trạng như vậy là không thích hợp.
Sự không khoan dung đối với tôn giáo chỉ là một khía cạnh của tình trạng hiện hành trong nền dân chủ Ấn Độ. Tình trạng tham nhũng và bẻ cong luật pháp có tổ chức còn tác động vào chính trị mạnh hơn thế nữa. Điều này dễ nhận thấy ở bang Uttar Pradesch, bang lớn nhất của Ấn Độ, quê hương của Nehru và nhiều nhân vật tăm tiếng khác của đảng Quốc Đại, nơi giờ đây đảng BJP và hai đảng của đẳng cấp thấp khác đang có tiếng nói chính. Hệ thống chính trị do họ thiết lập nên rất xứng đáng với tên gọi “Banditocracy-dân chủ kẻ cướp“. Hết năm này qua năm khác các kết quả bầu cử bị sửa đổi, thùng phiếu bị nhét đầy những lá phiếu giả mạo. Kẻ thắng cử phân chia các chức vụ hành chính, đôi khi cả chức vụ trong tòa án cho bạn bè thân thuộc và thuần hóa phe đối lập bằng việc đút lót. Quả là một thảm kịch: Hàng triệu người thuộc nhóm cử tri mới thuộc đẳng cấp thấp đã bị lừa bởi những lời hứa hẹn đầu môi chót lưỡi của những kẻ tự phong là đại diện cho dân chúng, những kẻ không có gì khác trong đầu ngoài chuyện đục khoét ngân sách nhà nước và lợi dụng quyền lực để kiếm lợi cho riêng bản thân mình.
Tháng 11 năm 1997 một điểm đáy mới đã được đạt đến. Để đảm bảo chiếm được chắc chắn đa số trong quốc hội địa phương, thủ tướng bang Uttar Padesch đã gia tăng nhân sự nội các của ông ta lên đến 93 thành viên (bằng lời: chín mươi ba). Như vậy ông ta có thể dụ dỗ các nghị sĩ của phe đối lập chạy sang hàng ngũ của mình bằng việc hứa hẹn các chức vụ trong chính phủ. Trong số những đồng nghiệp mới này có những hình thù đáng ngờ. Mười chín người có tiền sự được lưu giữ trong hồ sơ, đó không phải là những lỗi lặt vặt. Bộ trưởng bộ nghiên cứu khoa học Hari Schankar Tiwari chẳng hạn, đã bị tình nghi có nhúng tay vào chín vụ giết người, mười vụ âm mưu giết người, ba vụ cướp và ba vụ bắt cóc. Ông Raghuradsch Pratap Singh, có danh hiệu “Bộ trưởng về việc thực hiện chương trình", đã bị điều tra trong 25 trường hợp, trong đó có hai vụ giết người, ba vụ âm mưu giết người và nhiều vụ bắt cóc. Người cùng tên với ông ta Pratap Singh nhờ vào quyền chức đã tự cọi mình như một ông chúa phong kiến. Những gì xảy ra ở trang trại của ông ta đã được tạp chí tin tức Outlook của Ấn Độ miêu tả lại như sau:
Trên sân lâu đài của mình ông ta thiết lập một tòa án xử lý nhanh kết tội những người chăn cừu ngơ ngác, tuyên bố phạt họ bằng tiền hoặc đánh đòn. Những kẻ dưới quyền-những kẻ đáng thương nghèo khó, đàn bà, con trẻ-nằm phủ phục dưới chân ông ta, cầu xin được tha tội. Trước cửa cơ ngơi kiên cố đám đông dân chúng sáng nào cũng vậy, họ đứng sắp hàng chờ ông đi qua để được kính cẩn cúi mình thể hiện lòng kính trọng. […]. Ông chủ 28 tuổi cưỡi ngựa quý giống Ross, nuôi voi, và làm cả vùng hoảng sợ với xe Land-Rover, đi đâu cũng có cận vệ súng ống đầy mình. Theo hồ sơ cảnh sát ông ta đã từng thủ tiêu những ai trái tai gai mắt, đã từng kiếm sống bằng bắt cóc tống tiền và cướp bóc. Thế nhưng con đường danh nghiệp của ông này vẫn cứ thăng tiến. Ngay trong lần tranh cử đầu tiên ông ta đã giành được thắng lợi, khi chưa đầy 24 tuổi xuân. Đó là năm 1993. Ba năm sau đó ông ta lại thượng đài. Ngoài đảng BJP ra chẳng có ai dám ra đọ sức cùng ông.
Hãy đến với một ngày như mọi ngày ở Ấn Độ. Tuy nhiên ở phương Tây người ta cũng chỉ thích quan sát một cách đại khái. Thay vì như thế chúng ta lại trầm trồ về một dân tộc với hàng triệu cử tri và về một nền dân chủ lớn nhất thế giới. Còn những người được nói đến thì nhìn sự việc với con mắt khác-ví dụ nhà bào nổi tiếng Kuldip Nayar, đã đánh giá sự kiện xảy ra ở Uttar Pradesch là “sự hạ sát nền dân chủ ngay giữa ban ngày", hoặc như nhà báo Prem Schankar Jha, theo ông ta thì văn hóa chính trị ở đó “đã bị kéo lui lại khoảng hai trăm năm". Sự kiện xảy ra ở Uttar Pradesch hoàn toàn không hề là một trường hợp cá biệt. Tình trạng tham nhũng ở các bang bên cạnh như Bihar và Harjana còn sản sinh ra những ung nhọt kỳ quái hơn. Ngay cả trong môi trường quốc hội liên bang và trong chính phủ trung ương tại New-Dehli cũng cho thấy có nhiều biểu hiện khủng hoảng như thế, cho dù hình thức có thể giảm nhẹ hơn.
Ngành tư pháp từ chỗ là hòn ngọc của nền dân chủ Ấn Độ đã thoái hóa thành đầy tớ phục vụ cho những chính khách tham nhũng. Xa về năm 1975, đó là thời mà một vị quan tòa cấp nhỏ đã truất ghế nghị viên của đức bà Gandhi do vì bà ta đã vi phạm luật bầu cử, hoặc năm 1981, thời mà một đồng nghiệp cũng cương trực như vậy đã dám đối đầu với một chính trị gia quyền lực nhất Ấn Độ, thủ tướng của bang Maharascha giàu có. Ngược lại ngày nay những người thắng cử thường tìm phương tiện và cách thức để bố trí nhân sự trong những cơ quan luật pháp phía dưới theo ý của mình. Các quan tòa đáp lại điều đó, bằng việc để lộ nguyện vọng một cách kịp thời cho những ứng cử viên có khả năng trúng cử biết và hy vọng với cách đó họ sẽ có thể được ở lại chức vụ và hơn nữa khi về hưu sẽ được thưởng công bởi sự cung phụng của mình. Ngoại trừ tòa án tối cao ở New Dehli ra trong thời gian gần đây không hề có một cơ quan tư pháp nào có thể chứng mình được rằng mình độc lập không phụ thuộc vào bất cứ phe phái nào, những cái mà người dân trước đây một thế hệ vẫn còn có thể tin được.
Tham nhũng luôn có ở Ấn Độ từ xưa đến nay; cho đến tận những năm bảy mươi nó vẫn chỉ là một bông hoa trong cánh rừng các điều khoản của luật kinh doanh và vì thế so ra nó cũng không lấy gì là có hại. Các doanh nghiệp tư nhân bôi trơn các quan chức để có thể nhận được các loại giấy phép. Điều này bóp méo sự cạnh tranh, nhưng không làm suy chuyển đến nền tảng của nhà nước. Trong chính trị cũng vậy tình trạng trục lợi phi pháp cũng nằm trong giới hạn. Cả Nehru lẫn người kế nhiệm của ông ta Lal Bahadur Schastri, cũng như các thành viên chính phủ khác trong những năm năm mươi và sáu mươi chưa hề bao giờ bị nghi ngờ là đã bị mua chuộc bằng tiền của. Điều quan trọng nhất chắc chắn là tính chính trực trong công việc xét xử. Năm 1958 khi Nehru muốn cử một trong những luật gia có năng lực nhất của Ấn Độ, ông Mahomedali Currim Chagla, vào chức vụ đại sứ tại Hoa Kỳ, hội đồng luật gia Bombay đã phê phán điều này bằng tất cả mọi hình thức. Một quan tòa đi làm việc cho bên hành pháp đó là điều họ lo sợ sẽ làm hủy hoại hình ảnh của một nền tư pháp độc lập. Còn ngày nay việc cử một vị mũ cao áo dài luôn ngoan ngoãn phục tùng vào một chức vụ nào đó gần gũi với chính phủ sẽ chẳng có ai bận tâm ngăn cản. Chính vì thế khắp mọi nơi ở Ấn Độ tham nhũng và lợi dụng quyền lực đã có thể liên tục mọc lên bừa bãi, mà những kẻ phạm tội không hề sợ bị truy cứu trách nhiệm trước tòa án. Cố gắng đơn độc của vị lãnh đạo ủy ban bầu cử, ít nhất là lo sao cho quá trình bỏ phiếu được hợp lệ, đã cạn kiệt từ lâu.
Sau này mới thấy rõ, rằng Chủ nghĩa Tự do được sắp đặt bởi INC dưới thời Nehru đã bị lãng quên, khi mà các đảng phái mới, có năng lực nổi lên, hò hét kêu gọi không úp mở phải đoàn kết các đẳng cấp, các cộng đồng ngôn ngữ và tôn giáo nhằm tìm kiếm sự ủng hộ. Không có đối tượng nào khác để có thể lấy ra làm ví dụ về vấn đề này tốt hơn là sự thay đổi về mặt cảnh quan và kinh tế ở thành phố Bombay quê hương tôi. Sự tăng trưởng của trung tâm chính trị văn hóa này có được trước hết nhờ vào những thành phần thiểu số thầm lặng của nó, đó là những doanh nhân người vùng Vịnh, những thương gia đến từ Gudscharad, những chủ tiệm ăn người Hồi giáo và, cuối cùng nhưng không kém quan trọng, là những người Anh. Khác với Calcutta và New-Dehli Bombay chưa bao giờ là thủ phủ của chính quyền thực dân. Người ta có thể tưởng tượng đó là một dạng hòa hợp kiểu Ấn Độ giữa New York và Los Angeles: giàu có mới nổi lên, nguyên thủy mộc mạc, sôi động, hướng tới năng suất, nhưng khoan dung. Giống như nhiều thành phố cảng, ở đó những làn gió biển cũng toát lên hương vị của một thế giới bao la, vĩ đại.
Qua rồi! Trong hai mươi năm gần đây sự lớn mạnh của Chủ nghĩa dân tộc Hindu và kiểu chơi địa phương của nó, một dạng chủ nghĩa sô vanh của đẳng cấp Maratha, đã phá hoại một cách có hệ thống thành phố Bombay. Kẻ đi tiên phong của phong trào này là đảng địa phương Shiv Sena, được gọi theo tên của Schiwadschi, một thủ lĩnh băng đảng ở thế kỷ 17 đã nổi lên chống lại những kẻ đạo Hồi có thế lực (moguln) ở Dehli. Đảng này đã tuyên bố giải phóng Maharaschtra và thủ phủ Bombay thoát khỏi ảnh hưởng của ngoại bang. Do vì những người theo đạo Hồi chỉ mới đến Ấn Độ cách đây có 800 năm, cho nên họ đã bị những đệ tử của đảng Shiv-Sena không công nhận là người bản xứ. Biểu hiện rõ ràng nhất của chiến dịch này là việc sửa lại toàn bộ tên địa phương, tên đường và tên các công trình xây dựng không có liên quan gì đến ngôn ngữ Hindu; đỉnh cao của nó là việc đổi tên Bombay thành “Mumbai“ vào năm 1966, một sự việc, trước hết đã lột trần tính chất giả tạo của Chủ nghĩa dân tộc Hindu. Trước khi bị người Bồ đào nha chiếm đoạt không có một thành phố nào có tên Mumbai, cùng lắm là chỉ có một làng đánh cá nhỏ. Bombay là do chính quyền thuộc địa nghĩ ra, cũng như Singapore hoặc Hồng kông. “Mumbai“ chẳng liên quan gì đến quá khứ, mà chỉ là việc đem một huyền thoại vào thực tế.
Trong quy tắc đặt tên và quy tắc trích dẫn thoạt đầu có vẻ như chỉ là những gì liên quan đến bề mặt. Thực ra đằng sau nó chứa đựng một sự thay đổi về giá trị sâu rộng, những sự thay đổi này trong thời kỳ chiến tranh có thể sẽ đưa đến những tranh chấp đẫm máu. Trong thập kỷ vừa qua những người theo đạo Hồi ở Bombay, nhóm thiểu số mạnh nhất về số lượng, đã trở thành mục tiêu của của những cuộc tấn công tàn bạo kể từ khi có sự chia cắt Ân Độ vào năm 1947. Hàng chục ngàn người đã bị giết hại, hàng trăm ngàn người đã phải thoát thân về vùng nông thôn, một sự trái ngược khủng khiếp đó là sự không bình thường của hướng trốn chạy này, lẽ ra những nhóm bị bạc đãi sẽ đi tìm sự bình quyền và bình đẳng về cơ hội ở các thành phố mới phải. Một ủy ban kiểm tra độc lập đã chỉ trích tòa án và cảnh sát đã bỏ rơi các nạn nhân, chẳng những thế thậm chí thỉnh thoảng còn tiếp tay với những kẻ nổi loạn-một chỉ trích đã kích động máu trả thù của những người Hồi giáo và bầu không khí chính trị của toàn bộ Maharaschtra đã bị đầu độc bởi sự phản kháng mang màu sắc tôn giáo, ở mức độ chưa hề có một chứng nhân lịch sử nào từng được chứng kiến. Hình ảnh này lặp lại khắp mọi nơi trên đất nước, gần đây là ở Gudscharat. Bị hứng chịu không chỉ riêng có người Hồi giáo: Từ đầu năm 1998 cho đến cuối năm 1999 ở Ấn Độ số người theo đạo Thiên chúa bị những kẻ cuồng tín giết hại nhiều gấp bốn lần số bị giết trong suốt 35 năm trước đó. Và mặc dù người ta không thống kê được đầy đủ những tội ác như vậy từ năm 1999, thì những số liệu đó cũng đáng đủ để kinh hoàng về độ lớn. Bên cạnh những tội phạm giết người là những làn sóng bạo loạn, ở đó kinh thánh bị thiêu cháy, nhà thờ bị đập phá và các nữ tu sĩ bị hãm hiếp. Lại ở đây cũng vậy các nhà chức trách trong đại đa số trường hợp đã ngăn cản công tác điều tra hoặc cố tình dây dưa kéo dài.
Những căng thẳng về sắc tộc có độ tuổi dài như việc chép sử; không hiếm trường hợp những nhà độc tài chủ ý kích động trong vấn đề này. Cái đáng buồn đó là mức độ vững vàng mà các nền dân chủ non trẻ khi phải đối mặt với các căng thẳng đó. Song về cơ bản cũng dễ nhận ra cái cơ chế của nó: Trong cuộc đấu tranh giành phân bổ quyền lực các nhà chính trị đã chiêu tập thêm người vào tầng lớp cử tri trung thành của mình bằng cách tạo nên một cảm giác “chúng ta“ được cách biệt một cách khéo léo với hình ảnh một kẻ thù không rõ ràng. Việc các mâu thuẫn sắc tộc và tôn giáo trở nên trầm trọng, do vậy không thể tránh khỏi. Đôi khi nó leo thang thành một cuộc chiến tranh.

Chiến tranh

Ngày 8.12 1996 chính trị gia cao cấp của Pháp, nguyên bộ trưởng bộ văn hóa, Jack Lang đã quyết định trong chớp nhoáng bay đến Belgrad. Nguyên do chuyến đi này của ông ta là sự kiện hàng ngàn sinh viên Nam Tư biểu tình phản đối tổng thống của họ, ông Slobodan Milosevic-người mà người Pháp cũng như phần đông giới trí thức phương Tây cho là kẻ chịu trách nhiệm gây ra cuộc chiến tranh tại vùng Balkan. Lang muốn thể hiện sự ủng hộ tại chỗ của mình đối với phe đối lập. Thế nhưng chưa kịp được lãnh đạo của phong trào tiếp đón tại văn phòng của họ tại viện triết học thuộc đại học Belgrad, thì ông ta đã bị họ tống cổ ra, đóng cho con dấu “Kẻ thù của dân tộc Serbia" và ra lệnh trục xuất. Như sau này mới vỡ lẽ, giới trí thức ưu tú không cảm thấy việc tổng thống của mình đã phát động chiến tranh là một điều tội lỗi, mà lỗi chính là ở chỗ ông ta đã bị thất bại.
Sự kiện rắc rối đó đã làm sáng tỏ quan niệm thường thấy và cũng hay bị nhầm lẫn khi cho rằng dân chủ là cái bảo đảm cho sự thông cảm giữa các dân tộc và hòa bình; nó có thể, nhưng cũng không nhất thiết là như vậy. Trong khi một nền dân chủ khai phóng chín chắn thông thường sẽ có khả năng điều hòa các mâu thuẫn sắc tộc một cách không bạo lực và có thể chung sống một cách hòa bình với các nền dân chủ khác, thì việc thiết lập hình thức nhà nước kiểu này trong một xã hội phân rẽ, không có truyền thống hiến pháp sẽ tiếp sức cho chủ nghĩa dân tộc, làm sâu đậm thêm các mâu thuẫn sắc tộc, và thổi bùng ngọn lửa nội chiến.
Các cuộc bầu cử được thực hiên ngay sau khi chế độ cộng sản ở Liên Xô và Nam Tư sụp đổ đã đưa những kẻ ly khai lên nắm quyền lực và đó là điều báo hiệu sự tan rã của những đất nước này. Nếu chỉ có vậy cũng chưa lấy gì làm đau buồn, bởi sự thống nhất của các nước đó thực ra cũng chỉ được duy trì bằng bạo lực; song bởi các nước mới li khai không đảm bảo cho vô số những thành phần thiểu số có được một chút nào quyền được bảo vệ, có các thiết chế hoặc quyền tham gia quyết định, cuối cùng những sự ly khai vội vã đã sa thẳng vào cái vòng ma quỷ của nổi loạn, đàn áp và xung đột chiến tranh.
Ai muốn thắng trong một cuộc tranh cử, người đó phải tự đi thu thập phiếu bầu. Trong các xã hội, ở đó không có sự chung sống ôn hòa giữa các sắc tộc cũng chẳng có sự thích nghi với văn hóa chủ đạo, người ta có thể tương đối dễ dàng quy tụ quanh mình những kẻ ủng hộ bằng sự kỳ thị tôn giáo hoặc sắc tộc. Một nhóm có chung nguồn gốc sắc tộc một khi nắm được quyền lực trong tay nó sẽ tìm cách loại trừ các sắc tộc khác. Thỏa hiệp? không thể có! May ra trong những vấn đề cụ thể như chính sách nhà cửa, chính sách y tế, chính sách xã hội người ta còn có thể thống nhất với nhau. Thế thì con đường trung dung nằm ở chỗ nào, nếu như người ta tranh cãi với nhau về vấn đề quốc giáo đích thực? Sự cạnh tranh về chính trị được thể hiện trong những phạm trù thuộc loại trắng đen sẽ nhanh chóng tiếp nhận một hình thức bạo lực. Chẳng hạn ở châu Phi những người bất đồng chính kiến, những kẻ nổi loạn có vũ trang, và những thành phần đảo chính thường đấu tranh chống lại chính quyền theo chủ nghĩa vị chủng (ethnocentric) vốn được số đông dân chúng ủng hộ. Hai nhà khoa học Mỹ, những người đã nghiên cứu về sự sụp đổ của các nền dân chủ ở châu Phi và châu Á trong những năm sáu mươi đã rút ra kết luận, Chủ nghĩa nghị viện sẽ không có hy vọng tồn tại trong một môi trường ở đó sự ưu tiên đối với tính sắc tộc được nhấn mạnh. Những nghiên cứu mới đây, đặc biệt đối với tình cảnh ở châu Phi và Trung Á đã củng cố thêm cho nhận định bi quan này. Thêm vào đó nhà nghiên cứu về mâu thuẫn Donald Horowitz có viết: “Nhìn vào tổng kết đáng buồn […] về những thất bại của nền dân chủ trong các xã hội phân rẽ […] người ta chỉ muốn giơ tay lên vái trời. Bầu cử để làm gì, nếu như kết cuộc nó chỉ đưa đến, như ở Sambia, sự thay thế một chính phủ Bemba bằng một chính phủ Nyanja cũng hẹp hòi thiển cận như vậy hoặc như ở Benin khi một băng đảng quyền lực ở phương Nam được thay thế bởi một băng đảng ở phương Bắc, một băng đảng thuộc vào cánh tả cũng y hệt như tất cả các băng đảng khác ở khắp mọi miền đất nước?"
Trong lĩnh vực nghiên cứu về quan hệ giữa các dân tộc trong thập kỷ vừa qua có một cuộc tranh luận sôi nổi xung quanh vấn đề “hòa bình mang tính dân chủ“. Được hiểu là xoay quanh nhận định, các nền dân chủ hiện đại chưa bao giờ tiến hành chiến tranh chống lại nhau. Ngoại trừ những vấn đề có nội dung thúc bách (cuộc nội chiến của nước Mỹ nằm ở đâu trong bức tranh tổng thể? Có phải vấn đề hòa bình ít liên quan đến hình thức nhà nước mà chủ yếu liên quan đến chính sách ngăn đe bằng vũ khí nguyên tử?), thì kết quả thống kê tự nó đã thách thức sự mâu thuẫn. Nếu người ta để ý tới con số có tỷ lệ tương đối nhỏ của cả các cộng đồng dân chủ cũng như của các cuộc chiến tranh trong vòng hai trăm năm vừa qua, thì theo như nhà phê bình David Spiro, sự ngưng chiến giữa những nhà nước này chỉ mang tính chất ngẫu nhiên thuần túy. Không có ai trong gia đình ông ta đã từng trúng xổ số, song chẳng có ai trong số những người đã từng bị sự may mắn bỏ rơi một cách triệt để như vậy lại biết cách lý giải về mối tương quan đáng ngờ này. Nhưng giả sử “nền hòa bình dân chủ“ quả thật đáng chú ý về mặt thống kê: thì người ta phải giải thích nó như thế nào?
Immanuel Kant, người cha tinh thần của ý tưởng này, cho rằng, việc quyết định về chiến tranh và hòa bình trong một nền dân chủ sẽ được tiến hành bởi những ai phải trả giá cho hậu quả của chúng-có nghĩa là người dân; cho nên vì thế mà họ phải ứng xử một cách thận trọng tương ứng. Theo đó thì các nhà nước dân chủ về cơ bản phải ôn hòa hơn là các nhà nước khác, nhưng điều này được chứng minh là không đúng. Trái lại: Những nước này thường tiến hành chiến tranh nhiều hơn và sử dụng những vũ khí nặng hơn; chỉ có đối với những nước giống họ họ mới giữ thái độ ngoại giao. Là nguyên nhân có thể, khi quan sát kỹ thấy nổi lên, ở những nền hòa bình dân chủ được đề cập tới đúng hơn phải được coi là những nền hòa bình khai phóng. Đối với Kant dân chủ có nghĩa là nền độc tài của đám đông. Để chống lại ông ta đề xuất mô hình Cộng hòa, và chỉ có mình nó mới có khả năng trở nên một nền “Hòa bình vĩnh cửu". Nhà nước cộng hòa theo Kant được đặc trưng bởi sự phân chia quyền lực, bởi nhà nước pháp quyền, bởi sự bảo vệ các quyền cơ bản và ở một mức độ nào đó bởi quyền được tham gia quyết định về chính trị (cho dù không phải ở hình thức của quyền phổ thông đầu phiếu). Ngay cả các điều kiện giữa nhà nước với nhau của một nền hòa bình vĩnh cửu cũng vận dụng chủ nghĩa hợp hiến và chủ nghĩa khai phóng của nền cộng hòa. Việc công nhận qua lại các quyền của những công dân ngoại quốc, việc có một hệ thống kiểm tra và hòa giải nhằm ngăn chặn sự đơn phương tuyên bố chiến tranh, việc tự do hóa kinh tế và tự do thương mại tất cả sẽ làm cho các dân tộc xích lại gần nhau, làm cho chiến tranh đắt giá và khuyến khích sự hợp tác trong công việc. Từ chỗ này nhà chính trị học và là người nghiên cứu về Kant, Michael Doyel, trong tác phẩm của mình Way of War and Peace xuất bản năm 1997 đã nhấn mạnh, không thể trông chờ một sự thúc đẩy hòa bình từ một nền dân chủ không có các yếu tố tự do hợp hiến:
Kant coi việc tuyệt đối hóa nguyên tắc đa số không là gì. Ai khẳng định, các nền dân chủ là tuyệt đối ôn hòa không có ngoại lệ, kể cả trong các quan hệ đối nội lẫn trong các quan hệ đối ngoại, dĩ nhiên không thể viện dẫn ông ta. Nhiều cộng đồng mang tính cùng tham gia quyết định đã thể hiện là mất tự do. Ngay từ lâu trước thời hiện đại sự cai trị từ nhân dân đã đi liền với tính hung bạo (Thukydides) và tính đế quốc (Machiavelli). […] Một cử tri bình thường hoàn toàn có thể bỏ phiếu cho “sự làm trong sạch sắc tộc“ của một cộng đồng khác được hợp thành một cách dân chủ.
Việc phân biệt giữa các nền dân chủ tự do khai phóng và các nền dân chủ không tự do còn làm lộ ra một điều khác lạ nữa mang tính thống kê. Sau khi đánh giá một khối lượng số liệu phong phú hai nhà khoa học chính trị Snyder và Mansfield đã nhận thấy, rằng các nhà nước sắp trở nên dân chủ trong hai trăm năm vừa qua rõ ràng lâm vào các tranh chấp mang tính quân sự nhiều hơn là những quốc gia chuyên chế ổn định hoặc các nền dân chủ tự do khai phóng. Ở những nước thiếu vắng truyền thống hiến pháp vững chắc thường các lực lượng dân tộc cực đoan và những kẻ hiếu chiến kiếm được lợi nhiều nhất từ quá trình dân chủ hóa: Một khi hệ thống chính trị được mở ra, lúc đó đại diện của các quyền lợi khác nhau sẽ có được ảnh hưởng và có thể dễ dàng hơn tạo nên sự chú ý. Để tự khẳng định mình, các nhà chính trị và quân sự (mà đường công danh phần lớn gắn liền với chế độ trước đây) tìm cách vận động quần chúng tham gia và một sự nghiệp chung của dân tộc. Thêm vào đó họ nhiệt tình khua chiêng gõ mõ, hướng tới một đường lối đối đầu về mặt ngoại giao và chấp nhận việc nói chuyện với nhau bằng vũ khí. Các ví dụ lịch sử có đủ từ Pháp thời Napolenon III, cho tới thời vua Wilhem ở Đức và triều đại Taisho ở Nhật, sang đến Armenia, Aserbaidschan và các nước thuộc Nam Tư cũ. Nếu ngày nay tồn tại sự hòa bình giữa các nền dân chủ, điều đó chẳng có mấy liên quan đến nguyên tắc đa số.

Làm gì?

Người ta có thể thử bỏ qua không nhắc đến những khó khăn trong giai đoạn đầu của nền dân chủ như thể một đề tài khô khan, thì trong bất cứ trường hợp nào nó cũng có liên quan đôi chút đến các cố vấn chính trị và các nhà hàn lâm.Tuy nhiên lý thuyết cần phải nhanh chóng đúng mức, để theo kịp với thực tiễn. Nhiều nước đứng trước câu hỏi con đường dân chủ nào là phù hợp nhất với họ, và đặc biệt là chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ đã liên tục suy nghĩ, cần phải phản ứng như thế nào đối với những tiến bộ hoặc thất bại của các nước khác trên con đường đó. Ai ở đây xuất phát từ một nền tảng lý thuyết sai lầm, kẻ đó nhất định sẽ thất bại trong thực tế-như đã từng xảy ra ở Indonesia chẳng hạn, tại đó chắc chắn người ta phải tiến hành cải tạo một cách thận trọng hơn chứ không như trường hợp xảy ra vào năm 1998. Với thôi thúc mãnh liệt muốn có ngay lập tức một nền dân chủ, IWF (quỹ tiền tệ thế giới) và Hoa Kỳ khi đó đã tham gia vào việc tước bỏ quyền lực của nhà độc tài lâu năm Suharto. Song họ đã tính nhầm theo nghĩa đúng nhất của từ này.
Theo tiêu các chuẩn đánh giá trình bày trong chương trước Indonesia sẽ được khuyên là không nên trở thành ứng cử viên dân chủ. Thứ nhất nó sống bằng nguồn tài nguyên của mình nhiều hơn tất cả các nước còn lại tại Đông nam Á. Thứ hai, nó không có các thiết chế chính trị chính đáng, bởi Shuharto, lẽ ra phải quan tâm đến việc xây dựng chúng thì ông ta lại để đất nước cho những cận thần của mình quản trị. Và thứ ba, dân chủ hóa được tiến hành khi thu nhập bình quân đầu người còn tương đối thấp mới chỉ có 2650USD. Kết quả thu được thật đáng xấu hổ: Từ 1998 đến nay tổng thu nhập quốc dân bị giảm đi một nửa; thành tựu kinh tế của cả một thế hệ bị xóa bỏ. Hai mươi triệu người Indonesia bị tụt xuống mức nghèo. Vũ đài chính trị từ khi trở thành nơi ai cũng bước vào được đã bị những kẻ hồi giáo chính thống sử dụng cho việc đọc kinh cầu nguyện để cho đám đông thính giả tin vào những lời hứa hẹn cứu rỗi đọc theo trong khi họ vẫn còn mơ hồ chưa biết phải làm gì với bài giảng về ý thức công dân. Hiện đã có 20% các vị dân biểu cho biết, họ thực hiện công việc của quốc hội nương theo các niềm tin tôn giáo của mình. Hơn nữa, do bởi lực lượng Hồi giáo bị chính trị hóa đã bị các phong trào ly khai biến thành công cụ, cho nên sự trỗi dậy của nó không chỉ nguy hiểm đối với việc phi tôn giáo hóa, mà còn ảnh hưởng tới sự thống nhất của đất nước Indonesia. Trong khi tham nhũng và thói bao che dung túng cho người nhà nở rộ mạnh mẽ trong sự rối loạn này, thì một phần các cải cách kinh tế bị đình chỉ không được thực hiện.
IWF và chính phủ Hoa Kỳ mặc dù không phải chỉ mình họ có lỗi trong tất cả mọi trường hợp, nhưng họ phải chịu sự chỉ trích vì đã làm cho tính chính đáng của chính phủ Indonesia bị tổn thương và đã thúc đẩy sự sụp đổ nhanh chóng của nó qua lời kêu gọi ngay lập tức phải có những điều chỉnh quyết liệt về cơ cấu nhân kỳ khủng hoảng 1998. Giá như họ đã hiểu được rằng việc cải cách sẽ dẫn đến sự không ổn định về mặt chính trị như thế nào, thì có thể họ đã hạ thấp tham vọng của mình và bằng lòng với chiến lực tiến hành từng bước nhỏ. Chính quyền Suharto dĩ nhiên có những sai lầm mang tính hình thức, nhưng nó đã đảm bảo được trật tự, đảm bảo được tình trạng phi tôn giáo và đã mở cửa thị trường. Đối với một nước thuộc thế giới thứ ba điều này đã vượt quá mức tàm tạm, hơn nữa khi mà những lựa chọn khác có thể chấp nhận được đằng nào cũng chưa thấy ở đâu. Bởi vậy tốt hơn là việc cải cách toàn diện có lẽ khi đó nên tiến hành một cuộc hiện đại hóa từng bước-ít nhất đối với người dân Indonesia bình thường thì sự can thiệp của phương Tây trên hết là phải đem lại lợi ích cho họ.
Không ở đâu sự lựa chọn một cách khó khăn giữa ổn định và hỗn loạn, giữa tự do khai phóng và dân chủ, giữa phi tôn giáo và tôn giáo cuồng tín lại thường trực hơn như ở vùng Trung cận Đông. Chính tại nơi này Hoa Kỳ cần phải được trang bị tốt cho khả năng lý thuyết lẫn thực tiễn của mình.

--------------------------------------

Bài đã đăng:
Fareed Zakaria - TƯƠNG LAI CỦA TỰ DO (tiếp theo) (17.05.2009)
Fareed Zakaria - TƯƠNG LAI CỦA TỰ DO (tiếp theo) (15.05.2009)
Fareed Zakaria - TƯƠNG LAI CỦA TỰ DO (tiếp theo) (12.05.2009)
Fareed Zakaria - TƯƠNG LAI CỦA TỰ DO (tiếp theo) (09.05.2009)
Fareed Zakaria - TƯƠNG LAI CỦA TỰ DO (tiếp theo) (06.05.2009)
Fareed Zakaria - TƯƠNG LAI CỦA TỰ DO (tiếp theo) (01.05.2009)
Fareed Zakaria - TƯƠNG LAI CỦA TỰ DO (tiếp theo) (28.04.2009)
Fareed Zakaria - TƯƠNG LAI CỦA TỰ DO (27.04.2009)

No comments: