Thursday, May 28, 2009

THẤY GÌ QUA BÁO CÁO BÔ-XÍT CỦA CHÍNH PHỦ

Thấy gì qua bản Báo Cáo của Chính phủ về vấn đề bauxite?
Lê Bảo Sơn
Đăng ngày 28/05/2009 lúc 15:57:22 EDT
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=3803

Bản
Báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội để giải trình về việc triển khai các dự án bauxite1[1] thật ra là một bản báo cáo nhằm đối phó với dư luận. Nó chứa đầy những luận điểm mập mờ, những dữ liệu sai sự thật nhằm đánh lừa các đại biểu Quốc hội, lừa dối công luận. Tuy nhiên, đằng sau những lập luận đầy mâu thuẫn đó, bản báo cáo cũng vô tình bộc lộ, “tự khai” ra một số sự thật như sau:

1) Về mối quan hệ giữa Chính phủ và Quốc hội:

Qua bản báo cáo, chúng ta được biết kế hoạch khai thác bauxite tại Tây Nguyên không phải là một hoặc hai dự án, cũng không phải là “các dự án” như bản báo cáo đã gọi. “Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng bô-xít giai đoạn 2007-2015, có xét đến năm 2025”2[2] cho thấy chương trình khai thác bauxite ở Tây Nguyên thật ra là một kế hoạch rất lớn, bao gồm ít nhất là 9 dự án: 6 dự án khai thác bauxite để chế biến thành alumin (1 ở Lâm Đồng, 4 ở Đăk Nông và 1 ở Gia Lai), 1 dự án hydroxit nhôm tại Bảo Lộc (Lâm Đồng), 1 dự án xây dựng tuyến đường sắt Tây Nguyên – Mũi Kê Gà, 1 dự án xây dựng cảng “đa chức năng” tại Mũi Kê Gà (Bình Thuận). Đó là chưa kể đến các dự án khác như: dự án alumin tại Bình Phước trong giai đoạn 3, dự án thủy điện Đồng Nai 5 phục vụ cho dự án luyện nhôm mà TKV “đang triển khai các công tác chuẩn bị” và một số dự án có thể phát sinh khác. Quy hoạch này bao gồm ba giai đoạn, kéo dài 18 năm (2007-2025). Nhưng nếu tính đến thời hạn trong thực tế thì thời hạn của quy hoạch còn dài hơn rất nhiều, vì theo báo cáo của Chính phủ, “các dự án alumin Tây Nguyên đều có tuổi đời dự án trên 50 năm” (trích nguyên văn).

Như vậy, đây là một “đại dự án”, một “tập hợp các dự án” mang tính hệ thống có liên quan đến nhiều ngành và nhiều địa phương, được thực hiện trong thời gian từ 18 đến 50 năm (nửa thế kỷ). Ngoài khai thác và chế biến khoáng sản, đại dự án này còn dính líu đến điện, nước, giao thông vận tải. Đó là chưa kể đến các vấn đề có liên quan đến các lĩnh vực khác như: thương mại, du lịch, môi trường, văn hoá, xã hội, an ninh, quốc phòng, v.v… Quy hoạch có liên quan đến nhiều tỉnh ở Tây nguyên (Lâm Đồng, Đăk Nông, Gia Lai) và Trung Bộ (như Bình Thuận). Nếu xét đến hậu quả về môi trường, còn phải kể vùng đồng bằng hạ lưu sông Đồng Nai – nhất là tỉnh Đồng Nai và thành phố Hồ Chí Minh, là những vùng có thể gánh chịu hậu quả của những quả “bom bùn” từ vùng khai thác bauxite tràn về.

Về vốn đầu tư, theo ước tính của Chính phủ, chỉ riêng công tác thăm dò, khai thác và chế biến bauxite giai đoạn 2007 - 2025 đòi hỏi khoảng 189.110 - 249.420 tỉ VND (tương đương khoảng 11,8 - 15,6 tỉ USD).

Một đại dự án, một kế hoạch lớn lao như thế mà qua bàn tay phù thủy của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) – được sự tiếp tay của Bộ Công thương, đã biến thành một “quy hoạch định hướng” để Thủ tướng phê duyệt để rồi sau đó, được cắt ra từng mảnh nhỏ để Thủ tướng ký giấy phép cho thi hành – tất cả đều không cần thông qua Quốc hội. Khi đại biểu Nguyễn Minh Thuyết nói đến chuyện “lách luật”, ông muốn nói đến những quy định nêu trong Nghị quyết số 66/QH11 ngày 29 tháng 6 năm 2006 của Quốc hội khoá 11, do chính Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng ký tên.

Việc một công trình có tầm cỡ quốc gia như thế lại được tiến hành qua mặt Quốc hội, đặt Quốc hội và nhân dân trước sự đã rồi cho thấy thực chất của Quốc hội, vai trò của Quốc hội trong hệ thống chính trị ở nước ta. Ở đây có trách nhiệm của Chủ tịch Quốc hội là ông Nguyễn Phú Trọng. Đại dự án chắc chắn không thể thực hiện được nếu không có quyết định của Bộ Chính trị, ông Nguyễn Phú Trọng là ủy viên Bộ Chính trị không thể không biết về đại dự án, vậy mà Quốc hội lại bị qua mặt. Điều này cho thấy “cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất” dưới con mắt của Bộ chính trị thực ra chỉ là bù nhìn.

2) Về cung cách làm việc trong nội bộ Chính phủ:

Nếu giả định đại dự án này là “các dự án” hoàn toàn thuộc thẩm quyền của Chính phủ, chúng ta thử xem xét quy trình triển khai các dự án đó đã thật sự diễn ra như thế nào.

Trước hết, chúng ta thấy “Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng bô-xít giai đoạn 2007-2015, có xét đến năm 2025” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào ngày 01 tháng 11 năm 2007. Vậy mà 7 năm trước đó, “Dự án Tổ hợp bô-xít - nhôm Tân Rai - Lâm Đồng” (1 trong 6 dự án khai thác bauxite của TKV) đã được Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư tại công văn số 303/CP-CN ngày 29 tháng 3 năm 2000, và 2 năm trước đó, Báo cáo nghiên cứu khả thi đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua bằng công văn số 808/TTg-CN ngày 17 tháng 6 năm 2005. Điều đó có nghĩa là dự án Tân Rai đã được cho phép tiến hành nhiều năm trước khi có “quy hoạch định hướng” (nói theo ngôn ngữ của Bộ Công thương). Do chưa định hướng toàn cục mà đã vội vã tiến hành theo kiểu ,quy trình ngược cho nên sau khi có sự phản biện của một số nhà văn hoá và khoa học, TKV và Bộ Công thương mới bắt đầu “tiếp thu ý kiến” để sửa sai. Tuyên bố sửa sai, điều chỉnh nhưng trong thực tế thì Công ty Chalieco (một chi nhánh của Tập đoàn nhôm khổng lồ Chalco của Trung Quốc) đã đổ bộ vào Tân Rai cùng với tiền bạc, máy móc, chuyên gia và hàng trăm (hay hàng nghìn?) công nhân (không biết là công nhân thật hay binh lính mặc áo công nhân?).

Về “Dự án khai thác bô-xít và sản xuất alumin Nhân Cơ, tức Đăk Nông 1”, việc phê duyệt nằm ngay trong Quy hoạch phân vùng năm 2007, đến năm 2008 lại được chính Thủ tướng Chính phủ đồng ý nâng công suất nhà máy alumin Nhân Cơ từ 300.000 lên 600.000 tấn/năm (công văn số 728/VPCP-HTQT ngày 02 tháng 5 năm 2008). Nhưng mãi cho đến “hiện nay”, chủ đầu tư (tức TKV) vẫn còn “đang hoàn chỉnh và trình duyệt” bản “Báo cáo đánh giá tác động môi trường”. Chưa hết! Chủ đầu tư (tức TKV) vì làm ào ạt theo kiểu “vừa làm vừa thử nghiệm” nên cũng chưa nắm chắc được hiệu quả kinh tế của Dự án, vì vậy đang “rà soát lại” để trình Bộ Công Thương “kiểm tra, đánh giá”.

Nếu chỉ dựa trên báo cáo này, chúng ta hiểu cung cách làm việc của Chính phủ như sau: dưới sự chỉ đạo của Bộ Công thương, TKV soạn thảo dự án; sau đó, với ý kiến tham mưu của Bộ này, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thế là xong tất. Còn các việc khác, liên quan đến các ngành khác của Bộ Công thương hoặc các Bộ khác (vd: tuyến đường sắt, cảng biển, điện, nước, v.v…) thì cứ dựa vào dự án của TKV làm căn cứ. Tất cả đều phải chạy theo TKV và Bộ Công thương: TKV cần điều gì thì các đơn vị khác phải đáp ứng, Bộ Công thương cần điều gì thì các Bộ khác cứ phải chạy theo kịp thời. Cho nên ngay cả việc “xem xét và so sánh giữa phương án đầu tư tuyến đường sắt đi cảng ở khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu và hiệu quả kinh tế của tuyến đường sắt lựa chọn” (tức tuyến đường sắt từ Tây Nguyên đi Mũi Kê Gà) cũng chưa được bàn đến. Báo cáo cho biết vấn đề này “sẽ được đề cập trong Báo cáo đầu tư và sẽ trình Chính phủ xem xét để báo cáo Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư (nếu thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia theo Nghị quyết số 66/QH11 ngày 29/6/2006)”.

Với cung cách làm việc như thế, người ta có quyền đặt câu hỏi: tại sao TKV - trong thực tế chỉ là một “đại công ty”, lại có quyền lực mạnh đến mức có thể tiến hành một đại dự án một cách cẩu thả như thế mà vẫn được Thủ tướng phê duyệt? Đằng sau họ là những ai? Hay chính họ cũng chỉ thừa hành sự chỉ đạo của một số nhân vật hay thế lực nào đó?

3) Về căn cứ khoa học của đại dự án:


Ở nước ta lâu nay các dự án lớn nhỏ đều do các cơ quan Nhà nước và các nhà khoa học “chính thống” xây dựng. Nhược điểm của các cơ quan Nhà nước và các nhà khoa học chính thống là thích làm vừa lòng lãnh đạo, coi “khoa học phục vụ mục tiêu chính trị” là phương châm chủ yếu. Với cung cách “gọt chân theo giày”, chân lý chạy theo quyền lực, sai sót là điều không thể tránh khỏi. Những sai sót này phải mất một thời gian dài sau đó nhân dân mới được biết, và khi công luận lên án thì cũng không thể truy cứu trách nhiệm vì hầu hết các vị lãnh đạo đều đã quy tiên hay về hưu cả rồi, những người kế thừa chỉ còn biết “rút kinh nghiệm”. Trong một bài viết mới đây3[3], KS Doãn Mạnh Dũng có kể lại những sai lầm trong việc “quy hoạch” Dung Quất thành một cảng nước sâu, dẫn đến hậu quả là cảng nước “sâu” này lại không thể chứa được các tàu lớn có trọng tải trên 7 ngàn tấn. Người phạm sai lầm lại là cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt – một người thật sự có nhiệt tâm đối với tương lai của đất nước. Ông sai vì cách làm việc tắc trách của các cơ quan Nhà nước và sự thiếu trung thực của các nhà khoa học chính thống. Người ta có thể đặt vấn đề: trong trường hợp một Thủ tướng khác – một Thủ tướng mà tấm lòng đối với đất nước quá mỏng, thì hậu quả sẽ còn tai hại đến đâu?
Chính vì vậy mà đại dự án bauxite rất cần có sự đóng góp của giới trí thức trong và ngoài nước – nhất là các nhà khoa học có tư thế độc lập đối với TKV, Bộ Công thương và đối với cả Chính phủ.

Trong thực tế việc thu thập ý kiến của các nhà khoa học đã diễn ra như thế nào?

Báo cáo của Chính phủ cho biết: “Trong quá trình lập, thẩm định và trình duyệt Quy hoạch, Bộ Công nghiệp trước đây và sau này là Bộ Công Thương đã chỉ đạo tổ chức nhiều cuộc hội thảo với sự tham gia của các bộ, ngành và địa phương liên quan và một số nhà sản xuất alumin và nhôm lớn trên thế giới. Quy hoạch đã được gửi lấy ý kiến góp ý chính thức của các bộ, ngành và địa phương liên quan, đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì thẩm định, góp ý và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”.

Điều đó chứng tỏ toàn bộ quy hoạch được thảo luận rất nhiều lần nhưng tất cả đều làm theo kiểu cũ, không tham khảo ý kiến rộng rãi của giới trí thức – nhất là những người có tư thế độc lập đối với TKV và Bộ Công thương, do đó mới có hai bức thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp4[4], và những phản ứng của giới trí thức và các cán bộ hưu trí - mà cao điểm là bản
Kiến nghị với 1.800 chữ ký.

Các cuộc hội thảo mà Báo cáo của Chính phủ nói đến diễn ra ở đâu, nội dung như thế nào, công chúng không hề biết đến. Hai cuộc hội thảo khoa học được công chúng biết đến là cuộc Hội thảo bô-xít tại Đăk Nông do Ủy ban nhân dân tỉnh Đăk Nông phối hợp với Viện tư vấn phát triển tổ chức ngày 22 tháng 10 năm 2008 và cuộc Hội thảo khoa học do Bộ Công Thương phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam tổ chức tại Hà Nội vào ngày 9 tháng 4 năm 2009. Cả hai cuộc hội thảo này đều được tổ chức sau khi hai dự án ở Tân Rai và Nhân Cơ được phê duyệt: dự án Tân Rai được phê duyệt ba năm trước (2005), còn dự án Nhân Cơ được phê duyệt hai năm trước đó (2007).

Điều đáng nói là trong khi Chủ đầu tư (Tập đoàn TKV) đã ký hợp đồng thực hiện gói thầu EPC (thiết kế-mua sắm-xây dựng và đào tạo) để xây dựng nhà máy alumin ở Tân Rai với nhà thầu Chalieco (Trung Quốc) vào ngày 14.7.2008, gói thầu được khởi công ngày 26.7.2008 thì mãi đến ngày 22.10.2008, cuộc hội thảo ở Đăk Nông mới được tổ chức. Và trong khi dư luận bắt đầu xôn xao do những ý kiến của Tiến sĩ Nguyễn Thành Sơn và nhà văn Nguyên Ngọc phát biểu tại cuộc hội thảo thì ở Tân Rai mọi việc vẫn tiếp tục diễn ra theo đúng kế hoạch. Báo cáo cho biết: “Ngày 18 tháng 11 năm 2008, nhà thầu đã tiến hành đào móng các hạng mục chính có thời gian thi công dài…” Cuộc hội thảo tại Đăk Nông không thể làm cho Nhà máy tại Tân Rai ngừng thi công thì cuộc hội thảo vào tháng 4 năm 2009 cũng không thể làm gì để thay đổi tình thế.

Thật ra hội thảo khoa học được tổ chức chỉ nhằm để tạo cái vỏ bề ngoài rằng TKV và Bộ Công thương cũng biết lắng nghe, mục đích là lừa dối dư luận; bởi vì hội thảo khoa học để làm gì một khi kết luận đã có trước? TKV và Bộ Công thương không thể ngừng công trình bởi vì hợp đồng đã ký xong, tiền đầu tư đã được tạm ứng.

4) Về mối quan hệ giữa Nhà nước và nhân dân:

Một kế hoạch lớn lao như thế đáng lẽ phải được tổ chức hội thảo khoa học, phổ biến công khai trên báo chí, tham khảo ý kiến tại Hội đồng nhân dân các tỉnh có liên quan trước khi đưa ra Quốc hội thông qua.

Báo cáo cho biết: “Các địa phương Lâm Đồng và Đăk Nông đều thể hiện mong muốn và ủng hộ việc triển khai nhanh dự án”. Nhưng báo cáo không nói rõ Hội đồng Nhân dân hai Tỉnh Lâm Đồng và Đăk Nông đã thông qua hoặc đã nghe báo cáo về hai dự án nói trên trong những kỳ họp nào? Điều gì cho thấy sự mong muốn và sự ủng hộ nói trên? Báo chí và các đài truyền hình địa phương đã thông báo rộng rãi về những dự án này như thế nào? Bởi vì trong danh sách những người ký tên vào “Kiến nghị về vụ bauxite”, có rất nhiều cán bộ, đảng viên hưu trí đã từng giữ chức vụ cao trong bộ máy Đảng và chính quyền tại Lâm Đồng, trong đó có người từng là Bí thư Thành ủy Đà Lạt, Giám đốc Đài Phát thanh Truyền hình Lâm Đồng, Giám đốc Sở Giáo dục Lâm Đồng, v.v… Nếu việc phổ biến về kế hoạch bauxite được triển khai tốt đẹp như thế, tại sao những người này lại không biết lợi ích của việc khai thác bauxite đối với địa phương?

Thật ra, “các địa phương” mà bản báo cáo nhắc đến không ai khác hơn là chính “các vị llãnh đạo đương nhiệm” tại Lâm Đồng và Đăk Nông - những người chịu một phần trách nhiệm về việc các dự án Tân Rai và Nhân Cơ đang và sắp triển khai tại địa phương mình. Họ ra sức ủng hộ các dự án đó, nhưng bản thân lại không hiểu rõ những tác hại có thể có cũng như tính chất nghiêm trọng về an ninh quốc phòng khi các dự án đó lọt vào tay Trung Quốc - một quốc gia đang có tham vọng về lãnh thổ đối với đất nước ta. Xin đơn cử ông Lê Thanh Phong, Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng. Phát biểu với phóng viên của Tuần Việt Nam, ông nói: “Làm sao người ở ngoài vào có thể đánh giá được tình hình an ninh quốc phòng của tỉnh chúng tôi được. Là người ở địa phương, chúng tôi mới hiểu hết được các vấn đề của mình. Tôi khẳng định Lâm Đồng có đủ điều kiện đảm bảo triển khai thực hiện dự án”.

Khi phát biểu điều này, không biết ông Lê Thanh Phong định ám chỉ “người ở ngoài vào” là những ai? Đại tướng Võ Nguyên Giáp? Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh? Hay Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên? Điều đáng buồn là hình như nhà lãnh đạo địa phương (vốn là một đại tá trong quân đội chuyển sang làm chính trị) lại không hề biết đến hai lá thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Vì theo phóng viên của Tuần Việt Nam, ông “cũng bộc bạch, lãnh đạo tỉnh đã không hề hay biết khuyến nghị từ đoàn nghiên cứu của Liên Xô trước đây về việc không nên khai thác bôxit tại Tây Nguyên, trong đó có Tân Rai.”5[5] Có thể vì không biết sử dụng mạng internet cho nên ông “đại tá” này mới dám buông lời hỗn xược với vị “đại tướng” sáng lập nên Quân đội Nhân dân Việt Nam!

Người đại diện tiêu biểu cho “địa phương” thứ hai là ông Võ Văn Đù, Giám đốc Công an Đăk Nông. Ông tuyên bố: “Trước khi đi họp Quốc hội, chúng tôi đã tổ chức tiếp xúc cử tri. Nhìn chung, tương đối đầy đủ, với 5 địa bàn có mỏ bô-xít, khoảng 1614 cử tri tham dự, với 140 ý kiến phát biểu. Không cử tri nào đặt vấn đề về việc mỏ bô-xit triển khai thế nào. Nhân dân đồng thuận. […] Chúng tôi là đại biểu QH thì Tỉnh ủy, địa phương, Hội đồng nhân dân đều đã thống nhất về chủ trương, đều hy vọng kéo theo dịch vụ phát triển, có thêm công ăn việc làm. Nhưng bà con thì không có ý kiến. Người dân tại chỗ không hề thắc mắc, mà tại sao cử tri các nơi cứ thắc mắc.” Hình như ông công an này ở nơi xa xôi hẻo lánh nên không biết “cử tri các nơi cứ thắc mắc” lên đến con số 1.800 người, trong đó có những nhà khoa học am hiểu vấn đề bauxite hơn ông cả vạn lần. Đó là chưa kể đến Đại tướng Giáp và những vị đáng kính như vừa nêu bên trên, ngoài ra còn có một người cùng ngành với ông là Thiếu tướng Lê Văn Cương ở Viện Chiến lược và Khoa học Công an. Hơn thế nữa, khi Giám đốc Công an mà làm đại biểu Quốc hội thì người dân dưới quyền sinh sát của ông, ai dại gì mà “thắc mắc”? Ông Giám đốc Công an Võ Văn Đù nói như vậy là nói liều, nói lấy được!

Điều cần nhấn mạnh là mãi đến khi lá thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp được công bố, công luận mới biết được sự thật sau đây:
“Cần nhắc lại rằng, đầu những năm 1980 Chính phủ đã đưa chương trình khảo sát khai thác bô-xít trên Tây Nguyên vào chương trình hợp tác đa biên với khối COMECON. Tôi được phân công trực tiếp theo dõi chỉ đạo chương trình này. Sau khảo sát đánh giá hiệu quả tổng hợp của các chuyên gia Liên Xô, khối COMECON đã khuyến nghị Chính phủ ta không nên khai thác bô-xít trên Tây Nguyên do những nguy cơ gây tác hại sinh thái lâu dài rất nghiêm trọng, không thể khắc phục được đối với dân cư chẳng những tại chỗ mà còn cả dân cư và vùng đồng bằng Nam Trung Bộ. Chính phủ khi đó đã quyết định không khai thác bô-xít mà gìn giữ thảm rừng và phát triển cây công nghiệp (cao su, cà phê, chè...) trên Tây Nguyên.” (Thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi TT Nguyễn Tấn Dũng ngày 14/01/09).

Nếu tất cả các cơ quan báo chí, đài phát thanh và truyền hình ở Lâm Đồng và Đăk Nông phổ biến rộng rãi lá thư này, liệu có bao nhiêu người dân, bao nhiêu cán bộ, đảng viên ở các địa phương đó sẵn lòng ủng hộ việc triển khai các dự án bauxite? Và liệu các vị đại biểu Quốc hội của Đăk Nông cũng như Lâm Đồng có dám phát biểu hùng hồn, mạnh dạn như trên hay không?

Trong thực tế, nguời dân – và ngay cả những trí thức ở Lâm Đồng, cũng không biết rõ về quá trình khai thác bauxite, về những tác hại có thể có đối với môi trường. Trong Từ điển tiếng Anh bình thường không có từ alumina [6] mà chỉ có từ aluminium, cho nên sự phân biệt giữa alumina và aluminium chỉ được làm rõ sau khi người ta đọc bản báo cáo của Tiến sĩ Nguyễn Thành Sơn. Vấn đề “bùn đỏ” (red mud) lại càng lạ lẫm đối với người dân và trí thức địa phương. Những đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa như ở Tân Rai, Nhân Cơ lại càng mờ mịt về những khái niệm này. Cho nên có thể nói ở những nơi sôi bỏng đang triển khai các công trình bauxite, chỉ có các cán bộ của TKV và Chalieco là những người hiểu rõ hơn ai hết những hậu quả khôn lường đối với môi trường sau khi bauxite được moi lên từ lòng đất. Những người còn lại thì mù mờ, thậm chí còn bay bổng với ước mơ làm giàu từ bauxite, như ông Điểu K’ré - Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đăk Nông chẳng hạn.

Xét cho cùng, nếu “bom bùn” có bị trôi xuống phía hạ lưu thì chỉ có các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Tp. Hồ Chí Minh là nạn nhân chứ phía Đăk Nông và Lâm Đồng thiệt hại sẽ không có gì đáng kể, vì các tỉnh này nằm ở trên cao. Phải chăng vì thế mà các ông đại biểu Quốc hội như Điểu K’ré, Võ Văn Đù (Đăk Nông) và Lê Thanh Phong (Lâm Đồng) nhất mực “khẩn khoản đề nghị” Quốc hội ủng hộ cho hai dự án Nhân Cơ và Tân Rai? Nghe qua nội dung phát biểu của các ông, người dân các nơi thật sự không hiểu các ông là đại diện cho cử tri địa phương hay là đại diện của bộ máy chính quyền cấp dưới chỉ biết nghe theo lệnh cấp trên? Các ông đứng trên quyền lợi của cả nước để tư duy hay chỉ đứng trên quyền lợi của các cán bộ lãnh đạo địa phương trong cuộc chạy đua về thành tích phát triển kinh tế? Các ông lo cho dân, cho nước hay lo cho quyền lợi của TKV và Chalieco?

Cao nguyên, cuối tháng 5 năm 2009
Lê Bảo Sơn
(Câu lạc bộ Phan Tây Hồ)

---------------------------------------
[1] Báo cáo số 91/BC-CP ngày 22.5.2009 do Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng ký tên.
[2] Xem:
Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 167/2007/QĐ-Ttg ngày 01 tháng 11 năm 2007 (phê duyệt Quy hoạch Phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng bauxit giai đoạn 2007 - 2015, có xét đến năm 2025):
[3] KS Doãn Mạnh Dũng,
“Quốc hội Việt Nam đã từng đưa ra quyết định sai do sự quan liêu của hệ thống hành pháp”, Website Bauxite Việt Nam.
[4] Ngày 20.5.2009 vừa qua, Đại tướng Võ Nguyên Giáp lại gửi một lá thư thứ ba đến Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ, nêu lại đề nghị “dừng mọi dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên, kể cả khai thác thí điểm”.
[5]
“Lao động nước ngoài ở Tân Rai: Địa phương không "bứng" đi được”, Tuần Việt Nam, 26.5.2009.
[6] alumina (tiếng Pháp: alumine): ô-xít nhôm. Báo cáo của Chính phủ gọi là alumin© Thông Luận 2009

No comments: