Sunday, May 31, 2009

SỰ TRỖI DẬY CỦA CÁC CHẾ ĐỘ DÂN CHỦ PHI TỰ DO (2)

Sự trỗi dậy của các chế độ dân chủ phi tự do (2)
Fareed Zakaria
“The Rise of Illiberal Democracy”, Foreign Affairs, November 1997
http://www.fareedzakaria.com/articles/other/democracy.html

Người dịch: Phạm Hồng Sơn (với sự cho phép của tạp chí Foreign Affairs)
Người hiệu đính và chú thích: Mai Thái Lĩnh
28/05/2009 12:11 sáng
http://www.talawas.org/?p=4956

Quyền lực tuyệt đối

JOHN STUART MILL đã mở đầu cuốn luận văn kinh điển Bàn về Tự do (On Liberty) của ông bằng sự ghi nhận là khi một quốc gia trở thành dân chủ, dân chúng có xu hướng tin rằng “người ta đã quá quan trọng hóa việc giới hạn bản thân quyền lực. Đó…là một sự đáp trả nhằm chống lại những kẻ cai trị có lợi ích đi ngược lại lợi ích của nhân dân.” Một khi nhân dân đã tự gánh vác trách nhiệm thì sự thận trọng là không còn cần thiết. “Dân tộc không cần sự bảo vệ để chống lại ý chí của chính nó.”
[1] Để khẳng định lại những lo sợ của Mill, chúng ta hãy xem lại những lời nói của Alexandr Lukashenko[2] sau khi được bầu làm Tổng thống Belarus với kết quả đa số phiếu áp đảo trong cuộc bầu cử tự do năm 1994. Khi được hỏi về việc giới hạn quyền lực của ông ta, Lukashenko tuyên bố: “Chế độ độc tài sẽ không có ở đây. Tôi thuộc về nhân dân, vì vậy tôi sẽ cống hiến vì nhân dân.”
Sự căng thẳng giữa chủ nghĩa tự do hiến định và dân chủ nằm ở vấn đề phạm vi của quyền lực của chính quyền. Tự do hiến định nói đến việc hạn chế quyền lực còn dân chủ lại nói đến việc tích tụ và sử dụng quyền lực. Do đó, nhiều học giả theo trường phái tự do của thế kỷ 18 và 19 đã nhìn thấy trong dân chủ một sức mạnh có thể gây tổn hại cho tự do. James Madison đã lý giải trong Federalist
[3] rằng “nguy cơ đàn áp” trong chế độ dân chủ bắt nguồn từ “phe đa số của cộng đồng.” Tocqueville cũng cảnh báo về “bạo quyền của phe đa số,” và ông viết “bản chất thực sự của một chính quyền dân chủ nằm ở chủ quyền tuyệt đối của phe đa số.”
Khuynh hướng của một chính quyền dân chủ tin rằng nó có chủ quyền tuyệt đối (về quyền lực) có thể dẫn đến sự tập trung quyền lãnh đạo, thường bằng các biện pháp vượt ra khỏi hiến pháp và với những hệ lụy tàn nhẫn. Một thập niên vừa qua cho thấy nhiều chính phủ được bầu ra mặc dù tuyên bố là đại diện cho nhân dân nhưng luôn xâm phạm quyền lực và quyền tự do của các thành phần khác trong xã hội, một sự tiếm quyền trên cả chiều dọc (các cơ quan quyền lực cấp vùng và cấp địa phương, cũng như các doanh nghiệp tư nhân hay các tổ chức phi chính phủ) và chiều ngang (các nhánh khác của chính quyền quốc gia). Lukashenko và Alberto Fujimori
[4] của Peru chỉ là các tấm gương xấu nhất của thực tiễn đó. (Trong khi các hành động của Fujimori như giải tán quốc hội và đình chỉ hiến pháp làm cho chế độ của ông ta khó được gọi là dân chủ, thì điều đáng nói là ông ta đã thắng cả hai cuộc bầu cử và hết sức được lòng dân cho đến tận gần đây.) Thậm chí nhà cải cách tốt bụng như Carlos Menem đã ban bố gần 300 sắc lệnh tổng thống chỉ trong 8 năm cầm quyền, gấp gần 3 lần toàn bộ các sắc lệnh mà các tổng thống trước đó của Argentina đã từng ban bố, tính từ năm 1853 trở lại đây. Askar Akayev[5] của Kyrgyzstan, được bầu lên với 60% số phiếu, đã đề xuất việc tăng thêm quyền lực cho ông ta bằng cách trưng cầu dân ý, và đã được thông qua một cách dễ dàng vào năm 1996. Quyền lực mới của ông ta bao gồm việc bổ nhiệm tất cả các quan chức cao cấp nhất - chỉ trừ chức thủ tướng, nhưng ông ta lại có quyền giải tán quốc hội nếu cơ quan này bác bỏ ba người mà ông đề cử vào chức thủ tướng.
Sự tiếm quyền theo chiều ngang - thường do các tổng thống tiến hành, thì dễ thấy hơn, nhưng sự tiếm quyền theo chiều dọc lại xảy ra phổ biến hơn. Trong ba thập niên qua, chính quyền của Ấn Độ thường giải tán các cơ quan lập pháp cấp bang vì những lý do vu vơ để đặt các địa phương dưới sự kiểm soát trực tiếp của New Delhi. Bằng một biện pháp ít kịch tính hơn nhưng lại có tính điển hình, chính quyền tuyển cử của Cộng Hòa Trung Phi mới gần đây đã chấm dứt tính độc lập đã có từ lâu của hệ thống giáo dục đại học, biến nó thành một bộ phận của bộ máy nhà nước.
Tiếm quyền đặc biệt lan rộng tại Mỹ La-tinh và các quốc gia trong khối Liên bang Xô-viết cũ, có lẽ vì cả hai vùng này phần lớn đều theo chế độ tổng thống. Hệ thống này có xu hướng tạo ra các nhà lãnh đạo mạnh mẽ, những người thường tin rằng họ đang phát ngôn cho dân chúng - ngay cả khi họ được bầu với số phiếu không quá bán (như Juan Linz đã nêu, Salvador Allende được bầu làm Tổng thống Chi Lê năm 1970 chỉ với 36% số phiếu). Trong những trường hợp tương tự (dưới chế độ nghị viện - ND), một thủ tướng sẽ phải chia sẻ quyền lực trong một chính phủ liên hiệp
[6]. Các tổng thống thường đưa các thành phần thân hữu vào nội các hơn là bổ nhiệm các nhân vật cao cấp trong đảng, nhằm duy trì việc kiểm soát nội bộ không đáng kể đối với quyền lực của họ. Và khi quan điểm của họ xung đột với bên lập pháp hoặc thậm chí với bên tòa án, các tổng thống có xu hướng “viện đến toàn dân tộc” để lẩn tránh những khó khăn khi phải thương lượng hay phải xây dựng liên minh. Trong khi các học giả vẫn đang tranh luận về những ưu điểm của hệ thống chính quyền kiểu tổng thống so với kiểu nghị viện, sự tiếm quyền đều có thể xảy ra ở cả hai mô hình một khi thiếu vắng các “trung tâm quyền lực có khả năng chế ước, bổ trợ lẫn nhau” (alternate centers of power) đã phát triển cao như: cơ quan lập pháp mạnh, các tòa án, các đảng chính trị, các chính quyền địa phương, các trường đại học độc lập và hệ thống truyền thông. Mỹ La-tinh hiện nay là sự kết hợp giữa mô hình tổng thống với hệ thống đại diện theo tỷ lệ đang sản sinh ra các lãnh đạo kiểu dân túy (populist)[7] và quá nhiều đảng phái - một sự kết hợp không bền vững.
Nhiều chính phủ và học giả ở phương Tây đang khuyến khích việc hình thành các nhà nước tập quyền mạnh trong Thế giới thứ Ba. Lãnh đạo tại các quốc gia đó lập luận rằng họ cần có quyền lực để kéo đổ chế độ phong kiến, làm rạn vỡ các liên minh cố thủ, gạt bỏ quyền lợi được ban phát và mang lại trật tự cho xã hội đang rối loạn. Nhưng lý luận này đang gây nhầm lẫn giữa nhu cầu cần có một chính quyền chính đáng (legitimate)
[8] với nhu cầu có một chính quyền mạnh. Các chính quyền được xem là chính đáng thường có khả năng duy trì được trật tự và theo đuổi những chính sách kiên quyết, mặc dù chậm rãi, bằng việc xây dựng các liên minh. Sau cùng, một vài người lại cho rằng chính quyền tại các nước đang phát triển không nên có lực lượng cảnh sát mạnh; sự rối loạn có nguồn gốc từ tất cả các lực lượng chính trị, xã hội và kinh tế mà các nước đó đang tích lũy. Trong các cuộc khủng hoảng (như nội chiến chẳng hạn), các chính quyền hiến định có thể không có khả năng để lãnh đạo một cách hiệu quả, nhưng phương án thay thế - tức là các nhà nước với bộ máy an ninh rộng lớn đã đình chỉ các quyền hiến định, lại thường không tạo ra được trật tự, cũng không tạo ra được “chính quyền tốt” (good government). Điều thường thấy hơn là các nhà nước đó trở thành những kẻ cướp bóc, duy trì được một trật tự nào đó, nhưng lại bắt bớ những người đối lập, bịt miệng phía bất đồng chính kiến, quốc hữu hóa các cơ sở công nghiệp và tịch thu tài sản. Trong khi tình trạng vô chính phủ có những nguy cơ của nó, thì những đe dọa lớn nhất đối với tự do và hạnh phúc của con người trong thế kỷ này lại không bắt nguồn từ sự mất ổn định mà đến từ các nhà nước tập quyền mạnh và tàn bạo như nước Đức Phát-xít, nước Nga Xô Viết và Trung Hoa của Mao. Thế giới thứ Ba đã bị rải đầy những công trình đẫm máu của các nhà nước mạnh.
Về mặt lịch sử, sự tập trung quyền lực thiếu kiểm soát đã từng và vẫn là kẻ thù của nền dân chủ tự do. Khi sự tham gia chính trị của dân chúng được mở rộng tại châu Âu trong thế kỷ 19, quá trình tập trung quyền lực đã được chấp nhận một cách êm ả tại các nước như Anh và Thụy Điển, nơi mà các thiết chế hội họp (assemblies) thời trung cổ
[9], các chính quyền địa phương hay các hội đồng cấp vùng vẫn còn được duy trì mạnh mẽ. Mặt khác, ở các nước như Pháp và Phổ (Prussia), nơi mà chế độ quân chủ đã có quyền lực tập trung một cách hiệu quả (theo chiều dọc lẫn chiều ngang), thì thường kết thúc bằng các chế độ phi tự do và phi dân chủ. Không phải là sự ngẫu nhiên đối với Tây Ban Nha trong thế kỷ 20, thành trì cho chế độ tự do lại nằm ở Catalonia, nơi qua nhiều thế kỷ đã là một vùng độc lập và tự trị một cách ngoan cường. Tại Hoa Kỳ, sự hiện diện của rất nhiều thiết chế với nhiều dạng phong phú - ở cấp bang, cấp địa phương hoặc thiết chế tư nhân, đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc chấp nhận sự mở rộng quyền bỏ phiếu một cách nhanh chóng và mạnh mẽ ngay từ đầu thế kỷ 19. Arthur Schlesinger Sr.[10] đã chứng minh bằng tư liệu cho thấy, trong 50 năm đầu tiên của quốc gia Mỹ, hầu như tất cả các bang, các nhóm quyền lợi và các phe phái đã cố làm suy yếu và thậm chí làm sụp đổ chính quyền liên bang như thế nào.[11] Và ngay gần đây thôi, chế độ nửa - dân chủ tự do của Ấn Độ đã sống sót được là nhờ dựa vào - chứ không phải bất chấp, các vùng mạnh mẽ, ngôn ngữ và văn hóa đa dạng và thậm chí nhờ vào các đẳng cấp (castes). Điểm thiết yếu mang tính logic - ngay khi cần phải lặp lại, là: sự đa nguyên trong quá khứ đang giúp đảm bảo sự đa nguyên chính trị trong hiện tại.
Năm mươi năm trước, các chính trị gia tại các nước đang phát triển muốn có một quyền lực phi thường để thực hiện các học thuyết kinh tế thời thượng vào lúc đó như quốc hữu hóa các ngành công nghiệp. Ngày nay, các vị kế nhiệm của họ lại muốn một quyền lực tương tự để tư hữu hóa chính các ngành công nghiệp đó. Sự biện minh của Menem cho các phương pháp của ông ta là: chúng cực kỳ cần thiết để tiến hành các cải cách kinh tế gai góc. Abdala Bucarem của Ecuador và Fujimori cũng đưa ra các lý luận tương tự. Các định chế cho vay như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) đã đồng cảm với những lời cầu khẩn đó và thị trường trái phiếu đã trở nên rất sôi động. Nhưng, ngoại trừ trong những trường hợp khẩn cấp như chiến tranh, các biện pháp phi-tự do, về dài hạn, là không phù hợp với các mục tiêu tự do nhằm giải phóng con người. Một chính quyền hiến định, trên thực tế, vẫn là cái chìa khóa dẫn đến một đường lối cải cách kinh tế thành công. Kinh nghiệm từ Đông Á và Trung Âu đang gợi ý rằng khi các chế độ dù là độc đoán (như tại Đông Á) hoặc dân chủ tự do (như tại Ba Lan, Hungary và Cộng hòa Czech) bảo vệ được các quyền cá nhân - như sở hữu tài sản và ký kết hợp đồng, và tạo ra được một khuôn khổ về luật pháp và quản trị thì chủ nghĩa tư bản và tăng trưởng sẽ đến liền ngay sau đó. Trong bài phát biểu mới đây tại Trung tâm Quốc tế Woodrow Wilson tại Washington, khi giải thích về những yếu tố đang giúp cho chủ nghĩa tư bản nở rộ, Chủ tịch Cục dự trữ Liên Bang Alan Greenspan đã kết luận là “cơ chế dẫn đạo của một nền kinh tế thị trường tự do…là một bộ luật về các quyền con người, được thực thi bởi một hệ thống tư pháp không thiên vị.”
Điều cuối cùng, nhưng có lẽ là quan trọng hơn, là quyền lực được tích lũy nhằm để làm điều tốt sau đó lại có thể được sử dụng để làm điều tồi tệ. Khi Fujimori giải tán quốc hội, tỷ lệ ủng hộ ông ta đã vọt lên tới mức cao nhất. Nhưng các cuộc thăm dò gần đây đều cho thấy phần lớn những người đã từng ủng hộ ông ta, bây giờ lại ước muốn ông ta cần bị khống chế nhiều hơn nữa. Năm 1993 Boris Yeltsin đã nổi tiếng khi tấn công (đúng theo nghĩa đen) quốc hội Nga, nguyên do từ các hành động vi hiến của chính quốc hội. Nhưng sau đó ông ta đã đình chỉ tòa án hiến pháp, giải tán hệ thống chính quyền địa phương và sa thải nhiều thống đốc ở tỉnh. Từ cuộc chiến Chechnya cho tới các chương trình kinh tế, Yeltsin đều thể hiện sự thiếu quan tâm thường có đối với các thủ tục (tiến hành) và các giới hạn được qui định trong hiến pháp. Yeltsin rất có thể có “cái tâm” của một nhà dân chủ tự do, nhưng những hành động của ông đã tạo ra một quyền lực siêu - tổng thống của nước Nga. Chúng ta chỉ có thể hy vọng người kế nhiệm của ông sẽ không lạm dụng điều này
[12].
Trong nhiều thế kỷ, giới trí thức phương Tây luôn có xu hướng nhìn chủ nghĩa tự do hiến định như một cách thực hành cổ lỗ, kỳ quặc trong việc ban hành các quy định (rulemaking), hay chỉ là một thứ chủ nghĩa hình thức nhằm dựa vào cái thứ yếu (nguyên văn: back seat) để chống lại những cái ác to lớn hơn trong xã hội. Sự phê phán hùng hồn nhất đối với quan điểm này cho đến nay vẫn là đoạn trao đổi trong vở kịch “Một người của mọi thời” (A Man For All Seasons) của Robert Bolt
[13]. Chàng trai cuồng nhiệt William Roper đang khát khao chiến đấu với cái xấu, đã bị tinh thần sùng bái pháp luật của quí ông Thomas More gây tức tối. Quí ông More chỉ nhẹ nhàng phản ứng:
More: Thế con sẽ làm gì? Sẽ phá tan pháp luật để lấy đường đuổi theo con quỉ ư?
Roper: Vâng, con sẽ cắt bỏ mọi dây rợ luật pháp ở Anh để làm điều đó!
More: Thế nếu khi luật pháp bị hạ gục hết cả rồi và con Quỉ quay lại tấn công, con sẽ ẩn nấp ở nơi nào, khi mà tất cả luật pháp đã bị san bằng?

--------------------------------

Nguyên tác: Fareed Zakaria, “The Rise of Illiberal Democracy”, Foreign Affairs, November 1997:
http://www.fareedzakaria.com/articles/other/democracy.html
Ngoài những chú thích của người hiệu đính, các chú thích của chính tác giả đều có ghi chữ (F.Z.)
(Còn 1 kì)


-----------------------------------------

[1] John Stuart Mill, On The Liberty, 1859, chap.1-Introductory. http://www.utilitarianism.com/ol/one.html
Trong khi trích câu này, Zakaria đã sử dụng «a response» (sự đáp trả) thay cho « a resource » (một nguồn lực) trong nguyên văn.
[2] Alexandr Lukashenko (hay Alexander Lukashenko) (sinh 1954): cựu đảng viên cộng sản, từ 1992 là chính trị gia độc lập, không đảng phái; Tổng thống Belarus (Bạch Nga) từ 20.7.1994 đến nay. Trước khi bắt đầu sự nghiệp chính trị, ông từng là sĩ quan quân đội, giám đốc nông trường, giám đốc nhà máy. Nổi tiếng là một nhân vật chống tham nhũng, khi bản hiến pháp mới của Belarus cho phép bầu cử Tổng thống một cách dân chủ vào tháng 7 năm 1994, với khẩu hiệu dân túy « đánh bại mafia », Lukashenko thắng trong vòng hai của cuộc bầu cử với 80,1% số phiếu bầu. Sau nhiệm kỳ đầu tiên (1994-2001), ông lại thắng cử một nhiệm kỳ thứ hai (2001-2006) với 75.65% số phiếu ngay từ vòng 1. Năm 2004, sau một cuộc trưng cầu dân ý cho phép gỡ bỏ hạn chế về nhiệm kỳ tổng thống, Lukashenko lại ra ứng cử một nhiệm kỳ thứ ba vào năm 2006, và thắng với số phiếu áp đảo 84,2%. Tuy nhiên, thực tế cho thấy các quyền tự do về ngôn luận, báo chí, hội họp, biểu tình của Belarus ngày càng bị thắt chặt và trấn áp. Kết quả của các cuộc bầu cử năm 2001 và 2006 đều bị các tổ chức đối lập trong nước và nhiều tổ chức quan sát quốc tế cho là gian lận. Cựu bộ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ Condoleezza Rice miêu tả chế độ của Lukashenko là « chế độ độc tài cuối cùng ở châu Âu » mặc dù ông này đã được bầu bởi đa số phiếu qua ba cuộc bầu cử tổng thống liên tiếp với nhiều ứng cử viên cạnh tranh.
[3] Federalist Papers (Văn tập Federalist): nguyên là 85 bài báo do Alexander Hamilton, James Madison, và John Jay viết (với cùng bút danh là Publius) nhằm vận động dân chúng thông qua bản dự thảo Hiến pháp Hoa Kỳ. Các bài báo đăng trên một số tờ báo tại New York, từ tháng 10/1787-tháng 08/1788, bàn về bản chất và các nguyên tắc của chính quyền cộng hòa, về sau được tập hợp lại thành một cuốn sách lấy tên là The Federalist. Sau này Thomas Jefferson đánh giá The Federalist là “cuốn bình luận xuất sắc nhất từng có về các nguyên lý của chính quyền”.
[4] Alberto Fujimori (sinh năm 1938): chính trị gia người Peru gốc Nhật Bản, là Tổng thống Peru từ tháng 7 năm 1990 đến tháng 11 năm 2000. Là một khuôn mặt gây tranh cãi, ông được tín nhiệm vì đã đánh bật gốc chủ nghĩa khủng bố ở Peru cũng như đã phục hồi được sự ổn định kinh tế trên phạm vi vĩ mô, nhưng mặt khác ông lại bị lên án vì đã sử dụng những phương pháp độc đóan và vi phạm nhân quyền. Cuối năm 2000, đối diện với một vụ tai tiếng về tham nhũng, ông trốn sang Nhật Bản, tuyên bố từ chức và sống lưu vong ở đó. Quốc hội Peru đã bác bỏ tuyên bố từ chức của ông và thông qua một quyết định phế truất Tổng thống, đồng thời phát lệnh truy nã Alberto Fujimori trên lãnh thổ Peru về tội tham nhũng và vi phạm nhân quyền. Tháng 11 năm 2005, ông bị bắt giữ nhân một chuyến đi thăm Chile và đến tháng 9 năm 2007, bị dẫn độ về Peru để chịu xét xử về tội vi phạm nhân quyền. Ngày 7.4.2009, Fujimori bị kết án 25 năm tù vì vi phạm nhân quyền do trách nhiệm của ông trong những vụ ám sát và bắt cóc mà “biệt đội tử thần” Grupo Colina đã thực hiện trong cuộc chiến chống lại các du kích quân cánh tả vào thập niên 1990. Trước đó, vào tháng 12 năm 2007, trong một phiên tòa khác, ông đã bị kết án 6 năm tù vì tội lạm dụng quyền lực.
Bản án ngày 7.4.2009 đánh dấu sự kiện lần đầu tiên một nguyên thủ quốc gia được bầu lên một cách hợp pháp đã bị dẫn độ trở về nước và bị xét xử, kết án về những vi phạm nhân quyền.
[5] Askar Akayevich Akayev (sinh 1944): Tổng thống của Kyrgyzstan từ 1990 cho đến khi bị lật đổ vào tháng 3 năm 2005 trong cuộc Cách mạng Hoa Tulip (Tulip Revolution).
Xuất thân là một công nhân luyện kim, Akayev phấn đấu trở thành một nhà khoa học hàng đầu của đất nước. Là chủ tịch Viện hàn lâm Khoa học Kirghiz (1989), nhà khoa học này không mấy quan tâm đến chính trị mãi cho đến khi ông bất ngờ được Xô-viết Tối cao (tức Quốc hội) chọn làm Tổng thống nước Cộng hòa Xô-viết Kirghiz vào ngày 27.10.1990. Tháng 12 năm 1990, Xô-viết Tối cao Kirghiz quyết định đổi tên nước thành nước Cộng hòa Kyrgyzstan (năm 1993 lại đổi tên thành Cộng hòa Kyrgyz). Sau cuộc đảo chính bất thành ở Liên Xô (tháng 8 năm 1991), Kyrgyzstan tuyên bố độc lập, tách khỏi Liên Xô. Akayev được bầu làm tổng thống của quốc gia mới độc lập trong một cuộc bầu cử trực tiếp không có cạnh tranh vào ngày 12.10.1991. Ông được tái cử vào chức vụ Tổng thống hai lần nữa (năm 1995 và năm 2000).
Trong thời gian đầu, Akayev tích cực thực hiện chính sách tư hữu hóa và một đường lối chính trị phóng khoáng, được đánh giá là tổng thống dân chủ nhất trong các nước Trung Á. Dần dần, do tác động của các yếu tố bên ngoài và bên trong, đường lối chính trị của ông ngày càng trở nên cứng rắn. Lòng say mê quyền lực và chủ nghĩa gia đình trị (nepotism) đã làm hư hỏng chế độ chính trị. Cuối 2002, trước những cuộc biểu tình đòi Tổng thống từ chức, Akayev hứa sẽ không tìm cách tiếp tục ứng cử khi nhiệm kỳ của ông chấm dứt vào tháng 10.2005. Nhưng kết quả bầu cử cơ quan lập pháp đầu năm 2005 khiến công chúng nghi ngờ có một âm mưu gian lận để duy trì quyền lực của gia đình Akayev, do đó nhiều cuộc biểu tình đã nổ ra. Ngày 24.3.2005, những người biểu tình xông vào trụ sở của chính quyền ở thủ đô
Bishkek và nắm quyền kiểm sóat ở thủ đô cũng như ở các thành phố quan trọng. Cùng ngày, Akayev trốn sang nước láng giềng Kazakhstan và sau đó đến nước Nga - nơi đây ông được Tổng thống Vladimir Putin đồng ý cho cư trú. Ngày 4.4.2005, Akayev chính thức xin từ chức Tổng thống khi một phái đoàn của Quốc hội từ Kyrgyzstan đến gặp ông tại Nga. Một tuần sau đó, Quốc hội Kyrgyz chấp thuận đề nghị từ chức, sau khi đã tước bỏ mọi đặc quyền của Akayev và gia đình mà Quốc hội khóa trước đã ban tặng.
Hiện nay Akayev vẫn đang giảng dạy và nghiên cứu tại Đại học Quốc gia Lomonosov ở Moskva (M. V. Lomonosov Moscow State University).
[6] Trong chế độ nghị viện (parliamentary system), một đảng không đạt đủ đa số phiếu sẽ phải liên minh với một hay vài đảng khác để thành lập một chính phủ liên hiệp. Chính phủ này được gọi là chính phủ thiểu số.
[7] Populist: Các chính trị gia chú tâm lấy lòng tầng lớp dân thường, nghèo, ít hiểu biết. Tổng thống Iran hiện nay, Mahmoud Ahmadinejad, được các nhà chính trị học và giới báo chí đánh giá là một nhà dân túy.
[8] Chính đáng = legitimate, legitimacy khác với hợp pháp = legal, legality. Hai từ “legitimate” và “legal” có khi trùng ý nghĩa, nhưng trong chính trị học lại có chỗ khác nhau. Một chính quyền chính đáng đương nhiên là hợp pháp, nhưng một chính quyền hợp pháp có khi lại không phải là chính đáng.
[9] Ở Thụy Điển, từ cấp làng xã (härad, hundred) cho đến cấp tỉnh (land, province) đều có các hội nghị (thing hay ting, assembly) - nơi người dân địa phương hội họp để bàn các công việc ở địa phương.
[10] Arthur M. Schlesinger, Sr. (1888-1965), nhà sử học người Mỹ, giáo sư tại Đại học Havard. Con trai ông là Arthur M. Schlesinger, Jr. (1917-2007), cũng là một nhà sử học Mỹ và đã từng là phụ tá đặc biệt của Tổng thống John F. Kennedy từ năm 1961 cho đến khi Kennedy bị ám sát .
[11]Arthur Schlesinger, Sr., New Viewpoints in American History, New York: Macmillan, 1922, pp. 220-40. (F.Z.)
[12] Trong thực tế, người kế nhiệm của Yeltsin (tức Putin) chẳng những đã lạm dụng quyền lực đó mà còn nâng cấp nó lên một bước nữa: bản thân ông ta giữ chức vụ nào thì chức vụ đó lập tức trở thành siêu - quyền lực.
[13] Robert Oxton Bolt (1924 -1995) là một nhà viết kịch người Anh hai lần đoạt giải Oscar về viết kịch bản. Vở kịch “Con người của mọi thời” (tên trong tiếng Pháp là “Con người vĩnh cữu, Un homme pour l’éternité) là một kịch bản viết cho đài phát thanh BBC vào năm 1954, nhưng sau đó được viết lại để dựng kịch, và được công diễn lần đầu vào năm 1960. Cốt truyện dựa trên một chuyện có thật về Sir Thomas More, Tể tướng của nước Anh vào thế kỷ 16, người không ủng hộ Vua Henry VIII trong việc ly dị với người hoàng hậu già nua Catherine of Aragon - người không đẻ cho ông một đứa con trai, để có thể cưới Anne Boleyn, em của một tình nhân cũ của nhà vua. Vở kịch miêu tả More như một con người nguyên tắc - một người được các đối thủ như Thomas Cromwell phải ghen tị và được người dân thường cũng như gia đình yêu mến. Bị xử tử hình năm 1535, Thomas More được tuyên phúc vào năm 1886 và được phong thánh vào năm 1935. Thomas More cũng chính là tác giả của tác phẩm nổi tiếng Utopia (Vùng đất không tưởng, bản dịch tiếng Việt của Trịnh Lữ có nhan đề Địa đàng trần gian, Nxb Hội nhà văn, 2007). William Roper, người đối thọai với More trong đọan này là con rể của More, cũng là tác giả của một cuốn tiểu sử viết về cuộc đời của Thomas More.

No comments: