Wednesday, May 27, 2009

CẦM BÚT THỜI TOÀN TRỊ

Cầm bút thời toàn trị
Trần Khải
Đăng ngày 27/05/2009 lúc 15:31:41 EDT
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=3798
Có phải là thời toàn trị đang trôi qua đi, hay dường như sắp trôi qua đi, tại Việt Nam? Và như thế, có phải rằng công việc cầm bút không còn là phương tiện để làm quan nữa, để các văn gia sẽ trở về, hay có thể là đang trở về, với vai trò một người cầm bút thực sự độc lập, và sẽ chỉ nói lên những gì mình muốn lên tiếng, hay ở chức năng khác, chỉ viết lên những gì đồng bào mong đợi?

Cầm bút để làm quan… Đúng vậy, đó là thời của những triều vua thật xa xưa, và gần thì là ở các triều đại xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Trung Quốc. Và chúng ta đang mong mỏỉ rằng những lệ thuộc cung đình càng kết thúc sớm càng tốt. Bởi vì, không việc gì phảỉ viết lên lời của vua, trong khi muôn triệu người không được lên tiếng.

Một thời xa thật xa, vào những năm trước 1975 tại Sài Gòn, những vở tuồng cải lương thường có những nhan đề đầy âm vang trong trí tưởng thơ dại của tôi thời mới lớn. Kiểu như "Kẻ sĩ và quân vương", hay "Giai nhân và bạo chúa", hay đại loại kiểu như thế. Đó là chuyện cải lương về những triều vua thật xưa, và tôi, dù thỉnh thoảng đi xem cải lương và ưa thích vài câu vọng cổ ngắn, vẫn không tin rằng thời của quần ống loa (thời đó, quần jeans chưa thịnh hành và còn đắt giá ở Việt Nam) và thời của tóc dài kiểu ban nhạc The Beatles (thời đó, phải làm mặt lì lắm, ba mẹ mới chịu thua, để mặc thằng con muốn để tóc sao thì để, chỉ trừ tới lúc phảỉ thi tú tài mới chịu hớt cao) không thể nào dính dáng gì tới quân vương hay bạo chúa.
Đúng vậy, đó là chuyện của cải lương.

Nhiều năm về sau mới biết, thực sự miền Bắc vẫn chưa bao giờ thoát khỏi gọng kềm của quân vương (nếu muốn nói cho đẹp lời) hay của bạo chúa (để nói thẳng). Nghĩa là, tưởng chuyện cải lương là thời xa xưa, ai ngờ vẫn đương hữu ở quê nhà. Và hiện tượng đó, được chính các vị "kẻ sĩ triều đình xã hội chủ nghĩa" kể lại.

Một nhà văn thiên tài mà tôi yêu quý từ khi mới mê đọc sách thời trung học là Nguyễn Tuân. Nhiều năm về sau, được nghe kể rằng cụ Nguyễn, cũng là một công thần chế độ, nói một câu không quên nổi: "Tao còn sống tới giờ là vì biết sợ”. Tuy nhiên, bản chất cụ thơ mộng, chỉ ưa viết truyện, không ưa viết lý luận, nên chúng ta đời sau không hiểu bao nhiêu từ mắt nhìn của Nguyễn Tuân. Thật tiếc, phải chi biết cụ thể về nỗi sợ của cụ Nguyễn, về cụ thể hiện thân nỗi sợ này là các vị hung thần văn học nào, và áp lực hù doạ thế nào, và cách cụ đối phó ra sao. Tất nhiên, phải khác với chuyện Nhân Văn Giai Phẩm rồi.

Tới cuối thập niên 1980s, nhà lý luận văn học Lại Nguyên Ân, trong bài viết nhan đề "Về Một Phương Diện Của Quan Hệ Giữa Văn Nghệ Và Chính Trị" đăng trên báo Sông Hương, Huế, số 31 (tháng 5 và 6/1988), và bây giờ đăng lại ở
www.viet-studies.info, có viết những dòng sau, có vẻ như ám chỉ những người cầm bút như Nguyễn Tuân:
"Những nghệ sĩ lớn, dù bị "điều kiện hoá", bị kiềm tỏa trong vòng vây của văn nghệ quan phương, thì thường vẫn không bao giờ chỉ bằng lòng làm "con hát cung đình", làm kẻ diễn đạt tư tưởng và ý chí, lợi ích và mục đích trước mắt của các bậc quân vương, dù là minh quân đi nữa. Trước sau rút cục họ sẽ "vượt rào" để đóng đúng vai trò cần phải có là đại diện thực sự cho lương tri nhân dân, lương tri thời đại, đại diện thực sự cho văn hoá dân tộc”.

Chúng ta vẫn thực sự không thể nào hiểu hết các chuyện cơ mật trong cung đình, tất nhiên. Chỉ trừ khi nào chế độ sụp đổ - như trường hợp Đông Đức, Ba Lan, Tiệp Khắc… -thì các hồ sơ mật mới được tiết lộ. Nhưng điều tôi vẫn thấy hiển hiện trong trí nhớ thời thơ ấu, một cách tự động, rằng đúng là có những chuyện kiểu như "Kẻ sĩ và quân vương”, cũng như chuyện "Giai nhân và bạo chúa"… Hoá ra, cải lương Nam Bộ là chuyện kể về cung đình Hà Nội? Phải chăng đó là nghiệp vận của đất nước? Các nhà văn như Nguyễn Tuân, đối với tôi, nhất định phảỉ là kẻ sĩ, phảỉ là giai nhân. Không thể khác hơn được. Còn chế độ toàn trị thì, tất nhiên phải gọi là bạo chúa.

Điều may mắn của chúng ta, khác với thời của cụ Nguyễn Tuân, là được đọc thoảỉ mái các lời phê bình về nghệ thuật cung đình. Mà phê bình này là ngay từ những vị ở cấp cao nhất trong ngành văn học.

Trong một bài tham luận về thơ gần đây, do Nguyễn Quang Thiều đọc tại hội thảo "Thơ Đông Á trong thời đại toàn cầu hoá" tại Manhea, Hàn Quốc (đăng lại trên
www.laxanh.vn) có nói về một khát vọng thâm sâu của các nhà thơ bị nhà nước kềm siết, có vẻ như chỉ muốn để lời phê bình này vang dội ngược lại về tận quê nhà Hà Nội:
"…Sự giải phóng hiệu nghiệm nhất những bế tắc của đời sống con người là sự tự nở hoa trong tâm hồn của chính con người. Thơ ca là con đường dẫn con người đến sự tự nở hoa đó. Toàn cầu hoá không phải là sự thống nhất về hệ thống chính trị hay kinh tế của mọi dân tộc trên thế giới. Bởi thơ ca không bao giờ làm được điều đó. Khi thơ ca chạm vào điều đó thì bản chất của nó ngay lập tức bị huỷ diệt. Có một thời gian dài ở Việt Nam, những người kiểm duyệt luôn luôn tìm kiếm những ý đồ phản kháng trong các tác phẩm thơ của các nhà thơ Việt Nam. Và tôi đã phải nói với một số chính khách Việt Nam rằng: dù có cung cấp vũ khí và đô-la cho tất cả các nhà thơ, nhà văn Việt Nam thì họ cũng không biết làm thế nào để lật đổ Chính phủ được”.

Một ước mơ để được tự nở hoa trong tâm hồn, một khát vọng toàn cầu hoá. Có phảỉ nơi đó, các rào ngăn sẽ bị phá vỡ để cho các nhà văn sẽ viết thật, nói thật?

Nhạc sĩ Tô Hải -một đại công thần, người tham gia kháng chiến từ thời trẻ và đã trở thành một rường cột âm nhạc- mới đây đã viết và cho xuất bản cuốn “Hồi ký của một thằng hèn”. Tất nhiên, cuốn này chỉ in được ở hải ngoại. Trong lời đầu sách, đăng ở
www.dcvonline.net, nhạc sĩ Tô Hải kể về lý do viết hồi ký, và nhận định về bạo chúa của mình:
"…những tác giả được Nhà Nước Xã Hội Chủ Nghĩa khen hàng loạt nọ, trong thực tế, còn là những kẻ bán rẻ lương tâm đã lợi dụng các loại hình văn nghệ để ca ngợi những điều bất nhân, bất nghĩa bị cả nhân loại phỉ nhổ: khuyến khích con đấu cha, vợ tố chồng; hô hào kích động người cùng một nước chém giết lẫn nhau; ra sức ngợi ca những tên sát nhân khét tiếng như Stalin, Mao Trạch Đông… thậm chí, còn quỳ gối khấu đầu tạ ơn những tên đao phủ và cái tổ chức tội ác là "Đảng đã cho ta một mùa xuân", dạy những đứa trẻ bập bẹ biết nói: "tiếng đầu lòng con gọi Stalin!" Nhục nhã thay cho những kẻ cam tâm bợ đít, luồn trôn kẻ giết cha mình! Cho tới cuối thế kỷ 20 vẫn còn những kẻ u mê cứ tưởng các "tác phẩm" tuyên truyền cho cuộc chiến huynh đệ tương tàn, cho hận thù dân tộc, cho đấu tranh giai cấp của chúng là giá trị lắm! Cứ xem chúng tâng bốc nhau, nịnh bợ nhau, bôi xấu nhau, kiện cáo nhau, để được nhận cái… vết nhơ một thời làm lính văn nghệ của Đảng thì thấy.
“Không thể nín nhịn mãi, nhân dịp người ta tổ chức mừng sinh nhật 70 tuổi của tôi để ghi công những năm làm nô bộc của tôi, tôi đã công khai phủ nhận tuốt tuột những gì tôi gọi là "tranh cổ động bằng âm thanh" trên Tivi Sài Gòn. Tôi kiên quyết không cho phát lại những gì tôi được nhà cầm quyền ngợi khen suốt quá trình sáng tác…"


Chuyện đang diễn ra đúng như các vở tuồng cải lương tôi say mê thời thơ ấu. Thời đó, rủng rỉnh tiền thì xem cải lương ở rạp, còn túi cạn thì về xem tuồng diễn ở các đình, các miếu. Tôi còn nhớ mang máng về một ngôi đình giữa trung tâm Sài Gòn, ở một góc đường gần sân ga Sài Gòn, kể như cải lương diễn liên tục. Và một số ngôi đình khác nữa ở Sài Gòn, những nơi tôi, một cậu nhóc tì Nam bộ, thỉnh thoảng đạp xe đạp vào xem, như ở Phú Nhuận, hay miệt Phú Lâm…

Thực ra, nhìn cho kỹ, vở tuồng cải lương vẫn chưa kết thúc. Người nhắc tuồng Đại Hán vẫn còn thì thầm ở hậu trường. Người ta vẫn chưa chịu vén màn. Các ngọn đèn nê-ông vẫn chưa phựt sáng hết, mà vần còn đèn màu với phấn song tuồng hát. Bạo chúa vẫn còn sống hùng, sống tàn bạo. Kẻ sĩ và giai nhân vẫn còn phải đấu trí với bạo chúa, vì bạo chúa còn múa kiếm, vuốt râu, chưa chịu dứt hết sáu câu vọng cổ.

Chính ở gần đoạn kết vở tuồng này, chúng ta lại chứng kiến những chuyển biến kịch tính cụ thể: Tác giả Huỳnh Ngọc Tuấn bị thẩm vấn, sách nhiễu; con gái ông là tác giả Huỳnh Thục Vy cũng bị tra hỏi về các bài viết ngoàì lề phải. Bản tin ở trang
www.danchimviet.com viết:
"Tác giả Huỳnh Ngọc Tuấn - người được biết đến trên Đàn Chim Việt với nhiều bài viết, đặc biệt là "Hồi ức nhà tù cộng sản" ghi lại chân thực cuộc sống trong tù của ông cũng như nhiều tù nhân lương tâm khác trong thập niên 1990 và đầu những năm 2000 - vừa gửi thư kêu cứu vì liên tục bị thẩm vấn, sách nhiễu và đe dọa trong 2 tháng vừa qua. Ông Tuấn cho biết, trong ba ngày 14,15,16 Tháng tư, 2009, ông bị công an tỉnh Quảng Nam và công an thành phố Tam Kỳ liên tục "mời" đi "làm việc"…
…Con gái của ông Tuấn - Huỳnh Thục Vy - cũng bị tra hỏi về 2 bài viết đăng trên Đàn Chim Việt, bài "Tản mạn cuối năm" và "Một dòng sông chết, trách nhiệm thuộc về ai?".
Công an Quảng Nam gửi giấy mời cho Huỳnh Thục Vy, cô không tới với lý do không có gì để làm việc với họ. Sau đó, công an đã cho người tới tận nhà để tra hỏi Vy về chuyện viết báo và ý định đi dự "Đại hội Sinh viên,Thanh niên Việt Nam Quốc tế" lần thứ V, do "Mạng lưới tuổi trẻ Việt Nam lên đường" tổ chức tại Malaysia hồi đầu năm 2008.
Những việc làm trên của công an đã gây ra những tổn thất về tinh thần cũng như khó khăn trong công việc làm ăn của gia đình tác giả Huỳnh Ngọc Tuấn”.

Thế đấy. Đọc bản tin như thế, lòng tôi lạị nhớ tới các vở "Kẻ sĩ và quân vương" và "Giai nhân và bạo chúa”. Duy có điều, mình không còn là cậu nhóc tì mới lớn năm xưa ngồi trong các rạp hay các đình miếu ở Saì Gòn. Và những đau đớn, tổn thất cũng không phải là chuyện trên sân khấu rạp nữa. Hãy nhớ tới nỗi sợ của nhà văn Nguyễn Tuân khi phải ấp ủ trong lòng nhiều thập niên, và một hôm buột miệng nói ra là nhờ men rượu. Nó là nỗi sợ cụ thể, không phải chuyện tuồng xưa tích cũ.

Đúng vậy, nó cũng không phải là tổn thất của một người hay hai người cầm bút, mà là tổn thất cho cả dân tộc. Không chỉ là xúc phạm tới riêng một hay hai nhà văn, mà là xúc phạm cho cả dân tộc.

Ai dám để cho vở tuồng đau đớn này kéo dài như thế?

No comments: