Sunday, May 31, 2009

TỐ HỮU : NHÀ THƠ HÀNG ĐẦU THẾ KỶ XX ?

Tố Hữu: Nhà thơ hàng đầu thế kỷ 20?
Nguyễn Văn Lục
31-5-2009
http://www.vantuyen.net/index.php?view=story&subjectid=16098

1. Tố Hữu: Nhà thơ hàng đầu thế kỷ 20?

Tố Hữu đối với một số người Miền Bắc là thần tượng thi ca Cộng sản Việt Nam Người ta ví ông với Mayakovski. Phần đông chẳng mấy người biết ông Mayakovski là ai? Chắc là giỏi. Nhưng với tôi, ông chỉ là một nhà thơ có vấn đề. Có vấn đề không những chỉ đối với phần đông người Miền Nam trước 1975 mà có vấn đề cả với độc giả người Miền Bắc. Đã có vấn đề trong quá khứ và bây giờ, nếu ai còn muốn nhắc tới ông. Nhắc tới là có vấn đề.Người Miền Nam khinh ghét ông và người Miền Bắc quên ông.

1. Độc giả Miền Nam:

Ở Miền Nam, sự khinh ghét đó bày tỏ công khai, như câu truyện dân gian, như một câu truyện tầm phào, mang những “câu thơ vè, tuyên truyền của Tố Hữu” ra để diễu cợt. Một cái nhìn riễu cợt và không có mấy ai muốn viết hẳn hòi một bài phê bình nghiêm chỉnh đánh giá sự nghiệp văn chương của ông.

Họa chăng có ông Nguyễn Hiến Lê trong tập Hồi Ký của ông, tập 2, trang 178, nhà xuất bản Văn Nghệ, ông Lê chê thơ Tố Hữu là kỳ cục khi ca tụng Stalin, thơ không đáng gọi là thơ khi gọi Nguyễn Du là anh. Vậy mà khi nhà xuất bản Văn Học Hà Nội cho phép in lại cuốn Hồi Ký của họ Lê, họ đã biến đổi ra như sau, trang 524: “Tố Hữu là một nhà thơ Cách Mạng, đóng góp rất lớn cho Cách mạng “.
Có dịp, chúng tôi sẽ đem cả hai cuốn sách, một của Nhà Văn Nghệ xuất bản, một của Hà Nội để cho thấy sự bôi bác tráo trở của Hà Nội. (trích trong nguyệt san Dân Chúng, tháng 8/1993, trang 45).

Mới đây Đặng Tiến viết “Phía khác chính kiến, dĩ nhiên lắm kẻ không ưa, thậm chí còn thù oán. Họ thường cố công trích dẫn mấy câu văn vè tuyên truyền quá khích để bêu riếu”. Đó là nhận xét của Đặng Tiến gián tiếp biện hộ cho nhà thơ Tố Hữu.

Bêu riếu là một điều có thể được coi là bình thường trong trường hợp ông Tố Hữu. Nhưng viết về ông mà che chắn không khéo, rất có thể là thiên lệch, có thể tự xếp mình vào vị trí nhà thi sĩ Indésirable

Nói có sách, ta thử đọc những câu thơ sau đây tả lính “ngụy” hãm hiếp dân lành để dò tìm nhân cách Tố Hữu xem sao, đồng thời hiểu được tại sao người đọc ông đà phản ứng như thế.

Thảm lắm anh à lũ ác ônGiết cả trăm người trong một sángMáu tươi lênh láng đỏ đường thônCó những ông già nó khảo traChẳng khai, nó chém giữa sân nhàCó chị gần sinh không chịu nhụcLấy vồ nó đập vọt thai raCó em nhỏ nghịch ra xem giặcNó bắt vô vườn trói gốc cauNó đốt, nó cười.. em nhỏ hétMá ơi nóng quá, cứu con mau ...

Tôi không biết trong hoàn cảnh nào, ông Tố Hữu sáng tác bài thơ này có cảnh “lính ngụy” định hãm hiếp phụ nữ có thai, không được thì lấy vồ đập vọt thai nhi ra. Nhân cách nhà văn có cho phép viêt như thế không?.
Tôi nhớ đến giai thoại mà nhà thơ Trần Đăng Khoa phỏng vấn Tố Hữu về chiến dịch Điện Biên Phủ, ông này cười vui vẻ cho biết: đều viết phịa cả đấy. Viết phịa về Điện Biên Phủ thì còn đuợc, bài thơ phịa trên nay dính dáng đến nhân cách nhà thơ, đến đạo lý làm người, nhất là thứ đạo lý của một nhà văn.

Vấn đề của Tố hữu không còn ở bình diện thơ văn hay dở nữa mà là nhân cách nhà văn.

Tố Hữu có đáng được gọi là nhà thơ không? Thơ có đáng gọi là thơ không theo lời nhận xét của ông Nguyễn Hiến Lê?

Giết, giết nữa, bàn tay không phút nghĩ
Cho ruộng đồng lúa tốt, thuế mau xong
Cho đảng bền lâu, cùng rập bước chung lòng
Thơ Mao chủ tịch, thơ Sít ta lin bất diệt …


Bài Đời đời nhớ ông khó ngửi quá:

Áo ông trắng giữa mây hồng
Mắt ông hiền hậu, miệng ông mỉm cười
Thương cha, thương mẹ, thương chồng
Thương mình thương một, thương ông thưương mười


Có cái đạo lý của chiến tranh nữa. Không phải cứ tuyên truyền thì muốn nói gì thì nói.Sự khinh ghét của người Miền Nam có cái lý của nó. Chả nên coi thường người đọc. Vì đọc những câu thơ ấy, người ta có cảm tưởng nhà thơ phải tự hạ thấp mình lắm mới có thể hạ bút viết.

Khi tự đánh hạ giá nhân cách mình thì giá trị thi ca còn gì?

Như tôi đã viết trong bài về Vũ Hạnh, các nhà văn, nhà thơ Miền Nam có thể bị kiểm duyệt, có thể được trợ cấp gián tiêp, nhưng hèn hay hạ thấp mình , xu nịnh thì kể là hiếm. Người ta không vội nói đến thơ ông hay, dở mà chỉ nói đến vấn đề đạo lý nhà văn. Hèn, xu nịnh, có thể là một nhà thơ số một ba thập niên và hơn nữa nhà thơ số một thế kỷ hay không? Câu xác định này hình như chỉ muốn “khoanh vùng văn chương”, tính từ vĩ tuyến 17 trở ra phía Bắc? Nói đến nhà thơ số một, số hai là một lối nói “chính trị tự phát, quen miệng”. Lấy gì để đo chiều cao một nhà thơ, ngoài cái thước đo chính trị?
Câu trả lời là không và thời gian đã không làm phận sự “xếp một chỗ ngồi nào đó” cho ông được theo như lời giới thiệu bài viết của Đặng Tiến trên Talawas. Và cũng không có thứ “Văn học lâu dài công bình hơn” như nhận xét của anh Đặng Tiến. Nói như thế, chẳng nhẽ trước đây, người ta đã hiểu sai hay bất công đối với ông Tố Hữu? Độc giả Miền Nam đã dung hợp, đã trân trọng những Huy Cận, Văn Cao, Vũ Trọng Phụng và kể như toàn bộ các nhà văn tiền chiến ở lai miền Bắc, bất kể, không trừ. Trừ trường hợp Tố Hữu? Hay nói ngược lại thì chính Tố Hữu mang cái nhãn hiệu chính trị, chẳng những bất công với giới nhà văn nhà thơ Miền Bắc mà còn vùi dập, truy chụp họ trong vụ án Nhân Văn Giai Phẩm?Thơ ông vẫn còn nằm chình ình ra đó, giấy trắng mực đen còn đó.


2. Độc giả miền Bắc.
Độc giả miền Bắc, nhiều người đã quên ông. Tác giả Ngân Xuyên trong dịp trò chuyện với Tố Hữu có kể rằng: “Tôi bước vào nhà ông sáng 30/04/1996 . Nắng rực rỡ phố phường Hà nội cái ngày lịch sử đó. Khu nhà ông rộng rải và vắng vẻ. Tự nhiên, tôi có một cảm giác là lạ . Ông bước ra tiếp chúng tôi trong bộ quần áo mặc ở nhà, trông bình dị như mọi ông lão ở trên đời.”

Nhà ông vắng vẻ, không còn khách tấp nập ra vào, vì nay ông hết làm chính tri, hết quyền hành nên vắng khách lui tới. Nhà thơ ngự trị 30 năm văn học Miền Bắc do vai vế chính trị không phải do văn tài, nay ít người còn muốn nhắc tới ông Không có những gốc gác chính trị ấy, thơ ông còn lại là gì?

Trong tương lai gần, những tuyển tập thơ văn hay nhất thế kỷ 20, sẽ vắng tên ông, hay cố tình bỏ sót? Không thể hy vọng văn học lâu dài có thể công bình hơn với ông. Hy vọng của anh Đặng Tiến có thể đã không đúng chỗ, đúng người .

Còn cả tập thể những nhà văn, nhà thơ Miền Nam bị xóa tên tuổi, tại sao không nghĩ đến số phận họ? Văn học lâu dài đã công bình chưa? Nhưng tôi vẫn xác tín rằng một nhà văn có tài thì cho dù người ta có vùi dập thì tên tuổi vẫn còn đó. Còn không hay, không tài thì có muốn tô hồng cũng vẫn bị đời bỏ quên.

Tố Hữu là một trong những trường hợp ấy . Thơ ông để lại quá nhiều những vết nhám khó bôi xóa được. Những người đồng thời với ông đã đánh giá ông như thế.

Hoài Thanh không thể không có lý khi cố tình bỏ quên tên Tố Hữu trong cuốn Thi Nhân Việt Nam. Cái lẽ công bình của thời gian mà Đặng Tiến hy vọng Tố Hữu được phục hoạt đã thực sự bị chôn vùi từ 1942 với Hoài Thanh rồi?Trần Dần là một nhà thơ lớn đã nhận rõ chân tướng thơ văn Tố Hữu . Đáng nhẽ Đặng Tiến nên để cho Trần Dần có vài nhận xét sổ toẹt về Tố hữu. Theo Trần Dần, Thơ Tố Hữu không có cá tính, không có cái giọng Tố Hữu. Đọc Hoàng Cầm có cái giọng Hoàng Cầm, đọc Tản Đà có cái giọng Tản Đà . Thơ Tố Hữu mờ nhạt quá, chung chung. Trần Dần phang nặng hơn: Thơ Tố Hữu nó nhạt quá, ý lời tầm thường, nó như những công thức, bề ngoài, không đặc sắc. Trần Dần kết luận: Thơ Tố Hữu rất nhiều cái yếu quá, lười biếng quá, tầm thường quá . . Thơ không thực. Đại loại: Chúng bay chỉ một đường ra, một là tiêu diệt , hai là tù binh/

Đại khái như thế, chung chung như thế: nhạt, lảm nhảm, qua loa rơ măng, công thức bề mặt, khuôn đúc có sẵn. Đại loại như: Nhà neo việc bận vẫn đi. Làm thì thi đua , thi đua tốt thì địch chết.

Có gì là mới trong đó, có gì là sáng tạo? Viết bài bản, viết thuộc lòng, “sản xuất thơ”, “thợ thơ”. Khí thơ không còn là thơ thì nó gượng gạo, lắp ghép giả tạo:” Bóng anh nắng chiều, chòm râu mát rượi hòa bình ...Anh vệ quốc quân ơi, sao mà yêu anh thế ... bác thì ung dung trên ngựa bên đường suối reo ..như thể bác đi chơi. Viết như thế thì khen mà hóa ra hại bác quá, chinh chiến gian nan mà bác thong dong như đi chơi ..

Lần đầu tiên, tôi nghe nói đến có thứ thơ lười biếng. Thật hay. Có lẽ không có nhận xét nào hay và chính xác hơn nữa .Thơ lười là thơ tuyên truyền, thiếu sáng tạo, thơ làm cho xong. Khi tả “bác Hồ” thì “nặng công” thức cha già “lãnh tụ mênh mông” ( trích lại Trần Dần- ghi 1954-1960, td mémoire, 2001. Trích lại trên Talawas.). Tất cả đã có sẵn, chỉ việc đóng ghép, sắp xếp cho khéo mà thôi

3. Tố Hữu và Đặng Tiến


Một lần nữa ở đây, xin nhắc Đặng Tiến đừng nên gán ghép oan uổng thơ yêu nước và thơ chính trị. Xếp Tố Hữu vào chung với Nguyễn Trãi hay bất cứ các nhà thơ yêu nước nào khác là không nên. Đặng Tiến cho rằng thơ Tố Hữu có những hạn chế mà Trần Dần đã nói đủ rồi. Tôi đồng ý là Trần Dần đã nói quá đủ, nhưng Đặng Tiến thì không nói đủ mà nói thiếu trung thực, vì nói rằng đó là những hạn chế trong thơ Tố Hữu. Không, đó không phải là những hạn chế. Thơ mà lười, thơ mà không sáng tạo, thơ mà công thức, thơ mà nhạt, thơ mà đáng nhẽ nó to, nó teo lại là thơ không phải thơ.

Thơ đó, phải gọi tên bằng gì? Thơ Teo. Có thể may ra tôi chỉ đồng ý với anh Đặng Tiến nhận xét sau nay: Giọng thơ hào sảng, hiện đại, Xuân Diệu cho là thơ mở Đường. Nhưng rồi sau khi mở, Tố Hữu đóng lại, không cho ai đi cả. Chỉ mình ông đi.

Tố Hữu là nhà thơ teo, độc tài nhất thế kỷ. Cho dù ông có mở đường thì trong suốt hơn 30 năm, ông đã chặn mói lối đi của tất cả các thi sĩ khác. Nếu người ta muốn gọi ông là nhà thơ số một của hơn ba thập niên, chỉ vì không có chỗ cho bất cứ nhà thơ nào khác.

Và xin trích dẫn vài ba câu thơ hay của Tố Hữu dưới mắt Đặng Tiến:

Tháng tám mùa thu xanh thẳm …

Tôi lại làm thơ , như mỗi lần
Nghe ấm trời, lất phất mưa xuân
Con chim chích nhớ mùa táo chin
Rúc rích về ăn táo ngoài sân.

Chim mà về Ăn táo ngoài sân được thì chắc là thơ phải hay.

Nghĩ về Tố Hữu, tôi chỉ có thể gọi ông là thứ quan văn nghệ, một thứ Jdanôv Việt Nam. Lại có vấn đề, Jdanôv là ai nhỉ? trên cả Nguyễn Đình Thi, trên tất cả. Chẳng biết Đặng Tiến nghĩ gì?

Phần tôi làm một liên tưởng đến câu chuyện do Irina Zisman kể khi gặp nhà văn Tô Hoài. Ông Tô Hoài kể cho Irina nghe rằng, ông thường theo dõi giọng nói rất ấm áp và truyền cảm của Irina trên đài phát thanh. Ông thường nghe vào ban đêm, khi mọi người đi ngủ cả, để khỏi phiền mọi người, ông phải đeo ống nghe để nghe về ban đêm và để gần gũi người đọc.

Nghe như thế, Irina không khỏi cảm động và thích thú quá vì được Tô Hoài khen Nhưng trên xe địện ngầm đi về nhà, Irina chợt khám phá ra rằng, đài của cô chỉ có chương trình phát thanh đến 8 giờ tối. Tô Hoài thì nghe giọng nói ấm áp của cô lúc nửa đêm. Cô kết luận, đó là bài học của cô về “chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa”. Tôi hy vọng lần sau cô gặp được nhà phê bình Đặng Tiến.

Đây là những nhận xét của anh Đặng Tiến , tôi chỉ xin được trích dẫn trung thực và thẳng thắn.

Trong cuốn “Thơ Miền Nam trong thời chiến” của nhà văn Trần Hoài Thư, một cuốn sách sưu tầm rất công phu và khá đầy đủ với lời giới thiệu của Đặng Tiến. Tôi xin trích dẫn và so sánh với những lời nhận xét cũa của Đặng Tiến về thơ Tố Hữu để cho thấy sự trái cựa, khác biệt như nước với lửa trong cùng một người viết.Đặng Tiến viết trong cuốn “Thơ Miền Nam…” như sau:
“Khi nghe đến thời chiến, người ta nghĩ ngay đến chiến tranh, chiến đấu chống cái gí . Sách sưu tập không có bài thơ nào tuyên truyền, thỉnh thoảng , có đôi chữ “quân thù” trong nghĩa đối phương, đối thủ, tự nhiên phải có trong chiến cuộc. Nội dung ý này cho thấy Đặng Tiến khen các nhà thơ Miền Nam, làm thơ chiến tranh mà không có ý tuyên truyền. Cái hay, cái đáng quý của các nhà thơ Miền Nam là ở chỗ ấy” .(Thơ Miền Nam trong thời chiến )


“Phía khác chính kiến, (ý nói dân Miền Nam), dĩ nhiên lắm kẻ không ưa, thậm chí còn thù oán . Họ thường cố công trích dẫn mấy câu văn vè tuyền quá khích để bêu riếu”. Nội dung đoạn này, ông tỏ ra bênh vực Tố Hữu với các lọai thơ tuyên truyền. Lập luận của Đặng Tiến thiếu minh bạch, hàm hồ, mỗi trường hợp nói một khác, gán ghép lẫn lộn giữa chính trị- tuyên truyền và yêu nước. Ông cố tình lầm lẫn thơ chính trị, thơ tuyên truyền để biện hộ một cách khớ khạo như sau: “Tố Hữu sử dụng thơ trong mục đích chính trị, cái đó đã rõ, nhưng đồng thời vô hình trung, ông đã sử dụng thơ chính trị làm đòn bảy cho thi ca.”

Đòn bảy ở chỗ nào, anh không nói tới. Mà làm gì có đòn bảy mà nói tới được .

Trong “Sưu tập thi ca”, ông viết khác:

“Lại công bình mà nói: Miền Nam thời đó, không phải là không có thơ tuyên truyền, nhưng vì không mấy người ưa, không mấy ai nhớ, ban sưu tập không ghi lại cũng là duy lý.Khi anh dùng thơ để phục vụ hay biện minh cho cái gì đó, thì khó có được thơ hay. Khi được câu thơ hay thì không những là biệt lệ, mà cái hay không ăn nhập gì vào ý đồ của anh, thậm chí có khi còn đi ngược lại”.


Phần cuối lời giới thiệu tập thơ, ông còn nói rô hơn:” Thơ về chinh chiến, xưa nay không ai theo kịp Đỗ Phủ, được người đời xưng tụng, nhưng không phải là thơ hô hào chiến đấu Việt Nam, cho dù có thật là “đỉnh cao trí tuệ của loài người” cũng không thể đặt mình làm ngoại lệ, nói khác đi, sẽ làm trò cười cho thiên hạ.”

Trong nhận xét trên Đặng Tiến gián tiếp phê bình Đặng Tiến. Đặng Tiến trong “Sưu tập thi ca” chửi Đặng Tiến trong thơ Tố Hữu. Và chỉ còn một điều có thể hóa giải là có thể có hai Đặng Tiến.

Không thể không trân trọng Đặng Tiến trong “Sưu tập thi ca” khi anh đã trích dẫn những bài thơ của những người lính VNCH, đậm tình người, tính nhân bản:

Dù chỉ một ngày ngưng bắn đó con
Cũng đem chiếc áo lành ra mặc
Cũng ăn một bữa cơm cho no
Cũng ngủ một giấc trên giường trên chiếu
Khổ đau lúc này, mẹ gói trong mơ

Tôi nghĩ rằng anh Đặng Tiến, khi nhận xét về các nhà thơ trẻ Miền Nam thời chiến tranh đã viết chân thật, bằng một tấm lòng, bằng sự chia xẻ những tâm tình của những nhà thơ trong “Thơ miền Nam trong thời chiến”. Bởi vì một lẽ đơn giản là chúng ta cùng thân phận, cùng từ đó mà ra .. Những tâm tình của các nhà thơ chỉ là thay chúng ta để viết ra trên giấy.

Nhưng khi viết về Tố Hữu, anh đã đưa ra những nhận xét thiếu trung thực, một lối lý luận khó thuyết phục mà không phải chỗ cho ngòi bút của một người muốn viết phê bình văn học.

Nhưng vì thế, tôi không hiểu được bài viết của anh ấy viết về Tố Hữu. Nó có gì gượng ép, và không đủ thuyết phục, nhất là mâu thuẫn với những nhận xét của anh khi giới thiệu tập sưu tập: “Thơ miền Nam trong thời chiến” của anh Trần Hoài Thư, một công việc mà tôi chỉ biết trân trọng và quý mến.

Phần tôi, bắt buộc phải phải quên một trong hai Đặng Tiến để vẫn giữ được sự trân trọng đối với người đã đề tựa cho cuốn sưu tập thơ của Trần Hoài Thư.

Thật cũng là khó xử cho tôi lắm.

--------------------------------------------


(1) Trích bài thơ Hãy nhớ lấy lời tôi, Tố Hữu, 23/10/1964

... Chúng run lên, xông trói chặt Anh hơn
Đôi mắt Anh đã khô cháy căm hờn:
Phải chiến đấu như một người cộng sản
Trái tim lớn không sợ gì súng đạn!

Lệnh: Hàng đầu quỳ xuống! Một giây thôi
Anh thét lớn: Hãy nhớ lấy lời tôi:
Đả đảo đế quốc Mỹ!
Đả Nguyễn Khánh!

Hồ Chí Minh muôn năm!
Hồ Chí Minh muôn năm!
Hồ Chí Minh muôn năm!
Phút giây thiêng, Anh gọi Bác ba lần!


...

-------------------------------------

Thơ Miền Nam trong thời chiến
Đặng Tiến giới thiệu
Cập nhật : 14/03/2007 15:05
http://www.diendan.org/phe-binh-nghien-cuu/tho-mien-nam-trong-thoi-chien/

----------------------------------------------


Làm thơ về sự thật đâu phải dễ!
Trần Hoài Thư
Aug 11th, 2008
http://nguoivietboston.com/?p=1717

Tháng 8 năm 1966, sau khi tốt nghiệp trường Bộ binh Thủ Ðức, tôi được lệnh về một đại đội thám kích biệt lập thuộc sư đoàn 22 BB tại Bà Gi, tỉnh Bình Ðịnh. Hậu cứ của đơn vị tọa lạc trên ngọn đồi mà dân địa phương gọi là tháp Bánh Ích, giữa ba ngọn tháp Chàm.
Ngọn lớn nhất, nằm ngay trên đỉnh, gọi là tháp Vàng. Một ngọn ngay lưng chừng đồi, nhỏ hơn là tháp Bạc, một ngọn cũng ở lưng chừng giữa, nhưng thấp hơn, và nhìn xuống phía tu viện Nguyên Thiều, gọi là tháp Ðồng. Tháp Vàng được một đơn vị truyền tin Mỹ sử dụng. Tháp Bạc để trống, nằm ngay ở cổng đơn vị. Còn tháp Ðồng được dùng để chứa kho đạn và lương khô của đại đội.
Từ sự gần gũi ba ngọn tháp ấy, tôi càng yêu thơ Chế Lan Viên hơn. (Thời kỳ ở giảng đường đại học, tôi đã yêu thơ ông rồi). Ðọc thơ ông, lòng phải ngậm ngùi bởi biển dâu của lịch sử. Tuy nhiên, tôi chưa hình dung trọn vẹn về những gì mà nhà thơ đã diễn tả như:
Ðây, những Tháp gầy mòn vì mong đợi
Những đền xưa đổ nát dưới Thời Gian
Những sông vắng lê mình trong bóng tối
Những tượng Chàm lở lói rỉ rên than.

Bây giờ tôi mới thật sự “cảm” chúng. Cảm chẳng những bằng mắt mà bằng cả tâm hồn. Tôi mới hiểu tại sao tác giả lại dùng 5 chữ: “gầy mòn vì mong đợi”. Có phải sự thưởng thức thơ được thăng hoa khi ta có cùng tình và cảnh của bài thơ? Nếu ngày trước, tôi yêu thích Ðiêu tàn một lần, thì bây giờ, khi có mặt ở bên tháp, khi coi tháp như mái nhà, tôi lại càng yêu thích Ðiêu tàn đến trăm ngàn lần.

2.
Sau này, tôi mới được biết là sau khi nhà thơ ra Bắc tập kết, khuynh hướng thi ca của ông đã thay đổi rõ rệt. Ông xem thơ như là vũ khí và người thơ như kẻ đứng che ngang tầm chiến lũy. Ông mang thi tài của ông ra để sáng chế những vần thơ giết Mỹ, ngụy. Ông kích động tuổi trẻ miền Bắc giết tuổi trẻ miền Nam. Ông không màng để ý đến đất Bình Ðịnh của ông, là đất của liên khu năm. Ở đó, phần lớn các gia đình đều có chồng có con có anh có em đi tập kết. Và phần lớn cũng có con em đi vào quân đội miền Nam. Ông đã bỏ những ngọn tháp mà đi. Những ngọn tháp vẫn vươn lên trên đồi Bagi, hay An Nhơn, hay Qui Nhơn, Phù Cát… Dưới chân tháp là những khối gạch vụn, lâu ngày bị lở lói hao mòn. Từ màu gạch nung biến sang màu đỏ nhạt, cỏ dại mọc hoang. Ở gần thành Ðồ Bàn, lính Ðại Hàn đã đào một cái huyệt lớn vùi xác tử sĩ sau một trận đánh ở Ðập Ðá, để tiếp tục chứng minh cho bài học điêu tàn của ông. Nhưng thay vì ma hời, bây giờ là ma Việt. Vào hoàng hôn, có lũ dơi bay loạn xạ từ tháp ra ngoài, như khiêu vũ mừng cùng địa phủ.
Bình Ðịnh quê ông buồn thật. Tôi là dân lạ lẫm vùng ngoài đọc những câu thơ của ông về Bình Định mà còn chảy nước mắt:
Mẹ con ta trong thành Bình Định cũ
Cái giếng vườn rau căn nhà nho nhỏ

Chỉ có những con người yêu vô cùng quê hương mới có những câu thơ cảm động như thế. Tuy vậy, đó chỉ là Bình Định trong ký ức của ông. Bởi vì sau khi ông xa An Nhơn, xa Bà Gi, xa Đập Đá, Gò Bồi, Hiếu Lễ, An Cữu, Tân Dân, Luật Chánh, Tuy Phước, Phước Lý, Phước Hãi… thì người mẹ Bình Định ở Gò Găng, mắt mù kết nón, người mẹ ở thành Bình Định cũ, đêm rằm, mang nải chuối, bó nhang mò mẫm ra huyệt mồ thắp lạy cho đứa con đã chết. Và mỗi ngày, xác những đứa con trai có cha đi tập kết ngoài Bắc như ông được xe mười bánh chở về. Bình Định của ông, nhà nào nhà nấy đều là cõi đau thương chất ngất:
“Sự cùng khổ của dân quê, ở đâu cũng vậy. Có khác gì đâu. Bà già, sau cùng anh mới biết là người trong xóm cũ. Những giọt lệ già, long lanh trên đôi mắt lem nhem. Mái tóc bạc phất phơ. Và cái dáng còm cõi, vẫn âm thầm trong khoảng không gian tối sáng. Buổi trưa bốn chiếc phản lực bay làm hai phía… Bà nhìn bên anh, hỏi: chừng nào có hòa bình, anh đã cúi đầu, không trả lời. Rồi sau đó anh đã đi kiểm soát một vòng toán quân của mình chung quanh. Khi anh bước vào nhà thứ nhứt, lính bảo con nhỏ đó, chồng chết. Khi anh bước vào ngôi nhà thứ hai, lính nói con mẹ đó, chồng chết… Khi anh bước vào ngôi nhà thứ ba, cha thằng bé đó đã chết. Anh dụi mắt, thẫn thờ nhìn ra cánh đồng nứt nẻ đằng sau, dày đặc đến những xóm tan hoang che mờ bằng những bụi rậm, những kênh rạch, anh nhận rõ những nhánh hoa phượng ẩn hiện trên nóc giáo đường. Những nhánh hoa phượng thật lẻ loi giữa một màu xanh bát ngát. (“Con đường”, Trần Hoài Thư) [1]
Ngay cả rặng Kỳ Sơn mà ông đã đưa vào thi ca, nơi chỉ có đá và đá, chiến tranh chết chóc cũng tìm đến: Kỳ Sơn cao độ hai trăm thước/ Ðêm hoảng kinh đỏ huyết vầng trăng/ Những xác hôm qua vàng rám mở/ Những anh hùng ngụy tặc nằm chung. (thơ Trần Hoài Thư, trích Ô cửa).
Chiến tranh tàn bạo như vậy, chó má như vậy nhưng thơ ông thì vẫn đầy chất ngất hận thù, cổ vũ xung phong hơn là những lời kêu gọi thống thiết của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Ðể rồi:
Mậu Thân 2.000 người xuống đồng bằng
Chỉ một đêm, còn sống có 30
Ai chịu trách nhiệm về cái chết 2.000 người đó?
Tôi!
Tôi - người viết những câu thơ cổ võ
Ca tụng người không tiếc mạng mình
trong mọi cuộc xung phong.
Một trong ba mươi người kia ở mặt trận
Về sau mười năm
Ngồi bán quán bên đường nuôi đàn con nhỏ
Quán treo huân chương đầy, mọi cỡ,
Chả huân chương nào nuôi được người lính cũ!
Ai chịu trách nhiệm vậy?
Lại chính là tôi!
Người lính cần một câu thơ
Giải đáp về đời,
Tôi ú ớ.
Người ấy nhắc những câu thơ tôi làm người ấy xung phong
Mà tôi xấu hổ.
Tôi chưa có câu thơ nào hôm nay
Giúp người ấy nuôi đàn con nhỏ
Giữa buồn tủi chua cay vẫn có thể cười
Trên đây là bài thơ “Ai? Tôi?” của Chế Lan Viên, được làm sau khi ông chứng kiến một người lính sau chiến tranh kéo lê những ngày nghèo khó. Anh ta là một trong 30 người còn sống sót của một đoàn quân 2000 người mà nhà thơ công nhận là đã dùng thơ ông như vũ khí cổ vũ, hà hơi tiếp sức, để họ lao vào cõi chết.
Ðọc cả bài ta thấy nỗi hối hận dày vò của một nhà thơ. Khi ông nhìn thấy sự thật.

3.
Rõ ràng, việc ngoảnh mặt với sự thật có khi là một tội ác khủng khiếp. Với một đoàn quân 2000 người, trừ ra 30 người còn sống sót, có nghĩa là 1970 người bị tử vong. Ðó là chưa kể đến phe miền Nam. Biết đâu con số ấy lên đến cả ngàn, hay vạn cho cả hai bên? Và có biết bao người vợ mất chồng, con mất cha, mẹ mất con? Nào ai biết.

4.
Nhà thơ Chế Lan Viên đã nhìn nhận trách nhiệm của mình. Còn những người khác thì sao? Lương tâm của họ ở đâu rồi? Họ có bao giờ dám nhận như Chế Lan Viên đã nhận? Họ đã viết những điều dối trá. Những điều mà họ không thấy, không nhìn, không sống. Họ chỉ ngồi trong tháp ngà mà mơ mộng. Họ xúi đám trẻ lao vào cõi chết, trong khi chính con cháu hay người thân của họ thì không dám ra tuyến đầu. Họ hô hào cổ võ, nhưng họ chưa bao giờ hiểu thế nào là tiếng nổ, là sức ép của đất, là đá phải chảy, là một hạt cát dính trong giày trận cũng làm thốn cả bàn chân, là khi di chuyển, muốn đi cầu, đi đái, phải nín như thế nào, là cơn sốt rét ác tính quật ngã, phải bò, phải nhờ người khác dìu hộ. Họ cổ võ “chân đạp bùn chẳng sợ các loài sên”, nhưng họ chưa bao giờ nếm cái cảnh những con đỉa trâu hút máu người, hay hàng ngàn con vắt chỉ một giây, là ào đến tấn công, len lách vào cả trong hạ bộ, tha hồ hút máu.
Thơ họ là thơ xúi. Họ có tài phù thủy thổi chữ nghĩa thành thép, thành vũ khí, thành chất nổ. Có điều, họ chỉ có tài thổi. Nếu cho họ ra ngoài chiến trường nếm mùi đạn bom thì có lẽ họ rút dù chạy lẹ. Nói tóm lại, họ chỉ biết mơ, và bắt người khác thực hiện cái mơ của mình. Họ không thấy bên trong bộ thần kinh của người lính, mà chỉ thấy những gì trong đầu óc họ. Họ không nghe nhịp tim của người lính mà chỉ nghe nhịp tim mình!

5.
Sự thật rõ ràng như ban ngày. Phải không bạn? Dễ như vậy, có gì khó đâu, thế mà đối với một nhà thơ tài danh như Chế Lan Viên, ông lại bất lực:
Người lính cần một câu thơ
giải đáp về đời,
Tôi ú ớ.
Người ấy nhắc những câu thơ tôi làm người ấy xung phong
Mà tôi xấu hổ.
Thì ra, làm thơ về sự thật đâu phải dễ!

© 2005 talawas
——————————————————————————–
[1]Xin đừng nghĩ là kẻ này tự đánh bóng. Người viết cố tìm đoạn văn thơ tương tự của tác giả khác để trích, nhưng chịu thua. Phần lớn là màu áo hoa rừng hoa cài thép súng, hay đương đại…, chứ không có cảnh bị nằm kẹt trên đồi, giữa trùng vây tai ách.


No comments: