Wednesday, February 4, 2009

NGƯỜI VIỆT TẠI CỘNG HOÀ CZECH

Người Việt tại Cộng Hòa Séc
Xuân Cang
Đăng ngày 4-2-2009
http://danchimviet.com/articles/829/1/Ngi-Vit-ti-Cng-Hoa-Sec/Page1.html

Vấn đề người Việt Nam (VN) ở Cộng Hòa (CH) Séc (Czech) trở nên nóng bỏng với các sự kiện liên tiếp như người Việt trồng cần sa, tự tử, giết người, cháy chợ, đơn phương ngừng cấp visa, cảnh sát đánh chết người Việt Nam…

Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu và sự mất thị trường do phương thức kinh doanh kinh tế của nhiều người Việt cũ ở đây gặp khó khăn, đã và đang có cả ngàn người mới trong diện xuất khẩu lao động bị sa thải. Dòng người thất nghiệp hàng ngày tràn về các khu chợ người Việt kiếm việc làm, trong khi nhân công cũ đang làm ở chợ cũng bi sa thải sau lễ Noel.

Là người VN sinh sống và làm việc tại CH Séc, tôi cảm nhận sự khó khăn nói chung của cộng đồng người VN qua chính bản thân. Qua nhiều cuộc tiếp xúc trao đổi với nhiều người, cảm nhận chung là lo lắng bất lực. Thực trạng thu nhập của nhiều người ngày càng giảm. Một số người ở lâu năm cũng bế tắc về việc làm. Lương người đi CH séc theo diện xuất khẩu lao động vẫn không ngừng tăng khi nhiều người đã thất nghiệp.

Tại sao nhiều người VN sẵn sàng liều lĩnh cầm cố cả thước đất cắm dùi của thân nhân để nợ lãi và tìm cơ may trong rủi ro như vậy. Chỉ có thể nghĩ rằng vì trên chính mảnh đất chốn nhau cắt rốn họ không nhìn thấy mảy may hi vọng.

Tôi đã trao đổi với những người mất việc hết hạn cư trú, không tiền không nhà từng ngủ ngoài nhà ga. Nỗi cực nhọc tha hương không nhà đi xin tiền ăn, vẫn không át được nỗi lo canh cánh món nợ nhân lên nơi quê nhà. Họ không những thiếu phương tiện trở về quê hương mà không cả ước nguyện trở về sợ nhìn hậu quả để lại cho người thân. Cuộc khủng hoảng mới chỉ bắt đầu, tự tử, đâm chết người giữa công nhân xuất khẩu và dịch vụ mới chỉ là hồi chuông báo động ban đầu. Đại họa khi hàng ngàn người không hiểu ngôn ngữ văn hóa bị ném ra đường xứ lạ không tiền ăn không chỗ ở, và không hợp pháp.

Khi con người vận động để sống thánh thiện thì họ đặt cái đức lên đầu, khi họ cạnh tranh để làm giàu thường họ đặt giá trị vật chất lên trên, khi người ta giành giật sự sống còn thì mọi giá trị đạo đức văn minh có thể đi vào quên lãng. Hiểm họa phía trước đó không chỉ là của cá nhân những nạn nhân mà còn là hiểm họa của cộng đồng người VN, của xã hội CH Séc, của các nước lân cận, của Việt Nam.

Trước tình trạng báo động đó Nhà nước CHXHCN VN đã làm gì?

Chiều tối 18/11, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam
Lê Dũng nói, "...việc Chính phủ Séc tạm ngưng cấp thị thực cho công dân Việt Nam là không phù hợp với tinh thần thỏa thuận cấp cao hai nước và quan hệ hữu nghị, hợp tác truyền thống Việt - Séc..."

Ông
Vương Thừa Phong, ĐSQ CHXHCN VN tại CH SÉC cho biết: “Ta không đồng ý với quyết định này, coi đây là quyết định đơn phương của Séc”. “Ta luôn cởi mở, không bao giờ gây khó khăn gì cho bạn bè sang, nhất là các quốc gia bạn bè truyền thống như Séc” . “Chúng ta đã tiếp xúc với Đại sứ quán Séc ở Hà Nội, đề nghị Séc xem xét lại quyết định đó. Sứ quán VN ở Séc cũng tiếp xúc các cơ quan chính phủ Séc đề nghị sớm xem xét và huỷ bỏ quyết định này”.

Vừa qua, Đại sứ Vương Thừa Phong đã có buổi làm việc với ông Marian Hosek - Thứ trưởng thứ nhất Bộ lao động và xã hội CH Séc. Cùng dự có ông Nguyễn Đức Tùng, Bí thư thứ nhất - Trưởng ban Quản lý lao động Đại sứ quán.
Nội dung được đăng trên trang web nói chung vẫn là công nhân Việt Nam Lao động tốt, kỷ luật tốt, thu nhập cũng tốt luôn và sẽ tăng cường hợp tác .

Trên đây là phần hoạt động chính của nhà nước có liên quan đến vấn nạn cộng đồng tại CH Séc. Nó chỉ nhằm đến hai mục đích chính: Phản ứng trước việc bắt ngờ đơn phương ngừng cấp visa theo cách nói người Việt “vuốt mặt không nể mũi” và tiếp tục khai thông chiến lược quốc gia Xuất Khẩu Lao Động. Chúng ta có thể hiểu được việc giữ gìn thể diện quốc gia, có thể hiểu được nhu cầu công ăn việc làm cho đồng bào, nhu cầu kiếm tiền nhưng không thể đồng ý được với cách làm chỉ mang tính sĩ diện, cố đạt mục đích ngắn hạn mà không nhìn hậu quả trước mắt và hậu quả lâu dài.

Hội nghị toàn quốc về giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động vẫn tiếp tục “hồ hởi” phấn khởi, quyết tâm, phát huy. Quốc hội và Chính phủ đặt mục tiêu là đưa 90 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài năm 2009. Nhà nước làm ngơ trước thực tế: giới chức nhà nước cùng kẻ cơ hội mặc sức kiếm tiền trên những người dân nghèo, bất chấp khả năng sức khỏe, nhu cầu công việc, bất chấp trình độ chuyên môn, đem con bỏ chợ tha hương xứ người sau khi đã khóa sổ nhà đất, ruộng vườn thân nhân họ. Bất chấp tai họa đã đến và đang đến. Ở thời điểm hiện tại đối với nhiều người cuộc ra đi đã là một đi không trở lại. Họ sẽ là miếng mồi cho giới tội phạm, trồng ma túy, mại dâm...

Qua phương tiện truyền thông tôi thấy vấn nạn Xuất khẩu lao động đã trở thành mối quan tâm của chính phủ CH Séc. Nó đã được bàn thảo để đưa ra những đối sách: Tạm ngừng cấp visa, dự án cấp phương tiện cho người VN hồi hương. Các cơ quan truyền thông, các tổ chức xã hội CH Séc đã đưa vấn đề này ra bàn thảo mổ xẻ, có nhiều cuộc tiếp xúc của nhân viên chính phủ với những người VN quan tâm tới nguy cơ của cộng đồng. Phải nhìn nhận rằng nhà nước CH Séc nghiêm túc tìm hiểu và biết rõ những khó khăn của Người VN tại CH Séc. Các tổ chức xã hội, như Multikulturní centrum Praha, Clovec v tistni, Klub Hanoi, … đã có nhiều cố gắng đáng trân trọng để tham gia giải quyết vấn đề này.

Tại sao phía nhà nước Cộng Hòa Séc lại có những hành động đơn phương khi quyết định vấn đề có tính ngoại giao như việc cấp visa? Tại sao họ cũng đơn phương tìm biện pháp giải quyết vấn đề công dân của 1 quốc gia khác như Việt nam? Phải chăng trong quá khứ Nhà nước CHXHCN Việt Nam chưa bao giờ đáp lại, hay tham gia giải quyết cụ thể bằng hành động những vấn nạn trong cộng đồng người Việt ngoài những văn bản nghe như khẩu hiệu.

Trong vấn nạn trên, người Việt Nam gặp nạn có biết rằng có một Tòa Đại Sứ, một Phòng Lãnh Sự, có những nhân vật quyền năng và trách nhiệm giải quyết những vấn nạn của họ? Tôi nghe nói đã có người tìm đến nhưng không nhận được sự trợ giúp gì. Không oản không xôi thì sư thời XHCN cũng chẳng gõ mõ tụng kinh !!!. Phần đông người Việt Nam ghi trong tâm khảm cửa quan là chỗ tốn tiền, nếu chưa tin là mình lội sông sẽ chết đuối thì chắc chắn họ không lụy đò. Tương lai đen tối đang chờ họ, cuộc sống vô phương ấy có cơ may nào cho họ?

© 2009 Đàn Chim Việt

No comments: