Bất ổn xã hội tại Trung Quốc
Tú Anh
Bài đăng ngày 01/02/2009 Cập nhật lần cuối ngày 01/02/2009 13:47 TU
http://www.rfi.fr/actuvi/articles/110/article_2387.asp
Biểu tình phản kháng xẩy ra liên tục tại Trung Quốc cũng tại vì chính quyền làm ngơ trước mọi yêu sách của dân chúng. Hiến chương 08 mà các thành phần trí thức, chuyên gia trong và ngoài đảng hậu thuẫn, để ra một mô hình tốt để giải quyết xung khắc bằng thương lượng.
Dưới tựa đề "Đã đến lúc thương lượng các cải cách", tạp chí Khai Phóng xuất bản tại Hong Kong nhận định : Xã hội Trung Hoa đang bị nhiều khủng hoảng trầm trọng.Những khủng hoảng và căng thẳng này, ai cũng biết. Nếu không sớm giải quyết qua bàn đàm phán thì hậu quả sẽ vô cùng tai hại nhất là trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế trên toàn cầu.
Nhà báo Nhiễm Vân Phi, tác giả bài phân tích giải thích : Mặc dù xung khắc trong nước diễn ra qua nhiều hình thức, nhưng chung quy xuất phát từ một nguyên nhân chính ,đó là trên đất nước này đạo lý đã tiêu vong và công lý đã biến mất. Vì thế mà người dân bình thường cảm thấy bị đời sống bị bóp nghẹt. Họ đi từ thất vọng đến tuyệt vọng trước một chính quyền độc tài và một loại tư bản nằm trong tay những đảng viên cao cấp. Khi khủng hoảng kinh tế xẩy ra, tâm lý bất mản của người dân càng đậm nét và họ cảm thấy bị vùi dập từ mọi phía.
Tâm trạng này được biểu lộ thường xuyên nhất là biểu tình bạo động , là bất ổn xã hội. Mỗi lần như vậy là có người bị đánh, bị bắt và thậm chí bị giết chết. Có dẹp yên được tạm thời thì thương tổn vẫn còn đó với hậu quả tương lai đầy bất trắc. Bất ổn không giới hạn ở một số địa phương. Nó xảy ra khắp nơi, tạm lắng ở chỗ này thì chỗ khác bùng lên.
Chống đau mà không trị dứt cơn đau.
Từ trước đến nay, chính quyền Trung Quốc chỉ dùng một biện pháp duy nhất là chống đau mà không trị dứt cơn đau. Biện pháp này gồm ba bước : đàn áp, kéo dài thời gian rồi che đậy. Không bao giờ chế độ này tính đến chuyện giải quyết tận gốc những vấn đề mà càng che lấp bao nhiêu thì nó càng bật dậy và khó xử lý bấy nhiêu.
Báo Khai Phóng đưa ra một trường hợp điển hình của lề thói "thủng đâu vá đấy" của Nhà Nước, đó là cuộc tranh chấp trong ngành Taxi. Đình công, khiếu kiện bắt đầu vào tháng 11 từ Trùng Khánh đến đảo Hải Nam rồi qua Hồ Nam, Cam Túc, trước khi lan ra khắp nước như vết dầu loan. Thế mà, những tệ nạn trong cách quản lý ngành taxi tại Bắc Kinh đã được nhật báo Trung Quốc Kinh Tài đã vạch rõ từ 7 năm trước.
Tờ báo này chứng minh một cách không thể chối cãi được là hệ thống taxi tại thủ đô được tổ chức để cho đám chủ nhân làm giàu, cho quan chức được hối lộ hậu hĩnh, để trốn thuế nhà nước, để bốc lột tái xế làm thuê, và để lừa đảo khách hàng. Đến khi xung đột bùng lên, nhà nước mới can thiệp, và can thiệp bằng biện pháp mạnh.
Hậu quả là không giải quyết được tranh chấp mà còn đào sâu hận thù giữa dân và nhà nước. Đây chỉ là một thí dụ minh họa một trường hợp liên quan đến một thành phần nghề nghiệp. Nhưng tại Trung Quốc, từ nông thôn đến thành thị, nơi nào, trong thành phần nào của xã hội cũng đều có xung khắc tương tự đến mức cả đất nước rơi vào bất ổn mà nhiều tranh chấp nghiêm trọng như một bãi mìn.
Trong tình thế này, đông đảo nhân vật có quan điểm bén nhạy, thuộc mọi thành phần xã hội đã kêu gọi các nhà lãnh đạo cao nhất cải tổ chính trị và thiết lập một nhà nước dân chủ tự do. Đề án dân chủ hóa đã được thảo luận nhiều lần trong những câu lạc bộ bán chính thức , nhưng những kẻ nắm quyền, vì muốn duy trì quyền lợi riêng tư, không muốn biết đến.
Tâm nguyện của các nhà trí thức.
Hiến chương 08 được công bố hồi đầu tháng 12/2008 là tâm nguyện của những người trí thức muốn thấy quê hương của họ dấn thân vào con đường dân chủ hóa một cách bất bạo động. 19 đề nghị của Hiến chương không có gì mới mẽ trên mặt lý thuyết, nó chỉ dựa trên những Bản Hiến Pháp của các chế độ dân chủ trên thế giới. Nhưng trong một chế độ độc tài, thì những đề nghi tự do hóa mang ý nghĩa lịch sử và khác thường .
Đến đây, nhà báo Nhiễm Vân Phi bằng lời đanh thép nhắc nhở chính quyền : Chế độ chúng ta là chế độ độc tài. Lãnh đạo của chúng ta không do dân bầu lên. Đã vậy còn gây ra hàng chục sai lầm trong nửa thế kỷ cầm quyền, gây ra bao oán hờn trong dân chúng. Người cầm quyền tiếp tục giữ thái độ cứng rắn trước những thỉnh nguyện ôn hoà của người dân.
Những diễn đàn công luận mất hết thực chất, biến thành vật trang trí do vậy mỗi lần có tranh chấp là có căng thẳng chứ không có đối thoại. Hiến Chương 08 vạch ra những vấn nạn này và đề ra một phương án khung để những kẻ cầm quyền và người dân xóa bỏ sợ hải và nghi ngờ lẫn nhau, để giải quyết xung khắc trên bàn đàm phán .
Giải pháp hợp tình hợp lý nhất là hai bên , trong tinh thần hoà hợp, đề ra dự án dân chủ hóa và tự do hóa chế độ chính trị .
No comments:
Post a Comment