Los Angeles Times
Bộ mặt no đủ bên ngoài của Bắc Triều Tiên không thể che đậy được những dấu hiệu của nạn đói
North Korean facade of self-sufficiency can't hide signs of hunger
By Barbara Demick
November 2, 2008
http://www.latimes.com/news/nationworld/world/la-fg-nampo2-2008nov02,0,5245334.story?page=1
Tại những vùng thôn quê, người lớn cùng trẻ con phờ phạc lang thang đây đó. Nhiều người trong đất nước biệt lập này cố gắng làm việc trên những cánh đồng, nhưng họ không có phân bón và nông cụ.
Tường trình từ Nampo, Bắc Triều Tiên --- Dọc theo hai bên vệ đường, những người dân sục sạo khắp những đám cỏ để tìm kiếm những thứ cỏ dại có thể ăn được. Tại trung tâm thị trấn, một cậu bé khoảng 9 tuổi mặc một chiếc áo vét quân đội tả tơi thõng xuống quá gối. Cậu không mang giày.
Những con người ăn vận tồi tàn nằm la liệt trên bãi cỏ bên ngoài một nhà tắm công cộng, họ không có nơi nào để trú ngụ hoặc không còn đủ sức lực để đi nữa, vào lúc 10 giờ sáng một ngày bình thường trong tuần.
Mặc cho những nỗ lực để không lộ ra sự bần cùng tột độ của Bắc Triều Tiên, chỉ một thoáng nhìn quanh vùng thôn quê thôi đã cho thấy một quang cảnh khốn cùng trong dân chúng. Căn nguyên của vấn nạn này là một thực trạng thiếu thốn lương thực kinh niên, kết quả của lạm phát, những mối quan hệ căng thẳng với các quốc gia láng giềng và nạn lụt lội trong những năm trước.
Các cơ quan viện trợ cho biết mức độ của tình trạng đói khổ không giống như những năm 1990, là thời điểm nước này được xác định như là một quốc gia đang phải chịu nạn đói, mặc dù họ đã phát hiện một ít trường hợp trẻ em bị suy dinh dưỡng, với hội chứng bụng ỏng liên quan tới thiếu ăn. Hầu hết những gì họ đang nhìn thấy dường như là một khung cảnh bơ phờ tập thể - biểu hiện được thấy từ những con người trên đường phố Nampo này.
“Các giáo viên ở đây kể rằng trẻ em bị kiệt sức và đang chậm phát triển về nhận thức và giao tiếp,” theo báo cáo của một nhóm năm cơ quan nhân đạo Hoa Kỳ trong một hoạt động đánh giá tình trạng lương thực mùa hè. “Các công nhân không thể làm việc được cả ngày và không thể làm thêm thời gian để hoàn thành công việc được giao với những loại việc cần hoàn thành sớm và những vụ thu hoạch chính.”
Các bệnh viên than phiền với nhân viên cứu trợ về tình trạng tử vong và quá nhẹ cân ở trẻ sơ sinh. Họ còn cho biết đã thấy có từ 20% tới hơn 40% bệnh nhân bị rối loạn tiêu hóa vì suy dinh dưỡng trầm trọng.
Chương trình Lương thực Thế giới của Liên hiệp quốc cũng có những kết luận tương tự. Trong một nghiên cứu mới đây đối với 375 hộ gia đình, có tới hơn 70% được phát hiện phải bổ sung thêm vào bữa ăn hàng ngày bằng những thứ rau dại và cỏ kiếm từ vùng nông thôn. Các thức ăn hoang dã đó khó tiêu hóa, đặc biệt đối với trẻ em và người già. Nghiên cứu này cũng xác định được hầu hết người lớn đã bắt đầu phải bỏ bữa, giảm mức ăn của họ xuống hai bữa một ngày.
Tình trạng này là khá giống với những biểu hiện từng được cảnh báo về nạn đói giữa những năm 1990 đã giết chết tới 2 triệu người, tức 10% dân số nước này.
“Tình hình hiện tại chưa đạt tới tầm vóc nạn đói đã xảy ra suốt những năm 1990. Hy vọng và mục tiêu của chúng tôi là giữ cho nó không xấu thêm,” đó là đánh giá của Nancy Lindborg, chủ tịch tập đoàn Mercy Corps, một trong những tổ chức cứu trợ Hoa Kỳ đang hoạt động tại Bắc Triều Tiên. “Các bạn có một số nhân tố đã hiệp lực tạo nên một tình hình thực sự khó khăn về lương thực.”
Tại thủ đô Bình Nhưỡng, những cư dân sống trong khu vực dành riêng cho những người Bắc Triều Tiên trung thành nhất về chính trị thì lương thực thực phẩm được bán dồi dào. Một cửa hàng tạp hóa bên trong Siêu thị Rakwon có cả thịt bò Froot Loops đông lạnh. Trong các khu chợ trời, bạn có thể tìm thấy xoài, kiwi và dứa.
Thế nhưng các sản phẩm này quá đắt đỏ đối với hầu hết dân Bắc Triều Tiên, những người có mức lương nhà nước chưa tới 1 đô la một tháng – 60 tới 75 cent hàng tháng cho công nhân, qua nghiên cứu của Chương trình Lương thực Thế giới. Và bạn càng gặp nhiều người ở Bình Nhưỡng, sẽ càng thấy nhiều thêm cuộc sống nghèo khổ.
Nampo cách thủ đô 25 dặm về phía tây nam, bên bờ biển Hoàng Hải. Nó từng là một thành phố cảng thịnh vượng, song ngày nay, bến cảng của nó hầu như được sử dụng cho các chuyến tàu chuyên chở hàng cứu trợ nhân đạo. Vào một buổi sáng bình thường trong tuần, nhiều người dân ngồi dọc theo vỉa hè nhìn vài ba chiếc xe hơi chạy qua. Xem ra họ thuộc loại thất nghiệp hoặc vô gia cư.
Những đứa trẻ chân trần qua lại dọc các con đường trung tâm thị trấn với các dinh thự hào nhoáng nhất, một ngôi nhà màu hồng với mái hình tam giác trưng một tấm biển Kimjongilia, cái tên lai ghép từ tên của nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Chính Nhật [Kim Jong Il]. Một bãi đậu xe kế bên siêu thị được rải cả một thảm ngô phơi khô vàng rực.
Tất cả những miếng đất nào còn trống đều được tận dụng cho việc sản xuất lương thực. Những mảnh lớn nhỏ không đều được bao bọc bởi các lối ra đường cao tốc, thậm chí những doi đất lồi lõm giữa các ngôi nhà và con đường dốc 45 độ, cũng đều được trồng rau.
Hầu hết dân chúng nước này đã gia nhập đội quân sản xuất lương thực. Vào giờ cao điểm của một buổi sáng thứ Sáu, hai bên đường ngoại ô Bình Nhưỡng là những hàng dài công nhân các xí nghiệp nhà nước hành quân về thôn quê để giúp thu hoạch vụ mùa. Nhiều người trong số họ là những phụ nữ trung niên với cách trang phục cùng những chiếc túi xách tay nhỏ làm cho họ trông giống như thể đang đi dự một hội nghị bàn về thương mại, ngoại trừ việc một số đem theo cả cuốc xẻng.
Thiếu lương thực không phải từ một tình trạng thiếu cố gắng làm việc, mà là do khan hiếm công cụ lao động và phân bón thích hợp, cùng với thời tiết khắc nghiệt và địa hình vùng nông thôn bất lợi. Nhiều vụ lúa thất bát do các nông trang tập thể đang sử dụng những chiếc máy tuốt lúa sản xuất từ những năm 1960 và 1970.
Trên những cánh đồng, chỉ có rất ít trâu bò gầy ốm tong teo và hầu như không có phương tiện cơ giới. Những chiếc xe tải ở miền quê đã được trang bị thêm bộ phận chạy bằng than củi thay cho xăng. Dân chúng cõng sau lưng những chiếc bao bố lớn, bước dọc theo những đường ray xe lửa hoen rỉ, nơi giờ đây không có con tàu nào có thể qua lại được. Những chiếc chòi canh được dựng lên trên đồng lúa, rõ ràng là để ngăn ngừa nạn trộm cắp.
Toàn bộ vùng thôn quê đã nặng một thứ mùi của “phân bắc,” hay còn gọi là chất thải của người, được sử dụng làm phân bón.
Mối quan hệ đang tồi tệ thêm của Bắc Triều Tiên với Nam Triều Tiên là một vấn đề lớn. Chính phủ bảo thủ mới lên năm nay ở Seoul đã ngăn cản một chuyến tàu đã được lên kế hoạch chở 300.000 tấn phân bón [cho Bắc Triều Tiên]. Ngoài ra, giá phân bón trên thị trường tự do đã tăng vọt do Trung Quốc đóng cửa nhiều cơ sở sản xuất của mình tại vùng đông bắc để tránh ô nhiễm không khí trong thời gian diễn ra Olympic Mùa hè 2008 tại Bắc Kinh.
Thêm nữa, Trung Quốc đã ban hành những quy định đánh thuế nặng đối với phân bón và ngũ cốc xuất khẩu nhằm ngăn ngừa tình trạng lạm phát trong nước trong giai đoạn bất ổn của nền kinh tế toàn cầu.
Cùng lúc, chế độ Cộng sản hà khắc của Bắc Triều Tiên đã cấm mua bán ngũ cốc trên thị trường tự do.
Chính phủ cũng hạn chế hoạt động của thị trường tự do với những quy định cấm những phụ nữ dưới 40 tuổi làm việc trong khu vực đó, với lập luận rằng thay vì như vậy, họ phải làm những công việc trong khu vực nhà nước.
Các phóng viên đi ngang qua Nampo trên một chiếc xe tải nhỏ đã bị ngăn cấm không được chụp ảnh cho tới khi họ qua khỏi trung tâm thị trấn. Bắc Triều Tiên, quốc gia hiện đang đi theo một ý thức hệ dựa vào chế độ tự cấp tự túc, từ lâu đã giảm tầm quan trọng về quy mô đối với những gì mà nó phụ thuộc vào qua viện trợ nước ngoài để nuôi sống toàn dân.
Bắc Triều Tiên nói rằng tình hình lương thực đang có những bước tiến bộ và rằng một vụ mùa bội thu đang được chờ đợi vào mùa thu này, như là kết quả của các điều kiện thời tiết được cải thiện. Hai năm trước là thời kỳ tai hại bởi ngập úng nặng nề.
“Có một vấn nạn xảy ra từ trước, nhưng hiện nó đang thuận lợi hơn. Chúng tôi mong đợi một vụ mùa bội thu,” theo lời ông Choe Jong Hun, một quan chức của Uỷ ban các Quan hệ Văn hoá với Nước ngoài.
Tuy nhiên, các chuyên gia về Bắc Triều Tiên thấy hoài nghi. “Một vụ mùa tốt đẹp sẽ không thực sự thay đổi được tình cảnh hiện nay,” theo ông Stephan Haggard, một giáo sư trường đại học San Diego từng viết nhiều về nạn đói ở Bắc Triều Tiên.
Chương trình Lương thực Thế giới và các tổ chức cứu trợ Hoa Kỳ đang cung cấp lương thực cho những trường hợp nguy hiểm nhất, bao gồm trẻ em và những phụ nữ có thai. Một chuyến tàu của Hoa Kỳ mang theo hơn 27.000 tấn ngô và đậu tương thành phẩm dự kiến sẽ tới Nampo trong mấy ngày nữa.
Các cơ quan quốc tế đã và đang cố gắng quyên góp tiền bạc để tăng thêm khoản cứu trợ lương thực của họ cho dân chúng nói chung. Nhiều người Bắc Triều Tiên ở thành thị phụ thuộc vào các khẩu phần lương thực bị teo dần đi còn 150 gram mỗi ngày, tức hơn 5 ounce một chút.
Thậm chí tại Bình Nhưỡng, người ta có thể nhận ra những dấu hiệu khan hiếm đằng sau cái mẽ bên ngoài của những gì được cho là một thủ đô hào nhoáng. Những người nước ngoài sinh sống tại đây cho biết họ đã nhìn thấy những đứa trẻ vô gia cư trong ít tháng mới đây - một cảnh tượng đáng chú ý trong một quốc gia chuyên chế nơi mà không ai được đi ra khỏi nơi cư trú hợp pháp của mình.
Tại bức tượng người sáng lập đất nước cao 82 feet, Kim Nhật Thành, một đoàn đại biểu các binh lính ăn mặc đẹp đẽ trong bộ quân phục của mình khi họ tiến đến với một bó hoa trên tay.
Thế nhưng khi những người đàn ông này cúi đầu để tỏ lòng tôn kính của mình, ống quần của họ xốc lên để lộ bên trong nhiều người không mang tất.
Demick là một phóng viên của tờ Times.
Hiệu đính: Blogger Trần Hoàng
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2008
http://blog.360.yahoo.com/blog-C6To.awlc6eMWmDUvAozkYGe?p=2402
No comments:
Post a Comment