Ba sai lầm, một thiếu sót, và… nhiều ngộ nhận về Chomsky
Nguyễn Huy Đức
Đăng ngày 19/11/2008 lúc 10:12:05 EST
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=3286
Vào đầu tháng 10.2008, tuần báo Der Spiegel đã có một cuộc phỏng vấn dành cho Noam Chomsky, nhà ngôn ngữ học kiệt xuất và cũng là một nhà trí thức lớn của thời đại. Bản tiếng Việt đã được nhóm Talawas đưa lên mạng. Qua bài phỏng vấn ngắn, Chomsky bày tỏ quan điểm của ông về cuộc khủng hoảng kinh tế, về cuộc bầu cử tại Mỹ, về chỗ đứng của người trí thức trong xã hội Mỹ. Như thường lệ, những nhận định của Chomsky trong bài phỏng vấn đã gây nhiều bàn cãi trong dư luận, hay ít ra, trong giới trí thức quan tâm đến tình hình chính trị và xã hội Tây Âu. Ngay cả Việt Nam, cũng đã có một số bình luận và nhất là kết luận không ít phần chủ quan về bài phỏng vấn này.
Người viết đã có dịp đọc qua vài tác phẩm của Chomsky và cũng đã học hỏi rất nhiều qua một số bài bình luận của ông trên báo Le Monde Diplomatique. Vì vậy, người viết đã không cảm thấy ngạc nghiên khi đọc bài phỏng vấn của Der Spiegel. Điều đáng quan ngại là những phản ứng về bài phỏng vấn này đã chứng tỏ một điều: Có quá nhiều ngộ nhận về Chomsky! Đáng buồn hơn nữa là hình như giới trí thức, đặc biệt giới trí thức Việt Nam, vẫn đường xưa lối cũ, tôn vinh những vĩ nhân mà không bao giờ xét lại những gì vĩ nhân đó nói đúng hay sai. Con người vẫn là con người, chẳng ai hoàn hảo. Chomsky không là ngoại lệ.
Ba sai lầm : Rủi ro, trách nhiệm và thị trường
Về rủi ro của một sinh hoạt, Chomsky đã phân thành hai loại: Rủi ro có tính chất hệ thống và rủi ro đặc thù. Từ đó ông đã kết luận rằng vì ngân hàng không thể làm chủ những rủi ro hệ thống nên nó không được đánh giá đúng mức, tạo ra những hành động mạo hiểm quá độ với những phí tổn ngoại sinh khủng khiếp.
Trên phương diện này, chưa có một ngân hàng hay đối tác tài chính nào dám khoe khoang họ có khả năng quản lý những rủi ro hệ thống. Hơn nữa, nguyên tắc nền tảng của ngành tài chính là chỉ quản lý những rủi ro đặc thù mà thôi (unique risk – risque spécifique). Rủi ro hệ thống, thường được gọi là rủi ro thị trường (market risk – risque de marché), là một phần mà không một ngân hàng nào có khả năng quản lý hay giảm thiểu. Sẽ không công bằng nếu quy tội cho giới ngân hàng vì họ không làm chủ được những rủi ro hệ thống. Ngành tài chính chẳng bao giờ có tham vọng quản lý loại rủi ro này.
Nói như vậy không có nghĩa là ngân hàng không thể đánh giá được rủi ro hệ thống, như Chomsky đã khẳng định: Khác với rất nhiều sinh hoạt của con người, sinh hoạt tài chính có thể ước lượng được rủi ro mang tính chất hệ thống của mình. Cũng khác với nhiều sinh hoạt của con người, rủi ro hệ thống của ngành tài chính không khủng khiếp như Chomsky tưởng. Nếu muốn tránh thói quen “để một cây che mất rừng”, chúng ta nên nhớ lại những khủng hoảng tài chính trong quá khứ (Khủng hoảng chứng khoán 1987; khủng hoảng Á Châu; phá sản của quỹ Long Term Capital Management…). Những cuộc khủng hoảng này đã bùng nổ, gây hoang mang để rồi biến mất và biến mất ngay cả trong trí nhớ và tiềm thức của chúng ta. Nếu tác hại và phí tổn của nó khủng khiếp như Chomsky đã khẳng định, chắc vết thương vẫn còn rỉ máu và chúng ta không dễ quên như vậy được! Có lẽ khủng hoảng tín dụng hiện nay sẽ không là ngoại lệ: Sức công phá của nó rất mãnh liệt. Nó gây hoang mang và làm chao đảo những giá trị căn bản. Nhưng rồi nó cũng sẽ tan biến đi. Người viết hy vọng rằng nhanh hơn là chúng ta lo tưởng.
Thật ra, nhanh hay chậm còn tùy thuộc vào thái độ của các đối tác kinh tế. Ở đây, tác động của con người, hay nói đúng hơn, trách nhiệm của mọi cá nhân sẽ là yếu tố quyết định.
Về đề tài trách nhiệm, có lẽ Chomsky không công bằng lắm. Hình như đối với Chomsky, có trách nhiệm hay không còn lệ thuộc vào đối tượng. Ông có vẻ không nương tay khi đối tượng là giới “tài phiệt” hay giới truyền thông. Ngược lại, Chomsky lại rất thông cảm những gia đình đã khánh tận vì nợ nần chồng chất. Ông cho rằng họ là những nạn nhân của xã hội tiêu thụ, tuyên truyền và khuyến mãi.
Khó có thể chia sẻ khái niệm về trách nhiệm của Chomsky. Thật vậy, những người được khuyến khích mượn tiền hay đã mượn tiền để đầu tư vào nhà cửa cũng phải nhận lãnh trách nhiệm của họ. Một cá nhân không thể nấp dưới tấm chăn xã hội tiêu thụ để phủi bỏ mọi trách nhiệm và để mong được trắng án: Tậu nhà cửa là một ước mơ lớn nhất của người Mỹ. Nếu vậy cần đắn đo suy nghĩ trước khi nhập cuộc, nhất là khi mình không đủ khả năng. Có thể nói mà không sợ sai lầm rằng toàn bộ xã hội Mỹ (từ Nhà nước qua ngân hàng và đến người vay mượn) đều có trách nhiệm không nhỏ vì đã có những thói quen tiêu thụ quá đáng. Nên đề cao cảnh giác! Nếu tiếp tục xem người tiêu thụ như những đứa trẻ con dễ bị mắc lừa hay như những nạn nhân cần được bảo vệ trong mọi tình huống, khái niệm trách nhiệm sẽ mất đi nội dung và giá trị căn bản của nó !
Cuối cùng và ngay khi trả lời câu hỏi đầu tiên, Chomsky đã khẳng định: “Thị trường lúc nào cũng kém hiệu quả”. Quả quyết như vậy mà Chomsky chẳng đưa ra những bằng chứng hay lý luận nào làm nền tảng. Có lẽ đối với ông, khủng hoảng tín dụng hiện nay đã là quá đủ. Không cần thêm bớt ! Nếu như vậy thì có lẽ hơi hời hợt.
Đừng quên rằng trong lịch sử cận đại, khủng hoảng chỉ là những dấu ngoặc. Phát triển và hệ quả của nó là tăng trưởng mới là xu thế áp đảo. Tây Âu đã trải qua “tam thập niên vàng son” ngay sau Đệ nhị thế chiến. Các quốc gia đã chọn lựa thị trường làm bàn đạp tiến thân đã cất cánh khỏi quỹ đạo nghèo đói. Nhật, Nam Hàn và Đài Loan đã trở thành những quốc gia tân tiến có thể hãnh diện “sánh vai với năm châu bốn bể”. Ngược lại, lịch sử cũng đã chứng minh rằng nơi nào thị trường bị chà đạp và bóp méo, nơi đó chỉ có lầm than và suy sụp.
Nhìn vào tương lai, có lẽ sẽ không sai lầm nhiều lắm nếu khẳng định rằng những quốc gia có nhiều khả năng thoát khỏi cuộc khủng hoảng tín dụng hiện nay nhanh chóng nhất và vẻ vang nhất chỉ có thể là những quốc gia tiếp tục vận dụng thị trường như yếu tố không có không được để tìm lại phồn vinh.
Một thiếu sót: Chế độ chính trị tại Hoa Kỳ
Hoa Kỳ chắc chắn sẽ hiện diện trong hàng ngũ của số quốc gia vừa nêu trên. Hệ thống xã hội, văn hóa và chế độ Hoa Kỳ là những lợi thế áp đảo nhất của Mỹ. Thật vậy, Hoa Kỳ vẫn là đất nước của ý kiến và sáng kiến, hai yếu tố không có không được để một quốc gia có thể giành lấy thế thượng phong trong môi trường cạnh tranh hiện nay: Các trường đại học Mỹ vẫn đứng đầu trên thế giới và thu hút những sinh viên ưu tú nhất đến từ khắp nơi.
Hơn nữa Hoa Kỳ vẫn tiếp tục là siêu cường thương mại và kinh tế, ít ra là trong thế kỷ này. Đồng ý rằng Mỹ nhập cảng rất nhiều hàng hóa kém giá trị gia tăng, nhưng họ bán ra thị trường thế giới những sản phẩm siêu hạng nhất (trang thiết bị tinh vi, hệ thống tin học nặng, nhu liệu tin học, công nghệ sinh học...). Wall Street vẫn là đại bản doanh của ngành tài chính toàn cầu. Người dân Mỹ có thể nợ nần nhiều nhất. Nhưng cũng đừng quên rằng Hoa Thịnh Đốn vẫn là chủ nợ của rất nhiều quốc gia và của nhiều định chế quốc tế.
Quan trọng hơn nữa là sự uyển chuyển và thích nghi nhanh chóng của xã hội Mỹ. Đây là ưu thế cạnh tranh mạnh nhất của Hoa Kỳ. Họ có thể ngã gục, bị bắt kịp hay qua mặt trên một phương diện nào đó. Nhưng sau khi đã chấn hưng tình thế, xã hội Mỹ có thể được huy động một cách toàn diện để xét lại những sai lầm, rút tỉa ra những bài học và giành lại ưu thế.
Sáng kiến, sức mạnh kinh tế và khả năng thích nghi của người Mỹ đều xuất phát từ một nguyên do chung: Đồng thuận quốc gia. Có thể nói đây là chất xúc tác mãnh liệt nhất của mọi thành công Hoa Kỳ. Khác với phần còn lại của quả địa cầu, Hoa Kỳ không có những tranh cãi về nền tảng xã hội, hay nói đúng hơn, về chế độ chính trị. Họ không có (và không có nhu cầu có) những nhà cách mạng lớn. Ngay từ khi lập quốc, người Mỹ đã chấp nhận chia sẻ một số giá trị nền tảng: Tự do, tự tin và niềm tin vào đấng tối cao. Chính vì vậy không nên ngạc nghiên khi Hoa Kỳ không có những sinh hoạt của một chính đảng, hiểu theo chuẩn mực của Châu Âu. Giữa hai chính đảng lớn, Đảng Cộng Hòa (ĐCH) và Đảng Dân Chủ (ĐDC), tuyệt đối không có những khác biệt về ý thức hệ hoặc về phương cách quản lý đất nước. Hai đảng này đều lấy kinh tế thị trường làm động cơ cho phát triển. Cũng không nên quên rằng ĐCH và ĐDC đều là hậu duệ của đảng… Dân Chủ-Cộng Hòa !
Khác biệt không nằm ở định hướng mà chỉ nằm ở mức độ và ở những chi tiết tương đối nhỏ. Vì vậy, quan niệm rằng Hoa Kỳ là một “chế độ độc đảng”, như Chomsky đã đề cập, không hoàn toàn sai. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa rằng Hoa Kỳ có một chế độ độc tài. Cuộc bầu cử vừa qua là một bằng chứng hùng hồn của nền dân chủ Mỹ. Chưa bao giờ mức huy động quần chúng và tỷ lệ người đi bầu lại cao như lần này. Có lẽ lý do của hiện tượng này xuất phát từ cảm nhận rằng đồng thuận căn bản của Hoa Kỳ đang bị tổn thương (vì cuộc chiến tại Iraq, thâm thủng ngân sách, suy thoái kinh tế, bế tắc trong an sinh xã hội và nhất là vị thế của Hoa Kỳ đang bị thách thức). Có thể nói mà không sợ sai lầm rằng Hoa Kỳ đang trải qua một cuộc khủng hoảng niềm tin sậu đậm. Trước những thử thách lớn lao đang đón chờ Hoa Kỳ, nền dân chủ đã hiện rõ nét như muốn xác định rằng xã hội Mỹ vẫn có đủ nghị lực để tìm lại những đồng thuận nền tảng và vận dụng chúng hầu tìm ra lối thoát.
Trong điều kiện trên, khẳng định rằng trong thực chất Hoa Kỳ là một chế độ độc đảng chưa đủ. Để tránh thiếu sót, có lẽ cần phải bổ túc thêm rằng Hiệp Chủng Quốc là một nền dân chủ độc đảng.
Quá nhiều ngộ nhận !
Ngay trong bài phỏng vấn dành cho Der Spiegel, Chomsy cũng đã nhìn nhận rằng Hoa Kỳ là một đất nước tuyệt vời vì tự do ngôn luận được tôn trọng. Ông cũng đồng ý rằng Mỹ là một xã hội tự do và bình đẳng. Trong những bài viết khác, Chomsky cũng đã khẳng định rõ rằng Hoa Kỳ là một quốc gia dân chủ thượng hạng. Tính chất đa nguyên của Hoa Kỳ không thể hiện qua các tổ chức chính trị nhưng nó tiềm tàng trong xã hội Mỹ vì tự do ngôn luận và tự do tư tưởng đã đạt đến mức độ chưa từng thấy ở một quốc gia nào khác.
Chỉ có những người không hiểu, hiểu hời hợt hay cố tình hiểu theo ý mình mới lạm dụng những nhận định của Chomsky về Hoa Kỳ. Trái với những ngộ nhận về Chomsky, người viết cho rằng Chomsky mới là người yêu chuộng Hiệp Chủng Quốc một cách lương thiện và, vì vậy, rất khắc khe với Hoa Kỳ. Hãy lấy hai thí dụ điển hình: Iraq và Việt Nam. Chomsky chống quyết liệt hai cuộc chiến tranh này. Nhưng trái với những người chủ trương chống Mỹ (Anti americanism – Antiaméricanisme) một cách mù quáng, Chomsky chống chiến tranh Iraq vì, về nền tảng, ông cho đây là một tội ác. Hoa Kỳ là một quốc gia dân chủ văn minh nên không có quyền có những hành vi như vậy. Chomsky đòi hỏi Hoa Kỳ phải áp dụng cho chính mình những chuẩn mực mà Hoa Thịnh Đốn muốn những nước khác noi theo.
Về trường hợp Việt Nam, sẽ rất sai lầm nếu quan niệm rằng Chomsky đã chống chiến tranh vì ông chống thái độ đế quốc của Hoa Kỳ ! Cũng sẽ sai lầm bi đát nếu tin rằng Chomsky chống chiến tranh Việt Nam vì ông hy vọng rằng cuộc cách mạng vô sản sẽ đem lại tương lai tươi sáng cho người Việt Nam ! Chomsky đã chống chiến tranh Việt Nam vì ông hiểu rằng sự can thiệp quân sự của Hoa Kỳ sẽ không đem lại dân chủ và độc lập cho đất nước này. Ông cho rằng việc Hoa Kỳ tham chiến tại Việt nam chỉ đem lại những hậu quả phản tác dụng. Lịch sử đã chứng minh Chomsky hoàn toàn có lý.
Song song đó cũng có nhiều hiểu lầm về vai trò nhà nước của Chomsky. Thật ra, Chomsky chưa bao giờ chủ trưởng một nhà nước mạnh. Ông cũng chẳng bao giờ kết luận rằng một nhà nước mạnh là yếu tố cần thiết để giới hạn những lạm dụng của thị trường tự do. Ngược lại, có lẽ Chomsky là một trong những trí thức hiếm hoi đã rung chuông báo động rằng nhà nước không hẳn là một bảo đảm. Ông đã lên án mối liên minh giữa quyền lực và tài lực hầu dễ dàng bóc lột người lao động. Tư bản đỏ không phải là cụm từ Chomsky đã sáng chế, nhưng hiện tượng móc ngoặc và cấu kết giữa chính quyền và giới doanh nhân tại các quốc gia độc tài (Nga, Trung Quốc và Việt Nam) đã được Chomsky nhận diện ra từ lâu.
Ông cũng cho rằng với sự hình thành của các công ty đa quốc gia, nguy cơ lộng hành ngày càng to lớn. Trong tình hình hiện nay, chỉ có nhà nước mới có thể đối đầu với mối nguy này. Chính vì vậy, cần vạch trần và tố cáo những “cuộc đi đêm” giữa chính quyền và giới tư bản để hạn chế hậu quả của chúng. Tuy nhiên, Chomsky cũng nhận định rằng, về lâu và về dài, mục tiêu vẫn là thu nhỏ và giới hạn vai trò của nhà nước. Thay vào nhà nước, phải tạo điều kiện thuận lợi để những hội đoàn tự nguyện có thể phát triển. Chomsky đã chứng minh rằng những đối tác xã hội này mới là thành trì kiên cố nhất có thể bảo vệ cá nhân và công nhân chống lại một hế thống tư bản chỉ lấy lợi nhuận làm kim chỉ nam hành động. Tiềm tàng trong những suy tư này của Chomsky là gì nếu không là khái niệm xã hội dân sự mạnh ?
Cuối cùng về đề tài kiểm soát dư luận qua hành lang truyền thông, Chomsky lúc nào cũng quan niệm rằng cần đề cao cảnh giác và trước một guồng máy tuyên truyền có hệ thống để dẫn dắt dư luận đi theo hướng mà một thế lực kinh tế hay chính trị muốn lôi kéo. Ông cũng cho rằng tuyên truyền để khuyến mãi và khuyến khích tiêu thụ cũng là một khí cụ để củng cố quyền lực chính trị vì chúng có khả năng chi phối sự suy nghĩ làm suy giảm mối quan tâm của người dân vào những vấn đề hệ trọng liên quan đến xã hội và đất nước.
Nhận định của Chomsky rất đúng. Nhưng nó không những đúng cho xã hội tiêu thụ Tây Âu mà còn đúng hơn đối với những quốc gia độc tài mà chính quyền không còn đủ can đảm để dùng bạo lực để trấn áp xã hội.
Tại những quốc gia này, mọi tin tức đều được điều tiết theo chiều hướng thuận lợi cho chính quyền. Truyền thông và truyền hình đã trở nên khá nhạt nhẽo và nhảm nhí. Hậu quả là sự buông thả của thường dân và giới trí thức. Ngay cả những vấn đề hệ trọng cũng không còn được quan tâm và suy luận một cách đứng đắn. Việc đón nhận tư tưởng của Chomsky là một thí dụ cụ thể: Đã có nhiều nhân vật đã vội vã hiểu Chomsky một cách rất tùy tiện! Họ đã lớn tiếng ghép những nhận định của Chomsky vào suy nghĩ của họ mà chẳng bao giờ cố gắng tìm hiểu, phân tích hoặc xét lại những nhận định của Chomsky trong giai đoạn khủng hoảng hiện nay. Từ đó họ nhanh chóng kết luận rằng thành trì của tư bản đã sụp đổ. Họ mỉa mai những kế hoạch được gọi là “quốc hữu hóa” tại Tây Âu mà chẳng tìm hiểu về khái niệm, lộ trình và kỹ thuật mà các quốc gia Tây Âu đang áp dụng để cứu vớt các ngân hàng. Họ cho rằng kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa là đúng đắn mà không thấy rằng cuộc khủng hoảng sẽ gây nhiều tác hại cho những quốc gia đi theo mô hình này. Họ lớn tiếng cho rằng đất nước họ vẫn đứng vững mà không thấy mối nguy cơ kề cận. Họ tiếp tục được ru ngủ bằng hàng loạt những con số, những bản thống kê, báo cáo xuất phát từ giới tài phiệt muốn có chân tại đất nước họ để bóc lột đồng bào họ.
Nếu giới trí thức Việt Nam cũng cố gắng đọc, hiểu và chỉ trích Chomsky, nếu họ cũng cố gắng học hỏi Chomsky, và nếu họ cũng theo gương phản biện đúng mực như Chomsky! Nếu họ cũng biết lồng lên khi thấy đất nước của họ thịnh vượng trong u mê (như Chomsky bực tức khi Hoa Kỳ chỉ giàu có trên phương diện vật chất)! Nếu họ cũng biết giận giữ khi thế giới ngày càng kính trọng đất nước họ chỉ vì bạo lực (như Chomsky đã giận dữ khi Hoa Kỳ tấn công Iraq)... thì chắc chắn họ sẽ là một “giống gì đó” rất cao thượng.
Đất nước họ sẽ được nhiều may mắn, như Hoa Kỳ đã may mắn có một đứa con như Chomsky.
Nguyễn Huy Đức
(Paris)
No comments:
Post a Comment