Chào mừng ngày nhà giáo: ba hoạt cảnh không có lời bình!
Diệu Thuỳ & Huy Đức
Đăng ngày 20/11/2008 lúc 02:45:06 EST
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=3288
Ba hoạt cảnh chào mừng ngày Nhà giáo
1.
Dự giờ: Thầy, trò và phụ huynh cùng… khổ
Một trong những tình huống để lại nhiều giai thoại hài hước nhất trong ngành giáo dục có lẽ là những tình huống dự giờ. Nhưng thực tế, ít có thầy cô hay hiệu trưởng nào chịu khó lắng nghe ý kiến từ phía những học sinh trong chuyện này
“Cách đây mấy hôm lớp em có tiết dự giờ. Lúc đó cô giáo ngọt ngào “con ơi” “con à”, nhưng khi thầy cô vừa đi một phát là cô kêu mấy cái đứa trả lời sai lên mắng tơi tả”, Thy Kiều học sinh lớp 7 của một trường THCS ở quận Thủ Đức vẫn còn ấm ức kể.
“Diễn” dự giờ
Trên mạng, tại một diễn đàn của học sinh trung học, học sinh có nickname Congchuayeudieu viết: “Đối với mình, được (chứ không phải bị) dự giờ là vinh hạnh lắm. Khi đó, cô giáo mình dạy trước bài mới, chọn những bạn thật xuất sắc để trả lời câu hỏi của cô, cô còn nói: lúc ấy các em cứ giơ tay cả lên, cô chỉ gọi những bạn đã định thôi. Phải để những thầy cô khác thấy lớp chúng ta năng động chứ”. Rồi em này bình luận: “Nói thế mà cô không hề biến sắc. Dự giờ mà cô cứ như tập kịch ấy, làm tụi mình mất cả hứng(!)”.
Một học sinh nickname Bengoc kể lại cách chuẩn bị dự giờ của lớp mình với một thái độ khác: “Có lần chuẩn bị dự giờ văn, cô ra sẵn cho lớp đến 20 – 30 câu hỏi, thêm bài soạn về nhà làm đến mỏi tay. Được mỗi cái là ai thích giơ tay thì giơ, không thì thôi”. Học sinh này cũng bày tỏ sự ủng hộ cách làm “cực hay” của cô giáo Anh văn khi cô này nói: “Ngày mai có đoàn (thanh tra) của sở về, người ta vào dự lớp mình thì dự mà không thì thôi. Nếu có dự thì các em vẫn cứ học như thường không có việc gì phải cuống quít cả lên”.
Chị Thanh có con trai học lớp bốn ở trường tiểu học T.H.Đ (Q.1) kể rằng liên tục mấy tuần liền, hôm nào có tiết học kỹ thuật là cu con bắt mẹ lúc thì nấu cho một món ăn, lúc thì phải thêu hoa trên vải… “Bạn nào không mang vô cô đuổi ra khỏi lớp”, cháu bé kể. Hỏi ra mới biết là lớp được thông báo có tiết dự giờ, nhưng cứ lần lữa hết tuần này qua tuần khác mà không thấy ông bà nào xuống dự nên cô giáo phải dặn học sinh cứ chuẩn bị phòng hờ. “Không biết tiết học hấp dẫn thế nào, nhưng cha mẹ bị hành thế này cũng thấy ngán tận cổ, huống chi đến học trò”, chị Thanh than thở.Những thành tích ảo
Dự giờ một tiết học môn văn ở trường tiểu học, nhìn bề ngoài có thể nói giờ học diễn ra thật hào hứng và sôi nổi khi phần lớn học sinh đều phát biểu trôi chảy, mạch lạc. Nhưng thực chất, để có một tiết học thành công như vậy, cả lớp thường phải chuẩn bị công phu nhiều ngày trước. Học sinh phải cùng nhau học đi học lại nhiều lần. Còn cô giáo thì phải cân nhắc chọn đi chọn lại những em có giọng đọc to, rõ, tập cho các em học thuộc lòng các câu hỏi chuẩn bị sẵn.
Ban giám hiệu hay “ai đó” đi dự giờ một lớp học (để đánh giá) mà không báo trước sẽ là chuyện lạ. Nhưng báo trước việc dự giờ cũng có thể gây ra một áp lực tâm lý đối với học sinh. “Cho dù trong tiết dạy đó thầy cô có chuẩn bị chu đáo hơn một tí, có quan tâm tới học sinh nhiều hơn một tí, nhưng nó vẫn là một cực hình đối với học sinh, dù là học sinh giỏi hay trung bình”, cô giáo Minh của một trường THCS tại quận 5 tâm sự.
Vậy một tiết học có thể được coi là thành công khi trước khi vào học cả thầy và trò đã bị đè nặng một tâm lý đối phó căng thẳng? “Có một thực tế là dự giờ đã trở thành một thứ áp lực đè lên vai giáo viên và họ đã san sẻ một phần áp lực đó cho những học sinh thơ ngây của mình”, Minh Thu – sinh viên năm cuối khoa tiểu học trường đại học Sư phạm TP.HCM nhận xét. Trong góc nhìn đó, có thể thấy sự băn khoăn của thầy Nguyễn Thanh Dũng ở trường THCS Phước Lý, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An, cũng là mối quan tâm chung của tất cả các thầy cô giáo: “Dạy học từ lâu được xem là nghề luôn cần có sự sáng tạo của người thầy. Liệu người thầy có thể phát huy sự sáng tạo hay không nếu luôn nơm nớp lo sợ bởi sự kiểm tra gắt gao của người khác?”. Đáng tiếc là hàng chục năm theo chủ nghĩa thành tích, ngành giáo dục vẫn coi dự giờ là một cách thức đánh giá.
Diệu Thuỳ
Nguồn: Sài Gòn tiếp thị, ngày 11/11/2008
2.
Cần chấm dứt bệnh thành tích
Hiện nay, nhiều nơi trường phổ thông vẫn tổ chức đánh giá, xếp loại giáo viên theo cách dự giờ. Mục đích của việc làm này là giúp giáo viên phát huy ưu điểm và khắc phục những tồn tại yếu kém trong giảng dạy. Song có nhiều trường hợp, sự nhận xét đánh giá lại gây ra mâu thuẫn, mất đoàn kết trong nội bộ ở nhiều trường
“Một giáo viên dạy toán dở nhất trường tôi đã lên làm thanh tra nhiều năm nay. Nhiều khi họ không biết chê gì trước một giờ dạy hay, thế là để chứng tỏ mình không phải tầm thường, họ chê những điều không liên quan gì đến chuyên môn, bài giảng”, Hoàng Ngọc – giáo viên trường THCS H.T nói. Chưa nói, chất lượng hay nói cách khác độ trung thực của tiết học dự giờ là đáng tin cậy. “Nếu như mọi tiết học đều có chất lượng như các tiết học được dự giờ thì các cuộc thi giáo viên giỏi mới đạt hiệu quả thật sự. Bằng không thì mọi sự đánh giá, tôn vinh các giáo viên giỏi có thật sự chính xác khi họ đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng “đối phó” với các cuộc thao giảng?”, Minh Tú, thầy giáo tại một trường tiểu học phát biểu.
Một phụ huynh tên Vũ Kim Chi nói về lớp của con mình như sau: Chuẩn bị tiết dự giờ, cô giáo và học sinh đã luyện tập khá kỹ từ nhiều tuần trước, đến nỗi không có thời gian để cô giáo chấm bài hằng ngày của học sinh như mọi khi. Và chỉ một nửa lớp tham gia buổi dự giờ, với các em có học lực tốt. Các học sinh này được dặn dò kỹ phải học thuộc và trả lời câu hỏi như thế nào. Nửa lớp còn lại thì được xuống thư viện ngồi chờ. Thiết nghĩ, cho dù buổi dự giờ có mang tính chất là một buổi thi giáo viên dạy giỏi, hay một giờ dạy mẫu, hay có tính chất gì đi nữa thì đối tượng phải là học sinh, với học lực đa dạng mới có thể đánh giá được chất lượng của giáo viên hoặc của buổi học. Một lớp học toàn học sinh khá giỏi mà kết quả dạy tốt thì có gì đáng nói? Không biết đến bao giờ căn bệnh thành tích này mới chấm dứt đây?
Theo nhà giáo Trần Văn Tám, trường tiểu học Trung Lập Hạ, Củ Chi, TP.HCM, trước hết bản thân người dự giờ: thanh tra viên, ban giám hiệu hay giáo viên đều xác định cho mình dự giờ để rút kinh nghiệm về phương pháp giảng dạy, cách tổ chức các hoạt động trên lớp và hiệu quả của tiết dạy. Mục đích dự giờ là để giúp đỡ giáo viên thấy được khiếm khuyết của mình nhằm giúp đỡ để tiến bộ hơn; ngoài ra không nên vì mục đích tìm kiếm thiếu sót của đồng nghiệp mà phê phán. Thầy Tám nêu ý kiến, dự giờ để kiểm tra tay nghề giáo viên là việc cần và phải thực hiện thường xuyên hằng năm. Bởi vì đối tượng học sinh ngày một khác, giáo viên không thể lấy kiến thức trong trường sư phạm mà biện hộ cho tay nghề của mình.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thanh Dũng, trường THCS Phước Lý, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An thì “không thể chỉ qua một vài tiết dự giờ mà có thể đánh giá tay nghề giáo viên yếu kém được”. Nếu như dự giờ không nhằm mục đích để nâng cao tay nghề của giáo viên, không đáp ứng mục tiêu làm mới hơn hoạt động giảng dạy của nhà trường thì việc làm đó để làm gì?
Điều đáng tiếc là việc dự giờ “vô thưởng vô phạt” hoặc bố trí sắp đặt như kiểu dạy biểu diễn không chỉ diễn ra ở cấp nhà trường.
Đầu năm học vừa qua, thông tin về việc một lãnh đạo cấp cao của ngành giáo dục đi dự giờ một số lớp học tại các trường phổ thông của một thành phố lớn đã được đăng tải trên rất nhiều báo chí. Việc lãnh đạo “vi hành” cũng không có gì lạ nếu như cuộc “vi hành” ấy của lãnh đạo ngành giáo dục không được báo trước và “nhất cử nhất động” đều theo sự bố trí sắp đặt của lãnh đạo ngành giáo dục địa phương. Tại sao (vị lãnh đạo) không bỏ thời gian quý báu đó để đến với các em vùng sâu vùng xa hay những vùng đặc biệt khó khăn như vậy có ý nghĩa hơn không? Một phụ huynh học sinh thắc mắc.
Diệu Thuỳ
Nguồn: Sài Gòn tiếp thị, ngày 13/11/2008
3.
Đừng đặt cái "Gánh" của Bộ Trưởng lên vai Nhà Giáo
Sau buổi tọa đàm có phát biểu của Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Thiện Nhân, báo Tuổi Trẻ, 18-11, hồ hởi: “Tất cả ở trong tầm tay nhà giáo”. “Đổi mới phương pháp giảng dạy”, tên của cuộc tọa đàm, là một câu chuyện lớn. Đề cao vai trò của các nhà giáo nhân ngày 20-11 có thể là đã “cài” lên ngực họ những “đóa hoa”, nhưng cũng có thể, đã đặt một gánh quá nặng lên vai các thầy cô giáo.
Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân đến cuộc tọa đàm này sau khi dự giờ ở trường THCS Bạch Đằng và trường THPT Bùi Thị Xuân. Ở trường Bạch Đằng, ông dự giờ dạy của một gương điển hình Tuổi Trẻ, thầy giáo Trần Tuấn Anh. Phóng viên Vietnamnet, cùng đi với Bộ trưởng, tường thuật:
Vấn đề được học trò thảo luận là nên làm những gì và không nên làm những gì. 100% học sinh giơ tay phát biểu và nói như cháo chảy: Không nên xả rác ra đường, không vứt rác lung tung, không trộm cắp, không ma túy, không chơi games...
Từ những giờ dạy ấy, Bộ trưởng khen TP HCM là “cái nôi sáng tạo trong giảng dạy”. Trong khi, phóng viên Vietnamnet cảm thấy học sinh của thầy Tuấn Anh đã “vẹt” những điều được “nói đi nói lại trên các phương tiện truyền thông nhưng rất ít hiệu quả trên thực tế”.
Phải công nhận là thầy Tuấn Anh đã có rất nhiều cố gắng, nhưng kết quả thể hiện qua các học trò cho thấy, vấn đề của giáo dục không thể thành công chỉ nhờ vào những nỗ lực cá nhân. Có lẽ Bộ trưởng đánh giá những bài giảng như thế là “sáng tạo” vì ông đã dựa trên những chuẩn mực mà ông đang chủ trương. Chính phần trả lời chất vấn của ông hôm 12-11 cũng được đại biểu Quốc hội Lê Văn Cuông nhận xét: “Có thể Bộ trưởng đã chuẩn bị rất kỹ, học thuộc bài, kiến thức rộng, nhưng chưa sát với những gì diễn ra trên thực tế”.
Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân biết, để có giờ học tốt, “học sinh phải là đồng tác giả” trong quá trình giảng dạy. Tuy nhiên, những việc như thế không thể “đẩy từ dưới lên”. Một cô giáo dạy sử nói với chúng tôi, cô cũng đã định học thầy Tuấn, tự mua các giáo cụ trực quan cho giờ giảng của cô, nhưng để làm như thế, mỗi bài học, cô phải chi hết 50 đến 70 nghìn đồng, cao hơn mức lương mà cô được trả. Nhưng vấn đề không chỉ là tiền bạc, làm sao mà học sinh và giáo viên có thể là “đồng tác giả” trong khi cách hiểu các vấn đề lịch sử, môn dạy của cô, đã được Bộ ấn định trong các bài thi và trong sách giáo khoa.
Thang điểm chấm các bài thi lịch sử yêu cầu trừ 0,75 điểm nếu học sinh nói sai những “con số” như ngày “khởi nghĩa Yên Bái” hay ngày “giải phóng Thủ đô”… Vì thế, học sinh đã chi phí rất nhiều thời gian vật chất để học và nhớ những điều mà khi cần các em có thể vào Google và click. Sách giáo khoa định ra một chương trình học rất nặng, tưởng rằng có thể cung cấp cho học sinh một khối lượng kiến thức khổng lồ, nhưng kết quả chỉ biến học sinh trở thành con vẹt, vì học sinh bị buộc phải học thuộc thay vì được là “đồng tác giả” của những bài học ấy.
Chính không gian giáo dục bị thu hẹp thông qua những gì được viết trong sách giáo khoa và cách “định chuẩn” trong các bài thi đã định hình một môi trường dạy và học thụ động mà một vài “con én” như thầy Tuấn không thể nào thay đổi. Trong các giờ dạy sử, các thầy giáo vẫn thường hỏi học sinh, “Ai là người cõng rắn cắn gà nhà?”, và câu trả lời ngay lập tức sẽ là “Nguyễn Ánh”. Nhà Nguyễn, triều đại có công mở mang bờ cõi nước ta từ Thuận Hóa đến Hà Tiên, theo GS Phan Huy Lê, vẫn được dạy như là một “thời kỳ chuyên chế phản động trong lịch sử”. Nếu học sinh có vai trò trong giờ học và có thể đưa ra các phát hiện một cách độc lập, sẽ có những học sinh sẽ gọi Nguyễn Ánh là “tên bán nước” dựa trên Hiệp ước năm 1787 với Pháp và việc đưa 5 vạn quân Xiêm vào Gia Định năm 1784; nhưng cũng sẽ có những học sinh ghi công lớn cho ông vì ông chính là người đầu tiên thống nhất giang san từ Ải Nam Quan tới Mũi Cà Mau và bắt đầu đưa Việt Nam bước vào một thời kỳ thịnh vượng.
Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân đã đúng khi đưa ra khái niệm “đồng tác giả”. Tuy nhiên, để những ý tưởng giáo dục đó có thể bước qua được những cánh cổng vững chắc đi vào trong các nhà trường, chính ông phải bắt đầu bằng chính sách. Những tư liệu lịch sử về Nhà Nguyễn, cũng như các thông tin khác về địa lý, kinh tế, khoa học… giờ đây có thể đến với học sinh không chỉ thông qua sách giáo khoa. Thay vì nhồi nhét một cách hiểu xơ cứng cho học sinh, hãy trang bị cho các em phương pháp tìm kiếm các dữ liệu và khả năng tư duy độc lập. Đặc biệt, tạo ra một không gian để ngay trong nhà trường, học sinh đã có thể đưa ra ý kiến cá nhân dựa trên khả năng tiếp cận các vấn đề học thuật mà không bao giờ bị quy chụp…
Không có môn học nào là tẻ nhạt, không có vấn đề gì là khô khan nếu học sinh được tìm kiếm tới tận cùng và được tự do trình bày những gì mà các em tìm hiểu được. Sự cắt khúc các tư liệu nhằm áp đặt cách hiểu duy nhất lên học sinh trong thời đại ngày này là không còn phù hợp. Nếu chỉ trông đợi những “chòi đạp” đơn lẻ ở các thầy các cô thay vì bắt đầu từ những chính sách mở rộng không gian học hỏi cho học sinh thì không những học sinh không thể nào trở thành “tác giả” trong các giờ học ngày này, mà nền giáo dục cũng không thể nào tạo ra cho Việt Nam một thế hệ thực sự là tác giả của tương lai đất nước.
Huy Đức
Nguồn: Blog Osin, ngày 19/11/2008
No comments:
Post a Comment