Saturday, November 22, 2008

BA TRUYỆN NGẮN của VŨ NGỌC TIẾN (1)

Ba truyện ngắn vừa bị thu hồi của Vũ Ngọc Tiến


Thêm rắc rối với NXB Đà Nẵng
Quốc Phương
www.bbcvietnamese.com
18 Tháng 11 2008 - Cập nhật 15h09 GMT
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2008/11/081118_danang_publisher.shtml

Tin trong nước cho hay có thể có thêm một cuốn sách nữa của Nhà xuất bản Đà Nẵng gặp rắc rối cùng với việc Ban Giám đốc Nhà xuất bản này có thể bị thay thế.

Tập truyện ngắn trên 200 trang 'Rồng Đá (Hay là mũi uốn ván)', của tác giả Vũ Ngọc Tiến và Lê Mai do NXB Đà Nẵng ấn hành quý III năm 2008, được cho là sẽ bị thu hồi do 'có vấn đề về nội dung' và đây có thể là nguyên nhân dẫn đến việc NXB Đà Nẵng sắp đóng cửa.

Ông Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám đốc Nhà xuất bản Đà Nẵng cho hay: "Cuốn con Rồng Đá là một trong những cuốn sách thể hiện một thời kỳ đổi mới của văn học trong nước... Nếu có chuyện thu hồi cuốn sách thì đây có lẽ là rất bất ngờ."

Nghe tường thuật sự việc

"Dư luận xã hội, một số phương tiện trên mạng bắt đầu có dư luận về cuốn sách. Những cuốn sách như thế này biểu hiện cho xu hướng đổi mới mà hiện nay đất nước đang rất cần. Nếu có vấn đề xem xét, thu hồi, thì chắc sách của các nhà văn chúng ta bị thu hồi phải nhiều lắm," ông Hùng nói thêm.

Còn ông Phan Kim Sơn, Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông TP Đà Nẵng nói với BBC Việt ngữ: "Tôi có thể cam kết rằng [NXB] không có vấn đề gì về an ninh văn hoá hay về nội dung họ làm ra."
"Cho đến giờ này có thể khẳng định không có vấn đề gì về chính trị hay an ninh văn hoá. Chỉ có một vấn đề là quản lý kém và người ta tái cấu trúc lại thôi."

'Làm ăn thua lỗ'?

Ông Sơn cho biết thêm: "Bây giờ người ta tái cấu trúc lại bằng cách tổ chức như một doanh nghiệp. Quyết định thành lập doanh nghiệp đã có từ cách đây hai tháng... Việc tái cấu trúc chỉ xuất phát từ lý do làm ăn thua lỗ, không có lý do gì khác."

Tuy nhiên, về cuốn sách 'Rồng đá' bị thu hồi hôm 17.11.08, trong một bức thư, được đăng tải lại trên trang mạng internet, một trong hai tác giả cuốn sách gửi NXB Đà Nẵng, nhà văn Vũ Ngọc Tiến cho thấy cuốn sách đã có 'quyết định thu hồi':
"Trước hết, tôi xin thành thật gửi lời chia buồn tới Nxb Đà Nẵng và cá nhân anh Tổng Biên tập Đà Linh về sự cố vừa xảy ra với cuốn Rồng Đá (Hay là mũi uốn ván) của tôi và Lê Mai in chung (6/2008) đã có quyết định thu hồi..."

Nhà văn Vũ Ngọc Tiến cho rằng trong cuốn sách có ba truyện ngắn 'động chạm', trong đó có một chuyện liên quan tới Chiến tranh Biên giới phía Bắc năm 1979 giữa Việt Nam và Trung Quốc và hai chuyện khác liên quan tới thời gian cuộc chiến tranh giữa Việt Nam với Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, dư luận trong nước cho rằng, cả hai chuyện liên quan tới khả năng thu hồi cuốn "Rồng Đất" và việc NXB Đà Nẵng bị cho là làm ăn kém chỉ là những cái cớ cho việc ban lãnh đạo NXB sắp bị thay đổi.

'Cách tân... nên ngại'

Một trong số những người chia sẻ quan điểm này, PGS. TS. Trần Ngọc Vương, từ Đại học Khoa học và Xã hội Nhân văn, nhận định:
"NXB Đà Nẵng mấy năm gần đây in một số cuốn có tính chất hơi cách tân so với ở trong nước cho nên người ta cũng ngại. Có thể người ta muốn đưa một bộ sậu mới 'mềm' hơn, để 'dễ bảo' hơn. Từ hồi thu hồi cuốn Trần Dân Thơ đã có chuyện rồi, thậm chí trước đó nữa."

Nhà phê bình văn học này cho biết thêm: "Trước đó, một số sách tương đối khó in của một số tác giả khác, người ta đưa Đà Nẵng in. Người ta cố gắng không để nó trở thành các sự kiện."
"Nhưng đã có việc tích tụ lại các sự kiện theo kiểu ghi nợ... ghi nhận các chuyện này chuyện kia có vẻ rằng NXB hơi bất trị, hay cứng đầu. Đối với NXB Đà Nẵng, không sớm thì muộn cũng sẽ có chuyện đó."

Hiện dư luận vẫn đang chờ xem diễn biến cụ thể đối với tập truyện Rồng Đá và số phận Ban Giám đốc cùng bản thân Nhà xuất bản Đà Nẵng sẽ ra sao.

Nhưng sau các diễn biến với một số cơ quan báo chí như Thanh niên, Tuổi trẻ, Đại Đoàn Kết, Tiền phong và thậm chí tờ Vietnamnet trước đây, nếu việc thu hồi tập truyện và cách chức Ban Giám đốc NXB Đà Nẵng diễn ra, đây có thể là dấu hiệu cho thấy Việt Nam đang có sự điều chỉnh được cho là siết chặt không hề mang tính ngẫu nhiên đối với truyền thông và xuất bản trong nước.



Thư ngỏ gửi Nxb Đà Nẵng của Vũ Ngọc Tiến

Hà Nội 17/11/2008
Kính gửi Nxb Đà Nẵng và anh Đà Linh

Thưa các anh chị,
Trước hết, tôi xin thành thật gửi lời chia buồn tới Nxb Đà Nẵng và cá nhân anh TBT Đà Linh về sự cố vừa xảy ra với cuốn Rồng Đá (Hay là mũi uốn ván) của tôi và Lê Mai in chung (6/2008) đã có quyết định thu hồi. Sau nữa, với tư cách 1 tác giả, tôi xin có mấy lời nói thêm cho rõ về tập sách và 3 truyện ngắn của tôi bị xem là có vấn đề.

Thứ nhất, mục đích ra tập sách này các tác giả chỉ nhằm thử nghiệm sự đổi mới tư duy, cách tiếp cận nhiều vấn đề phức tạp của cuộc sống quanh ta. Lúc đầu gồm 3 cây bút gốc gác Hà Nội, những thằng bạn thân với 3 văn phong và bút pháp khác biệt hẳn nhau là Tôi (VNT), Hòa Vang và Lê Mai, song đều có chung tâm nguyện tha thiết tự đổi mới nên rủ nhau thử nghiệm ra chung tập sách, mỗi đứa 4 truyện. Sau vì anh HV đột ngột ra đi, tôi và LM bàn nhau mỗi đứa bù thêm vào 2 truyện cho đủ con số 12 và tạm gác 4 truyện của người bạn văn quá cố, đợi sẽ in riêng vào tuyển tập sau này. Tóm lại, chúng tôi ra sách thuần túy vì mục đích học thuật thử nghiệm trong nghề viết mà thôi. Nó có thể có vài tình tiết gây xốc, nhưng nhìn nhận kỹ thì đó mới là chính cuộc sống mà như nhà mỹ học Nga thế kỷ XIX, Xec-nư-xep-xki từng viết: “Cái đẹp là cuộc sống. Một thực thể đẹp là thực thể cho ta nhìn thấy hoặc nghĩ về cuộc sống như nó vốn có.”

Thứ hai, về 3 truyện ngắn của tôi bị xem là có vấn đề, có thể chia làm hai nhóm đề tài tuy cùng nói về chiến tranh và đều có căn cứ từ cuộc sống muôn màu của nó:

- 2 truyện
Âm bản chiến tranh, Vị phồn thực tôi viết vào giữa năm 2005, sau chuyến đi tìm mộ chú em liệt sĩ ở E572, một trung đoàn tăng- pháo kết hợp của QK5, họat động chủ yếu ở chiến trường Quảng Nam, Quảng Ngãi. Tôi không phủ nhận sự vĩ đại của cuộc chiến chống Mỹ, càng khâm phục sự dũng cảm, sức chịu đựng phi thường của người lính, trong đó có cả em trai tôi. Song để tìm được mộ chú em hy sinh vào 8/1972, tôi đã gặp hàng trăm đồng đội cũ ở E572, cùng họ lăn lộn khắp vùng đất Quảng và may mắn gặp mặt khá nhiều nhân chứng còn sống là những người dân ở Đức Hiệp, Quế Sơn (Quảng Nam), Sơn Tịnh (Quảng Ngãi). Từ thực tế ấy tôi nhìn ra góc khuất của chiến tranh và đời lính khi sau mỗi trận đánh oai hùng họ quay về hậu cứ rèn cán, chỉnh quân hoặc do bị thương mà chuyển về công tác ở ATK. Nó thật khắc nghiệt và đầy rẫy những mâu thuẫn vốn là muôn thủa của cõi người. Giờ là lúc ta đủ độ lùi thời gian để nhìn nhận và phán xét bởi đôi khi vì cái góc khuất vô hình ấy mà có thể vào thời hậu chiến; người dũng cảm, lập nhiều chiến công chịu thiệt thòi; còn kẻ gian manh, cơ hội lại thăng tiến, làm băng hoại kỷ cương xã hội, kìm hãm sự phát triển đất nước. Mạch truyện và tư tưởng tác giả là thế, còn tình tiết có đôi chỗ khốc liệt thì chuyến đi tìm mộ chú em, tôi được nghe nhiều tình tiết khốc liệt gấp bội phần hơn thế.

- Truyện ngắn
Chù Mìn Phủ và tôi đề cập đến cuộc chiến biên giới phía Bắc (1979) thì cũng lùi vào dĩ vãng ¼ thế kỷ rồi. Nó là cuộc chiến phi lý nhất trong thế kỷ XX đối với cả 2 dân tộc mà cả ta và phía bên kia đều phải nghiêm túc nhìn ra nó cần phải tránh và hoàn toàn có thể tránh được. Những thảm cảnh do cuộc chiến ấy gây ra thì nhiều lắm, khốc liệt hơn những gì tôi mô tả bởi trong chuyến đi làm phim tài liệu cho Bộ Y tế về loại trừ bệnh uốn ván vùng cao 11/2005 tôi nghe được từ các nhân chứng ở Hà Giang. Giờ ta không thể bình thản coi đó như một vụ va quyệt xe trên đường mà phải tỉnh táo và sòng phẳng với lịch sử. Tôi đã từng nghiên cứu khá kỹ văn học TQ giai đọan 1979- 1991, từng viết một tiểu luận khá dài về hai dòng văn học Vết thương và dòng văn học Bộc lộ của họ thời kỳ này. Nhiều nhà văn TQ trong hai dòng văn học ấy (Lương Phụng Nghi, Trương Hiền Lượng, Dư Hoa, Lưu Chấn Vân, Khâu Hoa Đông…) khi viết tiểu thuyết đã từng có đọan nhắc tới cuộc chiến biên giới Việt- Trung với tâm trạng dày vò sâu sắc. Họ viết được, sao ta lại cứ tự hù dọa mình để rồi tảng lờ, không dám viết? Tôi tin những người có lương tâm, trách nhiệm bên kia hay bên này biên giới đọc truyện ngắn của tôi sẽ không oán hận nhau mà chỉ càng ghê sợ chiến tranh, thiết tha muốn hai nước sống trong hòa bình hợp tác lâu dài.

Cuối thư, một lần nữa xin chia xẻ cùng anh Đà Linh và các anh chị Nxb Đà Nẵng về sự cố đáng tiếc lẽ ra không đáng có, nhưng nó đã xảy ra và như thế nó mới lại là cuộc sống!...
Chúc các anh chị mạnh khỏe, hạnh phúc!

Vũ Ngọc Tiến


truyện ngắn 1
Âm bản chiến tranh
Vũ Ngọc Tiến

Rừng chiều lạt nắng, hầm hập oi nồng. Cơn mưa rào chợt đến, làm dịu bớt cái nóng khủng khiếp của miền tây đất Quảng. Cái thứ nắng nóng như rang khô đám lính của tiểu đòan suốt nhiều ngày đêm lầm lũi đưa pháo lên tận ngọn núi Chảo Lớn triển khai trận địa, chờ lệnh phát hỏa, tiêu diệt cứ điểm Cà Tang, mở đường cho đại quân tiến vào giải phóng huyện lỵ Quế Sơn. Đói, khát và sức nặng của những khẩu pháo 105 ly tháo rời đã vắt kiệt sức lực từng người. Trong mưa, từ quan đến lính, tất thảy trần truồng như nhộng, thỏa thê tắm mát và uống thứ nước ngọt trời cho để quên đi những cái bụng lép kẹp đang thèm cơm, thèm sắn. Người ta khi đã cởi truồng ra rồi thì ai cũng hiền khô, hồn nhiên đến kỳ lạ. Vậy nên khi D trưởng An chạy đến bên Luận, dáng người lòng khòng, của nợ kia thì lõng thõng bên đùi, khác hẳn với D trưởng An oai nghiêm, thét ra lửa thường ngày, anh không sao nhịn được, cười đến gập người, thắt ruột. Ông vẫn thản nhiên ra lệnh, còn Luận thì cứ ngỡ ông đùa:
- Tiểu đội trinh sát của cậu mau tập hợp, có nhiệm vụ gấp.
- Lệnh gì lúc này hở thủ trưởng?
- Đài quan sát vừa báo có một tốp dân địa phương đi làm rẫy, đang trú mưa ở gốc cây, gần trận địa pháo của ta.
- Thế thì sao ạ!- Luận ngúng nguẩy đùa dai, còn thủ trưởng thì quắc mắt.
- Lại còn sao với giăng gì nữa. Lộ mẹ nó hết cả bây giờ chứ bỡn à. Họ có 10 người: 5 ông già, 2 thiếu nữ và 3 thanh niên. Các cậu khẩn trương bao vây, tiếp cận, một kèm một, khống chế và trói họ lại, canh giữ cho hết đêm nay, đợi ta nổ súng đánh xong cứ điểm Cà Tang thì thả cho họ về. Nhớ ôn tồn giải thích thật khéo, mình là quân giải phóng, không được làm gì vi phạm chính sách dân vận…
- Rõ!...

Luận chợt hiểu ra tính chất nghiêm trọng của sự việc. Anh nhao đi tập hợp đám lính trinh sát đang tỏa ra đùa nghịch như quỷ sứ, tán dóc với lính pháo thủ ở từng khẩu đội. Có 2 chiến sĩ bị cảm nhẹ, còn lại vừa khéo 10 người đi làm nhiệm vụ. Ai nấy chỉ mặc độc chiến quần xà lỏn, mang theo dây thừng, dao găm và súng ngắn, nom hung dữ chẳng khác gì thám báo ngụy. Tất cả khép thành vòng cung, tiến dần về phía mục tiêu. Cách chừng vài trăm mét, Luận đưa ống nhòm quan sát, quả có đúng 10 người như lời D trưởng. Họ đều ăn mặc theo lối dân tộc Cơ rông, một tộc người rất thiểu số ở miền tây Quảng Nam. Chẳng hiểu vì sao, đôi tay anh cứ run run rê ống kính nhìn ngắm kỹ 2 cô gái. Một cô cao to, vai bè, tướng đàn ông. Cô kia, anh nuốt nước bọt đánh ực, mắt đờ ra ngây ngất vì vẻ đẹp hoang dại. Dáng người thon, đôi vai để trần, ngực tròn căng, mắt nai ngơ ngác… Chợt cô gái phát hiện ra anh đang cầm ống nhòm, vội thét to:
- Thám báo Mẽo đấy, chạy mau!

Cả tốp người nháo nhác tản ra tứ phía, chạy thục mạng. Luận ra lệnh:
- Đuổi theo. Mỗi người nhằm một đối tượng, đừng chồng chéo nhau, làm thật gọn như kế hoạch đã bàn ở nhà.

Dứt lời, Luận chồm lên lao theo hướng cô gái. Số phận xui khiến 2 cô gái tách riêng, chạy về phia bờ suối. Anh cũng kịp nhận ra người chạy cùng hướng với mình là A phó Phát. Bất giác Luận mỉm cười hiểu ra lý do, chỉ A trưởng và A phó mới có ống nhòm, thảo nào... Anh cố hết sức chạy vượt lên để giành phần chộp lấy cô gái mắt nai. Cuộc dượt đuổi trong cơn mưa rừng quyết liệt và hung bạo như con sói đói hồng hộc chồm theo chú thỏ non ướt nhóet. Nhưng khi vồ được nàng rồi thì Luận xuống sức thở gấp. Có lẽ cả tháng trời anh đói triền miên, mỗi bữa chỉ có muôi cháo loãng và hai mẩu sắn bé như ngón chân cái làm sao vật nổi cô gái sơn cước săn chắc, lại được ăn no, ngủ kỹ. Sự thèm muốn đụng chạm với da thịt đàn bà làm anh lú lẫn, quên bẵng mình còn có dao găm, súng ngắn khống chế con mồi. Lăn lộn, cào xé nhau hồi lâu thì cô gái đọat được dao găm, ngồi chồm hỗm lên bụng anh, quắc mắt, dí lưỡi thép vào cổ họng. Thế là tong đời một cách nhục nhã! Anh nghĩ vậy và thở dài chờ chết, nước mắt ứa ra, gọi khẽ hai tiếng mẹ ơi!... Hình như cô gái nhận ra giọng Bắc, thóang ngạc nhiên, nhưng vẫn gằn giọng hỏi:
- “Giải phóng” à?
- Ừ, giải phóng quân, quê miền Bắc.
- Sao “giải phóng” lại đi cướp hiếp đàn bà?
- Không phải đâu. Giải phóng quân đưa pháo lên núi, sắp bắn vào cứ điểm Cà Tang để giải phóng Quế Sơn.
- Thế thì sao nữa?
- Cán bộ thấy em và mấy người kia đi làm rẫy về, đứng trú mưa sát gần trận địa, sợ bị lộ bí mật quân sự nên lệnh cho bọn anh bao vây, tạm giữ đồng bào hết đêm nay, chờ đánh trận xong sẽ thả về nhà thôi.
- Thật vậy không?
- Thật mà, thám báo Mẽo hay quốc gia làm sao biết nói giọng Bắc, tin anh đi…
- Hèn gì đàn ông mà ốm nhom, vật đàn bà cũng không nổi, sức đâu mà cướp hiếp. Rõ tội nghiệp!
- Tại tụi anh đói quá, với lại đã quen ôm đàn bà vật lộn thế này bao giờ đâu.
- Hí hí… hí…, quân mình đánh lẫn quân ta, em cũng là du kích chứ bộ…

Cô gái quăng con dao găm, cười khúc khích. Tiếng cười làm nàng rung lên, mông của nàng vì thế cứ nhay đi nhay lại trên bụng chàng trai chưa từng biết đến mồ hôi đàn bà chua mặn thế nào trong đời. Thóat cơn hiểm nghèo, giờ Luận lại được đê mê vì sung sướng. Anh nhắm nghiền con mắt, tận hưởng một thứ khóai cảm kỳ diệu. Đôi bờ mông của nàng hình như cứ trôi dần, trôi dần xuống dưới. Luận mở to mắt, bàng hòang không tin được đó là sự thật. Lúc vật lộn, anh đâu ngờ miếng vải gai quấn trên ngực nàng đã bị bung ra, rơi mất, để lộ đôi bầu vú trắng nõn, cao vồng, núm vú đỏ hồng như một chấm son, phập phồng lên xuống theo nhịp thở. Chiếc váy người dân tộc thực ra cũng chỉ là tấm vải quấn quanh người che phần dưới, khép chờm hai mép vải ở đằng trước. Giờ nàng đang ngồi dạng chân trên bụng anh nên nó như được mở toang và người dân tộc đâu có biết dùng đồ lót. Luận nhìn thấy rõ cả một vùng cấm tam giác đang mời gọi. Bản năng giống đực làm cái của nợ trong quần xà lỏn tự do nổi lọan, bất chấp kỷ luật dân vận của D trưởng dặn dò lúc giao nhiệm vụ. Cái đầu Luận bảo đừng mà bên dưới thì … cương lên. Cô gái cũng cảm nhận được sự cương nở ấy, thóang đỏ mặt, nhưng… thích… Nàng cười rất hồn nhiên, chống hai tay lên cỏ, từ từ cúi xuống. Bốn mắt nhìn nhau đắm đuối, buông thả cho mọi sự cuồng nhiệt, đê mê diễn ra sau đó. Suốt một đêm, giữa rừng xanh kỳ bí, họ thành Êva và Adam, quấn vào nhau lăn lộn nhiều lần, quên đói, quên mệt, quên cả tiếng pháo 105 ly rầm trời bắn vào cứ điểm Cà Tang, chỉ thấy tràn trề lạc thú nơi hoang dã…
*
* *

Cái đêm vụng về, bị động tập làm đàn ông trước giờ tiểu đòan nổ súng là những khoảnh khắc thần tiên nhất trong đời, nhưng vì hai chữ lập trường ám ảnh, buộc Luận phải cố quên nó. 33 năm thoắt qua đi, mỗi lần nhớ đến D trưởng An, nhớ đến Phát, anh phải cảm ơn số phận cho mình cái cơ hội nếu có chết như Phát cũng đã biết mùi đời. Dù đói, mệt, nhưng sức trai tuổi 20 vẫn đủ cho anh hưng phấn quá tam ba bận. Sáng dậy, biết tên cô gái là Hơ Miêng, tên một lòai hoa dại của núi rừng, anh sung sướng cắn vào đùi non của nàng, đòi thêm một lần cuối, trước lúc chia tay. Chỉ cách một bờ ruộng, anh chứng kiến thằng Phát A phó không được như vậy. Nó còn mất lập trường hơn anh, úp mặt vào chỗ ấy gào lên vì sung sướng, gọi tên các thủ trưởng xem ai sướng hơn nó. Nhưng nó vừa qua trận sốt rét còn đâu sức lực, chỉ sau một lần đã nhọc phờ, trên bảo dưới không nghe, đành bất lực làm tình bằng tay, bằng lưỡi. Khổ nỗi cô gái của nó tên Hơ Ngoan mà chẳng hiền, mỗi lần bị Phát kích động nàng lại cong người rú lên những âm thanh điên dại, rồi chồm dậy đè lên người nó, dùng cái của mình nhay đi nhay lại mãi cái của Phát đang héo rũ, không sao ngóc lên được. Chuyện mất lập trường này chỉ hai thằng biết, sống để bụng, chết mang theo, hở ra là tong đời. Phát chết vì một mảnh bom B52, khi đơn vị rút khỏi huyện lỵ Quế Sơn, chuyển quân về Sơn Bình, gần ngã ba sông Thu Bồn và sông Trường. Tội nghiệp cho nó chết vào lúc 3 giờ sáng, chắc là đói lắm. Hồi chiều, đơn vị hết gạo, mỗi thằng chỉ được ăn nửa bát ngô bung vàng khè, hạt to và cứng như răng ngựa. May mà nó còn kịp được biết tý chút mùi đời. Phát chết rủi cho nó, nhưng cũng có phần may cho Luận vì cái tội mất lập trường kia chỉ còn là bí mật của riêng anh. Nói vậy thì đểu và bất nhẫn lắm lắm ! Song “một miệng thì kín…”, cổ nhân đã dạy rồi. Phát là thằng bạn tốt nhất trần đời của Luận. Nó cùng học khoa lý, trường đại học Tổng Hợp Hà Nội với anh, cùng nhập ngũ một ngày. Trong tiểu đội trinh sát, nó luôn giành phần việc nặng, việc nguy hiểm thay cho Luận. Đi dã ngọai, kiếm được miếng ăn tươi nó luôn mang về dúi vào màn của anh. Ăn vụng lúc ngủ cũng nhục lắm, song ở đời khi người ta đói cũng có lúc đành chấp nhận. “Đồ ăn thì ít, chia ra tất cả cùng đói, chi bằng để một thằng no.”- Phát thường động viên bạn như vậy. Chỉ có điều tính Phát hay lô bô ba la, hứng lên nếu nó lỡ mồm khoe với thằng nào chuyện Luận với Hơ Miêng thì còn đâu cái thành tích lập trường vững vàng bấy lâu anh khôn khéo ẩn mình, được các thủ trưởng biểu dương nhiều lần. Nói như Bảo, cái thằng lính trinh sát nổi tiếng gan dạ, đa tài nhất tiểu đòan: “Hai tiếng lập trường nghe mơ hồ, trìu tượng và thối khắm nhất mày ạ! Nó là cái con C gì cơ chứ ? Ấy thế mà suốt cả một thời gian khổ, oanh liệt, nó bỗng thành thứ vũ khí hiểm độc để người ta vùi dập hay tâng bốc một con người cụ thể.” Nạn nhân của hai chữ lập trường đau nhất cũng là Bảo. Chuyện xảy ra chẳng đáng gì phải kết tội, phê bình, kỷ luật, nhưng Luận ngày ấy đã không dám can đảm đứng ra bênh vực cho chiến sĩ trinh sát ưu tú của tiểu đội mình. Tháng 3 năm 1975, các khẩu đội pháo 105 ly của tiểu đòan được lệnh bao vây, khống chế sân bay Đà Nẵng và bến cảng Tiên Sa, không cho địch rút chạy an toàn. Bảo đã gan dạ chỉ huy một nhóm bám sát mục tiêu, tính tóan chính xác tọa độ, giúp các khẩu đội trưởng kết toán góc độ và hướng bắn. Lẽ ra Bảo được tuyên dương anh hùng, thưởng Huân chương chiến công, không may giữa lúc ta ăn mừng chiến thắng, anh vớ được bộ quân phục thủy quân lục chiến ngụy còn mới cứng, sẵn có máy ảnh chiến lợi phẩm, anh mặc đồ của ngụy, chụp vài pô ảnh làm kỷ niệm nên bị quy tội mất lập trường, chịu án kỷ luật khá nặng. Vì thế, sau ngày thống nhất, Luận được giải ngũ tiếp tục vào đại học rồi đi làm nghiên cứu sinh ở Nga; còn Bảo vẫn ở lại đơn vị, tiếp tục đánh trận ở biên giới Tây- Nam. Điều làm cho Luận khổ tâm, thương bạn nhất là khi gặp lại Bảo ở chiến trường về, thấy anh bị thương đúng vào chỗ hiểm, mất khả năng làm thằng đàn ông. “Lính ta ra khỏi cuộc chống Mỹ, vấp phải lũ lính nhãi ranh 14- 15 tuổi của Khơ Me đỏ mà phải gọi chúng là bậc “Cụ” về chiến tranh du kích, mày ạ !”- Bảo ôm chầm lấy bạn chua chát nói. Anh đi trinh sát bị vướng mìn, các chuyên gia y học lão luyện ở Viện 103 cũng chỉ có thể tạo hình bằng cách nối thêm vào cái ấy của anh một mẩu nhựa, không đủ thỏa mãn đàn bà nên 3 lần cưới vợ rồi, 3 lần phải ly dị. Từ lính pháo tầm xa đầy uy lực thời chiến, nay anh thành “lính pháo phòng không” thời bình.

*
* *

Đêm nay sao dài gấp nghìn lần cái đêm Luận cùng Hơ Miêng ân ái bên bờ suối. Có biết bao sự việc, gương mặt của thời máu lửa cứ ẩn hiện trong đầu anh. Cuộc gặp mặt các cựu chiến binh của trung đòan tăng - pháo kết hợp ở quân khu V thời chống Mỹ có thể sẽ đảo lộn cuộc sống của Luận những năm tháng sau này. Bảo gặp anh không còn vồ vập, suồng sã như mọi lần. Cái nhìn của Bảo hướng vào anh như thôi miên, nhiều ẩn ý khó đóan ra được. Thường thì trong các cuộc gặp mặt, lúc họp chung, Bảo ngồi im re, chỉ hào hứng tán bậy, chửi tục văng mạng khi vào tiệc rượu. Lần này Bảo đến trễ, nồng nặc hơi men, mắt đỏ vằn, dắt theo một bé gái chừng 13- 14 tuổi. Hội trường khi ấy đang nghiêm trang phát kỷ niệm chương và cuốn lịch sử pháo binh khu V. Trên hàng ghế danh dự, Luận được ngồi chung với mấy vị tướng và các thủ trưởng cũ nay đã về hưu, vinh danh lão thành cách mạng. Bảo bước vào, nhìn xóay vào Luận vài giây rồi quay sang cháu bé giới thiệu:
- Xin các thủ trưởng cũ, mới và anh em chiến hữu nhìn cho rõ, đây vừa là cháu nội vừa là cháu ngọai của trung đòan ta, chính xác hơn là của tiểu đòan pháo 105 ly anh hùng.
- Nói rõ và cụ thể xen nào, Bảo ơi!- Cả hội trường nhao lên.
- Thế là đủ, cần gì phải nói rõ. Thằng nào có con có cháu thì tự biết. Đau xót là ở chỗ tôi vừa cứu cháu Hơ Linh thóat khỏi ổ mại dâm tại thị trấn Hà Lam, thủ phủ huyện Thăng Bình. Cả bố lẫn mẹ cháu đều là giọt máu thuần chủng cách mạng của lính ta gửi lại trong trận đánh Quế Sơn năm 1972. Từ Hà Lam vào khu căn cứ của trung đòan ta chỉ có hơn 40 cây số theo quốc lộ 16E mà vợ chồng chúng nó sau 30 năm thống nhất, sống khổ như chó lợn nên cháu Hơ Linh mới ra nông nỗi này.
- Cậu lại phát biểu mất lập trường rồi, Bảo ơi ! Về chỗ ngồi đi cho hội nghị tiếp tục- Một thủ trưởng cũ ôn tồn nói.
- Ơ hay!...Thế nào là lập trường hở thủ trưởng? Nó là cái Đ gì mà làm khổ tôi đến mức bây giờ cái C cũng chẳng còn để lưu truyền nòi giống tổ tiên dòng họ? Sống thật với bản năng tính người, nói ra những sự khốn nạn là mất lập trường ư ? Này Luận! Cậu đang ngồi hàng ghế danh dự vì cậu đã lên quan, làm thứ trưởng một bộ quan trọng, hãy trả lời đi.

Luận cố tránh ánh mắt nhìn như moi tim, móc óc của Bảo. Anh xúc động rưng rưng, đứng dậy, bước khỏi hàng ghế danh dự, lại gần bạn, dìu Bảo về chỗ ngồi ở cuối hội trường. Thật lòng anh không muốn về lại chỗ cũ, nhưng ngồi gần Bảo và Hơ Linh lúc này thì anh không dám. Khỏi cần Bảo giới thiệu, chỉ mới thóang nhìn cô bé bước vào hội trường, anh đã nhận ra nét quen quen. Chẳng lẽ anh đã có con gái với Hơ Miêng. Chẳng lẽ Phát và Hơ Ngoan đêm ấy chỉ đủ sức một lần hoan lạc mà lại kịp có con trai với nhau.
Chẳng lẽ mới 33 năm mà số phận đã ghép con anh, con Phát thành vợ chồng, sinh ra bé Hơ Linh. Trời ơi! Thật kỳ diệu và cũng thật khủng khiếp. Liệu Bảo có nhầm lẫn không và nếu đúng thì sẽ phải xử sự ra sao đây? Luận biết, từ ngày xuất ngũ, Bảo về quê Bát Tràng theo nghề ông cha, mở lò gốm mỹ nghệ. Mười năm lại đây, doanh nghiệp của anh phát đạt, nổi tiếng về nhiều sản phẩm xuất khẩu. Năm nào, đến dịp 30 tháng 4, anh đều về thăm lại chiến trường xưa, tặng địa phương vài chục triệu đồng. Sao Bảo không hề kể gì với Luận về Hơ Miêng và Hơ Ngoan…

Luận tìm về Bát Tràng không làm Bảo ngạc nhiên. Anh nắm tay bạn, giọng lanh tanh:
- Về rồi hả? Tao biết sớm muộn gì mày cũng về tìm tao hỏi chuyện. Về sớm thế này là tốt. Nhưng sao lại đi xe máy, không dùng ô tô Thứ trưởng đưa vợ con mày đi cùng ? Sợ hả ?
- Không, sợ thì không, hoang mang tí chút thì có.
- Sợ vợ nổi tam bành còn có lý, chứ hoang mang vì danh dự Thứ trưởng làm cái Đ gì cho tổn thọ.
- Không… Tao chỉ hoang mang vì liệu mày có nhầm không và cái chuyện tao với Phát làm đêm ấy mày biết từ bao giờ?

Bảo đấm nhẹ vào lưng Luận cười xả láng:
- Có thể mày không tin, nhưng tao biết tỏng mọi chuyện ngay từ đầu.
- Và mày im lặng giữ kín suốt những năm ở chiến trường ?
- Tố giác chúng mày ư, tao sẽ không bằng con chó ghẻ, bởi tao cũng thèm được như thế. Tao thấy hai thằng có ống nhòm chạy về một phía là đóan ra lý do, lính trinh sát rất nhậy cảm. Song phải làm nhiệm vụ trước đã. Tao đuổi theo một thằng thanh niên lóang cái là chộp được. Ngỡ tao là lính công hòa, tay dao, tay súng như sắp làm thịt mình, nó lạy như tế sao, thú nhận mình là du kích, khai ông ổng từng trận địa pháo để được tha mạng. Điên tiết, tao tống vào mõm nó mấy quả đấm thôi sơn, trói ghì vào gốc cây, chẳng thèm giải thích nữa. Xong xuôi, tao lộn trở lại hướng bờ suối. Giời ơi là giời ! Nhìn chúng mày làm tình với hai em giữa nơi hoang dã tao thèm rỏ nước dãi. Người tao như phát cuồng lên. Trong đêm tối, tao tưởng tượng ra từng động tác của chúng mày và khao khát. Nhưng nếu tao xông vào sẽ làm chúng mày mất hứng, đòi mần chung thì tao hóa thành đồ xúc vật…
- Vậy mà bấy lâu tao cứ ngỡ Phát chết rồi thì chuyện này của tao cũng chôn theo nó. Mày là ân nhân của tao, không biết lấy gì báo đáp.
- Không hẳn thế. Nếu tao tố giác, mày bị kỷ luật, có thể sẽ biên chế sang địa phương quân thì Hơ Miêng sẽ được có chồng, đâu đến nỗi khổ nhục về sau.
- Tại mày không cho tao biết sớm- Luận thở dài, mắt rớm lệ.
- Đừng quá buồn, tao cũng mới biết chuyện đời của Hơ Miêng, Hơ Ngoan thôi.
- Mày về thăm khu căn cứ thường xuyên đã 10 năm cơ mà? - Nhưng chưa từng gặp hai nàng.
- Sao thế?
- Họ sống biệt lập trong rừng, bị tách biệt khỏi cộng đồng. Cái thằng du kích chết dấp, lạy tao như tế sao ấy từ lâu đã mê Hơ Miêng. Sau năm 1972, Quế Sơn giải phóng, nó được làm Chủ tịch xã. Biết Hơ Miêng có thai nó vẫn lẵng nhẵng chạy theo đòi cưới, bị nàng từ chối. Ăn không được thì đạp đổ, nó kết tội Hơ Miêng và Hơ Ngoan mất lập trường, ngủ với lính cộng hòa nên khai trừ khỏi Đảng và du kích, đầy họ vào sống trong rừng. Hai đứa trẻ lớn lên trong chiếc lán nhỏ bé giữa rừng, bên hai bà mẹ cô độc nên chúng thành vợ chồng rất sớm cũng là lẽ tự nhiên. Hơ Linh, cháu ngọai của mày ra đời trong hòan cảnh trớ trêu đó. Một gia đình ba đời tủi khổ vì ma ám lập trường, thì mình tao mất cái con C vì nó có là gì giữa cuộc đời này..
- Thằng Chủ tịch xã chó đểu, tao muốn băm vằm nó - Luận nghiến răng rít lên phẫn nộ.
- Thằng ấy đi tù vì tham ô đồ cứu tế đồng bào bị lũ lụt từ lâu rồi, không đợi mày phải ra tay. Giá như trước lúc ra Bắc, mày không sợ thứ ma ám lập trường, đi tìm Hơ Miêng!
- Mày bảo tao bây giờ phải làm gì?
- Cuối năm ngoái, tao vào khánh thành trường tiểu học do mình bỏ tiền tòan bộ ra giúp xã xây dựng, nghe nói có một cháu học sinh lớp 5 bỏ học, đi hoang, gia đình và nhà trường tìm kiếm gần một năm chưa thấy. Nghe chuyện về hòan cảnh Hơ Linh tao xúc động, đánh xe vào rừng tìm gặp bố mẹ nó, hóa ra số trời run rủi lại gặp cả Hơ Miêng và Hơ Ngoan. Giờ thì họ ổn rồi. Tao đã nhờ bạn bè tìm được Hơ Linh, xây một ngôi nhà 2 tầng ở thị trấn huyện làm cửa hàng cho họ kiếm sống. Mày chỉ cần đưa vợ con vào gặp họ nhận mặt con gái, con rể với cháu Hơ Linh là đủ.
- Nhưng tao muốn làm hơn thế.
- Cái đó tùy mày, nhưng đừng miễn cưỡng mà đắc tội mất “lập trường”với vợ con không biết chừng… Mày biết không, khi thằng Chủ tịch xã tuyên bố kỷ luật, hai nàng Hơ Miêng, Hơ Ngoan cùng nói: “Chúng tao theo cách mạng là thật cái bụng, đâu có lươn lẹo như mày. Chỉ có cái L của chúng tao là không biết lập trường của tổ chức tròn méo thế nào thôi. Ra tổ chức thì ra, vào rừng thì vào, chúng tao Đ sợ, chúng tao đi làm một kiếp người”. Tao nghe họ kể như nghe lời một triết gia vĩ đại. Cái sự thần thánh của cuộc chiến tranh giành độc lập, sách báo viết đã nhiều, đọc lên cũng sướng cái lỗ tai. Nhưng đó là dương bản của chiến tranh, lũ nhà văn, nhà báo mặc sức tô vẽ muôn hồng nghìn tía, tao Đ cần cái dương bản ấy. Cái phầm âm bản của chiến tranh chỉ có hai màu tối sáng, những thằng lính như tao với mày gậm nhấm đến hết đời. Chuyện của mày với Hơ miêng chỉ là mảnh vụn rất nhỏ của âm bản khổng lồ mà mấy mươi năm gậm đã hết đâu… .

*
* *

Chia tay Bảo ra về, lòng Luận rối bời, the thắt. Anh phóng xe máy như điên, mặc cho số phận may rủi có thể sẽ ném thân xác anh vào gầm ô tô, càng hay, cho quên đi tất cả. Bảo nói, đã thắp nhang khấn vái, xin với Phát rồi, còn Luận. Liệu anh có thể nghe theo lời bạn, chấp nhận với số phận an bài, đừng phá vỡ tổ ấm gia đình đang hạnh phúc. Bảo muốn anh chỉ đưa vợ con vào Quế Sơn gặp mặt, nhận người rồi nhường hai bà Hơ Miêng và Hơ Ngoan làm vợ nghĩa tình để Bảo có con, có cháu như bao người bình thường khác. Đến con C của Bảo cũng bị chiến tranh tiện đứt mất thì lời đề nghị ấy là chân thành, hợp lý chứ đâu phải vì thương hại cho hoàn cảnh éo le của Luận. Nhưng anh vẫn thấy không thể… Anh muốn làm một thằng người cho đáng mặt người, sao đời lại xui khiến anh phải hành xử không hơn gì một con vật?... Luận không về nhà. Anh lang thang khắp Hà Nội, rồi tìm một khách sạn yên tĩnh ở ngoại ô trăn trở với điều thỉnh cầu của bạn…
Hà Nội 5/2005


truyện ngắn 2
Vị phồn thực
Vũ Ngọc Tiến

1-
Tôi tỉnh dậy sau một đêm dài mộng mị. Hắn và cả cái phòng tranh quái đản, trưng bày ở Bảo tàng Mỹ thuật cứ ám ảnh tôi suốt đêm, không sao chợp mắt được, đầu óc rối tinh, bộn bề những kỷ niệm về tình bạn giữa tôi với hắn một thời lửa máu. Ngần ấy năm bầu bạn thân thiết, tôi chỉ biết hắn đã từng làm thơ, viết văn, rồi vì thứ của nợ ấy hắn dính đòn, bị đẩy ra mặt trận, thành lính trinh sát pháo binh, cùng tiểu đội với tôi ở chiến trường khu Năm ác liệt. Đành rằng hắn có chút hoa tay, vẽ sơ đồ các cứ điểm của địch chuẩn xác và sinh động đến kỳ lạ, nhưng để làm họa sĩ lại là chuyện khác. Thơ hắn tứ lạ, lời đẹp mà hắn lại gác bút mấy chục năm, rồi chuyển sang nghề vẽ, làm tôi ngỡ ngàng…

2-
Chẳng biết hắn học quy luật về ánh sáng, hình sắc, đường nét ở đâu, từ bao giờ mà phòng tranh vừa mở đã gây ồn ào dư luận, khen chê các kiểu. Mới tập tọng vào nghề, hắn đã nhảy ngay vào lĩnh vực tranh tiêu đề khổ lớn, mỗi bức to bằng lá chiếu đại. Đã là tranh tiêu đề thì đằng sau bố cục và những gam màu còn ẩn chứa nội hàm tư tưởng triết mỹ của tác giả, chứ đâu có bỡn. Vậy mà trong hết thảy các bức vẽ, hắn đều đặt tâm điểm triết mỹ vào hình tượng người đàn bà khỏa thân, ngồn ngộn những V và L!
Choán hết mặt tường chính diện ở gian đại sảnh, hắn trưng bày bức tranh “Thăm lại chiến trường xưa”, khiến ai bước vào, thoạt nhìn đã vãi linh hồn. Cái chiến trường khu Năm tôi với hắn ở lâu nhất là Quảng Nam, Quảng Ngãi. Nó ác liệt tới mức lính ta chết vì bom đạn đã nhiều nhưng chết đói cũng không ít. Trên hồ sơ báo tử từ mặt trận gửi về Bộ Quốc phòng chỉ ghi lạnh lùng hai chữ “sốt rét”, nhưng xin các ông bố bà mẹ, những người vợ hiền ở hậu phương thời ấy biết cho, lũ lính chúng tôi sốt rét ít thôi, đa phần là chết đói. Đói vì mấy ông chỉ huy hám thành tích, vững lập trường “tự lực cánh sinh”, chỉ nhận người và vũ khí, còn lương thực xin cấp trên cho được tự túc. Xứ Quảng đói nghèo, miền Tây Quảng Ngãi càng đói nghèo, nhưng lại rất thơ mộng với núi Ấn, sông Trà. Làm lính khu Năm, ai mà quên được những đêm trăng bên dòng Trà Khúc ngồi ngắm núi Ấn với hòn Nghiên, hòn Bút. Hắn trở lại chiến trường xưa vẽ những bóng ma đồng đội xiêu vẹo, lả đi vì đói, dìu nhau đi giữa cánh rừng đại ngàn ở đôi bờ sông Trà Khúc. Tất cả chỉ lờ mờ, không rõ nhân dạng. Người xem tranh chỉ thấy hắn vẽ và đặc tả người đàn bà khỏa thân nằm xiên chéo toàn bộ bức tranh. Ở phần dưới là dòng Trà Khúc bị bãi nổi giữa sông tách đôi thành hai vế đùi đàn bà lấp loáng dưới trăng khuya. Càng nhìn ngắm kỹ, ta càng thấy một mảng lồi tam giác kẹp giữa hai nhánh sông - khóm cỏ lau ngập nước đang trổ bông - chính là cái ấy của đàn bà, rõ từng múi thịt, lún phún lông tơ mịn màng. Thiếu phụ mang tên dòng sông Trà Khúc ấy có bộ ngực đồ sộ, nhô lên chất ngất hai đỉnh hòn Nghiên, hòn Bút của núi Ấn, và hút sâu trong khoảng không giữa hai bầu vú ta thấy ẩn hiện gương mặt thiếu phụ ngủ vùi trong gối mây. Một gương mặt bơ thờ, khắc khoải đợi chờ tạo hình bởi viền sáng của mảnh trăng hạ tuần về sáng, bị che lấp bởi những vạt mây vần vũ xung quanh. Những hồn ma lính đói vật vờ hành quân tạo thành dải băng đen vắt ngang qua bụng thiếu phụ… Tôi sững sờ trước ý tưởng kỳ lạ, nét vẽ tài hoa của hắn, con tim như có chùm gai nhọn của cây rừng Quảng Ngãi đâm lút vào, chắn ngang từng mao quản.

Xem tranh của hắn chỉ thấy ngồn ngộn V và L rất phồn thực. Nhưng có điều lạ, người đàn bà nào của hắn cũng khỏa thân ở nơi hoang dã, bên bờ sông hay trên con đò, dưới chân núi hay lẫn vào trời mây mờ ảo. Có lẽ gây nhiều tranh cãi, ồn ào dư luận khen chê nhất là gian cuối cùng, trưng bày bộ “Tứ bình Cao Bá Quát” của hắn. Bốn bức tranh trong bộ tứ bình phỏng theo nội dung một bài cảm tác ngẫu hứng của thi sĩ họ Cao, khi ông ngồi hát ca trù với cô đào Ánh Nguyệt nổi tiếng đất kinh kỳ. Lời ca ông viết là ba khổ thơ vô đề, không theo niêm luật, lẫn lộn vừa Nôm vừa Hán. Nó rất ngông đời, nổi loạn và cũng rất đa tình như tính cách của ông vậy:

Sơn cao nhất phiến nguyệt
Đã chơi trăng phải biết tình trăng
Sơn chi thọ đối Nguyệt chi hằng
Sơn có Nguyệt càng thêm cảnh sắc.
Nguyệt quải hàm Sơn thi bán bức
Sơn hàm minh Nguyệt tửu thiên tôn
Núi chưa già, trăng hãy còn non
Trăng dù khuyết, tình vẫn tròn với núi.
Rượu một bầu, thơ ngâm một túi
Góp gió giăng làm bạn với non sông
Núi kia tạc để chữ đồng
Trăng kia nhớ mặt anh hùng này chăng?

Bài thơ được hắn xé ra thành bốn bức tranh, đặc tả thi sĩ họ Cao và cô đào Ánh Nguyệt. Có lúc ông cởi trần ngồi ngắm trăng, cô độc như một trái núi, có lúc ông đang hành lạc với nàng trăng. Cô đào Ánh Nguyệt chính là nàng trăng ấy, khỏa thân ở bốn tư thế khác nhau, khi xa thì như đùa rỡn giữa trăng với người, khi gần thì hoặc chàng phủ lên nàng, hoặc nàng phủ lên chàng, cô tịch và hoang dã, chẳng bợn lên chút cảm giác nhục dục nào, buộc người xem tranh phải suy nghĩ mông lung, khắc khoải…

3-
Tôi đang lẩm nhẩm đọc thơ được chép theo lối thư pháp hiện đại ở góc dưới bên phải bức tranh, hắn lại gần cấu nhẹ vào vai tôi hỏi:
- Được không? Bộ tứ bình này thế nào?
- Chịu thôi, tranh của mày toàn V với L, nom khiếp quá!
- Mày nói xạo. Nhìn vào mắt người xem, tao biết ai là người đọc được tranh của mình.
- Cứ cho là thế đi, nhưng tại sao mày bỏ hẳn thơ văn suốt mấy chục năm để lúc về già lại đổ đốn làm thằng thợ vẽ toàn V và L?
- Văn chương ư? Quên đi!... Dù có dùng nghệ thuật ẩn dụ đến đâu chăng nữa thì phương tiện biểu đạt của văn chương vẫn là chữ và lời, ở xứ mình dễ mang vạ vào thân. Tao đã ngấm đòn từ lâu quá rồi, hãi lắm!
- Thế còn hội họa?
- Hội họa có phương tiện biểu đạt riêng là ánh sáng, hình sắc, đường nét. Tao vẽ V và L để nói cái điều tao muốn nói. Ai muốn hiểu thế nào tùy họ. Tao nghĩ và tao vẽ là quyền của tao. V và L có gì phải kiêng kỵ đâu. Nó là cái đẹp vĩnh cửu, cái đẹp tự nó, chẳng cần phải che đậy. Khắm như đậu phụ chấm mắm tôm mà khi ăn rồi ai cũng nghiện, bởi hiện sinh của mắm tôm không chỉ có mùi, còn có vị nữa. Vị mới là cái tinh cốt của đời.
- Nhưng tao vẫn ngờ rằng, mày vẽ V và L còn vì câu chuyện xưa cũ ngày ấy, phải vậy không?
- Đúng. Tao không thể nào quên đôi bầu vú căng mọng sữa của nàng đã cho tao sự sống. Giờ đã qua gần trọn một kiếp người, tao mới ngộ ra bầu vú của nàng đã dạy tao phải sống đúng như tao muốn sống. Tao phải là chính mình. Bầu vú của nàng là tuyệt đỉnh siêu việt để tao siêu thăng giữa thiện - ác, chính - tà, chiến tranh - hòa bình, hiện tại - quá khứ…

Hắn nói một thôi một hồi về sự siêu thăng suốt hai năm qua trốn biệt mọi người lên tận rừng quốc gia Ba Vì để lập xưởng vẽ. Hắn nói rồi đi, mái tóc bồng bềnh, chòm râu phơ phất, áo quần xộc xệch, chân nọ đá chân kia như thằng say rượu… Giữa bức “Thăm lại chiến trường xưa” và bộ “Tứ bình Cao Bá Quát” ngỡ là hai chủ đề khác biệt mà sao tôi đều thấy mình và hắn hiện diện trong đó cùng sự hiện sinh muôn thủa những kiếp người. Đêm, tôi bị ám ảnh khôn nguôi về hình tượng người đàn bà khỏa thân nơi hoang dã rất phồn thực trong tranh, thao thức nhớ lại chuyện xưa ở chiến trường khu Năm.

4-
Ngày ấy, những thằng lính đi B có bằng cử nhân hay tú tài như chúng tôi còn là của hiếm, dùng để tuyên truyền cho dân miền Nam về thiên đường xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc. Vì vậy, nếu có bị thương, nhưng chưa đến mức nằm liệt, các cậu cử, cậu tú chúng tôi cũng không được chuyển ra Bắc. Xuất viện là họ điều chúng tôi về An toàn khu làm lính cơ quan hay phân về làm bảo vệ ở các bệnh viện, trại giam tù binh… Tôi bị thương vào cánh tay, còn hắn bị thương ở vùng ngực, gãy hai chiếc xương sườn. An toàn khu có khoảng gần trăm người như chúng tôi, già nửa là lính Hà Nội, đã tốt nghiệp cấp III phổ thông, còn từ cấp chỉ huy đến lính đa phần là người địa phương khu Năm. Họ nhìn chúng tôi hát hò, đọc sách, làm thơ… với con mắt kỳ thị, xem đám lính Hà Nội là lãng mạn tiểu tư sản, lập trường bấp bênh, thiếu tinh thần cách mạng triệt để. Khổ nỗi, các cô gái địa phương hay các nữ giao liên từ vùng địch ra lại cứ xoắn lấy các chàng trai Hà Nội, xem chúng tôi giải toán lớp 12 cứ mắt tròn mắt dẹt. Điều này càng gây chướng mắt các ông chỉ huy. Càng bị cô lập, phân biệt đối xử, chúng tôi càng thương quý nhau hơn, nhất là tôi với hắn vốn cùng một tiểu đội trinh sát, cùng bị thương trong trận đánh cứ điểm Sơn Tịnh. Ngày ấy, lính ta đói dài, ngô sắn còn không đủ ăn, gạo càng hiếm, nói chi đến thịt cá. Chúng tôi thường tụ tập nhau lén đi cải thiện. Nói “cải thiện” cho vui thôi, thực ra là đi ăn trộm của tập thể cơ quan hay của dân bất cứ thứ gì nhét được vào bụng để tồn tại qua ngày. Vì vậy, lính Hà Nội thường hay bị điều đi công tác để tách xa nhau ra. Công tác nguy hiểm nhất là xuống cơ sở ở đồng bằng lấy gạo, muối, thực phẩm. Địch biết quân ta đói nên tung một lữ đoàn thiện chiến bao vây, chốt chặt các ngả đường từ căn cứ xuống đồng bằng. Chỉ huy lữ đoàn là viên trung tá còn rất trẻ, chống cộng đến cùng, nhưng cũng không ưa sự có mặt của người Mỹ. Thời sinh viên, anh ta đã từng biểu tình chống Mỹ xúc phạm các nữ sinh Việt Nam. Là con một trong gia đình trí thức lớn, danh giá bậc nhất ở Sài Gòn, lại làm rể ông nghị sĩ quốc hội, nhưng vì coi thường các tướng lĩnh kém mưu, nhát gan nên anh ta bị điều ra miền Trung. Nuôi mộng vinh thăng cấp tướng để thâu tóm quyền lực, thay đổi thế cờ chiến cuộc nên anh ta xông xáo xuống từng đơn vị, kiểm tra thường xuyên các chốt mai phục không để sơ hở. Là người túc trí đa mưu, anh ta muốn tiêu diệt căn cứ không cần đạn pháo cỡ lớn mà bằng cái đói. Chỉ huy cấp dưới thường được trung tá nhắc nhở: “Đã là chiến tranh tất có một bên phải chết. Muốn sống ta phải tàn bạo với kẻ địch, lương tâm, đạo lý gửi lại cho thân nhân, bạn bè cất giữ ở hậu phương. Gặp thằng lính Việt cộng nào đi lấy gạo các anh cứ việc bắn bỏ rồi chặt đầu bêu ở ven đường cho chúng khiếp vía, chịu đói mà chết dần.”…

5-
Tôi nhớ, vào tháng hai âm lịch năm nhâm Tý (1972), giữa kỳ giáp hạt, toàn khu căn cứ đói dài. Một tốp 5 người đi lấy gạo bị địch chặt đầu bêu ở cọc tre ven đường, có đến 3 người là lính Hà Nội. Hắn như phát rồ vì thằng bạn rất thân cũng nằm trong số đó. Đành rằng chiến tranh là cối nghiền thịt khổng lồ, con người ở cả hai phía đều buộc phải tàn ác như nhau cả thôi. Thế nhưng nếu hôm qua thằng bạn còn nằm chung một ổ, ăn cùng một mâm bỗng hôm nay bị đối phương chặt đầu thì ta lại chỉ thấy địch là tàn ác, còn ta có nghĩa vụ đòi lại nợ máu. Cả khu căn cứ sôi sục muốn trả thù cho đồng đội và cũng rất căng thẳng vì đói. Tư lệnh An toàn khu quyết định mở trận đánh phá vây, tiêu diệt lữ đoàn của địch. Mũi đánh vu hồi vào sở chỉ huy lữ đoàn ở tuyến sau của chúng là quan trọng và nguy hiểm nhất, được tất cả lính Hà Nội chúng tôi tình nguyện tham gia. Hắn và tôi được cử đi trinh sát tình hình sở chỉ huy lữ đoàn. Sau 10 ngày luồn sâu, mật phục và quan sát, hai đứa đã nắm được quy luật hoạt động và hệ thống bố phòng của địch. Phải thừa nhận viên trung tá chỉ huy là đối thủ tài ba, không hổ danh là lính trí thức con nhà nòi của phía bên kia, hệ thống bố phòng không tìm thấy một chút sơ hở. Nhưng ở chiến trường, đôi khi mọi sự cẩn trọng, chu đáo có thể bị phá vỡ bởi một yếu tố ngẫu nhiên. Ngày thứ 10, đang chuẩn bị rút về cứ, qua ống nhòm, tôi và hắn phát hiện thấy một chiếc trực thăng hạ cánh ở sân sở chỉ huy lữ đoàn. Bước ra khỏi máy bay là một thiếu phụ đẹp đến mê hồn. Gương mặt nàng đôn hậu như Phật bà Quan Âm giáng thế. Vóc dáng và y phục nàng toát lên vẻ kiều diễm, cao sang mà vẫn dễ gần bởi nụ cười hiền dịu. Đi theo nàng còn có vài cô gái, thảy đều sang trọng, trẻ đẹp. Họ mang theo rất nhiều quà và cả vài chục két bia. Đêm nay chắc hẳn sở chỉ huy lữ đoàn có đại tiệc, lính cũng như quan sẽ tắm bằng bia và rượu. Tôi và hắn sướng run lên, cắm đầu chạy băng rừng về nơi tập kết của đồng đội đang nóng chờ tin tức. Trận đánh diễn ra trong đêm tối trăng thật êm gọn đến bất ngờ, nhưng cái giá xương máu thật là khủng khiếp. Kẻ địch say mèm và hoảng loạn, còn chúng tôi thì như một lũ điên luôn miệng hô giết, giết và giết. Biết làm sao khác được, khi cơn cuồng nộ trả thù đã khiến tất cả như không còn tính người. Kẻ địch chạy - bắn, giơ tay hàng - bắn, bị thương lòi ruột cũng bắn. Máu người vung vãi khắp nơi, dây đầy áo lính, nòng súng bỏng rát, tiếng kêu rên thê thảm… Mặc kệ! Ngón tay trỏ của tôi và hắn chỉ còn một phản xạ nhấn cò súng. Thê thảm nhất là xác viên trung tá găm đầy đạn tiểu liên, đạn AK, máu me đầm đìa, thân hình nát bấy. Chúng tôi nhìn vào xác chết, hả hê vì trả được thù. Tất cả lặng đi vài phút, nhớ đến những cọc tre bêu đầu đồng đội những ngày qua, rồi cùng oà lên, nức nở gọi tên từng người… Bỗng cánh cửa sắt của tủ hồ sơ tài liệu bật mở và thiếu phụ lao ra ôm lấy xác chồng gào khóc. Tay nàng run run sờ mặt, vuốt tóc chồng. Mặt nàng úp lên lồng ngực đầy máu…

- Giết nốt con đĩ này thôi, anh em ơi!
- Cho nó đi chầu Diêm vương với thằng chồng ác ôn!
- Lột quần áo nó ra ngắm cho sướng mắt rồi hãy làm thịt!
- Phải đấy, xem thử cái L người Sài Gòn nó đen-trắng, dày-mỏng thế nào rồi hãy giết!

Hơn chục thằng lính Hà Nội đang cơn say máu, nhao nhao quát thét, ánh mắt man dại. Riêng hắn lặng đi, trán vã mồ hôi, mặt tái mét, trân trối nhìn thiếu phụ. Hắn lại gần, vực nàng đứng dậy và nghẹn ngào nói:
- Chúng mày nhìn đi! Ngực cô ấy căng đầy sữa, rỉ ra từng giọt, chắc vừa sinh con nhỏ. Đ mẹ, bắn giết thế đủ rồi! Trẻ thơ có tội tình gì đâu. Cuộc chiến này đã quá nhiều trẻ mồ côi, còn chưa đủ sao? Hãy tha cho cô ấy về với con. Đứa nào nói nữa tao bắn.

Thiếu phụ quỳ xuống, chắp tay vái lạy từng người, không nói được ra lời. Chúng tôi như bừng tỉnh quay đi, bàng hoàng đau xót, giấu những giọt nước mắt đang ứa ra. Từng người lặng lẽ lao vào bầu trời đen thẫm. Đêm ấy không ngờ tôi và hắn bị lạc nhau. Trên đường rút về cứ, hắn không may dẫm phải bẫy thú rừng của người dân tộc. Những mũi chông nhọn hoắt đâm vào đùi, vào bụng làm hắn ra rất nhiều máu. Vùng vẫy thoát ra khỏi hố bẫy thì hắn kiệt sức, nằm thiếp đi bên một bụi cây. Mờ sáng tỉnh dậy, hắn giật mình vì thấy mình đang gối đầu lên đùi người thiếu phụ hồi đêm. Vết thương ở đùi và bụng của hắn được nàng xé áo băng lại. Nàng là người thành phố, không quen đi rừng nên cũng bị lạc. Đây đã thuộc vùng giải phóng, nàng có thể sẽ bị bắt lại. Hắn định ngồi dậy chỉ vẽ đường đi cho nàng, nhưng vết thương nhói buốt, miệng khô rang vì ra nhiều máu, hắn nằm vật xuống, trong cơn mê sảng luôn miệng đòi uống nước. Nàng nhìn hắn bối rối, thương xót. Trời còn chưa sáng rõ, chạy đi tìm nước nàng có thể bị lạc một lần nữa, không khéo gặp thú rừng thì nguy. Hơn nữa, nàng có thể gặp Việt cộng hoặc du kích, sẽ bị bắt, không còn đường về với con. Nhìn ra bốn bề chỉ thấy núi và cây rừng, chẳng nghe thấy tiếng nước chảy, đang mùa khô, đào đâu ra nước bây giờ? Tiếng hắn thều thào “nước… nước…” khiến lòng nàng quặn thắt. Ngực nàng thì đang cương sữa, vắt đầy ra cỏ đã mấy lần... Lưỡng lự hồi lâu rồi nàng mạnh bạo vạch vú nhét vào miệng hắn. Phản xạ tự nhiên làm hắn chợt tỉnh, đẩy bầu vú của nàng ra, lắc đầu quầy quậy. Nàng càng cố ấn đầu vú vào, hắn càng dùng hết sức đẩy ra. Tức quá, nàng tát thật lực vào mặt hắn, quát to:
- Nước không có, muốn chết khát hay muốn sống? Cái tát của nàng làm hắn trở nên ngoan ngoãn, thôi vùng vẫy, nhắm nghiền đôi mắt, từ từ há miệng ngậm vào đầu vú mút và mút. Nàng gần như nằm đè lên người hắn, dứt tung nịt vú, vắt kiệt cả hai bầu sữa. Hắn bú no nê dòng sữa của nàng cho đã cơn khát. Sữa cho hắn sức lực để hồi tỉnh. Khi đó hắn mới nhận ra cái cảm giác đê mê trước mùi da thịt của nàng. Sữa đã hết, nhưng miệng hắn còn ngậm chặt đầu vú. Bàn tay hắn mơn man lên da thịt trắng ngần và mịn màng, ấm nóng của bộ ngực đồ sộ như hai trái núi. Hắn không ngờ người thiếu phụ mảnh mai như nàng lại có bộ ngực phồn thực đến vậy. Hắn ngây ra nhìn gương mặt thánh thiện của nàng. Cái ấy của hắn đụng vào người nàng bỗng cương cứng lên, muốn xé rách lần vải quần quân giải phóng. Nàng nhìn hắn mỉm cười. Cái nhìn đầy cảm thông và bao dung của tình mẫu tử, chứ không phải của bạn tình, làm hắn chợt hổ thẹn vì sự nổi loạn trong cái của nợ, dù thằng đàn ông nào chẳng vậy…

Đúng lúc đó, ba người lính địa phương khu Năm xuất hiện. Họ túm tóc hắn lôi dậy, xỉ vả một hồi vì tội hủ hóa, rồi trói cả hai, giải về khu căn cứ. Chuyện của hắn có viết cả trăm lần vào bản kiểm điểm cũng không ai tin, ngoài tôi và mấy thằng bạn thân người Hà Nội. Hắn bị khép tội cố ý tha tù nhân có nợ máu, lại thông đồng với nàng bỏ trốn ra vùng địch. Từ thằng lính lập nhiều chiến công, bị thương về làm lính coi tù, nay hắn thành tù nhân đặc biệt của trại giam. Nàng bị giam ở trại phụ nữ, hắn bị giam ở trại nam giới, hai trại cách nhau một con suối, đằng đẵng gần nửa năm cách trở. Hàng ngày đi lao động trồng sắn, hắn và nàng cách bờ nhìn nhau đau đáu, nhớ thương, ấm ức. Tôi và mấy thằng bạn thân thường tìm cách gặp hắn an ủi, động viên hoặc làm liên lạc giữa hắn và nàng. Lâu dần tôi mới biết hôm đó nàng dùng trực thăng riêng của gia đình đi đón chồng về Sài Gòn chuẩn bị tu nghiệp lớp sĩ quan cao cấp ở Mỹ. Vì quá say sưa thù tạc, chia tay với chiến hữu nên sở chỉ huy lữ đoàn của chồng nàng mới bị quân ta tập kích, trở tay không kịp. Nàng bảo, anh ấy ngoài mặt trận phải buộc lòng làm con thú hung dữ, chứ về nhà lại hết mực yêu vợ, thương con, hiếu đễ với hai bên cha mẹ. Âu đây cũng là số phận!... Khi biết tin thằng cha chột mắt người khu Năm phụ trách trại giam nhiều lần ve vãn, có lần toan hãm hiếp nàng, hắn lồng lên, thề sẽ giết thằng chó đểu. Văng tục, chửi bới một hồi, hắn bưng mặt khóc hu hu như con nít, nài xin tôi và mấy thằng bạn tìm cách bố trí cho nàng trốn khỏi trại giam. Chúng tôi bàn bạc, lập kế hoạch rất chu đáo cho hắn và nàng cùng trốn về đồng bằng. Mất bao nhiêu công sức băng rừng, lội suối, chúng tôi mới đưa được hai người ra đến bờ sông Trà Khúc. Chỉ một bước là lên thuyền xuôi về vùng địch, hắn chợt đổi ý, quyết tâm ở lại, sẵn sàng chịu trách nhiệm một mình về việc nàng bỏ trốn để không liên lụy đến bạn bè. Việc đã gấp, tôi và mấy thằng bạn đành cắn răng, nuốt lệ chiều theo ý hắn. Chúng tôi tản ra canh chừng cho hắn và nàng ngồi chia tay bên mép nước, dưới ánh trăng lai láng. Tôi ngồi sau một bụi cây, xoay lưng về phía bờ sông. Đêm khuya thanh vắng, khoảng cách không xa, lại xuôi theo chiều gió nên tôi vô tình nghe rõ câu chuyện giữa hắn và nàng.
- Em thương anh quá! – Nàng bảo.
- Đừng lo, anh chịu đựng được, em cứ yên tâm tìm về với con và gia đình – Hắn động viên.
- May ra số phận còn cho mình gặp lại nhau.
- Hết chiến tranh, nếu còn sống anh sẽ tìm em.
- Em hỏi thật, anh đừng giấu.
- Hỏi đi, anh nghe đây.
- Cái hôm anh đẩy bầu vú em ra khỏi miệng, em đoán anh chưa từng một lần với đàn bà?
- Đúng vậy. Bạn bè anh nhiều đứa chết rồi vẫn chưa được làm đàn ông.
- Em muốn có thêm đứa con với anh. Chồng em đằng nào cũng chết rồi, oan hồn anh ấy sẽ không phiền trách.
- Nhưng bạn bè anh…
- Không sao, họ đều là con người, sẽ thông cảm cho chúng mình.
- Anh rất muốn, nhưng…
- Thôi, không nhưng gì hết.

Giời ơi!... Còn ai trên đời hạnh phúc như hắn. Tôi nhắm nghiền mắt mà như nhìn thấy rõ hắn và nàng cùng trút bỏ áo quần, lội ra dòng sông loáng bạc. Họ ôm nhau, kỳ cọ thân thể cho nhau rồi… hắn bế thốc nàng lên bờ làm cái chuyện ấy giữa trời mây sông nước bao la…

6-
Mấy chục năm qua đi, giờ tôi mới gặp lại nàng. Nàng vẫn nguyên vẹn dáng vẻ kiều diễm, cao sang như buổi nào bước ra khỏi máy bay trực thăng. Hình như chỉ tôi với hắn là già và xấu đi, còn nàng cứ trẻ và đẹp mãi. Nàng như Phật bà quan âm tái thế, tài trợ cho phòng trưng bày tranh của hắn. Nàng đang từ cõi niết bàn bước ra đọc lời khai mạc phòng tranh trong ánh mắt ngạc nhiên của bạn bè và công chúng yêu hội họa. Chỉ mình tôi biết được chàng trai lịch sự, tuấn tú đứng bên cạnh nàng là con của hắn. Chỉ mình tôi biết được vì sao hắn vẽ tranh toàn V và L, ngoài cái triết mỹ hắn gửi gắm vào tranh còn vì một lẽ khác. Cuối buổi khai mạc phòng tranh, hắn và nàng dắt con trai lại chào tôi, hẹn sẽ đến ăn bữa cơm thuần túy Việt Nam. Hắn bảo, đừng bày vẽ gì, cứ trải chiếu ngoài sân, dưới gốc cây hoàng lan, đãi nhau món đậu phụ chấm mắm tôm ăn với bún là tuyệt nhất. Tôi chưa quen với mùi mắm tôm, nhưng sẽ thử cùng hắn và nàng nếm cái vị của nó. Có lẽ hắn đúng, giữa mùi và vị thì vị mới chính là tinh cốt của đời.
Hà Nội 7/2005
V.N.T.

No comments: