Saturday, November 9, 2024

VIẾT NGẮN VỀ CUỘC CHIẾN TRANH CỦA PUTOX Ở UKRAINE – NGÀY 8/11/2024 (Phúc Lai GB)

 



VIẾT NGẮN VỀ CUỘC CHIẾN TRANH CỦA PUTOX Ở UKRAINE – NGÀY 8/11/2024

Phúc Lai GB

8-11-2024  04:02   

https://www.facebook.com/phuc.lai.07/posts/pfbid0JkKrXTFHKc9fLqS7VND6Y7e8fmDdWjmuEvWz1t6ejjdvXJihiMmJ9pFixijMx55pl

 

Hôm qua có một người bạn tôi theo dõi tình hình, nói một nhận xét rằng: thấy Ng@ có vẻ cũng im lìm về việc ông Trump trúng cử Tổng thống Hoa Kỳ. Ý anh ấy là chưa thấy hào hứng lắm. Điều này có vẻ đúng.

 

Ngay sau khi có kết quả bầu cử, tôi nhận được mấy đề nghị viết bài về vấn đề này – tất nhiên là trong tương quan của nó với cuộc chiến tranh của Putox ở Ukraine, chứ những khía cạnh khác nhất là kinh tế, nhập cư… tôi không có biết. Vậy câu hỏi ở đây là, tại sao vẫn có những lo ngại về việc ông này lên làm Tổng thống Hoa Kỳ từ phía những người ủng hộ Ukraine?

 

Trong bài viết này, vẫn là tôi, quý vị sẽ thấy có những điều mà tôi trình bày có hai mặt cả đúng và sai, hay và dở… nhưng sẽ không cố gắng phân biệt rõ ràng từng khía cạnh một, vì như vậy sẽ mất thời gian hơn dù giống với văn viết và một bài khảo luận hơn là bài thảo luận tự do.

 

Tôi nhớ hồi cuối nhiệm kỳ trước của ông Trump, đang diễn ra chiến dịch tranh cử giữa ông ta với ông Biden, tôi có viết 1 bài nhận xét về ông này từ góc độ chuyên môn quan hệ quốc tế vốn được học từ bậc Đại học, và “được” unfriend kha khá. Xin tóm tắt lại một số ý:

 

+ Về vị thế địa chính trị của Hoa Kỳ, lần đầu tiên trong lịch sử của nước Mỹ sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, lần thứ hai từ đầu thế kỷ XX đến nay, nước Mỹ lại “co lại.” Lần trước là khoảng thời gian giữa hai cuộc thế chiến, nước này còn trải qua cuộc Đại khủng hoảng, nên việc họ bước vào cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ Hai cũng mất tương đối nhiều thời gian và tranh cãi chán chê. Còn trước đó nữa, tôi có viết loạt bài về quan hệ quốc tế trong giai đoạn dẫn đến việc bùng nổ cuộc Chiến tranh thế giới Hai, ngoài vai trò quan trọng nhất của Đức quốc xã, thì còn từ 2 đến 3 nhân vật cộm cán khác, đáng chú ý nhất là Stalin và Chamberlain. Người Mỹ hầu như đứng ngoài cuộc. (Quý vị nào cần tham khảo loạt bài này xin nhắn tin tôi gửi link). Có thể nói trạng thái “co lại” của nước Mỹ trong nhiệm kỳ trước của ông Trump, nó có một sự kéo dài tiếp theo mà sau này người ta vẫn sẽ tranh cãi nhiều về nó: sự rút khỏi Afghanistan của Hoa Kỳ, dù nó diễn ra dưới thời ông Biden, nhưng nó là kết quả của chính sách Trump. Ông Biden kế tiếp Trump, tiếp tục nhiều chính sách của Trump chứ không hẳn thay đổi hết, nhất là về đối ngoại.

 

Vì vậy, tôi vẫn cho rằng cuộc chiến tranh của Putox ở Ukraine, chính là kết quả của chính sách co lại của nước Mỹ, bắt đầu từ thời ông Trump. Sau cuộc chiến tranh này là những “lò lửa” khác như hành động của Houthi hay xung đột Hamas – Israel, thiển ý của tôi đều là những hệ lụy của nó cả. Bằng hành động muốn yêu cầu các thành viên khác, nhất là các thành viên châu Âu của NATO nếu không gia tăng chi phí quốc phòng cũng như đóng góp chung cho Liên minh thì ông ta cùng Hoa Kỳ của mình sẽ phá tan cái Liên minh đó; chuyện này có hai mặt của nó. Một mặt, Putox nhận thấy NATO suy yếu và thực sự, điểm yếu của nó không chỉ ở khả năng chiến đấu thực sự, mà ở ý chí. Miễn là không tấn công một thành viên của nó để kích hoạt điều 5, thì khối này còn lờ phờ còn lâu mới có hành động. Mặt khác, yêu cầu này của Trump đặt các quốc gia thành viên còn lại của NATO cũng phải có suy nghĩ khác đi về một kế hoạch hành động cụ thể. Đây là mặt tích cực – tôi chỉ viết là “có suy nghĩ”, chứ chưa phải là hành động. Chỉ khi cuộc chiến tranh của Putox nổ ra, thì họ mới nhúc nhắc có hành động, và đáng chú ý ngoài Ba Lan là nước sát sườn, đồng thời có duyên nợ thù oán lâu đời với Ng@, các nước nhỏ nghèo có khi còn nhiệt tình hơn các nước lớn. Đặc biệt, các nước Baltic vốn bị Ng@ xâm lược trong nửa thế kỷ (từ 1940 đến 1990) có thể nói là những nước nhiệt tình nhất đến tận bây giờ. Hai ông lớn Pháp và Đức, gọi là nhiệt tình thì cũng có, gọi là õng ẹo thì cũng không sai. Anh Quốc thì không phải bàn, luôn là nước đi đầu trong giúp đỡ Ukraine, khác hẳn với nước Anh thời Neville Chamberlain với chính sách có thể nói là phản động. Câu chuyện đầy tính triết học, đúng là có cái này thì có cái kia, không có cái này thì không có cái kia…

 

Từ câu chuyện này chúng ta sẽ thấy, trong trường hợp nếu ông Trump vẫn tiếp tục đường lối của mình như nhiệm kỳ trước ông ta làm Tổng thống, thậm chí chọn phương án tệ nhất là bỏ mặc Ukraine, như một số người bình luận là “không cung cấp súng ống cho Ukraine nữa” “cắt viện trợ”, thì bắt buộc một số nước châu Âu sẽ phải chuyển đất nước sang tình trạng được báo động cao hơn, kích hoạt nền sản xuất công nghiệp quốc phòng mạnh hơn và thậm chí, gia tăng ngân sách quốc phòng. Ai chứ Ba Lan và các nước Baltic thì là chắc chắn.

Đây cũng là nhận định của tôi, trong trường hợp ông Trump muốn “dừng chiến tranh” bằng cách cắt viện trợ, thì không những chiến tranh không dừng, mà còn bùng to hơn, ngọn lửa chiến tranh có thể lan rộng hơn ở châu Âu. Hơn ai hết các quốc gia châu Âu sợ chiến tranh, cuộc chiến cách đây 80 năm vẫn còn nguyên sự khủng khiếp của nó, nên người ta sống trong hòa bình thì thôi không sao, bây giờ dù sao thì chiến tranh cũng đã nổ ra rồi; chẳng khác gì ngồi trên lưng con hổ. Nếu viện trợ cho Ukraine bị cắt, thì họ chỉ khó khăn hơn về vũ khí, trong khi hiện nay đã tự chủ về một số loại vũ khí chiến lược và cơ bản, như máy bay không người lái các loại… thì không có lý gì người Ukraine sẽ đầu hàng với những điều kiện của Putox đưa ra cả.

 

Sẽ có một câu hỏi đặt ra, rằng tại sao họ lại không đầu hàng, tức là chấp nhận những điều kiện của Putox, chẳng hạn yêu sách về lãnh thổ? Vì chuyện “Ukraine đã kiệt quệ và bây giờ chỉ có ngồi chờ viện trợ tiếp tục của phương Tây” là do Ng@ sáng tác ra (không khéo chính bọn chúng cũng tin điều đó thì vừa). Thực tế, không có bằng chứng nào về chuyện đó. Họ còn bao nhiêu xe tăng? Họ sản xuất được bao nhiêu pháo Bogdana? Không ai biết! Điều này cũng nói lên mâu thuẫn nghiêm trọng trong giả định của Ng@ Putox: chỉ cần phương Tây chấm dứt viện trợ thì Ukraine sẽ cạn kiệt nguồn lực vũ khí ngay lập tức, và do vậy sẽ ngồi vào bàn đàm phán ngay lập tức.

 

Thực chất, đó là giả định của Putox, và chỗ đầu tiên nó nhắm tới là nội bộ của hắn. Hắn đang phải thuyết phục bọn chóp bu cầm quyền, bọn cầm đầu các vây cánh khác nhau rằng, chỉ cần Trump lên thì ông ấy sẽ yêu cầu Ukraine ngừng chiến đấu và đàm phán với Ng@, nếu không thì sẽ cắt viện trợ. Có mỗi vậy là hết. Chưa ai giả định ngược lại rằng, nếu ông Trump có yêu cầu như thế với Ukraine thật, nhưng nếu Ukraine họ không nghe theo thì sao? Như vậy, ông Trump sẽ phải đưa ra một đề nghị khác với tính công bằng cao hơn, chẳng hạn yêu cầu cả hai bên ngồi vào đàm phán, tất nhiên nhóm tư vấn của ông ta sẽ đưa ra các điều kiện sao cho tính khả thi của nó cao nhất, trước đó sẽ phải có những chuyến bay con thoi đến cả Kyiv lẫn Mục-tư-khoa để xem ý tưởng hai bên như thế nào.

 

Tôi cho rằng giả định này sẽ gần với thực tế hơn, còn giả định của Putox không có cơ sở. Điều đó chỉ tồn tại trên truyền thông của bọn chúng và, báo chí xứ Phía Đông nước Lào mà thôi.

 

Nếu giả định trên đây của tôi đúng, thì cả hai bên sẽ cần phải nỗ lực để ngồi vào bàn đàm phán với tư thế có lợi nhất, và chắc chắn Putox sẽ tiếp tục nướng quân ở Donbas. Về phía người Ukraine, hành động của họ như thế nào thì chỉ trong vòng 2 tháng trước khi Trump nắm quyền, chúng ta sẽ được chứng kiến, nhưng chiêu binh mãi mã suốt thời gian qua, không dùng đi thì để làm gì.

 

Ngồi đọc hết ý kiến của người này đến người khác, tôi nhận thấy có một ý rất quan trọng, chưa ai chỉ ra được: một trong những lý luận quan trọng của Putox khi thi hành cuộc chiến tranh này, là hắn thách thức trật tự thế giới đơn cực lâu nay Mỹ vẫn đứng đầu. Cho đến trước cuộc bầu cử này, hắn vẫn lải nhải về điều đó, nhưng là để tấn công vào nước Mỹ của Tổng thống Biden. Vậy với nước Mỹ của Trump thì sao? Liệu khi làm Tổng thống, Trump có chấp nhận với tình thế như thế này không nhé: (1) làm thế nào đó để Ukraine chấp nhận mất lãnh thổ và coi như chịu thua (2) Đồng nghĩa với việc Ng@ Putox tuyên bố chiến thắng, hắn sẽ giữ được ghế Tổng thống và (3) lại “đồng nghĩa với” tiếp, đồng nghĩa với việc Mỹ của Trump chấp nhận một thế giới, thế giới đa cực về quân sự và địa chính trị, trong đó Ng@, Trung Quốc, Ấn Độ… sẽ nổi lên thành những cực mới?

 

Xin nhìn lại những gì ông ta đã làm với Trung Quốc. Với tính chất con buôn, ông này chỉ thấy được rằng hàng hóa Trung Quốc đang xâm lược nước Mỹ, làm cho nước Mỹ mất đi bao nhiêu triệu việc làm đó… và áp những khoản thuế này, thuế khác lên hàng hóa Trung Quốc, làm cho việc xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc sang Mỹ gặp khó khăn không nhỏ. Tôi chưa bao giờ đánh giá cao điều này, vì đường đường là Tổng thống một nước như Hoa Kỳ, phải nhìn thấy sự gia tăng vị thế địa chính trị, điều mà khi đe dọa phá vỡ NATO, ông Trump làm cho tiến trình đi theo hướng ngược lại. Trong một cách nhìn khác, ông Trump lại có động thái đi đến chống thế giới đa cực về kinh tế, nghĩa là tấn công vào “cực Trung Quốc” dù biện pháp là rất… thô thiển. Trung Quốc có thể bị khó khăn khi xuất khẩu hàng hóa vào Mỹ, nhưng lại tìm cách xâm lược những vùng còn lại của thế giới (trong khi Mỹ co lại), và vô tình chính sách đó làm cho Trung Quốc mềm dẻo hơn, mạnh mẽ hơn.

 

Trong những cách xem xét như vậy, ông Trump sẽ làm chúng ta bối rối vì tính khó đoán – liệu ông ta có nghe lời các cố vấn về đối ngoại, để tránh được cái bẫy đa cực hóa thế giới, rút nước Mỹ lùi xuống để trở thành một cực như các cực khác? Tôi không dám kết luận về chuyện này, thời gian sẽ trả lời về điều đó. Chỉ nói rằng, nếu chấp nhận tình thế “đa cực” đó, vị thế nước Mỹ sẽ còn xuống nữa sau thời gian qua, tức là 8 năm bắt đầu từ nhiệm kỳ 2017 của ông Trump.

 

Còn nếu để cho Putox thắng trong cuộc chiến, Trump sẽ bị toàn thế giới Đông Âu nguyền rủa nhiều đời.

 

Nói vậy thôi, sẽ không có Tổng thống nào của Hoa Kỳ tránh được những quyết sách, chính sách, đường lối, chiến lược đối ngoại (nếu co lại hoàn toàn thì nhiệm kỳ trước ông Trump gặp Kim-phì-lũ để làm gì?). Vì vậy, chiến tranh Ukraine sẽ là bài toán chắc chắn được đặt lên bàn của Trump, và ông ta phải giải nó, giải thế nào chưa biết, nhưng chắc chắn là phải giải. Sẽ có nhiều lợi hại phải cân nhắc. Để Ukraine rơi vào “thế giới Ng@,” miếng bánh tái thiết Ukraine coi như trượt khỏi đĩa ăn của các doanh nghiệp Mỹ và phương Tây. Đó là chưa nói rất nhiều vũ khí đã gửi cho Ukraine, sẽ rơi vào tay Ng@.

 

Biden đã quá dở trong do dự, không tìm cách làm sao cho cuộc chiến tranh kết thúc trong nhiệm kỳ của mình. Ông ấy cũng không làm một việc, Zelenskyy cũng không làm được trong nhiệm kỳ của ông Biden, là tìm một cam kết của Hoa Kỳ với Ukraine, nhưng Hoa Kỳ đối với Việt Nam Cộng hòa trước đây. Cũng vì vậy, tôi thấy nhiều người trách Hoa Kỳ của ông Biden lừng khừng, không hết lòng – tôi đã viết điều này rồi: tại sao lại cho rằng Hoa Kỳ phải có trách nhiệm với một nước chưa có cam kết gì cả? Cho đến nay họ giúp vì những giá trị phổ quát của nền dân chủ, chứ nếu không phải là Ukraine mà là nước khác thì họ vẫn giúp như vậy thôi.

 

Trump cũng đứng trước cơ hội chưa từng có, là đưa Ukraine vào quỹ đạo của Hoa Kỳ và dùng Ukraine kiềm chế nước Ng@ hung hăng. Nếu ông ta làm được như vậy, thì chúng ta phải công nhận ông này cũng giỏi, đáng ngưỡng mộ. Còn nếu không làm được thế, vứt!

 

#Nga_xâm_lược_Ukraine

#bưng_bô_cho_hòa_bình

#Bình_loạn_của_Phúc_Lai

#Battle_of_Kursk_2024

#Slava_Ukraine

 

.

79 BÌNH LUẬN  

 

 





No comments: