Friday, November 8, 2024

VÌ SAO TRUNG QUỐC ĐỂ YÊN CHO VIỆT NAM XÂY ĐẢO NHÂN TẠO? (Diễm Thi, RFA)

 



Vì sao Trung Quốc để yên cho Việt Nam xây đảo nhân tạo?

Diễm Thi, RFA
2024.11.07

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/why-does-china-let-vietnam-build-artificial-islands-dt-11072024162809.html

 

Báo Wall Street Journal mới đây đã cho đăng tải video cho thấy, chỉ trong bốn năm, từ năm 2020 đến năm 2024, Việt Nam đã tăng tốc mở rộng các đảo nhân tạo tại khu vực quần đảo Trường Sa.

 

Những hoạt động xây dựng bao gồm xây đường hào, bến cảng, có thể cả kéo dài những đường băng cho mục tiêu quân sự.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/why-does-china-let-vietnam-build-artificial-islands-dt-11072024162809.html/@@images/04dd3c1c-4f2a-4c96-82f0-97f09b2d27ea.jpeg

Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính (phải) và Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường (trái) trong cuộc gặp tại ở Hà Nội vào ngày 13 tháng 10 năm 2024. (AFP)

 

Ngoài ra, báo cáo của Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) được công bố vào ngày 7 tháng 6 năm 2024 cũng cho thấy, trong sáu tháng qua, Việt Nam đã tăng tốc đáng kể việc mở rộng các tiền đồn của mình ở quần đảo Trường Sa với diện tích gần bằng hai năm trước đó cộng lại, đưa Hà Nội đạt kỷ lục xây dựng đảo vào năm 2024.

 

Không thể phủ nhận năng lực của quốc gia Đông Nam Á trong việc thực hiện được những dự án bồi lấp đảo ở xa bờ, nhưng điều ấn tượng hơn nằm ở chỗ Việt Nam đã bằng cách nào đó tránh được sự ngăn cản từ Trung Quốc.

 

Trong khi đó, cùng thời điểm hoạt động bồi lấp đảo của Việt Nam diễn ra, căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines đã leo thang đáng kể xung quanh Bãi Cỏ Mây, một rạn san hô chìm nằm ở phía đông Quần đảo Trường Sa.

 

Lực lượng Hải cảnh Trung Quốc đã liên tiếp ngăn chặn Philippines cung cấp thực phẩm, nước uống, và vật tư xây dựng cho lực lượng thủy quân lục chiến đóng trên tàu BRP Sierra Madre, một tàu chiến thời Thế chiến II đã neo đậu ở bãi cạn này kể từ năm 1999.

 

Bãi Cỏ Mây chỉ cách bãi Thuyền Chài khoảng 180 hải lý, cả hai đều nằm trong phạm vi đường chữ U mà Trung Quốc đơn phương đưa ra nhằm tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, nhưng sự khác biệt trong cách Trung Quốc đối xử với hai thực thể này là rất lớn.

 

Trong khi Việt Nam đã cải tạo bãi Thuyền Chài trở thành tiền đồn lớn nhất của nước này ở Trường Sa, tăng gấp đôi diện tích chỉ trong vòng một năm qua, và thậm chí đã xây cả đường băng quân sự, thì phía Philippines vẫn chật vật với việc tiếp tế cho lính của mình ở bãi Cỏ Mây.

 

Trong bài viết “Câu đố về sự leo thang và kiềm chế của Trung Quốc ở Biển Đông” trên War on the Rocks hôm 26 tháng 7 năm 2024, tác giả Andrew Taffer (là tiến sĩ nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu các vấn đề quân sự Trung Quốc tại Đại học Quốc phòng Hoa Kỳ) cho rằng, dù đang leo thang với Philippines ở mức độ chưa từng có xung quanh Bãi Cỏ Mây, Trung Quốc lại thể hiện sự kiềm chế đáng chú ý khi Việt Nam mở rộng các tiền đồn ở Biển Đông với quy mô lớn hơn và mang tính quân sự nhiều hơn.

 

Chưa có ghi nhận nào về việc Trung Quốc sử dụng lực lượng bán quân sự hoặc quân sự để cản trở hoạt động cải tạo đất của Việt Nam ở Quần đảo Trường Sa.

 

Bài viết dẫn lưu ý của Giáo sư Zack Cooper và Greg Poling, Giám đốc AMTI rằng, thái độ hung hăng của Trung Quốc đối với Philippines và kiềm chế đối với Việt Nam đặc biệt khó hiểu vì Philippines là đồng minh hiệp ước của Mỹ, trong khi Việt Nam thì không.

 

Tiến sĩ Andrew Taffe lại cho rằng, chính vì Philippines là đồng minh hiệp ước của Mỹ nên Trung Quốc không cần phải kiềm chế sự hung hăng với Philippines. Theo ông, Bắc Kinh hiểu rằng Washington không sẵn lòng cho phép đồng minh của mình mạo hiểm với những rủi ro có khả năng kích hoạt cam kết phòng thủ chung Hoa Kỳ - Philippines, nên chính Manila mới là bên phải kiềm chế những hành xử với Trung Quốc.

 

Còn trường hợp của Việt Nam, ông cho rằng sự tương đồng về thể chế chính trị với Trung Quốc, có thể đã đóng vai trò nhất định.

 

“Dù không tin tưởng lẫn nhau nhưng cả Hà Nội lẫn Bắc Kinh có điểm chung là được lãnh đạo bởi đảng cộng sản. Cả hai chính quyền đoàn kết trong quyết tâm chung nhằm bảo vệ sự độc quyền về quyền lực chính trị của đảng của họ.

 

Như thế, sự kiềm chế của Trung Quốc đối với việc xây dựng, cải tạo đảo của Việt Nam có thể phản ánh lợi ích của Trung Quốc trong việc duy trì quan hệ lành mạnh với Hà Nội. Bắc Kinh có lẽ sẽ giải quyết nhẹ nhàng các tranh chấp hiện nay, vì tân chủ tịch nước của Việt Nam dường như đặc biệt tôn trọng Bắc Kinh”.

 

-------------

Việt Nam xây dựng đảo nhân tạo ở Biển Đông để đối trọng lại Trung Quốc

Việt Nam xây dựng đường băng trên Bãi Thuyền Chài thuộc Trường Sa

Việt Nam tăng cường khả năng chiến lược tại Biển Đông

Cải tạo đảo ở Trường Sa, Việt Nam muốn gửi thông điệp gì đến Bắc Kinh?

-------------

 

Cũng thắc mắc về cách hành xử của Trung Quốc, trong Hội nghị thường niên về Biển Đông lần thứ 14 diễn ra hôm 11 tháng 7 năm 2024 tại Washington, DC, ông Mary Hebert Eli, nhà nghiên cứu vãng lai tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) đặt câu hỏi cho bà Hong Nong, Giám đốc Viện Nghiên cứu Hoa Kỳ - Trung Quốc rằng: “Tại sao từ đầu năm 2023 đến nay, Trung Quốc chọn Philippines để gây căng thẳng bằng cách bao vây bãi Cỏ Mây mà không chọn một nước nào khác, chẳng hạn như Việt Nam?”

 

Theo giải thích của bà Hong Nong, sở dĩ Trung Quốc hung hăng với Philippines là do sự kích động của Philippines khi đã mang theo cả thiết bị và vật liệu xây dựng cơ sở hạ tầng thay vì chỉ mang theo thực phẩm cho binh sĩ đồn trú trên Bãi Cỏ Mây. Chính điều đó đã gây ra sự thay đổi chính sách của Trung Quốc đối với Philippines.

 

Trao đổi với RFA, nhà nghiên cứu Biển Đông Đinh Kim Phúc nêu lý do khiến Trung Quốc hành xử với Philippines khác với Việt Nam:

 

“Với Phillipines, Trung Quốc nhìn thấy Mỹ là đồng minh chiến lược của Philippines nhưng rất nhiều vụ va chạm giữa Trung Quốc và Philippines thì Mỹ lại án binh bất động không làm gì. Hiệp ước phòng thủ Mỹ - Phi chỉ là “con ngáo ộp” để Mỹ tăng cường quan hệ chiến lược với Philippines chứ không giải quyết được quyền lợi cho người Philippines.

 

Với Việt Nam, Trung Quốc cần phải ve vãn, hứa hẹn những lá bài về kinh tế để ngăn Việt Nam đến gần Mỹ và các siêu cường khác trên thế giới. Trung Quốc cũng nhìn thấy Việt Nam là một nước nhỏ, muốn ổn định và phát triển thì phải luôn luôn luồn lách giữa thế lực của các siêu cường nhưng không được tách rời khỏi Trung Quốc”.

 

Trong năm ủy viên thường trực của Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc, chỉ còn Anh và Đức là Việt Nam chưa nâng cấp lên đối tác chiến lược toàn diện.

 

Chính sách “ngoại giao cây tre” cộng với chính sách quốc phòng “bốn không” của Việt Nam đặt ra chiến lược “không chọn bên” trong cuộc cạnh tranh giữa các nước lớn, thay vào đó là “đi dây” với cả Hoa Kỳ và Trung Quốc.      

 

Theo nhà nghiên cứu Hoàng Việt thì chính sự “đu đưa” này đã giúp Việt Nam cân bằng được sức ép từ Trung Quốc trên Biển Đông.

 

“Việt Nam vẫn khéo léo duy trì quan hệ với Trung Quốc, không như Philippines đã chọn hướng ngả hẳn về Mỹ rồi. Thậm chí Manila còn cho Mỹ đặt tên lửa tầm trung trên đất Philippines hướng về eo biển Đài Loan. Việt Nam đang đu đưa giữa Trung Quốc và Mỹ nên Trung Quốc không muốn mạnh tay với Việt Nam, sợ Việt Nam hướng sang Mỹ nhiều. Như thế sẽ bất lợi cho Bắc Kinh về mặt chiến lược.

 

Sự “đu đưa” của Việt Nam được thể hiện trong việc nước này cố gắng làm hài lòng cả hai siêu cường ra sao trong thời gian qua.

 

Tháng 9 năm 2023, Việt Nam nâng cấp quan hệ với Hoa Kỳ lên mức Đối tác chiến lược toàn diện trong chuyến thăm của tổng thống Biden. Cùng năm này, Việt Nam tham gia “Cộng đồng chung vận mệnh” với Trung Quốc, trong chuyến thăm của Tập Cận Bình tới Hà Nội vào tháng 12.

 

Hay gần đây nhất là việc tân Tổng bí thư Tô Lâm lần lượt đi thăm Trung Quốc và Hoa Kỳ trong tháng Tám và tháng Chín năm 2024.

 

 

 





No comments: