Đức nói với Bộ trưởng
Lương Tam Quang: 'Không được tái diễn vụ việc tương tự Trịnh Xuân Thanh'
BBC News Tiếng Việt
9 tháng 11 năm 2024
https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cz0m95vrgg8o
Các quan chức an ninh Đức nói với Bộ
trưởng Công an Lương Tam Quang rằng những vụ việc như vụ bắt cóc Trịnh Xuân
Thanh "không được tái diễn".
Quốc vụ khanh Bộ Nội vụ Đức Hans-Georg
Engelke và Bộ trưởng Công an Việt Nam Lương Tam Quang
Theo thông báo của Bộ Công an Việt Nam, Bộ
trưởng Công an, Đại tướng Lương Tam Quang đã có chuyến công tác tại Đức từ ngày
26-29/10/2024 và có cuộc gặp với lãnh đạo Bộ Nội vụ Đức (Bộ Nội vụ và Cộng đồng).
Đại diện Bộ Nội vụ Đức nói với BBC
News Tiếng Việt rằng vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh vào năm 2017 và
các vấn đề nhân quyền đã được nêu lên trong cuộc họp kéo dài một tiếng giữa hai
bên.
Điểm đáng chú ý
VIDEO
: Vấn đề dẫn độ trong chuyến đi Đức của Bộ trưởng Lương Tam Quang
https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cz0m95vrgg8o
Cụ thể, Cổng thông tin điện tử của Bộ Công an
viết rằng ông Lương Tam Quang đã có "các cuộc hội đàm" với Bộ Nội vụ
và Cơ quan tình báo Đức.
Hình ảnh do Bộ Công an Việt Nam đăng tải cho
thấy Đại tướng Lương Tam Quang đã có cuộc gặp với Giám đốc Cơ quan tình báo
Liên bang Đức Bruno Kahl và Quốc vụ khanh Bộ Nội vụ Hans-Georg Engelke.
Ông Lương Tam Quang với tư cách là bộ trưởng
Công an Việt Nam sang thăm Đức theo lời mời của các cơ quan thực thi pháp luật
Đức và người đứng ra tiếp đón ông không phải là Bộ trưởng Nội vụ Nancy Faeser
mà là cấp dưới của bà - ông Hans-Georg Engelke.
Bộ Nội vụ Đức do bà Nancy Faeser đứng đầu có
tới bốn quốc vụ khanh. Theo trang web của bộ này, ông Hans-Georg Engelke là người
phụ trách các lĩnh vực bao gồm: an ninh, cảnh sát liên bang, an ninh mạng và
thông tin, vấn đề ngoại giao quốc tế và châu Âu.
Chức vụ của ông Engelke có thể được xem tương
đương với thứ trưởng. Như vậy có thể thấy ông Lương Tam Quang với cấp bậc là bộ
trưởng, ủy viên Bộ Chính trị nhưng người đứng ra tiếp ông tại Đức lại là một
trong bốn thứ trưởng của Bộ Nội vụ. Điều này cho thấy có sự chênh lệch về cấp bậc
giữa hai bên.
Một điều khá trùng hợp là Bộ trưởng Lương Tam
Quang được thăng hàm đại tướng vào ngày 20/10, chỉ hai ngày trước thềm chuyến
công tác liên tục đến Tây Ban Nha và Đức từ 22-29/10.
Hồi tháng 8, hai ngày trước khi lên đường
cùng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đến Trung Quốc, ông Quang cũng đã được bầu
vào Bộ Chính trị.
Có thể thấy, ngay trước hai chuyến công tác
nước ngoài, Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang đã được thăng cấp bậc, chức vụ.
Bộ trưởng Công an Việt Nam Lương Tam
Quang và Quốc vụ khanh Bộ Nội vụ Đức Hans-Georg Engenke
Việt Nam nói có, Đức nói không
Một điểm đáng chú ý là thông báo của Bộ Công
an Việt Nam và thông tin của Bộ Nội vụ Đức về nội dung cuộc gặp giữa hai bên có
những điểm bất đồng.
Bộ Công an Việt Nam viết rằng trong "các
cuộc hội đàm" của Đại tướng Lương Tam Quang tại Đức, hai bên đã "nhất
trí thúc đẩy ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp hình sự, Hiệp định dẫn độ tội
phạm và Hiệp định Chuyển giao người bị kết án phạt tù".
Như vậy, có thể hiểu là Việt Nam và Đức đã đồng
thuận thúc đẩy việc ký kết ba hiệp định, gồm:
·
Hiệp
định tương trợ tư pháp hình sự
·
Hiệp
định dẫn độ tội phạm
·
Hiệp
định Chuyển giao người bị kết án phạt tù
Đây đều là những hiệp định cực kỳ quan trọng
với Việt Nam và Hà Nội đã nhiều lần hối thúc Berlin ký kết.
Vào 2017, sau khi ông Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn,
báo chí Việt Nam đã dẫn lời đại diện Bộ công
an nói
rằng việc dẫn độ ông Thanh sẽ gặp khó khăn, phức tạp nếu ông này bỏ trốn sang Đức
do hai nước chưa ký Hiệp định tương trợ tư pháp, Hiệp định dẫn độ tội phạm.
Hơn nữa, sau khi xảy ra vụ Trịnh Xuân Thanh
vào năm 2017 dẫn tới khủng hoảng pháp lý
và ngoại giao giữa Đức và Việt Nam thì việc "nhất trí thúc đẩy ký kết
hiệp định", như mô tả của Bộ Công an Việt Nam, là dấu hiệu cho thấy quan hệ
đã bình thường và nồng ấm trở lại.
Đặc biệt, sau vụ ông Trịnh Xuân Thanh thì hiện
còn có một nhân vật khác đang bị Việt Nam truy nã là doanh nhân Nguyễn Thị
Thanh Nhàn, cựu chủ tịch Công ty AIC. Bà Nhàn được cho là đã bỏ trốn sang Đức.
Bà Nhàn bị truy tố trong 5 vụ án hình sự khác
nhau và đã có ba vụ được tuyên án, một vụ đang xét xử. Ở ba vụ trước, bà bị xử
vắng mặt và lãnh các mức án gồm 30 năm tù, 24 năm tù và 10 năm tù.
Như vậy, nếu Việt Nam và Đức tiến hành ký kết
những hiệp định về tư pháp và đẫn độ nói trên thì sẽ mở đường cho Việt Nam thực
hiện truy bắt tội phạm, những người đã bị kết án mà đang lẩn trốn ở Đức một
cách dễ dàng hơn nhờ vào sự hỗ trợ của Đức.
Do đó, việc đưa bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn về
chịu án có thể sẽ dễ dàng và công khai hơn vụ ông Trịnh Xuân Thanh năm 2017.
Đoàn đại biểu Bộ Công an Việt Nam và Bộ
Nội vụ Đức
Tuy nhiên, phía Bộ Nội vụ Đức đã chia sẻ những
thông tin khác với những gì Bộ Công an Việt Nam công bố như được nêu ở trên.
Người phát ngôn Bộ Nội vụ Đức xác nhận với BBC
News Tiếng Việt qua email rằng Bộ trưởng Công an Việt Nam Lương Tam
Quang và Quốc vụ khanh Bộ Nội vụ Đức Hans-Georg Engelke đã có cuộc họp kéo dài
một tiếng đồng hồ vào ngày 28/10 tại trụ sở Bộ Nội vụ, tên chính thức là Bộ Nội
vụ và Cộng đồng.
"Cuộc đối thoại giữa họ tập trung vào
các vấn đề hợp tác song phương và quốc tế, đặc biệt là về an ninh và thực thi
pháp luật, chẳng hạn công tác chống buôn người và ma túy.
"Trong bối cảnh đó, vấn đề tình hình
nhân quyền Việt Nam cũng được đề cập."
Khi được hỏi về việc liệu có hay không chuyện
Việt Nam và Đức "nhất trí thúc đẩy Hiệp định tương trợ tư pháp hình sự, Hiệp
định dẫn độ tội phạm và Hiệp định Chuyển giao người bị kết án phạt tù" như
thông báo của phía Bộ Công an Việt Nam, người phát ngôn Bộ Nội vụ Đức đã trả lời
như sau:
"Việc dẫn độ những cá nhân cụ thể và việc
ký kết các thỏa thuận cho phép thực hiện điều đó đã không được bàn tới. Việc trục
xuất các cá nhân cụ thể và các thỏa thuận liên quan nằm trong thẩm quyền của Bộ
Tư pháp."
Như vậy, theo Bộ Nội vụ Đức, vấn đề ký kết
này đã không được bàn tới trong cuộc gặp giữa hai bên, trái ngược với những gì
Bộ Công an tuyên bố là hai bên "nhất trí thúc đẩy ký kết".
Thêm nữa, các quyết định liên quan tới những
thỏa thuận này lại thuộc thẩm quyền Bộ Tư pháp Đức, chứ không phải Bộ Nội vụ
hay cơ quan tình báo.
Số phận bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn
Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, cựu Chủ tịch
Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC), người đang bị Việt Nam truy nã
Đức là nơi ông Trịnh Xuân Thanh, một cựu quan
chức Việt Nam đã chạy sang để lánh nạn vào năm 2016 sau khi bị truy tố về tội
"Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm
trọng”.
Sau thời gian lẩn trốn, vào năm 2017, ông
Thanh đã bất ngờ xuất hiện tại Việt Nam. Chính quyền Việt Nam nói ông Thanh đã
tự nguyện về đầu thú, trong khi phía Đức nói ông bị bắt cóc về với sự tham gia
của lực lượng an ninh Việt Nam.
Trả lời BBC vào tháng
11/2024, người phát ngôn Bộ Nội vụ Đức cho biết vụ Trịnh Xuân Thanh đã được đề
cập trong cuộc gặp với Đại tướng Lương Tam Quang:
"Cụ thể, một điều đã được nêu rõ là những
vụ bắt cóc như vậy không được phép tái diễn."
Như vậy, sau hơn 7 năm, phía Đức vẫn tiếp tục
đưa ra thông điệp rõ ràng, thẳng thắn về cách hành xử của Việt Nam trong vụ bắt
cóc ông Trịnh Xuân Thanh.
Sau khi xảy ra vụ bắt cóc vào năm 2017, chính
phủ Đức đã trục
xuất hai nhà ngoại giao Việt Nam và nói đây là hệ quả của vụ Trịnh
Xuân Thanh.
Đức cũng lên án hành vi "bắt cóc trắng
trợn" của an ninh Việt Nam và nói rằng đây là điều "không thể chấp nhận
được".
Bộ Ngoại giao Đức lúc bấy giờ cho biết đã
thông báo với đại sứ Việt Nam tại Berlin rằng mối quan hệ chiến lược giữa hai
nước tạm thời bị đình chỉ. Sau khi ông Trịnh Xuân Thanh xuất hiện trên Đài truyền
hình quốc gia VTV và thú tội, phía Đức đã yêu cầu
Việt Nam trao trả ông Thanh.
Ông Trịnh Xuân Thanh "xin lỗi"
trong chương trình thời sự của VTV tối 3/8/2017
Vào tháng 8/2017, cựu Phó Vụ trưởng Bộ Ngoại
giao Đặng
Xương Hùng đã nói với BBC rằng Bộ Ngoại giao Việt
Nam mà đứng đầu là Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã phải đi giải quyết hậu quả
mà Bộ Công an gây ra.
Đây được xem là vụ bê bối ngoại giao nghiêm
trọng nhất của chính quyền Việt Nam trong những năm gần đây.
Việc Bộ Nội vụ Đức nhắc lại vụ Trịnh Xuân
Thanh với Bộ trưởng Lương Tam Quang và nhấn mạnh "không được phép tái diễn"
cho thấy với Đức, đây vẫn là khúc mắc và nước này sẽ không dung thứ cho hành động
tương tự.
Chuyến công tác của ông Lương Tam Quang diễn
ra trong bối cảnh có nhiều đồn đoán về khả năng bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, cựu
Chủ tịch Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC), người đang trốn lệnh truy nã, sẽ
sớm bị bắt vì Việt Nam liên tục thể hiện quyết tâm truy bắt bà Nhàn.
Tuy nhiên, đài Deutsche Welle (DW)
của Đức trong một bài báo hồi tháng 10/2023 đã viết như sau:
"Dù quan hệ Việt Nam và Đức đã được cải
thiện, nhưng vào tháng 8/2023, chính phủ Đức đã cảnh báo rằng Hà Nội sẽ chịu
'những hậu quả ngoại giao nghiêm trọng' nếu cố gắng bắt cóc bà Nguyễn Thị Thanh
Nhàn, một người Việt Nam đã chạy trốn sang Đức để thoát khỏi sự truy bắt của cơ
quan chức năng Việt Nam."
Như vậy, sau những gì xảy ra từ vụ Trịnh Xuân
Thanh, cũng như lập trường mà Bộ Nội vụ Đức nhấn mạnh, có thể loại trừ khả năng
phía Việt Nam tiến hành một vụ bắt cóc đối với bà Nhàn.
Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, người được cho là
đang trốn ở Đức, đang đối mặt với 5 bản án và án nào cũng lớn nên vai trò của
bà rất quan trọng để giải quyết vụ án, nhất là qua lời khai của các bị cáo tại
tòa cho thấy bà Nhàn là người có mối quan hệ thân thiết với một số lãnh đạo cấp
tỉnh và trung ương.
Khi Bộ Công an ra thông báo Việt Nam và Đức
nhất trí thúc đẩy ký kết các hiệp ước về hỗ trợ tư pháp, hiệp ước dẫn độ, hiệp
ước chuyển giao người bị kết án tù thì đã có những suy đoán rằng bà Nhàn sẽ sớm
được đưa về Việt Nam.
Tuy nhiên, Bộ Nội vụ Đức đã phủ nhận việc bàn
bạc các hiệp định này và cũng nói rõ "việc dẫn độ những cá nhân cụ thể
không được bàn tới", nghĩa là câu chuyện dẫn độ bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn
cũng đã không được nói đến.
Quan trọng hơn, theo Bộ Nội vụ Đức thì việc dẫn
độ này và các thỏa thuận liên quan là thuộc thẩm quyền Bộ Tư pháp mà trong chuyến
thăm này, Bộ Công an Việt Nam không cho biết ông Quang đã họp với bên Bộ Tư
pháp Đức.
Do đó, khả năng Việt Nam sắp đạt được thỏa
thuận dẫn độ với Đức là không có, trừ khi có các diễn biến mới trong thời gian
tới.
Vụ Trịnh Xuân Thanh
Ông Trịnh Xuân Thanh
Ông Trịnh Xuân Thanh là một cựu quan chức
lãnh đạo của Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) thuộc Tập đoàn
Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PetroVietnam).
Sau khi rời doanh nghiệp nhà nước, ông đã trở
thành phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang và là đại biểu Quốc hội khóa
14 cho tới khi bị truy tố.
Tháng 6/2016, báo chí đồng loạt đưa tin việc
ông Trịnh Xuân Thanh, khi đó là phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, sử dụng xe cá
nhân Lexus có gắn biển xanh.
Vụ bê bối này được coi là "mồi lửa"
và nhanh chóng bùng lên thành "đám cháy" khiến ông Thanh thành
"củi tươi" trong công cuộc đốt lò của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Ông Trọng đã chỉ đạo các cơ quan kiểm tra xem
xét vụ chiếc xe Lexus biển xanh của ông Thanh, đồng thời truy xét vấn đề thua lỗ
ở Tổng công ty PVC, nơi ông Thanh từng giữ các vị trí lãnh đạo chủ chốt từ năm
2007 đến năm 2013 và lý do vì sao ông Thanh vẫn tiếp tục được bổ nhiệm làm phó
chủ tịch tỉnh Hậu Giang dù thua lỗ.
Tới giữa tháng 7/2016, ông Thanh bị bãi nhiệm
tư cách đại biểu Quốc hội và sau đó, ông Trọng tiếp tục giao Ban Thường vụ Đảng
ủy Công an Trung ương điều tra việc để xảy ra thua lỗ gần 3.300 tỷ đồng (giai
đoạn 2011-2013) ở PVC.
Tháng 9/2016, ông Thanh bị khai trừ đảng và
sau đó bị Bộ Công an khởi tố tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về
quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" theo Điều 165 Bộ luật Hình sự.
Trước khi bị khai trừ, ông Thanh đã gửi đơn xin ra khỏi đảng.
Khoảng nửa cuối năm 2016, ông Trịnh Xuân
Thanh được cho là đã bỏ trốn sang Đức để xin tị nạn. Sau đó, Bộ Công an Việt
Nam đã phát lệnh truy nã quốc tế.
Lệnh truy nã ông Trịnh Xuân Thanh của Bộ Công
an
Lệnh truy nã ông Trịnh Xuân Thanh của
Bộ Công an vào tháng 9/2016
Đến ngày 3/8/2017, Đài truyền hình quốc gia
VTV phát hình ảnh ông Thanh đang ở Việt Nam và nhận tội.
Lúc bấy giờ, nhà chức trách Đức khẳng định rằng
ông Trịnh Xuân Thanh đã bị một số người có vũ khí bắt cóc tại Berlin vào ngày
23/7/2017.
Ông Thanh được cho là đã bị lôi lên xe hơi rồi
đưa tới Bratislava, thủ đô Slovakia vào thời điểm Bộ trưởng Công an Tô Lâm đang
ở thăm Slovakia.
Tại đây, giới chức Đức nghi ngờ rằng ông đã bị
đưa lên một chiếc máy bay mà chính phủ Slovakia cho phái đoàn quan chức cấp cao
của Việt Nam mượn và được đưa về Việt Nam qua ngả Moscow.
Trong khi đó, Hà Nội khẳng định ông Thanh tự
nguyện trở về để đầu thú nhưng không nói rõ ông Thanh về nước bằng cách nào.
Ông Thanh sau đó đã bị tòa án ở Việt Nam đưa ra xét xử và lãnh hai án tù chung
thân.
Ông Robert Kalinak, Bộ trưởng Nội vụ Slovakia
thời điểm đó, đã phủ nhận các cáo buộc từ truyền thông Đức rằng nước này có một
vai trò nhất định trong vụ bắt cóc ông Thanh.
Nhưng tới tháng 4/2018, Bộ Nội vụ Slovakia lại
thừa nhận việc đã cho phái đoàn quan chức cấp cao của Bộ Công an Việt Nam, gồm
có ông Tô Lâm, mượn máy bay chính phủ "để đưa họ từ Prague tới Bratislava
và sau đó tới Moscow."
Nghi phạm bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh
bị tòa án Đức xét xử vào tháng 4/2018
Bộ Nội vụ Slovakia nêu quan ngại rằng chuyến
thăm của Bộ trưởng Công an Việt Nam Tô Lâm năm 2017 có thể đã bị “lợi dụng” cho
những mục đích vượt ra ngoài phạm vi hợp tác và hữu nghị song phương.
Bộ Ngoại giao Đức cáo buộc Việt Nam vi phạm
luật của Đức và luật quốc tế khi cho người bắt cóc ông Thanh, một người đã xin
tị nạn tại Đức và đang được xem xét hồ sơ. Phía Đức gọi đây là vụ bắt cóc
"kiểu Chiến tranh Lạnh".
Bộ Ngoại giao Đức đã triệu tập đại sứ Việt
Nam tại Đức vào ngày 1/8/2017 và tuyên bố tùy viên tình báo của tòa đại sứ là
"persona non grata" (tức người không được hoan nghênh) và tuyên bố
người này phải rời khỏi Đức trong vòng 48 tiếng. Nhân vật này được xác định là
ông Nguyễn Đức Thoa.
Tháng 4/2018, tòa án tại Đức đã mở phiên xét
xử nghi phạm đầu tiên trong vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh - ông Long N. H. Ông này
sau đó bị kết án 3 năm 10 tháng tù.
Đã có nhiều người Việt bị
nêu tên trong buổi xét xử. BBC được biết có ba người
trong số này được xác định là thuộc cơ quan an ninh Việt Nam, gồm Trung tướng Đường
Minh Hưng cùng các ông Le Anh Tu và Vu Quang Dung. Một số người
làm việc tại Đại sứ quán Việt Nam ở Berlin và ông Nguyễn Đức Thoa cũng bị nêu
tên.
VIDEO : Ngoại trưởng Đức tuyên bố
'không thể chấp nhận' việc Việt Nam bắt cóc người https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cz0m95vrgg8o
No comments:
Post a Comment