Friday, November 8, 2024

TÔ LÂM PHỚT LỜ BẦU CỬ MỸ TRONG BÀI GIẢNG Ở TRƯỜNG ĐẢNG (Trần Hiếu Chân / Blog RFA)

 



Tô Lâm phớt lờ bầu cử Mỹ trong bài giảng ở Trường Đảng

Bình luận của Blogger Trần Hiếu Chân
2024.11.08

 https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/to-lam-ignored-us-election-in-his-remark-at-communist-party-training-11082024131835.html

 

Sau một vài tuyên bố bị các đồng chí cho đã “đi quá xa”, có thể Tổng bí thư Tô Lâm buộc phải “lùi về giữ khung thành”. Để các thế lực bảo thủ yên tâm trước ý chí “thép đã tôi thế đấy”, tại bài giảng ở Trường Đảng, TBT buộc đành phớt lờ cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang rúng động toàn cầu. 

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/to-lam-ignored-us-election-in-his-remark-at-communist-party-training-11082024131835.html/@@images/8b0d408f-f59d-48f5-ac47-755214535070.jpeg

Tổng bí thư - Chủ tịch Tô Lâm trong cuộc gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden ở New York hôm 25/9/2024    (AP Photo/Manuel Balce Ceneta)

 

Donald Trump sẽ là Tổng thống thứ 47 của Hoa Kỳ trong những năm tới. Chiến thắng của Trump rúng động toàn cầu. Chiến thắng vang dội ấy sẽ có những hậu quả kinh tế đối với phần còn lại của thế giới, khả năng sẽ rất sâu sắc và khá cấp bách. Nếu Trump chỉ thực hiện một phần nhỏ trong những cam kết của mình – từ thuế quan thương mại cao hơn đến bãi bỏ quy định, khoan dầu nhiều hơn và đòi hỏi nhiều hơn đối với các đối tác NATO – thì áp lực đối với tài chính các chính phủ, lạm phát, tăng trưởng kinh tế và lãi suất sẽ được cảm nhận ở mọi ngóc ngách trên thế giới (1). Ngày 7/11, Chủ tịch Tập Cận Bình đã chúc mừng Donald Trump về chiến thắng của ông và thúc giục cả hai quốc gia tìm ra "cách đúng đắn để hòa thuận", khi mức thuế quan sắp tới của Mỹ sẽ đưa họ trở lại thời kỳ chiến tranh thương mại nhiều năm trước (2). Gần như trong cùng ngày 7/11, Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường và Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã gửi điện chúc mừng Trump thắng cử. Lo ngại các biến động thương mại dưới thời Trump, các quan chức giấu tên cho biết, họ ưa chuộng chính sách thương mại ổn định từ một Tổng thống Dân chủ hơn là sự bất định của ông Trump (3). 

 

Những ngày này, các loại điện mật – từ Bộ Ngoại giao, Ban Đối ngoại và trước hết là từ Tổng Cục 2, Bộ Quốc phòng – đang như “bươm bướm” bay tới tấp về Văn phòng Tô Ân Xô để báo cáo cho Tô Lâm những phân tích mới nhất về cuộc bầu cử đầy kịch tính trên nước Mỹ. Nhưng lạ lùng thay, trong bài thuyết giảng được cho là “cuộc trao đổi” quan trọng trước đó (dài suýt soát 10.000 chữ) tại Học viện Chính trị Quốc gia HCM, Giáo sư – Tiến sỹ Tô Lâm lại tảng lờ, không đề cập một lời nào về sự kiện đang khiến hàng tỷ người trên thế giới quan tâm (4). Tuy nhiên, trước thời điểm Trump về đến đích, đã có ba, bốn tờ báo chính thống ở Việt Nam được phép đặt bảng thăm dò “Ai sẽ là người đắc cử Tổng thống Mỹ 2024?”, cùng với đó là hàng ngàn bài viết khác nhau trên các trang mạng xã hội tiếng Việt “bình loạn” về các ứng cử viên cho chức vụ Tổng thống (5). Chỉ riêng điều này thôi cũng đủ thấy dân Việt háo hức được hưởng một cuộc bầu cử tự do như thế nào!!! Điều trớ trêu là trong khi báo Nhà nước cho phép biểu quyết “Ai sẽ đắc cử Tổng thống Mỹ ” thì đối với Tổng bí thư ĐCSVN, nếu chỉ căn cứ bài giảng của ông tại Trường Đảng, chuyện ấy như xẩy ra trên Sao Hỏa, Sao Kim…  

 

Cuộc “trao đổi” của GS – TS Tô Lâm được các tờ báo Nhà nước quảng bá bao hàm nhiều nội dung về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Cuộc “trao đổi” ấy dành cho các học viên “Lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng đối với cán bộ quy hoạch Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV” (Lớp thứ ba). Đây là một lớp thuộc đội ngũ cốt cán, nhiều khả năng phần lớn các học viên của lớp này có khả năng được “cơ cấu” vào Trung ương tại Đại hội XIV sắp tới.  

 

Bài giảng của Tô Lâm dài dòng nhưng lại thiếu chiều sâu về đột phá. Mặc dầu ông có nêu lên bảy định hướng chiến lược để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình (6). Nhưng nếu cho phép làm một cuộc trắc nghiệm khách quan và công khai thì chính các đồng chí học viên trong lớp ấy cũng không thể nào thu hoạch nổi, đâu là những nội dung then chốt nhất, có ý nghĩa đột phá để minh họa cho nội hàm của “kỷ nguyên mới” là gì? Bởi vì, tất cả bảy định hướng nêu trong bài chỉ là sự lặp lại gần như y chang đường lối của các Đại hội XI, XII và XIII, chứ chẳng có bất cứ một luận điểm đột phá hay bứt phá nào mà Tô Lâm từng kêu gọi lâu nay. 

___________

 

Tân Tổng bí thư Tô Lâm – “Kỷ nguyên mới” có gì mới?

TBT Tô Lâm “rất sốt ruột”, nhưng cải cách thế nào?

TBT Tô Lâm: Thể chế là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”, “rất sốt ruột” nhưng cải cách thế nào?

___________

 

Cũng dịp này, với một tinh thần cẩn trọng trên cả mức thông thường, nhà văn Tạ Duy Anh đã giới thiệu cuốn sách “Thư gửi nước Mỹ” của Hồ Chí Minh, do Nhà xuất bản Hội nhà văn ấn hành. Cuốn sách được xuất bản nhân sự kiện Tổng thống Biden sang thăm Việt Nam và hai nước nâng cấp quan hệ lên mức cao nhất vào tháng 9 năm 2023. Theo Tạ tiên sinh, 80 năm trước đây, ông Hồ Chí Minh đã thiết tha mong muốn được gửi 50 thanh niên sang Mỹ nhằm "một mặt thiết lập những mối quan hệ văn hóa thân thiết..., mặt khác để xúc tiến việc tiếp tục nghiên cứu về kỹ thuật, nông nghiệp cũng như các lĩnh vực chuyên môn khác" (Hồi bấy giờ chưa có công nghệ cao và semiconductor). TBT Tô Lâm và các đồng chí của ông chắc hẳn biết rằng, ngay trong thời kỳ cách mạng Việt Nam còn trong trứng nước, Hồ Chí Minh vẫn hết lời ngợi ca những giá trị Mỹ, như Tự do – Dân chủ – Nhân quyền – Thượng tôn Công lý. Thậm chí, tại thư đề ngày 22/11/1945, ông Hồ không ngần ngại dùng từ "cầu xin" với Tổng thống Mỹ: "Vì thế tôi tha thiết cầu xin Ngài về bất cứ sự giúp đỡ nào có thể được" (7). 

 

Còn giờ đây, tình hình Việt Nam hiển nhiên khác xa thuở tháng 9 năm 1945. “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” (Nguyễn Phú Trọng).  Nhưng để có được cái cơ đồ ấy, ngay trên đất Mỹ, tháng 9 vừa qua, Tô Lâm đã dõng dạc tuyên bố: “Con đường phát triển (ấy) của Việt Nam không thể tách rời xu thế chung của thế giới và nền văn minh nhân loại…” Và Tổng bí thư, Chủ tịch nước (lúc bấy giờ) còn đi xa hơn, khi nhắc lại những ký ức lịch sử của cái thuở “bộ đội Mỹ là bạn ta…” Những “chiến sỹ phá băng” (8) ngày ấy từng là thượng khách của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đứng bên cạnh Người, trên Lễ đài Ba Đình rực rỡ trong nắng chiều ngày 2/9/1945. Nhưng than ôi! Ngay cả cái ký ức thiêng liêng và vĩ đại ấy, bộ máy tuyên truyền của ĐCSVN ngày nay vẫn không muốn cho người dân được biết. Tại buổi nói chuyện ở Đại học Columbia, cử tọa đinh ninh, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm là người cởi mở, ủng hộ hòa giải và tự do học thuật! (9). Nhưng chính đoạn phát biểu về “cái thuở ban đầu” của quan hệ Mỹ – Việt đã bị Ban Tuyên giáo thẳng tay đục bỏ. Vì vậy, phải chăng khi “trao đổi” với học viên Trường Đảng, Tô Lâm phải chọn lời lẽ khác so với lúc nói chuyện cùng sinh viên Trường Columbia? 

 

Cũng có quan điểm cho rằng, chưa hẳn vì TBT Tô Lâm coi thường trình độ học viên tại “Lớp bồi dưỡng” đến mức không muốn mở rộng tìm nhìn cho họ. Nhưng sau một vài tuyên bố về “kỷ nguyên mới của dân tộc”, Tô Lâm bị các thế lực bảo thủ trong Đảng cho là “đã đi quá xa”, do đó ông buộc phải “ghìm mình” để bào toàn lực lượng. Trong thâm tâm, có thể Giáo sư – Tiến sỹ Tô Lâm cũng muốn giảng cho học viên nghe về tầm quan trọng, cả cơ hội lẫn thách thức đối với Việt Nam, từ kết quả cuộc bầu cử, cho dù Cộng hòa hay Dân chủ thắng. Đến một chính khách như cựu Thủ tướng Hun Sen, Chủ tịch Thượng viện Campuchia, cũng còn dám công khai phân tích lý do chiến thắng của Donald Trump trong bài viết được đăng trên Facebook chính thức ngay vào hôm 6/11 (10). Mà không riêng gì dân Campuchia, dân trên toàn cầu, mà trước hết là công dân nước Việt, cũng cần được biết những điều gì đang và sẽ xẩy ra trên thế giới, trong tương quan của cuộc cạnh tranh sống mái giữa các cường quốc, có liên đới đến thân phận Việt tộc trong năm mười năm tới. Chứ chẳng nhẽ cứ bắt người dân phải nhắm mắt, tuân theo “lời hẹn ước ban đầu” với Trung Quốc – theo Tuyên bố chung giữa hai Đảng – “đi lò dò, lom dom” (từ GS. Tô Lâm dùng mới đây (11) trên con đường bất định? 

 

Trong tinh thần hưởng ứng nhận định của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu sáng 21/10/2024 trước Quốc hội khóa XV về thể chế, nhân sự và cơ sở hạ tầng, trong đó thể chế là “điểm nghẽn” trọng yếu cho sự phát triển, tám tổ chức xã hội dân sự trong Nam ngoài Bắc đã đồng ký thư kiến nghị gửi Tổng bí thư ĐCSVN, Quốc hội, Chủ tịch nước và Thủ tướng, trong đó kêu gọi xây dựng một lộ trình Đổi Mới lần thứ hai về chính trị sau “Cải cách kinh tế” năm 1986, gồm các chương trình hành động cụ thể với mục tiêu thời gian thực hiện rõ ràng (12). Ông Lê Thân, Chủ nhiệm Câu Lạc bộ Lê Hiếu Đằng, vốn là một cựu tù Côn Đảo, đã nói với Đài RFA ngày 5/11: “Lần Đổi Mới này không phải là ý muốn của ai cả, tình thế bắt buộc phải làm chứ không phải là ý muốn của ông A bà B. Không thay đổi là chết, tất nhiên dân chết thì Đảng cũng chết, không có cách gì khác!” (13) Nhắc lại thế để TBT Tô Lâm vững tin, nếu ông dám hành động để cải cách thể chế cho đất nước cất cánh, thì ông có thể yên chí, hàng trăm chữ ký trong Bản kiến nghị đủ nói lên đấy là chỗ gặp nhau giữa ý Đảng và lòng Dân… GS – TS Tô Lâm không có gì cần lảng tránh như từng phải phớt lờ, không giảng giải cho các đồng chí học viên Trường Đảng về ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc bầu cử vừa qua tại Hoa Kỳ. 

________

Tham khảo: 

 

(1) https://www.reuters.com/markets/us/trump-victory-reverberate-through-global-economy-2024-11-06/

 

(2) https://www.cnbc.com/2024/11/07/china-congratulates-trump-says-it-respects-americas-choice.html

 

(3) https://www.voatiengviet.com/a/viet-nam-doi-mat-bien-dong-thuong-mai-duoi-thoi-trump/7855062.html

 

(4 và 6) https://dangcongsan.vn/thoi-su/noi-dung-chuyen-de-cua-tong-bi-thu-to-lam-ve-ky-nguyen-moi-ky-nguyen-vuon-minh-cua-dan-toc-682050.html

 

(5) https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnamese-actively-taking-about-us-election-shows-desire-for-self-determination-11052024055522.html

 

(7) https://vanviet.info/van-de-hom-nay/doc-xong-dau-don-v-tiec-nuoi/

 

(8) https://www.youtube.com/watch?v=8dq0Obp53Tk

 

(9) https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cz04yg347e5o

 

(10) https://www.bbc.com/vietnamese/live/c3rxp0qz9gxt

 

(11) https://www.voatiengviet.com/a/to-lam-sot-ruot-viet-nam-lo-do-lom-dom-dan-chu-hoa-la-chia-khoa/7844295.html

 

(12) https://baotiengdan.com/2024/11/03/kien-nghi-khan-cap-ve-cai-cach-the-che/

 

(13) https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/people-call-for-second-reform-to-settle-obstacles-11052024051651.html

 

------------------------------------------------------------------

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

 

Trần Hiếu Chân là một blogger, đồng thời cũng là nhà báo độc lập tích cực tham gia vào mạng lưới xã hội đấu tranh vì tự do báo chí, dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam. Blogger này cũng là một trong những nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế và đường lối ngoại giao của Việt Nam và các nước ASEAN.







No comments: