The Economist
Đỗ
Đặng Nhật Huy,
biên dịch
07/11/2024
https://nghiencuuquocte.org/2024/11/07/the-gioi-hom-nay-07-11-2024/
Kamala Harris đã nhận thua
trước Donald Trump và hứa sẽ “chuyển giao quyền lực trong hòa
bình” và kêu gọi những người ủng hộ bà “chấp nhận kết quả của cuộc bầu cử,”
nhưng tiếp tục “cuộc đấu tranh đã thúc đẩy chiến dịch này”. Sau khi giành chiến
thắng tại Pennsylvania, bang chiến địa quan trọng nhất, ông Trump thắng tiếp
Wisconsin và Michigan để vượt ngưỡng 270 phiếu cần thiết, đạt 295 phiếu đại cử
tri.
Ông Trump đã giành chiến thắng
ở năm trong số bảy bang chiến địa. Chiến thắng của ông tại Michigan,
Pennsylvania, và Wisconsin theo sau các chiến thắng ở North Carolina và
Georgia. Cựu tổng thống cũng giành chiến thắng một lần nữa ở Iowa, bất chấp cuộc
khảo sát vào cuối tuần trước từng cho đảng Dân chủ hy vọng về một sự bất ngờ.
Ba chỉ số chứng khoán chính của Phố
Wall — Dow Jones, Nasdaq, và S&P 500 — đều đóng cửa ở mức cao
kỷ lục vào thứ Tư. Thị trường lạc quan với triển vọng cắt giảm thuế và giảm bớt
quy định trong nhiệm kỳ thứ hai của Trump. Lợi suất trái phiếu Mỹ và đồng đô la
cũng tăng, nhưng đồng euro và peso lại giảm trước tin tức này. Đồng rupee của Ấn
Độ và đồng rial của Iran xuống mức thấp kỷ lục.
Chính phủ liên minh ba đảng của Đức đã
sụp đổ sau khi thủ tướng Olaf Scholz sa thải bộ trưởng tài chính Christian
Lindner của Đảng Dân chủ Tự do (FDP), một đối tác liên minh nhỏ hơn. FDP muốn
có những thay đổi sâu rộng về thuế, chính sách khí hậu và xã hội mà các đối tác
của họ phản đối. Ông Scholz đã kêu gọi một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm vào tháng 1
năm sau, mở đường cho cuộc bầu cử sớm vào tháng 3.
Naim Qassem, lãnh đạo mới của Hizbullah,
cho biết lực lượng dân quân do Iran hậu thuẫn này sẽ không đàm phán ngừng bắn
trừ khi Israel dừng tấn công vào Lebanon — một điều kiện mà ông Netanyahu công
khai phản đối. Các cuộc tấn công của Israel ở miền bắc Lebanon đã khiến ít nhất
38 người thiệt mạng và 54 người khác bị thương vào thứ Tư. Trong khi đó,
Hizbullah đã bắn rocket vào một căn cứ quân sự ở trung tâm Israel.
Thủ tướng Ireland Simon
Harris đã kêu gọi tổ chức bầu cử sớm, dự kiến diễn ra vào ngày 29 tháng 11. Các
cuộc thăm dò cho thấy liên minh trung hữu cầm quyền, bao gồm đảng Fine Gael của
ông Harris và đảng Fianna Fail, sẽ giành chiến thắng. Họ đang hưởng lợi từ khoản
tăng thu thuế bất ngờ gần đây, góp phần làm tăng thêm quỹ ngân sách. Khủng hoảng
gia tăng trong đảng Sinn Fein đối lập cũng đã giúp củng cố vị thế của liên
minh.
Cảnh sát Tây Ban Nha đã thu
giữ một lượng cocaine kỷ lục — 13 tấn — giấu trong một lô chuối từ Ecuador.
Họ cũng đã bắt giữ một người làm việc cho công ty nhập khẩu lô hàng. Cảnh sát
cho biết số ma túy này đang trên đường đi phân phối khắp châu Âu. Cocaine là loại
ma túy bất hợp pháp phổ biến thứ hai ở châu Âu, sau cần sa; nguồn cung của loại
bột trắng này đã tăng lên trong vài năm qua.
Con số trong ngày: 10 điểm phần trăm, là
cách biệt giữa Trump với Harris về số phiếu bầu của cử tri nam gốc Mỹ Latin.
Năm 2020 Joe Biden dẫn trước ở nhóm dân số này tới 23 điểm phần trăm.
TIÊU ĐIỂM
Fed họp hôm nay, tiếp tục giảm lãi suất?
Sau chiến thắng vang dội của Donald Trump
trong cuộc bầu cử, cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) vào thứ Năm có thể bị
xem nhẹ. Nhưng đây có thể là dấu hiệu đầu tiên cho thấy chính sách kinh tế sẽ
ra sao trong nhiệm kỳ hai của ông Trump. Dự kiến Fed sẽ giảm lãi suất thêm một
phần tư điểm phần trăm, đưa lãi suất về khoảng 4,5-4,75%. Điều này phản ánh tâm
lý lạc quan về đà giảm của lạm phát, cũng như một chút thận trọng vì lãi suất vẫn
còn tương đối cao.
Câu hỏi thực sự là Fed sẽ giảm thêm bao nhiêu
trong năm tới. Nhà đầu tư đã dự đoán lãi suất giảm thêm ít nhất một điểm phần
trăm. Nhưng nhiều chính sách của ông Trump, bao gồm cắt giảm thuế và tăng thuế
quan, có nguy cơ làm gia tăng lạm phát. Điều này có thể khiến Fed chọn các mức
cắt giảm nhẹ tay hơn. Khi làm như vậy, họ có thể đối mặt với sự phẫn nộ của ông
Trump, người muốn thấy tăng trưởng mạnh hơn.
Lãnh đạo Châu Âu họp lần đầu sau khi
Trump đắc cử
Vào thứ Năm, các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ họp
lần đầu tiên kể từ khi Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống
Mỹ. Đây là một cuộc họp của Cộng đồng Chính trị châu Âu tại Budapest. Tổ chức
này bao gồm các lãnh đạo của 27 thành viên EU, cùng với lãnh đạo Anh, Thổ Nhĩ Kỳ,
Ukraine và các nước khác.
Cuộc họp 6 tháng một lần này được khởi xướng
sau cuộc xâm lược Ukraine của Nga vào năm 2022. Việc ông Trump tái đắc cử sẽ
khiến công việc của tổ chức trở nên khó khăn hơn. Ông Trump đã nói trong lúc
tranh cử là ông sẽ chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine ngay khi nhậm chức. Nhưng nếu
điều đó có nghĩa là nhượng bộ các yêu sách của Nga, các đồng minh châu Âu của
Ukraine sẽ phản đối.
Chủ tịch cuộc họp, thủ tướng Hungary Viktor
Orban, không phải là một đồng minh như vậy. Ông là bạn thân của ông Trump và là
một trong những nhà lãnh đạo đầu tiên chúc mừng tổng thống đắc cử. Các nhà lãnh
đạo châu Âu khác tại Budapest sẽ không chia sẻ sự hào hứng của ông.
Chính sách tiền tệ của Anh đứng trước
nhiều bất ổn
Ngân hàng Trung ương Anh họp vào thứ Năm để
quyết định có tiếp tục cắt giảm lãi suất thêm nữa hay không. Các dữ liệu kinh tế
gần đây khá khả quan. Lạm phát hàng năm đã giảm xuống 1,7% vào tháng 9, thấp
hơn nhiều so với mục tiêu 2% của ngân hàng. Tỷ lệ thất nghiệp cũng giảm xuống
còn 4%, làm dịu bớt lo ngại về thị trường lao động suy yếu. Các thị trường tài
chính cho rằng lần này chắc chắn có một đợt cắt giảm 0,25 điểm phần trăm.
Nhưng sau đó mọi việc sẽ khó khăn hơn. Ngân
sách đầu tiên của Đảng Lao động muốn thúc đẩy tăng trưởng; và Văn phòng Trách
nhiệm Ngân sách ước tính gói chính sách mới có thể làm tăng lạm phát thêm 0,4
điểm phần trăm. Lợi suất trái phiếu chính phủ đã tăng khi các nhà giao dịch
trái phiếu dự đoán một nhịp độ cắt giảm lãi suất chậm hơn. Chiến thắng của
Donald Trump ở Mỹ cũng gây lo ngại. Chính sách của ông rất khó dự đoán, nhưng
cam kết tăng thuế quan có thể sẽ gây ra một cuộc chiến thương mại lớn, điều đặc
biệt nguy hiểm cho một nền kinh tế vốn nhạy cảm với tác động toàn cầu như Anh.
Lãnh đạo chính quyền quân sự Myanmar
thăm Trung Quốc
Thượng tướng Min Aung Hlaing, lãnh đạo của
chính quyền quân sự ở Myanmar, đang có chuyến thăm đầu tiên tới Trung Quốc kể từ
khi ông lên nắm quyền trong cuộc đảo chính gần bốn năm trước. Ông hiện có mặt tại
tỉnh Vân Nam để tham dự hội nghị thượng đỉnh với các nhà lãnh đạo từ Campuchia,
Lào, Thái Lan, và Việt Nam. Vào thứ Năm, vị tướng này sẽ có các buổi tiếp kiến
cuối cùng của hội nghị với Lý Cường, thủ tướng Trung Quốc, và các đại biểu
khác.
Trung Quốc từ lâu đã giữ khoảng cách với vị
lãnh đạo đảo chính này, nhận thức rõ sự không được lòng dân của ông ở Myanmar
và coi ông là người có thái độ chống Trung Quốc. Nhưng hai bên có nhiều vấn đề
cần bàn bạc. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc ngày càng bức xúc trước sự phát triển
của các trung tâm lừa đảo, thường nhắm vào công dân Trung Quốc, dọc theo biên
giới chung giữa hai nước. Một năm trước, Trung Quốc đã cho phép một liên minh của
các nhóm nổi dậy chống chính quyền quân sự tiến hành dọn dẹp chúng. Liên minh
đã thành công trong việc đóng cửa một số trung tâm, nhưng chiến dịch của họ đi
quá xa và trở thành cái gai trong mắt Bắc Kinh. Giờ đây, Trung Quốc đang cố gắng
hợp tác với chính quyền quân sự để kiềm chế các lực lượng nổi dậy này.
No comments:
Post a Comment