Thành
công của tuyến đường sắt đô thị 3 Hà Nội mở đường cho những dự án khác với
Pháp ?
Thu Hằng - RFI
Đăng
ngày: 18/11/2024 - 14:14
Người
dân ở Hà Nội có thêm tuyến đường sắt đô thị thứ hai trong hành trình "Giao
thông nhanh cho tương lai xanh". Lễ vận hành thương mại tuyến số 3 Nhổn -
ga Hà Nội đoạn trên cao được tổ chức ngày 09/11/2024 sau ba tháng mở cửa đón
khách. Là dự án mang tính biểu tượng cho quan hệ Việt - Pháp, tuyến số 3 được
hai bên kỳ vọng tăng cường hợp tác song phương trong những dự án tương lai về
phát triển đô thị bền vững và chuyển đổi năng lượng phát thải thấp.
HÌNH
:
Tàu
vào ga Nhổn, tuyến số 3 Nhổn - ga Hà Nội, đoạn trên cao, Hà Nội, Việt Nam,
tháng 10/2024. © RFI / Tiếng Việt
Tuyến
đường sắt đô thị 3 Nhổn - ga Hà Nội : Biểu tượng cho hợp tác Việt - Pháp
Thành
công của đoạn trên cao cũng « chứng tỏ năng lực của toàn thể đội
ngũ Pháp - Việt Nam trong việc triển khai tốt các dự án hạ tầng đầy tham vọng của
lĩnh vực vận tải đường sắt », theo nhận định của đại sứ Olivier
Brochet khi trả lời phỏng vấn RFI Tiếng Việt :
« Tuyến
đường sắt đô thị số 3 thực sự là một dự án biểu tượng cho sự hợp tác Pháp-Việt
vì dự án đã được khởi công từ cách đây khá lâu và đó cũng là một dự án phức tạp
cần chút thời gian để hoàn thành. Việc tuyến đường được đưa vào hoạt động vào
tháng 08/2024 đã được mọi người trông đợi. Chúng tôi rất vui. Trước tiên vì đây
là một thành công lớn về kỹ thuật. Tuyến đường hoạt động rất tốt, chỉ trong một
tháng đã có gần 1 triệu người ở Hà Nội sử dụng tàu điện. Có thể thấy là tuyến
đường sắt này đã tìm được vị trí của mình. Đây là điểm đầu tiên cần phải nêu bật
và chúng tôi rất vui.
Tiếp
theo là những mục tiêu. Phát triển bền vững giao thông đô thị là một thách thức
đối với tất cả các thành phố lớn, dĩ nhiên là đối với cả Hà Nội và thành phố Hồ
Chí Minh. Chính phủ Việt Nam muốn phát triển những loại hình giao thông đô thị
một cách năng động trong những năm tới. Còn chúng tôi mong muốn làm việc với
chính phủ Việt Nam bởi vì trước hết, giao thông đô thị bền vững là điều rất
quan trọng cho người dân, giúp cải thiện điều kiện lưu thông, điều kiện sống
hàng ngày bằng cách giảm thời gian di chuyển cho họ. Việc này cũng quan trọng đối
với thành phố bởi vì đây là cách giảm ô nhiễm, giảm tắc đường. Chúng ta thấy ở
Hà Nội, tình hình thường xuyên ở ngưỡng ranh giới, nhất là về mặt ô nhiễm đô thị
vẫn còn rất nghiêm trọng.
Tiếp
theo, tuyến tàu điện còn có vai trò quan trọng vì làm giảm khí phát thải CO2
trong giao thông vận tải. Đây là một thách thức cơ bản trong cuộc chiến chống
tình trạng trái đất nóng lên. Các phương tiện giao thông, trên quy mô thế giới,
chiếm gần 25% lượng khí phát thải. Trên khắp mọi nơi, người ta tìm cách làm giảm
lượng khí này và cách tốt nhất là phát triển giao thông đô thị hiệu quả, hiện đại.
Chúng tôi rất vui được giải quyết những thách thức này với chính phủ Việt Nam
và chính quyền thành phố Hà Nội ».
HÌNH
:
Đại
sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet, tháng 10/2024. © RFI / Tiếng Việt
Không
chỉ đơn thuần là phương tiện giao thông
Ngay
trong 5 ngày đầu khai thác thương mại (08-12/08), tuyến số 3 đã phá kỷ lục lượt
khách trải nghiệm tuyến 2A Cát Linh - Hà Đông, thu hút gần 300.000 lượt khách,
trong đó chỉ riêng ngày 11/08 có đến 100.000 lượt, gần gấp đôi con số 58.000 lượt
trong ngày 01/05/2023 của tuyến 2A. Không chỉ giữ chức năng phương tiện giao
thông công cộng, tuyến số 3 được đối tác Pháp muốn biến thành không gian thư
giãn, sinh hoạt chung cho hành khách mà không nhàm chán, tẻ nhạt với việc đưa
nghệ thuật vào các công trình giao thông. Đây cũng là một thế mạnh của Pháp và
được triển khai rộng rãi trong hệ thống tàu điện ngầm Paris-Ile de France.
Lần
đầu tiên, một tác phẩm nghệ thuật công cộng được đặt tại nhà ga đường sắt đô thị.
Tác phẩm Năm giờ sáng, Hà Nội thức giấc - Il est cinq heures, Hanoï
s’éveille (lấy cảm hứng từ bài hát nổi tiếng Pháp Il est cinq
heures, Paris s’éveille), được Cơ quan Phát triển Pháp - AFD tài trợ thông
qua quỹ Metis và tặng thành phố Hà Nội, được đặt tại ga Cầu Giấy, đúng lễ vận
hành thương mại đoạn trên cao và đặt biển khánh thành. Tác phẩm muốn truyền tải
cùng lúc nhiều thông điệp về khuyến khích sử dụng giao thông công cộng, nhận thức
về biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng, bảo tồn di sản văn hóa… Trong
hành trình này, phía Pháp đã vận dụng rất nhiều công nghệ cao, hiện đại để tuyến
số 3 xanh và bền vững, theo giải thích của đại sứ Olivier Brochet :
« Cam
kết của Pháp trong quá trình xây dựng tuyến đường số 3, trước tiên là thông qua
việc tài trợ bởi vì gần 50 triệu euro ngân sách đã được huy động từ kho bạc
Pháp hoặc từ Cơ quan Phát triển Pháp AFD. Nhưng cam kết của Pháp còn được thể
hiện qua việc huy động tinh hoa của công nghệ Pháp về giao thông đường sắt đô
thị. Có thể thấy rất nhiều tên tuổi lớn trong lĩnh vực công nghệ Pháp, như
Alstom, Colas Rail, Systra - một công ty kỹ thuật tổng hợp, RATP Smart Systems…
Tất
cả những doanh nghiệp lớn của Pháp đều có kinh nghiệm dày dặn tại Pháp. Điều
này được thấy trong kỳ Thế Vận Hội, các phương tiện giao thông đô thị đã đóng
vai trò chủ đạo trong thành công của đại hội thể thao này. Những doanh nghiệp
đó cũng được huy động trong dự án xây dựng mạng lưới Paris Express, hiện là dự
án lớn nhất về giao thông đô thị ở châu Âu cho đến hiện nay. Người ta cũng thấy
những doanh nghiệp lớn này của Pháp trong tất cả các dự án tàu điện trên thế giới,
như ở Cairo (Ai Cập), ở Medellín (Colombia), ở Rabat (Maroc)… Và tất cả đều
đang phục vụ tại Hà Nội và dĩ nhiên chúng tôi mong muốn phát triển thêm trong
những dự án mới mà chính phủ Việt Nam dự kiến tiến hành trong những năm tới ».
HÌNH
:
Bên
trong metro 3 Nhổn - ga Hà Nội, biểu tượng cho quan hệ Việt - Pháp. © RFI
/ Tiếng Việt
Triển
vọng hợp tác mới về giao thông vận tải
Dự
án khởi công năm 2009, theo kế hoạch hoàn thành năm 2015 nhưng nhiều lần lùi tiến
độ và dự kiến hoàn thành năm 2027, riêng đoạn trên cao đã được khai thác thương
mại từ tháng 08/2024. Tổng vốn đầu tư cũng bị tăng gấp đôi, từ hơn 18.000 tỉ đồng
lên gần 36.000 tỉ đồng. Liệu những điểm này có trở thành một trở ngại trong khi
Pháp cho biết sẵn sàng đồng hành với Việt Nam trong những dự án trong tương lai
? Trả lời thắc mắc của RFI Tiếng Việt, đại sứ Olivier Brochet giải
thích :
« Những
dự án lớn này đều là những dự án vô cùng phức tạp ở khắp mọi nơi, phức tạp về mặt
công nghệ, phức tạp trong việc triển khai công trường bởi vì cần phải xây dựng
những công trường quy mô lớn ở một thành phố mà cuộc sống vẫn tiếp diễn theo nhịp
độ thông thường, phức tạp về mặt cơ chế, thực hiện các quy định mới của Nhà nước
thiết lập các hệ thống này.
Vì
tất cả những lý do tích tụ này dẫn đến những chậm trễ. Và tất cả các
tuyến đường sắt đã được xây dựng đều bị chậm. Tuyến số 1 ở đây chẳng hạn cũng bị
khởi công muộn. Tuyến mới ở thành phố Hồ Chí Minh, được hợp tác xây dựng với
Nhật Bản, cũng bị trễ. Đây là việc bình thường vì cần phải có thời gian học tập.
Điều quan trọng hiện nay là có thể sử dụng quãng thời gian học tập đó để tiết
kiệm thời gian sau này, qua việc đã có những tác nhân hiểu rõ vấn đề, hiểu những
trông đợi, nhu cầu của mỗi bên để có thể có những dự án tiến triển nhanh hơn, sớm
mang lại kết quả và đến lúc đó sẽ cho phép làm chủ chi phí tốt hơn.
Chính
vì thế mà chúng tôi đã đề xuất với chính phủ Việt Nam là bắt đầu suy nghĩ luôn
đến việc kéo dài tuyến số 3. Có nghĩa là không phải công trình ngầm đã được khởi
công và đang tiến triển mà ngay từ bây giờ, nên bắt đầu chuẩn bị cho việc kéo
dài tuyến. Bởi vì nếu dự tính sớm thì sẽ giúp triển khai công việc tiếp theo
sau khi hoàn thành công trình ngầm và như vậy sẽ tránh được các chi phí bổ sung
liên quan đến việc giải thể các công ty tham gia xây dựng tuyến số 3 ».
HÌNH
:
Ga
Nhổn, metro 3 Nhổn - ga Hà Nội. © RFI / Tiếng Việt
Trong
chuyến công du Pháp của chủ tịch nước Việt Nam kiêm tổng bí thư Tô Lâm từ ngày
03-07/10/2024, hai nước bày tỏ mong muốn tiếp tục hợp tác trong lĩnh vực giao
thông vận tải hướng tới giảm phát thải carbon thông qua « Bản ghi
nhớ hợp tác trong lĩnh vực Giao thông Vận tải ». Theo bộ trưởng Giao
thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng, « đây cũng là lĩnh vực mà Việt Nam
hết sức quan tâm nhằm thực hiện các cam kết tại Hội nghị lần thứ 21 Công ước
khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP21) và COP26 (phát thải ròng bằng
0 vào năm 2050) trong lĩnh vực giao thông vận tải ».
Thực
ra, theo trang Facebook Thông tin Chính phủ ngày 07/10, Việt Nam và Pháp đã phối
hợp hoàn thành một số dự án trong lĩnh vực đường sắt, như hệ thống thông tin
tín hiệu đường sắt đoạn Hà Nội - Vinh do tập đoàn Alstom và đối tác Việt Nam
triển khai ; dự án Cải tạo và nâng cấp tuyến đường sắt Yên Viên - Lào Cai do
Ngân hàng Phát triển châu Á và Pháp đồng tài trợ.
Ngoài
dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội, bộ Giao thông Vận tải đã đề nghị Đại sứ
quán Pháp tại Việt Nam và cơ quan AFD nghiên cứu cung cấp « Hỗ trợ
kỹ thuật lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án cải tạo, hiện đại hóa tuyến
đường sắt Hà Nội - Hải Phòng », có xét đến tuyến đường sắt Lào Cai -
Hà Nội - Hải Phòng được xây dựng mới trong tương lai. Báo Chính phủ ngày 04/11
cho biết Cục Đường sắt Việt Nam (trực thuộc bộ Giao thông Vận tải) đã trình hồ
sơ Quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh đi qua
10 tỉnh/thành phố.
Cơ
quan AFD, hiện là nhà tài trợ song phương lớn nhất khu vực châu Âu của Việt
Nam, cũng được kêu gọi tiếp tục trao đổi, tìm kiếm cơ hội hợp tác trong các dự
án đường sắt tại Việt Nam thời gian tới. Ông Philippe Orliange, giám đốc Cơ
quan Phát triển Pháp tại Việt Nam, khẳng định AFD sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm
và hỗ trợ vốn vay cho Việt Nam trong việc xây dựng và phát triển đường sắt cao
tốc, lĩnh vực mà Pháp có thế mạnh và Việt Nam đang đặc biệt quan tâm, mong muốn
thực hiện trong thời gian tới.
Liệu
thành công của tuyến đường sắt đô thị số 3 Nhổn - ga Hà Nội tiếp thêm sức bật
cho những dự án mới ? Dù sao, theo bản ghi nhớ ký tại Paris, Việt Nam và Pháp dự
định hợp tác trong các lĩnh vực đường sắt, hàng hải và đường thủy nội địa ; tạo
thuận lợi cho chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải, tăng cường khả năng chống
chịu và phục hồi, thích ứng với biến đổi khí hậu… Đây cũng là những lĩnh vực hợp
tác truyền thống và rất năng động giữa hai nước từ nhiều năm qua.
HÌNH
:
Bản
đồ 2 tuyến đường sắt đô thị Hà Nội. Tuyến số 3 Nhổn - ga Hà Nội do Pháp hỗ trợ
xây dựng và tuyến 2A Hà Đông - Cát Linh do Trung Quốc hỗ trợ. © RFI / Tiếng
Việt
---------------------------
Các
nội dung liên quan
Tạp
chí Việt Nam
Kinh
nghiệm xây metro của Pháp trong tuyến Nhổn-Ga Hà Nội
Việt
Nam : Tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Hà Nội bắt đầu hoạt động
No comments:
Post a Comment