Sức bền của nền
dân chủ Hoa Kỳ và hy vọng ở Việt Nam
Đàm Chính Sự | Người
Việt
Khởi
đầu từ năm 1945, chế độ Cộng sản Việt Nam đã trải qua hơn bảy thập niên, chứng
kiến biết bao biến thiên của lịch sử. Cộng Sản Việt Nam trải qua một chặng đường
dài hơn cả sự tồn tại của Liên bang Xô Viết.
Điều
này cho thấy một sức sống dai dẳng, một “sự bền bỉ của nền chuyên chế”, hay còn
gọi là “authoritarian resilience,” thể hiện qua khả năng thích ứng trước những
thay đổi to lớn của thời cuộc. Đó chính là cách thức các chế độ này liên tục biến
đổi, uốn mình theo dòng chảy lịch sử để duy trì quyền lực.
Song
song với sự bền bỉ ấy, sức chống chịu của các nền dân chủ, đặc biệt là sau những
biến động chính trị gần đây tại Hoa Kỳ, cũng là một câu hỏi lớn cần được suy ngẫm.
Liệu nền dân chủ Mỹ có thể vững vàng vượt qua những cơn sóng gió từ chủ nghĩa
dân túy và tư tưởng cực đoan? Và Việt Nam, trên con đường tìm kiếm một tương
lai dân chủ, có thể học hỏi được gì từ những kinh nghiệm của Hoa Kỳ?
Bài
viết này sẽ phân tích cuộc bầu cử sắp tới tại Hoa Kỳ và bày tỏ niềm tin rằng, bất
kể kết quả cuối cùng ra sao, ngọn lửa dân chủ tại quốc gia này sẽ vẫn tiếp tục
bùng cháy.
Ba
Trụ Cột Của Nền Dân Chủ Bền Vững
“Sự
bền bỉ của nền dân chủ” – nói một cách dễ hiểu, đó là khả năng của một hệ thống
chính trị để đứng vững, thích nghi và phục hồi sau những sóng gió, thử thách cả
bên trong lẫn bên ngoài, mà vẫn giữ được những giá trị cốt lõi của mình. Khái
niệm này ngày càng được quan tâm khi mà các nền dân chủ trên thế giới đang phải
đối mặt với nhiều áp lực, từ chủ nghĩa dân túy cho đến sự kiểm soát thông tin
trên không gian mạng.
Để
dễ hình dung “sức đề kháng” của một nền dân chủ, hãy tưởng tượng đến ba trụ cột
chính. Thứ nhất là sự vững chắc về thể chế (institutional robustness). Đây
chính là những nền tảng cơ bản của một pháp luật dân chủ, bao gồm một hiến pháp
vững chắc cùng những cơ chế bảo vệ hiệu quả; một hệ thống tư pháp độc lập, sẵn
sàng hành động để bảo vệ các giá trị dân chủ; và một bộ máy công chức chuyên
nghiệp, không bị chi phối bởi các đảng phái chính trị (ví dụ như sự trung lập
và tận tâm của lực lượng quân đội).
Tuy
nhiên, nhà khoa học chính trị Wolfgang Merkel còn cho rằng sức mạnh của thể chế
dân chủ không chỉ nằm ở hình thức mà còn ở cách vận hành và niềm tin của người
dân vào hệ thống.
Điều
này dẫn đến trụ cột thứ hai: cơ sở hạ tầng dân sự (civic infrastructure). Một
xã hội dân sự năng động, tích cực tham gia vào các hoạt động chính trị, cùng với
những cơ chế cho phép họ đóng góp vào các quyết định của chính phủ; một hệ thống
truyền thông độc lập và có trách nhiệm; nền giáo dục công dân hiệu quả; và khả
năng chấp nhận sự khác biệt trong cộng đồng, tất cả đều góp phần tạo nên một cơ
sở hạ tầng dân sự vững mạnh. Trong một xã hội dân sự lành mạnh, ngay cả một cá
nhân hay một tổ chức phi chính phủ cũng có thể kiện chính phủ. Họ có thể tìm kiếm
sự hỗ trợ tài chính và tư vấn pháp lý. Người dân có thể đối thoại, giúp đỡ lẫn
nhau ngay cả khi có những bất đồng quan điểm.
Thậm
chí hai học giả Steven Levitsky và Daniel Ziblatt đã viết trong cuốn sách “How
Democracies Die” (2018), cơ sở hạ tầng dân sự cũng bao gồm cả những “chuẩn mực
dân chủ không chính thức”: Đó là sự tôn trọng lẫn nhau và khả năng kiềm chế quyền
lực.
Cuối
cùng, ngay cả khi có cả các yếu tố trên, một nền dân chủ bền vững còn cần có khả
năng thích ứng (adaptive capacity) trước những biến đổi và thách thức mới. Giáo
sư Larry Diamond (Đại học Stanford) cho rằng, một trong những điểm mấu chốt của
một nền dân chủ là khả năng tự điều chỉnh, sửa sai mà vẫn giữ vững được những
nguyên tắc cốt lõi. Một thể chế và hiến pháp mạnh mẽ là tốt, nhưng liệu nó có đủ
linh hoạt để thay đổi khi cần thiết? Liệu những đối thoại giữa xã hội dân sự và
chính phủ có giúp nhận diện và giải quyết khủng hoảng, hay chỉ khiến tình hình
thêm bế tắc?
Nền
Dân Chủ Mỹ: Sức bền đến từ đâu?
Hoa
Kỳ đã thể hiện một sức bền đáng kinh ngạc trong gần 300 năm tồn tại. Về mặt thể
chế, hiếm có quốc gia hiện đại nào có thể sánh được với sự vững chắc của Hoa Kỳ.
Ngay từ năm 1803, với vụ kiện Marbury v. Madison, Tòa án Tối cao đã khẳng định
quyền giám sát cả Lập pháp và Hành pháp. Cục Dự trữ Liên bang (FED) được thiết
lập theo cơ chế hoạt động độc lập, giúp chính sách tiền tệ tránh khỏi sự can
thiệp của chính quyền. Hay Đạo luật Cải cách Dịch vụ Công năm 1883 (Civil
Service Reform Act – Pendleton Act) được thông qua nhằm đảm bảo sự ổn định và
công bằng cho đội ngũ công chức bất kể đảng phái nào nắm quyền.
Gần
300 năm xây dựng và củng cố hệ thống luật lệ, tập quán và truyền thống chính trị
đã tạo nên một nền tảng vững chắc cho Hoa Kỳ. Hơn thế nữa, thể chế Hoa Kỳ còn
cho thấy khả năng thích ứng đáng nể. Mười Tu chính án đầu tiên của Hiến pháp
(còn gọi là Bản Tuyên ngôn Nhân quyền – Bill of Rights) cùng các Tu chính án
quan trọng khác, như Tu chính án thứ 13, 14, và 15 (liên quan đến việc bãi bỏ
chế độ nô lệ), chứng minh khả năng nhận biết và sửa chữa những sai lầm. Việc
thành lập các cơ quan như Cục Bảo vệ Môi trường (1970), Văn phòng Ngân sách Quốc
hội (1974), và Bộ An ninh Nội địa (2002) cho thấy khả năng thích ứng liên tục
trước những thách thức mới.
Nền
tảng thể chế vững chắc và khả năng thích ứng tuyệt vời này càng được củng cố bởi
một xã hội dân sự sôi động bậc nhất trong lịch sử các quốc gia hiện đại. Hiện
nay, Hoa Kỳ có khoảng 1,5 triệu tổ chức phi lợi nhuận và phi chính phủ, từ cấp
địa phương đến quốc gia, như Liên đoàn Tự do Dân sự Hoa Kỳ (ACLU – American
Civil Liberties Union – thành lập năm 1920) và Quỹ Bảo vệ Môi trường (EDF –
Environmental Defense Fund – thành lập năm 1967). Các tổ chức này không chỉ đơn
thuần là hình thức, mà còn chủ động tham gia vào các chương trình nghị sự, các
vụ kiện tụng, và các phong trào chính trị để đấu tranh cho những gì họ tin là
đúng đắn và bảo vệ nền dân chủ.
Ví
dụ, ACLU đã cử luật sư tham gia nhiều vụ kiện quan trọng như Roe v. Wade vào
năm 1973 đã khẳng định quyền phá thai của phụ nữ và Miranda v. Arizona vào năm
1966 đã thiết lập “quyền Miranda,” tức quyền giữ im lặng và quyền được tư vấn
pháp lý của bị cáo.
Nhiều
người lo ngại về tương lai của Hoa Kỳ nếu ứng viên này hay ứng viên kia đắc cử.
Tuy nhiên, chỉ trừ khi người Mỹ đánh mất sự tỉnh táo và lý trí đã được gìn giữ
gần 300 năm qua, trừ khi họ từ bỏ những truyền thống và nền tảng chính trị vững
chắc mà họ đã dày công xây dựng, thì một nhiệm kỳ tổng thống bốn năm không thể
nào hủy hoại những giá trị cốt lõi đó.
Sức
bền của nền dân chủ trong bối cảnh Việt Nam
Mặc
dù Việt Nam hiện nay vận hành dưới chế độ một Đảng và đang có một thể chế
chuyên chế điển hình. Nhưng những giá trị dân chủ và sức bền của nguồn lực dân
chủ vẫn tiềm tàng tồn tại, dù đang bị hạn chế theo khuôn khổ để bảo vệ Đảng
CSVN.
Tuy
nhiên, dù còn nhiều bất cập, nhưng không gian mạng xã hội vẫn là nơi thảo luận
tự do, cởi mở và khó kiểm soát nhất đối với chính quyền. Nếu việc hội họp, thảo
luận và chia sẻ thông tin trực tiếp gặp nhiều rào cản, thì mạng xã hội lại cho
thấy tiếng nói của người dân không hoàn toàn đồng nhất với quan điểm của Đảng Cộng
sản Việt Nam.
Nhiều
sự kiện đã chứng minh điều này. Từ việc bảo vệ cây xanh ở Hà Nội gần 10 năm trước,
các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc và công ty Formosa cuối những năm 2000,
cho đến phong trào phản đối BOT kéo dài đến tận ngày nay, người dân Việt Nam đã
thể hiện một sức bền dân chủ đáng kể, biết cách tận dụng những không gian hạn hẹp
một cách hiệu quả. Tất nhiên, việc thiếu một nền tảng lý thuyết và một không
gian dân sự chính thức khiến những kinh nghiệm thảo luận và hoạt động trên mạng
xã hội khó chuyển hóa thành các hoạt động dân chủ chính thống. Tuy nhiên, chúng
vẫn là nền tảng để xây dựng và hoàn thiện khung lý thuyết cho các mô hình dân
chủ của Việt Nam trong tương lai.
Mặt
khác, hệ thống xã hội dân sự ở Việt Nam vẫn tiếp tục hoạt động. Dù nhiều nhà hoạt
động và lãnh đạo các tổ chức phi chính phủ (NGO) đã bị bắt giữ, nhưng xã hội
dân sự đang dần trở thành một phần không thể tách rời của đời sống xã hội Việt
Nam. Các NGO hoạt động trong lĩnh vực quyền phụ nữ, quyền trẻ em, quyền LGBTQ+,
văn hóa, nghệ thuật… vẫn là trụ cột của nhiều cộng đồng và đóng vai trò cầu nối
quốc tế. Đây cũng là một phần của sức bền dân chủ quốc gia.
Quan
trọng nhất, hệ thống kinh tế thị trường tự do là nền tảng then chốt cho sức bền
của tư duy dân chủ ở Việt Nam trong tương lai. Nhiều nghiên cứu lý luận và thực
nghiệm đã chỉ ra rằng tự do kinh tế là mạch sống của dân chủ. Trong cuốn sách nổi
tiếng “Some Social Requisites of Democracy” (tạm dịch: Một số điều kiện xã hội
cần thiết cho dân chủ) xuất bản năm 1959, Seymour Martin Lipset cho rằng một nền
kinh tế thị trường vững mạnh sẽ tự nó xây dựng nên một xã hội đa nguyên, và sự
phát triển kinh tế sẽ làm tăng quy mô tầng lớp trung lưu – tầng lớp quan trọng
nhất cho một nền dân chủ lý tưởng.
Củng
cố quan điểm này, trong cuốn “Economic Origins of Dictatorship and Democracy”
(tạm dịch: Nguồn gốc kinh tế của chế độ độc tài và dân chủ) xuất bản năm 2006,
Daron Acemoglu và James A. Robinson lập luận rằng kinh tế thị trường tạo ra nhiều
trung tâm quyền lực, từ đó hạn chế khả năng độc tài toàn trị. Hơn nữa, kinh tế
thị trường chỉ có thể phát triển khi hệ thống pháp luật đầy đủ, minh bạch, có
thể dự đoán được, cùng với các quy định bảo vệ quyền sở hữu tài sản và quyền tự
do cá nhân (ít nhất là liên quan đến tài sản). Đây chính là nền tảng quan trọng
nhất cho sức bền dân chủ của Việt Nam trong tương lai.
Sức
bền của dân chủ – hành trình dài hơi và còn hy vọng
Sức
bền của nền dân chủ không phải là khái niệm xa vời chỉ dành riêng cho các nước
phương Tây. Qua việc phân tích ba trụ cột – sự vững chắc về thể chế, cơ sở hạ tầng
dân sự, và khả năng thích ứng – chúng ta thấy được cách Hoa Kỳ đã xây dựng và
duy trì sức bền này trong suốt gần 300 năm.
Đối
với Việt Nam, dù trong một bối cảnh chính trị khác biệt, những mầm mống của sức
bền dân chủ vẫn hiện hữu. Từ sự sôi động của mạng xã hội, sự kiên trì của các tổ
chức xã hội dân sự, cho đến nền tảng kinh tế thị trường, tất cả đều cho thấy tiềm
năng dân chủ đang âm thầm phát triển. Đặc biệt, việc duy trì và phát triển kinh
tế thị trường không chỉ là vấn đề kinh tế, mà còn là nền tảng nuôi dưỡng một xã
hội đa nguyên và tầng lớp trung lưu – những yếu tố then chốt cho sự phát triển
dân chủ trong tương lai.
Sức
bền của nền dân chủ không phải là thứ tự nhiên mà có, mà là kết quả của một quá
trình xây dựng lâu dài với sự đóng góp của nhiều thành phần trong xã hội. Kinh
nghiệm từ Hoa Kỳ và những tín hiệu tích cực từ Việt Nam cho thấy, dù còn nhiều
thử thách, nhưng những giá trị dân chủ vẫn luôn có khả năng tồn tại và phát triển,
miễn là chúng ta tiếp tục vun đắp.
No comments:
Post a Comment