"Người
hùng giải cứu môi trường" Elon Musk có ảnh hưởng đến chính sách khí hậu của
Donald Trump?
Chi Phương - RFI
Đăng ngày: 16/11/2024 - 11:14
Ảnh hưởng của Elon Musk đối với chính sách môi trường dưới thời Donald
Trump ? Liên Hiệp Quốc lo ngại trước sự trở lại của tân tổng thống bảo thủ
Mỹ ; Cuộc « trả thù xã hội » trong vụ tấn
công « xe điên » ở Trung Quốc, khiến 35 người thiệt
mạng ; Sự trở lại của xu hướng « Người mẫu gầy » -
chuẩn mực của cái đẹp trong giới thời trang. Trên đây là những chủ đề chính
trong mục tạp chí thế giới đó đây tuần này.
HÌNH :
Tỷ phú Hoa Kỳ Elon Musk, phát biểu trước một cuộc mít tinh vận động tranh cử
của Donald Trump, tại Pennsylvania, Hoa Kỳ, 05/10/2024. © Carlos Barria /
Reuters
Hội nghị Khí hậu quốc tế của Liên Hiệp Quốc – COP 29, diễn ra tại Baku,
Azerbaijan là một trong những sự kiện nổi bật trong tuần vừa qua. Nội dung
chính của kỳ họp năm nay là đàm phán về hỗ trợ tài chính của các nước giàu cho
các nước nghèo chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, để thúc đẩy quá
trình chuyển đổi năng lượng, giảm phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch và thích ứng
tốt hơn trước các thiên tai.
Sự kiện năm nay bị đánh dấu bởi nhiều nghịch lý, từ nước chủ nhà một sự kiện
về khí hậu, « yêu chuộng dầu khí », đến cái bóng của tân tổng thống
Hoa Kỳ Donald Trump, coi biến đổi khí hậu là một « cú lừa lịch sử
từ giới khoa học », tạo bầu không khí u ám, trước nguy cơ Hoa Kỳ
rút khỏi thỏa thuận Khí hậu Paris 2015, trong khi Mỹ phát thải CO2 nhiều nhất
thế giới. Theo một báo cáo công bố hôm qua, sự trở lại của Donald Trump có thể
khiến nhiệt độ trái đất tăng thêm 0,04 độ C từ nay đến cuối thế kỷ.
Elon Musk với chính sách môi trường dưới thời Donald Trump?
Vài tuần trước khi trở lại Nhà Trắng, Donald Trump đã bổ nhiệm Elon Musk
vào Bộ Hiệu Quả Chính Phủ, phụ trách cải cách bộ máy chính phủ và cùng lãnh đạo
cơ quan này với Vivek Ramaswamy, một doanh nhân gốc Ấn Độ.
Trong lĩnh vực môi trường, Elon Musk từng được ca ngợi là một siêu anh
hùng « Iron Man » vì một mình giải quyết cuộc khủng
hoảng khí hậu thông qua xe điện Tesla, góp phần vào một tương lai của năng
lượng xanh và thúc đẩy các loại thuế để giảm năng lượng về hóa thạch, theo nhận
định của The Guardian.
Trong bối cảnh Hội nghị Khí hậu của Liên Hiệp Quốc COP-29 diễn ra ở
Azerbaijan, phủ bóng Donald Trump, sự ủng hộ của vị tỷ phú Mỹ, chủ của SpaceX
và Tesla, liệu có tác động đến chính sách môi trường của Hoa Kỳ trong những
năm sắp tới hay không, khi gia nhập nội các của Trump ? Trước đây, Donald
Trump từng chỉ trích xe điện, nhưng với sự ủng hộ từ Elon Musk, tổng thống Hoa
Kỳ đã thay đổi quan điểm, và coi đó là thành tựu lớn.
Trên thực tế, niềm tin vào nhà tỷ phú Musk về vấn đề khí hậu đã bị lu mờ bởi
sự ủng hộ « không giới hạn » của ông đối với các
chính trị gia cánh hữu, đặc biệt là Donald Trump.
Hơn nữa, các hình ảnh « xanh » mà Elon Musk tạo
dựng từ nhiều năm qua chứa đựng nhiều mâu thuẫn. Hãng xe điện Tesla được
« ca tụng » là giải pháp thay thế năng lượng hóa thạch nhưng quá
trình sản xuất vẫn tiêu thụ năng lượng hóa thạch và kim loại gây ô nhiễm.
Đứng đầu doanh nghiệp về hàng không vũ trụ SpaceX, Elon Musk công khai bày
tỏ tự hào trên mạng X về các vụ phóng tên lửa tái sử dụng, trong khi các chuyến « du
hành » vào vũ trụ có lượng khí thải carbon cao, gấp 200-300 lần
so với các chuyến bay đường dài thông thường.
Elon Musk cũng gây sự chú ý với giải thưởng Xprize trị giá 100 triệu đô la,
phát triển công nghệ loại bỏ carbon khỏi không khí nhưng dự án Starlink của
SpaceX, cung cấp dịch vụ Internet qua vệ tinh, cũng gây lo ngại về ô nhiễm, khi
các vệ tinh rơi xuống trái đất, và phát ra khí thải có hại cho bầu khí quyển.
Lối sống của Musk, đặc biệt là việc sử dụng máy bay riêng, thải ra lượng
carbon lớn, đưa ông vào nhóm người « siêu phát thải » Mạng
xã hội X mà Elon Musk mua lại hồi 2022, thường xuyên bị chỉ trích vì cho phép
loan truyền thông tin sai lệch về biến đổi khí hậu.
Dù ủng hộ năng lượng tái tạo, nhưng Musk lại không coi biến đổi khí hậu là
vấn đề khẩn cấp mà cho rằng còn « 50 hoặc 100 năm » để hành động,
trong khi báo cáo của GIEC cảnh báo rằng nếu không có hành động mạnh mẽ, tác động
của biến đổi khí hậu sẽ trở nên nghiêm trọng vào năm 2050. Tỷ phú giàu nhất
hành tinh cũng cho rằng việc bảo vệ môi trường « không nên gây ra
thay đổi quá lớn cho xã hội ».
Liên Hiệp Quốc lo ngại trước sự trở lại của Donald Trump
Ngoài vấn đề môi trường, sự trở lại của Donald Trump cũng khiến nhiều định
chế quốc tế quan ngại, với lập trường bảo thủ « America First », đặc biệt
là Liên Hiệp Quốc. Cho đến nay, Hoa Kỳ đóng góp nhiều nhất cho Liên Hiệp Quốc
nhưng lại bị Donald Turmp coi là không phục vụ lợi ích của Mỹ.
Từ Genève, thông tín viên Jérémie Lanche cho biết thêm thông tin :
« Một trong những điểm đáng chú ý trong nhiệm kỳ đầu tiên của Donald Trump
là việc áp dụng chính sách « để ghế trống », rút Mỹ ra khỏi nhiều định chế thế
giới, Hội đồng Nhân Quyền, và Tổ chức Kinh tế Thế giới. Jussi Hanhimaki, giảng
viên chính trị quốc tế, chuyên gia về Hoa Kỳ tại Graduate Institut de Genève
cho rằng với nhiệm kỳ thứ hai sắp tới, Trump sẽ vẫn giữ lập trường tương tự.
Ông nói : « Chúng ta sẽ chứng kiến cảnh nước Mỹ rút khỏi, hoặc giữ khoảng
cách với nhiều đinh chế, đặc biệt là Tổ chức Kinh tế Thế giới. Mọi người đã biết
đến câu nói của Donald Trump : ‘Hàng rào thuế quan là cụm từ đẹp nhất trong từ
điển » Do vậy, đúng là không còn nghi ngờ gì nữa, Hoa Kỳ sẽ vắng bóng hơn, tại
Liên Hiệp Quốc.
Việc bổ nhiệm Elise Stefanik vào vị trí tân đại sứ của Hoa Kỳ tại Liên Hiệp
Quốc cũng phần nào đi theo hướng này. Bà Stefanik đấu tranh cho việc đánh giá lại
toàn bộ nguồn tài trợ của Hoa Kỳ cho Liên Hiệp Quốc. Chuyên gia về Hoa Kỳ nói
thêm : « Châu Âu phải nhận thức được là không phải chỉ vì mỗi Donald Trump
mà điều này trở thành một khuynh hướng trong chính trị Hoa Kỳ. Dù là NATO hay
Liên Hiệp Quốc, Hoa Kỳ cho rằng họ không cần phải chi trả cho tất cả các nước
».
Đây là vấn đề lớn đối với Liên Hiệp Quốc, Washington là nước đóng góp lớn
nhất vào ngân sách của định chế này, hơn cả Trung Quốc. Bắc Kinh đã được hưởng
lợi nhiều từ nhiệm kỳ của Donald Trump, để gia tăng sức ảnh hưởng và hiện diện
tại Liên Hiệp Quốc. »
Trung Quốc : Tranh cãi sau vụ « xe điên » tông chết 35 người
Nhìn sang châu Á, trong tuần vừa qua, một vụ xe « điên », lao vào đám đông
tại một trung tâm thể thao ở Châu Hải, khiến 35 người bỏ mạng đã gây náo động
công luận tại Trung Quốc. Trên mạng xã hội, nhiều người đề cập đến hiện tượng «
trả thù xã hội », khi người ta có hành động bạo lực, tấn công người lạ
vì những bức xúc cá nhân.
Từ Bắc Kinh, thông tín viên Cléa Broadhurst cho biết thêm thông tin :
« Cuộc tấn công xe điên ở Châu Hải đã châm ngòi một cuộc tranh luận dữ
dội trên mạng xã hội ở Trung Quốc khi nói về ‘cuộc trả thù xã hội’. Khái niệm
này ám chỉ các hành động bạo lực của những người cảm thấy bị bỏ rơi, bị cho ra
rìa xã hội, tấn công bừa vào những người lạ.
Trên mạng xã hội Weibo, một bình luận đã được loan tải rộng rãi : « Làm sao
có thể trả thù xã hội bằng cách giết nhiều người vô tội nhất có thể, bởi vì cuộc
sống gia đình của người đó không tốt ?
Trả lời cho câu hỏi này, nhiều người dùng mạng đã đề cập đến áp lực cuộc sống
thường nhật, cũng như là tầm quan trọng để giải quyết những vấn đề về sức khỏe
tinh thần. Họ kêu gọi đưa ra luật mới để ngăn chặn xảy ra tình trạng bạo lực
như vậy.
Một vấn đề gây bức xúc khác là cơ quan thực thi pháp luật được cho là làm
việc kém hiệu quả trong việc giải quyết các vấn đề gia đình, như ly hôn. Chính
điều này đã kích động hình thức trả thù bằng bạo lực, do quá khó để đạt được kết
quả như mong muốn.
Trong vụ tấn công Châu Hải, thủ phạm được cho là đã tấn công sau một cuộc
ly hôn khó khăn. Thảm kịch này phản ứng một xu hướng : khi người ta không tìm
thấy giải pháp cho các cuộc xung đột các nhân, hay xung đột xã hội, một số tìm
đến bạo lực để bày tỏ sự thất vọng của mình.
Tại Trung Quốc, một số thảm kịch bạo lực đã xảy ra năm nay, đặc biệt là nhiều
vụ tấn công bằng dao, khiến hàng chục người chết.
« Người mẫu gầy » trở lại giới thời trang
Trong lĩnh vực văn hóa, trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình BBC của
Anh gần đây, giám đốc của tạp chí Vogue ở Anh, Chioma Nnadi, bày tỏ quan ngại về
sự trở lại của xu hướng người gầy mảnh mai. Trong khi những năm trở lại đây,
nhiều sự kiện thời trang được đánh dấu bởi các người mẫu với hình thể đa dạng,
béo, gầy, cao thấp, nhằm thúc đẩy sự chấp thuận trong xã hội về sự đa dạng hình
thể, không bị gò bó bởi các khuynh hướng thời trang.
Từ Luân Đôn, thông tín viên Emeline Vin cho biết thêm thông tin :
« Chủ biên tạp chí thời trang Vogue ở Anh, bày tỏ quan ngại về xu hướng
‘người mẫu gầy quay trở lại’. Sau khi dự nhiều tuần lễ thời trang trong thời
gian vừa qua, bà Nnadi cho biết không thấy nhiều người mẫu với các hình thể đa
dạng xuất hiện, đặc biệt là có nhiều người mẫu quá gầy đứng trên các sàn diễn.
Tuy thời trang Anh vẫn gắn liền với hình ảnh gầy mảnh mai của Kate Moss, gầy
gò như cành cây, thiết lập các tiêu chuẩn gầy cực đoan vào những năm
2000, nhưng nhiều năm qua, các thương hiệu đã nỗ lực giới thiệu những người
mẫu với kích thước ngoại hình đa dạng.
Làm sao có thể giải thích bước thụt lùi này trong thời trang ? Theo bà
Chioma Nnadi, một trong những thủ phạm là loại thuốc giảm cân Ozempic, loại thuốc
vốn được sử dụng để điều trị tiểu đường, có tác dụng ức chế sự thèm ăn. Thương
hiệu thời trang Namilia cũng đã gây tranh cãi trong tuần lễ thời trang vào
tháng 7 vừa qua, khi trình làng chiếc áo phông in dòng chữ « I love Ozempic » -
Tôi yêu Ozempic.
Vào năm 2009, tạp chí Vogue Anh đã yêu cầu các nhà mốt gửi mẫu quần áo với
kích cỡ khác, thay vì số 32 (size châu Âu), để có thể tuyển dụng những người mẫu
có thân hình khác nhau. Bà Chioma Nnadi cho rằng tạp chí thời trang của bà, hay
báo chí không thể làm cách mạng đơn độc, thay đổi các chuẩn mực về cái đẹp. »
-----------------------------
Các nội dung liên quan
ĐIỂM BÁO
Mỹ :
Donald Trump có quyền lực vô hạn ?
COP29 - BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU
COP29:
Đàm phán tài trợ chống biến đổi khí hậu có nguy cơ thụt lùi do thay đổi chính
trị thế giới
PHÂN TÍCH
Quyền
lực tuyệt đối trong tay đảng Cộng Hòa, Mỹ có nguy cơ trở thành nền dân chủ «
phi tự do » ?
No comments:
Post a Comment