Tuesday, November 19, 2024

NGÀNH XA XÍ PHẨM MẤT HÀNG TRIỆU KHÁCH HÀNG TRÊN THẾ GIỚI (Tuấn Thảo / RFI)

 



Ngành xa xỉ phẩm mất hàng triệu khách hàng trên thế giới

Tuấn Thảo  -  RFI

Đăng ngày: 18/11/2024 - 13:59  -  Sửa đổi ngày: 18/11/2024 - 15:41

https://www.rfi.fr/vi/x%C3%A3-h%E1%BB%99i/20241118-ng%C3%A0nh-xa-x%E1%BB%89-ph%E1%BA%A9m-m%E1%BA%A5t-h%C3%A0ng-tri%E1%BB%87u-kh%C3%A1ch-h%C3%A0ng-tr%C3%AAn-th%E1%BA%BF-gi%E1%BB%9Bi

 

Tựa đề bài viết đăng trên báo Le Monde hôm 14/11/2024 cho thấy các thương hiệu cao cấp nổi tiếng trên thế giới đang lâm vào khủng hoảng.

 

HÌNH :

Một tủ kích của hiệu Louis Vuitton, tại Luân Đôn, Anh Quốc. Ảnh chụp ngày 25/11/2019. AP - Kirsty Wigglesworth

 

Theo một cuộc khảo sát thị trường gần đây do công ty tư vấn Bain & Company thực hiện với sự hợp tác của Quỹ Altagamma của Ý, ngành xa xỉ phẩm đã mất 50 triệu khách hàng trên thế giới trong hai năm vừa qua. Còn trong năm 2024, doanh thu của ngành này có thể giảm đến 3%.

 

Quỹ Altagamma (tiếng Ý gọi là Fondazione Altagamma) là một tổ chức hiện bao gồm hơn 70 thành viên đại diện cho các hiệu xa xỉ phẩm của Ý trong nhiều ngành sản xuất khác nhau, từ thời trang mỹ phẩm, thiết kế nội thất, trang sức đồng hồ, cho đến công nghiệp ô tô hay dịch vụ khách sạn. Quỹ này do các thương hiệu xa xỉ của Ý như Alessi, Ferragamo, Zegna hay Versace thành lập vào năm 1992 với mục đích phát triển các nghề thủ công trong lãnh vực hàng xa xỉ, đồng thời quảng bá những sản phẩm cao cấp tiêu biểu cho « phong cách Ý ». 

 

Trong chiều hướng này, Quỹ Altagamma có chức năng tương tự như Ủy ban Colbert của Pháp, được các thành viên ủy quyền thực hiện những cuộc nghiên cứu thị trường quốc tế, nhằm bảo vệ uy tín của các thương hiệu cao cấp, đồng thời đề ra một chiến lược chung cho các thành viên trong tổ chức. Dù muốn hay không, năm 2024 không mấy thuận lợi cho các hiệu thời trang cao cấp nói chung, Ý cũng như Pháp. 

 

Ngành xa xỉ phẩm phải xem lại chiến lược phân phối 

 

Trong năm 2023, doanh thu của tập đoàn Pháp LVMH, nắm giữ các hiệu Louis Vuitton và Dior đã giảm gần một tỷ euro tức 3%. Đà sụt giảm của các thương hiệu Ý càng mạnh hơn. Từ tiệm thời trang Valentino ở quảng trường Piazza di Spagna tại Roma cho đến cửa hàng Versace trên đường Via Monyte Napoleone ở Milano, khách hàng có sức mua sắm cao không còn đông đảo như trước. Doanh thu tập đoàn Capri Holdings sở hữu các hiệu Jimmy Choo và Michael Kors đã giảm hơn 5% trong năm 2023, riêng thương hiệu Versace cũng là một chi nhánh của Capri Holdings đã mất đến 8,5% doanh thu. 

 

Theo kết quả khảo sát của công ty tư vấn Bain & Company, thị trường xa xỉ phẩm trên toàn cầu trong năm nay sẽ giảm đến 3% doanh thu, mức giảm này tương đương với 5 tỷ rưỡi euro trong năm 2024. Ngành xa xỉ phẩm tưởng chừng là một đế chế « vững chắc », nào ngờ đâu lại bắt đầu bị lung lay. Theo Bain & Company, các thành viên của Quỹ Altagamma tại Ý, cũng như các thành viên Ủy ban Colbert như Vuitton, Dior hay Guerlain sẽ buộc phải xem lại chiến lược kinh doanh. Ngay cả các tập đoàn hùng mạnh nhất như LVMH, Kering, Chanel, Capri hay Burberry đều phải thích nghi với tình huống mới khi phải điều chỉnh lại hệ thống phân phối. 

 

Ban đầu, công ty tư vấn Bain & Company dự phóng một kịch bản hoàn toàn khác, với tỷ lệ tăng trưởng (mà giới chuyên gia cho là quá lạc quan) có thể đạt 4%. Tuy nhiên, sự suy thoái của thị trường Trung Quốc, nhất là trong lãnh vực tiêu thụ hàng xa xỉ kể từ quý 2, đã buộc công ty tư vấn này rà soát lại dự báo của mình. Theo chuyên gia kinh tế Claudia d'Arpizio, đây là lần đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, thị trường xa xỉ phẩm bị chậm hẳn lại. Đà sút giảm sẽ tác động mạnh đến các sản phẩm như hàng da, phụ kiện thời trang, quần áo may sẵn, trang sức đồng hồ .... tức khoảng 1/4 doanh thu của ngành xa xỉ phẩm. 

 

Các hiệu xa xỉ đều bị vấp ngã, ngoại trừ Hermès và Prada 

 

Ngay cả các tập đoàn hùng mạnh nhất như LVMH hay L'Oréal cũng bị thiệt hại do thị trường xa xỉ phẩm ở Trung Quốc đang suy thoái.Trong chín tháng đầu năm 2024, doanh thu của tập đoàn LVMH, công ty hàng đầu thế giới về hàng xa xỉ, đã giảm chậm mà đều đặn. Doanh thu của các hiệu chuyên sản xuất đồ da, nhất là Louis Vuitton, Dior và Celine đã giảm 3% trong giai đoạn này. Tập đoàn Kering bao gồm các hiệu Gucci, Saint Laurent hay Balenciaga càng bị thiệt hại nặng nề hơn. Đây là nãm thứ nhì, tập đoàn Kering của Pháp bị thất thu. 

Riêng hai hiệu thời trang Saint Laurent và Bottega Veneta đã mất 12% doanh thu trong 9 tháng đầu năm 2024, so với cùng kỳ năm ngoái. Trong số các tên tuổi lớn, dường như chỉ có hai hiệu Hermès và Prada mới ít gặp khó khăn về mặt kinh tế. Nhiều khách hàng của hai công ty này thuộc vào thành phần « siêu giàu », có lẽ cũng vì thế mà doanh thu của Prada vẫn tăng so với các đối thủ cạnh tranh. Riêng Hermès lại tăng thêm 13,8% doanh thu. 

Theo công ty tư vấn Bane & Company, tại Milano, chiếc nôi của hàng xa xỉ Ý, các nhà sản xuất hàng cao cấp đã phạm một số sai lầm chiến lược. Để đối phó với mức suy giảm nhu cầu tiêu thụ ở Trung Quốc, một số hiệu cao cấp lại nhất thời tăng giá sản phẩm, hòng bù đắp cho đà sụt giảm của doanh thu. Trong năm 2024, Hermès đã tăng giá khoảng 9%. Chiến lược này giúp cho Hermès bội thu nhờ thành phần siêu giàu, nhưng đã không mang lại kết quả nào cho những thương hiệu cao cấp khác như Gucci của Ý hay Burberry, thương hiệu nổi tiếng của Anh. 

 

Khi không có nhiều khách hàng siêu giàu, thì biện pháp tăng giá dù chỉ là nhất thời cũng khiến cho các công ty bị mất nhiều khách giàu hạng trung. Dựa vào đà sụt giảm về mặt doanh thu mua sắm, ngành xa xỉ phẩm đã mất khoảng 50 triệu khách kể từ năm 2022. Mức giá ngày càng cao của các hiệu đồ da : hơn 3.500 euro cho một chiếc túi Dior đến 5.000 euro cho một túi da Hermès, khiến thành phần khách hàng từ 20 đến 35 tuổi (thường được gọi là thế hệ Z) bị thất vọng. Tại Trung Quốc, thành phần này thích mua sắm hàng hiệu. Nhưng giờ đây, khi tỷ lệ lạm phát vẫn còn cao, giá hàng xa xỉ không ngừng tăng lên, giới trẻ ở Hoa Lục chi tiêu dè sẻn, chuyển sang mua những mặt hàng khác rẻ hơn. Theo khảo sát của Bain & Company, 40% khách hàng thường hay mua hàng cao cấp cho rằng mức giá xa xỉ phẩm giờ đây được tính quá cao. Có lẽ đã đến lúc các hiệu cao cấp phải xem lại khung giá tương xứng với chất lượng mặt hàng. 

 

Trong số các biện pháp có thể giúp bù đắp thất thu (thay vì đơn thuần tăng giá sản phẩm) có việc chinh phục các lãnh thổ mới như Brazil và các nước châu Mỹ La Tinh, thị trường Ấn Độ hay các quốc gia Đông Nam Á, nơi đang có sự trỗi dậy của một tầng lớp trung lưu có sức mua khá cao. Theo dự phóng, tầng lớp người tiêu dùng có khả năng mua sắm hàng cao cấp sẽ tăng thêm khoảng 50 triệu người trong tương lai. Thị trường xa xỉ phẩm có nhiều triển vọng khả quan hơn trong năm tới, một khi bối cảnh kinh tế toàn cầu trở nên thuận lợi. Nhưng trước mắt, ngành xa xỉ phẩm còn đang bị cảm lạnh, mỗi lần thị trường Trung Quốc lại hắt hơi. 

 

-----------------------------

Các nội dung liên quan

Các hiệu xa xỉ phẩm Pháp với « giá mềm » trên đà chinh phục New York

 

 

 

 





No comments: