Điện hạt
nhân: Canada có thể trở thành 'siêu cường' tiếp theo
Nadine Yousif
BBC News
16 tháng 11 năm 2024
https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c4gprr0j7x5o
Uranium đang được chú ý trở lại trong bối cảnh năng lượng hạt nhân được chú
trọng như một giải pháp cho cuộc khủng hoảng khí hậu. Canada - đất nước có các
mỏ khoáng chất chất lượng cao dồi dào - có thể trở thành một "siêu cường"
hạt nhân. Nhưng liệu tiềm năng của Canada có thể được hiện thực hóa?
Vào thời điểm nhận thấy một sự thay đổi đáng kinh ngạc, Leigh Curyer đã làm
việc trong ngành khai thác uranium gần hai thập kỷ.
Năm 2011, thảm họa nhà máy điện hạt nhân Fukushima ở Nhật Bản đã làm tổn hại
nghiêm trọng đến quan điểm của thế giới về năng lượng hạt nhân, và giá kim loại
nặng - một thành phần quan trọng cho nhiên liệu hạt nhân - đã giảm mạnh.
Nhưng năm năm qua đã chứng kiến sự đảo chiều khi giá uranium toàn cầu
tăng hơn 200%, trở thành một trong các loại hàng hóa có lợi nhuận hàng đầu năm
2024.
Ông Curyer, một doanh nhân sinh ra ở Úc, cho rằng điều này là do thái độ
thay đổi ngay sau khi nhà sáng lập Microsoft Bill Gates ca ngợi năng lượng hạt
nhân là "lựa chọn lý tưởng để đối phó với biến đổi khí hậu" vào năm
2018.
Bốn năm sau, Thủ tướng Anh khi ấy là Boris Johnson đã thúc đẩy một chính
sách nhằm tạo ra ít nhất 25% năng lượng của đất nước từ hạt nhân.
Ngay sau đó, Liên minh châu Âu đã bỏ phiếu tuyên bố rằng năng lượng hạt
nhân thân thiện với khí hậu.
Những sự kiện này là "chất xúc tác" cho ngành công nghiệp uranium
và là một bước ngoặt đối với công ty NexGen của ông Curyer, công ty đứng sau mỏ
uranium đang phát triển lớn nhất ở Canada.
Điện thoại của ông bắt đầu đổ chuông do các cuộc gọi từ các nhà đầu tư trên
toàn thế giới - điều "chưa từng xảy ra trong 17 năm trước đó trong
ngành", ông nói.
NexGen, với dự án đặt tại Lưu vực Athabasca giàu uranium và hẻo lánh ở phía
bắc tỉnh Saskatchewan, Canada, hiện có trị giá gần 4 tỷ USD, mặc dù thực tế là
mỏ sẽ không hoạt động thương mại cho đến ít nhất năm 2028.
Nếu được cơ quan quản lý phê duyệt đầy đủ, riêng dự án của NexGen có thể
đưa Canada trở thành nhà sản xuất uranium lớn nhất thế giới trong thập kỷ tới,
vượt qua Kazakhstan - quốc gia đang đứng đầu hiện nay.
Các công ty khác cũng đã đổ xô đến Saskatchewan để tận dụng sự bùng nổ này,
bắt đầu các dự án thăm dò của riêng họ trong khu vực, trong khi các nhà khai
thác hiện tại mở lại các mỏ vốn đã ngừng hoạt động.
Với nguồn tài nguyên phong phú, các công ty khai thác mỏ của Canada cho rằng
nước này sẽ đóng một vai trò lớn trong tương lai của năng lượng hạt nhân, đáp ứng
nhu cầu về uranium dự kiến sẽ tăng lên sau khi hơn 20 quốc gia cam
kết tại hội nghị khí hậu COP28 sẽ tăng gấp ba sản lượng năng lượng hạt nhân của
họ vào năm 2050.
Năng lượng hạt nhân thường được ca ngợi vì lượng khí thải carbon thấp so với
các nguồn khác như khí đốt tự nhiên
hoặc than đá.
Hiệp hội Hạt nhân Thế giới ước tính rằng 10% điện năng được sản xuất
trên toàn cầu đến từ các nguồn hạt nhân, trong khi hơn 50% vẫn được sản xuất từ
khí đốt hoặc than đá.
Tại COP29 năm nay, trọng tâm là tăng cường vốn cho các dự án hạt nhân sau
khi báo cáo gần đây của Liên Hợp Quốc cho thấy các chính sách và khoản đầu tư
hiện tại chưa đủ để làm chậm sự nóng lên toàn cầu.
Vai trò của Canada trong việc cung cấp mặt hàng này trở nên cấp thiết hơn
do cuộc chiến ở Ukraine, đặc biệt đối với Mỹ - vốn phụ thuộc rất nhiều vào
uranium làm giàu do Nga cung cấp để khởi động các lò phản ứng hạt nhân thương mại
của mình.
Ông Curyer tin rằng mỏ của ông có thể đóng vai trò "tối quan trọng"
đối với tương lai năng lượng hạt nhân của Mỹ, vì Mỹ hiện đang tìm kiếm các giải
pháp thay thế cho Nga, bao gồm cả việc tăng cường thăm dò trên chính lãnh thổ của
mình.
Uranium có thể được tìm thấy trên khắp thế giới, đặc biệt nhiều ở Canada,
Úc và Kazakhstan.
Nhưng điều làm cho vùng Athabasca của Canada trở nên độc đáo là uranium của
nó có hàm lượng đặc biệt cao, theo Markus Piro, giáo sư kỹ thuật hạt nhân tại Đại
học McMaster (Canada).
Giáo sư Piro nói rằng Canada đã đặt ra các quy tắc nghiêm ngặt đối với việc
bán uranium cho các quốc gia khác và yêu cầu nó chỉ được sử dụng để sản xuất
năng lượng hạt nhân.
Nước này cũng được gọi là "quốc gia hạt nhân cấp cao nhất", theo
lời giáo sư, nhờ khả năng sản xuất nhiên liệu hạt nhân bao trùm từ khâu khai
thác đến khâu chế biến, sản xuất.
Sau khi được khai thác, uranium được nghiền thành bột để tạo ra thứ gọi là
bánh vàng nung. Sau đó, nếu cần, nó có thể được làm giàu tại các cơ sở ở nước
ngoài để tạo ra nhiên liệu cho các lò phản ứng hạt nhân.
“Chúng tôi có một cửa hàng một điểm đến (cung cấp tất cả dịch vụ chỉ tại một
địa điểm) ngay ở Canada, không phải quốc gia nào cũng được như vậy,” Giáo sư
Piro nhận định.
No comments:
Post a Comment