Tuesday, November 19, 2024

HOA KỲ CHO PHÉP UKRAINA DÙNG PHI ĐẠN TẦM XA TẤN CÔNG VÀO LÃNH THỔ NGA (Thanh Hà / RFI)

 



Mỹ cho phép Ukraina dùng tên lửa tầm xa tấn công vào lãnh thổ Nga

Thanh Hà  -  RFI

Đăng ngày: 18/11/2024 - 11:37  -  Sửa đổi ngày: 18/11/2024 - 14:37

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20241118-m%E1%BB%B9-ph%C3%A9p-ukraina-d%C3%B9ng-t%C3%AAn-l%E1%BB%ADa-t%E1%BA%A7m-xa-t%E1%BA%A5n-c%C3%B4ng-v%C3%A0o-l%C3%A3nh-th%E1%BB%95-nga

 

Báo chí Mỹ ngày 17/01/2024 tiết lộ: tổng thống Joe Biden, vài tuần trước khi mãn nhiệm, đã thỏa mãn yêu cầu của Ukraina, dùng tên lửa chiến thuật ACTACMS với tầm bắn 300 km để tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ Nga. 

 

HÌNH :

Nhân viên cứu hỏa đang dập tắt đám cháy sau một cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga nhằm vào một tòa nhà chung cư nhiều tầng ở Sumy, Ukraina, ngày 17/11/2024. AP

 

Hãng tin Pháp AFP nhắc lại vì muốn tránh để bị lôi vào cuộc đối đầu trực tiếp với Matxcơva, đến nay Washington từ chối cho phép Ukraina dùng tên lửa tầm xa của Mỹ để đánh sâu vào lãnh thổ của Nga. 

 

Hãng tin Mỹ AP trích dẫn nhiều nguồn thạo tin cho rằng quyết định này là hệ quả của việc Bắc Triều Tiên đưa hàng ngàn quân sang tiếp tay với quân đội Nga và nhất tình hình chiến sự tại Ukraina đang xấu đi nghiêm trọng trong những ngày qua. Rời thượng đỉnh diễn đàn APEC ở Peru sang Brazil chuẩn bị dự thượng đỉnh G20 tổng thống Mỹ Biden chưa chính thức lên tiếng về tin trên.

 

Thông tín viên đài RFI Guillaume Naudin cho biết thêm thông tin.

 

« 300 km là tầm bắn của các tên lửa Mỹ ATACMS. Đến nay Hoa Kỳ chỉ cung cấp một cách nhỏ giọt cho Ukraina và Kiev không được phép dùng để nhắm vào các mục tiêu nằm sâu trên lãnh thổ của Nga. Trước hết Nga cảnh báo sẽ coi đây là một bước leo thang quan trọng. Hơn nữa  giới quân sự của Mỹ cho biết là không có nhiều loại tên lửa này. Thế nhưng rồi tình hình chiến trường đã thay đổi. Nga vừa tiến hành một loạt các đợt không kích có phối hợp.

 

Tiếp theo là tại vùng Kursk, mà Ukraina đã chiếm đóng từ mùa hè vừa qua, Nga đã tiến hành một chiến dịch quân sự quy mô lớn để giành lại vùng lãnh thổ bị chiếm đóng. Để đạt được mục tiêu này, Nga đã được 10.000 lính Bắc Triều Tiên tiếp tay. Kursk là nơi đầu tiên tên lửa tầm xa ACTAMS của Mỹ sẽ được sử dụng với mục đích bắt buộc phía Nga phải tái triển khai lực lượng.

 

Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky không tiết lộ bất cứ bình luận gì về quyết định của Mỹ và chỉ nói rằng tên lửa sẽ « nói lên nhiều điều hơn là những tuyên bố ». Bản thân tổng thống Biden cũng không bình luận về quyết định này. Hai tháng trước khi kết thúc nhiệm kỳ, đây là một thông điệp rõ ràng thể hiện sự ủng hộ Ukraina. Trong khi đó viện trợ quân sự cho Ukraina đang bị phe của ông Donald Trump chống đối và tổng thống tân cử thì cam kết nhanh chóng chấm dứt chiến tranh ». 

 

 

Tên lửa Mỹ : Nga tố cáo Biden « châm dầu vào lửa »

 

Hôm nay, 18/11/2024, Matxcơva đã có phản ứng. Theo AFP, phát ngôn viên điện Kremlin, Dmitri Peskov cho rằng sự quyết định của chủ nhân Nhà Trắng, về bản chất là « châm dầu vào lửa ». Điều này có nguy cơ « dẫn đến một diện mạo mới về mặt cơ bản liên quan đến sự can dự của Mỹ trong xung đột ».

 

Về phía Trung Quốc, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Lin Jian, trong buổi họp báo hôm nay, nhận định, « một lệnh ngưng bắn nhanh chóng và một giải pháp chính trị là trong lợi ích của các bên », đồng thời kêu gọi « điều khẩn cấp nhất hiện nay là tìm cách hạ nhiệt tình hình càng nhanh càng tốt ».

 

Đại diện bộ Ngoại Giao Trung Quốc nói thêm rằng, « Trung Quốc luôn kêu gọi và ủng hộ tất cả các nỗ lực đi đến một giải pháp hòa bình cho khủng hoảng », và Bắc Kinh « sẵn sàng tiếp tục duy trì vai trò xây dựng theo cách của mình » trong chiều hướng này.

 

 





No comments: