Hãy
để người dân được thực sự tham gia vào giám sát, quản lý bộ máy nhà nước…
11/11/2024
Mấy
hôm nay báo chí đồng loạt đăng tải lời phát biểu của ông TBT Tô Lâm về tình trạng
70% ngân sách đang phải dùng để chi cho một bộ máy nhà nước công kềnh, kém hiệu
quả và đòi hỏi cấp bách phải tinh gọn. “Nuôi nhau hết rồi còn đâu mà tiền. Còn
có 30%. Tiền đâu để quốc phòng an ninh, tền đâu để xóa đói giảm nghèo, an sinh
xã hội?”.
Tôi
nghĩ, cách nhanh nhất, dễ nhất, đơn giản nhất và hiệu quả nhất để tinh gọn bộ
máy và tiết kiệm ngân sách mà chi cho quốc phòng, xóa đói giảm nghèo, an sinh
xã hội..., là hãy để người dân được thực sự tham gia vào giám sát, quản lý bộ
máy nhà nước, quản lý và xây dựng xã hội nói chung. “Thực sự” tức là không phải
chỉ dừng lại trên giấy và khẩu hiệu. Tức là người dân phải có tiếng nói, phải
được quyền lên tiếng thông tin, đưa tin, phản ánh về mọi vấn đề mà họ nhìn thấy,
nghe thấy, gặp thấy. Phải có luật và cơ chế để bảo vệ và tạo mọi điều kiện cho
người dân thực hiện quyền của mình, lúc ấy, chính họ sẽ làm thay rất nhiều công
việc của các bộ phận, cơ quan, ban ngành, đoàn thể; hay nói cách khác là không
cần đến những ban bệ ấy nữa.
Trên
thế giới, không có một bộ máy nhà nước nào, dù hiện đại, khoa học và tiến bộ đến
đâu mà có thể quản lý, giám sát, tự làm trong sạch bản thân và giải quyết được
tất cả các vấn đề của xã hội, nếu thiếu đi tiếng nói của người dân.
Để
người dân trực tiếp tham gia vào quá trình này là một cách rất khôn ngoan. Nhà
nước chỉ cần một lực lượng để lắng nghe, thu thập, tiếp nhận; và một lực lượng
xác minh, giải quyết, xử lý các thông tin do người dân công khai. Nhàn ra rất
nhiều, khỏe ra rất nhiều, lại luôn được dân ủng hộ và đồng lòng, đồng hành. Lúc
ấy, mọi việc sẽ đâu vào đó, bộ máy được tinh gọn, người dân được “phát huy” quyền
làm chủ, ý nghĩa của chữ dân chủ sẽ đi vào thực tế.
Rất
nhiều việc người dân có thể làm thay và có thể làm tốt hơn nhà nước, như từ thiện,
bảo vệ môi trường, tổ chức giáo dục, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa bản
địa... Chỉ cần cho họ một cơ chế với bộ khung pháp lý tốt, xã hội sẽ lập tức
tràn trề sinh lực, mỗi người dân sẽ làm việc như một công chức không lương,
nhưng hào hứng, vui vẻ và đầy tinh thần phụng sự. Do thuộc tính nội tại của
mình, những bộ máy quan liêu không thể phát huy được hiệu quả công việc. Tiền cứ
chi, nhưng không “ra việc”, thậm chí còn làm hỏng việc. Dùng “sức dân” thì khỏe
hơn nhiều, lợi hơn nhiều.
Người
dân Việt Nam rất hiền lành, giàu lòng tin, nhiều thiện chí và luôn tích cực
đóng góp. Chỉ cần một tín hiệu nhỏ nào đó được phát ra về việc sẽ thay đổi để
hướng đến sự tốt đẹp, như những phát biểu của ông TBT thời gian qua đã làm
không ít người, ngay cả những người khó tính, trở nên hi vọng và có phần hào hứng
không giấu nổi. Ngừng chụp mũ những người dân phản ánh và nhiệt tình góp ý là
xuyên tạc, là chống phá, đừng để lợi ích nhóm và quyền lực cá nhân bóp nghẹt tiếng
nói của họ, không gây sợ hãi, không gây bất an, tạo cho người dân một tâm thế
luôn sẵn sàng lên tiếng mà không lo lắng gì về việc bị trù dập, đàn áp, đó là
cách; lúc ấy, nhà nước sẽ có một lực lượng gần trăm triệu giám sát viên, điều
tra viên làm việc không công và làm việc một cách vui vẻ, đầy hứng khởi.
Tôi
không nghĩ là lại có người Việt Nam nào sẽ “lợi dụng dân chủ” để “chống phá” cả.
Vì thực ra cái họ mong cầu chỉ là một cuộc sống lành mạnh, công bằng, tốt đẹp.
Được làm chủ rồi (tức là được giám sát và quản lý) thì ai mà rỗi hơi đi “chống
phá” làm gì. Không những thế, nhà nước sẽ có một lực lượng đồng minh đông đảo
chưa từng thấy, luôn sát cánh, đồng hành và tận tụy mà không đòi hỏi bất cứ đồng
thù lao nào.
Người
dân có quyền tự do ngôn luận, tự do thông tin, như hiến pháp đã quy định. Có những
trường hợp, người dân có thể không có đầy đủ thông tin/ thông tin phiến diện, họ
có thể đánh giá chưa sát tình hình, họ có thể nhận định chưa chuẩn về vấn đề
nào đó, nhưng dù thế, việc họ đưa tin và có tiếng nói sẽ chỉ luôn có lợi cho
nhà nước trong quản lý và điều hành xã hội, tuyệt nhiên không có điều gì hại cả.
Còn những người cố tình bịa đặt thông tin để nhằm mục đích xấu thì đã có luật
pháp, cứ mang luật ra mà xử.
Tôi
gọi sự tham gia tích cực và miễn phí này của người dân là “một nền hành chính
không công”, người dân sẽ làm thay đội ngũ công chức một phần rất lớn công việc
mà hiện các bộ phận này đang làm không hiệu quả nhưng vẫn phải trả công. Có sự
tham gia của gần 100 triệu “công chức không công” rồi, thì bộ máy sẽ dễ dàng
tinh giản, vì không cần đến nữa, tiền chi cho quốc phòng, cho xóa đói giảm
nghèo, cho an sinh...sẽ có và có nhiều.
Việc
đơn giản nhưng có ý nghĩa to lớn này có thể làm ngay, và sẽ thấy hiệu quả lập tức
mà không cần chờ đợi, không cần lý luận rườm rà.
Thái
Hạo
No comments:
Post a Comment