Elon
Musk gặp đại sứ Iran bên cạnh Liên Hiệp Quốc, tìm cách hạ nhiệt căng thẳng
Minh Anh
- RFI
Đăng ngày: 15/11/2024 - 12:26
Truyền thông Mỹ hôm qua, 14/11/2024, loan tin, Elon Musk, đồng minh của tổng
thống đắc cử Donald Trump, đã gặp đại sứ Iran bên cạnh Liên Hiệp Quốc nhằm
« hạ nhiệt căng thẳng » giữa Teheran và Washington.
HÌNH :
Elon Musk, chủ nhân của SpaceX, Tesla và mạng X tại Hội nghị toàn cầu
Milken 2024, Beverly Hills, California, Hoa Kỳ, ngày 06/05/2024. REUTERS -
David Swanson
Theo AFP, nhật báo Mỹ New York Times dẫn hai nguồn tin Iran xin ẩn danh,
cho biết cuộc gặp giữa nhà tỷ phú Mỹ và đại sứ Amir Saeid Iravani, kéo dài hơn
một giờ tại một địa điểm bí mật ở New York, được đánh giá là « tích cực »
và là « một tin tốt ».
Hiện cả phái bộ ngoại giao Iran tại Liên Hiệp Quốc và nhóm cố vấn của ông
Donald Trump đều không đưa ra bình luận và cũng không xác nhận cuộc gặp. Nhưng
nếu thông tin này được khẳng định, đây có thể là một tín hiệu tổng thống tân cử
đã quyết định chọn một cách tiếp cận ngoại giao với Teheran.
Hãng tin Pháp nhắc lại, trong nhiệm kỳ đầu tiên, Donald Trump đã đưa ra
chính sách gây « áp lực tối đa » đối với Iran, tái lập
các biện pháp trừng phạt nặng nề chống Teheran, vốn dĩ đã được dỡ bỏ trong
khuôn khổ thỏa thuận hạt nhân lịch sử được đúc kết năm 2015.
Thông tin này được đưa ra vào lúc Iran tuần rồi đã gởi đến Donald Trump tín
hiệu mở khi kêu gọi ông có một chính sách mới với đất nước.
Cũng trong ngày hôm qua, tại Teheran, tổng thống Iran Massoud Pezeshkian,
trong cuộc hội đàm với lãnh đạo Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế - AIEA,
Rafael Grossi, tuyên bố mong muốn dỡ bỏ « các nghi ngờ và những điều mập mờ »
về chương trình hạt nhân của nước này.
Thông tín viên đài RFI, Siavosh Ghazi, từ Teheran, cho biết cụ thể :
« Khi tiếp Rafael Grossi, tổng thống Iran đã khẳng định rằng đất nước
ông sẵn sàng hợp tác với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế để dỡ bỏ mọi nghi
vấn và những hoài nghi về chương trình hạt nhân của Iran. Trước đó, lãnh đạo
ngoại giao Iran đã phát biểu là giờ quả bóng trên sân châu Âu, nghĩa là Pháp, Đức
và Anh nhưng Iran từ chối đàm phán dưới áp lực.
AIEA đòi hỏi một sự hợp tác rộng lớn hơn và kềm hãm bớt chương trình làm
giàu của Iran. Phía Teheran thì yêu cầu dỡ bỏ các trừng phạt của Mỹ và châu Âu
để trở lại với thỏa thuận năm 2015.
Teheran còn đưa ra cảnh báo đối với việc ba nước châu Âu có thể sẽ đưa ra một
nghị quyết mới chống chương trình hạt nhân của Iran. Lãnh đạo chương trình hạt
nhân của Iran tuyên bố là nước này « sẽ có phản ứng ngay lập tức ».
Ông Rafael Grossi còn phải đến thăm hai cơ sở làm giầu uranium chính của
Iran, nhưng không ai biết được chuyến đi này có sẽ cho phép đạt được một thỏa
hiệp nào với các nước phương Tây hay không ? »
----------------------------
Các nội dung liên quan
NGA - TRUNG - IRAN - PHƯƠNG TÂY
Trung
Quốc, Nga và Iran : Những mối liên hệ ngày càng khiến phương Tây lo ngại
No comments:
Post a Comment