Donald Trump và 5 cuộc
chiến định vị lại nước Mỹ và thế giới
Hoàng Anh Tuấn
https://nghiencuuquocte.org/2018/10/14/donald-trump-5-cuoc-chien-dinh-vi-my-the-gioi/
Khi
nói đến tình hình thế giới hiện nay, câu chuyện cuộc chiến thương mại Mỹ –
Trung và xa hơn một chút là nguy cơ đối đầu toàn diện về kinh tế, chính trị,
chiến lược, khoa học kỹ thuật giữa cường quốc số một và số hai trong việc tranh
ngôi bá chủ toàn cầu cùng các tác động của cuộc đối đầu này dường như đang chi
phối mối quan tâm của thế giới.
Cuộc
đối đầu này sẽ kéo dài bao lâu? Sau nhiệm kỳ của Tổng thống Trump hay sẽ kéo
dài tới 45 năm như Chiến tranh lạnh Mỹ – Xô trước đây? Khó ai có thể dự báo
chính xác, nhưng chắc chắn sẽ không kết thúc nhanh chóng.
Tỷ
phú giàu nhất Trung Quốc Jack Ma đã “chuẩn bị tinh thần” cho giới lãnh đạo
chính trị và kinh doanh Trung Quốc rằng Trung Quốc và thế giới cần phải chuẩn bị
cho một cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ có thể kéo dài đến 20 năm, tức sẽ kéo
dài nhiều năm sau khi Trump không còn là Tổng thống Mỹ nữa.
Ở
một góc độ nào đó, việc dư luận quan tâm đến khía cạnh thương mại và đối đầu
chiến lược giữa hai cường quốc này là đúng nhưng chưa đủ vì nó mới chỉ phản ánh
được một phần những chuyển động lớn đang chi phối cục diện thế giới hết sức phức
tạp hiện nay.
Tạm
thời chưa bàn đến chiến lược mới của Trung Quốc nhằm định vị lại vị thế quốc tế
mới của mình và nỗ lực xây dựng một trật tự và hệ thống quan hệ quốc tế mới
trong bài viết này, mà chỉ tập trung vào những chuyển động lớn từ Mỹ bắt đầu từ
dưới thời Tổng thống Donald Trump.
Rất
khó để hiểu chính xác Trump, ông ta muốn gì, sẽ làm gì, làm như thế nào và làm
được đến đâu. Việc lãnh đạo Trung Quốc không hiểu rõ, phán đoán sai, rồi có những
bước đi khiến “cuộc chiến thương mại” lúc đầu tưởng như chỉ bắt đầu từ những
“xích mích” nhỏ, rồi lan ra thành cuộc đối đầu kinh tế, thương mại toàn diện… cần
xem là chuyện “bình thường”.
Ngay
chính trong lòng nước Mỹ, dù thích hay không thích nhưng có một thực tế là
không chỉ các đối thủ, mà ngay các đồng minh chính trị cũng không hiểu Tổng thống
mỸ muốn gì, còn người dân và giới doanh nghiệp thì “thấp thỏm” chờ đợi các dòng
“tweets” hàng ngày của Tổng thống để phán đoán hành động tiếp theo. Chưa kể sự
thể còn bị “rối bung” khi hàng ngàn tờ báo từ cánh tả tới cánh hữu lao vào bình
luận, mổ xẻ, phân tích, rồi bút chiến nhằm dẫn dắt dư luận theo nhiều chiều hướng
khác nhau khiến thông tin trở nên “nhiễu loạn”.
Tất
cả những cái đó rất dễ dẫn dắt người đọc, dư luận đi vào các tiểu tiết, hoặc bỏ
qua và không thể nhìn thấy các chiều hướng chính sách, các chuyển động lớn sẽ
chi phối nước Mỹ và nền chính trị thế giới trong nhiều thập niên tới, được khái
quát thành “5 cuộc đại chiến” của Trump.
Ở
đây chưa bàn đến cái hay, cái dở, cái đúng, cái sai của các cuộc chiến này.
Nhưng đây là thực tế những gì Trump đang làm và dù thích hay không thì nước Mỹ
và thế giới cũng phải sống chung và thích ứng với thực tế này chừng nào mà
Donald Trump vẫn còn là Tổng thống Mỹ.
Tìm
đọc nhiều tư liệu, nhưng tôi cũng kinh ngạc khi phát hiện dường như trong lịch
sử thế giới cận đại gần 500 năm qua, THẾ GIỚI CHƯA TỪNG CHỨNG KIẾN một nhân vật
lãnh đạo nào của một quốc gia hùng mạnh nhất thế giới như Donald Trump lại cùng
lúc phát động 5 “cuộc chiến sống mái” trên 5 mặt trận khác nhau.
Cần
nhớ, trong các bài học lịch sử kinh điển, chỉ cần thắng hay thua trong một cuộc
chiến, chỉ một cuộc chiến thôi, đã đủ để lưu danh muôn thuở hay chôn vùi vĩnh
viễn danh tiếng bất kì một tổng thống nào của nước Mỹ.
Vậy
5 cuộc chiến đó là gì?
1.-
Cuộc chiến thứ nhất: Xác lập “giá trị bảo thủ” và tìm cách đẩy lui các “giá trị
tự do”
Cuộc
chiến này thể hiện qua cuộc đấu quyết liệt giữa hai phe Cộng hòa và Dân chủ qua
việc đề cử Thẩm phán Brett Kavanaugh vào vị trí thẩm phán suốt đời tại Tòa án tối
cao (Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ) gồm 9 người thay cho Thẩm phán Anthony Kennedy.
Thẩm phán Kennedy được Tổng thống (TT) Reagan bổ nhiệm năm 1987 và về hưu năm
2018 sau 31 năm ở cương vị này.
Việc
đề cử vị trí thẩm phán thứ 9 Tòa án tối cao diễn ra ngay trong nhiệm kỳ đầu của
TT Cộng hòa Trump và trùng hợp với thời điểm đảng Cộng hòa đang kiểm soát đa số
(dù mỏng manh) tại Thượng viện, đang giúp TT Trump lựa chọn người cùng quan điểm
qua đó ghi dấu ấn, tạo ảnh hưởng bảo thủ và góp phần định vị bản sắc của nước Mỹ
trong nhiều thập niên sau này. Tất nhiên, cần hiểu rõ đây không phải là những
quan niệm bảo thủ hay tự do mà ta và nhiều nước khác quan niệm, mà chủ yếu liên
quan đến các vấn đề xã hội, tôn giáo, thuế, tự do cá nhân và đạo đức của người
Mỹ.
Vị
trí Thẩm phán Tối cao Pháp viện là vị trí đầy quyền lực trong hệ thống chính trị
tam quyền phân lập tại Mỹ, có quyền giải thích hiến pháp, các đạo luật của Quốc
hội, sắc lệnh của Tổng thống xem có vi hiến hay không, cho ý kiến về các vụ xét
xử gây tranh cãi, dư luận quan tâm thông qua hình thức bỏ phiếu.
Lấy
ví dụ về sắc lệnh cấm người Hồi giáo từ 6 quốc gia Hồi giáo nhập cư vào Mỹ khi
Tổng thống Trump mới lên cầm quyền. Khi đó Tối cao Pháp viện phải ra phán quyết
đây là sắc lệnh không vi hiến thì Sắc lệnh này của Tổng thống mới được thực
thi.
Chỉ
đơn cử một việc như vậy đã giải thích tại sao cả hai phe Dân chủ và Cộng hòa một
bên thì kịch liệt phản đối, còn bên kia thì ủng hộ bằng mọi giá ứng cử viên Thẩm
phán Tối cao Pháp viện thông qua cuộc Điều trần đang diễn ra và tiếp theo là
màn bỏ phiếu hết sức gay cấn ngay trước thềm bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng
11/2018.
Và
cũng cần nhắc lại là các Tổng thống Mỹ như Ronald Reagan, Bill Clinton, George
Bush từng không thành công lần đầu khi các ứng viên cho vị trí Thẩm phán Tối
cao Pháp viện của mình không vượt qua được vòng điều trần hoặc bỏ phiếu tại Quốc
hội.
2.-
Cuộc chiến thứ hai: Chống lại ngay chính đảng đề cử mình để bảo vệ những giá trị
bảo thủ cốt lõi của những người Cộng hòa theo quan điểm của Trump
Đây
là điều tưởng chừng là nghịch lý, nhưng lại là thực tế. Lần ngược lại thời gian
trước cuộc bỏ phiếu Tổng thống Mỹ tháng 11/2016, Trump khi đó bị những lãnh đạo
chủ chốt của Đảng Cộng hòa xem là “đứa con hoang” (pariah), đi ngược dòng chủ
lưu.
Nhưng
trái với hầu hết các dự báo, Trump – một người chưa hề có kinh nghiệm chính trường
– lần lượt đánh bại từng đối thủ một vốn là các nhân vật lãnh đạo gạo cội và
“ngôi sao” trong đảng Cộng hòa như Rand Paul, Mitch Romney, McGovern…
Thông
thường trong chính trị Mỹ “cuộc chiến nội bộ” thường kết thúc khi đã có phân định
thắng thua. Tuy nhiên, với Trump thì ngược lại. Với tỷ lệ ủng hộ lên tới 85%
các cử tri Cộng hòa, Trump gần như không có các đối thủ nặng ký trong đảng Cộng
hòa nên mạnh tay tấn công các “cây đa, cây đề”, các thiết chế mà Trump xem là
“trì trệ” trong đảng Cộng hòa để xây dựng liên minh mới, thúc đẩy các ý tưởng bảo
thủ và cải cách.
Còn
các lãnh đạo Cộng hòa trong khi tiếp tục tận dụng ảnh hưởng của Trump để mở rộng
uy tín của Đảng, thì cũng đấu quyết liệt không kém với Trump trong nội bộ đảng
để chống lại một số cải cách mà họ xem là “nguy hại” cho nước Mỹ, tìm cách duy
trì các thiết chế cũ cũng như dòng tư tưởng chủ lưu. Tuy nhiên, đối với nhiều
nghị sĩ thì việc duy trì trật tự cũ còn là cách để họ tiếp tục duy trì ảnh hưởng
và tiếp tục được hưởng các “đặc quyền, đặc lợi”.
3.-
Cuộc chiến thứ ba: Chống lại các thiết chế đã định hình và sự “trì trệ” của nước
Mỹ
Nếu
chỉ đọc qua về sự “trì trệ” của nước Mỹ, người đọc dễ liên tưởng đây là câu
chuyện hoang tưởng, nhưng đó lại phản ánh một phần sự thật. Nước Mỹ từ lâu vốn
được xem là quốc gia năng động bậc nhất, là nơi tập trung các trường đại học,
các trung tâm nghiên cứu hàng đầu thế giới, là nơi có nhiều nhà khoa học đoạt
giải Nobel nhất thế giới, nơi luôn khuyến khích sự sáng tạo, các ý tưởng lạ.
Tóm lại, nước Mỹ được nhìn nhận là quốc gia luôn thay đổi và biết cách “tự làm
mới” mình liên tục.
Còn
nhớ câu chuyện giữa những năm 1980, cách đây quãng ba chục năm, khi đó Liên Xô
dưới sự lãnh đạo của Mikhail Gorbachev đưa ra ý tưởng “cải tổ” và “công khai
hóa” (“perestroika” and “glasnost”) đã làm thế giới phát sốt, còn nước Mỹ thì bị
lo qua mặt. Khi đó có nhà báo hỏi Tổng thống Ronald Reagan là nước Mỹ có ý định
thực thi “cải tổ” và “công khai hóa” như Gorbachev đang theo đuổi hay không thì
câu trả lời của Reagan, đại ý là: Gorbachev đang làm cái việc mà đáng ra các
nhà lãnh đạo Liên Xô phải làm từ lâu, nhưng họ đã không làm và để vấn đề tích tụ
lại. Mỹ không cần “cải tổ” hay “công khai hóa” vì đây là việc Mỹ làm thường
xuyên.
Kết
quả là “cải tổ” và “công khai hóa” của Gorbachev thiếu một tầm nhìn và cách làm
bài bản đã đưa Liên Xô và hệ thống Xã hội chủ nghĩa Đông Âu đến chỗ sụp đổ, còn
khẩu hiệu “làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” (Make America Great Again) của
Reagan cùng chính sách kinh tế Reaganomics và “làm mới lại nước Mỹ ngay trên đất
Mỹ” đã giúp nước Mỹ hùng mạnh trở lại trên mọi phương diện vào đầu những năm
1990.
Quay
trở lại nước Mỹ trước khi Trump lên cầm quyền. Từ góc độ của một nhà kinh doanh
thành đạt trên đỉnh cao sự nghiệp và góc nhìn mới của một chính trị gia Trump cảm
thấy hết sức “thất vọng” vì nước Mỹ đang trở nên già nua, xơ cứng, có quá nhiều
“trì trệ”, sức ỳ, quá nhiều rào cản. Bên cạnh đó, quá nhiều thế lực hùng mạnh
trong giới chính trị, kinh doanh, truyền thông… sẵn sàng liên kết, ra tay bóp
nghẹt các ý tưởng mới để bảo vệ đặc quyền của mình, mà như từ ngữ ta hay dùng
là lợi ích nhóm.
Lợi
ích nhóm ở nước Mỹ hiện quá hùng mạnh, bám rễ quá sâu nên các nhóm này sẵn sàng
liên kết, tiến hành “chiến tranh tổng lực” chống lại Trump và toàn bộ chính quyền
của ông ta đến cùng. Ngược lại, để thực hiện cam kết tranh cử đưa nước Mỹ “vĩ đại
trở lại”, Trump, với tác phong và cách làm “phi truyền thống”, cũng lao vào ăn
thua đến cùng với nhóm lợi ích.
Đỉnh
điểm là ngày 16/8/2018 vừa qua, cùng lúc 350 tờ báo trên khắp nước Mỹ, trong đó
có những tờ lâu đời và nổi tiếng như Boston Globe, The New
York Times, Washington Post, Philadelphia Inquirer…
đồng loạt đăng xã luận, công kích chính quyền Trump, coi cá nhân và Chính quyền
Trump là mối đe dọa lớn nhất đối với tự do báo chí – vốn từng được coi là một
trụ cột quan trọng trong xã hội Mỹ cùng với tam quyền phân lập.
Đây
là điều chưa từng xảy ra trong lịch sử và xã hội Mỹ từ xưa đến nay. Nói đến đặc
quyền của báo chí Mỹ thì phải kể đến câu chuyện cách đây 36 năm, chỉ với tờ Washington
Post đi tiên phong, cùng các phóng sự của hai nhà báo điều tra gạo cội
là Carl Bernstein và Bob Woodward đã góp phần “hạ bệ” Tổng thống đương nhiệm
Richard Nixon trong vụ Watergate. Với sức mạnh của báo chí tới mức có thể “làm
nên” hay “làm tiêu tùng” (make or break) sự nghiệp của một Tổng thống như vậy
nên các chính trị gia thường chọn cách “dĩ hòa vi quý” thay vì làm “mếch lòng”
báo chí.
Tuy
nhiên, Trump thì khác hẳn, chọn ngay cách đối đầu với báo chí “không cùng phe”
điển hình là CNN, Washington Post, The New York
Times. Trump sử dụng con bài nhất quán ngay từ đầu là coi ba tập đoàn truyền
thông lớn này cùng các bài báo chỉ trích cá nhân và chính quyền của mình là
“báo chí của phe Dân chủ” và chuyên đăng “tin giả” (fake news)! Nói cách khác,
Trump đánh trực tiếp vào tính chính danh và sự khách quan của báo chí “không
cùng phe”.
Nhìn
một cách công bằng, sự ra đời của Internet, và cùng với nó là các mạng xã hội
như Facebook, Twitter, Snapchat, YouTube… trong những năm qua đã làm giảm đáng
kể quyền lực của các “ông lớn” truyền thông trong khi các ông lớn này vẫn ngủ quên
trên đỉnh cao quyền lực thời hoàng kim. Mặt khác, sự phân hóa Xã hội Mỹ về mọi
mặt, từ câu chuyện ranh giới giàu nghèo, thu nhập, đẳng cấp, sự hình thành giới
chính trị gia “xa lông” ngày càng tách rời tầng lớp “thấp cổ bé họng”… dưới tác
động đa chiều của Cách mạng công nghiệp 4.0, toàn cầu hóa đã tác động mạnh, làm
báo chí mất đi sự trung lập vốn có và khiến báo chí cũng phân làn rõ rệt. Trước
đây thì rất khó phát hiện, nhưng nay chỉ cần cầm một tờ báo bất kì, đọc qua vài
bản tin hoặc bật xem TV vài phút là có thể nói tương đối chính xác thiên kiến
chính trị của tờ báo hoặc một hãng truyền thông nào đó.
Do
đó, khá dễ hiểu là 350 tờ báo cùng lúc đả kích Trump nhưng lại ít nhiều đều
chia sẻ các quan điểm chính trị như nhau. Và như thường lệ, chỉ vài dòng
“Tweets” với 50 triệu người theo dõi mỗi ngày, Trump dễ dàng “vô hiệu hóa” các
xã luận trên. Trước đây khi mạng xã hội chưa phát triển, các Tổng thống, chính
trị gia thường đứng im chịu trận. Nhưng nay, Trump cũng lên tiếng “đòi” được đối
xử công bằng, không bị báo chí tấn công một chiều!
Tuy
nhiên, chủ đích cuối cùng của Trump là “vô hiệu hóa” sự chỉ trích của đối thủ,
khiến ông ta có vị thế áp đảo trong giới truyền thông, từ đó gây ảnh hưởng,
truyền tải các thông điệp chính trị.
Trong
lĩnh vực kinh tế, quốc phòng, quản trị đất nước…. Trump cũng có những cách làm
“lạ đời”, giúp tiết kiệm hàng chục triệu giờcông lao động hoặc hàng tỷ USD tiền
đóng thuế của người dân, doanh nghiệp, cụ thể là:
– Trump ngay khi nhậm
chức đã yêu cầu Boeing phải xem xét và đàm phán lại Hợp đồng mà Chính quyền Tổng
thống Obama đã ký trước đó để mua hai máy bay “Không lực số một” (Air Force
One) giao hàng vào năm 2024 vì giá quá cao. Boeing đứng trước tình thế phải đàm
phán lại nếu không có nguy cơ bị hủy hợp đồng. Kết quả là cặp máy bay nay chỉ
còn giá 3,9 tỷ USD, từ giá “trên trời” là 5,3 tỷ USD, tức giảm khoảng 25% giá
ban đầu.
– Tương tự như vậy,
Trump và Lầu Năm Góc cũng buộc hãng Lockheed Martin, nhà cung cấp máy bay chiến
đấu F-35 thế hệ thứ năm phải đàm phán lại và giảm giá từ 95 triệu USD/1 chiếc
F-35 mà Lầu Năm Góc trả năm 2017, xuống còn 89 triệu USD/1 chiếc cho lô hàng
giao trong năm 2018 và 80 triệu USD/1 chiếc năm 2020.
Chỉ
qua hai vụ đàm phán đình đám, thông điệp của Trump đối với giới doanh nghiệp rất
đơn giản: Ngay cả những hàng hóa mang tính biểu tượng của Tổng thống, đến bảo vệ
an ninh quốc gia chính quyền cũng sẵn sàng xem xét, thậm chí hủy đơn hàng nếu cần.
Dó đó, các hãng lớn nếu muốn làm ăn với chính phủ, muốn có tương lai phải cải
tiến, nâng cao chất lượng và giảm giá thành.
– Ngoài việc đơn giản
hóa sắc luật thuế liên bang, ngày 30/1/2017 Trump còn ký một sắc lệnh của Tổng
thống quy định, từ nay trở đi bất cứ một quy định, hay điều lệ mới nào của liên
bang ra đời thì cơ quan đệ trình buộc phải vô hiệu hóa quy định hay điều lệ cũ.
Mục đích của việc này là tránh biến các cơ quan công quyền thành bộ máy quan
liêu, ra các “quy định trên trời”, tạo thuận lợi tối đa cho cuộc sống, sinh hoạt
của người dân, cũng như hoạt động của doanh nghiệp.
Trên
đây chỉ là một ít ví dụ, nhưng nó cho thấy cuộc chiến chống lại thiết chế đã định
hình và gắn với nó là lợi ích nhóm với đủ loại biến tướng là hết sức khó khăn,
phức tạp. Hơn nữa, đây lại là cuộc chiến nội bộ nơi các đồng minh lẫn đối thủ đều
minh tường các điểm mạnh, yếu của nhau và sẵn sàng ra đòn dứt điểm đối phương bất
cứ khi nào có thời cơ.
4.-
Cuộc chiến thứ tư: Duy trì địa vị siêu cường số một thế giới của Mỹ
Theo
tư duy và cách làm thông thường, một quốc gia duy trì ngôi vị hàng đầu của mình
bằng cách thực hiện hai bước song song: Củng cố sức mạnh quốc gia tổng hợp của
mình, đồng thời chặn bước tiến và tạo khoảng cách xa nhất có thể với địch thủ
bám ngay sát. Và nước Mỹ không phải là ngoại lệ.
Lịch
sử của Mỹ từ khi lập quốc ngày 4/7/1776 đến nay là lịch sử bành trướng, và vươn
lên không ngừng, từ một liên bang lỏng lẻo gồm 13 bang ban đầu vốn dĩ là thuộc
địa của Anh Quốc thành một nhà nước liên bang hợp chúng quốc hùng mạnh nhất thế
giới với 50 bang như hiện nay. Lịch sử Mỹ cũng là lịch sử đấu tranh và triệt hạ
không khoan nhượng bất kỳ địch thủ thủ nào tìm cách thách thức vị trí số một của
Mỹ.
Chỉ
sau khoảng 100 năm lập quốc, đến đầu những năm 1870, sau khi kết thúc nội chiến
Bắc Nam (1861-1865) Mỹ đã thay Anh trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới, rồi
trở thành siêu cường số một thế giới khoảng 70 năm sau đó sau khi kết thúc Thế
chiến II năm 1945. Trong khi hầu hết các cường quốc khác bị suy yếu và tàn phá
nghiêm trọng bởi chiến tranh thì Mỹ ra khỏi Thế chiến II với vị thế đặc biệt của
người chiến thắng, với sức mạnh vượt trội so với bất kỳ cường quốc nào khác.
Trong
khoảng thời gian 5 năm hậu chiến, GDP của Mỹ luôn chiếm tới 1/2 GDP của cả thế
giới, Mỹ cũng là quốc gia duy nhất sở hữu vũ khí nguyên tử, còn đồng USD thì “hất
cẳng” đồng bảng Anh, trở thành đồng tiền thanh toán, lưu trữ chủ chốt của thế
giới. Với vị thế áp đảo như vậy, Mỹ dễ dàng “vẽ” trật tự của Phương Tây và phần
nào đó là trật tự thế giới hòng thao túng theo ý đồ của mình: Về quân sự, Mỹ lập
ra khối quân sự Bắc Đại Tây Dương; về thương mại Mỹ sử dụng ảnh hưởng để lập Hiệp
định Thuế quan và Thương mại (GATT), tổ chức tiền thân của Tổ chức Thương mại
Thế giới WTO sau này; còn về tài chính, Mỹ cũng đóng vai trò quan trọng trong
việc lập ra các thiết chế tài chính có ảnh hưởng đến tận bây giờ như: Ngân hàng
Thế giới (World Bank), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Quốc tế Tái thiết
và Phát triển (IBRD), Công ty Tài chính Quốc tế (IFC)… Mục đích tối thượng là
duy trì địa vị cường quốc số một thế giới và thiết lập một trật tự toàn cầu bao
trùm hầu khắp các lĩnh vực theo luật chơi do Mỹ đặt ra.
Trong
45 năm sau Thế chiến II, hệ thống quốc tế do Mỹ “cầm trịch” đã vận hành tương đối
hiệu quả, giúp Mỹ “đánh bại” – dù hết sức khó khăn – được địch thủ cạnh tranh về
quân sự, chiến lược và ý thức hệ là Liên Xô, khiến không chỉ Liên Xô mà cả hệ
thống xã hội chủ nghĩa Đông Âu cùng lúc bị tan rã.
Về
mặt kinh tế, với Thỏa ước Plaza (Plaza Accord) ký ngày 22/9/1985 tại New York để
giải quyết “chiến tranh tiền tệ” giữa năm cường quốc Phương Tây, mà thực chất
là nhằm vào Nhật Bản, buộc nước này phải tăng giá đồng Yên so với đồng USD và
các ngoại tệ chủ chốt khác. Thỏa ước Plaza là đòn độc, đòn “tước vũ khí” quyết
định khiến Nhật không thể dùng chiến thuật dumping (giảm giá), cạnh tranh không
lành mạnh nhờ hỗ trợ của chính phủ để đánh bại các công ty Mỹ. Và cũng từ đây
bong bóng bất động sản Nhật bị bể, kinh tế rơi vào trạng thái trì trệ suốt từ đầu
những năm 1990 đến nay và từ đó trở đi Nhật không bao giờ trở thành mối đe dọa
về kinh tế với Mỹ nữa.
Tuy
nhiên, từ đầu những năm 1990 sau khi Liên Xô tan rã thì nước Mỹ bước vào tình
trạng “phởn chí” khi không còn đối thủ ngang tầm. Học giá Mỹ nổi tiếng Francis
Fukayama thậm chí còn xuất bản cuốn sách “Sự cáo chung của Lịch sử” (The End of
History and the Last Man), với tuyên bố ngạo mạn về “Chiến thắng của nền dân chủ
tự do” đứng đầu là Mỹ trước các “chính thể chuyên quyền”. Tiếp đó là các sai lầm
chiến lược nối tiếp sai lầm khi Mỹ sử dụng lực lượng quân sự quy mô lớn tiến
hành cùng lúc cuộc chiến chống khủng bố hao người tốn của và không lối thoát
sau vụ khủng bố 11/09/2001 – với phí tổn khoảng 4000 tỷ USD và hàng chục ngàn
sinh mạng – trên hai mặt trận là Iraq và Afghanistan.
Trong
khi đó, trên một mặt trận khác, Trung Quốc thực hiện một chiến lược âm thầm,
nhưng hết sức quyết liệt là thực thi cải cách mở cửa về kinh tế, xây dựng nội lực
bên trong, cố gắng tránh, tìm cách không gây bất hòa hoặc đối đầu với Mỹ khi
không cần thiết. Nhờ chiến lược “Thao quang dưỡng hối”, hiện đại hoá đúng đắn,
cách làm bài bản, có sự chỉ huy, thống nhất và tập trung cao độ, lại tận dụng
được lợi thế của người đi sau trong việc áp dụng cách mạng khoa học công nghệ
nên Trung Quốc đã lớn mạnh vượt bậc chỉ trong thời gian rất ngắn. Trong giai đoạn
kéo dài 25 năm từ 1990-2014, Trung Quốc đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế trên 10%
năm, vượt Nhật Bản và trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới từ 2010. Trong
giai đoạn 2004-2016 GDP của Trung Quốc tăng trưởng tới 4 lần từ 2.500 lên
10.000 tỷ USD và đuổi sát Mỹ. Đến trước giai đoạn Tổng thống Donald Trump lên nắm
quyền 01/01/2017, nếu như tốc độ phát triển kinh tế của Mỹ và Trung Quốc vẫn
duy trì như thời gian trước đó thì theo dự báo của WB và IMF, chỉ đến năm 2025
hoặc cùng lắm là 2030 Trung Quốc sẽ vươn lên thay thế Mỹ để trở thành cường quốc
kinh tế lớn nhất thế giới.
Không
chỉ phát triển về lượng, mà Trung Quốc còn phát triển về chất, hướng đến các
tiêu chí quản trị doanh nghiệp, quản trị quốc gia thông minh, xây dựng lối sống,
cách hành xử văn minh của người dân theo những tiêu chuẩn cao nhất của thế giới.
Nhờ
sự lớn mạnh về kinh tế, sự phát triển về khoa học kỹ thuật vượt bậc, Trung Quốc
cũng mạnh dạn, tự tin và quyết đoán trong chi tiêu quốc phòng, trong hành xử với
láng giềng và trong quan hệ quốc tế cho phù hợp với vị thế mới của mình. Đáng
chú ý là Trung Quốc thực hiện cùng lúc hai chiến lược lớn, đầy tham vọng là trở
thành cường quốc số một thế giới về công nghệ vào năm 2025 và chiến lược Vành
đai, Con đường (BRI) nhằm tạo ra một hệ thống riêng, trong đó Trung Quốc có vai
trò chi phối. Chiến lược Vành đai, Con đường nếu được thực thi đầy đủ sẽ giúp
thúc đẩy 6 kết nối chặt chẽ về đường không, đường biển, đường bộ, đường sắt, kết
nối về mạng lưới viễn thông, kết nối về dịch vụ tài chính giữa Trung Quốc và
khoảng 80 quốc gia trên thế giới, kéo dài từ Bắc Á qua Đông Nam Á, Nam Á, Trung
Đông, châu Phi, một phần Tây và Đông Âu, Nga và Trung Á, những nước chiếm khoảng
1/2 dân số, 1/3 tổng GDP và 1/4 tổng thương mại thế giới. Cùng với BRI, Trung
Quốc liên tiếp cho ra đời Ngân hàng Phát triển Cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB) củng
cố và mở rộng vai trò của Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO), Nhóm BRICS gồm
Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi…
Dưới
góc nhìn của Trump và Chính quyền mới ở Mỹ, sự vươn lên của Trung Quốc và cách
thức Trung Quốc thiết lập một hệ thống riêng không khác gì cách thức Mỹ từng
làm trước đây khi Thế chiến II kết thúc để xác lập và củng cố vị trí siêu cường
lâu dài sau đó. Và đây là điều không thể chấp nhận được với Trump cũng như bất
kỳ chính quyền nào của Mỹ trước đó.
Tuy
nhiên, trong khi các vị Tổng thống tiền nhiệm hoặc né tránh, hoặc không có một
chiến lược rõ ràng rồi sau đó đối phó với Trung Quốc một cách nửa vời thì chiến
lược của Trump lại hết sức rõ ràng với hai bước song song: (i) Đối đầu trực diện,
tìm cách làm suy yếu đối phương về mọi mặt; và (ii) “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở
lại” (Make America Great Again) thông qua việc kiên trì thực hiện khẩu hiệu
tranh cử “Nước Mỹ trên hết” (America First).
Thực
chất của chiến lược này là tạo khoảng cách “an toàn” giữa Mỹ và đối thủ tiềm
tàng đang bám ngay sát nách, khiến đối thủ không đủ sức mạnh và khả năng để
tranh chấp hay thách thức vị trí số một của Mỹ một cách hiệu quả.
Làm
suy yếu đối thủ tiềm tàng về mọi mặt
Đối
với Chính quyền Trump, “mối đe dọa” lớn nhất, trực tiếp nhất và “nguy hiểm” nhất
hiện nay đối với vị trí siêu cường và hệ thống quốc tế do Mỹ đóng vai trò chủ đạo
không còn là chủ nghĩa khủng bố hay mối đe doạ từ Nga mà là từ Trung Quốc và điều
này được nêu rõ trong Chiến lược an ninh quốc gia mới công bố đầu năm 2018.
Thách thức này lớn hơn hẳn so với tất cả các thách thức mà Mỹ từng phải đương đầu
từ sau Thế chiến II đến nay.
Trong
thời kỳ Chiến tranh Lạnh, mối đe dọa của Liên Xô chủ yếu từ góc độ an ninh và
quân sự chứ chưa bao giờ là thách thức kinh tế. Còn Nhật, thì chỉ tạo ra thách
thức kinh tế, thương mại đối với Mỹ trong một thời gian ngắn chứ còn xét về các
khía cạnh khác như dân số, chiến lược hay ý thức hệ thì Nhật lại không hề có
tham vọng thách thức hay soán ngôi Mỹ.
Trái
lại, trong các cường quốc lớn trên thế giới hiện nay, chỉ duy nhất Trung Quốc vừa
có sức mạnh kinh tế, lẫn sức mạnh quân sự với kho vũ khí hạt nhân hùng hậu, có
dân số đông nhất thế giới, có lãnh thổ đủ rộng, có ý thức hệ khác biệt, hơn nữa
Trung Quốc là cường quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ và có lẽ hiện là cường quốc duy
nhất, ngoài Mỹ, có tham vọng trở thành cường quốc số một thế giới.
Trong
500 năm qua, lịch sử thể giới đã chứng kiến 16 cuộc đối đầu giữa một cường quốc
đã được thiết lập và một cường quốc đang trỗi dậy và tìm cách soán ngôi, trong
đó 12 cuộc đối đầu kết thúc bằng chiến tranh. Thực ra, ngay từ cách đây ba năm,
tác giả của bài viết này cũng đã từng đưa ra cảnh báo về “bẫy
Thucydides” và cuộc xung đột “định mệnh”, “không lối thoát” giữa Mỹ và Trung Quốc.
Đặt
cạnh tranh Trung – Mỹ trong bối cảnh đó thì xung đột thương mại chỉ là “câu
chuyện nhỏ”, còn câu chuyện lớn hơn là sự cạnh tranh chiến lược, đối đầu trực diện
về mọi mặt, trong đó Mỹ là bên đóng vai trò chủ động.
Vậy
tại sao Trump lại chọn cuộc chiến thương mại (trade war) và tại sao lại vào lúc
này? Trước hết đây là thời điểm kinh tế Mỹ đang ở giai đoạn tốt nhất trong hai
thập niên qua, tính từ các góc độ: niềm tin của người tiêu dùng, giới doanh
nghiệp; sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán cao nhất mọi thời đại; tốc độ
tăng trưởng kinh tế cao; tỷ lệ thất nghiệp thấp kỷ lục (3,7%)… Điều này có được
một mặt là do cố gắng của chính quyền Trump, nhưng cũng có yếu tố may mắn khác
là kinh tế Mỹ đang ở đỉnh cao của chu kỳ tăng trưởng. Trong khi đó , kinh tế
Trung Quốc đang trong giai đoạn điều chỉnh, phát triển chậm lại sau giai đoạn
phát triển quá nóng theo chiều rộng. Điều này có nghĩa Trump đang ở thế thượng
phong để tung các “đòn độc” mà không sợ bị ảnh hưởng nhiều đến kinh tế Mỹ.
Còn
chọn lĩnh vực thương mại thì theo tính toán của chính quyền Trump, đây là lĩnh
vực Trung Quốc dễ tổn thương nhất do cán cân thương mại hai bên quá chênh lệch:
Năm 2017, Mỹ xuất khẩu sang Trung Quốc 130 tỷ USD, còn nhập khẩu khoảng 506 tỷ
USD, tức thâm hụt thương mại tới 376 tỷ USD. Trump cho rằng: (i) Là nước chịu
thâm hụt thương mại lớn, Mỹ trong vai người mua mới ở vị trí thượng phong; (ii)
Những hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc có thể dễ dàng thay thế bằng hàng hóa nhập
khẩu từ các nước khác; (iii) Mỹ là thị trường xuất khẩu hàng hoá lớn nhất của
Trung Quốc, và thương mại đóng góp tới 1/3 tăng trưởng kinh tế Trung Quốc.
Tuy
nhiên, đích cuối cùng của Trump là đánh vào chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hoá của
Trung Quốc, chặn việc tiếp cận công nghệ cao để đi tắt đón đầu, và buộc Trung
Quốc phải mở cửa thị trường, thay đổi cơ cấu kinh tế theo ý đồ của Mỹ. Nếu chấp
nhận, nhiều khả năng kinh tế Trung Quốc sẽ bị kéo lùi, rơi vào tình trạnh, suy
thoái, trì trệ như của Nhật Bản 30 năm trước. Đây là lý do mà Trung Quốc không
thể chấp nhận và các cuộc đàm phán Mỹ-Trung về giải tỏa chiến tranh thương mại
Mỹ-Trung cho đến nay không đạt kết quả.
Có
thể dễ dàng nhận thấy, nếu kinh tế Trung Quốc bị kéo lùi lại do hệ quả của chiến
tranh thương mại thì có thể dẫn đến những hệ quả ghê gớm: thất nghiệp tăng,
nguy cơ bất ổn xã hội tăng cao, thị trường chứng khoán giảm tốc, đồng tiền mất
giá, dự trữ ngoại hối sụt giảm, nguồn tiền đố vào chi tiêu quốc phòng cũng như
đầu tư cho chiến lược “vành đai, con đường” sẽ không còn được dồi dào như trước.
Điều
đáng chú ý là ngược lại với dự báo của hầu hết các nhà kinh tế, Trump càng siết
chặt thuế quan đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ thì kinh tế Mỹ lại
càng nhận được tín hiệu tốt chứ không phải theo chiều ngược lại.
Một
tín hiệu nữa không tốt cho Trung Quốc là Bộ trưởng thương mại Mỹ Wilbur Ross vừa
“khoe” đã tìm ra “viên thuốc độc” (poison pill) để “trị” Trung Quốc, đó là “cấy”
vào Hiệp định thương mại USMCA vừa ký giữa Mỹ, Mexico và Canada (thay cho Hiệp
định NAFTA) một điều khoản cho phép hai nước còn lại có thể huỷ hiệp định 3 bên
và ký hiệp định thương mại tự do song phương nếu một trong ba thành viên USMCA
ký hiệp định thương mại tự do với nước có nền kinh tế “phi thị trường”, hàm ý
chỉ Trung Quốc. Bộ trưởng Ross còn tiết lộ, Mỹ sẽ đưa điều khoản này vào các hiệp
định thương mại tự do đang đàm phán với Nhật Bản và EU, nhằm mục đích gây sức
ép tối đa lên Trung Quốc.
“Làm
cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”
Về
cách tiếp cận, chính sách kinh tế của Trump sau khi nhậm chức không khác mấy so
với người tiền nhiệm Ronald Reagan cách gần 40 năm trước với chính sách kinh tế
Reaganomics, đó là: Ở trong nước, Reagan cắt giảm chi tiêu của chính phủ nhằm
giảm thâm hụt ngân sách, trong khi giảm mạnh thuế doanh nghiệp từ 48% xuống còn
34% nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu, sản xuất. Còn người
dân, thuộc tất cả các giới được miễn giảm mạnh thuế cá nhân, trong đó giới giàu
có, trung lưu, được hưởng lợi nhất, nhằm khuyến khích tiêu dùng trong nước.
Ngoài ra Reagan còn tìm cách tăng lãi suất đồng USD trong nước rất cao, có lúc
lên tới 21,5% nhằm thu hút tiền từ trong nước Mỹ và từ khắp thế giới với hai mục
tiêu: (i) Tái cấu trúc và hiện đại nước Mỹ; (ii) Đổ tiền vào cuộc chạy đua vũ
trang với Liên Xô.
Trong
thời kỳ Reagan, ngoài chuyện củng cố sức mạnh kinh tế, Mỹ còn “đánh gục” Liên
Xô bằng các đòn “hội đồng” như cùng OPEC phối hợp hạ giá dầu để triệt hạ nền
kinh tế Liên Xô vốn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu dầu, đồng thời buộc Liên Xô
phải tham gia vào cuộc chạy đua vũ trang với Mỹ và cả khối NATO, cũng như gài bẫy
để Liên Xô dính vào “cú lừa thế kỷ” về sáng kiến “Chiến tranh các vì sao” của Mỹ.
Điều này đã buộc Gorbachev phải đi vào hòa dịu, giải trừ quân bị với Mỹ, rồi tiến
tới “tự giải thể” khối quân sự Warsaw Pact, khối kinh tế Comecon giữa Liên Xô
và các nước Đông Âu, cũng như Liên Bang Xô viết trong giai đoạn cuối những năm
1980, đầu những năm 1990.
Về
cơ bản, Trump cũng có cách tiếp cận về kinh tế và quân sự tương tự Reagan,
nhưng có một số điều chỉnh do bối cảnh quốc tế hiện nay, cũng như tương quan,
so sánh sức mạnh tổng thế giữa Mỹ với các đồng minh, địch thủ cũng có những
thay đổi căn bản.
Về
kinh tế, với khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết” (America First) và cách làm quyết liệt
đi đôi giữa nói và làm, Trump đang tìm cách lấy lại sức mạnh kinh tế cho nước Mỹ
thông qua một loạt biện pháp chính như: (i) Giảm mạnh thuế doanh nghiệp từ 35%
xuống còn 21%; (ii) Giảm đồng loạt thuế thu nhập cá nhân, với tổng số thuế cắt
giảm lên tới 1.500 tỷ USD trong thời gian tám năm từ 2018-2025: (iii) gỡ bỏ
đáng kể các luật lệ, rào cản đối với doanh nghiệp; (iv) rút khỏi hoặc bỏ qua
các hiệp định thương mại đa phương, đàm phán lại các hiệp định tự do thương mại
song phương, nhấn mạnh đến yếu tố “công bằng”, đảm bảo quyền tiếp cận thị trường
nước ngoài tốt hơn cho hàng hóa Mỹ; (v) Gây sức ép bằng hình thức thuế quan để
ép các công ty Mỹ và công ty nước ngoài chuyển dây chuyền sản xuất, công nghệ
hoặc mở nhà máy trên đất Mỹ.
Với
hàng loạt biện pháp mang tính quyết liệt, và phần nào đó khá cực đoan, Trump đã
ghi được bảng thành tích kinh tế khá tốt dẫu mới cầm quyền chưa được hai năm. Cụ
thể là:
–
Tỷ lệ thất nghiệp tính đến đầu tháng 10/2018 giảm xuống còn 3,7%, mức thấp nhất
trong 50 năm qua.
–
Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2017, năm đầu tiên Trump nắm quyền, là 2,3%, cao
hơn rất nhiều so với tốc độ 1,5% năm 2016 trước đó. Con Quý II, tốc độ tăng trưởng
đạt 4,2%, mức cao nhất kể từ năm 2014.
–
Lòng tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp hiện ở mức cao nhất tính từ thời
điểm năm 2000.
–
Chỉ số công nghiệp Dow Jones của thị trường chứng khoán Mỹ hiện vào khoảng
26.500 điểm, tức cao khoảng 33% so với đỉnh cao 20.000 điểm dưới thời Obama.
Thành
tích kinh tế này trái ngược với đà đi xuống của kinh tế Trung Quốc, cũng như thực
trạng tương đối ảm đạm của hầu hết các nền kinh tế lớn khác.
Trong
lĩnh vực an ninh-quốc phòng, Trump không chỉ mạnh tay chi tiêu cho quốc phòng với
ngân sách quốc phòng năm 2018 và 2019 lần lượt là 640 tỷ và 716 tỷ USD, tức gấp
khoảng 5 lần so với ngân sách quốc phòng lớn thứ hai thế giới của Trung Quốc.
Không chỉ một mình tăng ngân sách quốc phòng, Trump còn bằng mọi cách gây sức
ép buộc các đồng minh chủ chốt như Hàn Quốc, Nhật, và các nước đồng minh trong
NATO tăng ngân sách quốc phòng để tạo sức mạnh cộng hưởng và đã thành công ở mức
độ nhất định khi một số nước châu Âu thành viên NATO đẩy nhanh mức chi ngân
sách quốc phòng từ mức trên dưới 1% hiện nay lên mức 2% tổng GDP trước năm
2024. Cách lập luận của Trump rất đơn giản, nhưng hiệu quả: Nếu muốn dựa vào ô
an ninh của Mỹ thì trước hết các đồng minh phải thực sự quan tâm đến củng cố quốc
phòng của mình thông qua việc tăng ngân sách cho lĩnh vực này. Nếu như đến an
ninh của mình mà họ cũng không quan tâm thì cũng chẳng có lý do để Mỹ phải bận
tâm.
Đáng
chú ý là cách tiếp cận và tìm cách xích lại gần Nga của chính quyền Trump.
Trong nội bộ Mỹ, không khí và quan hệ thù địch với Nga hiện khá cao do những
cáo buộc Nga can thiệp cuộc bầu cử 2016 để Trump lên nắm quyền vẫn chưa được giải
tỏa. Tuy nhiên, Trump vẫn nhắm đến Nga với nhiều mục tiêu khác nhau:
Thứ
nhất, Trump cho rằng Nga tuy bị suy yếu nhiều, nhưng xét từ góc độ quân sự, Nga
vẫn là cường quốc quân sự duy nhất có thể đưa nước Mỹ “trở về thời kỳ đồ đá” nếu
xảy ra xung đột quân sự. Do đó, để quan hệ Mỹ-Nga ở tình trạng đối đầu lâu dài
sẽ không có lợi.
Thứ
hai, việc xích lại gần Nga sẽ làm cho các nước châu Âu thành viên NATO lo ngại
và do vậy không cần gây thêm sức ép cũng buộc họ tự tăng ngân sách quốc phòng.
Thứ
ba, việc đi với Nga còn là cách để Mỹ tạo sức ép tối đa lên Trung Quốc – quốc
gia được xem như địch thủ chiến lược lớn nhất của Mỹ vào lúc này. Nhìn cách
Trump đi với Nga để tạo sức ép lên Trung Quốc lúc này thấy không khác mấy so với
cách mà Mỹ dưới thời Nixon và Kisinger tìm cách khai thông quan hệ với Trung Quốc
trong những năm 1970 để cô lập và tạo sức ép tối đa lên Liên Xô, để rồi nước
này đi vào con đường thỏa hiệp với Mỹ và tự tan rã vào năm 1991.
Hiện
còn quá sớm để đánh giá hết những tác động từ các bước đi của Trump trong việc
củng cố sức mạnh Mỹ. Ngay cả thời Reagan, dù ra khỏi Chiến tranh Lạnh với tư
cách người chiến thắng, nhưng nước Mỹ cũng “thương tích đầy mình”, chẳng hạn
như nợ công cao, sức cạnh tranh của nền kinh tế suy giảm… Còn Trung Quốc là cường
quốc thứ hai, có nhiều sức mạnh vượt trội chứ không phải là cường quốc chỉ dựa
vào sức mạnh quân sự và lệ thuộc và dầu khí như Liên Xô trước kia. Tuy nhiên,
các tác động của cuộc chiến thương mại này với cả hai, đặc biệt là với Trung Quốc,
với nền kinh tế thế giới và các cấu trúc khu vực và toàn cầu thì ngày càng rõ
nét.
5.-
Cuộc chiến thứ năm: Xây dựng một trật tự quốc tế mới
Hoàn
toàn không quá lời khi nói rằng trật tự thế giới hình thành từ thời hậu Thế chiến
II đến nay với các thiết chế trụ cột như Liên Hợp Quốc, NATO, WTO, IMF, WB,
cùng nhiều thoả thuận quốc tế khác… là trật tự trong đó Mỹ đóng vai trò “Kiến
trúc sư trưởng”, là “người khởi xướng”, và cũng là người được hưởng lợi chính từ
trật tự này. Chắc chắn Mỹ sẽ không có bất cứ vấn đề gì với hệ thống và các thiết
chế này chừng nào mà vai trò và địa vị số 1 thế giới của Mỹ vẫn được duy trì và
đảm bảo.
Tuy
nhiên, từ đầu những năm 2000 khi Trung Quốc trỗi dậy mạnh mẽ đe dọa vị thế siêu
cường số 1 thế giới của Mỹ và đồng thời sức mạnh của Mỹ suy giảm tương đối so với
Trung Quốc và các cường quốc khác thì Trump và ê-kíp của mình, ngay từ khi bắt
đầu tham gia tranh cử Tổng thống, lại đổ lỗi cho chính hệ thống quốc tế mà Mỹ
đã góp tay xây dựng nên là “tội đồ” của những yếu kém của nước Mỹ. Họ cho rằng
đã đến lúc cần phải đặt lại vấn đề, xem xét lại một cách căn bản toàn bộ hệ thống
quốc tế và các thiết chế cũ xem các thiết chế này có còn phù hợp với lợi ích của
Mỹ nữa hay không, tức còn có giá trị trong việc giúp Mỹ duy trì ngôi vị bá chủ
thế giới của mình. Theo quan điểm của chính quyền Trump, các thiết chế do chính
Mỹ lập ra trước kia chỉ phù hợp với bối cảnh cũ, nhưng nay các thiết chế này đã
đóng xong vai trò lịch sử, không còn phù hợp, thậm chí đi ngược lại với lợi ích
của Mỹ thì Mỹ cần đặt lợi ích quốc gia của mình lên trên (America First) và mạnh
tay “vứt bỏ” các cam kết không cần thiết.
Ngay
từ năm 1987 học giả Mỹ Paul Kennedy đã viết cuốn sách “Sự thăng trầm của các cường
quốc” (The Rise and Fall of the Great Powers) trong đó cho rằng một trong những
nguyên nhân khiến các cường quốc suy vong là do đế quốc trải rộng và các cường
quốc này thực thi các cam kết quốc tế vượt quá khả năng của mình. Tác giả cũng
đưa ra lời cảnh báo để Mỹ không đi vào con đường tương tự. Cảnh báo này cũng
trùng hợp với tư duy của Trump khi cho rằng các nước khác được hưởng lợi bởi hệ
thống quốc tế hiện nay phải có nghĩa vụ đóng góp nhiều hơn và không có lý gì để
Mỹ phải sử dụng tiền đóng thuế của người dân bảo vệ cho những quốc gia có mức
thu nhập đầu người thậm chí còn cao hơn của nước Mỹ.
Như
vậy, có thể thấy Trump thực hiện một chính sách tương đối nhất quán cả về đối nội,
lẫn đối ngoại: Đó là tìm cách làm nước Mỹ mạnh lên từ bên trong và đặt lợi ích
quốc gia lên trên các cam kết quốc tế. Đáng chú ý là trong quá trình xem xét lại
các cam kết quốc tế của Mỹ, Trump nhận thấy nước Mỹ có quá nhiều cam kết quốc tế
“vô bổ”, gây tốn kém không ít cho ngân sách liên bang.
Việc
tấn công tổng lực vào một loạt các thiết chế quốc tế lớn như Liên hợp quốc,
UNESCO; vào các hiệp ước, các thiết chế lâu đời với đồng minh, láng giềng như
NATO, nhóm G-7, NAFTA; vào các thỏa thuận với đối tác, bạn bè như TPP (chuẩn bị
bước vào giai đoạn ký kết)… ngay từ ngày đầu tiên bước chân vào Nhà Trắng đã biến
Trump thành nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa quốc gia nhiệt thành, “kẻ” chủ trương ủng
hộ nghĩa biệt lập, và là một trong những nhà lãnh đạo Mỹ “đáng ghét” nhất trên
thế giới. Tháng 1/2018, Viện thăm dò dư luận Gallup tiến hành khảo sát ý kiến của
người dân 134 nước trên thế giới và kết quả là tỷ lệ trung bình ủng hộ lãnh đạo
Mỹ giảm mạnh từ 48% năm 2016 xuống còn 30% vào 1/2018.
Tuy
nhiên, Trump dường như có một mục tiêu và lộ trình được lập trình từ trước nên
tỏ ra không mấy bận tâm vào việc lãnh đạo hay người dân các nước nghĩ về mình
hay nước Mỹ, miễn là việc mình làm phục vụ lợi ích của nước Mỹ, đặt nước Mỹ lên
trên hết (America First). Dù chưa định hình rõ nét, nhưng có thể thấy sơ bộ một
số bước đi chính của Trump trong việc “xoá bàn cờ làm lại”, đặt ra luật chơi mới
với 5 bước đi sau:
Một
là, rút nước Mỹ ra khỏi các thiết chế/cam kết quốc tế không phù hợp với lợi ích
của nước Mỹ
Rõ
nhất trong hai năm đầu tiên cầm quyền là Trump rút khỏi các thoả thuận “đình
đám” như Hiệp định thương mại Xuyên Thái Bình Dương TPP đã được hoàn tất vào
phút chót chỉ chờ được phê chuẩn; cắt đóng góp của Mỹ và rút khỏi Tổ chức Văn
hóa, Giáo dục và Khoa học của Liên hợp Quốc UNESCO; Hiệp định chống biến đổi
khí hậu; rút khỏi Thoả thuận hạt nhân P5+1 ký năm 2015 với Iran; Hội đồng nhân
quyền… Chính từ các hành động này nên Trump bị xem là người theo đuổi chủ nghĩa
đơn phương, làm cho Mỹ bị cô lập trên quốc tế, trái với cách tiếp cận đa
phương, can dự tích cực của người tiền nhiệm.
Trong
quyết định rút khỏi TPP, chính quyền Trump cho rằng ngành công nghiệp chế tạo của
Mỹ sẽ bị ảnh hưởng và Mỹ sẽ bị mất nhiều việc làm phổ thông do doanh nghiệp sẽ
tìm cách chuyển sản xuất sang những nước thành viên có lương thấp trong TPP.
Còn với Hiệp định chống biến đổi khí hậu, Trump ngay từ đầu đã cho rằng các bằng
chứng khoa học về biến đổi khí hậu là lòe bịp (a hoax) và không đáng tin cậy,
và việc thực hiện các cam của Thỏa thuận chống biến đổi khí hậu vừa gây tốn kém
cho doanh nghiệp, vừa làm giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế Mỹ. Với Iran, Mỹ
cho rằng thỏa thuận P5+1 chỉ giúp làm chậm lại chứ không thể giúp cản bước Iran
nghiên cứu, sản xuất vũ khí hạt nhân. Đáng chú ý, việc áp đặt cấm vận xuất khẩu
dầu của Iran còn nhằm vào Trung Quốc nước đầu tư tới 106 tỷ USD vào ngành dầu
khí Iran, cũng như giúp ngành xuất khẩu dầu và khí hoá lỏng của Mỹ “cất cánh”
sau khi Mỹ có đột biến về tăng sản lượng dầu đá phiến và hoàn tất việc lắp đặt
đường ống dẫn dầu Keystone nối từ Alberta (Canada) tới tận Cảng Arthur (Texas)
miền Nam nước Mỹ.
Hai
là, gây sức ép, đàm phán lại các hiệp định/thoả thuận/định chế cũ
Đáng
chú ý nhất là thành công của Trump trong việc đàm phán lại Hiệp định thương mại
tự do Bắc Mỹ NAFTA với tên gọi mới là Hiệp định USMCA giữa Mỹ, Mexico và Canada
ký ngày 30/9/2018 vừa qua. Các cuộc đàm phán để đi đến Hiệp định mới USMCA này
cho thấy Trump quả là một cao thủ về đàm phán quốc tế. Trước hết Trump không
tìm cách đàm phán ba bên đồng thời, mà tiến hành hai cuộc đàm phán riêng rẽ với
Mexico và Canada, trong đó nhằm vào Mexico là mắt xích yếu nhất. Đồng thời
trong suốt quá trình đàm phán Mỹ không ngừng gây sức ép, công kích công khai
lãnh đạo Canada. Việc đạt được thỏa thuận trước với Mexico đã gây sức ép rất lớn
và đặt Canada vào thế phải kết thúc đàm phán với điều kiện của Trump nếu không
sẽ bị gạt ra rìa.
Với
lợi thế có được trong tay USMCA, các bước tiếp theo của Mỹ có thể nhìn thấy trước
là Mỹ sẽ tiến hành hai cuộc đám phán song phương đồng thời với Nhật và EU,
trong đó Mỹ sẽ tìm cách cài tiếp “viên thuốc độc”, tức tìm cách ngăn không để
cho hai nền kinh tế lớn này ký thỏa thuận thương mại tự do với Trung Quốc. Sau
khi có được thoả thuận thương mại với Nhật Bản và EU, bước tiếp theo là Mỹ, lúc
này đã ở thế thượng phong, gây tiếp sức ép lên Trung Quốc, buộc nước này phải mở
cửa và cải cách theo các điều kiện do Mỹ đặt ra. Đối với WTO, nếu không đáp ứng
các điều kiện do Mỹ đặt ra, thậm chí không loại trừ khả năng Mỹ sẽ vận động Nhật,
EU và các nước khác lập ra chế định mới thay thế cho tổ chức thương mại lớn nhất
thế giới này.
Trong
các vấn đề quân sự hay quan hệ với đồng minh trong NATO, G-7 Trump cũng tỏ ra
“thờ ơ” bề ngoài, nói lấp lửng hay nước đôi vê các cam kết bảo vệ đồng minh của
Mỹ. Mục đích của Trump là gây sức ép buộc đồng minh tăng ngân sách quốc phòng,
chia sẻ nhiều hơn gánh nặng và trách nhiệm an ninh quốc tế với Mỹ, song song với
việc ép các đồng” tự nguyện” mở cửa thị trường, thực thi các biện pháp nhằm
giúp Mỹ giảm thâm hụt thương mại.
Ba
là, cắt giảm cam kết tài chính, gây sức ép cải tổ các định chế quan trọng
Một
trong những tổ chức quốc tế lớn nhưng nhận nhiều chỉ trích nhất của chính quyền
Trump về sự quan liêu, quản lý yếu kém… là Liên Hợp Quốc (LHQ). Mỹ sở dĩ có tiếng
nói quan trọng ở LHQ vì Mỹ là quốc gia đóng góp ngân sách lớn nhất, lên tới 22%
tổng ngân sách hàng năm cho tổ chức này (5,6 tỷ USD năm 2017) và là thành viên
của Hội đồng Bảo an.
Sự
bất bình của Mỹ cũng có lý do riêng. Tuy đóng góp nhiều cho ngân sách của LHQ
song ảnh hưởng của Mỹ tại đây lại không như Mỹ mong muốn, đặc biệt trong các cuộc
bỏ phiếu liên quan đến tranh chấp Israel-Palestine. Ngoài ra, Mỹ thấy nhiều nước
không có sự đóng góp tương xứng vào ngân sách LHQ so với tỷ lệ GDP của họ trong
tổng GDP toàn cầu. Song song với sức ép về chính sách kêu gọi LHQ cải tổ trong
3 lĩnh vực là Quản lý, An ninh và Phát triển Mỹ cũng đồng thời tuyên bố cắt giảm
đóng góp lên tới 5% tổng ngân sách của LHQ (285 triệu USD), chủ yếu dành cho
lĩnh vực gìn giữ hòa bình bắt đầu từ năm 2018.
Bốn
là, tấn công trực diện các thiết chế mới ra đời của đối phương
Đối
với Mỹ hiện nay, Chiến lược Vành đai, Con đường (BRI) và Ngân hàng Đầu tư Cơ sở
hạ tầng châu Á (AIIB) của Trung Quốc là những thiết chế tạo ra các thách thức đối
với Mỹ về nhiều mặt. Với BRI, Mỹ lo ngại sự hình thành của một thiết chế mới, một
vành đai phát triển quốc tế mới không theo các chuẩn mực do Mỹ đặt ra, giảm lệ
thuộc vào Mỹ và phương Tây, trong khi lại lệ thuộc vào Trung Quốc về đầu tư,
công nghệ…
Với
AIIB, Mỹ lo ngại nhất về (i) sự thiếu khách quan trong các quyết định cho vay,
cho rằng AIIB sẽ thiên vị, chỉ cung cấp tín dụng cho những nước có quan hệ tốt
với Bắc Kinh; (ii) Khả năng quản trị rủi ro không tốt, vượt quá khả năng trả nợ
của những nước đi vay có thể khiến họ hoặc rơi vào tình trạng phá sản hoặc bị lệ
thuộc về tài chính vào Trung Quốc; (iii) Có thể giúp nước đi vay đầu tư tăng
trưởng tốt trong ngắn hạn, nhưng lại thiếu cơ sở cho phát triển ổn định và bền
vững trong dài hạn.
Năm
là, lập ra các thiết chế, các định chế mới
Các
đề nghị lập thiết chế mới hiện nay chưa nhiều, mới thấy rõ nhất là sáng kiến về
“Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” thay thế cho Chiến lược tái cân bằng
của Mỹ ở Đông Nam Á. Có thể do chính quyền Trump còn đang bận tâm vào các vấn đề
nội bộ, hoặc Mỹ cho rằng có thể tận dụng một số cơ chế cũ nhưng có những điều
chỉnh cho phù hợp với tình hình mới cũng như lợi ích của Mỹ.
Dù
mới chỉ ở dạng ý tưởng và còn thiếu nhiều chi tiết, nhưng “Chiến lược Ấn Độ
Dương – Thái Bình Dương” của Mỹ hiện vấp phải nhiều phản ứng trái chiều, đặc biệt
từ Nga và Trung Quốc, những nước cho rằng trong khu vực hiện đang có nhiều cơ
chế hữu dụng như EAS, ARF, ADMM+… để xử lý các vấn đề khu vực và không nhất thiết
phải lập ra các cơ chế mới. Điều này cho thấy cạnh tranh chiến lược giữa các nước
lớn trên phạm vi khu vực và toàn cầu đang ngày một rõ nét và có thể đưa quan hệ
quốc tế đến chỗ chia rẽ, phân cực như trong thời kỳ Chiến tranh lạnh trước kia.
Nhìn
tổng thể, cuộc chiến của Trump để xây dựng một trật tự quốc tế mới lần này chắc
chắn sẽ khó khăn hơn nhiều lần so với công việc Mỹ đã làm cách đây trên 70 năm.
Khi đó Mỹ ở thế thượng phong với sức mạnh tổng hợp vượt trội so với cả đồng
minh lẫn đối thủ. Còn hiện tại thì thế và lực của Mỹ, tuy mạnh nhưng không còn ở
thế áp đảo, khuynh loát các quốc gia khác. Ngoài ra, các đối thủ của Mỹ cũng sẽ
không ngồi yên khoanh tay chịu trận.
Và
cũng không khó để nhận ra nhiều nước bắt đầu toan tính, tìm bước đi, lối thoát
cho mình nhằm tránh rơi vào thế kẹt trong bối cảnh cuộc đối đầu, cạnh tranh địa-chiến
lược Mỹ-Trung và “bóng ma” cuộc Chiến tranh Lạnh mới 2.0 với các vòng xoáy bất ổn,
chia rẽ và phân cực đang ngày một hiện rõ./.
-----------------------
TS
Hoàng Anh Tuấn là cựu Giám đốc Viện Nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao, Học viện
Ngoại giao Việt Nam. Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả.
No comments:
Post a Comment