Sunday, November 3, 2024

COP16 VỀ ĐA DẠNG SINH HỌC : CÁC DÂN TỘC BẢN ĐỊA ĐƯỢC NÂNG CAO VỊ THẾ (Thu Hằng / RFI)

 



COP16 về đa dạng sinh học : Các dân tộc bản địa được nâng cao vị thế

Thu Hằng  -  RFI

Đăng ngày: 02/11/2024 - 10:07Sửa đổi ngày: 02/11/2024 - 11:24

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20241102-cop16-%C4%91a-d%E1%BA%A1ng-sinh-h%E1%BB%8Dc-c%C3%A1c-d%C3%A2n-t%E1%BB%99c-b%E1%BA%A3n-%C4%91%E1%BB%8Ba-%C4%91%C6%B0%E1%BB%A3c-n%C3%A2ng-cao-v%E1%BB%8B-th%E1%BA%BF

 

Cuộc đấu tranh để được công nhận là « người bảo vệ thiên nhiên » của các dân tộc bản địa trên thế giới đã đạt được thành quả tại COP16 ở Cali, Colombia. Ngày 01/11/2024, toàn thể 196 nước thành viên Công ước Liên Hiệp Quốc về Đa dạng sinh học (CBD) nhất trí thành lập một nhóm thường trực, còn gọi là « cơ quan trực thuộc », nhằm bảo đảm sự đại diện của người bản địa và cộng đồng địa phương. Đây là bước tiến đáng chú ý đầu tiên của COP16, khai mạc ngày 21/10.

 

HÌNH :

COP16 về đa dạng sinh học diễn ra tại Cali, Colombia, từ ngày 21/10 đến 01/11/2024. © AP - Fernando Vergara

 

Ý tưởng được các dân tộc thiểu số ở Brazil, Colombia, Peru, Bolivia, Ecuador, Venezuela, Guyana, Guyana thuộc Pháp và Suriname khởi xướng ngày 26/10 tại COP16 theo mô hình « G9 Amazon bản địa » để có được « tiếng nói thống nhất nhằm tác động đến các quyết định trên quy mô thế giới ».

 

Đặc phái viên RFI Lucile Grimberg tường trình từ Cali :

 

« Chúng ta có thể nghe thấy niềm vui vỡ òa của các nhà đấu tranh. Có khoảng vài chục người trong phòng họp. Họ đại diện cho các tộc người Mỹ Latinh và có cả châu Á. Trong suốt thời gian diễn ra hội nghị COP ở Cali, họ đã đấu tranh để đạt được mục tiêu là thành lập nhóm hoạt động đặc biệt này, hay còn gọi là « cơ quan trực thuộc » theo cách gọi của Liên Hiệp Quốc. Nghe thì có vẻ hơi hành chính nhưng việc này sẽ trao cho họ thêm trọng lượng trong những phát biểu tại các định chế và trong các kỳ họp thượng đỉnh của Liên Hiệp Quốc.

Khi hội nghị thông báo thành lập nhóm chuyên trách này, bà Maria Yolanda Campo, thống đốc dân tộc Misak, cách Cali không xa, cho biết : « Tôi xúc động vì cuối cùng chúng tôi đã giành thêm một chiến thắng trong tất cả những cuộc đấu tranh mà chúng tôi đang tiến hành. Đã có máu và rất nhiều người chết, nhưng chị thấy đấy, cuộc đấu tranh của chúng tôi vẫn tiếp tục cho những cộng đồng bản địa như chúng tôi, cho sự sống của hành tình và mọi loài sinh vật và cho những sinh vật có cảm xúc. Chúng tôi muốn sống hòa bình với thiên nhiên ! ».

 

Đó cũng là mong muốn của nước chủ nhà Colombia. Hậu duệ gốc Phi cũng đã được công nhận trước đó, trong một tuyên bố mang tính biểu tượng.

 

Còn về những chủ đề nhạy cảm hơn, những chủ đề cản trở các cuộc đàm phán trong những ngày gần đây, thì vẫn rất mơ hồ. Các nước được cho là sẽ nhất trí về vấn đề chia sẻ lợi ích thu được từ dữ liệu di truyền đa dạng sinh học và về cơ chế đánh giá lộ trình bảo tồn đa dạng sinh học. Nhưng vấn đề tài chính có lẽ sẽ vẫn bế tắc ».

 

----------------------------

Các nội dung liên quan

 

COP16 - TÀI CHÍNH

Ngày cuối Hội nghị LHQ lần thứ 16 về đa dạng sinh học: Chưa quyết định quan trọng nào được thông qua

 

COP16 - THIÊN NHIÊN

Đóng góp tài chính của nước giàu: Bất đồng chính tại COP16 về đa dạng sinh học

 

 

ĐA DẠNG SINH HỌC - COP 16

Hội nghị quốc tế về đa dạng sinh học COP16 khai mạc tại Cali-Colombia






No comments: