Sunday, November 10, 2024

'CỜ NGỤY' và 'NGÓN TAY THỐI' TRONG BẢO TÀNG QUÂN SỰ (BBC News Tiếng Việt)

 



‘Cờ ngụy’ và ‘ngón tay thối’ trong bảo tàng quân sự

BBC News Tiếng Việt

10 tháng 11 năm 202

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cx2njld9wpko

 

Nhiều bức hình chụp một số người trẻ tuổi có cử chỉ mang tính bài xích, đả kích lá cờ vàng ba sọc đỏ trong Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam đã được lan truyền trên mạng xã hội trong những ngày qua.

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/1704/live/1f052510-9b29-11ef-8538-e1655f5a8342.png.webp

 

Cờ vàng ba sọc đỏ là lá cờ của Việt Nam Cộng hòa, một chính thể từng tồn tại ở miền Nam Việt Nam suốt 20 năm, từ 1955 đến 1975.

 

Do Việt Nam Cộng hòa là bên thua cuộc trong Chiến tranh Việt Nam, lá cờ này đã trở thành một biểu tượng cấm kỵ tại Việt Nam kể từ ngày 30/4/1975.

 

 

'Cờ ngụy'

 

Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam được Bộ Quốc phòng đầu tư xây dựng từ năm 2019, trên diện tích 386.600m2 ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, vừa mở cửa đón khách hai ngày 1/11 và 2/11.

 

Một không khí sục sôi đã lại bùng lên sau khi bảo tàng này trưng bày lá cờ VNCH.

 

Ngay lập tức, trên các trang mạng xã hội đã xuất hiện hình ảnh một số người trẻ tuổi đứng cạnh lá cờ VNCH với các cử chỉ mang tính bài xích, đả kích: giơ hai ngón tay gạch chéo tạo thành hình chữ X, giơ ngón tay giữa hay còn gọi là "ngón tay thối",… kèm với những dòng chữ như “cút” hoặc “thua thì nín”.

 

Chính quyền Việt Nam lâu nay vẫn e ngại các biểu tượng liên quan tới VNCH, chẳng hạn các biểu tượng có cờ vàng đều bị gạch chéo trên các hiện vật tại Dinh Độc Lập ở TP HCM.

 

Trong giáo dục và tuyên truyền, người dân được dạy là phải lên án, đả kích lá cờ vàng. Điều này dẫn tới sự hình thành tâm lý “dị ứng” với cờ vàng trong một bộ phận người dân.

 

Giờ đây, với việc một bảo tàng của quân đội trưng bày những lá cờ vàng với chú thích “cờ ngụy”, một cách gọi mang tính miệt thị đối với chính thể từng tồn tại ở phía nam vĩ tuyến 17, nhiều người đánh giá rằng bước đi này không khác gì một sự lĩnh xướng màn đả kích, kích động hận thù mới.

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/868c/live/9a198140-9b26-11ef-82c3-45a801b7330b.png.webp

Trên mạng xã hội lan truyền hình ảnh người trẻ chụp hình với cử chỉ bài xích, đả kích lá cờ VNCH

 

Trang Facebook “Vietnam Projects Construction” có bài viết vào chiều ngày 3/11 với lời bình luận “Trung bình các bản trẻ đi thăm bảo tàng kiểu”, tới sáng ngày 8/11 đã có hơn 6.100 lượt tương tác và hơn 1.800 bình luận.

 

Nhiều bình luận tỏ ý đồng tình với những người trong ảnh, cho rằng làm vậy là đúng vì “mình là bên thắng cuộc”, đồng thời phê phán những ai phản đối hành động là “3 que”, là “lũ cali” (tức California).

 

Ngược lại, nhiều người khác phản đối, cho rằng bảo tàng là nơi tìm hiểu lịch sử nên cần giữ sự khách quan thay vì có thái độ bài trừ, tiêu cực như vậy.

 

Trong một bức ảnh BBC xem được, một lá cờ VNCH trong bảo tàng được chú thích là "Cờ ngụy" - cách gọi mà Giáo sư Alex-Thái Võ từ Trung tâm Việt Nam, Đại học Texas Tech (Mỹ) đánh giá là "phỉ báng".

 

"Nếu chỉ trưng bày lá cờ với những dòng chữ sai lệch, kích động hận thù và chia rẽ, như việc tiếp tục với những từ phỉ báng như 'ngụy', 'ngụy quân ngụy quyền', 'bù nhìn', 'tay sai', hay 'cờ ngụy',v.v…, thì việc đó chưa thể hiện sự trưởng thành và dũng cảm của một thể chế trước những biến động của xã hội," ông nói với BBC ngày 8/11.

 

Cần làm rõ rằng đây không phải hành động bột phát của một nhóm nhỏ mà đã trở thành một “trend".

 

Bài viết trên trang “Vietnam Projects Construction” chỉ là một trong số nhiều bài viết khác trên Facebook. Trong dịp này, trên các nền tảng như TikTok, YouTube cũng có nhiều video với nội dung đả kích lá cờ VNCH.

 

 

‘Não trạng địch ta’

 

Từ Sài Gòn, nhà văn Nguyễn Viện trả lời BBC News Tiếng Việt vào ngày 4/11:

 

“Nếu có những bức ảnh mang tính giễu cợt hay phỉ báng thì tôi cũng không cho rằng đó là một thái độ chính trị mà chỉ nên coi đó là một thái độ văn hóa.

 

“Một thái độ văn hóa trong một bảo tàng lịch sử mà thiếu sự tôn trọng đối với những hiện vật (dù nó mang ý nghĩa gì) cũng là một ứng xử văn hóa biểu hiện sự thất bại của giáo dục.

 

“Một nền giáo dục đã tạo ra những con người thiếu nghiêm trang, thiếu tôn trọng với lịch sử và quá khứ trong một cơ sở cần sự tôn trọng và nghiêm trang như bảo tàng theo cách của một con người có văn hóa là một nền giáo dục thất bại.”

 

Trả lời BBC với điều kiện ẩn danh vào ngày 4/11, một giảng viên đại học từ Hà Nội đánh giá hành động của những người trong ảnh phần nào cho thấy Việt Nam “dạy lịch sử quá kém”.

 

“Tuy nhiên, cũng không nên chỉ đổ lỗi cho giáo viên, mà chúng ta cũng phải thấy công tác tuyên truyền về mặt chính trị của chúng ta quá một chiều, không dạy được cho con người một cái nhìn khách quan, khoa học, bao dung.”

 

Người này nhắc lại vụ việc xảy ra vào hồi tháng Chín khi bà Đàm Bích Thủy, Chủ tịch Sáng lập của Đại học Fulbright Việt Nam, bị nhiều người chỉ trích khi kể lại rằng đã thấy sinh viên của mình khóc sau khi xem một tập bộ phim tài liệu Chiến tranh Việt Nam, với đại ý là họ chưa từng biết rằng người Mỹ cũng đã phải chịu đựng nhiều như vậy.

 

Người giảng viên nói trên cho rằng hiện tượng bà Thủy bị chỉ trích là một biểu hiện cho thấy nhiều người đã không còn cái nhìn đúng đắn, bao dung nữa.

 

“Lớn hơn, nó sẽ gây ảnh hưởng tới thể diện của dân tộc nếu những người có tư duy như vậy đi ra nước ngoài,” người giảng viên này nói thêm.

 

Vào năm 2021, một du học sinh người Việt Nam tại Úc đã giẫm đạp lên một lá cờ vàng ba sọc đỏ treo trên phố và có phát ngôn được cho là thách thức và gây thù hận.

 

VIDEO : Người Mỹ gốc Việt nghĩ gì về cờ VNCH và bạo loạn Điện Capitol?

              https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cx2njld9wpko

 

Quay lại với những bức ảnh nói trên, một cụm từ xuất hiện nhiều là “thua thì nín”, tức nói tới việc quân đội VNCH đã thua trận năm 1975.

 

“Tuy không mang tính phổ quát, nhưng những hành động giễu cợt, phỉ báng này, cho thấy xã hội chúng ta vẫn còn quá nặng nề với quá khứ, vẫn cứ địch – ta, thắng – thua.

 

“Cuộc chiến tranh ấy đã đi qua gần 50 năm. Thế hệ còn dính líu trực tiếp đến chiến tranh đều đã ở giai đoạn cuối của cuộc đời. Vậy thì, nuôi dưỡng não trạng chiến tranh để làm gì?” nhà văn Nguyễn Viện đánh giá.

 

Theo ông Viện, việc người trẻ có “trend" chụp ảnh như vậy không quá nghiêm trọng. Thay vào đó, sự nghiêm trọng, nếu có, sẽ đến từ phía những người có trách nhiệm hướng dẫn dư luận.

 

“Ngoài yếu tố giáo dục học đường, việc ứng xử thiếu văn hóa với lịch sử, theo tôi, còn là hệ quả của cả một quá trình tuyên truyền tập nhiễm từ thời chiến tranh, mà sau 50 năm hòa bình, 'hòa giải' người ta vẫn không thể 'buông súng'. Đây chính là ý nghĩa của tương tàn, nội chiến.”

 

Giáo sư Alex-Thái Võ nhận định rằng cốt lõi của vấn đề nằm ở hệ thống giáo dục và tuyên truyền ở Việt Nam. Ông cho rằng nếu giáo dục và tuyên truyền được thực hiện đúng đắn, giới trẻ sẽ có thái độ khác.

 

"Vấn đề giáo dục và tuyên truyền ở Việt Nam hiện nay có xu hướng tạo nên một cái nhìn hạn hẹp về lịch sử, thiếu sự công bằng và khách quan khi nói về các chính thể trước đây như Việt Nam Cộng hòa.”

 

"Thay vì xây dựng một nền giáo dục phản ánh bức tranh đa dạng của lịch sử, hệ thống tuyên truyền lại thường khắc họa Việt Nam Cộng hòa theo hướng tiêu cực, kích động hận thù và chia rẽ.

 

"Vì vậy, nguồn gốc của hành động thiếu tinh tế từ một số bạn trẻ không hoàn toàn tự phát mà xuất phát từ chính hệ thống giáo dục và tuyên truyền hiện nay, nơi chấp nhận và khuyến khích cách gọi lá cờ là 'cờ ngụy'."

 

Trả lời BBC News Tiếng Việt vào ngày 5/11, ông Nguyễn Quang Duy, chủ tịch Cộng Đồng Người Việt Tự Do tại tiểu bang Victoria (Úc), cho rằng đối với nhiều người trẻ trong nước, “việc không ưa lá cờ Việt Nam Cộng hòa thì điều đó cũng dễ hiểu thôi. Các em sinh ra và lớn lên dưới thể chế cộng sản. Những gì các em được biết chủ yếu là 'một chiều' do Đảng Cộng sản Việt Nam tuyên truyền và giáo dục."

 

Bên cạnh đó, một số người đánh giá rằng hành động của những người trong ảnh, dù có cố ý hay không, là hành động gây chia rẽ cộng đồng, giữa người dân hai miền, giữa những người trong nước và ở hải ngoại.

 

·        Quanh việc Miss Grand Việt Nam Võ Lê Quế Anh bị gán mác ‘ba que’

5 tháng 8 năm 2024

·        O Sen Ngọc Mai và video cờ vàng: Công an vào cuộc, trung ương 'xem xét'

29 tháng 5 năm 2024

·        Vì sao chính quyền Việt Nam e ngại các biểu tượng VNCH?

28 tháng 4 năm 2021

 

 

Khách quan với lịch sử

 

Các biểu tượng VNCH vẫn là điều cấm kỵ với chính quyền Đảng Cộng sản, dù đã gần 50 năm trôi qua kể từ khi chính thể VNCH sụp đổ.

 

Báo chí mọi lúc mọi nơi đều phải kiểm soát chặt, không để lọt các hình ảnh có cờ vàng ba sọc đỏ lên trang báo.

 

Ở các di tích liên quan đến Việt Nam Cộng hòa, cờ vàng trên các hiện vật lịch sử (như máy bay, xe,…) cũng bị gạch chéo, chẳng hạn tại Dinh Độc Lập.

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/03fd/live/f7aa4b50-9b26-11ef-82c3-45a801b7330b.png.webp

Máy bay chiến đấu của VNCH trưng bày trong Dinh Thống Nhất với các biểu tượng bị gạch chéo

 

Trong các nội dung giáo dục và tuyên truyền của chính quyền đối với người dân, đặc biệt là học sinh, sinh viên, lá cờ này là đối tượng cần bị bài xích, phủ nhận.

 

Điều đó đã hình thành một tâm lý “dị ứng”, thù ghét hoặc cảnh giác ở một bộ phận người dân khi thấy hình ảnh lá cờ vàng ba sọc đỏ, theo đánh giá của một nhà quan sát tại Sài Gòn.

 

Bằng chứng là những cá nhân xuất hiện cùng hình ảnh lá cờ VNCH, hoặc những biểu tượng gợi nhắc tới thể chế VNCH, sẽ bị gắn mác “ba que”, “phản động”.

 

Gần đây có các vụ việc của hoa hậu Miss Grand 2024 Võ Lê Quế Anh hoặc của ca sĩ Ngọc Mai (tên đầy đủ Lê Như Ngọc Mai, thường gọi là O Sen Ngọc Mai).

 

Ông Alex-Thái Võ lưu ý rằng ý nghĩa của những hiện vật này không chỉ nằm ở sự hiện diện mà còn ở cách chúng được giải thích.

 

“Lá cờ vàng ba sọc đã có một bề dày lịch sử từ thời Nguyễn, không chỉ giới hạn ở giai đoạn 1955 đến 1975, nên việc trưng bày với sự giải thích công tâm về nguồn gốc và ý nghĩa của nó là điều cần thiết để giảm sự ngộ nhận và ác cảm.

 

"Điều này cũng sẽ chứng minh sự bao dung và trưởng thành của một quốc gia đối với con người và lịch sử của mình,” ông nói.

 

Vấn đề đặt ra là tại sao đã gần 50 năm trôi qua, thái độ của chính quyền hiện tại vẫn còn gay gắt như vậy.

 

Nhà văn Nguyễn Viện tin rằng chính quyền không sợ VNCH đến mức gần 50 năm vẫn cứ phải “hơn thua hay đề phòng”.

 

“Mà họ mượn con ma Việt Nam Cộng Hòa chỉ để biện minh cho chính nghĩa và sự tồn tại của mình,” ông nói.

 

“Bản chất của những người theo chủ nghĩa cộng sản là bản chất của người đấu tranh được xây dựng trên lòng căm thù."

 

“Những người cộng sản Việt Nam cũng nằm trong quy luật này, hơn thế, họ còn phải đối diện với một cuộc chiến không chấp nhận thua, vì thế căm thù không chỉ là động lực, mà còn là phương thức."

 

“Lẽ ra, sau 1975, sự căm thù ấy phải được thay thế bằng sự khoan dung. Nhưng tiếc thay, như chúng ta thấy, sự căm thù tiếp tục được cổ vũ. Điều này cho thấy người cộng sản không đủ tự tin trong xây dựng hòa bình.”

 

Hồi tháng Chín, ông Tô Lâm, khi đó giữ chức tổng bí thư và chủ tịch nước, đã tới thăm và phát biểu tại Đại học Columbia (Mỹ).

 

Sau bài phát biểu, ông Tô Lâm nhận câu hỏi từ Giáo sư Nguyễn Thị Liên Hằng, Giám đốc Viện Đông Á Weatherhead thuộc Đại học Columbia.

 

Bà Hằng nhắc lại câu nói của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt rằng ngày 30/4 là một sự kiện khiến triệu người vui nhưng cũng có triệu người buồn.

 

"Dưới sự lãnh đạo của mình, ông sẽ làm gì để thúc đẩy sự hòa giải giữa những người Việt Nam?" Giáo sư Liên Hằng hỏi.

 

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cho biết dù chiến tranh đã đi qua gần 50 năm, nhưng quá khứ sẽ không bị lãng quên. Tuy vậy, việc quan trọng là rút ra bài học từ quá khứ để hướng tới tương lai hòa bình và ổn định. Ông chỉ nói chung chung, và hướng sang chủ đề hòa giải giữa Việt Nam và Mỹ, mà không trả lời thẳng vào trọng tâm câu hỏi là sự hòa giải giữa người Việt Nam với nhau, hay còn gọi là hòa hợp, hòa giải dân tộc.

 

Lý giải về thái độ của chính quyền Việt Nam, ông Alex-Thái Võ cho rằng đó là cách Đảng Cộng sản Việt Nam sử dụng để bảo vệ tính chính danh của mình và duy trì sự kiểm soát chính trị và tạo ra một không gian xã hội thống nhất dưới biểu tượng và giá trị của mình.

 

“Chính quyền có thể lo ngại rằng sự nhìn nhận công tâm về lịch sử VNCH sẽ làm lung lay tính chính đáng của họ hoặc tạo điều kiện cho những quan điểm đối lập phát triển.”

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/ae9c/live/3cf7fe50-9b27-11ef-82c3-45a801b7330b.png.webp

Giáo sư Nguyễn Thị Liên Hằng và Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi nói chuyện hôm 23/9. Ảnh chụp màn hình từ chương trình trực tiếp của Đại học Columbia.Nguồn hình ảnh,Ảnh chụp màn hình

 

Theo ông Alex-Thái Võ , có ít nhất bốn cách mà chính quyền có thể thực hiện để bắt đầu quá trình hòa hợp, hòa giải, gồm:

 

- Trưng bày và giải thích lịch sử một cách khách quan: ở các viện bảo tàng, trên truyền thông, báo chí với những lời giải thích trung thực và không thiên kiến để giảm thiểu sự ngộ nhận và thúc đẩy sự hiểu biết.

 

- Cải thiện giáo dục lịch sử: Hệ thống giáo dục nên được điều chỉnh để dạy về lịch sử với cách tiếp cận đa chiều, phản ánh đầy đủ những biến động và sự đa dạng của lịch sử Việt Nam, thay vì khắc họa một chiều, giúp thế hệ trẻ hiểu sâu sắc và khách quan hơn về quá khứ.

 

-  Xây dựng các chương trình đối thoại và giao lưu, đặc biệt giữa những cá nhân/thế hệ có quan điểm khác nhau như các diễn đàn, chương trình đối thoại giữa cộng đồng người Việt trong và ngoài nước.

 

-  Tạo điều kiện cho tự do ngôn luận và thảo luận lịch sử: Hòa giải và rồi hòa hợp chỉ có thể đạt được khi có không gian cho các quan điểm lịch sử đa dạng. Điều này không chỉ củng cố tính đa nguyên mà còn tạo nền tảng cho một xã hội trưởng thành, nơi mọi người có thể nhìn nhận và học hỏi từ quá khứ một cách xây dựng.

 

Quay lại lá cờ VNCH ở bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, ông cho rằng nên chuyển cách gọi từ "cờ ngụy" thành cách gọi như “Chính quyền Việt Nam Cộng hòa”, “Chính quyền Sài Gòn” hoặc “Chính quyền miền Nam.".

 

Đây là những bước nhỏ mà ông cho rằng sẽ góp phần mở ra một con đường mới để hàn gắn giữa con người với lịch sử và giữa con người với nhau, "tạo nền tảng cho sự cảm thông và hiểu biết lẫn nhau".

 





No comments: