Chuyện
dài bầu cử Tổng thống Mỹ (Kỳ 1)
Đinh Từ Thức
30/10/2024
https://baotiengdan.com/2024/10/30/chuyen-dai-bau-cu-tong-thong-my-ky-1/
Kỳ
1: Hillary và Trump, vừa bầu vừa bực, năm 2016
---------
Chuyện dài bầu cử Tổng
Thống Mỹ (Kỳ 2)
Đinh Từ Thức
31/10/2024
https://baotiengdan.com/2024/10/31/chuyen-dai-bau-cu-tong-thong-my-ky-2/
Kỳ
2: Biden và Trump, lớn và không chịu lớn, năm 2020
--------
Chuyện dài bầu cử Tổng Thống
Mỹ (Kỳ 3, cuối)
Đinh Từ Thức
03/11/2024
https://baotiengdan.com/2024/11/03/chuyen-dai-bau-cu-tong-thong-my-ky-cuoi/
Kỳ
cuối: Tỉnh dậy! Tỉnh dậy!
.
.
.
Cú
đấm định mệnh
Mặc
dù đã được 14 triệu cử tri trong cuộc bầu cử sơ bộ chọn làm đại diện Đảng Dân
Chủ để tái ứng cử tổng thống năm 2024, nhưng sau khi tỏ ra quá tệ trong cuộc
tranh luận với đối thủ Donald Trump vào cuối tháng Sáu, Tổng Thống Joe Biden đã
đành tuyên bố rút lui vào ngày Chủ Nhật 21 tháng 7, nhường cho Phó Tổng Thống
Kamala Harris tranh chức tổng thống. Ông Trump vốn chê ông Biden già nua lẩm cẩm,
bây giờ ông là ứng cử viên già nhất, có lẩm cẩm hay không, tùy người đối diện.
Nhìn
bề ngoài đã thấy hai ứng cử viên hàng đầu khác nhau như nước với lửa. Một người
hay cười, khiến những người không ưa gọi là cười vô duyên. Một người hầu như
không biết cười, luôn chũm miệng chửi, có duyên hay không, cũng tuỳ người đối
diện.
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2024/11/1-4-768x541.jpeg
Phó
TT Kamala Harris hay cười và cựu TT Donald Trump hay chu miệng chửi. Nguồn:
Internet
Cả
hai cùng là nhân vật quan trọng trên chính trường, nhưng địa vị cao thấp khác
nhau; cử tri biết về ông Trump nhiều hơn bà Harris. Người viết chú ý tới bà
Harris lần đầu tiên qua buổi truyền hình trực tiếp cuộc tranh luận sơ bộ giữa
các ứng viên thuộc đảng Dân Chủ, vào cuối năm 2019. Trong đám vài chục ứng cử
viên, ông Biden là người già nhất, và từng có chức vụ cao nhất, là cựu phó tổng
thống, ai cũng muốn tấn công ông, để sớm được chú ý. Bà Harris đã phóng ra một
đòn hiểm, khiến ông chới với, chỉ đứng chớp mắt chịu trận, không nói lại được lời
nào. Ông bị tố là người từng đứng về phe kỳ thị, chống lại chương trình dùng xe
bus chở học sinh da đen tới học chung với học sinh da trắng, mà chính bà Harris
từng là một trong số nữ sinh da đen hàng ngày đứng đợi xe bus.
Nhưng
ngược lại, chính cú đòn hiểm của bà Harris đã làm lợi cho ông Biden không ít.
Trên ba chục năm làm Nghị Sĩ tại Quốc Hội Liên Bang, ông đã nổi tiếng là người
thân phía đen, cộng với tám năm làm phó cho ông tổng thống da đen đầu tiên, nhờ
cú đánh của Harris, phía Dân Chủ ngộ ra rằng, cần một Biden có gốc phò trắng, để
chia phiếu của Trump. Rồi cuối cùng, Biden chọn Harris làm phó, vừa được tiếng
bao dung, không thù oán, vừa có thêm phiếu của thành phần gốc vàng. Cho nên,
sau khi rút lui khỏi cuộc đua, nhường cho Harris, Biden đã tuyên bố “quyết định
quan trong nhất trong cuộc đời chính trị của tôi, là chọn Harris làm phó”.
Biden bắt đầu tranh cử tổng thống vào cuối thập niên 80 thế kỷ trước, rồi trên
20 năm sau, trong cuộc tranh cử thứ nhì, mới được làm phó tổng thống, và trên
mười năm nữa, trong cuộc tranh cử thứ ba, mới được chức tổng thống.
So
với Biden, Harris đốt giai đoạn, lên quá nhanh. Con đường Biden đi trên ba chục
năm, Harris chỉ cần bốn năm. Mới thử thời vận lần đầu năm 2019, đã được làm
nhân vật số hai năm 2020. Bốn năm sau lại được Biden đẩy lên địa vị số một
trong cuộc chạy đua 2024. Bởi thế, có dư luận coi Harris là phiên bản nữ của
Obama. Cả hai người cùng còn trẻ, cùng trong hoàn cảnh khó khăn thời niên thiếu,
lớn lên từ gia đình đổ vỡ, cùng thuộc thành phần thiểu số, lai da đen, trong một
đất nước chưa hoàn toàn thoát khỏi ám ảnh kỳ thị.
Từ
Obama đến Harris
Được,
hay bị, so sánh với Obama, lợi hay hại cho Harris? Trong một bài về cuộc bầu cử
tổng thống Mỹ năm 2008, đăng trên Talawas vào tháng 9 năm đó, người viết đã mô
tả nỗi khó xử của cử tri bấy giờ, qua tựa bài “Vừa bầu vừa run” .
Run, vì bầu cử tổng thống là việc làm trọng đại, có liên hệ tới vận mạng quốc
gia, mà giữa hai ứng cử viên, không biết chọn ai cho đúng.
Đại
diện đảng Dân Chủ là một ông còn trẻ, mới 47 tuổi, nói hay, học giỏi, tốt nghiệp
tiến sĩ luật từ Harvard. Tuổi tác và học lực được rồi. Nhưng điều khiến người
ta run sợ, là cái tên, và gốc gác châu Phi của ông. Mới 7 năm sau vụ tấn công
rúng động nước Mỹ và thế giới vào ngày 11 tháng 9 năm 2001, do một người Hồi
giáo ở Trung Đông là Osama bin Laden chủ mưu, thế mà một trong hai ông ứng cử
viên Tổng Thống Mỹ có tên đầy đủ là, Barack Hussein Obama. Hussein
là tên nhà độc tài Hồi giáo nổi tiếng tàn ác của Iraq. Và chỉ cần đổi chữ “b”
thành chữ “s”, Obama thành Osama.
Trong
khi ấy, một người mới có ý định tranh cử, nhưng chưa thực sự nhập cuộc, là ông
Donald Trump, đã thả một con vịt cồ để dò đường. Ông phao tin rằng Obama được
sinh ra ngoài nước Mỹ, không có quốc tịch Mỹ từ khi mới sinh, nên không đủ điều
kiện ứng cử tổng thống. Trao vận mạng nước Mỹ, trong đó có cả vận mạng mình và
con cháu mình cho một ông như vậy, không run sao được.
Đối
thủ của ông có cái tên dễ sợ trên đây, là Nghị sĩ John McCain, đại diện Đảng Cộng
Hoà. Đảng này vốn có khuynh hướng bảo thủ, người đại diện tranh chức tổng thống
thường thuộc loại chững chạc, có uy tín; trừ trường hợp Nixon bê bối, đã bị đảng
mình ép phải từ chức. Nhưng chính ông McCain, tuy bằng tuổi bố ông Obama, tự nhận
mình là một thứ “maverick”, đồng nghĩa với bad boy, là kẻ bạt mạng, ngoài vòng
kiềm toả, giống một thứ ngựa hoang. Trước khi xuất thân là một phi công từ trường
sĩ quan Hải Quân, ông đã đập bể hai máy bay trong thời gian huấn luyện, và ra
trường hạng 5, đếm ngược từ hạng bét, trong khoá học trên 800 người.
Phải
chọn một trong hai ông trên đây làm Tổng Thống Mỹ, cũng là lãnh đạo cửa thế giới
tự do; có quyền bấm nút ra lệnh thả bom nguyên tử. Không run sao được!
Và
rồi, như lịch sử chưa ráo mực đã ghi, mười năm sau vụ khủng bố long trời lở đất
11 tháng 9, vào gần nửa đêm 2 tháng 5 năm 2011, tại Bạch Ốc, Tổng Thống Obama
đã loan báo trước quốc dân và thế giới, Osama đã bị tiêu diệt, do lệnh của ông.
Ai hay rằng, một ứng cử viên ít người biết và bị nhiều nghi ngại bốn năm trước,
đã tạo được thành tích lẫy lừng như thế? Cũng nên ghi rằng, trong vụ này, người
đầy kinh nghiệm chính trị và ngoại giao là ông Phó Biden đã chống lại, vì sợ thất
bại cay đắng như vụ cứu trên năm chục con tin Mỹ bị giữ tại Iran, thời Tổng Thống
Carter.
Cũng
chính ông Obama đã ổn định được tình hình kinh tế rối loạn và tồi tệ vào cuối
nhiệm kỳ nhì của ông Bush con. Những thành tích ngoạn mục trên đã giúp ông
Obama được dễ dàng tái cử vào năm 2012. Và sau hai nhiệm kỳ, khi từ biệt Nhà Trắng
vào trưa ngày 20 tháng 1, 2017, ông Obama đã không để lại tai tiếng đáng kể nào
có thể sánh với những dư âm xấu từ thời Nixon, Clinton, và Bush con. Obama là tổng thống da đen đầu tiên
trong lịch sử Mỹ, đã chứng tỏ được khả năng cao độ của mình, và không làm hổ
danh tập thể da mầu; mở đường cho những người như Harris.
Nếu
đắc cử kỳ này, Kamala Harris là nữ tổng thống đầu tiên, sau khi là nữ phó tổng
thống đầu tiên, từ bốn năm trước. Nhưng, nếu mục đích số một của bà Hillary
Clinton là trở thành nữ tổng thống đầu tiên, thì Kamala Harris coi nhẹ chuyện
này. Có lẽ, từ bài học thất bại của Hillary, tại đại hội đảng Dân Chủ, cũng như
tại các cuộc vận động tranh cử, Kamala không coi chuyện trở thành nữ tổng thống
đầu tiên là điều quan trọng.
Biden – Harris
Từ
khi được đôn lên đứng đầu liên danh Dân Chủ, Kamala Harris bị Trump và các thuộc
hạ chĩa mũi dùi tấn công, coi như Harris phải chịu trách nhiệm về mọi cái xấu
dưới chính quyền Biden. Thật ra, phó tổng thống có một vai trò rất giới hạn, do
đó, không chia sẻ tất cả vinh – nhục với việc làm của tổng thống. Ông Phó
Johnson của Kennedy không phải chia sẻ trách nhiệm về vụ chết thảm của anh em
ông Diệm. Ông Phó Agnew của Nixon từ chức năm 1973 vì trốn thuế, không liên hệ
gì tới vụ Watergate; ông Phó Biden không được kể công cùng với ông Obama trong
vụ tiêu diệt Osama, vì ông không đồng ý với quyết định táo bạo này. Và đặc biệt
ông Phó Pence, ai có thể bắt ông chia sẻ trách nhiệm với ông Trump trong vụ bạo
loạn tại Quốc Hội ngày 6 tháng 1 năm 2021?
Nhưng
ông Trump nhất định cột bà Harris vào khủng hoảng biên giới thời ông Biden.
Theo BBC ngày 2 tháng 10, ông Trump tố cáo rằng “13.000 kẻ giết người bị kết án
đã nhập cảnh vào đất nước chúng ta trong thời gian ba năm rưỡi bà làm ‘Sa hoàng
Biên giới’,” và họ được phép “đi lại công khai trên đất nước chúng ta”. Nghe
nói vậy, ai chả sợ. Kỹ thuật vận động của ông Trump là hù cho người ta sợ, rồi
hứa làm cho người ta hết sợ. Trên chục ngàn tên giết người từ nước ngoài được
nhập cảnh, và công khai đi lại trên đất Mỹ. Khiếp! Nghe lạnh xương sống! Biết
đâu chả có vài tên đang sống gần mình.
Cũng
may, hai chuyên gia Jake Horton và Lucy Gilder của BBC Verify, đã
kiểm chứng để biết sự thật, và cho hay, nghe vậy mà không hẳn như vậy. Sau khi
tìm hiểu từ ICE (Immingration and Custom Enforcement—Cơ quan Thực thi Di trú và
Hải quan), và DHS (Department of Homeland Security — Bộ An ninh Nội địa) của Mỹ,
BBC cho biết: Các dữ liệu được công bố (mà ông Trump dựa vào đó để buộc tội bà
Harris) lấy từ nội dung bức thư do ICE trả lời một Dân Biểu Cộng Hòa là ông
Tony Gonzales, theo lời yêu cầu của ông này. Nhờ sự tìm hiểu của BBC, người ta
được biết hai điều:
Một
là, 13 ngàn người nhập cư Mỹ có liên hệ tới án giết người là đúng. Họ không có
tên trong số những người đang bị ICE giam giữ, cũng đúng. Nhưng ICE không phải
là nhà tù duy nhất trên đất Mỹ. Không bị ICE giam giữ, không có nghĩa họ được tự
do đi lại, và có thể họ đang bị giam giữ tại các nhà tù khác, thuộc thẩm quyền
của cơ quan khác.
Hai
là, không phải tất cả 13 ngàn người có tiền án trên đây đã vào Mỹ trong ba năm
rưỡi vừa qua. Họ là những người đã tới Mỹ từ 40 năm qua, trải qua nhiều đời tổng
thống, trong đó có cả Trump và Biden.
Tìm hiểu về
tình trạng người phạm pháp đang được tự do đi lại ở Mỹ dưới thời Biden/ Harris,
người viết chợt nhận ra rằng, hiện có ít nhất hai phạm nhân đại hình, thuộc diện
nhập cư từ nhiều đời; tuy chưa tuyên án, nhưng đã bị xử và buộc tội, 2 convicted
felons, hầu như ai cững biết, chẳng những đang được tự do đi lại, còn được
chửi bới vung vít, và được mật vụ bảo vệ an ninh. Đó là Donald Trump và Hunter
Biden.
Trump
và Harris
Chuyện
dài bầu cử này bắt đầu từ Hillary – Trump, rồi Trump – Biden, và bây giờ là
Trump – Harris.
Sụ
khác biệt rõ rệt như đêm với ngày giữa Trump và Harris, bắt đầu từ nghề nghiệp
của hai người, trước khi tham dự cuộc đua. Trump thừa kế cha, là một nhà kinh
doanh địa ốc. Một lãnh vực có liên hệ nhiều tới đất đai của cải và được quy định
chặt chẽ bởi luật lệ, do cả tư nhân và công quyền quản trị. Ông Trump tự nói ra
rằng, xã hội hiện tại có nhiều thối nát, cẩn sửa chữa, như tát cạn một vũng lầy.
Chính ông đã cho tiền rất nhiều người, kể cả những người thuộc đảng Dân Chủ,
như ông bà Clinton. Ông cho họ, đến khi ông cần điều gì, họ sẽ giúp ông. Khi
ông gọi, vẫn theo lời ông, họ sẽ sẵn sàng hôn đít ông. Cho nên, ông cho rằng,
tình trạng này cần phải được cải thiện.
Chi tiền để
hưởng đặc ân trong việc kinh doanh, có khác gì nuôi tham nhũng. Ông nuôi tham
nhũng, rồi hô hào bầu cho ông để diệt tham nhũng. Trong khi ấy, nghề nghiệp bà
Harris trước khi tham gia chính trường thuộc ngành công tố, nhiệm vụ chính là
tóm cổ kẻ phạm pháp để trừng phạt theo luật. Một đàng nuôi kẻ phạm pháp, một
đàng bắt kẻ phạm pháp; nếu có sự kình chống nhau như kẻ thù, cũng dễ hiểu.
Khẩu
hiệu tranh cử của ông Trump là MAGA, Make America Great Again. Làm cho nước Mỹ
vĩ đại trở lại. Nói tới “again”, là muốn trở lại với cái gì đã từng xảy ra
trong quá khứ. Nước Mỹ đã có một thời vĩ đại, với đàn ông da trắng là những chủ
nhân với quyền năng tối thượng, bọn da đen, da nâu, da vàng đều thuộc thành phần
cu li, bồi bếp; cả trên phim ảnh, cũng như ngoài cuộc đời. Mong làm lại một cái
gì, là muốn trở lại quá khứ. Nhưng thời gian trôi không ngừng, đuổi bắt quá khứ
là đi giật lùi.
Trong
khi ấy, bà Harris hô hào “We are not going back”, chúng tôi không đi lui. Không
giật lùi là tiến về phía trước. Kamala nghe lời mẹ dạy từ nhỏ: Đừng bao giờ ngồi
than phiền về những gì mình không vừa ý, hãy làm một cái gì để sửa đổi. Harris
chủ trương “Fight for the future”, chiến đấu cho tương lai. Sau khi bị bắn hụt
chiều 13 tháng 7, ông Trump giơ tay hô: Fight! Fight! Fight! Ông chiến đấu cho
quá khứ.
Cho nên, năm 2008, giữa Obama và McCain, nếu có cử
tri run sợ vì không biết chọn ai, thì năm nay, tình hình rõ ràng hơn. Harris đi
tới, Trump đi lui, ưng ai, xin tuỳ tâm nhập bọn.
Vai
chính – vai
phụ
Mỗi
liên danh, ngoài nhân vật chính, còn nhân vật số hai. Rất nhiều ứng cử viên tổng
thống đã chọn người đối đầu với mình ở cấp sơ bộ đứng chung liên danh, như ông
Kennedy chọn ông Johnson, ông Reagan chọn ông Bush bố, ông Obama chọn ông
Biden, và ông Biden chọn bà Harris. Nhưng cả ông Trump và bà Harris đều chọn
vai phó cho mình trong trường hợp khác thường.
Vì
ông Biden bất ngờ rút lui khỏi cuộc đua, đẩy bà Harris từ số hai lên số một,
khiến bà phải hấp tấp chọn người thay thế mình. Bà đã chọn ông Tim Walz, Thống
Đốc bang Minnesota; một bang có khuynh hướng Cộng Hòa, và ông đã hai lần đắc cử
với tư cách ứng cử viên Dân Chủ. Đó là một thành tích đáng kể.
Phía
ông Trump đã không chậm trễ, tặng ngay ông Walz cái tên mới là Tampon
Tim. Nguyên do là năm ngoái, Thống Đốc Walz đã ký ban hành đạo luật buộc
các trường công ở Minnesota phải cung cấp miễn phí vật dụng dùng cho nguyệt kỳ,
tại các phòng vệ sinh thường dùng cho học sinh từ lớp 4 đến lớp 12. Có nghĩa
là, nếu nữ sinh cải giống thành nam sinh, và sử dụng chung phòng vệ sinh với
phái nam, thì ở đây cũng phải có tampon. Phía Cộng Hoà chống cải giống, nên đã
tặng ông Walz danh hiệu có liên hệ tới tampon.
Nhưng
danh hiệu này đã có phản ứng ngược, chứng tỏ ông Walz là người phóng khoáng. Đi
tới, không đi lui. Cô Bee Nguyễn, một cựu nghị viên gốc Việt bang Georgia, cho
biết, cái tên
mới
của ông Walz khiến cô ủng hộ ông nhiều hơn. Về phần ông, chỉ cười, không cảm thấy
bị xúc phạm bởi cái tên Tampon Walz.
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2024/11/1-5-768x474.jpeg
Hai
ứng viên Phó TT đã được bà Harris và ông Trump chọn: Thống Đốc Tim Walz và Nghị
Sĩ JD Vance
Vai
phó của ông Trump cũng được chọn trong hoàn cảnh khác thường. Trong cuộc bầu cử
2016 và 2020, phó của ông là Mike Pence, Thống Đốc bang Indiana. Khác hẳn ông
Trump, ông Pence là người nổi tiếng đạo hạnh và tôn trọng luật lệ. Ông đã tự hứa
không bao giờ có mặt trong phòng với một phụ nữ không phải vợ mình. Thử tưởng
tượng, ông Trump mà tự hứa như vậy, còn gì là Trump.
Ông
Pence đã nghiêm túc phục vụ ông Trump suốt nhiệm kỳ đầu và vẫn đứng chung liên
danh tái tranh cử năm 2020. Nhưng người trọng nguyên tắc như ông Pence, không
thể tiếp tục đồng ý với ông Trump về kết quả cuộc bầu cử 2020. Ông Trump không
chịu thua, ép ông Pence phủ nhận kết quả bầu cử. Ông Pence không chịu, Trump hô
hào những người ủng hộ biểu tình kéo tới Quốc Hội làm áp lực vào ngày 6 tháng 1
năm 2021, mang theo cả dàn thòng lọng đòi treo cổ ông Pence. Có người lo ngại
nói với ông Trump, sợ tính mạng ông Pence có thể bị nguy hiểm. Trump hỏi lại: “So
what?” Thì sao?
Trump
gọi đám biểu tình là những người yêu nước. Sau cảnh hỗn loạn, có người chết và
bị thương, đồ đạc bị phá, ông Pence tái chủ toạ phiên họp Quốc Hội sau nửa đêm,
chính thức chấp nhận liên danh Biden/ Harris thắng, và liên danh Trump/ Pence
thua. Nước Mỹ còn tồn tại cho đến nay là nhờ những người cương trực như Mike
Pence.
Ma
tuý Trump
Pence
ra đi, Trump vẫn thế. Trump thay Mike Pence bằng James David Vance (viết tắt là
JD Vance), trong liên danh tranh cử năm 2024. Vance còn trẻ, mới 40 tuổi, xuất
thân từ trường luật danh tiếng Yale. Khi Trump đắc cử tổng thống năm 2016,
Vance nổi tiếng nhờ cuốn hồi ký Hillbily Elegy, nói về cuộc đời
niên thiếu đầy khó khăn của mình.
Vào
đúng ngày Lễ Độc Lập Hoa Kỳ, 4 tháng 7 năm 2016; bốn tháng trước ngày Donald
Trump đắc cử tổng thống thứ 45, trên tạp chí The Atlantic đăng một bài của JD
Vance, phân tích về sự thu hút của Trump trước công chúng, nhan đề Opioid
of the Masses (Thuốc mê của quần chúng). Mẹ Vance là người nghiện ma
tuý nặng, và gia đình cùng hàng xóm rất nhiều người nghiện, không nghiện thuốc
thì nghiện rượu, nên tác giả biết rõ tiến trình nghiện ngập như thế nào. Một sự
thấm nhập lâu dài, không do tấn công, mà do mời gọi.
Theo
JD Vance, người tìm đến ma tuý thường do thất vọng từ một nỗi buồn nào đó. Buồn
vì thất nghiệp bởi công việc bị mang ra nước ngoài do toàn cầu hoá, hay người
nhập cư vào thay thế. Buồn vì nạn ly dị gia tăng trước nếp sống mới. Cựu quân
nhân về từ Việt Nam, hoặc sau này từ mặt trận Trung Đông, buồn vì bị nhìn như
những kẻ bại trận, không được kính trọng và săn sóc chu đáo. Buồn vì cảm thấy bất
lực trước cuộc sống đi vào ngõ cụt. Rồi Donald Trump, một diễn viên truyền hình
nổi tiếng, nhờ được thổi phồng bởi báo chí lá cải, xuất hiện như một anh hùng
cái thế đem sức mạnh tới, thách thức phá tan mọi trở ngại để kiến tạo một cuộc
sống mới, mọi sự đều tốt đẹp.Tham dự một buổi tụ họp do Trump nói chuyện như được
chích một liều thuốc giảm đau. Theo Vance, thứ thuốc này nhập vào đầu óc người
ta, không qua phổi hay mạch máu, nó vào qua mắt, qua tai, và tên nó là Donald
Trump.
Người
viết lớn lên từ một vùng nông thôn ở Bắc Việt Nam, từng được chứng kiến sự thu
hút quần chúng diễn ra cách khác. Trong khi bổn đạo bị bắt buộc phải tới nhà thờ
xem lễ ngày chủ nhật, ít hấp dẫn nhất là phần nghe cha giảng đạo đức; rất nhiều
người ngồi chán nản, ngáp dài hay ngủ gật. Nhưng trong cuộc sống thường ngày, mỗi
khi có một bà đanh đá vén váy trước cửa, lớn tiếng chửi bới rất tục, như kiểu
chửi mất gà, thì lập tức, có đông người bu lại xem và nghe. Nhất là, khi nào có
vài anh hề của đám sơn đông mãi võ khua chiêng gõ trống, múa may quay cuồng
trong khi bán dầu cù là, hoặc vài thứ thuốc nói là thuốc tiên, có thể chữa đủ
thứ bệnh thì chẳng mấy chốc, người kéo đến đông như ngày hội.
Trong
những buổi tụ họp vận động của ông Trump cũng có đủ bộ, cả chửi bới, múa may
quay cuồng, kèn trống, hề làm trò, bán đủ thứ, như mũ MAGA, đồng hồ mang nhãn
hiệu TRUMP nhưng không biết hãng nào chế tạo, mỗi cái giá từ mấy trăm đến một
trăm ngàn đô, giầy thể thao giá cắt cổ, Thánh Kinh in lại không tốn bản quyền
mang nhãn hiệu Trump, khung ảnh lồng hình Trump, do Cảnh Sát chụp khi Trump lăn
tay chụp hình theo thủ tục áp dụng cho mọi bị cáo; được Trump sử dụng như một bằng
chứng Trump bị bách hại để gây phẫn nộ trong giới ủng hộ. Và tất nhiên, phần
chính là những lời hứa của ông Trump, có thể giải quyết mọi khó khăn, nếu ông đắc
cử.
Ông
Trump xuất hiện ở Mỹ vào thời đại giao thông và truyền thông thuận tiện chưa từng
có, số người bị ông thu hút không chỉ là một khu phố hay một xóm làng, mà là
hàng triệu, hàng chục triệu người, rải rác khắp nơi.
Ông
Vance cho rằng, ông Trump là một thứ ma tuý văn hoá “Trump is cultural
heroin” làm cho người ta cảm thấy dễ chịu trong chốc lát, nhưng không
chữa được căn bệnh. Và ông Vance tin rằng cuối cùng, người bị mê sẽ tỉnh dậy,
nhận ra thực tại. Nhưng chưa biết khi nào.
Từ
chống đến phò
Bài
phân tích về Donald Trump xuất hiện bốn tháng trước cuộc bầu cử năm 2016, Vance
hy vọng người dân sẽ thức tỉnh khi Trump thất cử. Nhưng Trump đã đắc cử trước sự
ngạc nhiên của nhiều người. Dân tiếp tục cơn mê với những lời hứa viển vông,
như bức tường ngăn bọn xấu xâm nhập từ phía Nam sẽ được hoàn thành mà không tốn
xu nào, vì Mexico sẽ phải trả hết. Rồi Covid-19 ập đến với những lời hứa tiếp
theo. Mỗi buổi chiều, ông tổng thống cựu diễn viên Truyền hình Thực tế xuất hiện
trên TV đóng vai hoạt náo viên, trấn an dân chúng: Đừng sợ, không cần đeo khẩu
trang, có thể uống hay tiêm thuốc sát trùng vào người để tiêu diệt vi trùng dịch.
Rồi
Trump thất cử năm 2020, nhưng nhất định không chịu thua, mặc dù thua Biden/
Harris tới hơn 7 triệu phiếu đại chúng, và 74 phiếu cử tri đoàn, mà không nêu
được bằng chứng gian lận nào. Nhưng hàng triệu người trong cơn mê vẫn chưa tỉnh,
tin Trump không thua. Lúc đầu, Vance từ chối, không chịu nói rõ mình tin hay
không tin Trump thua. Cuối cùng, cũng nói Trump không thua, cho vừa lòng bề
trên. Người khác theo Trump trong cơn mê, Vance chống rồi phò Trump trong tỉnh
thức.
Nhiều
người dân chưa có cơ hội tỉnh ngộ, trong khi Vance gặp cơ hội mới. Năm ngày sau
khi Trump rời Nhà Trắng, nghị sĩ Cộng Hoà Rob Portman, đại diện Ohio tại Thượng
Viện, tuyên bố không tái tranh cử năm 2022. Được sự ủng hộ và giúp hàng chục
triệu của tỉ phú Peter Thiel, JD Vance ứng cử để thế chỗ Portman.
Công
việc đầu tiên của một ứng cử viên là thăm dò dân ý. Thấy đa số cử tri Ohio vẫn
còn trong cơn mê Trump, Vance bèn tìm tới Mar-a-Lago gặp Trump, ca bài con cá.
Vance thú nhận đã viết sai về Trump, cúi đầu xin lỗi, và hết lời ca tụng Trump
là người sáng suốt. Mong Trump bỏ qua chuyện cũ, và sớm lên tiếng ủng hộ Vance
trong cuộc đua vào Thượng Viện. Vance là một trong số ít người được Trump ủng hộ
đã đắc cử vào Quốc Hội năm 2022.
Tại
Quốc Hội, Vance luôn bênh vực Trump, biểu lộ lòng trung thành với Trump tới mức
bỏ cả họp Quốc Hội, cùng một số dân cử kéo tới ồn ào hậu thuẫn cho bị cáo Trump
tại phiên toà ở New York vào tháng 5 năm 2024. Kết quả là, Trump đã bị xử có tội
về tất cả 34 khoản theo cáo trạng. Sau ngày bị ám sát hụt, Trump đã chọn Vance
làm ứng viên phó tổng thống.
Khác
với bà Harris, đã được chọn làm phó tổng thống nhờ đánh thẳng vào chỗ hiểm của
ông Biden. Ông Vance được chọn làm ứng viên phó tổng thống, nhờ gãi đúng chỗ ngứa
của ông Trump, người cần tiếng khen như dưỡng khí.
Tại
Đại Hội Đảng Cộng Hoà vào tháng Bảy, trong lời giới thiệu chồng đọc diễn văn chấp
nhận đề cử của Đảng, bà Usha Vance nhận xét về chồng mình: Kể từ ngày lấy nhau
mười năm trước, ông ấy vẫn vậy, không có gì thay đổi, trừ bộ râu. Một lời khen
mơ ước của mọi người chồng, nếu được phát biểu vào dịp kỷ niệm mười năm hôn phối.
Nhưng giữa một đại hội chính trị quan trọng, bốn năm mới có một lần, nhận xét của
bà Vance có vấn đề. Có thể trong mười năm, ông Vance vẫn chung thủy, không có
gì thay đổi trong tình nghĩa vợ chồng. Nhưng về mặt chính trị, mọi người đều thấy
rõ, ông Vance đã thay đổi 180 độ; từ chỗ coi Trump như một thứ ma tuý mê hoặc
người đời, tới chỗ ca tụng Trump như một lãnh tụ anh minh.
Trong
khi theo chồng trên đường vận động tranh cử, người ta thấy trên tay bà Vance
lúc nào cũng có cuốn sử thi Hy Lạp dầy cộm. Được hỏi nguyên do, bà nói, vì con
bắt đầu đọc thần thoại Hy Lạp, bà đọc cho biết, để trả lời thắc mắc của con. Ít
năm nữa, con bà sẽ học sử Mỹ, nếu thắc mắc vì sao bố thay đổi lập trường, và vì
sao mẹ nói bố không hề thay đổi, bà sẽ trả lời ra sao?
Trump
nhiệm kỳ 3
Nói
chi lạ vậy? Kể từ sau khi Franklin D. Roosevelt liên tiếp đắc cử bốn lần vào thập
niên 30 và 40 thế kỷ trước, Tu Chính Hiến Pháp 22, năm 1951, đã quy định, mỗi tổng
thống chỉ có tối đa hai nhiệm kỳ. Nếu tái đắc cử lần này, chỉ là nhiệm kỳ 2, và
là nhiệm kỳ chót, kiếm đâu ra nhiệm kỳ 3 cho Trump? Đó chính là điều đáng nói ở
đây.
Càng
gần đến ngày bầu cử, không khí vận động càng ngột ngạt, lời qua tiếng lại giữa
hai bên Dân Chủ và Cộng Hoà, khiến những người bị nghe là cử tri, nhất là khối
cử tri độc lập, đứng giữa, bị điên đầu, không biết ai đúng, ai sai. Ví dụ, có
người ủng hộ ông Trump lên án bên Dân Chủ đã gọi ông Trump là Hitler, khiến ông
bị ghét và bị mưu sát. Tìm hiểu đầu đuôi mới biết, có người đã ví ông Trump với
Hitler từ 8 năm trước, và mỉa mai thay, hiện là người đứng chung liên danh với
ông.
Theo
tin của Ja’han Jones, đăng trên msnbc.com ngày 19 tháng 4 năm 2022, trong một
email từ năm 2016, gửi cho bạn cũ vốn ở cùng phòng với nhau ở college là
McLaurin, chính JD Vance đã viết: “Tôi nghĩ tới nghĩ lui về Trump và hoài
nghi là tên khốn nạn như Nixon không đến nỗi như vậy (và có thể còn hữu dụng
hơn) hay ông ta có thể là một thứ Hitler Mỹ”.
Trả
lời phỏng vấn trong phạm vi vận động tranh cử, JD Vance nói đại ý: Phía Dân Chủ
la lối, nếu tái đắc cử kỳ này, ông Trump sẽ làm nhiều chuyện tai hại, nhưng thực
tế đã chứng minh, ông ấy đã đắc cử một lần, và trong nhiệm kỳ 1, có sao đâu?
Có
nhiều điều chứng tỏ, nếu Trump đắc cử, nhiệm kỳ 2 sẽ khác xa nhiệm kỳ 1, và có
thể có cả nhiệm kỳ 3. Trước hết, ngay trong nhiệm kỳ 1, có lần Trump đã nói
thoáng qua ý muốn nên bỏ giới hạn 2 nhệm kỳ theo Tu Chính 22.
Điều
JD Vance nói trong nhiệm kỳ 1 của Trump yên ổn, không có gì đáng quan ngại, là
không đúng. Trong suốt trên hai trăm năm lịch sử, việc thay đổi chính quyền sau
bầu cử đều diễn ra trong yên ổn, trật tự. Lần đầu tiên, vào cuối nhiệm kỳ 1 của
Trump, rắc rối đã xảy ra, bằng chứng là vụ bạo loạn ngày 6 tháng 1 năm
2021, mà hậu quả vẫn còn dây dưa đến nay. Ông Trump, người tham dự cuộc chơi,
khi thua, đã nhất định không chịu nhận mình thua. Ngay cả những trò chơi thể
thao hay giải trí dành cho thiếu nhi, cũng không thể xử sự như vậy, huống chi một
cuộc bầu cử tổng thống. Thử hỏi, nếu không có những người cương trực; ở cấp tiểu
bang, như Brad Raffenperger ở Georgia, và ở chính quyền trung ương như Mike
Pence, và nhiều người tương tự ở khắp nơi, chuyện gì đã xảy ra?
Trong
nhiệm kỳ 1, lúc đầu, phần còn bỡ ngỡ, phần có những “người lớn” chung quanh, và
phần khác, vì nhu cầu tái cử, ông còn phải dè chừng, chưa dám làm hết những ý
muốn thầm kín của mình. Nhờ đó, không có chuyện lớn xảy ra, cho tới cuối nhiệm
kỳ, khi ông cương quyết không chịu thua.
Nếu
đắc cử, trong nhiệm kỳ 2, tất cả những người bị kết án liên hệ tới vụ 6 tháng 1
sẽ được ân xá, như ông đã hứa. Những người nổi loạn theo sự xúi giục của ông,
mà ông gọi là những người yêu nước, họ sẽ làm gì để đền ơn ông, và để trả thù?
Nếu
có nhiệm kỳ 2, ông Trump đã biết rõ ai là những người sống chết với ông, và ai
là “những kẻ nội thù”.
Vào
cuối tháng 7, lên tiếng tại cuộc họp mặt Thượng đỉnh Tín hữu, Believers
Summit, tại West Palm Beach, Florida, ông Trump kêu gọi: “Các Tín hữu
Thiên Chúa hãy đi bầu, chỉ lần này thôi. Các bạn sẽ không phải làm như vậy nữa… Trong
bốn năm, các bạn sẽ không phải đi bầu nữa. Chúng tôi sẽ chấn chỉnh rất tốt, các
bạn sẽ khỏi phải đi bầu”.
Nếu
có nhiệm kỳ 2, người thay thế Mike Pence để chính thức hóa kết quả bầu cử năm
2028, sẽ là JD Vance. Ông này đã nói rõ, nếu ở địa vị ông Pence, ông ta đã
không làm như ông Pence trong cuộc bầu cử 2020, nghĩa là, ông sẽ làm theo ý ông
Trump.
Mà
theo ý ông Trump, như đã nói với các tín hữu nêu trên, bốn năm nữa, tức là
2028, sẽ không cần tới bầu cử nữa, vì ông đã chấn chình mọi việc quá tốt.
Tiêu
đề của báo Washington Post, tờ báo tiên phong trong nỗ lực bảo vệ tự do dân chủ
tại Thủ Đô Mỹ, là Democracy Dies in Darkness – Dân chủ Chết
trong Đen tối. Hôm 5 tháng 10, Elon Musk, người giầu nhất nhì thế giới,
và mới ra mặt nhiệt liệt ủng hộ ông Trump, đã gặp Trump với quần áo toàn đen, đội
mũ đen, tự giới thiệu là “MAGA Đen”, Dark MAGA. Ông Trump vốn đội mũ MAGA Đỏ từ
trước tới nay, đã bắt đầu chuyển sang MAGA Đen.
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2024/11/1-6-1024x638.jpeg
Elon
Musk trong bộ đồ đen và chiếc mũ Dark MAGA gặp Trump. Nguồn: Justin
Merriman/Bloomberg
Dân chủ chết,
bầu cử hết. Đó là nhiệm kỳ 3 của Donald Trump, nếu có nhiệm kỳ 2.
Ai
ít xấu hơn?
Công
Giáo La Mã thường tránh can thiệp vào sinh hoạt chính trị tại Mỹ, sợ vi phạm
nguyên tắc tách rời tôn giáo khỏi chính quyền. Ngày 13 tháng 9 năm 2024, trên
đường bay từ Singapore về Roma, Giáo Hoàng Francis đã phá lệ, lên tiếng về việc
bầu chọn ai trong cuộc bầu cử Tổng Thống Mỹ ngày 5 tháng 11. Ngài không nêu tên
hai ứng cử viên, nhưng ai cũng biết Ngài ám chỉ ai. Theo Ngài, không giúp đỡ những
người di cư tị nạn là tội nặng, là coi thường mạng sống con người. Đồng thời,
phá thai là sát nhân. Ngài khuyên nên bầu chọn người tội nhẹ hơn, “choose the
lesser evil”.
Lựa
chọn của Giáo Hoàng dựa trên nền tảng bác ái và nhân đạo. Nhưng trong cuộc đua
giữa ông Trump và bà Harris, bác ái và nhân đạo không phải là nền tảng chính.
Ngay từ lần tranh cử đầu tiên, tại Đại Hội Đảng Cộng Hoà năm 2016, ông Trump đã
theo chân ông Nixon, hứa hẹn kiến tạo một đất nước tôn trọng luật pháp và trật
tự, “Build a country of law and order”. Luật pháp và trật tự
là yếu tố quan trọng hàng đầu cho ổn định xã hội. Có ổn định rồi mới có thể nói
tới bao bọc dân di cư, săn sóc sản phụ và phát triển kinh tế.
Dưới ánh
sáng công lý và trật tự, lựa chọn giữa hai ứng cử viên tổng thống năm nay quá dễ
dàng. Một người là phạm nhân đã bị buộc tội; tuy chưa bị tuyên án, và chưa qua
thủ tục chống án, vẫn còn hy vọng được phá án; nhưng không thể ít xấu hơn người
không có án tích nào.
***
Khi
người khổng lồ vấp ngã
Hiếm
khi tận mắt chứng kiến người khổng lồ ngã, nhưng hầu như mọi người đều đã có dịp
nhìn cảnh một đứa bé ngã. Đang chạy, đang chơi, vấp ngã, có khi lộn một vài
vòng, bật dậy, phủi bụi qua loa, rồi thản nhiên chạy tiếp hay trở lại cuộc
chơi, như không có chuyện gì xảy ra.
Người
khổng lồ chẳng may ngã, là cả một tai nạn sống còn. Nước Mỹ là một người khổng
lồ nặng 250 ký lô, đã chao đảo từ hàng chục năm trước, một phần vì thời tiết xấu,
một phần do bệnh tật, tuổi già. Phần chính là cái cơ thể ngoại khổ, quá lớn và
nặng nề, nên khi vấp ngã đã không thể tự ngồi dậy. Người khổng lồ đã bị ngã, nằm
trên lề đường dọc theo quốc lộ USA. Bụng quá lớn, tứ chi quá ngắn, chỉ nằm cựa
quậy, không tự mình xoay xở được. Con cháu đứng đầy chung quanh, không ai đủ sức
kéo dậy. Thay vì hợp sức cấp cứu, mỗi người một ý, cãi nhau ỏm tỏi, dẫn đến đe
doạ, coi nhau như kẻ thù.
Những
quốc gia dân chủ non trẻ như Đại Hàn, Đài Loan, đều đã từng vấp ngã một vài lần.
Viên chức cao cấp trong chính phủ bị bắt, tổng thống tự sát hay vào tù. Nhờ tuổi
trẻ với cơ thể dẻo dai, nhẹ nhõm, mọi việc được giải quyết mau lẹ, mọi hoạt động
trở lại bình thường trong thời gian ngắn.
Chưa
biết số phận người khổng lồ Mỹ sẽ ra sao; có lẽ phải đợi đến sau ngay 5 tháng
11 mới rõ phần nào.
Lời
chót của người viết: Với Bà Harris, nếu chưa quá muộn, nên hứa với cử tri toàn
quốc, nếu đắc cử, bà sẽ không tái tranh cử năm 2028, để có thể dồn hết tâm trí
vào việc phục vụ đất nước, cố gắng hàn gắn mọi đổ vỡ hiện tại để cùng tiến bước.
Với
ông Trump, đã hết thuốc chữa, xin miễn có lời khuyên.
No comments:
Post a Comment