Saturday, November 2, 2024

CAMPUCHIA 'KHÔNG PHẢI LÀ QUẢ BÓNG' BỊ TUNG HỨNG GIỮA VIỆT NAM VÀ TRUNG QUỐC (BBC News Tiếng Việt)

 



Campuchia 'không phải là quả bóng' bị tung hứng giữa Việt Nam và Trung Quốc

BBC News Tiếng Việt

1 tháng 11 năm 2024

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c629qzzde2po  

 

Một nhà khoa học chính trị Campuchia đã chỉ trích những nhận định về quan hệ ba bên giữa Việt Nam, Campuchia và Trung Quốc.

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/4f71/live/47df4380-9804-11ef-9260-19e6a950e830.jpg.webp

Chủ tịch nước Tô Lâm (chức danh lúc bấy giờ) trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Vương quốc Campuchia từ ngày 12 đến 13/7.

 

Tác giả Leap Chanthavy, cây bút quen thuộc trên báo Khmer Times, hôm 28/10 cho rằng các chuyên gia đã "thổi phồng" khi đánh giá bối cảnh mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Campuchia đang bị xấu đi.

 

Ông Chanthavy cho rằng quan hệ song phương giữa Phnom Penh và Hà Nội vẫn không có gì thay đổi.

 

Trong bài viết, ông Leap Chanthavy đặt câu hỏi, nhấn mạnh đến đường lối quan hệ ngoại giao đa phương mà Campuchia và Việt Nam thực hiện.

 

"Campuchia có gì sai khi phát triển năng lực quốc phòng của mình và đa dạng hóa những lựa chọn kinh tế?"

 

"Việt Nam sẽ không bị sụp đổ khi không có Campuchia hay ngược lại."

 

"Campuchia không phải là người bạn duy nhất của Việt Nam và, tương tự, mối quan hệ giữa Campuchia với Việt Nam không nên giới hạn chuyện Campuchia xây dựng các mối quan hệ đối ngoại trong và ngoài khu vực."

 

"Các cuộc thảo luận về chủ quyền và nền độc lập của Campuchia mà đem Việt Nam và Trung Quốc vào đều là chuyện ngu xuẩn."

 

Ông Leap Chanvy cũng là tác giả của bài viết hồi tháng 5/2024, chỉ trích các nhà nghiên cứu Việt Nam là đã “tưởng tượng” ra cuộc chiến với Trung Quốc liên quan đến nhận định cho rằng kênh đào Phù Nam Techo có thể được sử dụng cho mục đích quân sự.

 

Ông cũng là tác giả viết bài ngày 14/10 về việc khởi công và xây dựng kênh đào Phù Nam Techo không thể thành công nếu không có sự giúp đỡ của Trung Quốc.

 

Vào hôm 26/10 tại tỉnh Kampong Cham, nhân lễ mừng thành tựu của một dự án giáo dục do Trung Quốc tài trợ, Thủ tướng Campuchia Hun Manet nói:

 

“Campuchia và Trung Quốc đã có quan hệ hơn 2.000 năm và tình hữu nghị truyền thống dài lâu này là tài sản quý báu của hai đất nước và hai dân tộc."

 

 

'Chư hầu'

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/dcdc/live/4b3026c0-9805-11ef-a41c-dd1648bd8502.jpg.webp

Thủ tướng Campuchia Hun Manet (phải) và Đại sứ Trung Quốc Uông Văn Bân chụp hình cùng các giáo viên và học sinh trong sự kiện hôm 26/10

 

Thời gian gần đây, quan hệ láng giềng giữa Việt Nam và Campuchia đã xuất hiện thêm các mâu thuẫn mới liên quan đến các dự án có vai trò nổi bật của Trung Quốc, như kênh đào Phù Nam Techo và quân cảng Ream.

 

Hồi đầu tháng 9, Bộ Quốc phòng Campuchia nói Trung Quốc sẽ tặng cho Campuchia hai tàu chiến Type 56C sau khi Campuchia đề nghị Trung Quốc hỗ trợ.

 

Trung Quốc cũng là nước giúp Campuchia nâng cấp quân cảng Ream. Sự hợp tác này đã khiến Mỹ và các nước khác quan ngại rằng Ream có thể là tiền đồn nước ngoài đầu tiên của Trung Quốc tại Vịnh Thái Lan.

 

Tác giả Leap Chanthavy chỉ trích mạnh mẽ những lập luận này, điều mà ông xem là "ác ý", rằng các lập luận đó coi Campuchia như "một quả bóng" được đá qua lại giữa Việt Nam và Trung Quốc.

 

Ông gọi những cuộc bàn luận về chủ quyền và nền độc lập đã thúc đẩy lý thuyết về quốc gia "chư hầu", đánh giá xem bên nào là "ông chủ tốt nhất" cho Campuchia. Đây là những thảo luận "mang tính xúc phạm".

 

"Kể từ những năm 1980, mặc dù có sự hiện diện của chuyên gia và binh lính Việt Nam, theo ngài Hun Sen, chính phủ Việt Nam đã tôn trọng những quyết định về chủ quyền của Campuchia, bao gồm quá trình tư nhân hóa và thực hiện nền kinh tế thị trường."

 

Theo báo Khmer Times hôm 8/8, ba ngày sau lễ động thổ siêu dự án Phù Nam Techo, ông Hun Sen nhấn mạnh chuyện xây dựng kênh đào này hoặc thúc đẩy quan hệ với Trung Quốc sẽ không ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao với Việt Nam hoặc bất kỳ quốc gia nào khác.

 

"Campuchia không gạt bỏ bất kỳ người bạn nào! Quan hệ với các quốc gia bạn bè cũng phong phú như những bông hoa đầy màu sắc," ông viết trên Facebook.

 

"Chúng tôi có mối quan hệ kinh doanh với nhiều nước trên thế giới và nhiều quốc gia đã giúp Campuchia. Tuy nhiên, những người bạn Trung Quốc đã đáp ứng nhu cầu của Campuchia mà không ai khác làm được."

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/6a4e/live/449fc590-9828-11ef-8538-e1655f5a8342.jpg.webp

Cựu Thủ tướng Hun Sen - Chủ tịch Đảng Nhân dân, Chủ tịch Thượng viện Campuchia - dẫn đầu đoàn viếng cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hà Nội vào ngày 25/7

 

Quay trở lại bài viết trên Khmer Times, nhà khoa học chính trị Leap Chanthavy đã đề cập đến logic trong quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc, Campuchia và Việt Nam.

 

"Trung Quốc sẽ không cắt đứt quan hệ với Việt Nam vì Campuchia.

 

Việt Nam sẽ không cắt đứt quan hệ với Trung Quốc vì Campuchia.

 

Campuchia sẽ không cắt đứt quan hệ với Việt Nam vì Trung Quốc."

 

"Có lẽ ba quốc gia nên tạo một cơ chế CCV [tên viết tắt của ba nước] bao gồm Campuchia, Trung Quốc và Việt Nam để tạo dựng niềm tin lẫn nhau mà không để xảy ra chuyện nước này không tin tưởng nước kia, giống như sự ghen tuông vì quan hệ tình yêu ba bên."

 

·        Campuchia đạt 'mục tiêu kép' khi rút khỏi Tam giác Phát triển với Việt Nam và Lào?

30 tháng 9 năm 2024

·        Chủ tịch nước Tô Lâm thăm Lào và Campuchia, điều gì đáng chú ý?

11 tháng 7 năm 2024

·        Cựu Thủ tướng Hun Sen bác bỏ chuyện xa Việt Nam, thân Trung Quốc vì Phù Nam Techo

10 tháng 8 năm 2024

 

 

'Kiềng ba chân' bị lung lay?

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/58bc/live/8879d210-982d-11ef-9260-19e6a950e830.jpg.webp

Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 44, 45 diễn ra từ ngày 8 đến 11/10/2024 tại thủ đô Viêng Chăn của Lào với chủ đề "ASEAN: Thúc đẩy kết nối và tự cường"

 

Trong thời gian qua, Việt Nam luôn xác định quan hệ với hai nước láng giềng Campuchia và Lào là mối quan hệ hữu nghị, gắn bó mật thiết.

 

Tuy nhiên, mối gắn kết giữa ba nước trên bán đảo Đông Dương có "núi liền núi, sông liền sông, chung một dòng sông Mê Kông và đều dựa vào dãy Trường Sơn" đã gặp không ít thách thức.

 

Gần đây nhất là việc Campuchia rút khỏi Tam giác Phát triển với Việt Nam và Lào (CLV-DTA), một bước đi được cho là giúp chính phủ nước này đạt được mục tiêu kép, đó là vừa đảm bảo ổn định chính trị vừa có thể tìm được lựa chọn thay thế.

 

Vào ngày 31/3/2018, tại Hội nghị Cấp cao Tam giác Phát triển lần thứ 10 diễn ra tại Hà Nội, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith đã dùng hình ảnh chiếc kiềng ba chân để mô tả mối quan hệ giữa ba nước Lào-Campuchia-Việt Nam.

 

Tiến sĩ khoa học chính trị Nguyễn Khắc Giang trên trang Fulcrum của Viện nghiên cứu ISEAS–Yusof Ishak Institute (Singapore) đánh giá việc Campuchia rút khỏi khuôn khổ hợp tác ba bên này cho thấy "sự mong manh" trong chiến lược của Việt Nam ở khu vực.

 

"Việc Campuchia rời khỏi CLV-DTA cho thấy sự mong manh của chiến lược khu vực của Việt Nam. Tầm nhìn về một ‘chiếc kiềng ba chân’ vững chắc hỗ trợ khối các nước trên bán đảo Đông Dương đang lung lay. Sự phụ thuộc ngày càng tăng của Lào vào Trung Quốc chỉ khiến Hà Nội đau đầu thêm."

 

Tiến sĩ Nguyễn Khắc Giang cho rằng Việt Nam phải điều chỉnh cách tiếp cận trong chính sách ngoại giao để bảo vệ các lợi ích chiến lược của mình.

 

"Việc đưa ra nhiều ưu đãi kinh tế hơn hoặc đảm bảo ngoại giao có thể giúp đưa Campuchia quay trở lại. Việc thu hút các đối tác bên ngoài đáng tin cậy, đặc biệt là Nhật Bản và Hàn Quốc, có thể giảm bớt lo ngại và làm giảm nhẹ các diễn ngôn chống Việt Nam."

 

"Việc tăng cường mối quan hệ giữa người dân với người dân thông qua các cuộc trao đổi văn hóa, học bổng và đào tạo chuyên môn, cùng các hoạt động giao lưu thường xuyên giữa các đảng, sẽ giúp thúc đẩy các mối quan hệ chính trị và xã hội lâu dài, đặc biệt là khi thế hệ lãnh đạo cũ dần rời xa quyền lực," Tiến sĩ Nguyễn Khắc Giang viết trên Fulcrum.

 

Theo Khmer Times, ngày thứ Sáu 1/11, ông Hun Manet cho biết hơn 720.000 người Campuchia đã đóng góp tổng cộng gần 27 triệu USD cho Quỹ phát triển Cơ sở hạ tầng Biên giới.

 

Trước đó, hôm 22/8, ông Hun Manet đã khởi xướng quỹ này để hoàn thành 1.300 km cơ sở hạ tầng ở biên giới trong thập niên tiếp theo.

 

Chính phủ Hoàng gia Campuchia đã cam kết 200 triệu USD cho dự án, với kế hoạch hoàn thành 50% trong vòng 10 năm tới, theo Thông tấn xã Campuchia (AKP).

 

VIDEO : Quyền lực của gia đình cựu Thủ tướng Hun Sen

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c629qzzde2po

 

--------------------------

Tin liên quan

·         

Kênh đào Phù Nam Techo: 'Không thể thực hiện nếu không có sự giúp đỡ của Trung Quốc'

16 tháng 10 năm 2024

·         

Cựu Thủ tướng Hun Sen bác bỏ chuyện xa Việt Nam, thân Trung Quốc vì Phù Nam Techo

10 tháng 8 năm 2024

·         

Campuchia đạt 'mục tiêu kép' khi rút khỏi Tam giác Phát triển với Việt Nam và Lào?

30 tháng 9 năm 2024

·         

Động thổ kênh đào Phù Nam Techo: Cú hích mạnh mẽ cho tinh thần dân tộc Campuchia

5 tháng 8 năm 2024

·         

Yếu tố Việt Nam trong quyết định rút khỏi Tam giác Phát triển của Campuchia

25 tháng 9 năm 2024

·         

Lý do bầu chủ tịch nước mới mà không để Tổng Bí thư Tô Lâm kiêm nhiệm

22 tháng 10 năm 2024

 





No comments: