Sunday, November 10, 2024

BIỂN ĐÔNG : TRUNG QUỐC XÁC QUYẾT RANH GIỚI LÃNH HẢI GẦN BÃI CẠN SCARBOROUGH (Thu Hằng | RFI)

 



Biển Đông : Trung Quốc xác quyết ranh giới lãnh hải gần bãi cạn Scarborough

Thu Hằng  -  RFI

Đăng ngày: 10/11/2024 - 13:42

https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20241110-bi%E1%BB%83n-%C4%91%C3%B4ng-trung-qu%E1%BB%91c-x%C3%A1c-quy%E1%BA%BFt-ranh-gi%E1%BB%9Bi-l%C3%A3nh-h%E1%BA%A3i-g%E1%BA%A7n-b%C3%A3i-c%E1%BA%A1n-scarborough

 

Ngày 10/11/2024, Trung Quốc tái khẳng định đường phân định lãnh hải gần bãi cạn Scarborough có tranh chấp với Philippines. Tuyên bố được Bắc Kinh đưa ra chỉ hai ngày sau khi tổng thống Ferdinand Marcos Jr. ban hành hai đạo luật củng cố chủ quyền của Philippines ở Biển Đông.

 

HÌNH :

Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines (PCG) công bố vào ngày 30/04/2024 cho thấy tàu tuần duyên Philippines BRP Bagacay bị hải cảnh Trung Quốc tấn công bằng vòi rồng gần bãi cạn Scarborough do Trung Quốc kiểm soát trong vùng biển tranh chấp ở Biển Đông. AFP - HANDOUT

 

Trong thông cáo ngày 10/11, được AFP trích dẫn, bộ Ngoại Giao Trung Quốc cho biết chính phủ đã « phân định và công bố ranh giới lãnh hải gần Huangyan Dao », tên Trung Quốc đặt cho bãi cạn Scarborough, còn Philippines gọi là Bajo de Masinloc. Vẫn theo thông cáo, « đây là một biện pháp đương nhiên của chính phủ Trung Quốc nhằm tăng cường quản lý hàng hải một cách hợp pháp và phù hợp với luật pháp quốc tế và thông lệ chung ».

 

Bãi cạn Scarborough cách bờ tây Philippines 240 km và cách đảo Hải Nam của Trung Quốc đến 900 km. Nằm trong khu vực giàu nguồn thủy sản, bãi cạn Scarborough bị Trung Quốc chiếm quyền kiểm soát từ Philippines vào năm 2012. Tuy nhiên, Philippines « vẫn thường xuyên điều quân đội và tàu tuần duyên, cũng như máy bay » đến khu vực và bị lực lượng hải cảnh Trung Quốc cáo buộc trong một thông cáo ngày 10/11 là « thâm nhập gây bất ổn và khiêu khích ».

 

Hai ngày trước, tổng thống Philippines ký ban hành hai đạo luật : Luật Vùng biển (Maritime Zones Act) và Luật Đường biển của quần đảo (Archipelagic Sea Lanes Act) xác định phạm vi lãnh hải của Philippines cũng như các vùng biển mà nước này có các quyền được quy định trong Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển.

 

Theo trang Philippines News Agency, Mỹ và Úc đã lên tiếng ủng hộ quyết định của Philippines. Ngày 09/11, người phát ngôn bộ Ngoại Giao Matthew Miller nhấn mạnh « Luật này xác định vùng biển nội địa, vùng biển quần đảo, lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Philippines theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 ». Ông khẳng định « việc Philippines thông qua Luật Vùng biển là vấn đề thường lệ và làm rõ hơn luật hàng hải của Philippines ».

 






No comments: