Tuesday, October 15, 2024

UY HIẾP ĐÀI LOAN, CHIẾN THUẬT CỦA TRUNG QUỐC CÓ GÌ MỚI? (Thanh Hà / RFI)

 



Uy hiếp Đài Loan, chiến thuật của Trung Quốc có gì mới ?

Thanh Hà  -  RFI

Đăng ngày: 14/10/2024 - 14:59

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20241014-uy-hi%E1%BA%BFp-%C4%91%C3%A0i-loan-chi%E1%BA%BFn-thu%E1%BA%ADt-c%E1%BB%A7a-trung-qu%E1%BB%91c-c%C3%B3-g%C3%AC-m%E1%BB%9Bi

 

Bắc Kinh không còn che giấu tham vọng thống nhất Đài Loan kể cả bằng sức mạnh quân sự. Màn « diễu võ giương oai » hôm nay 14/10/2024, là cuộc tập trận lần thứ tư, trên quy mô lớn, chung quanh đảo Đải Loan, trong hai năm qua. Trung Quốc coi đây là một cảnh cáo, « răn đe nghiêm khắc » trước những ý đồ ly khai của hòn đảo mà Bắc Kinh vẫn xem là một phần không thể tách rời của Hoa Lục. 

 

HÌNH :

Một màn hình lớn cho thấy cuộc tập trận ở eo biển Đài Loan của quân đội Trung Quốc. Ảnh chụp tại Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 14/10/2024. REUTERS - Tingshu Wang

 

Bắc Kinh thường xuyên đe dọa « nghiền nát mọi ý tưởng độc lập » của hòn đảo này. Tuy vậy, theo giới quan sát, cuộc tập trận phối hợp các lực lượng trên biển, trên không và cả trên bộ lần này, không có gì mới và chỉ nhằm thách thức thái độ bình tĩnh của Đài Loan và sự kiên nhẫn của Hoa Kỳ.  

 

Vào sáng sớm hôm nay Trung Quốc khởi động chiến dịch « Liên Hợp Lợi Kiếm- 2024B » và công bố bản đồ gồm 9 khu vực chung quanh Đài Loan nơi đang diễn ra các cuộc tập trận. Phía Trung Quốc huy động 125 máy bay đủ loại, tên lửa, cùng nhiều phương tiện của Hải Quân trong chiến dịch lần này. Giới phân tích đồng loạt ghi nhận, đây là lần thứ nhì trong năm nay Bắc Kinh huy động hùng hậu các phương tiện và các bài tập mang tính « toàn diện » chung quanh hòn đảo này, để dò xét phản ứng của Mỹ. Mà trước mắt thì chính quyền Biden mới chỉ lên án Trung Quốc « hành xử không hợp lý ».  

 

Quân đội Trung Quốc không che giấu cuộc tập trận lần này nhằm cảnh cáo đáp trả tuyên bố của tổng thống Lại Thanh Đức nhân lễ Quốc Khánh Song Thập (10/10) rằng Trung Quốc không có quyền đại diện cho Đài Loan và Đài Bắc sẽ « kháng cự » trước mọi kế hoạch thôn tính Đài Loan.

 

Theo Mathieu Duchatel, chuyên gia về Trung Quốc, thuộc Viện Montaigne của Pháp, đấy chỉ là « cái cớ ». « Bất luận tổng thống Đài Loan có phát biểu và hành xử như thế nào đi chăng nữa, thì Đài Bắc cũng bị quy kết vào tội có ý đồ đòi ly khai và phá hoại sự ổn định ở eo biển Đài Loan (…) Bắc Kinh chỉ chấp nhận một giải phát duy nhất đó là sự đầu hàng » của Đài Bắc.

 

Bắc Kinh liên tục gia tăng áp lực cả về chính trị lẫn quân sự đối với Đài Loan trong những năm gần đây và nhất là từ 2016 dưới thời tổng thống thuộc đảng Dân Tiến, bà Thái Anh Văn, tiền nhiệm của tổng thống Lại Thanh Đức. Derek J. Grossman thuộc trung tâm nghiên cứu quân sự của Mỹ Rand Corporation được La Croix trích dẫn cho rằng, qua các chương trình tập trận thường xuyên và quy mô kiểu này, Trung Quốc muốn « bình thường hóa » các hoạt động quân sự chung quanh Đài Loan. Chuyên gia này không loại trừ khả năng từ những bài tập, đến một lúc nào đó sẽ Bắc Kinh sẽ đi đến « thực hành ».

 

Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế CISS trụ sở tại Washington, vừa công bố một tài liệu nghiên cứu nhấn mạnh đến trọng tầm mức quan trọng của eo biển Đài Loan đối với thương mại và kinh tế toàn cầu. Theo các tác giả, trong trường hợp chiến tranh hay Đài Loan bị phong tỏa, « gần 2.450 tỷ đô la hàng hóa, tương đương với 20 % tổng trao đổi mậu dich toàn cầu sẽ bị xáo trộn ». Ngoài hai bên liên quan là Trung Quốc và Đài Loan, « tác động sẽ lan rộng đến cả Hoa Kỳ và các đồng minh then chốt của Washington cũng như toàn thể khối các quốc gia phương Nam » .

 

Do vậy một số tiếng nói cho rằng, để thị uy với Đài Loan, Bắc Kinh có trong tay một số công cụ khác, không nhất thiết phải sử dụng đến vũ lực. Thậm chí, chỉ cần « giữ lại tàu thuyền của Đài Loan đi qua khu vực này » là cũng đủ để « đe dọa đến hàng tỷ đô la hàng hóa được trung chuyển qua eo biển Đài Loan » hàng năm.

 

Vả lại không cần đi đến chiến tranh, mà chỉ nội việc Trung Quốc thường xuyên và liên tục điều tàu và chiến đấu cơ lai vãng gần các vùng biển và không phận của Đài Loan cũng đủ làm hao mòn sức lực của hòn đảo này. Đây cũng có thể là những đòn uy hiếp về tinh thần khá lợi hại.

 

Có điều vào lúc Hoa Kỳ - tuy không chính thức nhưng lại điểm tựa chính của chế độ ở Đài Bắc, đang bị chia trí vì chiến tranh Ukraina và nhất là khủng hoảng giữa Israel với Iran có nguy cơ bùng lên, đốt cháy những giếng dầu của thế giới, Mỹ lại chuẩn bị bầu cử, đây có thể là cơ hội tốt để Trung Quốc « dò xét » phản ứng của chính quyền Biden khi cứ mon men tiến gần đến hòn đảo này. Trung Quốc không chỉ nắn gân Mỹ ở khu vực Biển Đông mà cả trong vùng eo biển Đài Loan. 

 

---------------------------

Các nội dung liên quan

 

TRUNG QUỐC - ĐÀI LOAN

Mỹ chưa sẵn sàng đối phó chiến tranh kinh tế của Trung Quốc chống Đài Loan

 

MỸ - TRUNG QUỐC - ĐÀI LOAN

Chính sách Trung Quốc - Đài Loan: Một số khác biệt chủ yếu giữa Harris và Trump

 

=====================================================

 

Trung Quốc tập trận trên eo biển, Đài Loan kịch liệt lên án

Người Việt Online

October 14, 2024 : 6:36 AM

https://www.nguoi-viet.com/the-gioi/trung-quoc-tap-tran-tren-eo-bien-dai-loan-kich-liet-len-an/

 

ĐÀI BẮC, Đài Loan (NV) – Đài Loan lên án đợt tập trận quân sự mới nhất do Trung Quốc phát động xung quanh hòn đảo tự quản, cho rằng đây là “hành động khiêu khích vô cớ,” sau khi Bắc Kinh điều động chiến hạm và chiến đấu cơ trong một chiến dịch được mô tả là “tối hậu thư” cho “các hành động ly khai của lực lượng Đài Loan đòi giành độc lập,” CNN đưa tin.

 

Bộ Tư Lệnh Chiến Khu Đông thuộc quân đội Trung Quốc cho biết hôm Thứ Hai, 14 Tháng Mười rằng các cuộc tập trận gồm có các hoạt động tác chiến hỗn hợp của lục quân, hải quân, không quân và lực lượng hỏa tiễn, đang được tiến hành trên Eo Biển Đài Loan – một vùng biển hẹp ngăn cách hòn đảo dân chủ với Hoa Lục – cũng như xung quanh khu vực Đài Loan.

 

Các cuộc tập trận quân sự do Trung Quốc phát động xung quanh Đài Loan, một nền dân chủ 23 triệu dân, ngày càng trở nên thường xuyên trong những năm gần đây và có khuynh hướng xảy ra trùng với các diễn tiến khiến Bắc Kinh lên cơn thịnh nộ.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2024/10/Chinese-military-drills-around-island.png

Tàu Hải Quân Trung Quốc gần đảo Matsu của Đài Loan hôm 14 Tháng Mười, 2024 (Hình: Taiwan Coast Guard)

 

Tháng Tám 2022, Trung Quốc phát động tập trận quân sự suốt một tuần sau khi Nancy Pelosi, Chủ Tịch Hạ Viện Hoa Kỳ lúc bấy giờ, viếng thăm Đài Loan.

 

Vào Tháng Năm, các cuộc tập trận tương tự diễn ra sau lễ nhậm chức của Tổng Thống Đài Loan Lai Ching-te (Lại Thanh Đức), nhà lãnh đạo bị Bắc Kinh lên án là “kẻ ly khai nguy hiểm.” Cuộc tập trận mới nhất mang tên Joint Sword-2024B, ngụ ý rằng đây là cuộc tập trận tiếp theo sau đợt tập dượt cách đây năm tháng.

 

Trước khi khai triển cuộc tập trận, Bộ Tư Lệnh Chiến Khu Đông đăng tải một đoạn phim tuyên truyền có tiêu đề “chuẩn bị chiến đấu” trên các trương mục mạng xã hội.

 

Đoạn phim dài khoảng một phút cho thấy hàng loạt chiến đấu cơ, chiến hạm và chiến hạm tấn công đổ bộ trên không và trên biển, cùng các bệ phóng hỏa tiễn di động đang tề chỉnh vào vị trí. Bản văn chú thích cho biết bộ tư lệnh “luôn luôn sẵn sàng chiến đấu và có thể nổ súng bất cứ lúc nào.”

 

Trong một tuyên bố, Bộ Quốc Phòng Đài Loan cho biết họ kịch liệt lên án, nói rằng cuộc tập trận này là “hành động khiêu khích vô cớ” của Trung Quốc và cũng đã chuẩn bị sẵn quân lực lượng của riêng mình.

 

Văn phòng tổng thống Đài Loan đưa ra một tuyên bố kêu gọi Trung Quốc “chấm dứt các hành động khiêu khích quân sự ảnh hưởng lên hòa bình và ổn định trong khu vực, đồng thời ngừng đe dọa nền dân chủ và tự do của Đài Loan.”

 

Tổng Thống Lại triệu tập các cuộc họp an ninh quốc gia nhằm thảo luận về các phản ứng đối chọi với cuộc tập trận, tuyên bố cho biết thêm.

 

“Trước những mối đe dọa từ bên ngoài, tôi muốn trấn an đồng bào rằng chính phủ sẽ tiếp tục bảo vệ nền dân chủ và tự do theo hiến pháp, bảo vệ chế độ dân chủ tại Đài Loan và giữ vững an ninh quốc gia,” ông Lại cho biết trong một bài viết trên Facebook.

 

Hôm Chủ Nhật, Bộ Quốc Phòng Đài Loan cho biết hàng không mẫu hạm Liêu Ninh của Trung Quốc tiến vào vùng biển gần Kênh Bashi chiến lược nằm ở phía Nam Đài Loan, nơi ngăn cách hòn đảo với Philippines. Sau đó, Bộ Tư Lệnh Chiến Khu Đông xác nhận phi đội trên tàu Liêu Ninh đang tiến hành các cuộc tập trận ở phía Đông Đài Loan liên quan tới “các chiến thuật phối hợp giữa chiến hạm và chiến đấu cơ, kiểm soát vùng trời cùng các cuộc tấn công trên biển và trên bộ,” theo CCTV.

 

Một phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc cho biết hôm Thứ Hai rằng “độc lập của Đài Loan không thể đi đôi với hòa bình trên Eo Biển Đài Loan đồng thời hành động khiêu khích của các lực lượng ly khai tại Đài Loan chắc chắn sẽ lãnh nhận hậu họa.”

 

Các cuộc tập trận nổ ra sau khi ông Lại phát biểu trong Ngày Quốc Khánh Đài Loan hôm Thứ Năm, nói rằng hòn đảo này sẽ “không bị Trung Quốc thâu tóm” và Bắc Kinh “không có quyền đại diện cho Đài Loan.”

 

Phần phát biểu tiếp nối những bình luận trước đó do ông Lại đưa ra rằng Đài Loan “sẽ không khoanh tay đứng nhìn” để Trung Quốc Cộng Sản trở thành mẫu quốc và bản thân Đài Loan đã là một “quốc gia có chủ quyền và độc lập.”

 

Từ lâu, ông Lại phải đối diện với phản ứng điên cuồng từ Bắc Kinh vì ủng hộ chủ quyền Đài Loan và gạt phăng các tuyên bố do Đảng Cộng Sản Trung Quốc đưa ra về hòn đảo dân chủ.

 

Mặc dù chưa một lần nào thôn tính được Đài Loan, Đảng Cộng Sản Trung Quốc vẫn thề “quy về một mối” với nền dân chủ tự quản bằng võ lực nếu cần thiết. Nhưng nhiều người trên hòn đảo vốn tự coi mình là dân Đài Loan và không muốn nằm dưới ách cai trị của Hoa Lục.

 

Các lãnh tụ thế hệ kế tiếp tại Trung Quốc từng thề rằng một ngày nào đó sẽ thống trị Đài Loan. Đặc biệt là Tập Cận Bình, lãnh tụ quyết đoán nhất Trung Quốc trong nhiều thập niên qua, ngày càng đưa ra những tuyên bố đao to búa lớn và gây hấn với hòn đảo dân chủ, gia tăng căng thẳng trên eo biển và làm dấy lên lo ngại về một cuộc đối đầu quân sự.

 

Giải Phóng Quân Trung Hoa cho biết họ phát động các cuộc tập trận hôm Thứ Hai “sau khi khai triển hàng loạt chiến hạm và chiến đấu cơ nhằm tiếp cận Đảo Đài Loan ở khoảng cách gần từ các hướng khác nhau.”

 

Lực Lượng Tuần Duyên Trung Quốc CCG cũng tham gia đợt tập trận. CCG hoạt động tại các khu vực xung quanh Đài Loan và các hòn đảo xa xăm như Matsu và Dongyin, nằm ngay ngoài khơi vùng duyên hải Đông Nam Trung Quốc.

 

Từ 5 giờ sáng tới 8 giờ sáng giờ địa phương hôm Thứ Hai, Bộ Quốc Phòng Đài Loan phát giác 25 chiến cơ Trung Quốc, gồm có 16 chiến cơ bay qua cả Đường Trung Tuyến, một địa điểm phân định không chính thức tại Eo Biển Đài Loan không được Bắc Kinh công nhận, nhưng cho tới những năm gần đây phần lớn Hoa Lục vẫn tôn trọng lằn ranh này.

 

Tổng cộng có bảy chiến hạm Trung Quốc cùng hàng loạt tàu thuyền thuộc CCG cũng bị phát giác gần Eo Biển Đài Loan, theo Bộ Quốc Phòng Đài Loan.

 

Hôm Thứ Hai, Lực Lượng Tuần Duyên Đài Loan ngăn chặn và bắt giữ một người Trung Quốc gần Quần Đảo Kim Môn trên một chiếc bè. Vì vụ bắt giữ trùng với các cuộc tập trận quân sự, nên họ không loại trừ rằng đây có thể là một phần trong chiến thuật tung hỏa mù do Trung Quốc vạch ra nhằm chống lại Đài Loan và họ đã tăng cường cảnh giác.

 

Các cuộc tập trận quân sự của Trung Quốc trên vùng biển Tây Thái Bình Dương được ước tính là một hoạt động trị giá hàng tỷ Mỹ kim. Năm 2023, Trung Quốc chi hơn $15 tỷ cho việc khai triển các hạm đội, phần lớn trong số đó được Đài Loan theo dõi trên Biển Đông và từ các cuộc tuần tiễu trên không của Không Quân – gần như được ghi nhận tại Eo Biển Đài Loan – theo các hồ sơ quân sự do Đài Loan công bố được CNN xem xét hồi Tháng Tám và Reuters lã hãng thông tấn đầu tiên đưa tin về hoạt động quân sự của Trung Quốc.

 

Trong các cuộc tập trận của Trung Quốc xung quanh Đài Loan vào Tháng Năm, các hạm đội ghi nhận 91 hành trình trong hơn 2,200 giờ hoạt động với chi phí ước chừng $12.7 triệu. Theo dữ liệu được Đài Loan theo dõi, các phi đội Trung Quốc thực hiện 111 chiến dịch quần thảo làm Trung Quốc tiêu tốn khoảng $47.8 triệu. (TTHN)

 

 

 





No comments: