Saturday, October 19, 2024

TBT-CTN TÔ LÂM GIỤC CHỐNG LÃNG PHÍ , HAI NHÀ TRÍ THỨC NÓI SẼ VÔ ÍCH NẾU KHÔNG THAY ĐỔI THỂ CHẾ (VOA Tiếng việt)

 



·       

TBT-CTN Tô Lâm giục chống lãng phí, 2 nhà trí thức nói sẽ vô ích nếu không thay đổi thể chế

VOA Tiếng Việt

18/10/2024

 https://www.voatiengviet.com/a/tbt-ctn-to-lam-chong-lang-phi-2-nha-tri-thuc-vo-ich-neu-khong-thay-doi-the-che/7827080.html

 

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm mới đây đưa ra bài viết nhấn mạnh cần chống lãng phí và nêu một số giải pháp. Hai nhà trí thức cao tuổi nói với VOA rằng ông Tô Lâm chưa xác định được biện pháp cơ bản, then chốt là phải đổi mới chính trị, thay đổi thể chế.

 

https://gdb.voanews.com/01000000-c0a8-0242-6c5f-08dcbf3cf3e2_cx0_cy10_cw0_w1023_r1_s.jpg

Nhà lãnh đạo Việt Nam Tô Lâm trong một hội nghị của Đảng Cộng sản hôm 3/8/2024 ở Hà Nội (Duong Van Giang/VNA via AP).

 

Trong bài viết có nhan đề “Chống lãng phí” được báo chí nhà nước Việt Nam đăng hôm 13/10, ông Tô Lâm thừa nhận rằng tình trạng lãng phí trong nước “còn diễn ra khá phổ biến, dưới nhiều dạng thức khác nhau, đã và đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho phát triển”.

 

Người đứng đầu đất nước bày tỏ lo ngại là lãng phí “gây suy giảm lòng tin của người dân với Đảng, Nhà nước, tạo rào cản vô hình trong phát triển kinh tế-xã hội, bỏ lỡ thời cơ phát triển của đất nước”.

 

Bài viết của ông Lâm chỉ ra một số dạng lãng phí hàng đầu gồm chất lượng các văn bản luật “chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn công cuộc đổi mới”, “thủ tục hành chính rườm rà, dịch vụ công trực tuyến chưa thuận tiện và thông suốt”, bộ máy nhà nước “hoạt động chưa hiệu quả”, một bộ phận cán bộ “nhũng nhiễu, thiếu năng lực”, “sợ trách nhiệm”, “quản lý, sử dụng chưa hiệu quả” tài nguyên thiên nhiên và tài sản công…

 

Nhân vật đang kiêm nhiệm cả chức tổng bí thư lẫn chủ tịch nước Việt Nam nêu các giải pháp cần trú trọng mà đứng đầu là phải coi đấu tranh phòng, chống lãng phí là “cuộc chiến chống giặc nội xâm” và nó “có vị trí tương đương với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực” mà Đảng Cộng sản và nhà nước Việt Nam tiến hành nhiều năm nay.

 

Tiếp đến, theo ông Lâm, cần “tập trung hoàn thiện và tổ chức triển khai có hiệu quả thể chế phòng, chống lãng phí; xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể có hành vi, việc làm gây thất thoát, lãng phí tài sản công”.

Nhà lãnh đạo này thúc giục “đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng, hoàn thiện và thực thi pháp luật” và cần coi đây là “yếu tố quan trọng để phòng, chống lãng phí”.

 

Ông Lâm cũng chú trọng việc cần phải “cải cách triệt để, giảm tối đa thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ của người dân, doanh nghiệp” cũng như “chống bệnh quan liêu”.

 

Bên cạnh đó, ông lưu ý cần “tập trung xây dựng, tinh gọn bộ máy tổ chức Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội để hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

 

Hồi tháng 7/2023, báo chí nhà nước Việt Nam dẫn một báo cáo của Quốc hội đánh giá rằng lãng phí trong giai đoạn 2016-2021 là “rất lớn”, làm thiệt hại “nghiêm trọng” đến nguồn lực của nhà nước và nhân dân, cũng như “làm chậm sự phát triển của xã hội”.

 

Trong 5 năm nêu trên, có gần 3.100 dự án sử dụng vốn nhà nước “có biểu hiện lãng phí”, tổng số tiền “thất thoát” trong giai đoạn này là 31.800 tỷ đồng, ngoài ra, gần 74.400 ha đất bị “sử dụng sai mục đích” hoặc “bỏ hoang hóa”, bản báo báo cho hay.

 

Thực trạng đó cho thấy công tác quản lý nhà nước về thực hành tiết kiệm, phòng chống lãng phí “ở nhiều nơi, nhiều cấp, nhiều ngành vẫn còn yếu kém”, theo báo cáo, được báo chí trong nước trích đăng.

 

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Mạc Văn Trang, 86 tuổi, nhà phản biện và bình luận thời cuộc được nhiều người biết tiếng, nói với VOA hôm 17/10 rằng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm hô hào đẩy mạnh chống lãng phí là “rất đúng” và “rất được lòng dân”.

 

Nhưng ông Trang cho rằng nếu Việt Nam vẫn giữ thể chế chỉ có đảng cộng sản nắm toàn quyền lãnh đạo, công cuộc chống lãng phí sẽ “rất khó”.

 

Nêu dẫn chứng là cuộc chiến chống tham nhũng kéo dài hơn 10 năm dưới thời cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, PGS.TS. Mạc Văn Trang ghi nhận rằng cuộc chiến “rất mạnh”, “rất quyết liệt” với một số kết quả chấn động là “cho thôi chức cả chủ tịch nước, chủ tịch Quốc hội, thường trực Ban Bí thư, phó thủ tướng, một loạt bộ trưởng…”, rồi ông bình luận:

 

“Trong đất nước mình, tuy là một đảng, nhưng có người lãnh đạo mạnh mẽ, đứng về phía nhân dân, cũng có thể làm rất hiệu quả. Nhưng có vấn đề là chính cơ chế này đẻ ra tham nhũng, lãng phí, rồi tự đảng lại đi trừng trị tham nhũng, lãng phí, như vậy có gì đó như vòng luẩn quẩn”.

 

Ông Trang nhận định rằng một cơ chế dân chủ hơn cần được áp dụng:

 

“Làm sao có tam quyền phân lập, có xã hội dân sự, có tự do ngôn luận, được nhân dân giám sát, như vậy việc chống tham nhũng, lãng phí được giám sát thường xuyên, sẽ xử lý thường xuyên, thì không để tồn đọng như ông Nguyễn Phú Trọng giải quyết vừa qua và ông Tô Lâm giải quyết hiện nay. Nó tồn đọng lâu quá”.

 

Với cơ chế hiện nay, tham nhũng, lãng phí bị xử lý từng đợt rồi lại phát sinh, rồi lại xử lý, PGS.TS. Mạc Văn Trang đưa ra quan sát.

 

Có chung suy nghĩ như ông Trang, GS.TS. Nguyễn Đình Cống, 87 tuổi, người cũng thường xuyên phản biện, bình luận về tình hình Việt Nam, nói với VOA cùng ngày 17/10 về lời hô hào mới đây của ông Tô Lâm:

 

“Ông ấy có dám dân chủ hóa không, có dám tạo lập nhà nước tam quyền phân lập không, có dám mở rộng tự do ngôn luận cho nhân dân không? Muốn thay đổi được, phải thực sự xây dựng thể chế dân chủ. Nếu vẫn độc quyền lãnh đạo của đảng, thì rất khó thay đổi”.

 

Về việc cần làm tinh gọn bộ máy mà nhà lãnh đạo Tô Lâm nêu ra, ông Cống nhận xét:

 

“Khó đấy. Ông ấy có thể làm được nhưng ông ấy phải quyết tâm, phải làm một cuộc cách mạng. Nhà nước Việt Nam quá cồng kềnh vì có 3 cấp, phải đơn giản hóa. Đặt nhà nước của đảng lên trên nhà nước của Quốc hội, của dân, thì làm sao được, cồng kềnh, kém giá trị, đông quá”.

 

Bộ máy chính quyền Việt Nam được nhiều nhà nghiên cứu, nhà phân tích gọi là hệ thống “song trùng” vì cùng một lúc một bên là các ban bệ của đảng và một bên là các bộ ngành của chính phủ chỉ đạo, quản lý hầu hết các lĩnh vực của đất nước. Điều này gây tốn kém, lãng phí, giới phân tích, nghiên cứu đã nhiều lần chỉ ra.

 

“Ai cũng thấy biên chế cồng kềnh, song trùng lãnh đạo, quản lý. Hiện nay, nhà nước mình sử dụng công nghệ thông tin mà, trước kia một phòng, một vụ có thể hàng chục người bây giờ có khi chỉ cần 3, 4 người, và tăng lương cho họ. Có giảm biên chế mới tăng lương được. Và chọn được người tài thì 1 người làm được bằng 3, 4 người”, PGS.TS. Mạc Văn Trang nói.

 

Một giải pháp nữa để chống lãng phí, theo GS.TS. Nguyễn Đình Cống, là thúc đẩy kinh tế tư nhân. Ông lý giải:

 

“Người ta lãng phí công quỹ là nhiều. Lãng phí chỉ là lãng phí của công thôi. Của công người ta mới lãng phí. Còn trong nền kinh tế của tư nhân thì lãng phí rất ít. Phải phát triển kinh tế tư nhân, xóa bỏ kinh tế tập thể”.

 

Theo số liệu của Việt Nam, năm 2023, khu vực kinh tế tư nhân chiếm khoảng 46% trong toàn bộ Tổng Sản phẩm Quốc nội (GDP), nộp khoảng 30% trên tổng thu ngân sách nhà nước và thu hút 85% lực lượng lao động.

 

Để khu vực tư nhân nói riêng và nền kinh tế nói chung phát triển, theo ông Cống, vẫn phải quay lại vấn đề cơ bản là thể chế chính trị. Ông nói thêm:

 

“Thể chế chính trị mà không bao hàm, thể chế chính trị mà không dân chủ thì rồi kinh tế cũng khó phát triển lắm”.

 

VOA liên lạc với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm để tìm hiểu phản ứng của ông về những ý kiến của GS.TS. Nguyễn Đình Cống và PGS.TS. Mạc Văn Trang, nhưng không kết nối được.

 

 

 





No comments: