Saturday, October 19, 2024

NGOẠI TRƯỞNG PHILIPPINES HỐI THÚC ASEAN SỚM CÓ GIẢI PHÁP KIÊN QUYẾT VỀ BIỂN ĐÔNG (Thu Hằng / RFI)

 



Ngoại trưởng Philippines hối thúc ASEAN sớm có giải pháp kiên quyết về Biển Đông

Thu Hằng  -  RFI

Đăng ngày: 19/10/2024 - 14:09  -  Sửa đổi ngày: 19/10/2024 - 15:32

https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20241019-ngo%E1%BA%A1i-tr%C6%B0%E1%BB%9Fng-philippines-h%E1%BB%91i-th%C3%BAc-asean-s%E1%BB%9Bm-c%C3%B3-gi%E1%BA%A3i-ph%C3%A1p-ki%C3%AAn-quy%E1%BA%BFt-v%E1%BB%81-bi%E1%BB%83n-%C4%91%C3%B4ng

 

« ASEAN cần đề cập nhiều hơn về tình hình Biển Đông và phải thúc đẩy các cuộc đàm phán về bộ Quy tắc Ứng xử - COC.» Trả lời phỏng vấn truyền thông ngày 18/10/2024, ngoại trưởng Philippines Enrique Manalo cho rằng chỉ khi cùng lên tiếng, hiệp hội 10 nước Đông Nam Á mới có thể nâng cao tầm quan trọng của việc tôn trọng luật pháp quốc tế nhằm giải quyết tranh chấp một cách hòa bình.

 

HÌNH :

Cuộc họp ngoại trưởng "ASEAN + 3" lần thứ 25 tại Viêng Chăn, Lào, ngày 27/07/2024. AP - Sakchai Lalit

 

Trong buổi phỏng vấn với truyền thông tại Bangkok, trong đó có Nikkei Asia và CNA, nhân chuyến công du Thái Lan kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ song phương, ngoại trưởng Philippines nhấn mạnh : « ASEAN phải lên tiếng nhiều hơn một chút về tình hình » Biển Đông bởi vì « ASEAN có vai trò quan trọng trong việc duy trì một số nguyên tắc, như luật pháp quốc tế, đặc biệt liên quan đến Biển Đông, và đảm bảo rằng các quốc gia có thể đóng vai trò hiệu quả hơn trong các cuộc đàm phán về bộ Quy tắc Ứng xử ».

 

Vẫn theo ngoại trưởng Manalo, những diễn biến ở Biển Đông đã được các nhà lãnh đạo ASEAN « thảo luận thẳng thắn » tại thượng đỉnh ASEAN ở Lào từ ngày 08-11/10. Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr đã kêu gọi khẩn trương hoàn thiện bộ Quy tắc Ứng xử. Đề xuất này được ngoại trưởng Manalo nhắc lại trong buổi trả lời phỏng vấn. Theo ông, « không thể phải chờ thêm 3 hoặc 4 năm nữa » vì « chúng ta cần có một bộ Quy tắc Ứng xử hiệu quả và thực chất », được ông coi là « cách để giải quyết hoặc tháo gỡ tình hình ».

 

Theo trang CNA, Philippines cùng Việt Nam, Malaysia, Brunei, Indonesia có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc. Philippines thường xuyên bị lực lượng hải cảnh và dân quân biển Trung Quốc sách nhiễu trong vùng đặc quyền kinh tế nhưng bị Bắc Kinh đòi chủ quyền. Gần đây, ngày 02/10, ngư dân Việt Nam cũng bị tàu Trung Quốc tấn công ở Hoàng Sa.

 

------------------------------

Các nội dung liên quan

 

TRUNG QUỐC - PHILIPPINES - BIỂN ĐÔNG

ASEAN+1: Philippines tố cáo các hành vi hù dọa quấy rối tại Biển Đông, kêu gọi Trung Quốc-ASEAN khẩn trương đàm phán về COC

 

ĐIỂM TUẦN BÁO

Biển Đông dậy sóng, nguy cơ xung đột tăng cao

 

HỘI NGHỊ NGOẠI TRƯỞNG ASEAN

Căng thẳng Philippines-Trung Quốc ở Biển Đông, một trọng tâm của Hội nghị ngoại trưởng ASEAN

 

 






No comments: