Tuesday, October 15, 2024

MỸ TIẾT LỘ NGA & TRUNG QUỐC CHẶN TUYÊN BỐ CHUNG ASEAN (Người Việt Online)

 



Mỹ tiết lộ Nga và Trung Quốc chặn tuyên bố chung ASEAN  

Người Việt Online
October 14, 2024 : 3:25 PM

https://www.nguoi-viet.com/viet-nam/my-tiet-lo-nga-va-trung-quoc-chan-tuyen-bo-chung-asean/

 

WASHINGTON, DC (NV) – Nga và Trung Quốc đã chặn một bản dự thảo tuyên bố chung của tổ chức ASEAN mà lý do chính đụng chạm đến vấn đề tranh chấp Biển Đông.

 

Hội nghị kết thúc, các phái đoàn dự hội nghị lục tục ra về thì một quan chức chính phủ Mỹ mới tiết lộ hôm Thứ Bảy, 12 Tháng Mười, cho hãng tin Reuters một chuyện đáng sửng sốt như vậy về sự thật nằm đằng sau một hội nghị quốc tế.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2024/10/VN-ASEAN-hop-ky-45-Vientiane-TangChhinSothy-AFP-100924-1536x1024.jpg

Hiệp hội 10 nước ASEAN tổ chức họp thượng đỉnh hàng năm, mà năm nay họp tại thủ đô Lào ngày 9 Tháng Mười, 2024. (Hình: Tang Chhin Sothy/AFP/Getty Images)

 

Chuyện hội nghị ASEAN, vào ngày kết thúc các cuộc họp, đã từng không công bố được bản tuyên bố chung vì thiếu đồng thuận về nội dung cũng như hình thức ngôn ngữ diễn đạt của nội bộ mười nước thành viên, hoặc do áp lực của những nước khác bị dị ứng với nội dung đó.

 

Lần họp kỳ này tại thủ đô Vientiane của Lào, bản dự thảo tuyên bố chung của các nước khối ASEAN cũng lại bị Nga và Trung Quốc chống đối vì trong đó có đề cập đến chuyện tranh chấp chủ quyền biển đảo tại Biển Đông giữa Trung Quốc với một số nước phía Nam gồm Malaysia, Indonesia, Brunei và đặc biệt Việt Nam và Philippines bị ảnh hưởng nhiều nhất.

 

Trung Quốc ngang ngược tuyên bố chủ quyền lãnh thổ chiếm đến 90% Biển Đông dựa trên mười vạch tưởng tượng nối lại giống hình “lưỡi bò,” và thêm cái “chủ quyền lịch sử” mơ hồ phi lý mà chẳng ai chấp nhận. Tháng Bảy, 2016, tòa án quốc tế đã phán quyết cái đòi hỏi chủ quyền đó của Trung Quốc là phi lý, “vô giá trị.”

 

Dù vậy, Bắc Kinh vẫn cậy sức mạnh ăn trùm các nước nhỏ phía Nam, đưa hàng đoàn tàu đủ loại từ chiến hạm đến tàu hải cảnh và tàu dân quân biển khống chế và đe dọa các nước tranh chấp. Những rắc rối gần đây nhất là Trung Quốc chặn tàu tiếp tế của Philippines tại bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal), ngăn cản ngư dân và tàu Cảnh Sát Biển Philippines hoạt động ở các khu vực bãi Scarborough Shoal và một số bãi cạn khác nằm trong vùng biển đặc quyền kinh tế của Phi nhưng lại có vạch “lưỡi bò” vắt qua.

 

Cũng gần đây là các vụ lính Trung Quốc đâm tàu, đập phá rồi cướp ngư cụ ngư sản và đánh đập ngư dân Việt Nam hoạt động tại vùng biển Hoàng Sa. Trong khi đó, họ cũng lòng vòng ngầm đe dọa tàu dò tìm dầu khí của Malaysia ở vùng biển đặc quyền kinh tế của nước này, vin vào cái chủ quyền “lưỡi bò” tưởng tượng.

 

“ASEAN giới thiệu (tại hội nghị ASEAN và các đối tác khu vực, tại Vientiane) đây là bản dự thảo cuối cùng và cho hay, trên căn bản, chấp nhận toàn bộ bản dự thảo này hay bỏ nó đi (chứ không sửa, thêm bớt gì nữa vì đã được cả khối ASEAN họp và bàn thảo xong).”

 

Viên chức ngoại giao Mỹ tiết lộ về bản dự thảo tuyên bố chung của mười nước ASEAN với tám đối tác khu vực (Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Úc, Nga, Trung Cộng, Ấn Độ và New Zealand) cử đại diện đến thủ đô Lào họp thượng đỉnh ngày 10 Tháng Mười, 2024.

 

Theo Reuters thuật lại, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc, Nam Hàn và Ấn Độ cho hay họ ủng họ bản dự thảo tuyên bố đó. Nhưng viên chức Mỹ nói trên cho hay thêm là “người Nga và người Trung Quốc nói họ không thể và không (chấp nhận) tiến hành (chính thức) đưa bản tuyên bố đó ra đọc.” Đại diện Nga tham dự hội nghị là Ngoại Trưởng Sergei Lavrov, còn đại diện Trung Quốc là Thủ Tướng Lý Cường.

 

Ngoại trưởng Nga nói tại cuộc họp báo ở Vientiane hôm Thứ Sáu, 11 Tháng Mười, là bản tuyên bố cuối cùng không được chấp thuận vì “Mỹ, Nhật, Nam Hàn, Úc và New Zealand cứ khăng khăng muốn biến nó thành một bản tuyên bố chính trị thuần túy.”

 

Hãng tin Reuters liên lạc với tòa đại sứ Trung Quốc ở Washington đề nghị bình luận thì không thấy trả lời. Viên chức ngoại giao Mỹ nói trên cho hay tuy có một số vấn đề gây tranh cãi nhưng cái mấu chốt nhất vẫn là cách họ đề cập đến Công Ước Quốc Tế về Luật Biển (UNCLOS) (bị cho là) đi quá xa so với bản tuyên bố của hội nghị EAS năm 2023 trước đó.

 

Tuy nhiên viên chức Mỹ cho hay “chắc chắn không có từ ngữ nào đi sâu vào thực chất của bất kỳ tranh chấp đặc biệt nào, không có lời lẽ nào có lợi hơn cho bất cứ bên tranh chấp nào” (về Biển Đông để bị chống).

 

Trung Quốc ra vẻ hăng hái muốn đàm phán để có một Bộ Quy Tắc Ứng Xử (COC – Code of Conduct) hầu tránh xung đột võ trang tại Biển Đông nhưng lại không chấp nhận phán quyết của tòa án quốc tế bác bỏ tuyên bố chủ quyền “lưỡi bò” ngang ngược của họ. Vì vậy mà các cuộc đàm phán COC đã kéo lê từ năm này sang năm khác từ nhiều năm qua đến nay vẫn chưa có.

 

Cả Trung Quốc và các nước ASEAN đều nói vấn đề giải quyết tranh chấp biển đảo và một bộ COC phải dựa trên UNCLOS nhưng Bắc Kinh lại vẫn khăng khăng tuyên bố chủ quyền “lưỡi bò” và “ quyền lịch sử” bất chấp phán quyết của tòa án quốc tế. Điều này dẫn đến nhận định của nhiều phân tích gia quốc tế là dù có đạt được một bộ COC, nó cũng sẽ không khác một tờ giấy lộn bao nhiêu.

 

Căn cứ vào bản dự thảo tuyên bố của ASEAN mà thông tấn Reuters đọc được, dự thảo EAS có một điều khoản phụ bổ túc so với bản tuyên bố được chấp nhận đưa ra, mà điều này đã không đạt đồng thuận. Nó nhấn mạnh đến nghị quyết năm 2023 của Liên Hiệp Quốc nói rằng UNCLOS “đặt khuôn khổ pháp lý trong đó mọi hoạt động trên đại dương và các vùng biển phải được thực hiện”.

 

EAS statement mà Ngoại Trưởng Nga Lavrov đề cập là “the 18th EAST ASIA SUMMIT họp tại thủ đô Jakarta, Indonesia, ngày 7 Tháng Chín 2023.

 

Một điều khoản phụ khác không được chấp thuận là môi trường quốc tế, bao gồm “ở Biển Đông, bán đảo Triều Tiên, Myanmar, Ukraine và Trung Đông… đang chứng tỏ là các thách thức cho khu vực.”

 

Theo Thủ Tướng Trung Quốc Lý Cường phát biểu tại hội nghị Vientiane, Bắc Kinh cam kết hành xử trong khuôn khổ UNCLOS cũng như nỗ lực (đàm phán) để sớm có một bộ COC nhưng ông ta lại vẫn nhấn mạnh đến tuyên bố chủ quyền Biển Đông “với các căn cứ lịch sử và pháp lý vững chắc.” Nói khác, ông ta diễn dịch UNCLOS và tuyên bố chủ quyền của họ khác với quan điểm của các nước khác, bất chấp phán quyết của tòa án quốc tế. Mấu chốt vấn đề nằm ở đây.

 

“Các nước liên quan bên ngoài khu vực (ám chỉ Mỹ, Nhật, Úc, Hàn) nên tôn trọng và ủng hộ những nỗ lực chung của Trung Quốc và các nước khu vực hầu duy trì hòa bình và ổn định tại Biển Đông, cũng như đóng góp thật sự cho hòa bình và ổn định ở khu vực,” ông Lý Cường nói.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2024/10/VN-ASEAN-plus-China-27th-Vientiane-NhacNguyen-AFP-101024-1536x1024.jpg

Các thành viên ASEAN chụp hình kỷ niệm chung với đại điện Trung Quốc là Thủ Tướng Lý Cường. Hai bên họp chung kỳ thứ 27 tại thủ đô Lào ngày 10 Tháng Mười, 2024. (Hình: Nhạc Nguyễn/AFP/Getty Images)

 

Tuy là kẻ ngang ngược, tham lam bá quyền bành trướng của nước lớn và hùng mạnh quân sự muốn nuốt trọn Biển Đông, Bắc Kinh luôn luôn đổ ngược cho các nước khác về những gì đang xảy ra ở khu vực.

 

Trong phiên họp ở Vientiane với các đối tác khu vực, Tổng Thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. kêu gọi các bên liên quan tiến hành gấp rút các cuộc đàm phán cho bộ COC mà ông nói nước ông đang là nạn nhân bị ức hiếp tại Biển Đông. Không thấy tin tức nào cho biết lời thúc giục của ông được phản hồi tích cực.

 

Một năm trước, ASEAN và Trung Quốc mới chỉ thỏa thuận bắt đầu đàm phán dự thảo bản đọc lần thứ ba cho Bộ Quy Tắc Ứng Xử tại Biển Đông vốn trì hoãn từ lâu. Tờ South China Morning Post ở Hongkong ngày 27 Tháng Mười dẫn lời bà Mao Ninh, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc, cho hay Bắc Kinh và khối ASEAN “tăng tốc đàm phán để sớm đạt được một Bộ Quy Tắc Ứng Xử hiệu quả và thực chất.”

 

Lời phát biểu của bà Mao Ninh được dẫn lại như trên chỉ một ngày sau khi đại diện cấp chuyên viên của Trung Quốc và ASEAN ngồi vào bàn hội nghị tại Bắc Kinh. Hai bên trao đổi quan điểm chuyên sâu (in-depth exchange of views) về tình hình tại Biển Đông và đồng ý gia tăng hợp tác về các lãnh vực như khảo cứu khoa học hải dương, bảo vệ môi trường cũng như thực thi luật lệ trên biển.

 

Một năm trôi qua, vẫn chẳng thấy gì cụ thể đạt được ngoài những lời thúc giục suông. (NTB) [kn]

 

 





No comments: