Wednesday, October 9, 2024

MIẾN ĐIỆN và BIỂN ĐÔNG PHÉP THỬ CŨ CHO VAI TRÒ CỦA ASEAN (Anh Vũ / RFI)

 



Miến Điện và Biển Đông phép thử cũ cho vai trò của ASEAN

Anh Vũ  -  RFI

Đăng ngày: 08/10/2024 - 15:22Sửa đổi ngày: 08/10/2024 - 15:24

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20241008-mi%E1%BA%BFn-%C4%91i%E1%BB%87n-v%C3%A0-bi%E1%BB%83n-%C4%91%C3%B4ng-ph%C3%A9p-th%E1%BB%AD-c%C5%A9-cho-vai-tr%C3%B2-c%E1%BB%A7a-asean

 

Bắt đầu từ ngày 09/10/2024, tại thủ đô Vientian của Lào, diễn ra kỳ họp Cấp cao lần thứ 44-45 của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam ASEAN, trong bối cảnh Miến Điện lún sâu vào khủng hoảng toàn diện, tình hình Biển Đông gia tăng căng thẳng. Hai hồ sơ lớn này một lần nữa lại là phép thử về vai trò và tính đoàn kết của một hiệp hội các nước trong một khu vực có vị trí địa chính trị ngày càng quan trọng.

 

HÌNH ;

Ngoại trưởng của Hàn Quốc cùng ngoại trưởng và phái đoàn các nước thành viên thuộc ASEAN, họp tại Vientian, Lào, ngày 26/07/2024. AP - Achmad Ibrahim

 

Được thành lập từ năm 1967, đến nay ASEAN đã có 10 quốc gia thành viên với hơn 685 triệu dân. Cộng đồng ASEAN đã có nhiều nỗ lực xây dựng hiệp hội thành một tổ chức hợp tác liên chính phủ ở mức sâu rộng, tạo môi trường hòa bình và an ninh ổn định cho phát triển khu vực Đông Nam Á.

 

Ngoại trưởng Indonesia, Marty Natalegawa cho Reuter biết tại thượng đỉnh lần này, vấn đề Biển Đông cũng như Miến Điện là những trắc nghiệm quyết định cho vai trò đáng có của ASEAN. Ông Natalegawa nói thêm : «  Mối quan tâm chính của tôi là ý thức gắn kết và ý thức về mục tiêu chung đã bị xói mòn phần nào trong những năm gần đây. »

 

Trong hồ sơ Miến Điện, vài tháng sau khi quân đội Miến Điện tiến hành cuộc đảo chính lật đổ chính quyền dân cử hồi tháng 2/2021, các nước ASEAN đã đề xuất với chính quyền quân sự  một văn kiện có tên gọi « Đồng thuận 5 điểm » nhằm chấm dứt khủng hoảng chính trị ở Miến Điện.

 

Năm điểm đồng thuận của ASEAN về Miến Điện bao gồm : Chấm dứt bạo lực, đối thoại mang tính xây dựng giữa tất cả các bên liên quan, viện trợ cho Miến Điện, bổ nhiệm đặc phái viên ASEAN đến Miến Điện thúc đẩy và theo dõi các cuộc thương lượng.

Publicité

 

 

Không tìm được giải pháp xử lý khủng hoảng

 

Kể từ đó đến nay đã hơn ba năm tiến trình hòa bình cho Miến Điện này không đạt được tiến bộ nào và chính quyền quân sự vẫn để ngoài tai mọi lời kêu gọi của ASEAN nhằm tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng ở nước thành viên này. Trái lại, chính quyền quân sự tiếp tục đẩy Miến Điện lún sâu vào khủng hoảng, xung đột vũ trang gia tăng cùng với sự trỗi dậy của phong trào kháng chiến vũ trang liên kết với các nhóm nổi dậy sắc tộc thiểu số tấn công quân đội chính phủ trên nhiều mặt trận.

 

Từ kỳ họp Cấp cao ASEAN trước tại Jakarta, Indonesia, Malaysia và Philippines là những quốc gia chủ trương phải có lập trường cứng rắn hơn đối với chính quyền quân sự Miến Điện, nhưng ASEAN vẫn bị chia rẽ.

 

Thái Lan, nước thường xuyên tiếp nhận hàng nghìn người Miến Điện bị mắc kẹt do xung đột vũ trang dọc theo đường biên giới chung dài 1.800 km, đã kêu gọi khối Đông Nam Á có phản ứng hiệu quả hơn.

 

Thủ tướng Thái Lan, bà Paetongtarn Shinawatra hôm thứ Hai (07/10) kêu gọi: “ASEAN phải đóng một vai trò quan trọng trong việc khôi phục hòa bình cho Miến Điện càng nhanh càng tốt”.

 

Dưới nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên của Lào, giới quan sát nhận thấy cách tiếp cận hồ sơ Miến Điện của khối đã có phần nào thay đổi so với phương pháp không mang lại kết quả của Indonesia trước đó.

 

Theo ông Dulyapak Preecharush, nhà nghiên cứu về Đông  Nam Á tại Đại học Thamasat, Thái Lan, cách thức mới là mở rộng tiến trình đã có bằng cách lôi kéo thêm các nước láng giềng của Miến Điện như Trung Quốc và Ấn Độ can dự vào giải quyết hồ sơ.  Chuyên gia Dulyapak cho rằng như vậy « sẽ tạo nhiều không gian hơn và giảm áp lực cho quân đội Miến Điện ».

 

Hôm 26/09 vừa qua, chính quyền quân sự bất ngờ kêu gọi các lực lượng chống đối, nổi dậy ngừng giao tranh để bắt đầu các cuộc thương lượng chính trị. Bước chuyển biến này là do quân đội chính phủ Miến Điện phải hứng chịu một loạt các thất bại quân sự lớn trước các nhóm sắc tộc nổi dậy thời gian gần đây. Đang trong thế thắng, các nhóm nổi dậy chính, vẫn bị chính quyền coi là khủng bố, đã bác bỏ đề nghị ngừng chiến để đàm phán. Ngoài vấn đề xung đột vũ trang còn có vấn đề phong trào dân chủ chống chính quyền quân sự. Chế độ độc tài quân sự không dễ gì thỏa hiệp hay chấp nhận đòi hỏi cải cách dân chủ.

 

 

Biển Đông - Hồ sơ gây chia rẽ

 

Ngoài hồ sơ Miến Điện, căng thẳng gia tăng trên Biển Đông giữa Trung Quốc và Philippines và với Việt Nam gần đây cũng là mối quan tâm của nhiều nước trong hiệp hội ASEAN, đặc biệt khi mà Biển Đông là khu vực đang thu hút sự chú ý với nhiều nước đối tác quan trọng của ASEAN, như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc hay Úc. Tâm điểm của hồ sơ Biển Đông vẫn là Bộ Luật Ứng Xử Tại Biển Đông mà các cuộc đàm phán với Trung Quốc đã diễn ra từ nhiều năm nay với « tiến độ chậm như ốc sên », theo như nhận định của cựu ngoại trưởng Thái Lan Kantathi Suphamongkhon.

 

Biển Đông vẫn luôn là hồ sơ gây chia rẽ trong ASEAN khi tác nhân đối thoại chính là Trung Quốc, cường quốc kinh tế thứ 2 thế giới đã thành công trong việc gây ảnh hưởng với nhiều nước thành viên của Hiệp hội.

 

-------------------------

Các nội dung liên quan

 

ASEAN - HỘI NGHỊ NGOẠI TRƯỞNG

Miến Đin và Biển Đông vẫn bao trùm cuộc họp ngoại trưởng ASEAN

 

HỘI NGHỊ NGOẠI TRƯỞNG ASEANCăng thẳng Philippines-Trung Quốc ở Biển Đông, một trọng tâm của Hội nghị ngoại trưởng ASEAN

 

ASEAN - MIẾN ĐIỆN

Miến Điện lần đầu tiên từ 3 năm nay cử đại diện dự thượng đỉnh ASEAN

 

 

 




No comments: