Tuesday, October 22, 2024

'KHÔNG PHẢI VUA CỦA TÔI', THƯỢNG NGHỊ SĨ ÚC NÓI VỚI VUA CHARLES (BBC News Tiếng Việt)

 



'Không phải vua của tôi', thượng nghị sĩ Úc nói với Vua Charles

BBC News Tiếng Việt

22 tháng 10 năm 2024

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/clylmyrg1j7o

 

Một thượng nghị sĩ độc lập của Úc đã hét lên với Vua Charles III rằng “ông không phải vua của tôi” ngay sau khi ông kết thúc bài phát biểu tại Nhà Quốc hội Úc trong ngày làm việc chính thức thứ hai ở quốc gia này.

 

Bà Lidia Thorpe đã làm gián đoạn buổi lễ ở thủ đô Canberra khi hét lớn trong khoảng một phút trước khi bị lực lượng an ninh áp giải ra ngoài.

 

Vua Charles vừa mới rời khỏi bục phát biểu để quay lại chỗ ngồi bên cạnh Vương hậu Camilla trên sân khấu thì bà Thorpe bắt đầu hét lớn và từ cuối hội trường tiến gần về phía sân khấu.

 

Sau khi bà Thorpe đưa ra những cáo buộc về tội ác diệt chủng đối với “người dân của chúng tôi”, có thể nghe thấy tiếng bà hét: “Đây không phải lãnh thổ của ông, ông không phải vua của tôi.”

 

Buổi lễ tiếp diễn và sau đó kết thúc mà không có lời nào đề cập đến vụ việc. Cặp đôi hoàng gia tiếp tục gặp gỡ công chúng đang đứng đợi ở bên ngoài để chào đón hai người.

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/6472/live/1e9cc3e0-8f84-11ef-8e6d-e3e64e16c628.png.webp

Bà Thorpe gây gián đoạn buổi lễ và sau đó đã bị lực lượng an ninh áp giải ra ngoài

 

Dưới ánh nắng chói chang của Canberra, những người này đứng xếp hàng cả buổi sáng bên ngoài Nhà Quốc hội, tay vẫy những lá cờ Úc nhỏ.

 

Jamie Karpas, 20 tuổi, nói rằng anh không hề biết cặp đôi hoàng gia sẽ tới vào thứ Hai, và nói thêm: “Là một người từng nhìn thấy Harry và Meghan khi họ tới đây lần trước, tôi rất háo hức. Tôi nghĩ Hoàng gia là một phần của văn hóa Úc. Họ có chỗ đứng quan trọng trong cuộc sống của chúng tôi.”

 

Trong khi đó, CJ Adams, một học sinh người Úc từ Đại học Quốc gia Úc, nói: “Ông ấy là người đứng đầu nhà nước của Đế chế Anh, đúng không – phải [nhân dịp này] trải nghiệm hết sức có thể khi đang ở Canberra.”

 

Một nhóm nhỏ những người phản đối cũng đã tập trung trên bãi cỏ trước Tòa nhà Quốc hội.

 

Máy bay chở Vua Charles và Vương hậu Camila đã hạ cánh xuống Canberra trước đó trong ngày và hai người đã được tiếp đón bởi các chính trị gia, học sinh và cụ bà Aunty Serena Williams - đại diện của người bản địa Úc.

 

Úc là một quốc gia thuộc Khối thịnh vượng chung, nơi Vua Charles được coi là người đứng đầu nhà nước.

 

Bà Thorpe, một thượng nghị sĩ độc lập từ bang Victoria và là một phụ nữ người bản địa Úc, từ lâu đã vận động cho một hiệp ước giữa chính phủ Úc và những cư dân đầu tiên của lục địa này.

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/9e32/live/47ce9270-8f84-11ef-b3c2-754b6219680e.png.webp

Vua và Vương hậu trồng cây ở Nhà Quốc hội Úc

 

Úc là thuộc địa cũ của Anh duy nhất không có hiệp ước nào như vậy. Nhiều người dân bản địa Úc và người dân quần đảo trên Eo biển Torres nhấn mạnh rằng họ chưa bao giờ nhượng bộ chủ quyền hoặc đất đai của mình cho Vương triều.

 

Trong nhiều thập niên, đã có những cuộc tranh luận ở Úc về việc có chấm dứt chế độ quân chủ và chuyển sang chế độ cộng hòa hay không.

 

Vào năm 1999, vấn đề này được đưa ra để công chúng thảo luận trong một cuộc trưng cầu dân ý - đây là cách duy nhất để sửa đổi hiến pháp ở Úc - nhưng nó đã bị bác bỏ một cách mạnh mẽ.

 

Các cuộc thăm dò cho thấy sự ủng hộ cho phong trào này đã gia tăng kể từ đó, và Thủ tướng Úc Anthony Albanese, người đã bắt tay Vua Charles III ngay trước khi bà Thorpe hét lên, là một người ủng hộ chế độ cộng hòa lâu năm.

 

Tuy nhiên, chính phủ của ông Albanese đã loại bỏ khả năng tổ chức một cuộc bỏ phiếu thứ hai về vấn đề này trong tương lai gần, sau khi cuộc trưng cầu dân ý vào năm ngoái về việc công nhận người bản địa Úc không thành công.

 

Chuyến thăm của Vua Charles - trong thời điểm ông đang điều trị ung thư - là chuyến thăm đầu tiên của ông tới Úc sau khi kế vị mẹ mình là Nữ hoàng Elizabeth II.

 

Vì lý do sức khỏe, chuyến thăm này ngắn hơn so với những chuyến thăm hoàng gia trước đó.

 

Một khoảnh khắc vui vẻ hơn đã diễn ra vào buổi sáng khi Vua Charles vuốt ve một con lạc đà alpaca đang đội một chiếc vương miện nhỏ, lúc ông dừng lại để trò chuyện với công chúng sau khi thăm đài tưởng niệm chiến tranh ở Canberra.

 

=======================================

Vua Charles bị thượng nghị sĩ thổ dân Úc cáo buộc tội ‘diệt chủng’ khi đến thăm Canberra

Reuters

21/10/2024

https://www.voatiengviet.com/a/7830388.html

 

Vua Charles của Anh đã bị một thượng nghị sĩ thổ dân của Quốc hội Úc cáo buộc phạm tội “diệt chủng” hôm 21/10, ngay sau khi ông có bài phát biểu bày tỏ “lòng kính trọng đối với những người chủ truyền thống của vùng đất này”.

 

https://gdb.voanews.com/5816659a-885e-43ee-9b7f-dede53a2d106_cx0_cy10_cw0_w1023_r1_s.jpg

Vua Charles III của Anh gặp gỡ công chúng bên ngoài Tòa nhà Quốc hội ở Canberra, Úc, vào ngày 21 tháng 10 năm 2024

 

Vua Charles, trong chuyến thăm chính thức lần thứ 16 tới Úc và là chuyến công du nước ngoài lớn đầu tiên kể từ khi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư, đã kết thúc bài phát biểu khi thượng nghị sĩ độc lập và là nhà hoạt động thổ dân Lidia Thorpe hét lên rằng bà không chấp nhận chủ quyền của Vua Charles đối với Úc.

 

“Ông đã phạm tội diệt chủng đối với người dân của chúng tôi”, bà Thorpe nói. “Hãy trả lại đất đai cho chúng tôi. Hãy trả lại những gì các người đã đánh cắp của chúng tôi – xương cốt, hộp sọ, trẻ sơ sinh, người dân của chúng tôi. Các người đã phá hủy đất đai của chúng tôi. Hãy trao cho chúng tôi một hiệp ước. Chúng tôi muốn có hiệp ước”.

 

Bà Thorpe, người đã cắt ngang các sự kiện trước đó để phản đối việc thực dân hóa Úc, đã bị ngăn cản không cho tiếp cận nhà vua, người đã nói chuyện nhẹ nhàng với Thủ tướng Anthony Albanese trên bục phát biểu mà không hề nao núng. Bà Thorpe sau đó đã bị áp giải ra khỏi phòng họp.

 

Nữ thượng nghị sỹ này nói rằng tình trạng giam cầm và bạo lực do thực dân hóa chỉ có thể chấm dứt bằng một hiệp ước quốc gia giữa chính phủ và người dân bản địa để giải quyết các vấn đề của người bản địa First Nations.

 

Cựu Thủ tướng Úc Tony Abbott thuộc Đảng Tự do bảo thủ, người đã tham dự sự kiện này, nói với các phóng viên rằng đó là một “sự phô trương chính trị đáng tiếc”.

 

Một nguồn tin trong cung điện Anh cho biết nhà vua và hoàng hậu rất biết ơn hàng nghìn người đã tham dự, đồng thời nói thêm rằng họ “chỉ tiếc là không có cơ hội dừng lại và nói chuyện với từng người một. Sự nồng ấm và quy mô của buổi tiếp đón thực sự tuyệt vời”.

 

Sự phản đối là một ngoại lệ trong số những lời tri ân dành cho Vua Charles và Nữ hoàng Camilla từ những người có chức sắc và những người ủng hộ trong đám đông. Thủ tướng Albanese đã nói về sự tôn trọng mà người Úc dành cho quốc vương của họ và ca ngợi Vua Charles vì sự ủng hộ lâu dài của ông đối với biến đổi khí hậu.

 

Ông Albanese đã gác lại kế hoạch trưng cầu dân ý về việc biến Úc thành một nước cộng hòa sau khi cuộc trưng cầu dân ý do chính phủ hậu thuẫn nhằm thành lập một cơ quan cố vấn cho người bản địa bị thất bại vào đầu năm nay.

 

Chuyến thăm quốc hội diễn ra sau chuyến đi đến Đài tưởng niệm Chiến tranh Úc ở Canberra, nơi nhà vua và hoàng hậu đã gặp hơn một nghìn người ủng hộ, bao gồm cả Hephner, chú lạc đà không bướu Alpaca chín tuổi mặc vest với vương miện đội trên đầu lông trắng muốt.

 

Vua Charles và hoàng hậu sẽ tiếp tục chuyến thăm Úc tại Sydney vào ngày 22/10, trước khi đến Samoa để tham dự cuộc họp của các quốc gia trong Khối thịnh vượng chung của Anh.

 

 

 

 

 

 



No comments: