Saturday, October 12, 2024

KHẢO SÁT BẦU CỬ MỸ : THU THẬP Ý KIẾN hay ĐIỀU HƯỚNG DƯ LUẬN? (Minh Phương / RFI)

 



Khảo sát bầu cử Mỹ : Thu thập ý kiến hay điều hướng dư luận ?

Minh Phương  -  RFI

Đăng ngày: 11/10/2024 - 11:51

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20241011-kh%E1%BA%A3o-s%C3%A1t-b%E1%BA%A7u-c%E1%BB%AD-m%E1%BB%B9-thu-th%E1%BA%ADp-%C3%BD-ki%E1%BA%BFn-hay-%C4%91i%E1%BB%81u-h%C6%B0%E1%BB%9Bng-d%C6%B0-lu%E1%BA%ADn

 

“Kamala Harris đang bị Donald Trump bỏ lại phía sau (50% so với 47%) theo cuộc thăm dò Quinnipiac”. “Cuộc khảo sát toàn quốc của tờ The New York Times cho thấy Harris vẫn tiếp tục dẫn trước Trump 3 điểm”. “Theo cuộc thăm dò của Emerson, hai người ngang bằng với số điểm 47%” … Càng gần ngày bầu cử tổng thống Mỹ, độc giả càng dễ lạc lối trong mê cung của các cuộc khảo sát thăm dò dư luận ngập tràn trên các mặt báo, với những kết quả nhiều khi hoàn toàn trái ngược. 

 

HÌNH :

Những tấm dán "Tôi đã bỏ phiếu sớm" tại một điểm bỏ phiếu sớm của thành phố Minneapolis, bang Minnesota, Hoa Kỳ ngày 19/09/2024. AP - Adam Bettcher

 

Vậy liệu những cuộc thăm dò ý kiến này có đáng tin hay không ? Tác động của chúng tới kết quả bầu cử như thế nào? 

 

 

Khảo sát bầu cử tổng thống Mỹ : Không phải lúc nào cũng chính xác 

 

Trước tiên có thể kể đến trường hợp năm 1948, khi đa số các cuộc khảo sát dư luận đều gần như nhất trí rằng ứng viên đảng Cộng Hoà Thomas Dewey sẽ đánh bại đương kim tổng thống thời điểm đó Harry Truman. Tin vào những kết quả này, tờ Chicago Daily Tribune, nhật báo tiếng tăm của Mỹ, thậm chí đã giật sẵn tít “Dewey đánh bại Truman” và cho in hàng trăm nghìn ấn phẩm ngay trước cả khi có kết quả chính thức. Và rồi bất ngờ xảy đến, Truman tái đắc cử với chiến thắng áp đảo. 

 

Hay một ví dụ khác là cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2016 giữa hai ứng viên Donald Trump và Hillary Clinton. Nhiều cuộc thăm dò đều cho rằng Clinton sẽ giành chiến thắng, thậm chí trang Fivethirtyeight, chuyên gia trong lĩnh vực phân tích công luận, còn dự đoán rằng khả năng thắng cử của bà Clinton lên tới 86%. Nhưng kết quả thì ai cũng biết, tỷ phú Trump đã trở thành tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ. Có thể thấy, không ít lần các cuộc khảo sát ý kiến trước bầu cử tại Mỹ đã đưa ra những dự đoán sai lệch, từ đó tạo ra kết quả bất ngờ, gây chấn động dư luận. 

 

Nguyên nhân nào dẫn đến những sai lệch này? 

Để hiểu được những nguyên nhân này, trước hết cần nhắc lại rằng hệ thống bầu cử của Mỹ hoạt động theo cơ chế cử tri đoàn, gồm một nhóm các đại cử tri, những người đại diện cho các bang. Số lượng đại cử tri tỷ lệ thuận với dân số của bang đó. Tổng cộng ở Mỹ hiện nay có 538 đại cử tri và để giành được chiến thắng, ứng viên cần có được ít nhất 270 phiếu cử tri đoàn. Ở các bang nơi các đa số đã được xác định rõ ràng, kết quả gần như đã chắc chắn do hầu hết các bang sử dụng quy tắc "thắng cả bang", nghĩa là ứng viên nào thắng đa số phiếu phổ thông trong bang sẽ giành toàn bộ số phiếu cử tri đoàn của bang đó (trừ Maine và Nebraska có quy tắc riêng).

 

Do đó, các cuộc thăm dò thực sự quan trọng chỉ là những khảo sát tại các bang "dao động", còn được gọi là "swing states", vì không thể đoán trước được kết quả của chúng. Ví dụ, năm 2016, mặc dù các cuộc thăm dò quốc gia đã dự đoán chính xác chiến thắng của Hillary Clinton về số phiếu phổ thông (bà đã giành được nhiều hơn Trump khoảng 3 triệu phiếu), nhưng chúng đã không dự đoán được kết quả tại một số bang dao động, nơi mà Trump cuối cùng đã nhận được đa số phiếu bầu và giành chức tổng thống.

 

Theo Hiệp hội Nghiên cứu Công luận Hoa Kỳ (AAPOR), dự đoán sai lệch về kết quả tại các bang dao động trong kỳ bầu cử năm 2016 xuất phát từ việc đánh giá không đúng mức về số lượng những người ủng hộ Trump, đặc biệt là những người da trắng không có bằng cấp. Nhiều người trong số này đã không tham gia trả lời các cuộc thăm dò vì thiếu tin tưởng vào các cơ quan tổ chức khảo sát. Đồng thời ngược lại, các cuộc thăm dò đã đánh giá quá cao tỷ lệ cử tri đảng Dân Chủ đi bầu, tạo ra nhận thức sai lầm rằng Hillary Clinton đã cầm chắc chiến thắng trong tay.

 

Ngoài ra, các cuộc khảo sát cũng không ghi nhận đúng về số lượng cử tri còn do dự, những người cuối cùng đã bầu cho Donald Trump hoặc các ứng cử viên thứ ba như Gary Johnson và Jill Stein nhiều hơn dự đoán. Tờ La Croix trích dẫn phân tích của tiến sĩ khoa học chính trị Cécile Belin, cho biết việc bỏ phiếu vào phút chót tại các bang dao động, chẳng hạn như Florida, North Carolina hay Wisconsin, đã khiến cục diện thay đổi và ứng viên đảng Dân Chủ Clinton đã phải chịu thua trước đối thủ đảng Cộng Hoà. 

 

Một yếu tố khác cần được nhắc đến là biên độ sai số của các cuộc thăm dò, thường bị công chúng và truyền thông hiểu sai. Thông thường, biên độ này nằm trong khoảng từ 3 đến 4 điểm. Các nhà nghiên cứu tại Đại học Berkeley đã chỉ ra rằng để đảm bảo độ chính xác, biên độ sai số này cần phải ở mức ít nhất 6%. Do đó, một ứng cử viên được dự đoán nhận 54% phiếu bầu thực tế có thể giành được từ 48% đến 60%. Tuy nhiên, truyền thông đôi khi thổi phồng kết quả, đặc biệt là trong các tiêu đề, khiến người đọc hiểu lầm rằng một ứng cử viên đang dẫn đầu, ngay cả khi sự chênh lệch chỉ đơn giản là nằm trong biên độ sai số. 

 

 

Vậy đâu là tác động của những cuộc khảo sát này đến lá phiếu của cử tri? 

Theo tờ The Conversation, kể từ nhiều thập niên trở lại đây, các cuộc thăm dò ý kiến cử tri đóng một vai trò quan trọng nhưng cũng gây nhiều tranh cãi trong bầu cử tổng thống. Các nhà xã hội học đã chỉ ra rằng kết quả của các cuộc khảo sát có thể gây ra “hiệu ứng đoàn tàu” (bandwagon), hay hiểu đơn giản là tâm lý bầy đàn, khi con người có xu hướng “nhảy tàu” để đi theo số đông và bầu cho người có khả năng thắng cuộc. Chuyên gia Lazarsfeld và các đồng sự khi thực hiện nghiên cứu đã cho thấy đây là một xu hướng khá phổ biến trong các cuộc bầu cử. Khi được hỏi bạn sẽ bầu cho ai, không ít người đã trả lời : “Với tôi thì ai thắng cũng vậy thôi, nhưng tôi muốn bầu cho người thắng cuộc.” Có thể thấy nhiều cử tri chỉ đơn giản là bầu chọn cho người đang dẫn trước trong các cuộc thăm dò do tâm lý thích đi theo đám đông, chứ không thực sự quan tâm đến các chính sách hay đường lối chính trị của ứng viên. 

 

Nhưng ngược lại, các nhà nghiên cứu cũng cho rằng thăm dò dư luận còn có thể tạo ra một hiệu ứng tâm lý khác, mang tính chất ủng hộ kẻ yếu thế. Hiệu ứng này mang tên “underdog”, ám chỉ đến việc cử tri cảm thấy cần phải ủng hộ ứng cử viên đang xếp sau trong các cuộc khảo sát. Theo đó, ứng viên đang bị bỏ lại phía sau sẽ trở nên đáng cảm thông hơn trong mắt cử tri, khiến họ muốn giúp đỡ để tránh cho ứng viên đó phải chịu thất bại như đã được dự báo trong các cuộc thăm dò. Hiệu ứng này bắt nguồn từ lòng trắc ẩn cùng những quan niệm của nhiều người về công bằng và công lý. Các nhà làm phim cũng thường khai thác tâm lý này của người xem thông qua việc xây dựng nhân vật chính là những người yếu thế, gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống nhưng cuối cùng đã vươn lên và giành chiến thắng trước “kẻ phản diện”. Tuyến nhân vật kiểu này thường dễ nhận được sự đồng cảm của người xem hơn. 

 

Ngoài ra còn nhiều hiệu ứng khác nữa mà các cuộc khảo sát có thể vô tình hoặc cố ý ảnh hưởng đến lá phiếu của cử tri, và chính điều này đã khiến nhiều chính trị gia, thậm chí là nhiều chính phủ bài trừ các cuộc thăm dò ý kiến. Theo nghiên cứu do Đại học Hồng Kông và Hiệp hội Nghiên cứu Dư luận Thế giới (WAPOR) đồng thực hiện vào năm 2017, có tới 14 quốc gia có quy định cấm thăm dò ý kiến trước ngày bầu cử. Trong đó, Tunisie đứng đầu với lệnh cấm thực hiện khảo sát 150 ngày trước bầu cử, ở Cameroon là 90 ngày, trong khi Ý và Slovakia áp dụng lệnh cấm 14 ngày, v.v.

 

(Nguồn : The Conversation, La Croix, Viện nghiên cứu chính trị Sciencs Po)

 

---------------------------------

Các nội dung liên quan

 

PHÂN TÍCH

Bầu cử tổng thống Mỹ 2024: Cuộc tranh luận lộ rõ khác biệt tầm nhìn giữa Trump và Harris

 

BẦU CỬ TỔNG THỐNG MỸ 2024

Bầu cử Mỹ 2024 : Bất phân thắng bại cuộc tranh luận giữa hai ứng viên phó tổng thống

 

 






No comments: