Thursday, October 3, 2024

DỰ ÁN KÊNH ĐÀO PHÙ NAM TECHO CHO THẤY SỰ RẠN NỨT TRONG QUAN HỆ VIỆT NAM - CAMPUCHIA (Luna Pham / RFA)

 



Dự án Kênh đào Phù Nam Techo cho thấy rạn nứt trong quan hệ Việt Nam – Campuchia

Bài viết của Luna Pham cho RFA
2024.10.02

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/cambodias-funan-techo-canal-exposes-cracks-in-vietnam-ties-10022024154820.html

 

Kế hoạch xây dựng kênh đào của Campuchia – một công trình nối thủ đô và bờ biển của nước này nhằm chấm dứt sự phụ thuộc vào các cảng của Việt Nam – đã và đang làm dấy lên rất nhiều câu hỏi về tính khả thi kinh tế cũng như tác động môi trường của dự án.

 

Trong bài phóng sự này, RFA tìm hiểu những tác động có thể có của việc xây dựng kênh đào Phù Nam Techo đã được hoạch định, đối với mối quan hệ Việt Nam - Campuchia.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/cambodias-funan-techo-canal-exposes-cracks-in-vietnam-ties-10022024154820.html/@@images/1b4b4b0d-369f-4f51-abde-c1c7170b3c56.jpeg

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc (bên trái) nâng ly cùng Thủ tướng Campuchia Hun Sen (bên phải) trong một lễ ký kết tại Phnom Penh ngày 25/4/2017.  (Tang Chhin Sothy/AFP)

 

Ông Hun Sen, lãnh đạo kỳ cựu của Campuchia và con trai ông, Thủ tướng Hun Manet, đã tiến hành một chiến dịch nhằm tập hợp sự ủng hộ cho dự án kênh đào Phù Nam Techo – một dự án mà họ cho là mang tinh thần dân tộc Campuchia, tạo nên một làn sóng tự hào dân tộc của người Campuchia.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/cambodias-funan-techo-canal-exposes-cracks-in-vietnam-ties-10022024154820.html/p2a.jpeg/@@images/bbed29c8-0202-4f88-b5e7-a82a4bf9c477.jpeg

Trẻ em chơi ở khu vực sông Mekong tại huyện An Phú, tỉnh An Giang ngày 21/8/2024. Nguồn ảnh: Tran Viet Duc/RFA

 

Nhưng điều này cũng cho thấy những vết rạn nứt ẩn chứa trong quan hệ giữa Việt Nam và Campuchia, hai nước láng giềng vốn có số phận gắn bó với nhau ngay từ những ngày đầu lịch sử của hai nước, đặc biệt kể từ khi Việt Nam đánh bại chế độ Khmer Đỏ ở Campuchia vào đầu năm 1979.

 

Trong khoảng thế kỷ thứ 1 đến thế kỷ thứ 6, khu vực Angkor Borei, cách Phnom Penh khoảng 100 km về phía nam, là thủ đô của Phù Nam - một vương quốc có diện tích trải dài qua các vùng đất hiện nay thuộc về Việt Nam, Thái Lan và Campuchia.

 

Việc sử dụng tên gọi của vương quốc cổ đại này cho kênh đào Phù Nam Techo gợi cho người ta nhớ đến nền văn hóa [rực rỡ] và sự thịnh vượng của người Khmer, vốn vượt trội hơn hẳn các quốc gia láng giềng khi ở thời kỳ hoàng kim.

 

 

Đất của họ, phải theo luật họ

 

Chỉ cách khu vực Angkor Borei ngày nay chừng 10 phút đi thuyền, giữa một vùng đầm lầy là một xóm nhỏ với khoảng 10 nóc nhà đơn sơ của những người dân chài Việt Nam. Một trong số họ là anh Nguyễn Chí Cường. Anh đến từ tỉnh An Giang – chỉ cách nơi này chưa đầy 10km về phía biên giới Việt Nam.

 

Anh Cường cho biết anh đã từng nghe nói về kênh đào này nhưng không biết nhiều về nó.

“Người ta nói với tôi rằng chúng tôi có thể sẽ phải thu dọn và quay về An Giang để dành chỗ này cho việc xây dựng kênh đào. Nhưng chúng tôi không biết khi nào [sẽ phải rời đi]” – anh nói. “Đây là Campuchia: Đất của họ, phải theo luật của họ. Chúng tôi không thể làm gì ngoài việc tuân thủ”.

 

“Chúng tôi biết ơn vì họ cho chúng tôi ở đây đánh cá. Người Campuchia đối xử với chúng tôi rất tốt và chúng tôi có thể qua lại [giữa hai bên] mà không gặp vấn đề gì” – anh Cường nói thêm.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/p3-3.jpeg/@@images/4b70a974-2987-4d22-bc25-ebbf0c19606c.png

Tuyến đường dự kiến của kênh đào Phù Nam Techo

 

Nhưng ở bên ngoài khu vực biên giới yên bình và dễ chịu này, dự án kênh đào Phù Nam Techo đã khuấy động một sự thù ghét chưa từng thấy trong nhiều năm giữa Campuchia và Việt Nam và Trung Quốc có khả năng trở thành người hưởng lợi lớn từ sự bất hòa này.

 

Việt Nam đã phàn nàn về việc Campuchia cung cấp thiếu thông tin về dự án kênh đào trị giá 1,7 tỷ USD – tuyến đường thủy dự kiến sẽ nối thủ đô Phnom Penh với các cảng Campuchia có kế hoạch phát triển trên bờ biển của mình và chấm dứt sự phụ thuộc của Campuchia vào các cảng của Việt Nam ở phía nam.

 

Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần hối thúc Campuchia cung cấp đánh giá tác động đối với dòng chảy và cân bằng sinh thái của đồng bằng sông Mekong. Các quan chức Campuchia phản hồi không thiện chí một cách bất thường, nói rằng họ không phải làm vậy.

Họ nói rằng vì dự án chỉ lấy nước từ sông Bassac mà không có kết nối trực tiếp tới sông Mekong nên Campuchia chỉ cần thông báo cho Ủy hội Sông Mekong – một tổ chức liên chính phủ của bốn quốc gia phụ trách việc quản lý chung sông Mekong – là đủ. Các nhà quy hoạch Campuchia coi sông Bassac là một phụ lưu chứ không phải là dòng chính của sông Mekong.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/p4-2.jpeg/@@images/a8694b64-f0e2-438f-913a-9567129ea7f9.jpeg

Một nông dân làm việc trên ruộng lúa tại huyện An Phú, tỉnh An Giang. Ảnh chụp ngày 19/8/2024. Nguồn ảnh: RFA

 

Sông Bassac tách ra khỏi sông Mekong ngay phía nam Phnom Penh, sau đó uốn lượn về phía nam dọc theo sông Mekong, chảy qua Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) rồi đổ ra biển Đông. Kênh đào Phù Nam sẽ nối sông Mekong với sông Bassac, sau đó chạy từ phía Tây của sông Bassac đến bờ biển của Campuchia.

 

Campuchia khăng khăng rằng kênh đào Phù Nam sẽ không làm giảm dòng chảy của sông Mekong vào vùng ĐBSCL - vựa lúa chính của Việt Nam và tác động của nó đến vùng hạ lưu sẽ là không đáng kể.

 

Trong một báo cáo nghiên cứu của mình, Trung tâm Stimson có trụ sở tại Washington đã bác bỏ quan điểm của Campuchia và cho rằng việc phân loại đoạn sông bị ảnh hưởng cần được thay đổi từ “phụ lưu” thành “dòng chính” để bắt đầu quá trình tham vấn bắt buộc đối với các dự án có liên quan tới dòng chính của sông Mekong.

 

 

Kế hoạch tham vọng

 

Các nhà khoa học Việt Nam không đồng ý [với nhận định của phía Campuchia] về mức độ ảnh hưởng mà kênh đào Phù Nam có thể gây ra đối với dòng chảy của sông Mekong.

Một số người như ông Lê Anh Tuấn ở Đại học Cần Thơ cho rằng dòng chảy có thể giảm tới 50% trong mùa khô.

 

Những người khác, như chuyên gia độc lập Tô Văn Trường cho rằng ước tính của ông Lê Anh Tuấn là “thổi phồng” và đưa ra một ước tính thấp hơn nhiều, đó là mức độ dòng chảy chỉ giảm khoảng 4%.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/p5-2.jpeg/@@images/3f37ff20-92ff-4f84-ae40-b6d6151344a9.jpeg

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh (ở giữa) chào các nhân sự hải quân Trung Quốc khi đến thăm hai tàu chiến Trung Quốc đậu tại căn cứ hải quân Ream gần Sihanoukville ngày 3/12/2023.  Nguồn ảnh: Facebook của Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Seiha

 

Có một điều mà các nhà khoa học này dường như nhất trí với nhau là cần có thêm các tham vấn và thông tin để có thể bảo vệ ĐBSCL - nơi sinh sống của 17,4 triệu người và vốn đang gánh chịu ảnh hưởng của hiện tượng xâm nhập mặn.

 

Trong khi báo chí tập trung bàn về tác động môi trường và tính khả thi tài chính của dự án, các nhà phân tích Việt Nam lại quan tâm nhiều đến việc đánh giá các hệ quả địa chính trị, đặc biệt trong bối cảnh sự hiện diện của Trung Quốc đang cận kề và đe dọa khu vực này.

 

Phó Thủ tướng Campuchia Sun Chanthol đã gặp ông Trịnh Sách Khiết, một quan chức cấp cao phụ trách các chính sách phát triển của Trung Quốc tại Bắc Kinh vào ngày 9/9/2024 để thảo luận về các dự án của Trung Quốc tại Campuchia, trong đó có cả dự án kênh đào Phù Nam Techo và “để đảm bảo các dự án này hoàn thành đúng thời hạn” – tờ Khmer Times đưa tin.

 

Tập đoàn Cầu Đường Trung Quốc – một tập đoàn thuộc sở hữu của Chính phủ Trung Quốc - là một trong những nhà đầu tư chính vào dự án kênh đào này.

 

Ông Nguyễn Minh Quang, giảng viên tại Đại học Cần Thơ, cho rằng việc xây dựng kênh đào Phù Nam là nhằm mục đích thay đổi cả mặt kinh tế và chiến lược cho khu vực miền nam Campuchia -  nơi Trung Quốc vốn đã có những mối quan tâm/lợi ích về quân sự.

 

“Bằng chứng ban đầu cho thấy kênh đào Phù Nam Techo chỉ là giai đoạn đầu của một kế hoạch tham vọng” - giảng viên người Việt Nam nhận định trong một phân tích gần đây mà ông là đồng tác giả.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/p6.jpeg/@@images/d620a77c-c2c9-416a-9310-dab90e415915.jpeg

Hai nghệ sĩ, một người trong trang phục truyền thống của Campuchia và người kia mang  trang phục bộ đội Việt Nam, tham gia lễ kỷ niệm 40 năm chiến thắng chế độ Khmer Đỏ tại Hà Nội, ngày 4/1/2019. Nguồn ảnh: Kham/Reuters

 

“Đô thị hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, các hoạt động khai thác mỏ và đầu tư cơ sở hạ tầng, trong đó có việc xây dựng một cảng nước sâu ở Kep, sẽ hình thành tiếp sau kênh đào và những điều này có khả năng sẽ tạo điều kiện cho sự ra đời của các khu kinh tế được Trung Quốc hậu thuẫn và các trung tâm hỗ trợ hậu cần quân sự ở miền nam Campuchia.”

 

Tác giả của bài phân tích nhận định rằng nếu những trung tâm phát triển này trở thành hiện thực, hải quân Trung Quốc sẽ có tiếp cận hoàn hảo với căn cứ hải quân Ream ở tỉnh Sihanoukville của Campuchia cũng như chuỗi cung ứng và nguồn lực quân sự tại chỗ.

 

“Điều này, đến lượt nó, về cơ bản có thể hiểu là một bước tiến đặc biệt đối với tiền đồn quân sự được cho là có thật trên thực tế của Trung Quốc tại vịnh Thái Lan” – ông Quang bổ sung.

 

 

Tinh thần dân tộc chủ nghĩa

 

Hầu hết các bài báo về kênh đào này trên báo chí Việt Nam đều mang tính phản ánh thực tế, thể hiện lời kêu gọi chính thức của nước này về việc cung cấp thông tin và đảm bảo tính minh bạch.

 

Tuy nhiên, trên mạng xã hội Việt Nam lại có một bức tranh hoàn toàn khác. Vào tháng 5, những người yêu nước đã đưa ra những nhận xét cay nghiệt  đối với ông Hun Sen. Rất nhiều bình luận thô lỗ xuất hiện dưới các bài đăng trên TikTok của ông.

 

“Việt Nam đã hy sinh xương máu của mình vì nền hòa bình Campuchia” - môt người dùng mạng xã hội nói, ám chỉ cuộc xâm lược Campuchia của Việt Nam vào cuối năm 1978 để lật đổ  chế độ Khmer Đỏ khét tiếng tàn ác và thành lập một phe ly khai của Đảng Cộng sản Campuchia mà ông Hun Sen là một thành viên.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/p7.jpeg/@@images/2bab2614-79a0-4437-bb0a-5f9328c3df55.jpeg

Ông Hun Manet, con trai của Thủ tướng Campuchia Hun Sen, bắt tay với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm chính thức đến Bắc Kinh, ngày 10/2/2023. Nguồn ảnh: Faceboook của Hun Sen

 

Quân đội Việt Nam đã ở lại Campuchia trong thập kỷ tiếp theo, chiến đấu với Khmer Đỏ và các lực lượng du kích khác đồng thời bảo vệ nền móng của chính phủ Campuchia cầm quyền từ đó cho đến hôm nay.

 

“Đừng quên hàng chục ngàn lính tình nguyện Việt Nam đã bị thiệt mạng ở Campuchia” – một bài viết khác trên mạng xã hội cho thấy sự tức giận của người Việt Nam trước cách Hun Sen gạt bỏ những lo ngại của Việt Nam về dự án kênh đào “con cưng” của ông ta.

 

“Vô ơn”, “con rối của Trung Quốc” và “kẻ phản bội” là những từ mà những người chỉ trích trên mạng xã hội Việt Nam đã dùng để chỉ ông Hun Sen.

 

Quan hệ giữa Việt Nam và Campuchia có thể trở thành căng thẳng về mặt chính trị, đặc biệt là ở Campuchia, nơi tàn dư của sự oán hận về những bất công và các cuộc chinh phục/xâm lược, ở một số thời điểm, có thể bị đẩy lên thành bạo lực.

 

Các đảng phái chính trị của Campuchia đều đã và đang sử dụng con bài chống Việt Nam để tăng cường tính tính danh và sự ủng hộ. Các nhà phân tích cho rằng ông Hun Sen đặc biệt dễ bị tổn thương bởi những mưu đồ chính trị như vậy vì ông đi lên từ một chính quyền do Việt Nam dựng lên.

 

Việt Nam và chính quyền Phnom Penh từng là kẻ thù không đội trời chung với Trung Quốc trong những năm 1980 nhưng điều này giờ đây đã thay đổi hoàn toàn.

 

Năm 2015, Bộ Ngoại giao Campuchia đã gửi các công hàm ngoại giao cứng rắn, yêu cầu Việt Nam ngừng mọi hành vi xâm lấn tại các khu vực tranh chấp giữa hai nước.

 

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/p8.jpeg/@@images/c3df206a-fa9d-42fd-aabf-77fc0dcfe6c6.jpeg

Đài tưởng niệm nạn nhân Vụ thảm sát Ba Chúc tại thị trấn Ba Chúc, tỉnh An Giang, Việt Nam. Ảnh chụp ngày 20/8/2024. Nguồn ảnh: RFA

 

Giờ đây, Hun Sen và Đảng Nhân dân Campuchia cầm quyền của ông ta là đồng minh vững chắc của Trung Quốc và những tranh cãi về con kênh đào đã cho thấy một đường lối cứng rắn đáng ngạc nhiên của nước này đối với Việt Nam.

 

Trong một lời chỉ trích gần như chưa từng có đối với đồng minh cũ của mình khi đáp lại câu hỏi của Việt Nam về dự án kênh đào, ông Hun Sen nói trong một bài phát biểu vào tháng 4 năm nay rằng Việt Nam đang “xây dựng rất nhiều đập nước để bảo vệ hoa màu của họ và những đập nước này ảnh hưởng đến Campuchia”.

 

Ông nói rằng Campuchia “không thua kém Việt Nam” và “Campuchia biết cách bảo vệ lợi ích của mình, Việt Nam không cần phải quan tâm”.

 

 

Trách nhiệm của Campuchia

 

Ở phía bên kia bên giới về phía Việt Nam, những người lớn tuổi vẫn nhớ đến cuộc chiến đã gắn bó hai nước láng giềng nằm dọc con sông Mekong – con sông vốn đã và đang ràng buộc số phận của họ với nhau.

 

“Chúng tôi có chung dòng sông, tất nhiên chúng tôi phải quan tâm” – bác nông dân Lê Văn An, 63 tuổi, ở tỉnh An Giang của Việt Nam nói và thêm rằng: “Campuchia phải có trách nhiệm báo cho chúng tôi biết họ sẽ làm gì”.

 

Người cựu binh này nói rằng sự suy giảm lượng nước của con sông sẽ là một thảm họa.

 

“Tôi hy vọng Đảng và chính phủ Việt Nam sẽ ngăn không cho điều này xảy ra” - ông nói.

 

Ở làng Ba Chúc, một đài tưởng niệm sừng sững đứng đó như là lời nhắc nhở về sự kiện kinh hoàng xảy ra cách đây gần 50 năm khi lực lượng Khmer Đỏ tấn công sâu vào Việt Nam và thảm sát hơn 3.000 người dân vào năm 1978.

 

Ông An, người đã chiến đấu trong cuộc chiến tranh biên giới Việt Nam-Campuchia được châm ngòi bởi vụ thảm sát, nói rằng ông không hề oán hận người Campuchia.

 

“Họ cũng giống như chúng tôi thôi” - ông nói nhưng cũng thêm rằng ông không tin tưởng chính phủ Campuchia.

 

“Đặc biệt là bây giờ khi họ có sự hẫu thuẫn của Trung Quốc”. 

 

-------------------------------------------------------------------------

Tin, bài liên quan

Thời Sự

 

“Năng lượng mặt trời nổi” cứu nguy cho sông Mekong và đồng bằng sông Cửu Long

Việt Nam làm được gì trong vấn đề sông Mekong khi là Chủ tịch ASEAN?

Quan hệ với Trung Quốc: ‘Chính phủ Việt Nam phải nghe dân, bằng không sẽ mất hết quyền lợi dân tộc’

Đập thuỷ điện đe doạ cuộc sống của 3,4 triệu dân lưu vực tiểu vùng Mekong

Việt Nam tiếp tục khai thác cát: Môi trường sống bị ảnh hưởng thế nào?







No comments: