Saturday, October 12, 2024

CHIẾN TRANH UKRAINA : ZELENSKY CHỊU ÁP LỰC TRÊN MẶT TRẬN QUÂN SỰ và NGOẠI GIAO (Thùy Dương / RFI)

 



Chiến tranh Ukraina : Zelensky chịu áp lực trên mặt trận quân sự và ngoại giao

Thùy Dương  -  RFI

Đăng ngày: 11/10/2024 - 14:41  -  Sửa đổi ngày: 11/10/2024 - 15:22

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20241011-chi%E1%BA%BFn-tranh-ukraina-zelensky-ch%E1%BB%8Bu-%C3%A1p-l%E1%BB%B1c-tr%C3%AAn-m%E1%BA%B7t-tr%E1%BA%ADn-qu%C3%A2n-s%E1%BB%B1-v%C3%A0-ngo%E1%BA%A1i-giao

 

Giữa tuần này, sau khi đến Croatia dự thượng đỉnh Ukraina - Đông Nam Âu với đại diện 12 nước trong khu vực hôm 09/10/2024, tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky có vòng công du Tây Âu, lần lượt đến Anh, Pháp, Ý và Đức, nhằm tìm kiếm viện trợ. Theo nhận định của báo Le Figaro, ngày 10/10/2024, tổng thống Ukraina đang chịu nhiều sức ép, cả trên mặt trận quân sự và ngoai giao.

 

HÌNH :

Tổng thống Ukraina Volodomyr Zelensky (không đeo cà vạt) lúc nghỉ giải lao tại thượng đỉnh Ukraina - Đông Nam Âu, tại Dubrovnik, Croatia, ngày 09/10/2024. AP

 

Tờ báo thiên hữu của Pháp cho rằng phương Tây dường như « tê liệt » trong bối cảnh Hoa Kỳ, nước viện trợ nhiều nhất cho Ukraina, đang tập trung vào kỳ bầu cử tổng thống 2024. Đó là chưa kể phương Tây hiện giờ cũng phải dồn sự chú ý đến cuộc chiến ở Trung - Cận Đông.

 

Điểm đáng chú ý, theo Le Figaro, trong chiến tranh, các nước dân chủ thường khó duy trì lâu dài các cam kết của mình. Vốn quen với các nhiệm kỳ ngắn hạn, theo nhịp độ các cuộc bầu cử và ngân sách hàng năm, chính quyền các nước dân chủ không không thể bền bỉ kéo dài nỗ lực trong khi các chế độ độc tài, chuyên chế thì lại có thể huy động nguồn lực một cách lâu dài.

 

Thượng đỉnh Ramstein tại Đức, cuộc họp đầu tiên của giới lãnh đạo cấp cao nhất của các nước đồng minh của Kiev, đã bị « cơn bão Milton cuốn trôi » : thượng đỉnh bị hoãn vô thời hạn vì tổng thống Mỹ Biden phải ở lại Washington chỉ đạo công tác phòng chống cơn bão « mạnh nhất thế kỷ », cho dù đây được xem như chuyến công du châu Âu cuối cùng của ông Biden trên cương vị nguyên thủ Mỹ nhằm trấn an các đồng minh đang lo lắng về nguy cơ Donald Trump tái đắc cử tổng thống Mỹ.

 

Đối với một số người, lẽ ra tổng thống Joe Biden đã có thể cử đại diện đến thượng đỉnh ở căn cứ Ramstein của Mỹ tại Đức. Thế nhưng, Marko Mihkelson, chủ tịch Ủy ban Đối ngoại tại Quốc Hội Estonia, nhận định rằng việc hủy thượng đỉnh Ramstein, mà theo dự kiến thì tổng thống Zelensky sẽ trình bày « kế hoạch giành chiến thắng » cho Ukraina, chính là « một tín hiệu rõ ràng gửi đến chính quyền Nga ». Đó là « phương Tây chưa sẵn sàng ủng hộ kế hoạch chiến thắng » của KievĐó là sự « thiếu quyết tâm chính trị, lòng can đảm và nguồn lực. Và tệ hơn nữa, điều này có nghĩa là phương Tây chưa sẵn sàng chiến đấu cho lý tưởng của mình ».

 

Về cơ bản, cả Luân Đôn, Paris, Roma hay Berlin đều không thay đổi quan điểm ủng hộ việc củng cố vị thế của Ukraina trên chiến trường để giúp Kiev đạt được « thế mạnh » ở bàn đàm phán. Thế nhưng, đằng sau hậu trường, dù là ở Paris, Berlin hay Washington, trong thâm tâm, các nhà lãnh đạo đều mong muốn đạt được hòa bình, cho dù Ukraina phải thỏa hiệp về lãnh thổ.

 

Những người ủng hộ việc chấm dứt chiến tranh ở Ukraina tự cho mình là theo chủ nghĩa hiện thực. Họ quan sát thấy rằng các lực lượng Ukraina đã phải rút lui ở Donbass, dù chậm nhưng liên tục. Gần đây nhất, quân Ukraina phải rút khỏi Vuhledar, khiến đối phương tiến lại gần hơn Pokrovsk, thành phố có vai tro then chốt về hậu cần quân sự đối với lực lượng Ukraina. Mọi người đều nhận thấy là đợt quân Ukraina tấn công, xâm nhập vào vùng biên Kursk của Nga hồi tháng 08 cũng không cản được bước tiến của quân Nga ở miền đông Ukraina.

 

Họ cũng nhận thấy là sau hơn 2 năm rưỡi chiến tranh Ukraina, nhiều nước phương Tây đã cảm thấy « mệt mỏi » và cũng đã quen với cảnh bom đạn ở sườn đông châu Âu.

 

Việc cử tri miền đông Đức bỏ phiếu ồ ạt cho phe cực hữu thân Nga trong kỳ bầu cử địa phương vừa qua, đã gián tiếp dẫn đến quyết định của chính phủ Đức cắt giảm một nửa viện trợ cho Ukraina vào năm 2025.

 

Trước cảnh các đồng minh của Ukraina thiếu chiến lược, tổng thống Nga Vladimir Putin từ lâu nay đã chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh tiêu hao, hiện tại không có gì và không ai có thể khiến Nga đi chệch quỹ đạo.

 

 

Bất đồng quan điểm với đồng minh phương Tây

 

Không những vậy, theo Le Figaro, dẫu thượng đỉnh Ramstein có diễn ra thì cũng sẽ càng cho thấy nhiều điểm khác biệt giữa Ukraina và các đồng minh phương Tây : sử dụng vũ khí tầm xa của phương Tây để tấn công các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Nga, giúp Ukraina bắn chặn các tên lửa của Nga, đòi Nga rút ra khỏi các vùng chiếm đóng ở Ukraina hay ủng hộ Kiev gia nhập Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO…

 

Trái lại, trong số các đồng minh phương Tây của Ukraina, ngày càng có nhiều tiếng nói ủng hộ việc Kiev mở đàm phán với Matxcơva. Một số người khuyên Volodymyr Zelensky giảm tham vọng. Trên thực tế, kể từ khi chiến tranh Ukraina nổ ra hồi tháng 02/2022, các đồng minh đã cung cấp đủ vũ khí để Kiev tự vệ trước Nga, nhưng lại không đủ để Ukraina giành chiến thắng. Những lời đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân của Vladimir Putin, dẫn đến nỗi lo sợ Đệ Tam Thế Chiến, càng làm chậm đà viện trợ quân sự cho Ukraina. Le Figaro nhấn mạnh phương Tây không muốn Nga thắng trong chiến tranh Ukraina, nhưng cũng không thể để Nga thua để rồi có nguy cơ phải gánh chịu hậu quả của sự sụp đổ của chế độ Putin.

 

Những lời kêu gọi viện trợ của Volodymyr Zelensky càng ít được lắng nghe khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang đến gần. Kết quả của cuộc bầu cử này có thể quyết định số phận của Ukraina. Quan điểm của Donald Trump về viện trợ cho Kiev thì đã rõ, còn Kamala Harris vẫn tỏ ra khá mơ hồ. Bà cho biết sẽ tiếp tục ủng hộ Ukraina, nhưng cho rằng tổng thống Ukraina nên điều chỉnh tham vọng, dành thêm chỗ cho vế đàm phán trong kế hoạch giành chiến thắng cho Ukraina. Bà cũng không cho biết quan điểm về việc Ukraina xin gia nhập NATO. Về phần mình, ông Biden phản đối điều này.

 

Le Figaro kết luận, nếu một ngày nào đó đầu óc « thực tế » của các nước đồng minh thắng thế, buộc Ukraina đàm phán với Nga, thì chắc chắn cần phải tranh luận làm rõ thế nào là chiến thắng, các bảo đảm về an ninh cho một nước Ukraina dân chủ, tự do, hướng về châu Âu, ra sao.

 

-------------------------

Các nội dung liên quan

 

CHIẾN TRANH UKRAINA - VIỆN TRỢ

Tiếp nguyên thủ Ukraina, tổng thống Pháp Macron khẳng định tiếp tục viện trợ Kiev theo đúng cam kết

 

UKRAINA - NGA

Chiến tranh Ukraina : TT Zelensky dự thượng đỉnh Ukraina-Đông Nam Âu

 







No comments: