VietTuSaiGon - Blog
RFA
Thứ
Tư, 10/09/2024 - 00:53 — VietTuSaiGon
https://www.rfavietnam.com/node/8181
Có
những chuyện chung quanh ta, rất gần, bước ra đường vài chục bước chân đã là
chuyện kinh thiên động địa, nhưng hầu như ta ngỡ/thấy/cảm thấy nó bình thường,
phải là chuyện ở nơi khác, chuyện gì khác, nghe giật gân kia mới kinh thiên động
địa cơ! Chính vì cái “bình thường” này, cái “thấy” này mà hầu hết con người,
khi nằm trong rọ rồi vẫn còn thấy mình tự do, thấy kẻ khác tù đày, chứ bản thân
mình thì tự do, tự tại. Thử nhìn ra vài con đường bê tông ở bất cứ làng quê nào
thì hiểu ra, chuyện không đơn giản chút nào. Bởi, đằng sau những lớp mặt đường
đã bị bê tông hóa kia, chính là chút hồn nhiên nhỏ nhoi sót lại của con người
cũng đang bị bê tông hóa.
Nói
như vậy, tức bê tông hóa đường làng, lối xóm là đang bê tông hóa tâm hồn sao?
Không
phải thế, hoàn toàn không phải thế, vấn đề cốt lõi vẫn là cơ chế. Cùng làm một
con đường, cùng trồng một cái cây, nhưng cơ chế khác nhau thì bản chất và kết
quả hoàn toàn khác nhau, và, thậm chí có thể nói rằng cùng một cái cây, cùng một
con đường, nhưng ngược cơ chế, thì cái cây này, con đường này là giúp người,
còn cái cây kia, con đường kia là hại người.
Trường
hợp trồng cây trong thành phố, tạo ra bóng mát cây xanh là xu hướng chung của
nhân loại, thế nhưng trong cơ chế quản lý của Việt Nam hiện tại, việc trồng cây
có thể gây chết người. Bởi động cơ và bản chất của nó hoàn toàn khác với bất kì
việc trồng cây của xứ sở nào.
Động
cơ của việc trồng cây tại Việt Nam là lấy tiền, lấy càng nhiều tiền từ túi của
dân thông qua thuế, đưa về túi nhà mình càng nhiều bao nhiêu thì càng tài giỏi
bấy nhiêu, thành công bấy nhiêu. Và, cái cơ chế xin - cho, cấp phép, trình dự
án, chạy dự án, đút lót mua bán dự án dưới sự lãnh đạo tài tình của các cán bộ
đảng viên đã nhanh chóng trở thành cái chợ mua bán cơ hội của các nhóm lợi ích.
Và cuối cùng, nhóm lợi ích nào mạnh, biết chung chi, chạy chọt thì nhóm ấy
thành công trong bất kì dự án nào. Để rồi, sau khi nắm dự án trên tay với hàng
ngàn lời hoa mỹ về tính khoa học, tiện ích và thẩm mỹ của nó, kẻ thực hiện dự
án cứ làm tùy thích, làm theo cái mà y/thị cảm thấy có lợi nhất, dễ đút túi nhất.
Thế
mới có chuyện có đến hàng ngàn huyện, xã trong sáu mươi ba tỉnh thành Việt Nam
này có một cách trồng cây khá đặc biệt, tức trồng cây xanh, loại lâu năm, dòng
gỗ quí, cổ thụ ngay ngắn, thẳng hàng với trụ điện. Và cây phát triển chừng ba
năm thì chạm dây điện, lúc đó, người ta liên tục cắt cây, tỉa cây để bảo vệ dây
điện, phòng tránh cháy nổ, va chập điện... Và cũng bởi thế mới có chuyện cây
xanh lâu năm, dòng cổ thụ trồng trên các vỉa hè của làn dưới, trên đầu cây là
trên của đường tránh, đường vượt. Cây trồng vài ba năm lại cắt, tỉa, cây lâu
năm khi vào thành phố Việt Nam thành ngay cây cụt đầu, cây bonsai bắt buộc.
Đó
là chuyện cái cây, còn chuyện con đường, đáng sợ hơn là loại đường xã hội hóa
bê tông nông thôn. Mấy chữ “xã hội hóa” quen thuộc của nhà nước xã hội chủ
nghĩa, chắc không cần nhắc thêm về xuất xứ cũng như hành trạng của nó, bởi di
chứng của nó có mặt ở mọi nơi, vụ việc cô giáo
Hạnh ở thành phố Hồ Chí Minh xin phụ huynh góp tiền mua máy tính xách
tay, dự tính gần ba chục triệu đồng (ở Việt Nam, máy tính xách tay loại gần ba
chục triệu đồng là loại cực xịn, loại dành cho dân pro, chuyên gia, một giáo
viên tiểu học mà mơ dùng cái máy tính loại này bằng tiền của phụ huynh học sinh
thì phải biết là cỡ nào!), phụ huynh không đồng ý, vậy là cô giáo “dỗi”, không
soạn giáo án. Cô dám mở miệng xin vì cô nghĩ rằng đã “xã hội hóa giáo dục” (lời
trần tình của cô Hạnh).
Xã
hội hóa bê tông nông thôn cũng vậy, cán bộ nhà nước lên dự án, xin kinh phí, và
kinh phí làm một con đường bê tông bao giờ cũng có tính gồm vật liệu xây dựng,
tiền công, các thứ chi phí phát sinh, trung bình mỗi mét vuông đường bê tông
dày hai chục phân tại Việt Nam dao động từ 30 triệu đồng đến 50 triệu đồng, có
nơi lên đến 70 triệu, thậm chí 100 triệu đồng. Nhưng vẫn thi công với điều kiện
xã hội hóa.
Tức
cán bộ (thường là lãnh đạo địa phương như Chủ tịch xã, phường) lên dự án, duyệt
dự án xong sẽ cử cấp phó xuống họp dân, yêu cầu dân góp công, nhà nước góp của
và cuộc họp có viết biên bản, ký đấm hẳn hoi. Lẽ thường, trong cuộc họp, cán bộ
tha thiết kêu gọi nhân dân hãy vì tương lai đời sống của chính mình mà góp
công, góp sức, vật liệu đã có nhà nước lo... Vậy là nhân dân đồng ý, với số lượng
bao nhiêu sạn, bao nhiêu cát, bao nhiêu xi măng. Ước chừng mỗi mét vuông dao động
từ 2 triệu đồng đến 5 triệu đồng, không thể nhiều hơn. Cuộc họp kết thúc,. biên
bản đã ký, vậy là tiến hành thi công. À quên, đoạn nào có mở đường, cán bộ xin
đất của dân mở nốt, không có đền bù nào cả, vì “xã hội hóa” cơ mà! Trong khi
đó, dự án gồm cả tiền đền bù diện tích đất cho dân.
Đó
là phần cán bộ, ngoạm một miếng nạc to tướng, còn cục xương có dính tí gân, xuống
đến cán bộ địa phương cỡ thôn, khối phố. Cán bộ địa phương sẽ trực tiếp chỉ đạo
và đôn đốc nhân dân thi công. Trong quá trình thi công, đoạn nào đi qua nhà cán
bộ địa phương thì mác bê tông phải thật vững, chắc chắn, đường thi công đẹp, đó
là chưa nói nhân lúc làm đường, cán bộ làm luôn con đường vào nhà bằng bê tông
“xã hội hóa”. Nhân dân thì tranh thủ làm sao đoạn ngang nhà mình đổ dày hơn một
chút để trời mưa khỏi đọng nước, những người thấp cổ bé miệng thì đành chịu mọi
thiệt thòi.
Cũng
nhờ xã hội hóa mà bạn đi đâu, bất kì nơi nào, chỉ cần sau một trận mưa hoặc những
ngày nắng gắt, bạn sẽ biết ngay bạn đi ngang qua nhà công dân hạng mấy trong xã
hội này. Trời mưa, bạn đi cả một con đường bê tông dài, bỗng dưng gặp một đoạn ổ
gà, ổ voi và thấp tẻ, nước đọng thành sông, đích thị bạn đang đi ngang nhà những
công dân hạng hai, hạng ba trong xã hội này. Ngược lại, những gia đình công dân
đỏ, hạng một, bạn đi ngang nhà họ, đường cao ráo, sáng sủa, và đương nhiên nhà
của họ cũng vậy. Trời nắng thì sao? Nhà công dân hạng hai thường ở những đoạn bụi
bặm, ổ gà nhấp nhô, nhà thấp hơn đường. Đó là một thực tế!
Và
cái thực tế xã hội hóa bê tông nông thôn này vô hình trung tạo ra một thứ luật
chơi của kèn cựa, ích kỉ, nhỏ nhen, gà què ăn quẩn cối xay của những người nông
dân, những người dân quê vốn quen với đời sống chân chất, mộc mạc, đùng một
cái, thế sự thay đổi, cơm áo, miếng ngon và lòng đố kị thúc giục, họ trở nên đê
hèn, không còn nghĩ đến đồng bào, đồng loại... Và một khi kẻ đắc thắng thực hiện
được ý đồ của họ thì người thua thiệt cũng đầy cay cú, miền quê hiền hòa, thân
thiện với lũy tre làng, cây đa, giếng nước, bến đò... ngày nào bỗng dưng chai sạn,
tâm hồn của họ bị bê tông hóa theo con đường trước ngõ. Trong một chút cải thiện
không lầy lội, bùn dơ những ngày mưa đã chen lẫn nỗi nhầy nhụa, bứt rứt của thiệt
hơn và cay cú.
Và,
hình như, tâm hồn của người Việt nói chung, đã bị bê tông hóa theo những con đường,
đã bị xã hội hóa theo những khối bê tông và chẳng biết tự bao giờ, thiên nhiên
tươi đẹp, huyền nhiệm và thân thiện trở nên xa lạ với con người, trở thành một
loại nạn nhân, một thứ gì đó con người săn đón, săn bắt ráo riết và bất chấp
đúng sai.
Bởi
tâm hồn đã bê tông hóa, và chúng ta dần nứt nẻ với nắng mưa, chúng ta dần tự hủy
với thời gian để rồi, đến một ngày nào đó, chúng ta cũng là một loại bê tông
khác!
No comments:
Post a Comment