10/10/2014: Malala
Yousafzai giành giải Nobel Hòa bình ở tuổi 17
Nguồn: Malala Yousafzai, 17,
wins Nobel Peace Prize, History.com
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
https://nghiencuuquocte.org/2024/10/10/malala-yousafzai-gianh-giai-nobel-hoa-binh-o-tuoi-17/
Vào
ngày này năm 2014, nhà hoạt động Malala Yousafzai đã giành giải Nobel Hòa bình ở
tuổi 17. Là một người ủng hộ mạnh mẽ cho giáo dục trẻ em gái, tại quê hương
Pakistan và trên toàn thế giới, cô là người trẻ nhất từng đoạt giải Nobel.
Malala Yousafzai đang ngồi trong lớp hóa khi
cô biết mình đã giành giải Nobel Hòa bình. Sau khi nghe tin, cô nhớ lại, “Tôi đứng
dậy và đi tới lớp vật lý. Tôi phải hoàn thành buổi học của mình, bởi khi bạn nhận
được Giải Nobel Hòa bình cho giáo dục, bạn phải hoàn thành buổi học của mình.”
Sinh
ra tại Thung lũng Swat của Pakistan, nằm dưới chân dãy núi Hindu Kush, Malala
theo học tại một trường dành cho nữ sinh do cha cô điều hành tại làng Mingora của
họ. Cha cô, ông Ziauddin Yousafzai, người lớn lên cùng năm chị gái, tin vào tầm
quan trọng cơ bản của giáo dục đối với trẻ em gái. Trong một bài nói chuyện TED
năm 2014, ông đã nói về con gái mình, “Đừng hỏi tôi đã làm gì, hãy hỏi tôi đã
không làm gì. Tôi đã không cắt đôi cánh của con bé.”
Năm
2008, Taliban đã giành quyền kiểm soát thung lũng Swat. Là một phần trong chiến
dịch áp đặt quan điểm của họ về Hồi giáo chính thống, nhóm này đã dùng bạo lực
để đóng cửa các trường học dành cho nữ sinh, ném bom các trường học đồng thời
đe dọa giáo viên, phụ huynh, và học sinh. Không nản lòng, Malala, 11 tuổi, đã
cùng cha đến một câu lạc bộ báo chí địa phương ở Peshawar, nơi cô bé có bài
phát biểu đầu tiên trước công chúng với tựa đề “Sao Taliban lại dám tước đi quyền
được giáo dục cơ bản của tôi?” Sau đó, cô bé bắt đầu xuất bản một nhật ký trực
tuyến về cuộc sống của mình dưới thời Taliban cùng với đài BBC dưới dạng ẩn
danh. Khi Taliban bị đẩy khỏi Thung lũng Swat vào năm 2009, Malala tiếp tục chiến
dịch công khai của mình nhằm tăng cường khả năng tiếp cận giáo dục cho trẻ em
gái Pakistan.
Vào
ngày 09/10/2012, các chiến binh Taliban đã lên chiếc xe buýt đang chở nhà hoạt
động 15 tuổi này từ trường về nhà và bắn thẳng vào đầu cô bé ở cự ly gần. Viên
đạn sượt qua hộp sọ và xương hàm của cô, nhưng thật kỳ diệu, cô đã sống sót.
Malala đã trải qua ca phẫu thuật khẩn cấp, đầu tiên là ở Pakistan, sau đó là tại
Bệnh viện Queen Elizabeth ở Birmingham, Vương quốc Anh.
Vụ
ám sát đã giúp Malala và cuộc thập tự chinh của cô nhận được sự chú ý, khiến cô
trở nên nổi tiếng trên toàn thế giới. Cô bé đã nói về nỗi thống khổ của mình
trước Liên Hiệp Quốc vào ngày 12/07/2013: “Họ nghĩ rằng những viên đạn sẽ khiến
chúng tôi im lặng. Nhưng họ đã thất bại.” Cô kêu gọi các chính phủ trên khắp thế
giới bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em gái, và “đảm bảo giáo dục bắt buộc miễn
phí cho mọi trẻ em trên toàn thế giới.” Cùng năm đó, cô đã xuất bản cuốn
sách Tôi là Malala, đạt vị trí thứ ba trong danh sách sách phi hư cấu
bán chạy nhất của tờ New York Times, và còn thành lập Quỹ Malala để
hỗ trợ cho giáo dục trẻ em gái. Khoản tài trợ đầu tiên của quỹ đã được dùng để
hỗ trợ việc học của 40 trẻ em gái ở Thung lũng Swat.
Năm
2014, khi Malala 17 tuổi trở thành người trẻ nhất từ trước
đến nay nhận Giải Nobel Hòa bình, cô bé đã tuyên bố trong bài phát biểu nhận giải:
“Giải thưởng này không chỉ dành cho tôi. Nó dành cho những đứa trẻ bị lãng quên
muốn được giáo dục. Nó dành cho những đứa trẻ sợ hãi muốn được hòa bình. Nó
dành cho những đứa trẻ không có tiếng nói muốn được thay đổi. Tôi ở đây để đấu
tranh cho quyền của chúng, để lên tiếng cho chúng… Đây không phải lúc để thương
hại chúng… Đã đến lúc phải hành động để đây trở thành lần cuối cùng, lần cuối
cùng chúng ta thấy một đứa trẻ bị tước đoạt quyền được giáo dục.”
Đến
nay, Malala đã tốt nghiệp chuyên ngành Triết học, Chính trị và Kinh tế tại Đại
học Oxford.
No comments:
Post a Comment